"Nhân đại lễ, người Hà Nội sẽ tự điều chỉnh mình"

10:10 SA @ Thứ Bảy - 27 Tháng Hai, 2010

Chúng tôi xưng con, thưa cụ với học giả tuổi ngoại bát tuần – nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc. Mấy ngày đổi giời, cụ hơi mệt. Nhưng vào câu chuyện về diện mạo con người, văn hóa, kinh tế, kiến trúc... của Hà Nội tương lai thì cụ vẫn vậy, vừa sôi nổi, vừa yêu thương. Vẻ khó gần như cảm nhận ban đầu dần được thay bằng sự cởi mở.

Hà Nội mới đây vừa kỷ niệm “10 năm Thành phố Vì hòa bình”, diện mạo Hà Nội 10 năm nay đã đổi khác rất nhiều, đặc biệt sau khi Hà Tây sáp nhập về Hà Nội. Nhiều người còn “lấn cấn” về việc sáp nhập này, riêng cụ có ý kiến như thế nào?

Hà Nội mở rộng ra cả tỉnh Hà Tây không đơn giản là sáp nhập hai đơn vị hành chính. Hai vùng đất ấy “bồi bổ” cho nhau, nâng đỡ nhau để bay lên trong khí thế rồng thiêng của 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Về kinh tế, Hà Nội là một thành phố công nghiệp hóa, còn Hà Tây là một tỉnh nông nghiệp, nên bổ sung khá hoàn chỉnh cho nhau, khiến quỹ đất của Hà Nội bây giờ dồi dào, tạo điều kiện phát triển hiện đại hóa, công nghiệp hóa, đô thị hóa.

Mặt khác, Hà Tây vốn là “đất trăm nghề”, nay về với Hà Nội làm cho nghề thủ công phát triển, đẩy mạnh khai thác, đầu tư. Đất đai, thổ nhưỡng, thiên nhiên và danh thắng cũng phù hợp để phát triển du lịch như chùa Hương, chùa Thầy, chùa Trăm Gian…

Nhưng thưa cụ, vẫn còn nhiều người lo lắng bản sắc văn hóa Xứ Đoài sẽ bị “vênh” so với văn hóa Hà Nội?

Tôi cho rằng, không vênh gì cả, bởi văn hóa xứ Đoài có vênh gì với văn hóa Việt Nam đâu! Văn hóa mỗi vùng miền có những sắc thái riêng, khi “về” với nhau thì bổ sung cho nhau thôi.

Có chăng là sự “vênh” nhau trong ngữ âm, giọng nói, làm cho Hà Nội có tính “quê kiểng” đi một tí. Nhưng thực ra, Hà Nội là nơi bốn phương tụ về. Ngày xưa, từ trung tâm đi lên phía Bắc khoảng 4 km - là vùng chợ Bưởi bây giờ, đã nói “học” thành “hoọc” rồi, xuôi về làng Sét cách trung tâm 5 km về phía Nam, nói đã “nuốt” mất nửa dấu huyền. Tiếng Hà Nội - thường được gọi là tiếng Hồ Gươm, với âm sắc ngọt ngào, uyển chuyển chính là do bốn phương đúc lại, chứ chẳng có ai là “người Hà Nội cũ” nào đó tạo thành đâu. Quá trình vận động, tách nhập, các yếu tố khác biệt sẽ từ từ hòa đồng vào với nhau, loại bỏ cái dở, đúc lại cái hay, cái đẹp.

Cụ từng có lần nói rằng, Hà Nội của 10 năm sau sẽ phát triển rất mạnh, nhưng nếu từ bây giờ, không có một quy hoạch hợp lý với tầm nhìn xa sẽ không xứng với tầm của một Thủ đô lớn của thế giới…

Tôi cho rằng, cái gì cũng phải có quy hoạch cả: quy hoạch đô thị, kiến trúc, văn hóa, kinh tế và cả con người. Kiến trúc sư của các ngành đó phải là người có tầm nhìn xa; nếu lòng người “cận thị” thì quy hoạch sẽ bị “cận thị”.

Thêm nữa, quy hoạch hợp lý, khoa học là chuyện quan trọng, nhưng quản lý quy hoạch còn quan trọng hơn. Quy hoạch dù có làm tốt đến đâu, nhưng quản lý kém thì cũng hỏng.

Trong chiến lược đến năm 2020, vấn đề quy hoạch Hà Nội cũng rất được chú trọng. Cụ thấy chuyện chọn nơi định đô của ông cha ta xưa với việc chọn điểm đặt trung tâm hành chính quốc gia bây giờ, có điểm gì tương đồng?

Định đô xưa, hay chọn trung tâm hành chính quốc gia bây giờ, đều là việc đại sự. Nhưng các cụ ngày xưa không có máy móc, công cụ hiện đại như bây giờ, chỉ bằng trải nghiệm, thực nghiệm thôi. Tiêu chí vẫn là những vùng đất cao ráo, không ngập úng, ấy là đất phát triển thịnh vượng. Không riêng gì Hà Nội mà các tỉnh lỵ đặt trung tâm hành chính cũng dựa vào tiêu chí này.

Các cụ đã dày công quan sát, chọn được khu vực xây thành Đại La (khu Ba Đình bây giờ) là cao ráo nhất. Đến vua Lý Công Uẩn dời đô về Hà Nội cũng chọn ngay thành Đại La, chứng tỏ đây là vị trí ưu việt. Ta cứ nhìn thực tế, Hà Nội trải qua bao nhiêu thăng trầm, bão lũ, thiên tai, thì khu vực này chưa bao giờ bị ngập.

Bây giờ Hà Nội mở rộng ra, khu Ba Đình trở nên chật hẹp, buộc phải chuyển chỗ mới. Nhà nước nghiên cứu đặt ở khu Mỹ Đình, có thể vì đây là vùng rộng rãi, giao thông thuận lợi, tốt cho sự phát triển của Hà Nội về lâu dài.

Hà Nội giờ đã nhiều cao ốc, nếu cứ đà này, độ 10 năm sau thì cao ốc san sát. Lúc ấy, có thể nhìn thấy bản sắc của kiến trúc, đặc biệt là phố Hà Nội ở điểm nào, thưa cụ?

Nhiều người lo ngại Hà Nội có tốc độ xây dựng quá nhanh, nhà cao tầng mọc lên như nấm sẽ xóa nhòa bản sắc của phố Hà Nội. Tôi cho rằng, như thế là không đúng. Tại sao Bắc Kinh đầy nhà chọc trời, nhưng chỉ cần nhìn thoáng qua vẫn thấy đó là thành phố kiểu của người Trung Quốc, nhìn Thủ đô Seul biết ngay là do người Hàn Quốc xây dựng…?

Vấn đề nằm ở tài năng của kiến trúc sư, chứ không phải xây cao, xây rộng, xây mới là mất đi dân tộc tính đâu.

Việc phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh vốn cổ của Hà Nội giờ còn rất yếu, cũng là do không “dỡ bỏ” được tính bảo thủ, nhiều chỗ vẫn muốn giữ nguyên cái cũ, giữ nguyên hiện trạng mà nghĩ là giữ vốn cổ.

Với thời tiết khắc nghiệt, khí hậu nhiệt đới, có công trình nào đứng mãi được vài trăm năm, cả ngàn năm mà không hư hỏng? Thành ra, phải làm cao lên, rộng ra, làm hoành tráng lên, bổ sung thêm. Vấn đề là làm sao cho không kệch cỡm, lệch pha, vẫn phải chứa đựng văn hóa Việt Nam, tri thức người Việt trong đó. Chứ ở ta, du khách đến xem pho tượng, ngắm mái chùa một, hai lần là chán.

Thưa cụ, Hà Nội bây giờ, riêng chuyện giải phóng mặt bằng đã thấy chưa lúc nào hết bộn bề. Nghe rằng, từ lúc xây dựng thành Thăng Long, Hà Nội khi đó đã “giải phóng mặt bằng” rất được lòng dân?

Đúng là khi xưa, để xây dựng thành Thăng Long, người dân cả làng Bình Xá tự nguyện nhường đất, ra sinh sống hai bên sông Hồng để vua Lý lập đô. Khi ấy, nhà vua đã ban cho họ cả một dải đất rộng bên kia sông Hồng, nay thuộc Gia Lâm, để canh tác, sinh sống từ Bắc Biên xuống Thạch Cầu. Đấy là câu chuyện “giải phóng mặt bằng” thời nhà Lý.

Tất nhiên, mỗi thời một khác, ngày nay Hà Nội đã chật chội hơn nhiều, thêm những điểm khó khăn hơn trước, phức tạp hơn trước. Nhưng điều tôi muốn nói chính là ở thái độ ứng xử.

Tôi thấy, ngày xưa người Hà Nội sống vì cái ta, vì cộng đồng nhiều, nên ít phát huy được cái tôi sáng tạo. Nay ngược lại, người ta sống vì cái tôi nhiều quá, có chỗ đến ích kỷ, coi thường cộng đồng. Muốn phát triển, phải làm sao để phát huy tính tự nguyện của người dân, để họ đặt cái đại thể lên trên cái tiểu tiết. Việc giải phóng mặt bằng để xây dựng cơ sở hạ tầng, làm giàu đẹp Thủ đô cần phát huy tính tự nguyện. Điều cốt yếu là ý thức người dân phải “thông”, đặt cái chung trên cái riêng; đồng thời đường lối, chủ trương và biện pháp của Nhà nước phải hợp tình, hợp lý, công bằng.

Cụ từng nói, người Hà Nội rất ưa cách tân, nhanh tiếp thu cái mới, như phong trào thơ mới mang tính bước ngoặt của thơ ca Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX, cũng là từ người Hà Nội. Con người Hà Nội 10 năm nữa, sẽ lại cách tân, lại có cái gì mới nữa, thưa cụ?

Từ xưa, người Hà Nội vốn không bảo thủ, luôn muốn vươn về cái mới, thích nghi nhanh với những cái mới. Lớp người đầu tiên không nhuộm răng đen, không bới tóc củ hành, thích mặc âu phục, mê chơi đàn piano… là người Hà Nội; phụ nữ Hà Nội cũng là lớp tiên phong bỏ tóc vấn, uốn phi-dê; bỏ váy lĩnh, váy the để mặc quần trắng. Người Hà Nội luôn cách tân, đổi mới.

Tương lai có lẽ cũng tiếp nối phong cách này. Nhưng nói cái gì mới của một thập kỷ sau thì khó. Chỉ có thể dự cảm và hy vọng rằng, cái mới ấy sẽ vẫn đẹp, vẫn tinh tế, giàu bản sắc và nó có thể đến từ một lớp trai thanh, gái lịch của Thủ đô đang được học hành, đào tạo đến nơi đến chốn cả trong và ngoài nước bây giờ. Tôi tự cho phép mình hy vọng rằng, các cháu sẽ giữ bản sắc Việt Nam, tiếp thu khoa học kỹ thuật tiên tiến của thế giới, góp phần làm cho diện mạo của Hà Nội thay đổi, phát triển hơn.

Tôi cũng hy vọng, nhân dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, người Hà Nội sẽ tự điều chỉnh mình, tự soi lại mình để khắc phục những thiếu sót; tiếp cái khí thế phấn khởi, mừng vui mà xây dựng Hà Nội thật tươi, thật đẹp.

Cái gốc của hy vọng đó, như cách cụ nói, ấy là phải quy hoạch con người sao cho đúng đắn, hiệu quả?

Làm gì thì cũng phải lấy yếu tố con người làm cái gốc, hoạch định tương lai lại càng phải chăm lo cho con người. Phải xây dựng con người Hà Nội văn minh, thanh lịch - là yếu tố mà thời gian qua đã bị phai nhạt bởi nhiều tác động. Ngoài ra, phải phát huy truyền thống của Hà Nội xưa là trọng nhân tài, khuyến khích nhân tài. Hà Nội giờ cũng đã làm, đây tôn vinh thủ khoa, kia nhận người tài… Nhưng muốn hiệu quả, phải làm thực chất, phải đầu tư cho con người một cách thực sự, lâu dài.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Nhận diện con người Hà Nội qua lăng kính văn hóa Thăng Long - Hà Nội

    17/10/2019GS.TS. Trần Văn BínhCon người sáng tạo ra văn hóa, là chủ thể của văn hóa, đồng thời con người cũng là sản phẩm của văn hóa. Vì vậy, thông qua con người có thể hiểu văn hóa của một cộng đồng, một dân tộc, và ngược lại, qua văn hóa cũng có thể hiểu rõ về con người...
  • Hà Nội, di sản nghìn năm và tốc độ của đời sống hiện đại

    09/02/2015Nguyễn Trương QuýBắt đầu câu chuyện về Hà Nội, người ta thường nghĩ ngay đến kho "di sản gạch ngói" hay là những thứ "văn vật", thời thượng hơn thì dùng từ "văn hoá vật thể" để chỉ những cấu trúc xây dựng của đô thị, trong đó chủ đề phố cổ luôn nóng hổi và dù nghe đã nhàm tai, đã biết quá rõ những gì gọi là đẹp đẽ, những gì trầm kha của một khu phố luôn được nhắc đến hằng đầu trong những nghị quyết về văn hoá xã hội thủ đô hay những hội thảo chuyên đề về Hà Nội, nhưng hình như vẫn chưa ra được đáp số.
  • Hàng quà ở Hà Nội ngày xưa

    29/07/2009Văn NgọcMỗi lần nhớ lại những hàng quà ngày xưa ở Hà Nội, là tôi lại nhớ lại cả một quãng đời thơ ấu. Nhớ lại những tiếng rao, tiếng động phố phường, mới ngày nào còn gần gũi ... Những tiếng xe cộ lúc sớm mai trên đường phố, những tiếng rao quà trong trưa nắng, những tiếng hát của người xẩm loà lúc phố xá lên đèn, tất cả những âm thanh đó, những hình ảnh đó, đã ghi khắc vào tâm hồn tôi.
  • Hà Nội nơi mở cửa những đổi mới văn hoá

    08/02/2006Nguyễn Vinh PhúcKhông kể chuyện xa xưa, khi ở đây từng diễn ra sự tiếp xúc và cải biến văn hoá Ấn Độ - Trung Hoa, mà chỉ kể chuyện 100 năm trở lại đây, việc hội nhập rồi phát triển cùng văn hoá thế giới cũng đủ nói lên Hà Nội là nơi mở đầu những đổi mới trong đời sống văn hoá...