Nhất độc bách tác

08:31 CH @ Thứ Ba - 26 Tháng Chín, 2017

Người ham đọc sách Ngô Quốc KỳY họ Ngô, tên Quốc Kỳ, người xứ Mai Vàng, sinh ra đã có tướng lạ, thứ nhất “ngạch phương” (trán vuông), thứ hai “mục tỉnh” (mắt sâu như đáy giếng), sách xưa gọi là tướng “thực thư” (mọt sách). Bàn tay lại có tướng “hư chỉ” (không biết đâu mà lần), tướng này cực hiếm, những người chuyên nghề xem chỉ tay gặp phải tướng này thường rất kị, bởi xem xong mà ngậm miệng không dám phán thì còn may, hễ phán ra là lập tức cụt nghề. Chính bởi cái tướng mọt sách (thực thư) ấy, nên mỗi khi nghĩ tới y, nhiều lần tôi cứ tự hỏi, rằng do nhân duyên gì mà y mê đọc sách, cũng như mê đọc thiên hạ đến thế? Nếu cứ theo cách xem “quả” mà đoán “nhân” thì kiếp trước, chắc y phải chứa đầy một bụng… sách. Họ Ngô sinh vào đúng cái thời mà văn chương tử tế phải lưu vong, vất vưởng, có khi trôi nổi ngoài biên giới, có khi khuất lấp nơi rừng rú, làng quê hoặc dặt dẹo chỗ sông ngòi, chợ búa… tại chính quê hương mình, ngay chính đất nước của mình. Nhưng những thứ đó suy cho cùng, chẳng qua cũng chỉ là lẽ thịnh suy của một nền văn hóa, chưa phải đòn chí mạng đánh vào cõi đọc. Bởi lịch sử đã từng diễn ra vô khối thời văn hóa mạt hạng tương tự thế này, mà vẫn sinh ra những đại độc giả như Tử Kì, Thánh Thán… Tóm lại, chính trị dẫu có thế nào cũng không hóa kiếp được độc giả. Chính cái món “số hóa” kia, nghĩa là vạn vật, cho đến cả tư tưởng, văn chương, chữ nghĩa… té ra chỉ là trò biến hóa, ảo thuật của đúng 2 “nhân duyên” (Không và Một), mới là đòn chí mạng đánh vào cái gọi là “văn hóa đọc” vậy.

Kĩ thuật số với mạng internet toàn cầu đã nhanh chóng thay đổi diện mạo, nếu không muốn nói là nó đã “hóa kiếp” vô số độc giả trên thế gian này, biến độc giả thành tác giả và ngược lại, biến tác giả thành… tắc tị, bao gồm suốt cả người lớn cho đến… trẻ con. Vậy liệu nó có xóa sổ cả cái “cõi đọc” ngàn năm văn… vật lộn này hay không? Có thể lắm. Nhưng để xóa sổ cả một cõi giới, cần phải xóa hết, xóa cho đến tận chúng sinh… cuối cùng. Nghĩa là dẫu chỉ còn đúng một người đọc sách, thì cõi đọc… vẫn còn.

Ngô Quốc Kỳ nằm trong số những “chúng sinh” cuối cùng còn lại ấy của cõi đọc. Những ai từng tiếp xúc với y, chứng kiến sự mê sách, khát sách và thẩm sách của y đều phải ngạc nhiên. Nhưng mê và khát ở đây không phải cái thú của người sưu tầm, coi sách như một thứ… bất động sản vô tri vô giác để rình cơ hội trưng ra với thiên hạ. Y mê sách và y nghiền sách, y khát sách và y đọc sách, bất kể sách hay lẫn sách dở. Sách hay đọc để thấy mình ngu, sách dở đọc để thấy mình khá.Thấy ngu thì bớt ngu đi ít nhiều mà thấy khá thì khá thêm lên tí nữa… Tóm lại mua sách để nghiển, tầm sách để đọc là một cách y “tu tập” tiến hóa trí tuệ cho riêng mình. Đó là những lúc y hành đạo Thanh Văn. Không những thế, y còn mua sách hay để cho, tầm sách hay để tặng bạn bè. Đó là những lúc y hành đạo… Bồ Tát.

Chúng tôi có những lúc ngồi bên nhau, lấy chai rượu làm duyên cớ, lẫn mình giữa huyên náo thế gian. Chả cần phải tao nhân mặc khách, thì thi thoảng cũng chui vào chốn sâu thẳm của nhân quần. Ấy là những lúc viết và đọc đã hòa làm một, khó bề phân biệt mảy may. Và một khi viết và đọc đã hòa làm một, thì tìm ra một vài câu chuyện thú vị giữa chốn thù tạc trần lao này, đâu phải là một việc khó khăn gì…


Những người ham sách tặng sách cho nhau.

.

Đã chia ra cõi đọc, tất phải có cõi viết kèm theo. Cõi đọc còn, thì cõi viết còn. Bởi vì đọc và viết, viết và đọc là 2 công đoạn không thể tách rời. Cũng như cái món nhân quả kia, không có người đọc, sẽ chả có ai viết, hễ còn người đọc, tất có kẻ viết, vì thế đọc là nhân, mà viết là quả. Thế nhưng cái sự thịnh suy của đọc và viết thì chẳng phải lúc nào cũng tương đồng. Những điều vừa kể ra trên đây là bằng chứng. Ấy là thiên hạ đang ở vào cái thời viết thịnh mà đọc suy vậy.

Nếu viết đã có phép viết, thì đọc hẳn cũng có phép đọc, không phải hễ cứ ai biết chữ, có nghĩa là kẻ biết đọc. Ngô Quốc Kỳ nhẩn nha bảo phép đọc cũng ví như nhai mía vậy, có khi nhai từ từ, có khi nhai hối hả, nhai giữa gióng khác, nhai đầu mặt khác, gặp chỗ mía sâu lại phải nhai kiểu khác nữa... Vả lại có khi nhai từ ngọn tới gốc, ấy là muốn dần dần tới cái chỗ đậm đà, lại có khi nhai từ gốc tới ngọn, ấy là muốn đi từ chỗ đậm đà, tới cái chỗ nhạt nhẽo. Cũng có kẻ phần nước thì bỏ đi, mà cứ mải miết nhai phần bã mía, ấy là những kẻ nằm ngoài phép đọc vậy. Người đầu tiên nghĩ ra “phép đọc”, có lẽ là Kim Thánh Thán bên Tàu. Nhưng Thánh Thán mới chỉ chăm chú vào cái sự “đọc”, mà chưa để ý đằng sau đó, thực ra còn có những điều gì?

Ngô Quốc Kỳ suýt nữa thì làm quan, thậm chí sẽ làm quan to, vì y sẽ trở thành tiến sĩ luật. Một tiến sĩ luật sẽ hành nghề ra sao giữa một thời vô luật? Nếu không xảy ra cuộc sụp đổ đô mi nô bên châu Âu, mà y đâu ngờ đó lại là cái duyên tiền định cho sự ra đời của một “đại độc giả” sau này. Bởi vì như tổ sư của Thánh Thán, có nhẽ là Khổng Phu tử đã từng nói: “Bất kiến quan trường vi độc giả” (ta chưa từng chứng kiến bọn làm quan lại biết đọc bao giờ). Một bậc ham trước tác chính trị, suốt đời dạy nghề làm chính trị như Khổng Phu tử, lại nêu cao cái “đạo” của kẻ đọc, đến nỗi vượt ra khỏi quan trường như thế thì quả là hiếm lắm. Nhưng vẫn chưa bằng một lão già cùng thời với Phu tử là Lão Lai tử. Lão Lai tử còn thong thả chém từng nhát một: “Thất tiết nhi hậu văn” (hết nghĩ [ngu] thì nghe); “Thất văn nhi hậu độc” (hết nghe [điếc] thì đọc); “Thất độc nhi hậu quan” (hết đọc [mù] thì… làm quan); “Thất quan nhi hậu… tử” (hết quan [hưu] thì… làm thầy). Nghĩa là cái “đạo” của cõi đọc, đến Lão Lai Tử mới thực sự chói lọi, nó có đầu, có cuối, có kết, có mở… lại buồn bã và hài hước xiết bao. Người xưa học theo câu này, nên cáo quan thường về quê mở trường dạy học. Ví dụ như Nguyễn Trãi, Chu An… chẳng hạn…

Thôi không bàn chuyện lý sự nhập nhằng ở cái xứ văn chương ăn thịt người ấy thêm nữa cho phí rượu nhức đầu. Chén xuân này xin hãy kể chuyện bên ta vậy.

Thời nhà Mạc, trấn Sơn Nam hạ có người tên Giả Sinh, lúc nhỏ nom tướng cũng sáng sủa, thông minh đĩnh ngộ, ai cũng ngờ là thần đồng. Lên 5 tuổi cha dắt đến nhà một ông thầy đồ trong làng xin học chữ. Chưa kịp học chữ nào thì ông thầy đồ bỗng lăn ra chết. Lại phải sang bái ông thầy làng bên tả, vừa bái sư hôm trước, hôm sau ông này cũng tắc tử luôn. Đến ông thầy đồ làng bên hữu cũng vậy. Người cha sợ quá, chẳng biết có phải trùng hợp hay không, mà con mình bái ông thầy nào, thì ông ấy lập tức qui tiên, đành phải để con ở nhà, vả lại từ đó cũng chả có ông thầy nào còn dám nhận nữa.

Giả Sinh vì thế sống tới ngoài bảy mươi vẫn chưa biết chữ. Một đêm nằm mộng, thấy có cỗ kiệu đặt trước cổng nhà, trên nóc dựng 2 chữ rõ to, không biết là chữ gì, bèn trèo lên kiệu ngồi thử. Một lát, có 4 đứa trẻ đen như củ súng, cởi trần trùng trục từ 4 phía chạy tới, ghé vai khiêng cỗ kiệu. Bốn đứa hì hục mãi, mặt mũi đỏ gay, mồ hôi nhễ nhại, cỗ kiệu vẫn không nhúc nhích, một lát thì biến mất cả người lẫn kiệu. Tỉnh dậy thấy lạ lắm, Giả Sinh bèn theo trí nhớ trong lúc mộng mà vẽ lại hai chữ kia rồi đem cất đi.

Mấy hôm sau, Giả Sinh lại mộng thấy cỗ kiệu khác, lộng lẫy hơn cỗ hôm trước, trên nóc dựng thêm một chữ nữa, thành ra 3 chữ, cũng không biết chữ gì. Sinh hơi ngần ngừ rồi cứ trèo lên ngồi, lát sau thấy 8 đứa trẻ từ 8 phương chạy tới. Bọn này cũng cởi trần, nhưng da dẻ trắng trẻo, dáng người béo tốt phương phi. Tám đứa cũng ghé vai vào khiêng kiệu, nhưng hì hục mãi mới nâng lên được, song chưa kịp bước đi bước nào thì đứa nào đứa nấy đã rủn chân khuỵu gối, hạ phịch cỗ kiệu xuống… Tỉnh dậy Sinh càng thấy lạ. Lại theo trí nhớ vẽ lại 3 chữ ấy đem cất kĩ.

Mấy hôm sau nữa lại diễn ra giấc mộng thứ 3. Lần này là cỗ kiệu cực kì lộng lẫy, trên nóc lại dựng thêm một chữ nữa, tổng cộng 4 chữ. Lần này, Giả Sinh chẳng ngại ngần gì, thản nhiên trèo lên ngồi sẵn. Quả nhiên một lát sau, cả một lũ trẻ từ 4 phương tám hướng chạy ồ tới, xúm xít túm vào khiêng cỗ kiệu. Đám trẻ này đứa nào đứa nấy ăn mặc tươm tất, chứ không trần trùng trục như mấy đám trước. Chúng loay hoay một lúc rồi nhấc bổng kiệu lên, bước đi băng băng làm Giả Sinh ngồi trên cảm thấy vô cùng khoái hoạt…

Ba giấc mộng làm Giả Sinh cảm thấy trong tâm mình có một sự thôi thúc diệu kì. Bèn không nề hà tuổi ngoại bẩy mươi, quyết chí tìm thầy học chữ. Học khoảng nửa năm thì hết chữ thầy này, lại tìm đến học thầy khác… Đến khi không ai dạy thêm được nữa, mới về nhà mở những chữ vẽ từ mấy giấc mộng kia ra xem lại. Giấc mộng thứ nhất thì ra là 2 chữ: “tác gia”. Giấc mộng thứ 2 là 3 chữ: “hựu tác gia”. Giấc mộng thứ 3 là 4 chữ: “hựu hựu tác gia”. Nghĩ là mộng báo điềm trở thành tác giả, Sinh bỗng nổi hứng trước tác, song nhất thời chưa nghĩ ra đề mục gì, bèn hẵng tạm đợi thời xem sao.

Bấy giờ thiên hạ đã về tay nhà Mạc. Nhà Mạc vì muốn lấy lòng dân, nên mỗi đời lại đẻ thêm ra nhiều công cuộc gọi là “cải cách”, “đổi mới”… cuộc nào cũng nêu danh vì dân, do dân… nhưng thực chất là trăm phương ngàn kế tìm cách bòn rút của dân, hút máu hút mủ dân cho thật nhiều để làm giàu cho bọn quan lại cùng những nhóm này, nhóm nọ... Khoa thi hội năm ấy, đề thi tập trung vào việc ca tụng chính sự triều đình. Giả Sinh tuy không dự thi, song nhân vì ghét cái đề tài ấy, mới nổi hứng lấy bút viết liền một mạch 81 thiên, đủ các đề mục như: Trá; Ngụy; Đạo; Tặc; Khấu; Cộng; Tẩu; Tán… chia làm 8 quyển, đặt tên bộ luận là: “Thiên hạ cộng bỉ kế luận”. Viết xong bỏ tráp khóa lại rồi bẻ bút vứt đi, từ đó nằm khoèo uống rượu, tịnh không thèm nghĩ gì đến văn chương chữ nghĩa nữa.

Hồi đó ở trấn Hải Dương, có Bạch Vân cư sĩ Trình Quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm cáo quan đã lâu. Đêm trừ tịch năm ấy, trước phút giao thừa, thắp hương khấn gia tiên xong bỗng thấy rùng mình, điều mà suốt cả đời, ngài chưa từng cảm thấy bao giờ, bèn ra sân ngẩng đầu xem thiên văn. Trông về phía Tây nam, thấy văn khí bốc lên ngùn ngụt thì mừng lắm, lập tức gọi người nhà ra trỏ cho xem rồi bảo:

“Phía đằng kia văn khí vượng lắm, chắc có văn lạ mới xuất hiện…

Người nhà bẩm chả nom thấy gì. Bỉnh Khiêm bảo:

“Hào quang của mỗi loài đều mang màu sắc đặc trưng riêng. Ví dụ ma khí màu đỏ, tà khí màu vàng, huyễn khí màu trắng, càng huyễn thì càng trắng, thật khí màu đen, càng thật thì càng đen. Văn khí vì nằm giữa những thứ đó nên có màu nhờ nhờ, tựa như khói rơm mùa hạ, lại đang đêm nên khó nhận ra là phải…”

Rồi dặn sẵn một người, sang xuân đúng ngày ấy, giờ ấy… tìm về nơi đó thỉnh bằng được bộ sách về. Anh người nhà có chút băn khoăn, bởi tìm một bộ sách giữa cả một phương trời chẳng phải là điều rất khó hay sao? Bỉnh Khiêm thấy thế bảo:

“Kì thư dẫu có ở trên trời, thì ta cũng xem như nằm trong lòng bàn tay mà thôi. Huống chi nơi đó cách đây chẳng qua vài chục dặm. Ta còn biết rõ cả tên, tuổi người viết ra nó nữa thì việc gì mà phải băn khoăn…”

Ngay tháng giêng năm ấy, anh người nhà theo đúng chỉ dẫn của Bỉnh Khiêm, quả nhiên thỉnh được bộ “Thiên hạ cộng bỉ kế luận” đem về. Trình Quốc công giở ra xem một lượt, buột mồm tấm tắc:

“Quả là văn chương khẩu khí của một bậc thần đồng”

Anh người nhà nghe nói trợn mắt kinh ngạc, liền bẩm:

“Thầy có nhầm lẫn không đấy? người ấy tuổi ngoại bảy mươi mới đi học chữ, ngót tám mươi mới viết ra bộ sách này, mà thầy còn bảo thần đồng là cớ làm sao?”

