Những điểm yếu của sĩ phu Việt

11:48 SA @ Thứ Hai - 28 Tháng Ba, 2016

Kỳ trước (Tia Sáng số 05/3/2016) đã đề cập về thất bại của giới sĩ phu Việt Nam trong việc hình thành chữ viết cho đại chúng, bài viết lần này mở rộng hơn, nói về thất bại của giới sĩ phu Việt trong dẫn dắt quá trình văn minh hóa dân tộc, tạo hình mẫu cho sự phát triển của các nhóm người khác...

Trong suốt chiều dài lịch sử, những sĩ phu Việt Nam tinh hoa nhất hầu hết nếu không phải là tất cả, đều là những người học giỏi, giỏi thơ văn, đọc sách nhiều, trí nhớ tốt, nhưng cũng thường chỉ ở mức tầm chương trích cú. Viễn kiến và trí tuệ, hiểu biết của họ khó có thể nói là sâu rộng, nếu không muốn nói là đôi khi viển vông, sáo rỗng. Vì vậy, mặc dù sau khi đỗ đạt, tất cả đều ra làm quan, nhiều người được giữ những vai trò trọng trách trong triều đình, tham dự vào các quyết định quan trọng của đất nước nhưng họ chỉ có vai trò duy trì nguyên trạng một thể chế lạc hậu, không đủ năng lực và tầm vóc tiến hành những cuộc cải cách quan trọng và phát triển nền văn minh của dân tộc lên những vị thế mới.

Những sĩ phu này đều là những người có đạo đức, trong sạch, sống thanh bạch, liêm khiết, và đa phần thương dân. Khi bất bình với xã hội, không chấp nhận đám quan tham, một vài nhân vật dũng cảm nhất đều gửi các góp ý, kiến nghị với triều đình. Nhưng nếu vua không nghe theo thì họ chỉ biết than thở, làm thơ ngâm vịnh, hoặc treo ấn, từ quan, về quê hay lên núi tránh xa vòng thị phi. Họ luôn tự bằng lòng với cách hành xử đó, coi cách sống đạm bạc, trong sạch, giữ khí tiết… là tiêu chuẩn cao quý nhất của nhà Nho, của bậc sĩ phu, chứ không coi việc mưu sự và nỗ lực làm mọi cách đến cùng để làm được việc hữu ích cho dân cho nước là mục tiêu cao cả nhất.


Viết chữ ngày xuân. Nguồn: yeunhiepanh.net

Giới sĩ phu lẽ ra có thể làm gì?

Điều lẽ ra họ phải làm, dù trong vai trò là quan chức trong bộ máy, hay khi không được trọng dụng và trở thành người trí thức tự do, là luôn chủ động nỗ lực sáng tạo ra những tri thức vượt trội, những kiến giải, những giải pháp về sự phát triển, để đóng góp cho dân tộc, như phát minh ra chữ viết, đề ra những quan điểm tiến bộ về cải cách luật pháp, cải cách giáo dục, cải cách hành chính hay những biện pháp về kinh tế, giao thông,… Cao hơn, họ có sứ mệnh và trách nhiệm phải xây dựng các học thuyết phát triển cho dân tộc, soạn ra các tư tưởng và giải pháp cụ thể về phát triển quốc gia chứ không chỉ viết những bản kiến nghị chung chung lên triều đình.

Tất nhiên, tôi nghĩ không thể đòi hỏi giới sĩ phu từ hàng trăm năm trước phải có được những tư tưởng canh tân hiện đại như thời nay, nhưng mỗi thế hệ đều có một sứ mệnh riêng cần phải hoàn thành. Sứ mệnh đó tương ứng với điều kiện phát triển cho phép của từng thời đại. Tôi xin tạm hình dung như sau:

Thế hệ Chu Văn An, Nguyễn Trãi là những học giả, trí thức của thế kỷ 11-13, nhờ nền độc lập dân tộc và sự hưng thịnh của văn hóa khi đó với tinh thần độc lập cao và ý chí tách ra khỏi Trung Hoa có sứ mệnh phải phát minh ra chữ viết cho người Việt và đưa chữ viết đó trở nên thông dụng trong dân chúng.

Điều đáng lo ngại là trong cách hành xử của giới trí thức ở Việt Nam ngày nay còn giữ lại khá nhiều những nhược điểm của giới sĩ phu mà chúng ta đã thấy trong lịch sử.

Nếu thế hệ Chu Văn An, Nguyễn Trãi thành công trong sáng tạo chữ viết đó, thì thế hệ trí thức, học giả thế kỷ 16-17 mà tiêu biểu là Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491–1585) sẽ có điều kiện và dễ dàng hơn trong việc hình thành, phát triển kho tri thức riêng cho dân tộc bằng những cuốn sách, những tư tưởng viết bằng tiếng Việt, bằng việc lan tỏa tri thức viết bằng tiếng Việt, tiếng mẹ đẻ đó cho đông đảo người dân. Những tư tưởng và học thuyết của họ không còn bị bó hẹp và hạn chế bởi việc thể hiện bằng chữ Hán, không bị lệ thuộc vào tư tưởng của Nho giáo, của Trung Hoa để có thể trở nên độc lập hơn, và nhờ đó, giới trí thức của Việt Nam được phát triển mạnh mẽ hơn, đông đảo hơn trở nên độc lập với các học thuyết và tư tưởng của Trung Hoa.

Và giả sử như các thế hệ trí thức trước thành công, nếu khi người Pháp xâm chiếm Việt Nam, thế hệ các sĩ phu của thế kỷ 19 như Nguyễn Khuyến (1835-1909) có thể tỉnh táo, có tư tưởng canh tân hơn nhờ các lý thuyết, kiến thức và tư duy độc lập được thừa hưởng sẽ chủ động tiếp cận với văn minh phương Tây, thúc đẩy mạnh mẽ hơn tiến trình dịch thuật, viết sách và phổ biến văn minh phương Tây, về khoa học, về tư tưởng, về thiết chế… bằng chữ Việt cho người Việt.

Nếu giới sĩ phu Việt thế hệ đó thực hiện được những sứ mệnh lịch sử như vậy thì đông đảo người dân sẽ có tri thức, và nhờ đó dân tộc có điều kiện và cơ sở để phát triển một nền văn minh hiện đại không kém hơn so với Nhật Bản đương thời. Tuy nhiên, sau những thất bại đó, giới sĩ phu Việt Nam đã lại liên tục lỡ nhịp ở các bước chuyển văn minh, và mỗi lần lỡ nhịp này lại dẫn tới những lần lỡ nhịp tiếp theo.

Treo ấn về quê ở ẩn chưa hẳn là cách hành xử đúng

Tôi nghĩ rằng, sự phát triển của một quốc gia phụ thuộc vào hai nhóm người: những người cầm quyền (giới lãnh đạo) và những người có tư tưởng, kiến thức (giới học giả). Giới học giả thường có năng lực hành động yếu, trong khi giới lãnh đạo có năng lực hành động tốt thì kiến thức lại không đủ sâu rộng. Vì vậy, chỉ khi nào có sự kết hợp giữa hai nhóm người này và sự hợp tác chặt chẽ giữa họ mới tạo động lực cho sự phát triển. Khi giới cầm quyền không đủ kiến thức, còn giới học giả không thực sự có tư tưởng tiến bộ, hoặc không có phương pháp chủ động, tích cực, đúng đắn để thuyết phục và phối hợp với giới cầm quyền, thì quốc gia sẽ dễ sa vào những thất bại.

Chính vì vậy, theo tôi, vì không được nhà cầm quyền tin dùng, hành động treo ấn từ quan, về quê ở ẩn của những vị quan, những sĩ phu mà xưa nay vẫn được khen ngợi, được coi là biểu hiện cho khí phách kẻ sĩ, thực ra phải bị coi là sự thất bại, là cách hành xử sai lầm, thể hiện họ không đủ ý chí và sự khôn ngoan để tìm các giải pháp khác nhằm theo đuổi mục tiêu cải cách đất nước. Họ dễ dàng từ bỏ sứ mệnh và trách nhiệm của tầng lớp được coi là tinh hoa của đất nước, rồi dễ dàng đổ lỗi và quy mọi trách nhiệm cho triều đình và giới quan lại, mà họ là một phần trong đó.

Về những sĩ phu trong lịch sử Việt Nam, tôi chỉ thấy một vài nhân vật như Nguyễn Công Trứ và Ngô Thì Nhậm đã thoát khỏi khuôn mẫu đạo đức “treo ấn từ quan”, nỗ lực tìm cách vượt qua mọi bước thăng trầm để có những đóng góp thiết thực cho cộng đồng. Nhưng đáng tiếc là cho đến nay, những điều đáng trân trọng đó ở họ vẫn không được ca ngợi nhiều như cách hành xử “về quê ở ẩn” của Chu Văn An hay Nguyễn Trãi.


Nguyễn Công Trứ (1778 – 1858) là một nhà quân sự, một nhà kinh tế và một nhà thơ lỗi lạc. Năm 1819, tức là mãi tới năm 41 tuổi, ông mới đỗ Giải nguyên ở Nghệ An. Cuộc đời ông đầy sóng gió và nhiều thăng trầm, được thăng thưởng quan tước nhiều lần vì những thành tích, chiến công trong quân sự và kinh tế, từng được phong tới chức Thượng thư, Tổng đốc nhưng cũng nhiều lần bị giáng phạt, nhiều lần giáng liền ba bốn cấp như năm 1841 bị kết án trảm giam hậu rồi lại được tha, năm 1843 còn bị cách tuột làm lính thú,…

Nhưng ông là con người của những thành tựu đa dạng và đầy dấu ấn. Về quân sự, tuy là quan văn nhưng Nguyễn Công Trứ vẫn nhiều lần cầm quân, làm tướng, với các chiến tích rất nổi bật và ông được coi là người đánh đâu thắng đó: năm 1827 ông dẹp Khởi nghĩa Phan Bá Vành, năm 1833 dẹp Khởi nghĩa Nông Văn Vân, 1835 dẹp giặc Khách. Ông cũng góp nhiều công lớn trong cuộc Chiến tranh Việt–Xiêm (1841-1845). Về kinh tế, ông có sáng kiến chiêu mộ dân nghèo, đắp đê lấn biển, lập ấp, khai sinh các huyện Kim Sơn, Tiền Hải vào cuối thập niên 1820, để cứu hàng nghìn, hàng vạn người nông dân. Ông được phong là Kinh điền sứ, tức là chuyên trách việc mở đất, lập ấp. Ông cũng đề xuất lập nhà học, xã thương ở nông thôn nhằm nâng cao dân trí và lưu thông hàng hóa.

Tôi rất khâm phục những gì mà Nguyễn Công Trứ làm được và dám làm. Ông đã gạt bỏ những suy nghĩ nhỏ bé, gạt bỏ lối suy nghĩ và hành xử thông thường, chấp nhận những lần thất bại và bị đày ải rồi kiên trì nỗ lực tìm kiếm những giải pháp nhằm phát triển đất nước và cứu người dân. Dù những cải cách của ông không vĩ đại nhưng hành động khai hoang, lấn biển của ông hữu ích cho người dân hơn nhiều những áng văn thơ… Khi bị cách chức hay quở phạt, ông nhẫn nhịn chịu đựng và hiểu sứ mệnh của mình là phải ở lại triều đình để đóng góp cho đất nước. Thử hình dung, nếu Nguyễn Công Trứ cũng lựa chọn cách hành xử treo ấn từ quan, thì hẳn khó có thể có các huyện Kim Sơn, Tiền Hải và cuộc sống của hàng nghìn dân nghèo hẳn sẽ tiếp tục lầm lũi, đói ăn, và họ có thể trở nên bạo loạn và rồi lại bị đàn áp.

Ngô Thì Nhậm (1746–1803), là danh sĩ, nhà văn đời hậu Lê–Tây Sơn, người có công lớn trong việc giúp triều Tây Sơn đánh lui quân Thanh. Ngô Thì Nhậm thông minh, học giỏi, sớm có những công trình về lịch sử. Ông thi đỗ Giải nguyên năm 1768, rồi Tiến sĩ tam giáp năm 1775, làm quan dưới triều Lê–Trịnh. Năm 1788, Nguyễn Huệ ra Bắc lần hai, xuống lệnh “cầu hiền” tìm kiếm quan lại của triều cũ. Danh sĩ Bắc Hà khi trước đầu quân cho nhà Lê hầu hết đều không theo Tây Sơn, trừ vài người như Trần Văn Kỉ, Ngô Văn Sở và Đặng Tiến Đông. Khi được Thì Nhậm, Nguyễn Huệ mừng mà rằng: “Thật là trời để dành ông cho ta vậy”, và phong cho ông chức Tả thị lang bộ Lại, sau lại thăng làm Thượng thư bộ Lại-chức vụ cao nhất trong Lục bộ.

Khi quân Thanh sang, Ngô Thì Nhậm đã có kế lui binh về giữ phòng tuyến Tam Điệp, góp phần làm nên chiến thắng của nhà Tây Sơn. Năm 1790, vua Quang Trung đã giao cho Ngô Thì Nhậm giữ chức Binh bộ Thượng thư. Tuy làm ở Bộ Binh, nhưng Ngô Thì Nhậm chính là người chủ trì về các chính sách và giao dịch ngoại giao với Trung Hoa. Ông là người đứng đầu một trong những sứ bộ ngoại giao sang Trung Hoa.

Như vậy, Ngô Thì Nhậm đã không hành xử như những cựu thần nhà Lê là “treo ấn” bất hợp tác với Quang Trung. Ông chủ động và tích cực đóng góp cho nhà Tây Sơn, đặc biệt hữu ích khi có công lớn trong việc chiến thắng của Quang Trung trước quân Thanh, tham gia việc ngoại giao với nhà Thanh sau đó. Nếu ông cũng lựa chọn cách hành xử ở ẩn như những người khác, hẳn là công cuộc chiến thắng giặc ngoại xâm của dân tộc sẽ khó khăn và nhiều tổn thất hơn.

Nguồn:Tia Sáng
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Sĩ phu hiện đại

    14/10/2016Dương Ngọc DũngPhải nhìn nhận ngay rằng tình hình giáo dục hiện nay là một bức tranh theo trường phái... lập thể hết sức nham nhở: mặt tối, mặt sáng đan xen lẫn nhau, khó lòng mà chê khen một cách quyết đoán được. Trường tư mở ra như nấm, học phí chém thẳng tay, nhiều phụ huynh chạy tiền lè lưỡi. Nhưng cũng có mặt tốt vì chủ trường sẵn sàng trả lương cao cho giáo viên giỏi, thu hút được học sinh, và thẳng tay loại bỏ những giáo viên quá bết bát, các thành phần lâu nay vẫn ăn bám cơ chế bao cấp và biên chế...
  • "Sĩ phu, trí thức thì không được hèn"

    16/03/2016Bùi Hoàng Tám (thực hiện)Nhân đầu xuân mới, bàn tròn xuân Kỷ Sửu của Đất Việt ghi lại những ý kiến của các nhà trí thức nổi tiếng Việt Nam bàn về sĩ phu, trí thức thời nay.
  • Lương Kim Định một gương mặt sĩ phu lớn thế kỷ XX

    06/07/2015Nguyễn Khắc MaiTưởng nhớ Triết gia Kim Định, tôi hình dung tới một cây cổ thụ sum xuê, tỏa bóng. Dẫu cổ thụ nào cũng có cành cộc, nên chớ làm con kiến leo ra leo vào. Hãy cố trèo cho đến cành cao, bằng không thì đứng tựa thân cổ thụ nhìn xa ra một chân trời mới, tìm cho mình một Đạo trường , để cho mình được sống An vi, Nhân bản, như cánh diều buộc nơi gốc cây, bay bổng trên trời cao, vẫn níu giữ, gắn liền với nguồn cội...
  • Sĩ phu, trí thức nước nhà xưa và nay

    08/09/2013TS. Chu HảoKhông ai nâng cao được vai trò của trí thức nếu giới trí thức của chúng ta không tự khẳng định được mình! Không ai san sẻ trách nhiệm với trí thức được; chỉ có trí thức mới thi hành được thiên chức của mình; vinh quang và cay đắng gắn liền với thiên chức ấy cũng chỉ dành riêng cho giới trí thức mà thôi!