Nhà nghề trong nhà trường

03:51 CH @ Thứ Hai - 10 Tháng Hai, 2003

Nhìn một cách nào đó, sinh viên vừa là sản phẩm vừa là khách hàng của nhà trường. Vì vậy, nhà trường vừa phải liên tục theo dõi chất lượng sản phẩm, vừa phải ghi nhận ý kiến phản hồi của khách hàng.

Giới chủ doanh nghiệp có người đi học đại học, có người không. Nhưng giới quản lý chuyên nghiệp thì hầu hết đều được đào tạo bài bản. Học ở trường cũng là một giai đoạn rèn phong cách cho các nhà quản lý tương lai. Chính vì vậy, khi sang học ở xứ bạn, tôi rất háo hức nhìn xem cái dây chuyền đào tạo những nhà quản lý chuyên nghiệp được tổ chức chuyên nghiệp cỡ nào.

Ấn tượng mạnh nhất là ý thức coi trọng thông tin và việc tổ chức mạng lưới thông tin trong nhà trường. Ở đây xin không nhắc đến hàng ngàn chiếc máy tính hiện đại nối Internet tốc độ cực cao dành cho sinh viên sử dụng tự do trong nhà trường, mà nhấn mạnh vào việc quan tâm toàn diện đến nhu cầu thông tin của sinh viên. Cần tìm một chỗ ở hay cần tìm một tài liệu khoa học đều là những nhu cầu thông tin được coi trọng.

Mỗi học kỳ bắt đầu bằng một tuần hướng đạo, đề cập tới những vấn đề sinh viên sẽ gặp phải trong quá trình học tập như cách tìm sách trong thư viện, tìm tài liệu từ các cơ sở dữ liệu điện tử, tiến hành một nghiên cứu khoa học, viết một bài luận văn, tiến hành thuyết trình trước lớp; và những vấn đề trong cuộc sống như cách tìm nhà ở, lập ngân sách và chi tiêu tiết kiệm...

Thông tin chuyển tải liên tục tới sinh viên qua nhiều hình thức. Từ các trang Web của nhà trường, có thể tìm một bài báo xưa lắc xưa lơ, tìm một căn phòng, hay tìm một việc làm tạm. Trên web site của trường, sinh viên có thể xem toàn bộ chương trình học và điểm số của mình, nhận các thông báo của nhà trường, thầy cô gửi cho từng người hoặc báo cho nhà trường những thay đổi về tình hình cá nhân.

Thông tin cũng đến từ các hội thảo chuyên đề với các đề tài thiết thực, từ các văn phòng tư vấn miễn phí trong trường về học tập, y tế, việc làm, chỗ ở... Nhân viên trong trường đều được huấn luyện để giảm tối đa thời gian và công sức tìm tòi của sinh viên. Các giảng viên ngoài giờ giảng bài và làm bài trên lớp đều phải có thêm giờ trao đổi riêng trong tuần cho sinh viên. Nhiều giáo viên tổ chức những website riêng rất công phu cho môn học của mình. Cũng rất thú vị là những tấm bản đồ đặt rải rác, những mẩu thông báo nhỏ đính khắp nơi trong trường. Sinh viên muốn sử dụng một phòng học cá nhân hoặc họp nhóm thì trên cửa mỗi phòng đều có ghi văn phòng quản lý và số điện thoại để liên lạc đăng ký. Trên mỗi máy photocopy đều dán một bản thông báo về số lượng photo được luật pháp cho phép và số điện thoại gọi nếu máy hư. Ở từng khoa luôn có những bản tóm tắt phát không về các chương trình và các môn học của khoa, các công trình nghiên cứu đã và đang tiến hành. Nói tóm lại, gần như mỗi khi bạn có một thắc mắc “Ai? tại sao? làm thế nào đây?” thì chỉ cần nhìn xung quanh hay nhấn chuột là có ngay đầu mối liên lạc.

Đào tạo trong một môi trường như vậy, chắc chắn sau này những nhà quản lý tương lai sẽ đòi hỏi cao và quan tâm nghiêm túc đến việc tổ chức hệ thống thông tin trong cơ quan, doanh nghiệp mình.

Nhìn một cách nào đó, sinh viên vừa là sản phẩm vừa là khách hàng của nhà trường. Vì vậy, nhà trường vừa phải liên tục theo dõi chất lượng sản phẩm, vừa phải ghi nhận ý kiến phản hồi của khách hàng. Khác với quá trình học ở Việt Nam mỗi môn học thường chỉ có một bài thi cuối kỳ, tôi thấy sinh viên ởđây phải làm khá nhiều bài test, viết nhiều bài luận trong học kỳ. Những người thực hiện các nghiên cứu, các báo cáo thì phải trao đổi thường xuyên tình hình thực hiện các với người hướng dẫn. Các giảng viên nhờ vậy mà nắm khá rõ mức độ tiến bộ của học viên, và có thể kịp thời tổ chức thêm các buổi phù đạo nếu cần thiết. Ngược lại, khi kết thúc từng môn học là lúc sinh viên được phát phiếu đánh giá môn học về mọi mặt: sự cần thiết của môn học, chất lượg giảng dạy, cách thức tổ chức lớp học... Đây là cơ sở thông tin để nhà trường điều chỉnh nội dung hoặc thay đổi giảng viên, thay đổi cách dạy môn học.

Hiệp hội sinh viên có tiếng nói khá quan trọng. Đến mùa bầu cử ban chấp hành hiệp hội, không khí trong trường rôm rả không khác gì xem tranh cử tổng thống Mỹ, cũng nhộn nhịp băng rôn, tờ bướm và các cô tuyên truyền viên xinh đẹp. Các liên danh ứng cử đều phân tích (có khi là phê phán gay gắt) các khuyết điểm trong công tác của ban giám hiệu và đề xuất ưu tiên, nhóm thì hứa hẹn đếu tranh để hoãn/giảm học phí, nhóm thì đấu tranh để lớp học ít người hơn, có nhóm đơn giản chỉ đòi căng tin nấu ăn ngon hơn... Đáng ngạc nhiên là phần đông sinh viên tham gia bầu cử rất nghiêm túc.

Ngoài việc đảm bảo thông tin, nhà trường còn phát huy tinh thần chủ động của sinh viên qua sự mềm dẻo để phù hợp với nhu cầu, khả năng của từng người. Trong mỗi ngành học, còn có nhóm các môn nhiệm ý cho phép sinh viên tập trung vào một chuyên ngành hẹp thích hợp với mình nhất. Khi sinh viên viết bài luận hoặc thực hiện nghiên cứu, giáo viên cũng giao những mảng đề tài đa dạng để sinh viên chọn lựa. Có những môn học mềm dẻo cả về tiêu thức đánh giá, sinh viên có thể chọn lấy điểm qua hình thức đến lớp thi, hoặc ở nhà tự làm một bài nghiên cứu...

Lắng lại trong lòng tôi là một chân lý quen thuộc: nhiều khi có thể làm tốt hơn nhiều, không nhất thiết phải nhờ cơ sở vật chất hiện đại hơn mà nhờ một cách tổ chức quản lý tích cực hơn.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc: