Dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh - chiếc cầu nối văn hóa Đông Tây

10:02 SA @ Thứ Ba - 28 Tháng Bảy, 2009

Người Việt ta, từ ngàn xưa đã giao lưu với văn hóa Trung Hoa. Những tư tưởng Khổng giáo, Lão giáo, Phật giáo từ Trung Hoa truyền sang, đã chi phối sinh hoạt tư tưởng của các nhà văn hóa Việt Nam nhiều thế kỷ. Thơ Đường, thơ Tống, cùng những bộ tiểu thuyết đồ sộ của thời Minh, thời Thanh (Tam quốc chí, Thuỷ hử, Hồng lâu mộng, Tây du ký...) đã trở thành món ăn tinh thần quen thuộc trong giới bút mực Việt Nam. Một thời gian dài Việt Nam đã dùng chữ Hán làm phương tiện biểu cảm những tư tưởng và tình cảm của mình (trong công việc hành chính cũng như công việc sáng tác).

Còn nền văn hóa phương Tây, ta chỉ mới làm quen độ hơn trăm năm nay. Những người có công bắc chiếc cầu nối để ta hiểu phần nào nền văn hóa phương Tây, cũng như để người phương Tây phần nào hiểu nền văn hóa Việt Nam, là lớp trí thức hồi đầu thế kỷ, mà ông Nguyễn Văn Vĩnh là người đáng được ghi công đầu.

I. Sơ qua về cuộc đời ông Nguyễn Văn Vĩnh

Ông Nguyễn Văn Vĩnh không xuất thân trong một gia đình thế gia vọng tộc nào cả. Bố mẹ ông là nông dân nghèo, ở làng Phượng Vũ, phủ Thường Tín (bây giờ là huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây), vùng đồng chiêm quanh năm nước ngập, đói, nên phải bỏ quê ra thành phố kiếm ăn, ở nhờ nhà bà nghè Đại Gia (tức ông nghè Phạm Huy Hổ) phố Hàng Giấy.

Ông sinh ngày 15/6/1882 tại số nhà 46 phố Hàng Giấy, trong cảnh loạn lạc, vào lúc thành Hà Nội bị quân Pháp đánh chiếm lần thứ hai, do Henri Rivière chỉ huy, được hơn một tháng. Sau đó đã dẫn đến hiệp ước Patenôtre (1884) buộc triều đình Huế ký nhận đầu hàng, và Hà Nội trở thành đất nhượng địa của thực dân Pháp.

Bố mẹ ông đông con, ông lại là con lớn, nên lên tám tuổi, bố mẹ xin cho đi làm thằng nhỏ kéo quạt ở trường thông ngôn của Pháp mới mở ở đình Yên Phụ để đỡ gánh nặng cho gia đình. Cậu bé ngồi phía cuối lớp kéo hai chiếc quạt nối liền nhau, vừa quạt mát cho giáo viên vừa quạt mát cho học sinh là những ông tú tài nho học thất thế quay ra học tiếng Pháp để làm thông ngôn. Cậu cũng chăm chú nghe giảng, cũng nói được và viết được tiếng Pháp, lại còn thông thạo hơn nhiều học sinh lớn tuổi khác.

Hiệu trưởng là ông D’Argence thấy vậy, sau ba năm mãn khóa, cho cậu thử thi tốt nghiệp. Lớp học có 40 học sinh, cậu đỗ thứ 12 khi mới 11 tuổi. Hiệu trưởng đặc cách nhận cậu vào học chính thức, được hưởng học bổng, để theo học khóa tiếp theo.

Nguyễn Văn Vĩnh được là học sinh chính thức lớp thông ngôn tập sự ngạch tòa sứ khóa 1893-1895, và đã đỗ thủ khoa lúc 14 tuổi, được tuyển đi làm thông ngôn ở tòa sứ Lao Cai. Ông bắt đầu cuộc đời viên chức vào tuổi còn vị thành niên như thế.

Sau thời gian ở tòa sứ Lao Cai, ông Vĩnh được thuyên chuyển làm thông ngôn ở tòa sứ Hải Phòng. Bấy giờ Pháp đang xây dựng tuyến đường sắt Hải Phòng - Lao Cai. Rồi ông được chuyển làm thông ngôn ở tòa sứ Bắc Giang (từ 1902-1905). Lúc này Pháp đang xây dựng nhà máy giấy Đáp Cầu (1902) và tuyến đường sắt lên Lạng Sơn đã hoàn thành (1894).

Viên công sứ Bắc Giang Hauser là một trí thức Pháp đỗ cử nhân luật, đi học ngạch quan cai trị thuộc địa. Thấy Vĩnh nói tiếng Pháp thành thạo, am hiểu công việc văn thư, tự mình thảo được công văn và báo cáo đủ các loại cho tòa sứ, lại viết được báo tiếng Pháp và là cộng tác viên của tờ "Courrer d’ Haiphong" và tờ "Tribune Indochinoise" của Schneider, Hauser liền đề bạt Vĩnh làm chánh văn phòng tòa sứ, nâng lương vượt ngoài khung lương thông ngôn, và giao cho các công việc đáng lẽ phó sứ phải làm, mà phó sứ Eckert nguyên là nhân viên của sở mật thám, không có trình độ văn hóa, không làm được.

Tòa sứ đặt ở Bắc Ninh, gần Hà Nội, nên các quan chức Pháp thường xuyên qua lại. Ai muốn hỏi việc gì, công sứ Hauser đều giới thiệu đến chánh văn phòng và đều được giải đáp nhanh chóng, thỏa đáng với đầy đủ chứng cứ rõ ràng.

Sau bốn năm làm việc, Hauser càng mến phục Vĩnh, đi đâu cũng điều Vĩnh đi theo. Cho nên khi Hauser được về làm đốc lý thành phố Hà Nội thì cũng điều luôn Vĩnh về.

Khi toàn quyền Beau sang thay Doumer, chủ trương mở mang học hành, lập các tổ chức y tế và hội thiện, đốc lý Hauser được giao nhiệm vụ vận động và giúp đỡ người Việt làm đơn và thảo điều lệ xin phép lập các trường, các hội, đệ lên phủ thống sứ để duyệt. Hauser giao toàn bộ công việc này cho ông Vĩnh. Vì vậy Nguyễn Văn Vĩnh đã trở thành sáng lập viên của các hội và các trường được lập ra thời bấy giờ. Như: trườngĐông Kinh nghĩa thục, HộiTrí Tri, Hội dịch sách, Hội giúp đỡ người Việt sang Pháp học v.v...

Một việc nữa của đốc lý Hà Nội được phủ thống sứ giao bấy giờ là tổ chức và quản lý gian hàng Bắc kỳ ở hội chợ thuộc địa mở ở Marseille (Exposition colonial de Marseille). Hauser lại giao hết cho ông Vĩnh, nào là làm đề án thu thập sản phẩm hàng hóa để trưng bày, nào là tuyển thợ đi sang Marseille dựng gian hàng. Trần Trọng Kim được tuyển sang Pháp trong cơ hội này, danh nghĩa là thợ khảm, sau hội chợ được ở lại Pháp học đại học sư phạm.

Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) nổi bật với quan điểm duy tân cấp tiến. Thuộc nhóm người tân học, làm việc với người Pháp, và được sang Pháp công tác, sớm nhận thấy sự văn minh tiến bộ tây phương, ông hiểu rằng muốn canh tân đất nước, việc giáo dục quần chúng là điều kiện quan trọng trước nhất. Để giáo dục quần chúng, sự cần thiết là phải nhờ vào chữ quốc ngữ, báo chí, và ấn phẩm. Những yếu tố này ở nước ta lúc bấy giờ chưa có...

>>Trang tác giả:Nguyễn Văn Vĩnh

Nguyễn Văn Vĩnh vừa đúng 25 tuổi được cử sang Pháp dự hội chợ thuộc địa từ tháng 3 đến tháng 8/1906, được tận mắt thấy nền văn minh của một nước tiên tiến phương Tây.

