Những lầm lẫn tai hại về thuật ngữ Tâm linh

11:00 SA @ Thứ Hai - 01 Tháng Mười Hai, 2014

Trên ChungTa.com ngày 17/09/2014 có đăng lại bài viết của Hà Yên “Tâm linh: Sự lẫn lộn và thảm họa”, với rất nhiều lời lẽ đao to búa lớn. Tuy nhiên, thầy Trần Quang Đại, Trường THPT Trần Phú, Đức Thọ, Hà Tĩnh, đã viết một bài bình luận và phản biện rất thuyết phục. Xin được trân trọng cảm ơn thầy! Và tôi xin tiếp lời thầy Trần Quang Đại, nói rõ nguyên nhân của những lầm lẫn tai hại về thuật ngữ tâm linh của Hà Yên và về một số bất cập trong nhận thức của tác giả này.

Từ 1997, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã nói với tôi rằng, bây giờ người ta mở miệng là nói đến tâm linh. Và tôi tiếp lời ông, khi cho rằng, nhưng nếu hỏi tâm linh là gì thì rất ít người biết cho rõ đến ngọn ngành. Tôi đã nhiều lần bàn về thuật ngữ này, bạn đọc có thể tìm bài “Ngoại cảm là ngụy khoa học” của tôi trên trang Viet-Studies.info của cựu giáo sư kinh tế Mỹ Trần Hữu Dũng (hoặc trang dokiencuong.com của tôi) để tìm hiểu thêm.

Đây là những gì tôi đã viết trong bài viết đó: “Theo Từ điển tiếng Việt, do Hoàng Phê chủ biên, tâm linh có hai nghĩa: tiên tri và tinh thần (ít dùng). Còn theo Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh, tâm linh là trí tuệ tự có bên trong lòng người. Có thể do nghĩa đầu tiên trong từ điển tiếng Việt (tiên tri) mà tâm linh được dùng theo nghĩa các hiện tượng dị thường.

Tâm linh cũng được dùng theo nghĩa tín ngưỡng, có thể do các thuật ngữ tiếng Anh spiritism (thông linh luận) hoặc spiritualism (duy linh luận), một quan niệm xem hồn người chết có thể liên lạc với người sống qua giới đồng cốt. Về mặt khoa học, đó là giả thuyết cần bác bỏ”.

Như vậy theo tôi, tâm linh có ba nghĩa: (1)trí tuệ, tinh thần; (2)tín ngưỡng; và (3)các hiện tượng dị thường. Nghĩa đầu tiên rất ít được dùng; còn nghĩa thứ hai và nghĩa thứ ba được dùng khá phổ biến. Chẳng hạn khi nói chuyến hành hương về Yên Tử là một chuyến du hành tâm linh, đó là việc dùng nghĩa thứ hai (tín ngưỡng); còn khi kẻ lừa gạt Nguyễn Thanh Thúy (đã bị công an Quảng Trị bắt để điều tra về việc làm giả mộ liệt sĩ) tự xưng là một “nhà tâm linh”, đó là việc dùng nghĩa thứ ba (các hiện tượng dị thường, như gọi vong hay bẻ cong thìa bằng ý nghĩ) của thuật ngữ.

Chính vì vậy, khi muốn bàn về thuật ngữ tâm linh, bất cứ ai cũng phải giới thuyết nội hàm của khái niệm, để xác định rõ phạm vi bàn luận thuộc lĩnh vực nào trong ba lĩnh vực rất khác nhau (tuy có quan hệ với nhau) đó. Nếu không nhiều khả năng chúng ta sẽ được chứng kiến cảnh ông nói gà bà nói vịt, giống như chuyện cãi lộn ngoài chợ, chứ không phải là thảo luận và tranh luận học thuật.

Về nội hàm thuật ngữ tâm linh của Hà Yên:

Trong mục “Bản chất tâm linh”, Hà Yên viết: “Bản thể con người có hai phần, gọi nôm na là Phần xác và Phần hồn. Ngôn từ văn bản phổ thông thì gọi là Thể chất và Tinh thần, đời sống tín ngưỡng thì gọi là Thể xác và Tâm linh, Vật lý và Triết học thì phân loại là Vật chất và Ý thức”. Như vậy Hà Yên quan niệm tâm linh theo nghĩa ít được dùng, đó là trí tuệ, tinh thần hay ý thức.

Nếu xem tâm linh là ý thức hay tinh thần, trong sự đối ngược và thống nhất với vật chất hay thể xác, muốn hiểu được bản chất của tâm linh, Hà Yên cần nắm vững quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng và quan điểm hiện đại của các khoa học thần kinh và khoa học tâm trí.

(Ở đây tôi xin lưu ý một điểm quan trọng, sau khi Liên Xô sụp đổ, nhiều người xem duy vật luận biện chứng đã hết sức sống. Tuy nhiên theo tôi đó là một quan niệm sai lầm. Tôi là người kiên định theo lập trường duy vật biện chứng, vì tôi tin vật chất có trước và quyết định ý thức (duy vật luận); đồng thời tôi tin vào cách nhìn nhận sự vật trong toàn bộ các mối quan hệ có thể có (biện chứng pháp), đối ngược với cái nhìn chia tách các sự vật mang tính siêu hình.

Vậy thì duy vật luận biện chứng có gì sai? Và tôi cũng xin lưu ý rằng, quan điểm duy vật luận hợp trội (emergent materialism) về bản chất tâm trí đang được đề cao tại phương Tây chính là duy vật luận biện chứng chứ không phải cái gì khác. Bạn đọc quan tâm có thể tìm bài viết “Hợp trội luận và quy giản luận: Đối lập và song hành” của tôi để theo dõi thêm).

Tuy nhiên, đáng tiếc là ngoài lớp vỏ ngôn ngữ rất “hoàng tráng”, về thực chất, quan niệm của Hà Yên về tâm linh (theo nghĩa tinh thần hay ý thức) rất không ổn về mặt học thuật. Hà Yên cho rằng, “thể xác là vật chất thì đã quá rõ ràng. Nó rõ ràng vì các chỉ tiêu sinh học, cơ thể học và vật lý học hoàn toàn xác định và hữu hạn. Ngược lại “Thế giới Ý thức” hoàn toàn không xác định bằng bất kỳ đại lượng tuyệt đối nào, và là một “phổ” liên tục và vô định”. Những lời lẽ đao to búa lớn đó chứng tỏ điều gì? Với tôi thì nó chỉ chứng tỏ Hà Yên chưa hiểu vấn đề, khi không có khả năng trình bày quan điểm cá nhân một cách giản dị, theo tiêu chí của Rutherford, tác giả của mẫu hành tinh nguyên tử (chưa biết cách trình bày giản dị chứng tỏ chưa nắm được vấn đề). Nhận thức của tác giả hoàn toàn không ổn, thể hiện ở các khía cạnh sau: 1) Thế nào là đại lượng tuyệt đối; và nó khác đại lượng tương đối như thế nào?; 2) Khi nói tới một phổ, cho dù trong ngoặc kép, là nói tới tính xác định trong một hoàn cảnh cụ thể, tại sao ý thức lại là một phổ vô định?; và 3) Tại sao ý thức lại là một phổ liên tục, chứ không phải là phổ gián đoạn; và nó là phổ gì vậy?

Rồi Hà Yên viết tiếp: “Theo Triết học Phật giáo, cũng như hàm nghĩa sâu sắc của các khái niệm như:Phần hồn, Tinh thần, Ý chí, Tâm thể…chúng chỉ nhấn mạnh một mặt nào đó của Ý thức, chứ chưa nói lên được nội hàm của khái niệm Tâm linh. Trong Tâm linh đã hội đủ: Lòng vị tha, Đạo đức, Tinh thần, Ý chí, Linh hồn v.v..”. Không hiểu bạn đọc nghĩ sao, chứ tôi thì tôi cho rằng, Hà Yên tán cho vui vậy thôi, chứ có nắm được những gì mà mình đang nói đâu. Ở trên thì cho rằng, phần hồn là tinh thần (theo nghĩa phổ thông), tâm linh (theo nghĩa tín ngưỡng) hoặc ý thức (theo nghĩa triết học); thì ngay ở dưới, quên mất điều vừa viết, tác giả hạ bút: phần hồn, tinh thần chỉ nhấn mạnh một mặt nào đó của ý thức, mà chưa nói được nội hàm của khái niệm tâm linh!!!

Sự thiếu hụt trong kiến thức và sự khiếm khuyết trong nhận thức của Hà Yên thể hiện rất rõ ràng trong nhận định như sau: “Qua đó, ta thấy tổng thể Con người, phần Thể xác chỉ chiếm một phần nhỏ, hoàn toàn xác định, đủ để đóng vai trò “con”, còn Tâm linh mới là “Người” thì trải rộng với hàm chứa rất lớn”. Quan niệm thể xác là phần con, tâm linh mới là phần người; thể xác không quan trọng, tâm linh mới đáng nói là một quan niệm hoàn toàn sai lầm về mối quan hệ giữa vật chất và ý thức (hay thể xác và tinh thần), cũng như về mặt tiến hóa sinh học và tiến hóa văn hóa. (Thầy Trần Quang Đại đã châm biếm rất sâu sắc sự chia tách kỳ quặc đó khi hỏi Hà Yên rằng, vậy trong “con chó”, đâu là “con”, đâu là “chó”!).