Trình Quốc công nghiêm trang trả lời:

“Xưa nay thần đồng… hay không, không phải là chỗ mà bọn phàm nhân như các ngươi có thể bàn tới được. Một kẻ sinh ra đã đầy một bụng văn, chả phải thần đồng thì là cái gì? Có điều đã đích thực là thần đồng, thì phải đợi đúng thời mới phát tiết, không phải bạ lúc nào cũng nhả ngọc phun châu để mê hoặc thiên hạ được…”

“Thế nếu phát tiết sớm thì sao?” – anh người nhà hỏi.

Trình Quốc công bảo:

“Thì cùng lắm cũng chỉ như những hạng “tao đàn” ngày trước là cùng. Dẫu mê hoặc được một vài đời, thì thứ văn đó, thực chất cũng chỉ xếp vào loại “thế tục ca ngâm” mà thôi. Đằng này chưa qua nổi một đời đã bị chê cười thì thà đừng phát tiết nữa còn hơn. Không những thế lại tạo thêm “khẩu nghiệp”, có khi đọc lại thấy xấu hổ muốn sám hối, muốn chữa lại cũng không còn cơ hội nữa. Phí toi một kiếp gọi là thần đồng”.

Té ra trên đời lại có thứ “thần đồng” sắp xuống lỗ rồi mới phát tiết vì còn phải đợi đúng “thời”. Và đó mới là “quả báo” đích thực của vô lượng kiếp sinh vào cõi đọc. Trình Quốc công sau đấy còn “thọ kí” cho bộ luận ấy như sau:

“Kẻ viết ra vạn chữ, mà đời sau không bẻ được chữ nào, thì đó mới là phát tiết đúng thời, chính là người họ Giả này. Tuy phát tiết muộn như thế, vậy mà ít nhất phải 3 đời sau mới có người hiểu được. Còn “chứng” được bộ luận này thì phải… 20 đời sau may ra.”

Nửa đầu lời “sấm” ấy của Trình Quốc công thì ngay đời bấy giờ có người đã giải được, bởi vì nó ứng vào 3 giấc mơ của Giả Sinh. Còn nửa sau thì phải đợi ngót 600 năm sau mới dần dần ứng nghiệm. Đời sau không ai được biết bộ luận ấy viết những gì, chỉ biết rằng nó đã được Trình Quốc công “thọ kí” thì không phải chuyện tầm thường. Tiếc là về sau trong một phen hỏa hoạn, bộ sách phần bị cháy, phần bị tơi tả, thất lạc khắp bốn phương tám hướng. Nghe nói trong số những thiên còn lại, thiên nào lạc về đâu, thì nơi ấy văn chương phát đúng theo chữ đó. Không biết cụ thể là những thiên nào, song ví như các thiên: “Trá”, Ngụy”, “Đạo”; “Tặc”… thì quả vẫn thấy hiện diện đâu đó cho đến tận bây giờ.

Quay trở lại chuyện độc giả họ Ngô. Gọi y là đại độc giả e rằng lẫn với người xưa. Chỉ biết rằng còn một người đọc như y, thì chuyện thiên hạ vẫn còn lý do để viết, và không chỉ một vài người, mà hàng trăm người sẵn sàng hì hụi viết. Một “đa” tác gia đương đại vào loại lớn như Đỗ Minh Tuấn, trong lần đầu tiên gặp gỡ, đã phải kinh ngạc khi nghe y hỏi:

“Văn học chân chính cần bảo hiểm cho lịch sử, chứ không bảo hiểm cho bất cứ cuộc cách mạng nào phải không anh?”

Thì ra y nói về bộ luận văn học cực kì uyên thâm, tổ sư múa lượn của văn sĩ họ Đỗ. Bộ luận ấy có tên: “Ngày văn học lên ngôi” xuất bản hai chục năm về trước. Văn sĩ họ Đỗ vừa kịp nhớ ra thì y đã “bồi” tiếp:

“Nếu “lịch sử tư duy đi từ quyết định luận đến bất định luận”, thì có nghĩa là trí tuệ của Đỗ Minh Tuấn, đi từ hữu vi đến vô vi?”

Tới đây thì đạo sĩ Đỗ Minh Tuấn kia phải trợn mắt. Bởi vì đạo sĩ này nằm trong số học giả đương đại (đếm không quá số ngón tay trong 1 bàn tay), hiểu thực chất thế nào là “hữu vi”; “vô vi”. Dám bàn về triết học, nhất là triết học phương Đông với Đỗ Minh Tuấn thì phải không phải là hạng vừa. Nhưng bất định mà “dịch” thành vô vi thì vừa thậm thâm vừa kì tuyệt, bởi đi từ quyết định luận đến bất định luận, cũng chính là đi từ tính “Có” đến tính “Không” thực tướng của vạn vật, cũng tức là vô vi… Toàn bộ quá trình tiến hóa trí tuệ của nhân loại trên thế gian này còn gói gọn trong câu ấy, huống nữa là lão đạo sĩ lừng danh họ Đỗ do đắc quả vô vi mà thành đạo sĩ.

Mà bất cứ ai đã từng in sách, thậm chí chưa hề in sách, chỉ cần có chút văn trôi nổi trên mạng, (kẻ viết những dòng này là một ví dụ), cũng khó lọt qua khỏi cặp mắt của y… Y đọc bất kể trong luồng hay ngoài luồng, bởi đối với một chúng sinh thuộc về cõi đọc như y, thì sách chỉ có hay hoặc dở, tuyệt không có trong luồng hay ngoài luồng. Cách đây hơn chục năm, thế gian này xuất hiện một “cõi” văn học của người Việt rực sáng trên bầu trời nhân loại. Đó là website có tên Talawas. Và y đã không bỏ sót bất kì bài nào của trang mạng này, thậm chí còn nhặt nhạnh, lưu giữ từng loại đề tài, từng tác giả… mà y yêu thích. Trang mạng ấy tự sinh ra, chói lọi vài năm rồi tự diệt. Suốt từ đó đến nay chưa hề có trang nào sánh được.

Y bảo con người ta, lúc đang sống đã thông minh là chuyện tầm thường. Kẻ chết rồi mới thông minh, chết càng lâu càng thông minh mới là chuyện phi thường. Chuyện văn chương thơm thối cũng tựa như vậy. Có kẻ lúc sống văn chương lừng lẫy, thống trị các loại giáo khoa, vậy mà chết chưa kịp sạch xương, đã bị thiên hạ vứt vào sọt rác, bởi vì văn thối không chịu được. Điều ngược lại cũng y như thế. Nghĩa là kẻ thông minh lúc sống chẳng qua chỉ a dua. Kẻ chết rồi mới thông minh, chết càng lâu càng thông minh mới chính là kẻ đi trước thời đại. Chẳng trách bọn học giả bên Tàu bây giờ đồng thanh ca ngợi Lão Lai tử là người thông minh phi thường, thông minh bậc nhất của dân tộc đại Hán cổ kim. Đơn giản bởi lão chết lâu rồi, chết cách đây những hơn hai ngàn năm. Chứ nếu lão còn đang sống lù lù, thì chắc chắn cả cái xứ Trung Hoa khổng lồ kia sẽ coi lão chẳng qua chỉ là 1 ông già gàn dở.

Nghĩa là giao dịch với y, bạn bè sẽ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Một kẻ nhét vào đầu đủ thứ kiến thức kim cổ đông tây, mà vẫn riêng một bản lĩnh trí tuệ rõ ràng, bừng bừng tư duy chánh đạo, không đến nỗi cuồng tâm rẽ ngoặt sang tà đạo, cũng không đến nỗi biến thành một nồi “lẩu” sách thập cẩm như y thì quả là hiếm có. Và đó chính là chỗ thú vị trong chốn tâm giao, bởi chơi với y, sẽ thấy y là kẻ không bao giờ cũ, mỗi lần gặp là một lần thấy mới. Đây phải chăng chính là chỗ diệu dụng của cái tướng “hư chỉ” nói trên, một loại tướng mà không thầy nào dám “phán”? phán liều sẽ lập tức cụt nghề?

Trên đời kẻ mọt sách không hiếm. Nhưng mọt sách lại kèm theo “hư chỉ” như y thì phải đốt đuốc lên mà tìm. Đọc đến đâu, lập tức biến đổi mình đến đó thì còn gì quý hơn thế nữa. Sách Phật phải tôn vào hàng Đại Thanh văn. Một người như thế cũng đủ làm nên cả một cõi đọc, bởi một mình y truyền cảm hứng cho cả nghìn người, vạn người… May phúc có được một người đọc như y, thì đáng đời cho hàng trăm kẻ viết. Y xứng đáng được gọi là “Nhất độc bách tác”. Ấy là nói gọn, còn nói đầy đủ thì phải là: “Duy nhất độc giả, trụ bách tác gia” (Một người đọc giữ lại trăm người viết)… Mong sao trong cõi viết này có thêm nhiều người nữa như y.

Mà làm sao phân biệt ai là kẻ viết, ai là người đọc bây giờ? Bởi vì cõi đọc và cõi viết, độc giả và tác giả, chẳng qua chỉ là sự biến hóa mầu nhiệm và cần thiết của nhân quả, cơ giời... Độc giả và tác giả, tác giả và độc giả, tuy không phải là một, song cũng chẳng phải hai, cũng như lão “thần đồng” Giả Sinh kia, phải đợi thời mới phát tiết thì sao? Và những bậc “Nhất độc bách tác” như Ngô Quốc Kỳ trong bài viết này, biết đâu cũng phải đợi đúng thời, mới “phát tiết”, để “hóa kiếp” trở thành Tác giả?

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Đọc sách, đừng làm con mọt sách

    20/07/2015Sau những phản hồi nhiều chiều của bạn đọc về bài viết Sự khốn cùng của “tư duy triệu phú”, ông Nguyễn Mạnh Hùng - tổng giám đốc Công ty cổ phần sách Thái Hà, đã có những chia sẻ về sách self-help...
  • 19 điều cần biết nếu trót yêu một Mọt sách

    09/06/2018Lyo (Theo Buzzfeed)Sách có thể là kết nối của những tâm hồn đồng điệu và dẫn lối cho họ đến bên nhau. Và sách cũng sẽ là món ăn tinh thần của những người đang yêu. Nhưng đôi lúc, có người lỡ trót yêu một mọt sách và họ cảm thấy rằng thật khó để nắm bắt tình cảm, vậy “họ” nên đọc 19 điều cần phải biết ngay dưới đây...
  • Sundar Pichai: Từ mọt sách đến CEO Google

    01/02/2016Lê PhátSundar Pichai là một hình mẫu điển hình của người trẻ châu Á, lớn lên với sự trợ giúp của gia đình và bay cao bằng đam mê...
  • Con mọt sách

    23/10/2014Hà Linh QuânHồi đầu những năm 70 thế kỷ XX, ở Hải Phòng có 2 người đàn bà nổi tiếng trong giới trí thức. Họ không viết văn, làm thơ, soạn nhạc hay cầm cọ vẽ, nhưng họ có quyền phân phát các tiểu thuyết lừng danh nhất, những tập thơ tuyệt vời nhất, các đĩa nhựa ghi 9 bản giao hưởng của Beethoven hoặc những kiệt tác (in lại) của các danh hoạ thuộc trường phái ấn tượng Pháp...
  • Mọt sách thành đạt

    27/06/2006Trông dáng dấp, cung cách làm việc của ông chủ công ty kinh doanh vàng bạc lớn nhất miền Bắc vẫn có bóng dáng của một anh bộ đội Trung đoàn 47 (Bộ Tư lệnh Thủ đô), hay ông chủ của một xưởng sản xuất xe lam ở Hà Nội những năm 80.
  • "Mọt sách" ét-vê

    21/02/2006Hoàng Quỳnh - Thanh KiềuThà nhịn một bữa cơm, bớt đi một ly cà phê để “tậu” về cuốn sách mà mình thích, đó là phương châm sống của những sinh viên “nghiện sách”.
  • Từ “con mọt sách” trở thành tỉ phú

    12/02/2006Băng Hữu ThanhTừ những trang sách bổ ích làm nền tảng vững trãi cho Oprah Winfrey bước vào ngành phát thanh truyền hình rồi trở thành một nhân vật huyền thoại trong giới truyền thống ở Mỹ...
  • xem toàn bộ