Người lắng âm vọng nhân sinh

06:20 CH @ Thứ Ba - 01 Tháng Tư, 2014

Tận hiến cuộc đời mình cho nghệ thuật, Trịnh Công Sơn và các ca khúc của ông đã tạo nên một bộ phận giá trị, không thể tách rời trong dòng chảy ca khúc trữ tình Việt Nam thế kỷ XX.

Hầu hết những người từng (hoặc sẽ) viết về Trịnh Công Sơn đều chia sẻ: đặt giai điệu sang một bên, thì phần ca từ trong các tác phẩm của ông chính là những thi phẩm đích thực. Cái thế giới thi ca mang đậm tính siêu hình của ông mở ra trước mắt chúng ta một hồn người, và qua đó, cả một thời đại đầy biến động. Bước vào thế giới thi ca ấy, ta sẽ có dịp nhìn trở lại thực tại bằng chính cái nhìn mà thi nhân đã hướng về thực tại. Và thêm nữa, ta sẽ có thể nắm được thực tại bằng chính những âm vọng mà thi nhân đã nghe ra từ thực tại, theo một cách thật đặc biệt của riêng ông.

Giai đoạn sáng tác sung sức nhất và nhiều thành tựu nhất của Trịnh Công Sơn là những năm tháng chiến tranh. Các tập Ca khúc da vàng, Phụ khúc da vàng, Kinh Việt Nam, Ta phải thấy mặt trời chính là những trải nghiệm đau thương mà chiến tranh đã in hằn trên cuộc đời và trong tâm hồn ông. Tiếng súng nổ, tiếng đại bác gầm, tiếng mẹ khóc con tử nạn, tiếng người hấp hối... đó là những âm thanh thảm khốc ngập đầy trong các ca khúc về đề tài này của Trịnh Công Sơn. Nhưng, đôi khi chúng vang lên thật lạ lùng: Đại bác đêm đêm dội về thành phố/Người phu quét đường/Dừng chổi đứng nghe/Đại bác đêm đêm tương lai rụng vàng/Đại bác như kinh không mang lời nguyện/Trẻ thơ quên sống/Từng đêm nghe ngóng... Đại bác đêm đêm ru da thịt vàng/Đại bác nghe quen như câu dạo buồn/Trẻ con chưa lớn để thấy quê hương (Đại bác ru đêm). Tiếng đại bác trong thính trường của Trịnh Công Sơn - ít ra là ở ca khúc này - không hề mang vẻ hăm dọa khủng bố. Trái lại, nó có giai điệu, nó du dương, nó gần gũåi và quen thuộc, nó như một cái gì gắn liền với đời sống và tạo thành nhịp sống của con người! Bằng "cái nghe" riêng có của mình, ông đã bóc lộ một sự thật tàn nhẫn: chiến tranh làm mòn mỏi, làm đờ đẫn, làm mụ mị, làm tê liệt con người; con người bị đẩy vượt lên trên nỗi sợ, con người đánh mất cảm giác sợ hãi trước tiếng gầm của đại bác, con người chỉ còn là những tấm bia thịt vô tri mà đạn pháo có thể viếng thăm bất cứ lúc nào!

Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui
Nhạc sĩ: Trịnh Công Sơn
Thể hiện: Như Ý
>>Nghe nhạc...

Và như thế tôi sống vui từng ngày
Và như thế tôi đến trong cuộc đời
Đã yêu cuộc đời này bằng trái tim của tôi
Và như thế tôi sống vui từng ngày
Và như thế tôi đến trong cuộc đời
Đã yêu cuộc đời này bằng trái tim của tôi

Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui
Chọn những bông hoa và những nụ cười
Tôi nhận gió trời mời em giữ lấy
Để mắt em cười, tựa lá bay.

Mỗi ngày tôi chọn đường mình đi
Đường đến anh em đường đến bạn bè
Tôi đợi em về bàn chân quen quá
Hàng lá me vàng lại bước qua

Và như thế tôi sống vui từng ngày
Và như thế tôi đến trong cuộc đời
Đã yêu cuộc đời này bằng trái tim của tôi
Và như thế tôi sống vui từng ngày
Và như thế tôi đến trong cuộc đời
Đã yêu cuộc đời này bằng trái tim của tôi

Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui
Cùng với anh em tìm đến mọi người
Tôi chọn nơi này cùng nhau ca hát
Để thấy tiếng cười rộn rã bay

Mỗi ngày tôi chọn một lần thôi
Chọn tiếng ru con nhẹ bước vài đời
Tôi chọn nắng đầy chọn cơn mưa tới
Để lúa reo vàng tựa vẫy tay

Mỗi ngày tôi chọn ngồi thật yên
Nhìn rõ quê hương ngồi nghĩ lại mình
Tôi chợt biết rằng vì sao tôi sống
Vì sao tôi sống?
Vì đất nước cần một trái tim

Và như thế tôi sống vui từng ngày
Và như thế tôi đến trong cuộc đời
Đã yêu cuộc đời này bằng trái tim của tôi
Và như thế tôi sống vui từng ngày
Và như thế tôi đến trong cuộc đời
Đã yêu cuộc đời này bằng trái tim của tôi

Chiến tranh, chết chóc, thịt nát xương tan đã để lại vết tích trong ca từ của Trịnh Công Sơn với những hình ảnh đau đớn: Một chiếc xe tang/trái mìn nổ chậm/người chết hai lần/thịt da nát tan (Ngụ ngôn mùa đông), một buổi sáng mùa xuân/một đứa bé ra đồng/đạp trái mìn nổ chậm/xác không còn đôi chân, người con gái chợt ôm tim mình/trên da thơm vết máu loang dần (Người con gái Việt Nam da vàng)... Sự sống trở nên quá đỗi mong manh trong guồng máy chiến tranh. Lằn ranh giữa sinh và tử của đời người trở nên vô nghĩa như một tiếng cười nhạo. Thực tại ấy, được thêm sức đẩy của ngọn triều tư tưởng về cái phi lý từ Âu Mỹ tràn sang, đã đưa Trịnh Công Sơn đến rất gần quan niệm về sự hư ảo của nhân sinh và những nỗi đau khổ bất tuyệt của phận người.

Ông luôn nghe thấy những âm thanh của một thứ định mệnh tàn nhẫn đè nặng trên thân phận con người: Nghe xót xa hằn lên tuổi trời/Trẻ thơ ơi, trẻ thơ ơi/Tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người(Gọi tên bốn mùa). Ông đặc biệt nhạy cảm với những tiếng gọi của trăm năm - hư vô - cái chết: Đêm ta nằm bóng tối che ngang/Đêm ta nằm nghe tiếng trăm năm/Gọi thì thầm, gọi thì thầm, gọi thì thầm/Đêm nghe trời như hú như than/Ta nghe đời như có như không/Còn lại mình, đời bồng bềnh, đời buồn tênh (Còn có bao ngày). Bởi thế, không khó hiểu khi chợt bắt được một âm thanh rất đỗi bình thường của đời sống thực - tiếng ru - ảo giác về cái chết của chính mình đã ập đến với ông: Về trong phố xưa tôi nằm/Có lần nghe tiếng ru bên vườn/Chợt như xác thân không còn/Và cạnh tôi là đồng vắng (Lời thiên thu gọi).

Cái bóng trăm năm luôn ám ảnh trong suy tưởng và trong cảm xúc của Trịnh Công Sơn. Nói theo giọng phân tâm học, ông có lẽ thuộc về kiểu nghệ sĩ mà bản năng chết (thanatos) mạnh hơn bản năng sống (eros). "Cái nhìn", và tất nhiên, cả "cái nghe" của ông, chịu lực hút chủ đạo không phải từ sự sinh trưởng - khỏe khoắn - ấm áp - tươi vui, mà là từ những gì tàn lụi - héo úa - mòn mỏi - u sầu - lạnh lẽo. Một ví dụ: nếu mùa thu với sắc nắng vàng đã làm say đắm bao tâm hồn nghệ sĩ, họ chờ đón "những mùa thu tới", thì Trịnh Công Sơn lại chỉ thấy "những mùa thu đi", ông nghe ra ở sự đi của những mùa thu ấy cái chết của thời gian và sự chết dần của đời người: Nhìn những mùa thu đi/Em nghe sầu lên trong nắng/ Và lá rụng ngoài song/Nghe tên mình vào quên lãng/Nghe tháng ngày chết trong thu vàng (Nhìn những mùa thu đi). Một cách tất yếu, như là định mệnh, con người hướng theo tiếng gọi của cái bản năng chết ấy sẽ phải là một con người cô đơn, tuyệt đối cô đơn, bất chấp ý chí muốn nối kết với đời sống, với tha nhân của chính anh ta. Mỗi thanh âm của thế giới khi lọt vào thính trường của con người ấy đều trở thành một vọng âm nói về sự cô đơn, gợi đến sự cô đơn hoặc bắt anh ta phải nhận ra sự cô đơn. Đó là tiếng hát: Chiều chủ nhật buồn/Nằm trong căn gác đìu hiu/Ôi tiếng hát xanh xao của một buổi chiều/Trời mưa trời mưa không dứt/Ô hay mình vẫn cô liêu (Lời buồn thánh). Đó là tiếng gà trưa: Về trên phố cao nguyên ngồi/Tiếng gà trưa gáy khan bên đồi/Chợt như phố kia không người/Còn lại tôi bước hoài (Lời thiên thu gọi). Đó là tiếng mưa như lời ru miệt mài/ngàn năm ngàn năm trong ca khúc Tuổi đá buồn, tiếng mưa khiến câu hỏi "còn ai còn ai?" bật ra não nuột như tiếng thở dài của thi nhân trước nỗi cô đơn trên nhân thế.

Cần nói thêm rằng: giữa trùng trùng âm thanh của thế giới, cùng với lời ru, dường như Trịnh Công Sơn yêu nhất tiếng mưa. Không phải chỉ vì mưa đã giăng mịt mùng trong các ca khúc của ông, mà còn vì tiếng mưa nhiều khi được ông dùng như một âm chuẩn để "đo" các thanh âm khác, tiếng lá chẳng hạn. Dùng tiếng mưa "đo" tiếng lá, ông có những ca từ tuyệt hay: Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ (Diễm xưa), Lá hát như mưa suốt con đường đi(Em còn nhớ hay em đã quên) v.v...

Cô đơn, ở một khía cạnh nào đó, là cây thập giá tinh thần mà người nghệ sĩ đích thực phải mang vác suốt cuộc đời mình. Trong cô đơn, Trịnh Công Sơn tỏ ra có một thính lực thật kỳ lạ, ông nghe thấy muôn trùng lên tiếng, những thanh âm kết dệt một bầu khí thật ma mị liêu trai: Đêm nghe gió tự tình/Đêm nghe đất trở mình vì mưa/Đêm nghe gió thở dài/Đêm nghe tiếng khóc cười của bào thai... Đêm nghe gió than hoài/ Đêm nghe lá đưa lời hàm oan/Đêm nghe thân xác mịt mùng/Đêm nghe tiếng muôn trùng đẩy đưa (Nghe tiếng muôn trùng). Đi tới cùng của cô đơn, Trịnh Công Sơn rút gọn toàn bộ thế giới vào chính bản thân mình, ông nghe từ chính mình những âm vọng bi thiết của nhân sinh: Đôi khi ta lắng nghe ta/Nghe sóng âm u/Dội vào đời buốt giá/Hồn ta gió cát phù du bay về/Đôi khi trên mái tình ta/Nghe những giọt mưa/Tình réo tình âm thầm/Sầu réo sầu bên bờ vực sâu (Tình xa). Và đây nữa, một âm thanh - âm thanh zero - mà Trịnh Công Sơn đã nghe ra từ nhịp đập của chính trái tim mình, trái tim của một người Việt Nam biết thổn thức biết xót xa trước những biến cố đau thương đang diễn ra hằng ngày trên đất đai xứ sở, trên cuộc đời người Việt: Giọt nước mắt quê hương/Ôi còn chảy miên man/Ôi dòng nước mắt chảy hoài/Dòng nước mắt đời đời/Dòng nước mắt thương ai/Ôi dòng nước mắt trong tim/Chảy lai láng vào hồn/Nửa đêm gọi đến mình(Giọt nước mắt cho quê hương).

Tận hiến cuộc đời mình cho nghệ thuật, Trịnh Công Sơn và các ca khúc của ông đã tạo nên một bộ phận giá trị, không thể tách rời trong dòng chảy ca khúc trữ tình Việt Nam thế kỷ XX. Những ca khúc mang giai điệu buồn. Buồn, đó cũng là chủ âm trong ca từ của ông. Bởi lẽ, ở một phương diện nào đó, dường như cái tạng sẵn có của Trịnh Công Sơn không hợp với những vui vẻ hời hợt. Thượng đế đã bắt (hay đã ban?) cho ông sứ mệnh của kẻ có thể lắng trong mình những âm thanh u uất, những tiếng nói tang thương từ cõi người và cõi đời rồi chưng cất chúng thành những ca từ buồn và đẹp. Một điều mà chúng ta có thể khẳng định chắc chắn: Đó sẽ là di sản không bao giờ bị mất chân giá trị của Trịnh Công Sơn.

Trịnh Công Sơn (28/2/1939 – 1/4/2001) được ví như một tài năng lớn của nền âm nhạc Việt Nam. Những ca khúc của Ông mãi mãi có sức ảnh hưởng to lớn đối với bao thế hệ người nghe nhạc.

Khó có lời nào diễn tả hết hoăc đầy đủ về Trịnh Công Sơn, Nhạc sĩ Văn Cao từng nhận xét: "Trong âm nhạc của Sơn, ta không thấy dấu vết của âm nhạc cổ điển theo cấu trúc bác học phương Tây. Sơn viết hồn nhiên như thể cảm xúc nhạc thơ tự nó trào ra. Nói như nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, người bạn già của tôi, "Trịnh Công Sơn viết dễ như lấy chữ từ trong túi ra".

Cái quyến rũ của nhạc Trịnh Công Sơn có lẽ là ở chính ở chỗ đó, ở chỗ không định tạo ra một trường phái nào, một triết học nào, mà vẫn thấm vào lòng người như suối tưới. Với những lời, ý đẹp và độc đáo đến bất ngờ hôn phối cùng một kết cấu đặc biệt như một hình thức của dân ca hầu như không thay đổi, Trịnh Công Sơn đã chinh phục hàng triệu con tim, không chỉ ở trong nước, mà ở cả ngoài biên giới nữa..."

Trịnh Công Sơn sinh ngày 28 tháng 2 năm 1939 tại Lạc Giao (cao nguyên miền Trung Việt Nam).

Ông lớn lên ở Huế, tốt nghiệp tú tài ban Triết tại Chasseloup Laubat, Sài Gòn.

Trịnh Công Sơn tự học nhạc, bắt đầu sáng tác năm 1958 với tác phẩm đầu tay Ướt Mi (NXB An Phú in năm 1959). Nhạc sĩ đã sáng tác hơn 600 tác phẩm, có thể được phân loại dưới 3 đề mục lớn: Tình Yêu -- Quê Hương -- Thân Phận.

Nhạc sĩ qua đời lúc 12h 45 ngày 1/4/2001 tại Tp. HCM. Ông ra đi nhưng những gì ông để lại qua sự nghiệp âm nhạc của mình có giá trị thật lớn lao, những giai điệu, lời ca của Ông sẽ còn mãi với thời gian.

Lời mở theo nhạc của Trịnh Công Sơn bài Đại Bác Ru Đêm

Bao la là tiếng nói của độ lượng. Đời không thấy tha thứ cho nhau mà vẫn mơ ước bao la. Ai cũng thích những cánh đồng mênh mông, những chân trời rộng mở. Sao mà lắt léo thế? Con người luôn luôn sẵn sàng tham dự những chuyến đi bồng bềnh, sảng khoái với những chân trời không thấy. Thèm gió bể khơi. Thèm núi đồi trùng điệp. Hân hoan reo ca cùng chim chóc. Nâng niu những hoa đồng cỏ nội. Ai cũng thế. Không riêng ai. Đến với đất trời như những đứa con của vũ trụ, mà tấm lòng thì đóng kín tối tăm. Sao mà biển lận với trời đất quá vậy?

Đời đã mở cho ta những cõi rộng. Mà lòng nhân gian thì quá hẹp hòi. Có cái gì bất trắc mà nẩy sinh như thế. Đã vậy thì không nên sàm sỡ thốt tiếng bao la, mở lời rộng rãi. Đánh lừa thiên hạ còn khả thứ. Đừng bất kính với đất trời. Chưa bao giờ đóa sen, đóa hồng nở một cách gian dối. Lòng không nở được một điều gì tốt đẹp thì thôi. Đừng ép gượng.

Con người ta cũng hay đấy chứ. Dễ quên có phải là cái vốn liếng ở đời? Sống với người thì hẹp. Hẹp quá! Mai đây ra đứng trước cõi bao la thì nói chuyện phiêu bồng. Vả chăng, trời đất cũng dễ tính. Làm gì có chuyện trời đất ganh đua với người. Có chăng, chỉ là ganh với hồng nhan, với tài mệnh.

Thế ra, ông Trời cũng khéo lắm. Cũng bày ra những cuộc chơi riêng. Chơi với kẻ tương xứng. Hiểu ra như thế thì những định mệnh nổi trôi mới khỏi buồn.

Thời nào cũng có những hồng nhan đa truân. Bất cứ ở đâu. Kiều năm xưa hay Kiều nay thì cũng vậy. Gặp được người đồng điệu thì nói ngay tiếng nặng tình. Tinh lắm. Đã gặp được thì không bao giờ gieo lời mắc mỏ. Làm vậy, không những xấu mặt, mà xấu lòng.

Hình như có sự xếp đặt của ai đây. Bàn tay ghép gán quả là tài tình lắm. Tài tình và tài tử. Tài tử trong cái nghĩ ẩn báu lộng ngọc của cuộc đời. Bởi khi ta chạm đến tấm lòng quí giá kia của Kiều thì lập tức ta gặp cái bao la của trời đất. Hay lắm! Quỷ quyệt đến thế thì hết sức.

Và cái bao la kia là gì vậy? Là gì mà ai nấy đều nặng lòng với? Có kẻ đứng trước bao la mà không thấy được bao la. Có kẻ ở buổi bình minh, nghe tiếng chim hót đã chạm mặt với cõi vô lượng. Biết được vô lượng là cùng lúc đến với vô biên. Hay đôi khi gắn bó, hòa lẫn với nhau trong một cuộc hôn phối son sắt. Qua tay kẻ phàm nhân, cái vô biên được ví von đối chiếu nghịch lý với cuộc đời hữu hạn của con người. Nhưng nếu rảnh rỗi một chút hãy ra nhìn sông nước thử. Cái vô biên nằm đâu đó trên cánh vạc chở hoàng hôn về núi mỗi chiều.

Chạm đến vô biên là nhắc nhở cái lý sinh tử ở đời. Là muốn tầm tích con đường vô định của sự sống chết. Thường khi nó gây nên sự buồn bã không nguôi trong kiếp nhân sinh. Trái lại, đi vào cõi bao la người ta nhận ra được nỗi hân hoan trong lòng. Khi bắt được cái nhịp của trời đất, lòng ta bỗng reo ca, nhảy múa trong một hòa âm thuận chiều. Một cái gì đó soi tỏ đời ta như đạo đạt. Đó là cái bước nhảy hân hoan, nối liền trời với đất, của Zorba trên bờ biển. Cái phút hạnh phúc đó không đến với mọi người. Cái sự hòa nhịp kia cũng không thể có nếu lòng ta không được trang bị vẻ thênh thang của vũ trụ. Có thực sự chạm đến cõi vĩnh phúc vô hình, mới hý lộng, mới nhảy múa say sưa đến thế được .

Cho nên, nói đến chuyện riêng chung của trời đất là nói trong cái lý đó vậy. Cũng không dễ gì tập tành sự độ lượng. Muốn có được phải làm cả một cuộc đổi đời. Thay cái nhìn. Thay trí óc. Và tuyệt đối phải có một con tim đẹp đẽ.

Nếu không, cái tình với cõi bao la kia chỉ là cái tình gian lận. Và còn thú vị gì một cuộc chơi thiếu hào hứng như thế. Trời đất nương ta, nhưng ta vốn như con bệnh, thủy chung không phát giác được gì. Con mắt rêu phong đã đóng kín ta lại với thế giới ích kỷ, hẹp hòi, riêng tư. Làm sao còn nghe ra tiếng hoan ca của thế giới bên ngoài. Nếu bảo là nghe, thì sao lại có thể thiếu hòa điệu đến thế được. Chân tay trì trệ. Đời sống như đóng đinh, xa cách. Đừng mưu toan với trời đất. Hạnh phúc xa lạ kia chỉ dành cho người có lòng. Kẻ hời hợt dễ đàm tiếu, thị phi về cái hạnh phúc đó lắm. Bởi nhìn gần, hạnh phúc đó có vẻ phù du quá. Không mang lại áo cơm. - Đến thế thì còn nói thêm được một lời nào nữa. Hãy ôm lấy cái phần của mình. Kẻ nổi trôi gặp người trôi nổi. Cứ theo trời xa đất rộng kia mà rong chơi vui thú một đời vậy.

Trịnh Công Sơn viết về Tình yêu

Biển sóng, biển sóng đừng xô tôi
Đừng xô tôi ngã dưới chân người
Biển sóng, biển sóng đừng xô nhau
Ta xô biển lại sóng về đâu
Sóng bạc đầu và núi chìm sâu
Ta về đâu đó
Về chốn nào mây phủ chiêm bao


Cuộc sống không thể thiếu tình yêu

Tôi là kẻ vô đạo trong tình yêu
những khi tôi giận hờn cuộc đời.
Khi cuộc đời yêu tôi, tôi sẽ là tín đồ của tình yêu.

Người ta nói trên trái đất không có gì ở ngoài qui luật cả. Nhưng tình yêu hình như cũng có lúc là một ngoại lệ. Tình yêu có thể nâng bổng con người nhưng cũng lắm lúc nhấn chìm kẻ háo hức. Tôi không tin những người quá lạc quan khi nói về tình yêu bằng thể khẳng định. Người ta có thể tin rằng mình được yêu và cũng có thể hiểu nhầm mình không được yêu.

Tôi không thể nói về một vấn đề mà chính bản thân mình cũng chưa hiểu hết. Chưa hiểu hết là nói theo kiểu đại ngôn chứ thật sự là hoàn toàn không thể hiểu. Nếu có người nào đó thách thức tôi một trò chơi nghịch ngợm thì tôi sẽ mang tình yêu ra mà đánh đố. Tôi e, không ai dám tự xưng mình am tường hết nội dung phong phú và quá phức tạp của tình yêu.

Có người yêu thì hạnh phúc; có người yêu thì đau khổ. Nhưng dù đau khổ hay hạnh phúc thì con người vẫn muốn yêu. Tình yêu vì thế mà tồn tại. Con người không thể sống mà không yêu. Hàng nghìn năm nay con người đã sống và đã yêu - yêu thật lòng chứ không phải giả. Thế mà đã có không biết bao nhiêu là tình yêu giả. Cái giả mà rất thật trong đời. Sự giả trá đó lúc biết được thì làm khổ lòng nhau biết bao nhiêu mà kể. Người giả, người thật nhìn nhau lúc bấy giờ ngỡ ngàng không biết thế nào nói được. Người thật thì nằm bệnh, người giả thì nói, cười huyên thuyên. Ðời sống vốn không bất công. Người giả trong tình yêu thế nào cũng thiệt. Người thật thế nào cũng được đền bù.

Tình yêu thời nào cũng có. Nhưng có tình yêu kết thúc bi thảm đến độ có khi con người không dám yêu. Yêu mà khổ quá thì yêu làm gì. Có người đã nói như vậy.

Tôi đã có dịp đứng trên hai mặt của tình yêu và dù sao chăng nữa, tôi vẫn muốn giữ lại trong lòng một ý nghĩa bền vững: "Cuộc sống không thể thiếu tình yêu".

Trịnh Công Sơn và Khánh Ly (1992)

Diễm của những ngày xưa

Thuở ấy, có một người con gái rất mong manh, đi qua những hàng cây Long não lá li ti xanh mướt để đến trường.

Nhiều ngày, nhiều tháng của thuở ấy, người con gái vẫn đi qua dưới những vòm cây long não.

Có rất nhiều mùa nắng và mùa mưa cũng theo qua. Những ngày nắng ve râm ran mở ra khúc hát mùa hè trong lá. Mùa mưa Huế, người con gái đi qua nhoà nhạt trong mưa giữa hai hàng cây long não mù mịt.

Nhà cô ấy ở bên kia sông, mỗi ngày phải băng qua một cây cầu rồi mới gặp hàng long não để đến trường.

Từ ban công nhà tôi nhìn xuống, cái bóng ấy đi đi về về mỗi ngày bốn bận. Thời buổi ấy những người con gái Huế chưa hề dùng đến những phương tiện có máy nổ và có tốc độ chóng mặt như bây giờ. Trừ những người đi quá xa phải đi xe đạp, còn lại đa số cứ chậm rãi đến trường bằng những bước đi thong thả hoàng cung. Đi để được ngắm nhìn, để cảm thấy âm thầm trong lòng mình là một nhan sắc. Nhan sắc cho một người hay cho nhiều người thì quan trọng gì đâu. Những bước chân ấy từ mọi phía đi về những ngôi trường với những cái tên quen thuộc, đôi khi còn quá cũ kỹ. Đi để được những con mắt chung quanh nhìn ngắm nhưng đồng thời cũng tự mình có thời giờ ngắm nhìn trời đất, sông nước và hoa lá thiên nhiên. Long não, bàng, phượng đỏ, mù u và một dòng sông Hương chảy quanh thành phố đã phả vào tâm hồn thời con gái một lớp sương khói lãng mạn, thanh khiết. Huế nhờ vậy, không bao giờ cạn nguồn thi hứng. Thành cổ, lăng tẩm, đền đài khiến con người dễ có một phần nào hoài niệm về quá khứ hơn và một phần nào cũng giúp cho con người được cứu rỗi ra khỏi vòng tục luỵ. Và từ đó, Huế đã hình thành một không gian riêng. Nó không cám dỗ như cõi phồn hoa đô hội nhưng nó là mạch nguồn gợi cảm nhẹ nhàng riêng. Từ đó con người bỗng đâm ra mơ mộng và mơ ước những cõi trời gần như không có thực.

Nhưng sự thật và mơ là gì? Thật ra nói cho cùng cái này chỉ là ảo ảnh của điều kia. Và với những ảo ảnh đó đã có một thời khá dài lâu những con người lớn lên trong thành phố nhỏ nhắn đã dệt gấm, thêu hoa những giấc mơ giấc mộng của mình.

Bút pháp của Trịnh Công Sơn

Đó cũng là thời gian mỗi sáng tinh mơ, mỗi chiều, mỗi tối, khi tiếng chuông Linh Mụ vang xa trong không gian, truyền đi trên dòng sông để đến với những giấc mộng của mình.

Thời gian trôi đi ở đây lặng lẽ quá. Lặng lẽ đến độ con người không còn cảm giác về thời gian. Một thứ thời gian không màu sắc, không bóng hình, chỉ có cái chết của những người già vào mùa đông quá rét mới làm sực tỉnh và bỗng chốc nhận ra tiếng nói thì thầm của lăng miếu, bia mộ của những vùng núi đá chung quanh.

Trong không gian tĩnh mịch và mơ màng đó, thêm chìm đắm vào một khí hậu loáng thoáng liêu trai, người con gái vẫn đi qua đều đặn mỗi ngày dưới hai hàng cây long não để đến trường. Đi đến trường mà đôi lúc dường như đến một nơi vô định. Định hướng mà không định hướng bởi vì những bước chân ngày nào ấy dường như đang phiêu bồng trên một đám mây hoan lạc của giấc mơ.

Người con gái ấy đã đi qua một cây cầu bắc qua một dòng sông, qua những hàng cây long não, qua những mùa mưa nắng khắc nghiệt để cuối cùng đến một nơi hò hẹn.

Hò hẹn nhưng không hứa hẹn một điều gì. Bởi vì trong không gian liêu trai ấy hứa hẹn chỉ là một điều hoang đường - giấc mơ liêu trai ngày nào sẽ không có thực và sẽ biến mất đi.
Người con gái đi qua những hàng cây long não bây giờ đã ở một nơi rất xa, đã có một đời sống khác. Tất cả chỉ còn là kỉ niệm. Kỉ niệm nào cũng đáng nhớ nhưng vẫn phải quên. Người con gái ấy là Diễm của những ngày xưa.

Chợt tôi thấy thiên thu là một đường không bến bờ

(Trịnh Công Sơn. Báo Tuổi trẻ, ra ngày 6-2-1994)

Những con đường trăng tròn là những con đường trăng khuyết. Vẫn là những con đường cũ en đi qua và tôi đi qua. Thế rồi, có những lúc tôi đi qua những con đường mù mịt không trăng. Những tro tàn quá khứ bỗng dậy lên một cơn lốc cuốn tôi về với những con đường ma quái ảo ảnh chập chờn.

Cái chập chờn của một thân thể phiền não không biết mai nay mốt nọ ra sao, cứ thắc thỏm muốn gởi gắm vào cuộc đời một linh hồn phiêu lạc. Tôi phiêu lạc bao nhiêu năm rồi trên một dòng đời không bờ bến. Có khi tưởng bờ là bến. Có khi tưởng bến là bờ. Cái tạm và cái thường hằng lắm khi là một. Thế mà cứ lại là khác nhau. Cái bờ mỏng manh khoảnh khắc ra đi. Cái bến nhiều khi bền bền ở lại. Bờ mở ra những bến. Có dâu bể cho bờ. Nên định mệnh bờ thường trói buộc thân phận bến.

Tôi là bờ em ra đi. Em là bến tôi ghé lại
Con đò ghé qua bờ này bờ nọ, nhưng sẽ đậu lại ở một bến kia.

Mùa xuân là bờ hay bến? than ôi, mùa xuân chỉ là bờ. Ai ai trong đời này cũng có lần ghé qua cái bến tạm mùa xuân. Cái bờ bến mùa xuân nhập nhằng những dặm trường lận đận. Thoắt nhiên bến xuân chỉ còn lại là bờ. Cái biến đi qua, rồi cái bờ ở lại. Cái bến hiu hắt của một thuở tưởng rằng thời hoàng kim bến sẽ mãi mãi không bao giờ là bờ. Thế rồi tuổi đời người người -đến đến – đi đi cứ mộng vờ, hoang tưởng hão huyền một thứ bờ bờ - bến bến, không biết nơi nào để neo lại một thân thể phiêu bồng.

Có thể bến cho em và bờ cho tôi. Tôi cứ mãi đi và em ở lại. Cái thân phận thuyền quyên ấy đừng làm đau xót đời. Cuối cùng, trong cõi mông lung mờ mờ ảo ảo, em vẫn chính là cái bến hư ảo một cách vẹn toàn mà tôi có lúc mỏi mệt sẽ tìm về nương tựa.

“ Ru đời đi nhé cho ta nương nhờ lúc thở than”…
Cái bờ ru lời hiu quạnh lau lách. Cái bến ru chập chờn một đốm lửa chiều…

Trong một giấc ngủ bồng bềnh không giờ giấc của mùa xuân, tôi thảng thối thấy bờ bến bỗng rã tan thành những cánh bèo mông lung vô định. Em tôi không bến và tôi không bờ. Em trôi đi và tôi cũng trôi đi. Em và tôi cũng là bến. Em và tôi cũng là bờ. Chúng ta tan biến vào nhau thành một khối bến bờ không còn chia lìa nữa. Trong em không còn trí nhớ về bến. Trong tôi cũng mất hết những ký ức về bờ. Bến ở đâu và bờ ở đâu?

Bút pháp của Trịnh Công Sơn bài Diễm Xưa

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Vị nhân sinh đúng hay sai?

    04/10/2016Đỗ Kiên CườngXin mọi người đọc thuật kỹ và thật bình tâm, đặt một ấm nước, lúc đọc xong là lúc nước sôi, pha bình trà, uống và ngẫm nghĩ về người Mỹ, về quan điểm đạo đức xem nó ra răng...
  • Nhân sinh quan tích cực

    13/05/2015Đại sư Tinh Vân (Nhuệ Anh dịch)Mỗi người đều có một nhân sinh quan khác nhau, có người lạc quan, có người bi quan. Người lạc quan luôn nghĩ về mặt tốt của mọi việc, giữ cách nhìn lạc quan; người bi quan lại luôn nghĩ về mặt xấu của mọi việc, giữ cách nhìn bi quan...
  • Tìm định nghĩa nghệ thuật cộng đồng

    30/03/2009Lê Bá ThanhỞ Việt Nam, khái niệm “nghệ thuật cộng đồng” bắt đầu xuất hiện mạnh mẽ với các dự án gắn liền với cộng đồng của các họa sĩ. Tuy nhiên, những người tham gia vào nó vẫn còn lúng túng khi định nghĩa về nghệ thuật cộng đồng.
  • Thử bàn về giá trị và chuẩn mực nghệ thuật

    14/11/2008Trần DuyLịch sử nghệ thuật là quá trình phát triển cái đẹp, quá trình phát triển tính thẩm mỹ thông qua thị hiếu của con người, qua các thời đại. Vậy tiêu chuẩn của nghệ thuật là cái mà tự bản thân nghệ thuật có hay sở dĩ có tiêu chuẩn nghệ thuật là vì thị hiếu của con người?
  • Tính thời đại trong nghệ thuật

    11/11/2008Trần DuyMột trong những yêu cầu của nghệ thuật là phản ánh được tính thời đại nơi đã sinh ra nền nghệ thuật ấy. Tính thời đại là tính đặc trưng của quá trình phát triển và tồn tại trong một khung thời gian nhất định của một dân tộc trong những sự kiện lịch sử riêng biệt cụ thể của dân tộc ấy. Có người cho rằng hiện đại, mô-đéc, tân kỳ diễn ra hoàn toàn độc lập với tính thời đại của xã hội.
  • Nghệ thuật – tiếng nói của lịch sử con người (*)

    08/11/2008Trần DuyKhi con người nguyên thuỷ biết vẽ là loài người đã biết khẳng định sự tư duy của mình, biết phối hợp chân tay và đôi mắt có nghĩa là đã có một ý thức rõ về vũ trụ của mình. Và cũng từ lúc loài người biết lấy hang đá làm nơi ở thì “kiến trúc thích nghi với thiên nhiên” ấy đã có tranh vẽ của người tiền sử cách đây 40 nghìn năm.
  • Đừng để nhạc trẻ Việt Nam phải chịu tiếng xấu!

    03/01/2007Thanh ChungBáo chí đã nhiều lần phát hiện và cảnh báo hiện tượng một số nhạc sĩ VN copy nhạc của nước ngoài để biến thành tác phẩm của mình, nhưng chuyện này vẫn tiếp tục xảy ra và đang để lại những tiếng xấu cho nhạc trẻ VN...
  • Về đặc trưng của chân lý nghệ thuật và tính đặc thù trong sự tiếp cận nó

    21/05/2006TS. Nguyễn Văn HuyênThực chất quan điểm giá trị học hiện đại và cũng là quan điểm phổ biến hiện nay muốn nhấn mạnh rằng, khoa học gắn liền với chân lý, còn nghệ thuật gắn liền với giá trị, cái mà thiếu nó, loài người không thể trở nên văn minh, tiến bộ.
  • Elite trong giới nhạc trẻ Việt Nam

    04/03/2006Dương ThụCó một số người trẻ tuổi hoạt động trong một vài lĩnh vực của đời sống, ở độ tuổi trên dưới 30, đang được coi là “elite” mới, hay nói nôm na là những tinh hoa của xã hội Việt Nam đương đại. Trong giới nhạc trẻ liệu có được những người như vậy?
  • Nghệ thuật là gì?

    15/02/2006Nguyễn Đình ĐăngCâu hỏi Nghệ thuật là gì? kéo theo luôn hai câu hỏi khác: Cái đẹp là gì?Họa sĩ là ai?. Tổng quan 3 bài viết của Bart Rosier [1], Joseph A. Goguen [2]và Lev Tolstoy [3] chỉ nhằm làm sáng tỏ một phần những vấn đề tuy không mới nhưng vẫn rất nan giải đó...
  • Về tính duy nhất của nghệ thuật

    12/01/2006Bình NguyênTôi hằng tin mỗi tác phẩm nghệ thuật đều hàm chứa tính duy nhất, dù cho đôi khi chúng có sự trùng lặp nhau ở mức độ cao. Mỗi sáng tạo là duy nhất, mãi mãi duy nhất. Cái duy nhất này tự nhiên, nó toát ra từ giá trị cốt lõi của tác phẩm không phải từ những bồi đắp bề ngoài.
  • Nhạc để nghe hay để xem?

    28/12/2005Nguyễn Đình SanViệc lăng xê và tôn vinh quá đáng một số chương trình âm nhạc giải trí cùng một vài tác giả chuyên sáng tác loại bài hát để xem đã khiến người ta ngộ nhận rằng âm nhạc hiện nay phải như thế, và người ta sáng tác nó mới là tài năng...
  • Tâm tư nghệ thuật của Xuân Phái

    29/09/2005Trần Hậu TuấnBùi Xuân Phái là một trong số ít những họa sĩ Việt Nam, ngoài xây dựng hệ thống tư liệu vẽ cẩn thận còn liên tục ghi nhật ký. Những gì ông viết chỉ là suy tưởng riêng của bản thân, song tất cả đều toát lên những trăn trở về nghệ thuật, những suy tư để làm sao vẽ cho đẹp hơn, đi gần đến bản chất nghệ thuật hơn...
  • xem toàn bộ