Nguồn vốn của mỗi người: Năng lực, quan hệ, tiền bạc

03:53 CH @ Thứ Sáu - 24 Tháng Chín, 2010

Dân gian ta có câu “Buôn tài không bằng dài vốn”. Trong thời đại kinh tế thị trường ngày nay, làm bất kỳ công việc gì cũng cần có vốn. Vậy vốn của một con người bao gồm những gì, đâu sẽ là nguồn vốn cần phát triển vào đầu tư để phát triển bản thân và vững vàng trong thời đại cạnh tranh khốc liệt và sự thay đổi diễn ra đến từng giây phút.


Tôi có dịp nói chuyện với một anh bạn, anh ấy than rằng, ngày trước thu nhập tầm 6 hay 7 triệu thấy cao rồi, chỉ 1 năm lại đây đã thấy 6 triệu chẳng là gì nữa. Có lần tôi gặp một người ăn mày, thương xót rút đồng 2000 ra cho thì nhận được một tiếng thở dài đáp lại, 2000 bây giờ thì mua được gì, không đủ cho một cái bánh mỳ không. Đồng tiền mất giá quá nhanh.Từ đầu năm tới nay, đồng Euro luôn ở trong xu thế mất giá mạnh so với các đồng tiền chủ chốt khác, đặc biệt là USD. Mới đây, tỷ giá Euro/USD có lúc xuống tới 1,22 USD/Euro, thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây, trước khi trở lại ngưỡng 1 Euro tương đương 1,23 USD trong phiên giao dịch sáng ngày 28/5 tại thị trường châu Á. Không chỉ có vậy, đồng USD cũng đang mất giá so với một số đồng tiền khác. Sự mất giá của đồng tiền gần như diễn ra một cách thường xuyên. Giờ đây, vốn tiền tệ không còn là loại vốn được coi trọng nhất. Tiền bạc là thứ dễ biến động và thay đổi nhất, có những người hôm trước tự hào với tài khoản lớn, hôm sau tài khoản đó có thể bay biến do sự sụt giá của đồng tiền và sự biến chuyển của thị trường chứng khoán.


Người ta nói tiền bạc có thể mua được một ngôi nhà nhưng không mua được mái ấm, tiền bạc có thể mua được đồng hồ những không mua được thời gian, tiền bạc có thể mua một cô gái nhưng không thể mua được tình yêu. Và “Mất tiền là mất ít, mất chúng ta là mất nhiều và mất niềm tin là mất tất cả”. Tiền cũng là một nguồn vốn mà con người có nhưng đó không phải là vốn quan trọng mà chúng ta cần tập trung và đầu tư hết công sức của mình vào đó.


Chính vì vậy, ngày nay có một nguồn vốn nữa mà chúng ta cần khai thác và đầu tư nhiều hơn đó là Vốn quan hệ. Ông cha ta cũng có câu “Sự ăn cho ta cái lực, sự ở cho ta cái chí, sự bang giao cho ta cái nghiệp”. Và “Nhất thân nhì quen, tam quyền, tứ chế”. Quan hệ ngày nay cũng được coi là một nguồn vốn có giá trị với mỗi người. Trong công tác tuyển dụng, những ứng viên được giới thiệu từ người quen có tỉ lệ thành công cao gấp 14 lần so với ứng viên thông thường. Theo trang web tuyển dụng dành cho cấp quản lý TheLadders.com tại Mỹ, 70% các công việc quản lý không được đăng tuyển rộng rãi mà chủ yếu được tuyển thông qua giới thiệu hoặc tiến cử từ người trong công ty. Thêm vào đó, tình hình suy thoái chung của nền kinh tế toàn cầu khiến cho thị trường việc làm ngày càng trở nên cạnh tranh hơn, đặc biệt trong giới nhân sự cấp cao. Trước thực tế đó, xây dựng quan hệ với người trong công ty mà họ nhắm đến đang là cách khôn ngoan để tiếp cận với những cơ hội nghề nghiệp tốt nhất. Hầu hết giới doanh nhân đều công nhận vai trò quan trọng của các mối quan hệ đối với sự thành đạt của mình. Sự ủng hộ, giúp đỡ có thể đến từ các mối quan hệ với cấp trên, đồng hương, bạn bè, đồng nghiệp… Có quan hệ rộng, doanh nhân thường giải quyết công việc một cách dễ dàng, thuận lợi và có thể nhanh chóng giải quyết những vấn đề vốn được coi là rất khó khăn, phức tạp. Hầu hết mọi hoạt động kinh doanh ngày nay đều phải nhận được sự hậu thuẫn của các mối quan hệ. Thậm chí trong một vài lĩnh vực, nếu không có các mối quan hệ tốt, doanh nhân khó có thể thành công ngay cả khi nắm trong tay các nguồn tài lực dồi dào. Quan hệ tốt giúp cho công việc kinh doanh suôn sẻ hơn, nhận được nhiều ưu ái hơn người. Hiện tại, có rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài chấp nhận trả lương rất cao để chiêu mộ các cố vấn bản địa. Nhưng người được mời làm cố vấn phải có quan hệ rộng rãi, có năng lực giải quyết các vấn đề cấp bách… Các cố vấn không cần thiết phải có mặt liên tục ở nơi làm việc và chỉ xuất hiện khi công ty có việc cần họ ra mặt giải quyết. Đối với họ, quan hệ chính là công cụ kiếm tiền.


Có thể nói rằng: vai trò của mối quan hệ trong kinh doanh là rất quan trọng, nhưng cũng rất vô hình. Nguồn vốn quan hệ do đó là một nguồn vốn mà mỗi chúng ta cần đầu tư và phát triển. Nếu ngày xưa có câu nói rằng “Thấy người sang bắt quàng làm họ” thì ngày nay cần chuyển lại thành “Thấy người sang vội vàng nhận họ”. Ngạn ngữ Trung Quốc cũng có câu nói rằng “Bạn đọc sách gì, bạn chơi với ai tôi sẽ nói tương lai bạn ra sao” hay chính dân gian ta cũng từng nói “Chọn bạn mà chơi. Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”. Chúng ta biết rõ đó là một nguồn vốn của mình và cần có ý thức về việc duy trì và phát triển nguồn vốn đó. Vì đó thực sự là thứ dầu bôi trơn cho con đường sự nghiệp của chúng ta. Ta không thể sống trong thời đại dịch vụ ngày nay mà không có nguồn vốn đó. Thậm chí, có câu nói rằng “Muốn thành công trong cuộc đời cần có vài người thầy, dăm ba thằng bạn và một mớ đệ tử”, nguồn vốn quan hệ đó thực sự sẽ giúp chúng ta thành công trong công việc và cuộc sống của mình.


Tuy vậy, chúng ta muốn phát triển bản thân một cách bền vững cần biết nguồn vốn quan trọng nhất mà ta có nằm ở đâu. Khi mà tiền bạc không còn và quan hệ không có, chúng ta biết dựa vào điều gì để có thể đứng vững trong thời đại đầy biến động và mọi thứ đều thay đổi như hiện nay. Tài sản lớn nhất đời người là năng lực! Tiền có thể biết là đủ, năng lực là vô cùng. Năng lực có thể tạo ra tiền, cũng có thể tạo nên quan hệ. Đó chính là nguồn vốn quan trọng nhất mà mỗi chúng ta cần tập trung và đầu tư để phát triển nhiều nhất. Ông cha ta cũng từng nói “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” việc rèn luyện bản thân, đầu tư phát triển năng lực bản thân là việc cần phải thực hiện đầu tiên. Đó cũng là nguồn vốn quý nhất mà chúng ta có. Năng lực bản thân gồm 3 phần: Kiến thức, Kỹ năng, Thái độ - tính cách. Quan trọng nhất trong năng lực là tính cách. Tài sản lớn nhất để lại cho con cháu là tính cách. Thu nhập lớn nhất cơ quan cho ta là nâng cao năng lực cho ta. Khi ta có kiến thức, kỹ năng và thái độ sống của một người thành công thì trong bất kỳ hoàn cảnh nào ta cũng có thể thành công. Tiền bao nhiêu tiêu cũng hết, ta không thể dựa mãi vào tiền. Ta cũng không thể dựa mãi vào một người chúng ta thân, họ cũng sẽ có những mối quan tâm riêng của họ, một mối quan hệ có bền vững thế nào cũng có lúc phải rời xa, chỉ có bản thân ta với những năng lực ta có là sẽ theo ta đến suốt cuộc đời. Thánh Augustine đã nói “Con người đi khắp nơi để kinh ngạc trước những ngọn núi cao ngất, trước những ngọn sóng thần của biển cả, trước những dòng sông dài nhất, trước sự hùng vĩ của biển khơi, sự đẹp đẽ của những vì tinh tú, mà bỏ qua chính mình không một chút băn khoăn” Trong ta có cả một thế giới ẩn chứa rất nhiều tài sản quí giá. Ở thời cổ đại, người ta quan niệm rằng trong bản thân mỗi con người đều có một vị thần. Đó là một loại thần linh bảo vệ và đi cùng mỗi người trong suốt cả cuộc đời họ, giúp mỗi người vượt qua những khó khăn, bất lợi gặp phải trong cuộc sống và làm con người lớn lên được như mọi người khác. Đó chính là tài sản của riêng mỗi người, nó không nằm ở thế giới bên ngoài của chúng ta mà nó nằm trong chính chúng ta. Năng lực của mỗi người chính là một trong ba nguồn vốn mà ta có, đó cũng là nguồn vốn quan trọng nhất và có tính quyết định nhất tới thành công của ta. Chúng ta hãy biết đầu tư vào việc phát triển năng lực của mình để gia tăng nguồn vốn cho chính mình.


Vậy ta cần làm gì để nguồn vốn năng lực của mình được gia tăng hàng ngày. Từ nguồn vốn đó có thể tạo ra những nguồn vốn khác và giúp ta thành công trong cuộc sống. Trong ba thành tố tạo nên năng lực của con người là kiến thức, kỹ năng và thái độ - tính cách ,thì yếu tố quyết định nằm ở thái độ - tính cách.

Người hạnh phúc không phải là người sống được trong hoàn cảnh thuận lợi mà là người có thái độ sống tốt trong mọi hoàn cảnh”. Muốn thay đổi kiến thức, ta cần thời gian đọc sách, học hỏi và trau dồi. Muốn thay đổi kỹ năng ta cũng cần thời gian luyện tập. Nhưng nếu muốn thay đổi thái độ của mình, ta có thể làm nó ngay lúc này. Và thật đặc biệt, khi chúng ta thay đổi thái độ thì bạn dễ dàng thay đổi mọi thứ khác. Kết quả chúng ta nhận được có xuất phát điểm từ thái độ của chính mình.


Cùng là nửa cốc nước có người nhìn vào với thái độ tích cực và cho rằng chiếc cốc đầy một nửa. Trong khi những người khác nhìn với thái độ tiêu cực sẽ thấy chiếc cốc vơi một nửa. Sự vật hầu như không đổi, chỉ có thái độ của ta khi nhìn nó là thay đổi và từ đó sẽ quyết định suy nghĩ, hành động và kết quả mà ta sẽ nhận được. Vì vậy mới có câu nói: Thay thái độ đổi cuộc đời. Khi ta thay đổi thái độ của mình với cuộc sống là ta đang thay đổi chính số phận và tương lai của mình.


Thái độ được định nghĩa là thói quen suy nghĩ, hành động và tình cảm, thể hiện khuynh hướng, quan điểm và niềm tin của bạn về cuộc sống. Ba yếu tố cơ bản tạo nên thái độ là thói quen, suy nghĩ và niềm tin. Chúng ta biết rằng bạn sẽ làm việc mà bạn luôn nghĩ đến. Thái độ là đặc điểm thể hiện rõ nhất suy nghĩ của ta. Tính cách, con người bạn thể hiện là biểu hiện của thái độ và cảm xúc bên trong. Thói quen kết hợp với thái độ sẽ tạo thành hành động. Thái độ là chiếc gương phản ánh với thế giới bên ngoài toàn bộ niềm tin và suy nghĩ của bản thân.


Mike George đã nói: “Điều gì đang xảy ra với tôi vậy? Tôi đang gặp khó khăn gì vậy?- Đây là câu hỏi tồi tệ nhất khi chúng ta gặp tình huống xấu.” Có khó khăn, nghĩa là có trắc trở, có điều xấu, khó vượt qua. Chúng ta cần thay đổi cách tư duy của mình, cần nghĩ rằng “Có thử thách gì ở đây?”, có thử thách nghĩa là có cách giải quyết, có thể làm được, và đằng sau thử thách bao giờ cũng là vinh quang, bao giờ chúng ta cũng nhận được một điều gì đó – một bài học, một phần thưởng, một lời khen xứng đáng. Ta làm chủ tình huống hay để tình huống làm chủ ta, ta quyết định cuộc đời hay để cuộc đời xô đẩy ta, điều đó phụ thuộc vào chính chúng ta.

Dù chúng ta chọn con đường nào để đi, cũng có điều chắc chắn rằng không có con đường nào bằng phẳng, không có con đường nào dễ dàng. Vì vậy song song với học hỏi kiến thức, rèn luyện kỹ năng, chúng ta còn phải trang bị cho mình thái độ tốt. Sẵn sàng làm việc, dám đương đầu với khó khăn thử thách, kiên trì làm việc đến cùng. Chúng ta có thể đọc quyển sách mang tên “Không bao giờ là thất bại, tất cả chỉ là thử thách” hoặc dùng ngay tên của quyển sách đó cho mình. Không có khó khăn gì ở đây hết, đó là thử thách của chúng ta, thử thách lòng kiên trì, thử thách lòng kiên định, thử thách sự quyết tâm, thử thách chính chúng ta. Đó cũng là cơ hội để ta khẳng đinh, khám phá chính mình.

Mỗi điều xảy ra trên đời này đều có lý do của nó. Hãy cảm ơn tất cả những gì ta được nhận từ cuộc sống, kể cả niềm vui và nỗi buồn, nhờ đó mà chúng ta trưởng thành, nhờ đó mà chúng ta xây dựng được cá tính, nhờ đó thử thách mà chúng ta biết được sức mạnh thật sự của bản thân.


Vấn đề không bao giờ thay đổi, chỉ có cách nghĩ của ta thay đổi. Người thành công nhìn thấy cơ hội trong khó khăn – Những người khác nhìn thấy khó khăn trong cơ hội. Khi gặp vấn đề trong cuộc sống, thay vì ca thán, tức giận, đau khổ, cảm thấy khó khăn, hãy nghĩ nó là thử thách và tìm giải pháp để vượt qua. Chúng ta muốn về đích, chúng ta cần phải đi. Chúng ta muốn đi, chúng ta cần vượt qua thử thách!


Các cụ nhà ta từng nói “Nhất lỳ, nhì liều” hay nói cách khác, thái độ quan trọng ta cần có đó là sự kiên định, ngày ngày quyết liệt và liều lĩnh, dấn thân làm ngay. Nếu trong bất kỳ công việc gì ta cũng dấn thân làm ngay và ngày ngày quyết liệt thì chắc chắn ta sẽ thành công trên công việc đó. Dấn thân làm ngay và ngày ngày quyết liệt chính là điều quan trọng để nguồn vốn năng lực của chúng ta thêm dồi dào và phát triển.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc: