Tiếng hát người nô lệ mới

05:04 CH @ Thứ Sáu - 05 Tháng Chín, 2014

Bài thơ dưới đây tôi viết từ 36 năm trước (1973), sau đó được đăng trong giai phẩm tốt nghiệp của khoảng 300 sinh viên – học trình bốn năm – của Ðại học Sư phạm Huế, khóa Huỳnh Thúc Kháng 1974, mà tôi hân hạnh được làm trưởng khóa.

Từ sau tháng Tư năm 1975, sống lưu lạc ngoài quê nhà, tôi đánh mất toàn bộ bản thảo. Năm nay các anh chị em đồng khóa cùng chung với khóa Lương Văn Can 1973 lần đầu tiên tổ chức ngày hội ngộ tại Huế. Tuy tôi ở xa không thể về dự nhưng lại may mắn có một bạn cùng lớp cất công sưu tầm được bài thơ ấy và gởi cho tôi hôm 17/10/2009...


Lúc đó, sóng gió loạn cuồng vùn vụt nổi lên tràn ngập bốn phương trời đất nước.

Sóng cuồn cuộn từ khơi đại dương xanh thẳm cuốn thuyền mỏng manh ngư phủ già nua khổ hạnh chìm xuống lòng biển thâm u.

Gió tơi bời thổi từ núi rừng huyền bí và bình nguyên hiền hòa làm trốc gốc cây đại thụ và đau đớn đứt lìa bao lũ tre non.

Sóng gió xô đẩy trăm vạn lũ cá con xinh đẹp lên đỉnh cao non ngàn, tung bay tán loạn muôn triệu hạt mầm vừa gieo trên đất cày yêu dấu.

Sóng gió vũ bão lướt qua bao thị thành làng mạc, giật sập chòi tranh vách đất người thôn dã, cuốn trôi từng sào lúa luống khoai vun xới công phu, tan tành từng viên gạch cổ thành đền đài dinh thự, đóng mặn mồ hôi trên da thịt người lao động khố rách áo ôm.

Sóng gió làm đứt bao nôi trẻ thơ, vỡ nát mộng đầu thanh xuân của bao tình nhân mới lớn, lặng tắt nụ cười của đôi tân hôn bên thềm đời hạnh phúc.

Sóng gió đẩy bát cơm xa miệng người, ngăn cách dòng máu đỏ về tim, cho quần áo lạ lùng cơ thể, ngôi nhà chẳng ấm hơi người ngơi nghỉ cuối ngày, trái mộng cuộc đời xa xôi diệu vợi và ước mơ hạnh phúc là hình phạt dành cho những người tù khổ sai một đời lưu lạc khôn nguôi.

Sóng gió đưa lời ru nghẹn ngào lên môi mẹ hiền một đời lao nhục vì con, tiếng khóc nấc trong tim người vợ trẻ xa chồng từ những đêm đầu chinh chiến và xếp hàng vạn nếp nhăn lên vầng trán cha già lao lực.

Lúc đó, hài nhi không dám cất tiếng chào đời, trẻ thơ không mong trở thành khôn lớn, người khôn lớn cầu nguyện mau đến tuổi già, người già van vái chóng đến ngày kết thúc sự sống dù không dám mơ có chiếc quan tài làm nơi trú ẩn sau cùng giữa lòng mẹ đất.

Vì lúc đó, bạn ơi, ngày dài như chưa bao giờ tắt nắng, đêm đen như huyệt tối thâm u và mỗi bình minh là mỗi mặt trời chói lòa đỏ máu. Bạn ơi, một lũ người mới xuất hiện với hình thể mới y phục mới ngôn ngữ mới và ảo vọng mới làm sống lại con người ác thú lâu nay ẩn tận đáy hồn bạn hồn tôi.

Họ trọn đời ngu dại cất lời khôn ngoan nên các hiền giả ngơ ngác như người mất trí nhớ. Họ đôi tay huyết lệ đưa lên cao với thánh giá hay hoa hường nên các bậc chân tu hốt hoảng như người phạm tội, suối lạch dương thế bỗng đục ngàu, mọi bụi hoa hường đua nhau héo úa, đức thế tôn bước hoài không tới tòa sen và đấng cứu chuộc vẫn khóc mãi trên thập tự.

