Gặp "Tây"! - Người Việt ta ứng xử thế nào?

04:16 CH @ Thứ Tư - 12 Tháng Mười Một, 2003

Trong một cuộc họp lớn, một nữ tiến sĩ luật của ta còn rất trẻ, đến muộn và không có chỗ. Một chuyên gia nước ngoài đứng lên để nhường chỗ cho cô ngồi cạnh nam đồng nghiệp người Đan Mạch. Thay vì cảm ơn, nữ tiến sĩ lại đỏng đảnh cười: "Thôi không ngồi cạnh tây đâu, hôi lắm. Sống ở tây mãi rồi còn lạ gì!"...

Văn hoá và ứng xử luôn luôn có vị trí hết sức đặc biệt trong đời sống, không chỉ giữa người mình với nhau mà còn giữa người Việt với người nước ngoài khi đất nước ngày càng mở rộng cửa để hội nhập với thế giới..

1. Tại cuộc họp ở cơ quan lớn nọ, nữ chuyên gia người Hà Lan, tư vấn của một tổ chức phát triển thế giới được mời tới để giúp cơ quan này cải cách bộ máy và tăng cường chất lượng nhân sự. Các quan chức chủ nhà ngẩn người ra một lúc như để lục lọi trí nhớ những kiến thức của mình về đất nước của khách. Rồi vị lãnh đạo cao nhất của cơ quan thốt lên như tìm ra phát minh mới bằng một tràng tiếng Anh ngọng nghịu nhưng nhấn trọng âm của câu rất đúng chỗ: "A, Hà Lan hả? Tôi rất thích uống "sữa" cô gái Hà Lan!" Các vị chủ nhà khác hùa theo: "Chúng tôi ở đây vẫn luôn đố nhau tìm xem cô gái nào mà lại có "sữa" đấy!". Thế rồi tất cả cùng rộ lên cười.

Xa hơn nữa, một vị còn mạnh dạn hơn khen cô xinh đẹp và hoạ bằng một câu ca dao: "Em giòn cái tỉnh tình tinh cũng giòn...", rồi nhất quyết muốn người phiên dịch chuyển lại câu pha trò đó, đặc biệt là nghĩa ám chỉ của cụm từ "cái tỉnh tình tinh", cho khách mặc dù người phiên dịch đã có ý từ chối bằng cách im lặng.

2. Vẫn một phái đoàn của tổ chức phát triển nọ, nhưng lần này gồm những thành viên khác và tới làm việc với đoàn gồm các cán bộ từ nhiều cơ quan khác nhau. Đó là một buổi Hà Nội trời nóng gắt, lại mất điện, hai bên phải ra ngoài sân ngồi chen chúc một chút để có thể vẫn tiếp tục làm việc theo lịch trình. Một nữ tiến sĩ luật của ta còn rất trẻ, đến muộn và không có chỗ. Một chuyên gia nước ngoài đứng lên để nhường chỗ cho cô ngồi cạnh nam đồng nghiệp người Đan Mạch. Thay vì cảm ơn, nữ tiến sĩ lại đỏng đảnh cười: "Thôi không ngồi cạnh tây đâu, hôi lắm. Sống ở tây mãi rồi còn lạ gì!".

Chẳng biết cô định khoe với mọi người xung quanh về lai lịch đã từng học tập ở Liên Xô trước đây hay cô đùa vậy để tránh khỏi phải ngồi cạnh người lạ, khó bề tâm sự vặt trong thời gian họp. Chỉ buồn cho cô là anh chuyên gia Đan Mạch nọ vẫn dành tuần hai buổi học thêm tiếng Việt trong hơn hai năm qua nên có biết tiếng mẹ đẻ của cô!

3. Vẫn lại là một cơ quan phát triển, nhưng lần này là của một nước hàng đầu trong châu lục, chuyên tài trợ phát triển cơ sở hạ tầng cho VN. Đại diện của cơ quan này tổ chức buổi tiệc chúc mừng quan chức của một bộ trong lĩnh vực nhận vốn nước ngoài.

Vậy mà, sau khi được nghe giới thiệu tên của vị quan khách nước bạn, một quan chức của ta đã không ngại ngần: "Ồ cái tên ông giống tên cái xe máy của tôi quá...". Và thế là một tràng cười hưởng ứng từ phái đoàn ta, kèm theo những lời tán thưởng rất rôm rả...

Một sự trùng hợp thú vị, trong buổi họp về cải cách nhân sự ở câu chuyện thứ nhất, tôi học được từ chuyên gia tư vấn rằng một trong ba phẩm chất cần thiết của nhà lãnh đạo là tính hài hước để biết cách giảm bớt căng thẳng trong công việc.

Song hài hước như các vị quan chức, các vị tiến sĩ của ta trong những mẩu chuyện đã kể trên đây thì thật đáng xấu hổ! Nếu tất cả người Việt đều ứng xử như thế này thì...

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc: