Những di sản của một cuộc giải phóng nửa vời

Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult Group
08:18 CH @ Thứ Tư - 13 Tháng Tư, 2011
Trước hết, cần phải hiểu rằng phong trào giải phóng dân tộc không nhất thiết phải được lãnh đạo bởi một lực lượng hoặc một xu hướng chính trị duy nhất. Mục đích cuối cùng của phong trào giải phóng dân tộc là các dân tộc được giải phóng.

Các dân tộc được giải phóng có nghĩa là cuối cùng các dân tộc có quyền và khả năng thành lập một nhà nước của mình mà không lệ thuộc, không bị điều khiển trực tiếp bởi các lực lượng thực dân. Hay nói cách khác, giải phóng dân tộc là đưa các dân tộc ra khỏi sự ảnh hưởng hoặc sự nô dịch của chủ nghĩa thực dân. Kết quả của phong trào giải phóng dân tộc là sự độc lập của các dân tộc, nhưng cộng đồng các dân tộc không trở thành một thể đồng nhất. Trong khi đánh đuổi thực dân, chúng ta chỉ nhìn thấy sự giống nhau và chúng ta nhìn nhận nó như một phong trào. Nhưng một khi các dân tộc giành được độc lập của mình, các nhà nước dân tộc sẽ xuất hiện với cấu trúc chính trị và chất lượng chính trị hoàn toàn khác nhau, với những xã hội cũng khác nhau.

Chúng ta phải khẳng định rằng, giải phóng các dân tộc ra khỏi sự nô dịch trực tiếp của chủ nghĩa thực dân, của các nước đế quốc là một thành tựu lớn lao. Phong trào giải phóng dân tộc là một cuộc cách mạng, một phong trào làm chuyển biến chất lượng chính trị trên toàn thế giới. Đó là thành tựu văn hoá, chính trị vĩ đại của nhân loại. Đó là một trong những điểm bản lề của sự phát triển chính trị trên toàn thế giới. Nó tạo ra một trạng thái nhận thức vô cùng to lớn. Những nhà chính trị tiền bối của chúng ta như Hồ Chí Minh, Gandhi... đã tạo ra tự do để các dân tộc có cơ hội phát triển.

Rất tiếc, điều đó chưa trở thành hiện thực. Do bế tắc đường lối phát triển, hầu hết các quốc gia này vẫn không cách nào thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn của đói nghèo, lạc hậu, thất học, bệnh tật, trong khi đó môi trường bị suy thoái nghiêm trọng và xung đột nội bộ liên miên. Thực ra tình trạng đó cũng đã tồn tại từ hàng trăm năm trước, có điều càng ngày càng trầm trọng và gay gắt hơn. Đã có thời, nhiều lực lượng trong thế giới thứ ba kỳ vọng vào mô hình Xô Viết như là mẫu hình hoàn hảo để các nước thế giới thứ ba noi theo, nhưng thực tế cuối cùng cho thấy đó chỉ là những ảo ảnh đẹp đẽ mà không phải là sự phát triển đích thực. Xã hội Xô Viết tiềm ẩn quá nhiều nhân tố phi tự nhiên nên dù mục đích có cao thượng đến đâu thì cũng tất yếu phải đi đến sụp đổ. Sự phá sản của Liên Xô cũng làm tiêu tan giấc mơ có vẻ đẹp đẽ của nhiều người nhưng cũng có giá trị như một bài học để người ta nhận ra rằng phát triển không thể trở thành hiện thực nhờ ý muốn chủ quan hay những ước mơ đẹp đẽ. Phát triển cần phải dựa trên một nền tảng lý luận khoa học cho phép giải quyết mối quan hệ giữa phát triển con người và phát triển các nguồn lực vật chất phục vụ con người.

Xã hội nghèo nàn và lạc hậu của thế giới thứ ba với những căn bệnh nguy cấp cần được mổ xẻ chứ không cần sự xoa dịu của những lý thuyết mị dân. Nếu cứ tiếp tục đổ lỗi cho người khác, dù là toàn cầu hóa hay các tập đoàn đa quốc gia, dù thiên tai hay cái gọi là "chủ nghĩa thực dân mới", các nước nghèo vẫn sẽ tiếp tục trì trệ và không bao giờ thoát ra khỏi vòng nghèo khổ cả về vật chất lẫn tinh thần. Để đi lên chúng ta cần nhìn lại chính mình, tìm ra những nguyên nhân để kịp thời khắc phục. Giàu có và thịnh vượng có muôn màu sắc khác nhau, còn sự nghèo khổ thì chỉ có một khuôn mặt. Các quốc gia kém phát triển cùng có chung một căn bệnh kinh niên, về mặt đối nội là tình trạng thiếu dân chủ trong đời sống xã hội, về mặt đối ngoại là tình trạng thiếu không gian hợp tác rộng mở và thiếu năng lực hợp tác với thế giới bên ngoài.

Vậy thì công nghệ nào, know-how nào tạo ra sự phát triển của dân tộc sau khi được giải phóng về mặt nhà nước? Đó là công việc của chúng ta, là công việc của thế hệ sau của các nhà giải phóng. Các nhà cách mạng tiền bối đã làm tròn nghĩa vụ của mình, họ đem lại không gian tự do trọn gói cho cả một dân tộc. Còn chúng ta, hậu duệ của họ phải nghiên cứu phát triển cái không gian chung ấy, hơn nữa, phải phân phối nó tới các cá nhân, biến nó thành những không gian thuộc quyền sở hữu của mỗi một con người nhằm mục đích phát triển năng lực của dân tộc về mặt phát triển. Nếu không giải được bài toán phát triển, cách mạng giải phóng dân tộc mãi mãi chỉ là cuộc cách mạng nửa vời.