Họ biến tư thất thành đền đài uy nghiêm nên những đình chùa giáo đường vắng bóng tín đồ, hiu hắt như buổi chợ chiều.

Họ biến đồn trại thành nơi huấn luyện làm người nên trường học chỉ là chỗ bán buôn.

Họ đưa cao lá cờ đỏ màu thép súng phủ lên núi rừng đồng ruộng xanh biếc đầy tiếng bom đạn oan khiên nên màu đỏ đất cao nguyên màu mỡ trở thành máu và màu vàng lúa chín trở thành màu da người bệnh hoạn.

Và chính họ, những kẻ nô lệ vật chất chức tước, những tên cờ bạc bịp một sớm một chiều lên làm chủ nhân, nên bạn ơi, bạn và tôi và mọi người, những người chân thành yêu mến cuộc đời, quí trọng con người, xót thương sự sống, trở thành những tên nô lệ mới không mang thân phận tôi đòi nhưng không được một lần ngước mặt.

Những tên nô lệ được họ chia cho tấm vải bảo có màu sắc tự do bình đẳng nhưng bạn và tôi không biết may mặc vào đâu cho ấm hơi thân thể.

Họ không làm mù mắt tôi nhưng mắt tôi không được nhìn về nơi có ánh sáng. Họ không khoét tai tôi nhưng từ nay tôi không còn được nghe lời dịu dàng của mẹ già, âu yếm của vợ hiền, reo vui của tình nhân và hơi thở ngàn đời bao bọc của vũ trụ.

Họ không xiềng xích chân tôi nhưng tôi không còn dám bước đi theo nhịp tim mình, rung theo gió lướt trên đám mạ xanh và rì rào bên rừng thông yên tĩnh.

Họ không trói chặt tay tôi nhưng đôi cánh tay này không bắt nhịp được với những xúc động của tâm hồn và khi đưa ra đã không gặp được một bàn tay.

Họ không làm mờ tối trí óc tôi nhưng trí óc ơi, từ nay ngươi chỉ là chiếc máy phản ứng theo nhịp đời đang được điều kiện hóa.

Họ không làm đứt dây đàn của tâm hồn tôi nhưng lòng tôi hẹp nên dây đàn đã chùng, mắt tôi tối đen nên âm thanh đã lạc và tay tôi quờ quạng không cầm vững phím đàn.

Họ không đày đọa tôi vì họ làm tôi tự buông thả mình. Họ không bán rao tôi nhưng làm tôi như một gái giang hồ không còn cảm xúc, tình nguyện làm tôi tớ cho đủ thứ chủ nhân ông, những tưởng mình chẳng mất gì, đâu ngờ tàn cuộc mới biết tôi chẳng còn gì.

Họ đặt bạn ở gần tôi, tôi ở gần mọi người, nhưng sao trong mắt bạn mắt tôi không vọng bóng con người mà chỉ còn xa cách ngộ nhận. Họ đặt tôi dưới mái nhà quen thuộc giữa vợ hiền con nhỏ nhưng sao ngày hạnh phúc xưa cũ không còn.

Họ đẩy tôi ra ngã ba đường, bảo tôi tự do chọn lựa nhưng sao đường nào cũng ngập tràn gió chướng và không đường nào đáng gọi tự do.

Họ dẫn dắt tôi đến các thiếu nữ thanh xuân, nhưng ô kìa các em, khuôn mặt hôm nào còn thùy mị, ngực hôm nào còn thanh tân, tứ chi hôm nào còn vướng víu, nay đã rũ rượi xa cách muôn trùng.

Họ đặt tôi ngồi giữa các thanh niên mới lớn, nhưng sao các anh, cánh tay hôm nào đưa cao, vóc dáng hôm nào còn vững chãi, mái tóc hôm nào còn bồng bềnh, vầng trán hôm nào cao ngạo mộng tưởng gồ lên chấp nhận phong trần mà nay mắt đã lạc thần như nghé con mất mẹ.

Họ đặt tôi giữa chợ đầy hương đèn hoa quả ngũ cốc nhưng sao tôi chỉ thấy toàn hành khất vắng bặt kẻ bán người mua.

Và còn nhiều nữa bạn ơi, làm sao tôi kể hết. Họ cho tôi mọi thứ nhưng tôi không có được hai con đường để chọn lựa. Tôi chỉ còn một đường vào ngục thất của đời mình, của tăm tối và bất công đã trở thành bầu khí và nếp gấp của trật tự mới, của những đêm dài mà tự do là ác mộng và sáng tạo là điên đảo loạn cuồng.

Và ô kìa bạn ơi, họ đứng ngoài song cửa cuộc đời, giẫm chân lên các lối đi hèn mọn vỗ tay reo cười đắc thắng. Chúng ta trong này, hỡi bạn hiền của tôi ơi, sao chúng ta vẫn nhìn nhau phiền muộn.

Hỡi người thanh niên, sao tóc bạn rũ dài xuống trán. Hỡi người thiếu nữ, sao để phấn son làm mờ đôi mắt ngây thơ xiêm áo xa hoa hoen ố ngực non tơ hồn trinh khiết. Hỡi người sinh viên sao để sân trường thành nơi huấn nhục. Hỡi người trí thức sao anh để tâm hồn chùng lại xa cách dân đen. Hỡi người giáo chức sao thầy để học trò lòng trống trải như lớp học mắt vô tri như bàn ghế. Hỡi người công chức sao để bữa no bữa đói mà anh vẫn tiếp tục một đời thư lại. Hỡi người chiến sĩ, anh bảo vệ ai khi da thịt anh đang lần hồi vỡ nát. Hỡi người lao động sao anh hì hục trong xưởng làm khi không đủ cơm ăn. Hỡi chị tiểu thương, sao bán buôn gồng gánh thúng mủng vơi đầy ế ẩm buồn tênh.

Há chẳng phải mắt chúng ta đã thấy ánh sáng, tai chúng ta đã nghe lời dịu ngọt và từ cửa miệng ta đã thoát ra những tiếng cười. Tim này đã rung động vì tiếng khóc con thơ, giọt lệ mẹ già, nụ cười người yêu và tấm nghĩa tình của người phối ngẫu.

Há chẳng phải chân chúng ta từng vượt núi băng đèo cho người người đều nhịp bước, tay chúng ta từng vung lên san bằng chướng ngại để xây đắp cuộc đời. Chúng ta vốn là người của tự do và ánh sáng, hạnh phúc và yêu thương, công lý và huynh đệ, của sự sống kéo dài từ muôn kiếp, chan hòa mặt đất và chảy tràn lên tận cõi thiên cung.

Vì lúc thất vọng là lúc sáng ngời tin yêu, lúc gục xuống là lúc trỗi dậy, lúc lạc loài là hứa hẹn một chuyến trở về, lúc bơ vơ là lúc đầy ắp giấc mơ đoàn tụ. Người nô lệ khốn khổ nhất là người sáng tạo phong phú nhất, kẻ quyết liệt bắt đầu vì không còn gì nữa để mất và hoa đời chỉ nở trên đôi tay đẫm mồ hôi, trái đời chỉ đến trên đôi môi đắng cay chiến đấu, sự sống chỉ bắt đầu khi ta vượt vùng u minh cõi chết.

Vì sáng mai này ánh mặt trời vẫn chan hòa trên rừng thông ruộng lúa, hoa đồng nội vẫn lớn lên giữa bụi gai và chim sẻ chim sâu vẫn reo ca mừng đón ngày nhân gian mở hội cho muôn vạn sinh linh.

Vì còn hơi thở là còn sự sống, còn máu trở về tim là còn dịp bắt đầu, còn tiếng nói, trí óc là còn chế ngự được vùng tương lai trước mặt.

Vì bạn ơi, ta còn một đời để sống, mái nhà để trở về, vợ hiền để ôm ấp, tình nhân để hò hẹn, cha mẹ già để tâm tình vòi vĩnh. Ta còn con người của chính ta để vun đắp bằng mồ hôi của da thịt, máu của xác thân làm làm cây tiếp sinh cho loài người muôn thế hệ, làm nhịp cầu cho con cháu mai sau.

Vì lòng yêu sự thật, công chính và tự do mạnh hơn cái chết. Vì chết chỉ là một chuyến trở về an nghỉ cùng tiền nhân, vui vầy cùng thượng đế chờ ngày nhận đủ những thân yêu đã xa lìa dưới thế.

Vì thế, bạn ơi, hãy cùng tôi, người bạn hiền của tôi ơi, hãy dìu nhau trỗi dậy. Ta cất cao tiếng hát, mắt ngời tin yêu đi về hướng mặt trời. Ta mang theo trong ta những mặt trời nhỏ đầy lửa con tim, xóa ta sương mù băng giá, làm quê hương tỉnh cơn sóng gió loạn cuồng…

(1973)

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Viết – sống – và bình an

    24/10/2019Trần Văn ToànViết, với một người bình thường, vì thế, là một buông xả. Để giải thoát cho ngọn lửa trong nội tâm. Viết còn là một tu tập. Để vun đắp cho những tín niệm. Tôi không tin ai đó có thể viết trong sự bình an. Nếu đã thực sự có bình an thì người ta đã hoàn toàn vong ngôn.
  • Giáo dục vu lan

    25/08/2018Cao Huy ThuầnVu Lan là ngày báo hiếu. Chữ hiếu trong đạo Phật quan trọng đến nỗi chính đức Phật là người làm gương. Phật nói: Phật ra đời là để làm năm việc: chuyển pháp luân, độ cha mẹ, đem đức tin lại cho những kẻ không có đức tin, ai chưa có chí nguyện bồ tát thì làm cho họ có, và thọ ký làm Phật cho bồ tát...
  • Nguyên nhân của đau khổ

    06/04/2016Cuộc đời là khổ đau hay không khổ? Câu trả lời tùy thuộc vào thái độ tâm lý, cảm thọ và nhận thức của mỗi người. Nguyên nhân của đau khổ - có cái phát sinh từ vật chất hay hoàn cảnh xã hội, nhưng khổ có nguồn gốc sâu xa trong tâm tưởng của con người.
  • Khi thân xác chối từ

    23/12/2015Nguyễn Hữu LiêmTrong dịp hai lễ Thích Ca thành đạo và Jesus Giáng sinh vào cuối năm, chúng ta hãy tìm đọc Kinh Phật và Chúa để chiêm nghiệm lại một vài ý nghĩa của cơ sự làm người. Có những mẩu chuyện mà có lẽ nhiều người trong chúng ta đã nghe, đọc qua rồi, nhưng ý nghĩa ẩn dụ vẫn còn giấu kín. Sau đây là hai câu chuyện của Ananda và Peter – đôi cột trụ lớn của hai truyền thống đạo lý trọng yếu của nhân loại. Ananda là của Đông Phương; Peter Tây Phương. Mỗi nhân vật là một hiện thân từ chữ Đạo, tùy duyên mà ứng hiện trong sự lớn lao vô cùng huyền diệu về hiện tượng con người.
  • Góp vốn tự do

    18/10/2014Nguyễn Trần BạtCon người thường mặc nhiên thừa nhận không gian tự do bên trong và không gian tự do bên ngoài bản thân mình là rất trừu tượng, nhưng thực ra không phải vậy. Không gian tự do bên trong chính là đời sống tinh thần của mỗi con người. Còn không gian tự do bên ngoài phản ánh tự do của người dân đối với nhà cầm quyền, tự do của con người đối với nhau, và tự do trong sự tương tác giữa các lực lượng xã hội.
  • Cầu nguyện không mang lại cho bạn thứ mà bạn mong muốn

    28/02/2014Kahlil Gibran (Như Khuê chuyển ngữ từ bản tiếng Anh)"Bởi vì nếu bạn bước vào đền mà chỉ để đòi hỏi điều gì đó thì bạn sẽ không bao giờ nhận được nó. Và nếu bạn cầu nguyện chỉ để giải thoát cho mình thì bạn sẽ không bao giờ cất được gánh nặng đó đi"
  • Nguyễn Ước (1947 - )

    23/10/2009Dịch giả tác giả xuất sắc, triết gia, Phật tử
  • Triết lý siêu hình

    22/08/2009William S. Sahakan & Mabel. Sahakan- Thanh Chân dịchThuật ngữ siêu hình học (metaphysics) vốn xuất phát từ cụm từ Hy Lạp "meta ta Phusika" (hàm nghĩa phía sau, hay vượt ra khỏi, giới vật chất tự nhiên). Siêu hình học là bộ môn nghiên cứu Thực Tại Tối Hậu, về những gì vượt lên trên hiện tượng vật chất....
  • Thấy Phật

    03/06/2009Cao Huy ThuầnLòng tin đức Phật pháp nhân không phải là lòng tin yếu đuối gửi vào sức mạnh siêu nhiên nào đó từ bên ngoài. Đó là lòng tin ở con người. Trong mỗi chúng ta đều có đức Phật pháp nhân, chỉ vì ta không nhìn, không thấy, không biết, nên mới tưởng là không có mà thôi.
  • Huyền thoại và triết học

    12/01/2009Nguyễn Văn TrungChưa có nhà khoa học nào khẳng định được lúc nào, giai đoạn nào trong đó đã xẩy ra sự chuyển hoá quyết định khiên con vật kể trên kia thành con người. Vấn đề không cần đặt ra ở đây và ta chỉ cần xác định yếu tố quyết định sự biến đổi về phần này - yếu tố làm cho con người khác con vật đó là sự đột khởi của tự do, của ý thức. Tự do, ý thức như vậy là hai đặc tính của con người với tư cách là người.
  • Buổi sáng thật thà

    30/12/2008Nguyễn Ngọc TưThời gian trả về cho ông một buổi sáng lạ thường. Ông ra đường với cái quần jeans bạc phếch hao hao màu tóc đã nhiều muối rắc. Cái áo pull màu xanh dương, cũng bạc vai rồi. Lững thững ghé một cái quán cà phê nhỏ ở góc đường, ông nghe tiếng thì thào, “trời ơi, bữa nay coi ổng lạ quá...”. Ông cười thầm.
  • Bàn về Tâm linh và Tâm thức

    12/12/2008Nguyễn Tất ThịnhTôi muốn khởi đầu cho những bài viết tiếp sau về chủ đề mà bất cứ ai, tạm có thể nói về bản thân là trải nghiệm, cũng ít nhất đôi lần tự đặt câu hỏi. Thực ra, cho dù là Vô thức, ai cũng đang hành trình đến…để thấy được rằng: Có một điều gì đó cựa quậy sống động từ sâu thẳm đời sống tinh thần, một khi Ngộ được, sẽ giải tỏa được kho năng lượng vô hạn của Bản thân…
  • Tu bụi

    05/04/2008Trần Kiêm ĐoànCó lẽ đã rất lâu rồi mới lại có một cuốn sách cùng một lúc đạt đến nhiều tiêu chí như "Tu Bụi". Đây là một cuốn tiểu thuyết lịch sử truyền tải nhiều nội dung Phật giáo đồng thời lại phân tích và lý giải rất sâu sắc những triết lý sống mà đạo Phật hướng vào...
  • Osho, ông là ai?

    02/01/2008Osho (1931-1990) là một vị đạo sư hết sức kỳ lạ của thế kỷ 20. Tên thật của ông là Rajneesh Chandra Mohan Jain. Khoảng trong thập kỷ70 người ta biết đến ông với tên Bhagwan Shree Rajneesh. Tháng 2 năm 1989, ông tự đổi tên là Osho...
  • Phẩm giá con người

    01/08/2006Những nhà cải cách chính trị và xã hội thường nói về một số điều kiện như là sự lăng mạ phẩm giá con người. “Phẩm giá con người” mà họ nói tới có ý nghĩa gì? Phẩm giá con người có phải là chuyện về những quyền chính trị và những điều kiện sống tử tế, hay nó là cái gì khác hơn?...
  • Thiền phật giáo nguyên lý và một số phạm trù cơ bản

    23/12/2005TS. Hoàng Thị ThơPhân tích quan niệm của Thiền Phật giáo về quá trình nhận thức, và cùng với nó là quá trình giải thoát, tác giả muốn chỉ ra thế mạnh cũng như hạn chế của những quá trình mang tính hướng nội và cá thể này. Vì vậy, có thể lý giải được sự lan toả đang rất thành công của Thiền Phật giáo trên thế giới hiện nay...
  • Về Tự do với tư cách phạm trù của triết học xã hội

    19/11/2005Đinh Ngọc ThạchToàn bộ kinh nghiệm lịch sử chỉ rõ rằng, tự do là giá trị thiêng liêng và là đặc tính bản chất của con người, là cơ sở bản thể luận của đời sống...
  • xem toàn bộ