Sau khi kết thúc hội chợ, ông Vĩnh được ở lại thêm một tháng. Hauser đưa ông Vĩnh lên thăm Paris. Ông đã đến thăm nhà in và báo "Revue de Paris", nhà xuất bản Hachette, nhà soạn và in từ điển Larousse, tìm hiểu phong trào báo chí Pháp và nền dân chủ Pháp.

Ông Vĩnh là người Việt Nam đầu tiên gia nhập Hội nhân quyền Pháp.

Về nước, ông xin thôi ngạch quan chức, chuyển sang làm báo và nghề in cùng với Schneider là kỹ sư ngành in ký hợp đồng sang giúp chính quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương. Hồi ấy người ta hay nói câu cửa miệng: "La plus grande invention de l’homme c’est l’imprimerie" (Nghề in là sự phát minh lớn nhất của loài người). Ông Vĩnh quyết định bỏ búi tó và khăn xếp, bỏ áo dài quần là, mặc áo quần Âu, đội mũ cát, tóc húi cua, đi giầy da, lái xe môtô hiệu Terrot mang từ Pháp về, và lấy bút danh là Tân Nam tử tức Người Nam mới.

Ông là chủ bút các báo tiếng Việt đầu tiên dùng chữ quốc ngữ như tờ Lục tỉnh tân văn, Đăng cổ tùng báo, Đông Dương tạp chí, Trung Bắc tân văn và tờ Học báo; chủ bút các báo tiếng Pháp như tờ Notre journal, Notre revueL’Annam nouveau; cùng làm giám đốc nhà xuất bản Âu Tây tư tưởng.

Ông còn có chân trong hội đồng dân biểu Bắc kỳ và hội đồng kinh tế tài chính Đông Dương, đã lên tiếng bênh vực cho quyền lợi đồng bào trong đó có quyền lợi của mình.

Đại hội đồng kinh tế tài chính Đông Dương (Grand Conseil des Intérêts économiques et Financiers de I’Indochine) họp ở Sài Gòn năm 1932, ông Vĩnh đã thay mặt giới doanh nghiệp phản đối việc chuyển đồng tiền Đông Dương từ ngân bản vị sang kim bản vị [1].

Cuộc họp chưa xong thì ở Hà Nội đã có trát của tòa án đòi tịch biên gia sản vì ông thiếu nợ. Ông vay tiền nhà băng để kinh doanh, dựng tòa soạn báo L’Annam nouveau, và nhà xuất bản Âu Tây tư tưởng (dãy nhà hoành tráng nhưng lòng rất hẹp ở đầu phố Hàng Gai chạy dài về phía Thủy Tạ, trông ra bồn phun nước Bờ Hồ).

Vỡ nợ, ông phải đi sang Lào đào vàng, và chết vì một cơn sốt rét ác tính, trong một chiếc thuyền độc mộc, trên dòng sông Sêbăngghi, với một chiếc quản bút trong tay, đang viết dở thiên ký sự bằng Pháp văn đăng tải trên báo L’Annam nouveau: "Một tháng với những người tìm vàng" (Un mois avec des chercheurs d’or), ở tuổi 54, vào đúng ngày 1-5-1936.

Ông Vĩnh là người Việt Nam đã hai lần từ chối huân chương Bắc đẩu bội tinh của chính phủ Pháp ban tặng, và ông đã cùng với bốn người Pháp viết đơn gửi chính quyền Đông Dương phản đối việc bắt giữ cụ Phan Chu Trinh.

II. Hội dịch sách.

Ngày 26-6-1907 ở Hội Trí Tri Hà Nội, có hơn 300 người, vừa người Hà Nội vừa người ở các tỉnh về họp, để lập Hội dịch sách. Ông Nguyễn Văn Vĩnh đã đọc một bài diễn thuyết. Xin trích đoạn để độc giả tham khảo, như sau:

"Trình các quan,

"Ở thế gian này, xem trong các nước, phàm nước nào đã gọi là nước văn minh, là cũng có văn chương riêng cả, tiếng nói thế nào, chữ viết như thế. Mà cái văn minh người ta cũng ở đó mà ra, vì chữ có là ảnh tiếng nói thì mới dùng để truyền bá hay đi trong nước ai ai đều học được cả. Cách truyền tư tưởng đi có hai cách: một là lấy miệng mà nói, thì chỉ ai đứng nghe nói thì nghe được mà thôi, mà nói xong nhời nói có nhẽ quên đi được. Một cách nữa là nghĩ điều gì hay, làm ra sách thì tư tưởng truyền đi được xa, mỗi quyển sách in ra nhiều người đọc được, mà không đọc khi này, đọc khi khác, có nhãng lại có thể đọc lại được (...)

(...) Có như thế thì tôi thiết tưởng bây giờ mà muốn cho trí dân Annam chóng mở mang ra, thì phải có sách bằng tiếng nôm. Nhưng trong nước ta bây giờ, chưa có ai có tài mà làm được nên quyển sách để dạy dân. Dẫu có học chữ ngoại quốc, mà hiểu được một vài ý hay nữa, mà có làm ra sách mới, thì vị tất đã có ai xem, vì cách tư tưởng của mình xưa nay, huyến hồ viển vông, bây giờ nghe những nhẽ mới cũng khó vỡ. Vậy trước khi xem được những sách bắt chước ngoại quốc mà làm ra, thì dân phải đã biết qua những ý nguyên ấy. Sau nữa lại còn một nhẽ rằng: người ta không ai chịu ai, một người có làm ra quyển sách bây giờ, những người xem cũng không để vào tai, vì mình đã quen xưa nay chỉ học sách của thánh. Có họa bây giờ, những người học được các sách hay của ngoại quốc, mà cố đem tiếng bản quốc dịch ra rõ được ít nào hay chút ấy, thì người ta xem đến, dẫu không biết được hết nghĩa, nhưng cũng vỡ được đại khái, khi đã có nhiều người nghe phang phác được cái tư tưởng của người ta, rồi lúc bấy giờ có mượn những tư tưởng ấy mà làm ra sách nôm thì ta mới có nhiều người hiểu.

Vì nhẽ ấy, cho nên chúng tôi định lập ra Hội dịch sách này.

Chắc rằng làm việc là việc bạc, vì bây giờ đem sách người mà dịch ra tiếng bản quốc, nếu cứ dịch cho đúng từng chữ thì xem không hiểu được. Tất phải dịch lấy nghĩa. Lấy nhời nhẽ ta mà giải nhời nhẽ người. Đến lúc thiên hạ xem hiển nhiên rồi, tất có người rạch ròi muốn biết nghĩa thâm trầm thì lại đem dịch lại, nhưng lúc bấy giờ dịch kỹ mới có người hiểu. Chúng tôi cũng biết rằng sách dịch ra bây giờ, đời sau là có người chê, nhưng có thế mới gọi là tiến bộ, chúng tôi cũng sẽ thỏa lòng rằng: mình đã có cắm nêu lên trước, cho nên mới có kẻ theo hút sau.

"Các quan bây giờ mà giúp vào lập thành cho cái Hội này, thì cái công đức các quan thực là to nữa. Thực là đúc một quả chuông to, vì chuông này, đánh một tiếng rồi kêu mãi, mà có tiếng chuông này rồi mới nảy ra trăm nghìn tiếng khác liên thanh, tai hậu thế lúc nào cũng được nghe tiếng hay. (...).

"(...) Còn nên dùng chữ nôm hay chữ quốc ngữ, thì chắc các quan cũng nghĩ như chúng tôi: nước Nam có muốn hòng một mai tiếng nói có thể nhiều tiếng ra, tiếng nhiều vần thêm bớt vô cùng, thì phải dùng một lối chữ có vần. Có nhiều ông đã nghĩ ra một lối chữ mới, cũng chắp nét diệu lắm, nhưng hễ còn dùng chữ một-vần-một, thì muôn đời tiếng nói không rộng ra được. Cũng may! Dù khéo thế nào mặc lòng, một thứ chữ một người đặt ra không ai chịu theo. Vả chữ viết có in tiện, thì dùng mới tiện. Như lối chữ quốc ngữ, thì có 25 chữ, sắp lại tiện mà chóng lắm. Còn như cái chữ nôm của mình ngày xưa, thì thực nên bỏ. Chữ phải có mẹo mực, chớ một chữ mà đọc nhiều cách viết nhiều cách được, thì khó học lắm.

"Bây giờ ta nên xét xem dịch thì nên dịch sách gì trước.

"Điều ấy phải để tùy ý những người dịch, vì những người đã có thể dịch được, tất học thức đã rộng, dân Annam đương cần học gì tất cũng đã biết, bây giờ chắc hẳn những điều cao kiến lắm, dân mình xưa nay trí khôn chỉ là là mặt đất cũng chưa với đến được. Chắc các ông vào việc dịch sẽ chọn những sách phổ thông. Mỗi thứ phải có một ít, cách trí, bác vật, hóa học, toán học, cơ khí học, thương mãi học là điều cốt nhất.

"Lẽ tất nhiên trong hội các quan cũng nhiều người ngoại thư cũng đã rộng, bây giờ dịch những sách phổ thông thì cũng khí chán, nên xin thế nào cũng có dịch một hai điều cao kiến như kinh tế học, chính trị học. (...)

"(...) Còn như sách nho, vốn đạo Nho là gốc cách ăn ở, gốc phong tục nước mình, ta nên giữ lấy, vì trước khi bỏ một đạo hãng phải có sẵn đạo khác hay hơn mà thế vào đã! Vả sửa lại thì sửa chớ việc chi phải bỏ đạo Nho là đạo thực hay: kìa như sách nho đã có mấy nghìn năm nay mà xem những ý mới Âu châu bây giờ cũng nhiều ý không ra ngoài tứ thư ngũ kinh. Sách thì hay nhưng học không hay cũng chỉ vì vụng học. Giá bây giờ dịch ra tiếng nôm, mỗi bài chính văn lại lấy nhời nhẽ nôm mình mà bàn cho kháp vào thực sự thì có nhẽ hay. (...)

"(...) Những số tiền đóng, thì chúng tôi đã tính chiếu theo số 1000 hội viên. Hễ được số ấy, thì có thể mỗi tháng in được cho mỗi ông một quyển nhỏ độ 120 trang, khổ Tân dân tùng báo, giấy cũng vậy.

"Nhược bằng không được số ấy, thì hội hãng sẽ in thạch bản, xem tạm vài tháng, đến khi có đủ số hội viên sẽ in bản sắt.

"Việc này lại còn có ích một chút nữa, là người Annam bây giờ nhiều ông muốn mở nhà in, nhưng trước khi mở một cái nhà in, phải chắc có việc làm đều, tháng nào cũng có, mới mở được. Giá hội này của ta thành, rồi về sau lại mở được vài cái nhật báo nữa, thì nghề in có nhẽ mở mang ra được to".

(Nguyễn Văn Vĩnh. Trích trong Đăng cổ tùng báo số 813 và 814)

Chẳng cần phải phẩm bình gì nhiều nữa. Vạn sự khởi đầu nan. Chúng ta chỉ còn biết cúi đầu bái phục lớp cha ông đầu thế kỷ, vốn Tây học còn ít, công việc thì mới mẻ, nhưng với tấm lòng cầu học, cầu hiểu biết, muốn dân trí được nâng cao, đổi mới, đã không quản ngại khó khăn ghé vai đảm nhận công việc nặng nhọc xây chiếc cầu nối giữa hai nền văn hóa Đông Tây.

III. Những công trình dịch thuật của ông Nguyễn Văn Vĩnh

Ông Nguyễn Văn Vĩnh đã nói một câu bất hủ, hồi ấy thường in ở các bìa sách do ông xuất bản. "Nước Nam ta mai sau này hay dở cũng ở chữ quốc ngữ". Ông và lớp trí thức thế hệ ông đã làm cuộc cách mạng chữ viết thành công hồi đầu thế kỷ. Chữ quốc ngữ đã đánh bại chữ Hán và chữ Nôm trở thành chữ viết của toàn dân tộc.

Những công trình dịch thuật của ông Vĩnh tạm thống kê như sau:

1. Dịch từ Pháp văn sang Việt văn:

  • Thơ ngụ ngôncủa La Fontaine.
  • Truyện trẻ concủa Perrault.
  • Truyện Gil Blas de Santillanecủa Lesage (4 quyển).
  • Mai nương Lệ cốt (Manon Lescaut)của Abbé Prévost (5 quyển).
  • Ba người ngự lâm pháo thủcủa A.Dumas (24 quyển).
  • Những kẻ khốn nạncủa Victor Hugo.
  • Miếng da lừacủa Balzac.
  • Guy-li-ve du kýcủa J.Swift.
  • Tê-lê-mặc phiêu liêu kýcủa Fénélon.
  • Kịch của Molière (Trưởng giả học làm sang, Giả đạo đức, Người bệnh tưởng, Người biển lận).
  • Kịch của Lesage (Tục ca lệtức Turcaret,2 quyển).
  • Truyện các danh nhân Hy lạp và La Mãcủa Plutarque.
  • Rabelaiscủa E.Vayrac.
  • Đàn cừu của chàng Panurgecủa A.Vayrac.

Ngoài ra còn những bài dịch về Luân lý học và Triết học yêu lược đăng tải nhiều kỳ trên Đông Dương tạp chí.

2. Dịch từ tiếng Việt sang tiếng Pháp

- Kim Vân Kiều tân điển Pháp văn của thi hào Nguyễn Du (đăng từng kỳ trên Đông Dương tạp chí L’Annam nouveau, sau này in thành sách).

3. Dịch từ chữ Hán sang tiếng Pháp

  • Tiền Xích Bích(đăng trong Đông Dương tạp chí)
  • Hậu Xích Bích(đăng trong Đông Dương tạp chí).

Ông Vĩnh xứng đáng là nhà quán quân trong công việc dịch thuật ở nước ta hồi đầu thế kỷ. Trong vòng 10 năm ông đã làm được một khối lượng dịch thuật đồ sộ, ngoài ra còn viết báo, in sách, soạn niên lịch thông thư, đề xuất những vấn đề cải cách nông thôn, hôn nhân, xã hội v.v...

IV. Sơ bộ nhận xét

Nhận xét tổng quát: Xét về các nước ở châu Á và Đông Nam Á tiếp thu ảnh hưởng của nền văn hóa và văn học phương Tây, thì nước ta thuộc diện sớm nhất và biến chuyển nhanh nhất. Thực vậy, chỉ kể một giai đoạn từ 1925-1945, khoảng độ hai chục năm trời, đã nở rộ những trào lưu cùng các loại hình văn học: thơ mới, văn học lãng mạn, văn học hiện thực, văn học cách mạng, kịch nói, kịch thơ, văn triết học, văn chính luận, văn khảo cứu, v.v... mà ở phương Tây, như nền văn học Pháp tiêu biểu, cũng phải đi mất hàng trăm năm. Những loại hình nghệ thuật chữ nghĩa ấy đều được viết bằng chữ quốc ngữ ngày càng chính xác, trong sáng, tế nhị và uyển chuyển.

Phép lạ gì làm chúng ta rút ngắn được thời gian như vậy? Nhờ giao lưu văn hóa. Mà cái cầu để nối nhịp giao lưu là công việc dịch thuật.

Sau đây xin được kể công cho ông Nguyễn Văn Vĩnh, với vị trí một dịch giả, đã làm cái công việc khai phá giới thiệu các loại hình văn học phương Tây hồi đầu thế kỷ còn quá xa lạ đối với người Việt Nam lúc bấy giờ. Tất nhiên là có nhiều người khác cùng làm công việc này, họ rất đáng được ghi công. Nhưng mong có dịp khác sẽ được đề cập đến.

1. Thơ Pháp. - Thơ Pháp được giới thiệu trên báo chí Việt Nam, sớm nhất, nếu không lầm, là bài "Con Ve và con Kiến" của La Fontaine, vào năm 1907, in trên Đăng cổ tùng báo, hồi ấy còn gọi là thơ "dĩ vật giáo nhân" (lấy vật dạy người). Thoạt đầu ông Nguyễn Văn Vĩnh đã chuyển dịch sang thể lục bát, là lối thơ truyền thống của Việt Nam. Bảy năm sau ông dịch lại, theo đúng điệu Tây vần Tây đăng trên Đông Dương tạp chí năm 1914.

Tại sao ông lại làm thế? Theo ý chúng tôi, hẳn là ông muốn giới thiệu một lối thơ của phương Tây với quốc dân đồng bào. Các thể loại thơ nước ta cho đến lúc ấy, thường chỉ quen làm theo lối lục bát hay song thất lục bát truyền thống Việt Nam, hoặc lối Đường luật hay Cổ phong là theo các lối của thơ Trung Quốc. Bây giờ được biết một lối thơ khác hẳn của một nền văn minh khác hẳn. Chính nó là những con suối khơi mạch tạo nên dòng chảy cho con sông thơ mới giai đoạn 1930-1945 của thơ ta sau này. Âm điệu thơ là lạ, vần chân liền hoặc cách quãng, với số chữ so le. Bản dịch bám rất sát nguyên bản, cả từ và điệu. Cho đến nay vẫn chưa có bản dịch nào vượt được bản dịch của ông Vĩnh hồi đầu thế kỷ.

Xin công bố cả hai bản dịch để bạn đọc tiện so sánh.

Nguyên bản tiếng Pháp:

La Cigale et la Fourmi

La Cigale, ayant chanté
Tout l’été,
Se trouva fort dépeurvue
Quand la bise fut venue;
Pas un seul petit morceau
De mouche ou de vermisseau.
Elle alla crier famine
Chez la Fourmi sa voisine,
La priant de lui prêter
Quelque grain pour subsister
Jusqu’ à la saison nouvelle.
"Je vous pairai, lui dit-elle,
Avant l’out, foi d’animal,
Intérêt et principal".
La Fourmi n’est pas prêteuse;
C’est là son moindre défaut.
"Que faisiez-vous au temps chaud?
Dit-elle à cette emprunteuse,
- Nuit et jour, à tout venant,
Je chantais, ne vous déplaise.
- Vous chantiez? j’en suis fort aise
Et bien! dansez maintenant.

Bản dịch lục bát 1907;

Truyện con Ve và con Kiến

Trên cây có một con Ve
Hát hết mùa hè mùa lạnh kiết so
Bắc phong càng thổi càng lo
Ruồi, sâu bọ hết, ăn nhờ vào đâu?
Âu là đành phận đem đầu
Chạy sang chị Kiến kêu cầu lân bang
Nhờ bà hàng xóm lòng thương
Cho vay dăm hạt thóc lương trợ thì
Khi nào hết lạnh sang hè
Lại xin đem nộp lãi lờ phân minh
Nhược bà có bụng nghi tình
Xin thề Giời Phật chứng minh việc này.
Kiến bà tính ghét mượn vay
Trong nghìn thói độc, thói này nhỏ nhen
Lắc đầu rồi lại còn chèn
Lúc trời nắng ráo anh em làm gì?
Ve rằng tôi ngâm phú thi
Đêm ngày nhai nhải, cái gì cũng ngâm.
Kiến bà chúa tệ độc tâm
Đáp rằng xưa hát, nhẩy đầm nay coi!

Bản dịch điệu tây văn tây 1914:

Con Ve và con Kiến

Ve sầu kêu ve ve,
Suốt mùa hè.
Đến kỳ gió bấc thổi,
Nguồn cơn thật bối rối.
Một miếng cơm chẳng còn,

Ruồi bọ không một con.
Vác miệng chịu khúm núm
Sang chị Kiến hàng xóm,
Xin cùng chị cho vay,
Dăm ba hạt qua ngày.
"Từ nay sang tháng hạ,
Em lại xin đem trả.
Trước thu, thề Đất Giời!
Xin đủ cả vốn lời".
Tính Kiến ghét vay cậy,
Thói ấy chẳng hề chi.
"Nắng ráo chú làm gì?
Kiến hỏi Ve như vậy.
Ve rằng:- Luôn đêm ngày,
Tôi hát, thiệt gì bác.
Kiến rằng: - Xưa chú hát!
Nay thử múa coi đây".

2. Truyện trẻ con. - Hẳn là những người bây giờ khoảng sáu chục tuổi trở lên, có đi đọc, thảy đều còn nhớ hồi nhỏ, được xem hoặc được kể: "Truyện con bé quàng khăn đỏ" của Perrault.

"Ngày xưa có một con bé nhà quê xinh thật là xinh. Mẹ nó yêu nó lắm. Bà nó lại yêu nó hơn nữa. Bà nó cho nó một cái khăn quàng đỏ, nó quàng vào đầu, vừa xỉnh vừa xinh, cho nên đi đến đâu, ai cũng gọi là con bé quàng khăn đỏ..."

Nguyên văn: "ll était une fois une petite fille de vilage, la plus folie qu’on eut su voir: sa mère, en était folle, et sa mère grand plus folle encore. Cette bonne femme lui fit faire un petit chaperon rouge, qui lui seyait si bien, que partout on l’appelait le petit Chaperon rouge..."

Chaperon là một thứ mũ choàng đầu cổ xưa, dài tới chân, thịnh dùng cho đến triều vua Charles IX. Ông Vĩnh chuyển sang Việt văn như trên, thật mặn mà, có duyên, nghe như một truyện cổ tích của người mình. Và nhờ thế câu truyện được truyền tụng khắp nơi, khiến nhiều người quên là truyện dịch của nước ngoài.

3. Kịch Pháp: - Sân khấu của chúng ta trước kia chỉ có chèo, tuồng, và sau đó là cải lương. Người Việt Nam làm quen với kịch Pháp đầu tiên là hài kịch của Molière (bằng văn xuôi và văn vần) thông qua những bản dịch của ông Nguyễn Văn Vĩnh. Nhờ thế mà sau này ta có thể sáng tác kịch nói và kịch thơ ở những năm 30 và 40 của thế kỷ. Ông Vĩnh chẳng những dịch kịch của Molière mà còn diễn kịch Molière trên sân khấu Nhà hát lớn Hà Nội. Theo sự nhớ lại của con cháu gia đình ông, thì vở "Trưởng giả học làm sang" được trình diễn vào năm 1918, chính ông Vĩnh thủ vai Jourdain, và Nguyễn Hải con trai cả ông Vĩnh, thủ vai Cléonte.

Có thể coi đấy là vở kịch nói đầu tiên xuất hiện trên sân khấu Việt Nam. Bây giờ chúng ta đã quá quen với kịch nói, nhưng hồi đầu thế kỷ, hẳn phải là một sự lạ, khi mọi người chỉ quen xem hát chèo, xem hát tuồng hoặc xem hát cải lương. Xin trích một đoạn trong vở "Trưởng giả học làm sang"(Le Bourgeois gentilhomme) do ông Nguyễn Văn Vĩnh dịch:

Ông Giu-đăng. - (bảo đứa ở) Bay hãy đưa áo dài đây để tao mặc mà nghe... Thong thả, có dễ đừng mặc áo dài thì nghe tiện hơn... ừ, mà đưa đây, dễ mặc áo thì hơn.

Con đầu. - (hát)

Từ khi lòng đã biết lòng
Bồi hồi luống những nhớ mong đêm ngày.
Người yêu mà đãi đường này
Ví chăng thù ghét chẳng hay thế nào?

Ông Giu-đăng. - Bài ca này ta nghe buồn lắm, tựa như ru ngủ. Tôi muốn rằng bác sửa đi một đôi chỗ cho nó vui.

Thày dạy nhạc. - Thưa ông, từ phải hợp với điệu mới được.

Ông Giu-đăng. - Độ trước họ dạy tôi một bài thú lắm. Khoan... để ta đọc cho mà nghe. Này!... Thế nào mất rồi nhỉ?

Thày dạy múa. - Nào tôi được biết!

Ông Giu-đăng. - Có vần cừu.

Thày dạy múa. - Cừu?

Ông Giu-đăng. - Ừ, đây rồi! (hát)

Tôi vẫn tưởng cô Thiều
Vừa lành lại vừa đẹp
Tôi vẫn tưởng cô Thiều
Hiền lành như con cừu,
Không ngờ cô Thiều tệ,
Tệ khác nào như thể
Con cọp ở trong rừng.

Hay đấy nhỉ?

Thày dạy nhạc. - Hay thiệt là hay.

... vân vân...

Nguyên bản Pháp văn:

Monsieur Jourdain, - Donnez - moi ma robe pour mieux entendre... Attendez, je crois que je serai mieux sans robe... Non, redonnez-la moi, cela ira mieux.

Musicien. - (chantant)

Je languis nuit et jour, et mon mal est extrême,
Depuis qu’à vos rigueurs vos beaux yeux m’ont soumis:
Si vous traitez ainsi, belle lris, qui vous aime,
Hélas! Que pourriez - vour faire à vos ennemis?

Monsieur Jourdain. - Cette chanson me semble un peu lugubre, lugubre, elle endort, et je voudrais que vous la pussiez un peu regaillardir par-ci par-là.

Maitre de musique. - ll faut, monsieur, que l’air soit accommodé aux paroles.

Monsieur Jourdain. - On m’en apprit un tout à fait joli, il ya quelque temps. Atten-dez... Là... Comment est-ce qu’il dit?

Maitre à danser. - Par ma foi, je ne sais.

Monsieur Joudain. - ll y a du mouton dedans.

Maitre à danser. - Du monton?

Monsieur Jourdain. - Oui. Ah! (M. Jourdain chante).

Je croyais Jeanneton.
Aussi douce que belle;
Je croyais Jeanneton
Plus douce qu’un mouton
Hélas! Hélas!
Elle est cent fois, mile fois plus cruelle
Que n’est le tigre aux bois.

N’est-il pas joli?

Maitre de musique. - Le plus joli du monde.

... etc...

Đến vở "Le Tartuffe" là một vở hài kịch bằng thơ có tiếng của Molière, ai cũng nhận là khó dịch, mà ông Vĩnh đã dịch ra văn vần. Thật là táo tợn! Nhưng phải chăng, nhờ thế, nó đã gây hưng phấn sáng tác kịch thơ của các kịch gia Việt Nam sau này. Tên vở kịch ông Vĩnh dịch là "Giả đạo đức", thế mà được người đời thừa nhận. "Le Tartuffe" có thể dịch là "Thằng Tác-tuýp" hoặc "Tên Tác-tuýp", nhưng ông Vĩnh đã dịch theo nghĩa chuyển từ tên riêng (nom propre) sang tên chung (nom commun) chỉ biểu tượng một hành vi cư xử của con người. Tar-tuferie trong tiếng Pháp có nghĩa là thói giả đạo đức, thói giả nhân giả nghĩa. Chẳng khác gì bên ta máu ghen tuông gọi là máu Hoạn Thư vậy.

4. Tiểu thuyết Pháp. - Hồi đầu thế kỷ người ta nói, nước Pháp có ba bộ tiểu thuyết hay nhất là Princesse de Clèves (Nữ hoàng xứ Clèves) của bà La Fayette, Gil Blas de Santillane của Lesage, và Manon Lescaut của Prévost; thì Nguyễn Văn Vĩnh đã dịch hai bộ Gil Blas de SantillaneManon Lescaut.

Mọi người cùng thời đều thừa nhận ông Nguyễn Văn Vĩnh là người biết chọn sách hay để dịch. Như tiểu thuyết Những kẻ khốn nạn của Victor Hugo, hoặc truyện Miếng da lừa của Balzac, hoặc bộ truyện Ba người ngự lâm pháo thủ của A.Dumas, rồi Guy-li-ve du ký của Swift.

Văn dịch tiểu thuyết của ông Vĩnh lưu loát, nhiều đoạn lược dịch hoặc phỏng dịch. Nhà phê bình Vũ Ngọc Phan đã nhận xét: "Lối dịch ấy các nhà báo thường dùng và gọi là "lược dịch" cốt lấy mau, miễn là hoạt thì thôi. Người không có nguyên văn để đối chiếu, tưởng là hay tuyệt, nhưng nếu dùng những bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh để so với nguyên bản mà học dịch, thì nhiều khi người ta thấy những ý trong câu dịch không còn là ý của tác giả nữa". (Nhà văn hiện đại. Quyển nhất trang 55. Nhà xuất bản Vĩnh Thịnh Hà Nội).

Dầu vậy mặc lòng, ta vẫn phải đánh giá ông là người có công sớm nhất trong việc giới thiệu loại hình tiểu thuyết phương Tây vào nước ta, để sau này nó được mùa sai hoa trĩu quả với những tiểu thuyết tâm lý trữ tình của nhóm Tự lực văn đoàn, tiểu thuyết hiện thực tả chân của Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nguyễn Đình Lạp... các truyện ngắn đặc sắc của Thạch Lam, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao... Có thể nói tiểu thuyết và truyện ngắn Việt Nam chịu ảnh hưởng khá lớn của tiểu thuyết và truyện ngắn phương Tây. Trước đó ta chỉ có truyện kể bằng văn vần (Kiều, Phan Trần, Nhị độ mai...) hoặc tiểu thuyết chương hồi theo lối Trung Quốc (như bộ Hoàng Lê nhất thống chí...) Cho nên tiểu thuyết ta bây giờ có thể hoà nhập dễ dàng với nền tiểu thuyết thế giới là nhờ thế.

Bạn đọc nửa đầu thế kỷ đều đánh giá là bộ truyện Mai-nương Lệ-cốt (Manon Lescaut) văn dịch duyên dáng, chải chuốt, là bộ tiểu thuyết ông Vĩnh dịch hay hơn cả.

Bây giờ có nhiều tiểu thuyết người ta dịch lại, như bộ tiểu thuyết Les Misérables của V.Hugo được dịch là Những người khốn khổ. Tôi chắc là nhiều đoạn dịch sẽ hay hơn thời ông Vĩnh dịch. Điều đó không sai. Vì người đi trước đã tránh cho người đi sau được nhiều sai sót. Nhưng sao cái tên truyện Những người khốn khổ tôi vẫn thấy nó chưa thật sát nghĩa, nó mang cái vẻ ý thức giai cấp, tôn trọng những người khốn khổ, sợ dịch là "khốn nạn", nó có vẻ khinh bỉ coi thường những kẻ khốn cùng chăng. Theo chỗ hiểu của tôi thì, từ misérable còn mang nghĩa loại tiếng mắng chửi. Tỏ sự khinh bỉ, mắng mỏ ai, người ta nói: Misérable! Chuyển nghĩa tiếng Việt là: Đồ khốn nạn!

Victor Hugo lấy đặt làm tên truyện với hàm ý: Vâng, những con người mà thiên hạ thường khinh bỉ, đáng nguyền rủa ấy, lại có những tâm hồn thánh thiện như anh tù khổ sai Jean Valjean, có trái tim tràn ngập tình thương như cô gái điếm Fantine, có cử chỉ hào hiệp anh hùng như chú bé bụi đời Gavroche. Cho nên dịch là Những kẻ khốn nạn như ông Vĩnh, nó sát nghĩa nguyên bản, cũng như ý tưởng của tác giả hơn.

Ông Vĩnh còn dịch truyện các danh nhân Hy La, sách khảo cứu về Rabelais, sách Luân lý học và Triết học yếu lược, nghĩa là gần như đủ các loại dịch thuật của hồi đầu thế kỷ.

5. Dịch truyện Kiều. - Nhận định, ông Nguyễn Văn Vĩnh là chiếc cầu nối văn hóa Đông Tây, thì ngoài việc kể trên, còn phải nói đến công việc chuyển dịch và giới thiệu nền văn hóa phương Đông cho người phương Tây biết.

Ông Vĩnh đã dịch từ chữ Hán sang tiếng Pháp những bài Tiền Xích BíchHậu Xích Bích là những áng văn hay của văn học Trung Quốc đăng trên Đông Dương tạp chí, để những người Pháp làm quen với văn học phương Đông.

Ông Vĩnh còn viết nhiều bài giới thiệu về phong tục tập quán của người Việt Nam đăng trên L’Annam nouveau bằng tiếng Pháp (như bói lá, bói trầu, tục lệ cưới xin, ma chay v.v...).

Nhưng đặc biệt nhất là việc dịch Truyện Kiều sang tiếng Pháp. Kiều là một tác phẩm hay độc nhất vô nhị của người Việt Nam. Nó được truyền tụng khắp mọi nơi, từ thành thị đến nông thôn. Kẻ ít học cũng như người đại trí thức thảy đều mến mộ nó. Tinh hoa của ngôn ngữ tiếng Việt như được tụ hội vào cả truyện Kiều. Nó lại được Nguyễn Du viết bằng thể lục bát là thể văn vần truyền thống với những cách chơi chữ, nói lái, nói láy, điệp ngữ, đảo ngữ, hoán dụ, ẩn dụ, ngoa ngôn... thôi thì đủ vẻ, tỏa lấp lánh ánh hào quang mê đắm của ngôn ngữ Việt Nam. Dịch ra tiếng nước ngoài rất khó.

Suốt 30 năm hoạt động văn học của đời mình (1906-1936) ông Vĩnh đã dịch đi dịch lại Truyện Kiều ra tiếng Pháp nhiều lần.

- 1908-1910 ông Vĩnh đã dịch và giới thiệu Truyện Kiều trong báo "Notre journal""Notre revue".- 1913-1917 dịch lại và in tải trong "Đông Dương tạp chí".

- 1933-1936 dịch lại lần cuối cùng, theo bản Kiều quốc ngữ của Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim, in tải trong "L’Annam nouveau".

Đến năm 1943, sau khi ông Vĩnh mất 7 năm, nhà xuất bản Alexandre de Rhodes in thành sách, do họa sĩ Mạnh Quỳnh minh họa.

Nên biết khi ông Vĩnh còn làm chủ bút tờ Đăng cổ tùng báo, ông đã cùng ông Phan Kế Bính dịch truyện Kiều từ chữ nôm ra chữ quốc ngữ, in thành sách rẻ tiền nhằm truyền bá chữ quốc ngữ. Ông còn bỏ tiền thuê đoàn tuồng Quảng Lạc diễn Kiều để quay phim. Ông bỏ nhiều công sức dịch truyện Kiều sang tiếng Pháp chính là muốn giới thiệu với nước Pháp và thế giới, ngôn ngữ tiếng Việt và văn học Việt Nam. Ông đã từng viết: "Nước Annam ta đã bị mất bởi những người trí thức chỉ biết làm văn học Tầu, chúng ta hãy cố gắng để không trở thành những người trí thức chỉ biết làm văn học Pháp". (L’Annam a été perdu par les lettrés qui n’avaient faits que de la littérature chinoise, tâchons de ne pas devenir dé lettrés qui ne font que la littérature francaise- Notre journal 1908).

Cách dịch Kiều của ông Vĩnh rất khác lạ. Có thể nói là sự giảng tiếng Việt bằng tiếng Pháp, cũng không sai. Ông dịch từng tiếng một (mot à mot). Rồi dịch cả câu, cốt làm rõ nghĩa, không phụ thuộc vào từ và điệu. Sau mỗi đoạn đều có giảng nghĩa và ghi chú rất công phu (Notes et Commentaires).

Thí dụ:

Ngày xuân con én đưa thoi,
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.
Cỏ non xanh tận chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.

Dịch từng chữ:

Ngày (jours) xuân (printemps) con (unité d’animaux) én (hirondelle) đưa (pousser, conduire, se mouvoir) thoi (navette).
Thiều quang (clartes sereines) chín (neuf) chục (dizaines) đã (déjà) ngoài (hors, dehors, dépasser) sáu mươi (soixantes).
Cỏ (Herbe) non (jeune, tendre) xanh (vert, verdir) tận (jusqu’à, finir, à l’extrémité) chân (pied) trời (ciel).
Cành (branches) lê (poiriers) trắng (blanc) điểm (tachetées) một (un) vài (deux) bông (houppes, unités de fleurs, fleurs par extension) hoa (fleurs).

Dịch cả câu:

Les jours du printémp passerent, rapides comme l’hirondelle poussant la navette.
Des quatre-vingt-dix beaux jours du printemps, on était déjà au - delà du soixantième[2].
Le tapis vert d’herbe tendre s’étendait jusqu’à l’extrême horizon.
Les branches de poiriers étaient de blanc - tachetées par quelques fleurs[3].

V. Tạm kết luận.

Thật ra, những công việc của ông Nguyễn Văn Vĩnh đã làm ở nửa đầu thế kỷ, có tầm cỡ của một học giả, một nhà văn hóa lớn. Cần có nhiều công trình nghiên cứu để đánh giá cho đúng những đóng góp của ông với nền văn hóa nước nhà.

Để tạm dừng bài viết này, tôi muốn mượn lời nhận xét của nhà phê bình Vũ Ngọc Phan viết ở thời điểm giữa thế kỷ về ông Nguyễn Văn Vĩnh như sau:

"Nguyễn Văn Vĩnh là một người rất có công với quốc văn, nhưng không phải chỉ nhờ ở những sách dịch trên này mà ông có công ấy. Ông có công lớn với quốc văn là vì ông đã đứng chủ trương một cơ quan văn học vào buổi mà đối với văn chương, mọi người còn bỡ ngỡ. Ông lại hội họp được những cây bút có tiếng, gây nên được phong trào yêu mến quốc văn trong đám thanh niên trí thức đương thời, vì ngoài một vài quyển tạp chí có giá trị, thanh niên hồi xưa không làm gì có những sách quốc văn như bây giờ để đọc. Mà Đông dương tạp chí (ông Vĩnh làm chủ bút - người viết chú thích) hồi đó như thế nào? Người Tây học có thể thấy trong đó những tinh hoa của nền cổ học Trung Hoa mà nước ta đã chịu ảnh hưởng lâu đời; người Hán học có thể thấy trong đó những tư tưởng mới của Tây phương là những tư tưởng mà người Việt Nam ta cần phải biết rõ để mà thâu thái. Những bài bình luận, những bài tham khảo về Đông phương và Tây phương đăng liên tiếp trong Đông Dương tạp chí, ngày nay giở đến, người ta vẫn còn thấy là những bài có thể dựng thành những bộ sách biên tập rất vững vàng và có thể giúp ích cho nền văn học Việt Nam hiện đại và tương lai" (Nhà văn hiện đại. Quyển nhất trang 57 Nhà xuất bản Vĩnh Thịnh Hà Nội).

Chúng ta là lớp hậu sinh ở cuối thế kỷ, hay chúng ta chịu ơn những người đi trước, và càng thêm lòng kính phục khi ta biết hoàn cảnh khó khăn của lớp trí thức cha ông ở buổi giao thời. Chỉ với giác độ một dịch giả thôi, ông Nguyễn Văn Vĩnh đã xứng đáng với danh xưng là chiếc cầu nối hai nền văn hóa Đông Tây.

Xuân Bính Tí, tháng 2-1996


[1] Trước, đồng Franc lấy vàng làm bản vị, đồng Đông Dương lấy bạc làm bản vị. Việc chuyển tiền Đông Dương sang kim bản vị chỉ có lợi cho ngân hàng Pháp, và có hại cho Đông Dương. Sau cuộc họp, phát hành tờ một đồng vàng vẽ người gánh dừa.

[2]Le printemps compte quatre - vingt - dix jours, soit trois mois. Ces jours sont dits des clartés, des douces lumières. On était au troisième mois de l’année lunaire. (Mùa xuân gồm 90 ngày, tức 3 tháng. Những ngày này trời trong trẻo, ánh sáng dịu dàng. Lúc này đã là tháng thứ ba của năm Âm lịch).

[3] Ces deux vers annamites traduisent deux vers chinois:

Phương thảo liên thiên bích
Lê chi sổ điểm hoa.

L’herbe odorante se continue jusqu’au mur du ciel
Les branches de poiriers portaient quelques taches de fleurs.

(Hai câu thơ Annam chuyển dịch từ hai câu thơ Tầu:

Phương thảo liên thiên bích
Lê chi sổ điểm hoa.

Cỏ thơm trải dài đến chân trời
Những cành lê đã thoáng điểm hoa) v.v...

Sau này cũng có vài bản dịch Truyện Kiều khác bằng tiếng Pháp. Nhưng bản của ông Vĩnh vẫn là bản được mọi người đánh giá rất cao. Đa số những người nước ngoài, biết tiếng Pháp, muốn nghiên cứu tìm hiểu Truyện Kiều đều thông qua bản dịch này. Ngay cả những người Việt Nam biết tiếng Pháp, muốn nghiên cứu sâu Truyện Kiều, hoặc muốn học thêm tiếng Pháp, cũng đều dùng bản dịch này.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Cách đây một thế kỷ, những người khổng lồ

    12/05/2009Nguyên NgọcQuả thực, hồi đầu thế kỷ XX, chúng ta từng có được một thế hệ vàng. Quả thật đấy là thời kỳ của những người khổng lồ. Để có được ngày hôm nay của đất nước, không phải chỉ có cách mạng và chiến tranh. Hoặc nói cho đúng hơn, chính những con người như vậy, vào một thời điểm chuyển động quan trọng của lịch sử, đã góp phần không hề nhỏ chuẩn bị tinh thần, trí tuệ, cả chí khí nữa cho dân tộc để có được cách mạng thành công và chiến tranh giải phóng thắng lợi.
  • Tật huyền hồ lý tưởng

    05/02/2021Nguyễn Văn VĩnhXét trong văn chương nước Nam, điều gì cũng toàn huyền hồ giả dối hết cả, không có cái gì là thực tình. Người làm thơ thì ngâm những cảnh núi Thái Sơn, sông Hoàng Hà, giời cao, bể rộng. Núi Tản Viên, sông Nhị Hà sờ sờ trước mắt, thì cảnh không ứng bao giờ. Có cao hứng mà vịnh đến thì cũng phải viện đến cái gì ở đâu xa, chưa biết, chưa trông thấy.
  • Thói hư tật xấu của người Việt: nhiều thói xấu, tin nhảm, giới hạn yêu thương

    09/08/2019Vương Trí NhànDân ta tin rằng? Đất có thổ công, sông có hà bá, cảnh thổ nào phải có Thần Hoàng ấy, vậy phải thờ phụng để ủng hộ cho dân vì thế mỗi ngày việc sự thần một thịnh...
  • Thói hư tật xấu của người Việt: thủ cựu, ngại thay đổi

    03/06/2019Vương Trí NhànTrước hết nông dân ta ngày nay đều còn dốt nát. Bởi dốt nên thủ cựu mà thủ cựu một cách bướng bỉnh. Bao nhiêu điều gì mới lạ khác và thói thường, với sự quen dùng, họ đều coi như không tốt và không bao giờ có ý tò mò muốn dùng. Đại đa số chỉ sống lần hồi từng ngày, nên họ không hề có những sự trông xa hoặc lâu dài và phiền phức rắc rối...
  • Thói hư tật xấu của người Việt: huyền hồ, than vãn, học để thi

    10/10/2018Vương Trí NhànNhững kẻ chơi bời lười biếng, vô công rồi nghề, sống dựa vào người khác, hưởng lợi mà không sinh lợi, thật chẳng khác gì giống ký sinh trùng trong loài động vật. Đó là những con mọt nước...
  • Thói hư tật xấu của người Việt: Tầm nhìn hạn hẹp, cam chịu, lẫn lộn, kìm hãm nhau

    04/06/2018Vương Trí NhànXét nước ta học văn học của Trung Quốc bắt chước quá sâu, có khi mất cả chân tướng của mình. Từ khi hấp thụ văn minh Trung Quốc, không phân biệt tốt xấu cái gì cũng thâu vào, lựa chọn không tinh, được không bù mất.
  • Thói hư tật xấu của người Việt: Thói tục di truyền, ỷ lại

    27/08/2017Vương Trí NhànNgười sinh ra ở đời có học mà không khôn mới làm hết được bổn phận làm người. Làm quan chẳng qua là một việc trong sự làm người đó mà thôi. Thế mà người mình có cái tính di truyền “đi học cốt để làm quan"...
  • Chân dung thật của học giả Nguyễn Văn Vĩnh

    06/06/2017Anh VũBộ phim tài liệu- dài gần bốn tiếng đồng hồ chiếu liền một mạch -“Mạn đàm về người man di hiện đại”, cố gắng xây dựng một chân dung thật minh oan cho học giả Nguyễn Văn Vĩnh, người từng bị cho là tay sai, bồi bút cho thực dân Pháp hơn nửa thế kỷ qua.
  • Chí tiên phong

    23/03/2016Dương Trung QuốcCuối thế kỉ XX, người ta mới bắt đầu nói đến “ Nền kinh tế tri thức”, nhưng trên thực tế, cách đây hàng thế kỉ nước ta đã có một nhân vật danh tiếng cả trong đời sống kinh tế và văn hóa, ông xứng đáng được gọi là người tiên phong đi vào “nền kinh tế tri thức”, đó là Nguyễn Văn Vĩnh.
  • Thói hư tật xấu của người Việt: Gì cũng cười, Nói năng lộn xộn, Học hời hợt

    04/03/2016Vương Trí NhànAn Nam ta có một thói lạ là thế nào cũng cười. Người ta khen cũng cười, người ta chê cũng cười. Hay cũng hì, mà dở cũng hì, phải cũng hì mà quấy cũng hì. Nhăn răng hì một tiếng mọi việc hết nghiêm trang...
  • Thói hư tật xấu của người Việt: Học không biết cách, giỏi bắt chước

    06/01/2016Vương Trí Nhàn... những bực nhoàng nhoàng thì thường cứ thấy người học cũng học, học cho thuộc cách mà thôi, chứ không có định trong bụng rằng theo những điều nào, kháp(2) đạo ấy vào tính tình riêng của người nước mình nó ra sao...
  • Thói hư tật xấu của người Việt: cần mẫn bất đắc dĩ, không thiết gì, trống rỗng

    05/11/2015Vương Trí NhànDân An Nam ta có nhiều tật xấu, duy có một tật làm biếng là không ai trách được(1). Chỉ hiềm một điều làm ăn thì cần mẫn, nhưng lại không coi cái cần mẫn ấy là vinh hiển, tựa hồ như một điều bất đắc dĩ phải làm thì làm, chớ không có gì vẻ vang...
  • Thói hư tật xấu của người Việt: thô tục, vô duyên, luộm thuộm

    30/09/2015Vương Trí NhànNói tục, nói bẩn chắc hẳn không người nước nào bằng người An Nam ta. Lắm câu chửi rủa của ta không tiếng nước nào dịch nổi, giả sử những người nói ra có nghĩ đến nghĩa từng tiếng thì đứa nặc nô(1) cũng phải đỏ mặt đến lòng trắng mắt. Thử ngẫm mà xem, những câu ấy có nghĩa lý gì đâu...
  • Thói hư tật xấu của người Việt: Thị hiếu tầm thường, Thời gian phí phạm

    06/09/2015Vương Trí NhànNgười Nam mình chưa cái gì là cái khéo. Mà càng bắt chước Tây bắt chước Tàu bao nhiêu càng xấu bấy nhiêu...
  • Thói hư tật xấu của người Việt: quá viển vông, tầm thường hóa, quá tin sách, tín ngưỡng nông

    03/09/2015Vương Trí NhànMặc dù sự có mặt của vô số ma quỷ và thần linh, người Việt vẫn có một đời sống tôn giáo không lấy gì làm sâu sắc cho lắm. Người ta chỉ có những niềm tin mơ hồ về linh hồn, về sự sống ở thế giới bên kia, về các thần. Một số lớn thần được định tính không rõ ràng và thường thường là phi nhân cách...
  • Thói hư tật xấu của người Việt: Một quan niệm đơn sơ về thế giới

    03/08/2015Vương Trí NhànSự đơn điệu nghèo nàn là cảm giác chính trong Nhất Linh sau khi dự Hội chợ Hàng Việt Nam năm 1934 mở ở Nhà Đấu xảo Hà Nội. Thời nay, khi làm hàng xuất khẩu, người mua các nước cũng thường chê hàng Việt mẫu mã đơn giản, có học lỏm được cái gì của người khác thì cũng chỉ loay hoay ở vài cái lặt vặt mà không biết khai thác hết những khả năng đa dạng có thể có...
  • Thói hư tật xấu của người Việt: hủ bại tầm thường, bóc lột thay quản lý

    15/06/2015Vương Trí NhànTính nhút nhát, động làm việc gì thì lo trước nghĩ sau, không dám quả quyết làm ngay. Thí dụ như chưa đi buôn đã lo lỗ vốn, chưa làm ruộng đã sợ mất mùa. Quanh năm chỉ ngồi một xó không được một trò gì...
  • Thói hư tật xấu của người Việt: Học đòi làm dáng, sùng ngoại quá nặng, ...

    29/05/2015Vương Trí NhànCứ chiều đến, độ sáu bảy giờ, đứng ở góc hồ Hoàn Kiểm, trông kẻ đi qua người đi lại, thấy ngứa mắt quá. Nhăng trông mấy ông ăn mặc quần áo Tây. Gớm, sao mà khéo bắt chước, giả sử sự học hành, sự buôn bán mà cũng bắt chước được khéo thế thì hay quá!
  • Nguyễn Văn Vĩnh, một người Nam mới đầu tiên

    17/09/2014Đỗ Lai ThúyBạn tôi nói, làm một người Việt Nam mới bây giờ đã khó thì làm một người Nam mới (Tân Nam tử) như Nguyễn Văn Vĩnh hồi đầu thế kỷ XX hẳn khó hơn nhiều. Đúng vậy. Vào những năm đầu thế kỷ trước, Việt Nam chủ yếu vẫn là một xã hội quân chủ nông nghiệp Nho giáo. Người Việt Nam, kể cả tầng lớp có học bấy giờ, vẫn phải sống thân phận thần dân nhiều trói buộc. Đâu có được như ngày nay: đất nước thì đổi mới và mở cửa; thế giới thì ngày một trở nên phẳng; con người thì đang dần là công dân trái đất! Nhưng, có lẽ, thời ấy bộ phận trí thức hình như có quyết tâm đổi mới xã hội cao lắm thì phải. Và, một điều nữa cũng quan trọng không kém: họ là những cá nhân có tài năng.
  • Nguyễn Văn Vĩnh, người đi tìm giá trị văn hoá

    21/07/2009Nhà văn Nguyễn Quang ThânCon người suốt đời săn tìm những giá trị văn hoá đã vỡ nợ và chết như một lữ khách không nhà ở xứ người. Ông đi tìm vàng một cách vô vọng trong chuyến viễn du cuối cùng của cuộc đời 54 năm ngắn ngủi. Ông biết đâu rằng, tài năng, trí thông minh bẩm sinh và tâm huyết nâng cao văn hoá dân tộc, cả sự nghiệp của ông để lại còn quý giá hơn vàng bạc và kim cương, những thứ đã “ trói chân bó tay “ ông một đời ?
  • Duy tân

    18/07/2009Nguyễn Văn Vĩnh (Trích tạp chí Đại Nam Đăng Cổ Tùng Báo, số 812, ngày 8–8–1907)Làm người muốn ở đời phải khôn, phải xét thế lực mình mới được, xét việc gì phải xét đầu xét đuôi, rồi hãng nói, chớ đừng có nằm đáy giếng trông lên tưởng giời bằng cái vung; duy–tân không phải là cứ dận xằng dận xịt hết đổ ra lũ này lại đổ ra bọn kia. Mình tiến cứ việc mà tiến, dậy cứ việc mà dậy, không có ai nghe cũng là tại mình, chớ nhời hay mà phải nhẽ thì ai cũng phải lọt tai.
  • Nguyễn Văn Vĩnh (1882 - 1936)

    16/07/2009Nguyễn Văn Vĩnh thuộc nhóm người tân học, làm việc với người Pháp, sớm nhận thấy sự văn minh tiến bộ tây phương. Ông hiểu rằng muốn canh tân đất nước, việc giáo dục quần chúng là điều kiện quan trọng trước nhất. Để giáo dục quần chúng, sự cần thiết là phải nhờ vào chữ quốc ngữ, báo chí, và ấn phẩm...
  • Truyện ăn mày

    16/07/2009Nguyễn Văn VĩnhPhải làm thế nào cho kẻ nghèo đói khỏi phải đi lũ lượt từng nhà, nằn nì phơi bộ xương còm áo rách ra, để cho những người có lòng tâm đức trông mãi cái cực khổ, rồi hóa quen mắt đi, không biết cái gì là cái thương nữa...
  • Phố cổ Hà Nội

    13/07/2009Nguyễn Văn VĩnhBài viết này được trích từ cuốn Lịch sử, sự thật và sử học (Tạp chí Xưa&Nay, Nhà xuất bản Trẻ, 12/1999) tập hợp một số bài viết trên tạp chí Xưa&Nay của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Bài viết nguyên bằng tiếng Pháp đăng trên tờ Annam Nouveau số 140 ngày 2/6/1932 của nhà báo-chủ bút Nguyễn Văn Vĩnh, đã được một bạn đọc dịch và gửi đến tòa soạn Xưa&Nay, góp phần giải thích về việc tìm hiểu khái niệm "Ba mươi sáu phố phường".
  • Mỗi người có cách yêu nước riêng

    27/05/2009Hàm ĐanVượt qua mục đích ban đầu là bộ phim tài liệu độc lập của gia tộc, Mạn đàm về “người man di hiện đại” đã dựng chân dung một người “khổng lồ” đầu thế kỉ XX: Học giả Nguyễn Văn Vĩnh.
  • Gì cũng cười

    11/11/2003Nguyễn Văn VĩnhDân tộc nào cũng có những thói xấu riêng. Người Việt ta có nhiều phẩm chất đẹp nhưng cũng không ít tật dở. Mời các bạn cùng xem những bài khảo luận của các học giả Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 về những tật xấu của dân tộc mình. Chỉ có điều, người Việt trẻ ngày nay hẳn sẽ khác với bà con làng xóm của anh Chí ngày xưa: “Nói vậy chắc nó trừ mình ra !”
  • xem toàn bộ

Nội dung khác