Người ta càng đẹp lên hay xấu đi?

10:32 CH @ Thứ Hai - 08 Tháng Chín, 2008

Trên bìa các tờ tạp chí, các số cuối báo tuần hoặc tháng, trên màn ảnh truyền hình hàng ngày, chúng ta thường được chiêm ngưỡng những nam nữ thanh niên, những cháu nhi đồng xinh đẹp. Các cuộc thi hoa hậu diễn ra hai năm một lần, lần nào cũng chọn được những gương mặt đáng yêu. Nhưng ở ngoài phố, chúng ta khó có những điều kiện để thường thấy nhiều người đẹp. Tại sao lại vậy?

Trước hết, phụ nữ đi đường, dù đang xuân hơ hớ hay đã cứng tuổi rồi đều đeo khăn bịt mặt và mang găng tay dài. Có cảm giác như đạo Hồi vừa mới tràn vào ta. Còn đàn ông, nhất là thanh niên thì phóng xe máy như điên, lạng lách không khác gì các nhân vật giang hồ trong phim đuổi bắt. Thật khó mà quan sát.

Có người bảo, dân ta ngày càng đẹp hơn trước, người trên thế giới cũng ngày càng đẹp hơn lên. Nhưng có ý kiến hoàn toàn ngược lại, cho rằng con người càng ngày càng xấu đi.

Người đẹp phải hội đủ nhiều yếu tố, gồm cái đẹp bên ngoài và cái đẹp bên trong. Tôi vẫn hằng nghĩ, sự đẹp xấu bên ngoài có quan hệ lớn đến những tố chất bên trong. Sự tu dưỡng nội tại tốt thì khí chất bộc lộ ra sẽ đẹp, sẽ tạo cho con người sức hấp dẫn đặc biệt. Khí chất của một người chính là sự biểu thị tổng hợp của tâm linh, của trình độ văn minh của người đó.

Cái đẹp mà tôi muốn nói đến trong bài viết này, xin chỉ khoanh lại ở cái đẹp bên ngoài, cái thấy nhanh, cái đập ngay vào mắt. Bàn về cái đẹp bên trong là quá sức của tôi. Vấn đề cái đẹp bên ngoài, xem ra có vẻ đơn giản, dường như còn ngây ngô nữa, vậy mà trong thực tiễn tranh luận chẳng dễ nhất trí một chút nào.

Tôi đã từng ở trong quân ngũ, người lính được trang bị thống nhất, cái đẹp quân ngũ là cái đẹp tập thể, cái đẹp thống nhất. Vì cái đẹp chung đó buộc phải hy sinh những khác biệt. Có một thời gian, tôi thường hay đến trường PTTH Kim Liên chờ đón con, ngày thứ hai các cháu mặc đồng phục, nó có cái nghiêm trang, nó tạo điều kiện cho các cháu rèn ý thức tổ chức, kỷ luật, nhưng nó làm nhòa những nét riêng. Ngay đối với con tôi, mỗi buổi chiều cháu ở đâu đó về nhà, tôi nhìn thấy thần sắc của cháu lúc rạng rỡ, lúc u trầm. Cũng có thể là do cháu, cũng có thể là do tôi. Đó là do tâm trạng. Vẻ đẹp bề ngoài cũng phụ thuộc vào tâm trạng.

Nhưng thôi, hãy trở lại với vấn đề đặt ra lúc đầu, người ta đẹp lên hay xấu đi.

Tôi tìm gặp một nhà văn mà tôi biết tiếng. Ông đại diện cho loại ý kiến thứ hai, quả quyết là, người ta ngày càng xấu đi. Lý do mà ông dẫn ra để bảo vệ ý kiến của mình là: Môi trường bị ô nhiễm, sự cân bằng sinh thái bị phá vỡ, con người ít được tiếp xúc với tự nhiên, suốt ngày phải chung đụng, tiếp xúc với các vật dụng được chế tạo từ hóa chất, bị giam trong phòng kín khung nhôm cửa kính, chẳng khác gì thịt tươi để trong tủ lạnh. Sống trong môi trường như thế, con người làm sao có thể ngày càng đẹp lên được? Con người hiện đại cũng đang gặp không biết bao nhiêu thứ bệnh tật mà ông cha trước đây chưa gặp, nhiều thứ bệnh vẫn chưa tìm được cách chữa trị, chẳng hạn như bệnh AIDS. Trên truyền hình ngày càng quảng cáo đủ các loại thuốc chữa bệnh, các loại hóa mỹ phẩm. Con người sống dựa vào thuốc, không ngừng can thiệp vào chính bản thân mình, chẳng hạn tỉa lông mày, xăm mi mắt, trát son phấn, dùng mặt vẽ để thay mặt tự nhiên. Một khi tẩy trang đi, rửa mặt đi, liệu đẹp lên hay xấu đi? Xấu đi là cái chắc. Con người ngày càng xấu đi còn do bản thân con người thoái hóa, do cách thức làm việc trí óc bằng cách vi tính hóa, tự động hóa...

Nhà văn bao giờ cũng như vậy, luôn cảm thấy sự bất an, luôn lo lắng và không hài lòng với hiện tại. Có thể ông cực đoan, nhưng tôi cảm thấy khó mà có thể bắt bẻ được những lý do mà ông đưa ra. Tôi bèn mời một thạc sỹ y khoa bàn góp.

Vị thạc sỹ trẻ tuổi quả quyết, ô nhiễm môi trường có thể giải quyết được. Tri thức của nhân loại ngày càng giàu có, đời sống văn minh ngày được nâng cao, cận hôn nhân bị loại bỏ, con người sẽ không bị thoái hóa. Còn nữa, do chất dinh dưỡng loài người tạo ra ngày càng phong phú, và có chất lượng cao; cơ hội được tiếp thu giáo dục đối với mỗi người ngày càng nhiều thêm, những cái đó bảo đảm cho con người đẹp lên mãi. Một ví dụ, chiều cao của thanh niên Nhật đã tăng so với trước rất nhiều, người Nhật không còn lùn nữa. Người Trung Quốc cũng vậy, chiều cao trung bình của thế hệ nam hiện nay là 170,6 cm, thế hệ bố thì con số đó là 166,75 cm. Ở ta cũng vậy, Hoa hậu Tiền Phong đầu tiên Bùi Bích Phương cao 158 cm, đến Hoa hậu Tiền Phong gần đây nhất Ngọc Khánh thì chiều cao đã là 171,5 cm. Quả về chiều cao đã có một sự vọt tiến. Vẫn biết vẻ đẹp bên ngoài của một người là sự tổng hòa của nhiều yếu tố, nhưng chiều cao không thể không là một yếu tố quan trọng, có tính quyết định.

Tuy nhiên, nhà văn và nhà khoa học không ai thuyết phục nổi ai.

Cuộc tranh luận ảnh hưởng vào tôi, tự nhiên khi tôi nẩy ra thói quen, thường xuyên chú mục quan sát mọi người, nhất là gương mặt và ở mọi lúc mọi nơi. Hình như Sêkhốp đã nói thế này: "Tất cả những thứ thuộc con người đều nên đẹp, cả diện mạo, cả áo quần, cả tâm tư, cả tư tưởng". Đó là một mong muốn tuyệt vời.

Người ta ngày càng đẹp lên hay xấu đi? Thật khó đưa ra một kết luận có tính chất quyền uy, buộc tất cả phải tâm phục khẩu phục. Đôi khi người lớn không thể trả lời nổi câu hỏi của trẻ con, người tỉnh không thể trả lời nổi câu hỏi của người điên, một chuyên gia lão luyện, đầy mình kiến thức không thể giải đáp một cách thỏa đáng những câu hỏi của người ngoài ngành. Đó là chuyện bình thường. Người đời có biết bao điều muốn biết cặn kẽ, nhưng những điều ấy vẫn cứ luôn bí ẩn.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tụng ca vẻ đẹp cuộc sống

    31/01/2018Nguyễn Tất ThịnhTa là người dẫn đường tình yêu, ta là thức uống tâm hồn, ta là nguồn nuôi dưỡng trái tim...
  • Sự thật mới là vẻ đẹp chân chính!

    11/09/2017Vương Trí NhànCuộc thi hoa hậu năm nay đến hồi kết mới xảy ra xìcăngđan nho nhỏ. Nói tóm tắt là hoa hậu Trần Thị Thùy Dung chưa tốt nghiệp trung học phổ thông. Việc công nhận cô coi như vi phạm các quy chế hiện hành. Mặc dù vậy - vì nhiều lý do tế nhị - ban tổ chức cuộc thi không tính tới chuyện tước vương miện của cô...
  • Cái đẹp trong mắt ai

    08/03/2016Phan Cẩm ThượngKhi ứng xử xã hội trở nên thực dụng, thì thẩm mỹ cũng mang tính thực dụng như một thứ thị hiếu trọc phú... Nhưng đã là muộn bởi “Giáo dục thẩm mỹ lại không thể làm từ thấp đến cao, mà phải dạy cao ngay từ đầu”...
  • Cái đẹp muôn hình muôn vẻ

    10/11/2014Văn NgọcTạo hóa (hay Nghệ thuật?) oai oăm thay, bày đặt ra cái đẹp, nhưng lại không cho biết cái chìa khóa của nó nằm ở đâu, sự vận động của nó như thế nào? Vậy thì trước tiên, ta cần xem xét xem ý niệm đẹp từ đâu mà có và làm sao nắm bắt được nó?
  • Giá của sắc đẹp

    24/05/2008Nguyễn Việt HàĐến thời của hôm nay, thời của trong sáng văn minh, cái giá để trả cho sắc đẹp đã hết biến động, những chuyện tiêu cực kể trên hoàn toàn tuyệt diệt. Hầu như các đàn bà đẹp đều sống rất dai và nhan nhản tồn tại ở đỉnh cao vô số lĩnh vực...
  • Vẻ đẹp quanh ta

    04/12/2007Phạm NgọcCuộc sống xung quanh có rất nhiều vẻ đẹp, làm cho chúng sáng bừng lên là trách nhiệm của mỗi chúng ta. Làm đẹp môi trường sống của chính mình là góp phần làm đẹp xã hội. Những thái độ ứng xử trong giao tiếp, rèn luyện nhân cách cá nhân ảnh hưởng rất nhiều đến mỹ quan chung của xã hội...
  • Nét đẹp của phụ nữ Hà Nội

    15/07/2006Băng SơnCứ dăm năm lại có một lớp con gái trẻ Hà Nội lớn lên, đẹp hơn trước. Phụ nữ Hà Nội đi đâu cũng không lẫn vì nhiều vẻ. Đó là một điều thật đẹp, thật vui. Ngay giữa lòng thành phố, có thể nhận ngay ra người phụ nữ có cốt cách Hà Nội, bất kể tóc đã hoa râm, bạc trắng hay còn tóc thề để xoã ngang vai bất luận họ đang vội vã, đang ngồi trên xe máy, đang trong rạp hát, đang ăn quà hay đang thả bộ ung dung trên vỉa hè...
  • Cái nết, cái đẹp trong nền kinh tế tri thức

    31/01/2006GS. Tương laiTừ Tây sang Đông, tư duy của loài người đâu có đối lập giữa đẹp và nết, sự hài hòa giữa cái đẹp thể hình với cái đẹp tinh thần, giữa “sắc đẹp” quan sát được bằng mắt với phẩm chất, nhân cách của con người được cảm thụ không chỉ bằng mắt, đều là thuộc tính của con người.
  • Cái đẹp nghệ thuật và đời sống xã hội

    05/01/2006Vũ Minh TâmTrong thực thể đẹp nghệ thuật dường như có tất cả mà cũng như không có riêng về một mặt nào của đời thực: quan hệ kinh tế - xã hội, chính trị, triết học, văn hóa, đạo đức, khoa học, nhân cách, lối sống và lời ăn tiếng nói, sự nghiệp vĩ đại và đời thường nhỏ nhặt, thế giới bên trong và mặt cắt bên ngoài, cá nhân và cộng đồng, xưa, nay và mai sau...
  • Sôi nổi, ồn ào và... thiếu đẹp

    31/12/2005Nguyễn TrầnNhìn lại năm 2005 về lực lượng sáng tác văn học trẻ, người ta chợt giật mình với những câu chuyện từ nó. Có sôi nổi, ồn ào không? Có! Nhưng, cái thiếu ở đây là những ứng xử đẹp giữa các người trẻ với nhau, giữa người không trẻ với người trẻ và vì thế, qua đi một năm 2005, người đọc chỉ còn thấy... nỗi buồn văn chương...
  • xem toàn bộ