Tất nhiên cái quyết định chúng ta là ai chủ yếu nằm trong các giá trị tinh thần; tuy nhiên không nên quên rằng, tinh thần và thể xác không thể tách rời nhau, luôn thống nhất với nhau. Nếu chẳng may mang một gien trì độn (thể xác), liệu Eintein có thể trở thành nhà khoa học vĩ đại nhất (phần hồn) thiên niên kỷ hay không? Và với các vận động viên thể thao, sự đóng góp của họ cho nhân loại thuộc về các tư tưởng hay các thành tích đẫm mồ hôi của họ? Quan trọng hơn, việc phân tách phần “con” và phần “người” cho thấy Hà Yên hoàn toàn không biết về sự phát triển liên tục trong thế giới động vật, bao gồm cả con người, không chỉ về mặt sinh học, mà còn cả về mặt văn hóa. Chắc chắn Hà Yên chưa bao giờ nghe thấy các thuật ngữ như “nghệ thuật voi” hay “văn hóa khỉ”. Nếu quan tâm, Hà Yên có thể tìm các bài viết trên trang cá nhân của tôi để cùng trao đổi và thảo luận, điển hình là bài “Làm thân con gái cứ nghe đàn bầu”.

Về sự “đánh trận giả” của Hà Yên:

Sau khi trình bày lộn xộn về thuật ngữ tâm linh, Hà Yên liền tiến hành đánh trận giả, bằng cách tự tạo ra các mệnh đề sai rồi hăng hái phê phán chúng! Đây là một minh họa điển hình: “Đối lập Khoa học và Tâm linh là một thất bại trong hành trình đi tìm Tri thức.Đối đầu giữa Khoa học và Tâm linh là một cuộc đối đầu giữa sức mạnh vật chất và sức mạnh tinh thần. Lịch sử đã chứng minh rằng, Ý chí, Tinh thần luôn chiến thắng”.

Tôi xin hỏi Hà Yên mấy câu như sau: 1)Tại sao lại đối lập khoa học với tâm linh, cũng có nghĩa là ý thức hay tinh thần, như tác giả đã giới thuyết khái niệm? Các nhà khoa học nhận thức thế giới và xây dựng các khoa học nhờ ý thức (tức tâm linh), họ đâu có khùng để tạo ra sự đối lập đó!; và 2)Hà Yên có biết khoa học là gì hay không, khi xem khoa học là hiện thân của sức mạnh vật chất? Hà Yên hãy tìm bài viết “Tại sao khoa học hiện đại ra đời tại phương Tây?” trên trang dokiencuong.com để biết rằng, “khoa học hiện đại được xem như một cách để ‘tìm hiểu” thế giới và một hệ thống tự phủ định của các học thuyết và các khám phá thu được khi theo đuổi nhận thức luận đó. Cách thức tìm hiểu và hệ thống các lý thuyết đó bao gồm các thành phần như sau: a) Các quan sát và thực nghiệm hướng tới sự tìm hiểu tự nhiên; b) Phát triển lý thuyết về các quá trình tự nhiên dựa trên các quan sát và thử nghiệm đó; c) Thử nghiệm lý thuyết vừa phát triển bằng các quan sát và thực nghiệm tiếp theo”. Nói cách khác, khoa học không chỉ là các thiết chế vật chất (trường hay viện nghiên cứu...) mà còn là các thiết chế tinh thần (các lý thuyết khoa học và các cách thức thực nghiệm hóa và lý thuyết hóa).

Xem sự đối đầu giữa khoa học và tâm linh là sự đối đầu giữa sức mạnh vật chất và sức mạnh tinh thần chứng tỏ Hà Yên hoàn toàn không hiểu khoa học là gì; ấy là chưa kể sự đối đầu đó cũng chỉ là do tác giả ngụy tạo.

Có lẽ tôi không nên làm mất thời gian của bạn đọc thêm nữa. Bạn đọc có thể xem phần phản biện của thầy Trần Quang Đại để thấy rõ sự lẫn lộn của Hà Yên. Sau những gì đã trình bày, tôi cho rằng, chính Hà Yên là minh chứng điển hình cho “sự lẫn lộn và thảm họa” trong việc tìm hiểu và bàn luận về thuật ngữ tâm linh, một thuật ngữ đang bị lạm dụng tại nước ta.

TP. Hồ Chí Minh - 30/11/2014

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Gợi ý về minh triết tâm linh & cuộc sống

    24/10/2019Tuệ Thiền Lê Bá BônNgày nay có nhiều nhà khoa học xiển dương các giá trị của tôn giáo, vì thế tôi xin trích dẫn một số quan điểm của vài vị Phật giáo...
  • Tâm linh... mấy hột

    21/02/2016Lại Nguyên ÂnChỉ tội nghiệp cho những đám đông chắc hẳn không có triển vọng gì về quan lộc, nhưng chỉ vì a dua, vì nghe nhiều tuyên truyền quảng cáo, dấn mình xé rào xông vào lễ hội, bị sảy chân, bị roi đánh ngã ngất, sày vảy mà không xin được ấn được lương, đầu năm đã rông như vậy, cả năm sẽ ra sao? Hãy nghĩ lại: chẳng có một hột tâm linh nào đâu, nơi những lễ hội cửa quyền ấy!
  • Khoa học hay tâm linh?

    31/10/2016Phong DoanhKhoa học đúng là cao siêu nhưng chỉ là đi tìm và giải thích những quy luật mà Siêu nhiên đã vạch ra trong bản thiết kế ban đầu. Vì vậy mọi cái trên đời này, trong vũ trụ này đều do Trời sinh ra thế. Chỉ có điều chúng ta hay hồ nghi nên mới tìm hiểu xem Trời sinh ra và điều khiển chúng như thế nào. Vì vậy mà mới có Khoa học...
  • Lý giải về Thế Giới Tâm Linh ứng Nhân

    12/02/2015Nguyễn Tất ThịnhMột trong những điều mà Nhân Loại muốn hiểu ( bằng Trí Huệ, Tín ngưỡng, Chứng Hành ) đó là Thế Giới Tâm Linh, và mỗi Con người cố gắng tìm thấy mình như thế nào trong đó. Và dù sao tôi cũng muốn nói lại : Trời Phật hiện xuống Bảo : Ta đã tạo ra mọi chỗ cho mọi sinh vật và có thể cho Con người mọi điều ước, nhưng hai điều không thể là sự Lương Thiện & Hạnh Phúc. Ta chỉ có Luật Nhân Quả chứ không chịu trách nhiệm thay họ về Đạo Đức – vì Ta không tạo ra cái đó !
  • Thử tìm hiểu về tâm linh

    17/09/2014Bạch Tầm XuânTâm linh là một cụm từ ai cũng biết, nhưng nó xa xôi và hư ảo, các nhà khoa học gọi là Cận Tâm Lý. Thực ra tâm linh diễn ra hàng ngày, từ chính chúng ta và môi trường xung quanh, từng giờ từng phút... Nhưng Tâm linh (cận tâm lý) là gì? Tôi muốn truyền đạt một phần nhỏ bé mà tôi biết được, để các bạn trẻ thử tìm hiểu tâm linh.
  • Không có cái gọi là "Chủ Nghĩa Duy Vật Tâm Linh"

    30/07/2014Đỗ Kiên CườngMột cách ngắn gọn, về mặt triết học, tôi cho rằng không thể có cái gọi là “chủ nghĩa duy vật tâm linh” với tư cách là một triết thuyết có thể sánh vai với các triết thuyết khác. Về mặt khoa học, có vẻ Hồ Bá Thâm muốn cổ vũ cho sinh lực luận, một quan niệm triết học - khoa học đã chết từ năm 1828, khi ông đang muốn tin linh hồn có thật dựa trên các hiện tượng đầu thai hoặc luân hồi...
  • Nhận thức lại bản chất của ý thức và tâm linh

    30/07/2014Hồ Bá ThâmTrước sự tác động của khoa học hiện đại cũng như các hiện tượng tâm linh đang tạo ra những nhận thức về ý thức, về bản chất của ý thức và tâm linh, thậm chí có thể dẫn tới thay đổi nhận thức khá quan trọng, có tính cơ bản về vấn đề này...
  • Hãy thận trọng nói về tâm linh

    30/10/2013Đạo TrườngNếu là nhà khoa học thực thụ thì người ta sẽ dễ dàng hiểu " niềm tin lớn hơn mọi chứng cớ phản bác " là kết luận chưa đủ để suy diễn ra một khẳng định mới là " không có sự huyền bí "...
  • Thống nhất tâm linh và khoa học

    09/09/2013Đào Thanh OaiThế giới mà ta biết gồm những vật thể sống và những vật thể không chứa đựng sự sống. Có những sự vật hiện tượng hữu hình và hiện tượng sự vật vô hình….Các hiện tượng điện, từ, cơ, nhiệt...có thể tạo ra một cách dễ dàng phải chăng đó là một nguyên nhân dẫn đến thành tựu khoa học dựa trên việc nghiên cứu về các hiện tượng này đã tiến xa...
  • Thử giải thích hiện tượng tâm linh

    12/12/2010Đào Thanh OaiCách hiểu thông thường nhất về thế giới tâm linh là một thế giới ở bên kia, thế giới ở đằng sau cái chết, thế giới của các linh hồn, thế giới của thần linh và ma quỷ... khoa học ngày nay cần phải trả lời là cái thế giới đó có thật không?
  • xem toàn bộ