Những nhà Mác-xít có tư tưởng gì về pháp luật lúc lập thuyết?

08:34 CH @ Thứ Năm - 02 Tháng Hai, 2012

Đôi khi chúng ta không giải thích được nhiều sự kiện pháp lý trong lịch sử các Nhà nước lấy tư tưởng XHCN của Marx-Engels làm kim chỉ nam. Tôi thử tìm về cội nguồn xem Marx, Englels, Lenin đã xác lập vị trí của pháp luật thế nào trong học thuyết của mình...

Xem lại các giả định như những tiên đề nằm ngay trong quan điểm cơ bản của Luận thuyết về Nhà nước, xã hội của Karl Marx (1818-1883) và Friedrich Engels (1820-1895) có thể giúp chúng ta lý giải một số điều khó hiểu nêu trên. Về cơ bản, những người mác xít chưa từng đề cao toàn diện về quyền lực của luật pháp cũng như quyền con người (quyền cá nhân) bởi vì chúng là biểu hiện của 1 xã hội tư bản chủ nghĩa và xã hội có tính xã hội chủ nghĩa thì những điều như vậy thì lại không còn quan trọng nữa.

Luật pháp trong Nhà nước như Nhà nước tư bản thường coi:

  1. Luật pháp ràng buộc ứng xử con người theo các quy tắc cai trị. Nó là cái để ép buộc con người, bảo vệ lợi ích của tư bản
  2. Chúng khuyến khích chủ nghĩa cá nhân. Chúng chỉ bảo vệ các cá nhân nhằm bảo vệ sự tư lợi
  3. Chúng không mang tính đạo đức (không tưởng) bởi chúng được tạo nên phù hợp với nền tảng kinh tế

1. Pháp luật cùng với văn hóa, hệ tư tưởng… là những thành phần thuộc về kiến trúc thượng tầng của xã hội, theo học thuyết Mác được quyết định bởi điều kiện vật chất của xã hội. Như vậy, hình thức, nội dung của pháp luật chỉ là những quy tắc phản ánh phương thức sản xuất của xã hội. Dưới các chế độ khác nhau, pháp luật luôn là công cụ của giai cấp thống trị xã hội, biểu đạt trực tiếp ý nguyện của giai cấp thống trị. Nhà nước là công cụ để giai cấp tư sản thực thi quyền thống trị của mình. Nhà nước tư sản đảm bảo cho giai cấp tư sản thực hiện thống trị giai cấp vô sản thông qua việc chiếm đoạt tư liệu sản xuất và bóc lột lao động.

2. Chủ nghĩa duy vật biện chứng khẳng định rằng sự tiến hóa của xã hội là tất định. Xã hội tư bản được nhìn như một xã hội mà mặt xấu cơ bản không thể sửa đổi – đó là mâu thuẫn ngày càng gay gắt giữa giai cấp tư sản (dựa trên quyền sở hữu cá nhân) với giai cấp vô sản (hầu như không có sở hữu cá nhân), sẽ dẫn đến mô hình nhà nước dùng để duy trì bộ máy cai trị, sử dụng bạo lực của giai cấp tư sản. Nhưng gì giới cầm quyền ở Nhà nước nghĩ ra như dân chủ, tự do, bình đẳng chỉ là bánh vẽ cho bản chất cai trị của giai cấp tư sản. Nhưng rồi nhà nước kiểu này rồi sẽ được thay thế bằng thời kỳ cộng sản, khi không còn tranh chấp sở hữu. Khi đó nhà nước sẽ tiêu vong và luật pháp cũng không còn cần thiết bởi nó là phương tiện của sự áp bức giai cấp, chỉ sinh ra trong một xã hội có giai cấp.

3. Quan niệm về con người: Marx tuyên bố rằng: “Không phải ý thức của con người quyết định bản chất của họ, ngược lại, bản chất xã hội của họ quyết định ý thức của họ”. Có nghĩa rằng ý thức của con người là một sản phẩm ăn theo của những điều kiện kinh tế. Con người hấp thụ kiến thức qua trải nghiệm xã hội về quan hệ sản xuất. Giai cấp thống trị thiết lập một “ý thức hệ thống trị” về giáo dục, văn hóa, chính trị, pháp lý… đảm bảo các “giá trị thống trị” giành được thắng lợi. Trong nhà nước tư bản, về bản chất là “một ủy ban quản lý những việc chung của toàn bộ giai cấp tư bản”. Và trong xã hội tư bản, con người là những kẻ bị áp đặt, nhào nặn theo “ý thức hệ tư sản”, và kiểu gì cũng bị khuyến dụ lòng tham, có xu hướng tích tụ tài sản.

4. Để xóa bỏ cái xã hội tăm tối của tư bản, Lenin khẳng định một sách lược hành động: cần phải tiến hành cuộc cách mạng vô sản, lật đổ nhà nước tư bản và thay nó bằng một chế độ chuyên chính của giai cấp vô sản. Lenin đã dự báo rằng, mọi sức kháng cự của phía phản động (theo tư sản) sẽ bị đánh bại, thay vào đó nhân dân sẽ không còn nhu cầu về luật pháp hay chính quyền: chúng sẽ “tàn lụi dần”. Như vậy là chính Lenin đã giao cho luật pháp vô sản một nhiệm vụ: đàn áp có tính cưỡng chế đối với “phản động tư sản”, phục vụ cho việc chuyển nhà nước từ tư sản sang chế độ cộng sản tương lai.

5. Như vậy, chủ nghĩa Marx đã coi luật pháp chỉ là hậu quả của một loại xã hội đặc biệt chứ không phải xã hội là hậu quả của luật pháp, hay chính xác hơn, Nhà nước không phải là thượng tôn pháp luật mà pháp luật chỉ là thứ công cụ của Nhà nước. Với tinh thần tôn sùng tiện nghi, tôn sùng pháp luật – coi pháp luật có cuộc sống riêng, người ta quên mất chủ thể pháp lý là con người, là công dân.

Ngoài ra, chủ nghĩa Marx bác bỏ khái niệm công lý với nghĩa các quy tắc trung tính trong việc bảo vệ tự do. Luận thuyết này coi luật pháp lệ thuộc nhiều vào điều kiện vật chất, vào sự thống trị của nhóm/ giai cấp quyền lợi không có cái lý tưởng của luật pháp, cũng không có mô hình xã hội mà các công dân cùng “đồng thuận” dựa theo một khế ước chung (một hiến pháp được toàn dân phúc quyết), càng không có cá nhân nào vì lợi ích chung đứng trên mọi xung đột hay nằm ngoài giai cấp thống trị để vô tư, công bằng thực thi, phân xử theo luật pháp. Có nghĩa rằng, chủ nghĩa Marx đã có cái nhìn ngầm định là luật pháp trong xã hội tư bản luôn thiếu công bằng, ăn gian bởi bản chất Nhà nước tư sản là mô hình xung đột nền tảng – luôn có sự xung đột quyền lợi của giai cấp cầm quyền và các giai cấp bị bóc lột. Các cá nhân không chỉ có lợi ích riêng mà kiểu gì họ cũng là thành phần thuộc phe này hay phe kia của xung đột. Theo cách trình bày này, thực thi luật pháp cũng chỉ để phục vụ sự duy trì kiểm soát.

6. Người theo chủ nghĩa Mác bác bỏ ý tưởng về quyền cá nhân, quyền con người (nhân quyền)bởi theo họ, nó hàm ý tính ích kỷ và vị kỷ, hoàn toàn không tương hợp với triết lý vị cộng đồng. Vì vậy, thuật ngữ quyền hạn cá nhân bị hạn chế sử dụng trong Nhà nước XHCN và chỉ sử dụng nhằm mục tiêu chiến thuật ngắn hạn. Họ cũng không cho rằng xã hội sẽ thay đổi từ việc đạo đức hóa các quyền hạn của chúng ta. Trong thực tế, việc các cá nhân đòi hỏi thực thi quyền này kia chỉ nhằm đòi thay đổi sự kiểm soát của nhà nước đồng nghĩa với việc chống lại lợi ích chung, rất đáng lên án.

Ban đầu, Marx khẳng định cuộc cách mạng XHCN sẽ chấm dứt sự cách biệt giữa xã hội dân sự và Nhà nước; chỉ có tham gia dân chủ mới chấm dứt được sự xa lánh của người dân đối với Nhà nước. Marx coi công dân sống trong Nhà nước Tư bản không phải sống trong Nhà nước đích thực của mình (mà chỉ là Nhà nước của riêng giai cấp tư sản), nhóm người này bóc lột nhóm người kia, không có công bằng/ bình đẳng gì cả. Ông đã lên án điểm xấu xa bản chất của xã hội tư sản: sự bóc lột và vong thân mà nó tạo ra. Ông mơ ước về một Nhà nước thực sự của người dân và không còn ai bóc lột ai.

7. Marx cũng phân biệt “quyền công dân” với “nhân quyền”. Quyền công dân là quyền chính trị hành xử chung với các quyền khác vào kéo theo sự can dự vào cộng đồng. Còn nhân quyền là những quyền riêng tư được hành xử biệt lập với những quyền khác và bao hàm rút khỏi cộng đồng. Marx nói “Không một quyền nào của cái gọi là nhân quyền vượt khỏi con người vị kỷ… một cá nhân rút vào chính mình, vào những lợi ích riêng và những ước muốn riêng của mình”. Ông nói thêm: “Việc áp dụng trên thực tế của nhân quyền về sự tự do chính là nhân quyền về tài sản riêng”. Marx nói rằng những quyền này không có ý nghĩa độc lập mà nó mang đặc thù của xã hội dựa trên quan hệ sản xuất tư bản. Chủ nghĩa tư bản tiêu diệt các quyền tự do cá nhân chân chính. Tài sản riêng trong xã hội tư bản biểu hiện cho sự thống trị của thế lực vật chất đối với yếu tố con người, còn chủ nghĩa cộng sản tương lai sẽ tiêu biểu cho sự thắng lợi của yếu tố con người lên thế giới vật chất. Ông đã nhìn thấy sự vong thân của công nhân đối với thành quả lao động của họ: “Hình thức lao động xã hội chung có vẻ như là tài sản của một vật”, nó được vật thể hóa thông qua việc “tôn sùng hàng hóa”. Những quan hệ tư bản chủ nghĩa có vẻ như để bảo vệ tự do cá nhân, nhưng sự bình đẳng trước pháp luật chỉ là đặc tính hình thức của những quan hệ trao đổi giữa những sở hữu chủ các tài sản riêng. Các nhà mac xít còn coi quan niệm tự do công dân chỉ là một ảo tưởng giai cấp thống trị lừa mị con người, thực thi nó sẽ làm lu mờ những thực tế thống trị giai cấp. Bởi vậy hoàn toàn không có việc đề cao lợi ích dành cho con người trong nhà nước tư bản. Giai cấp vô sản tự mãn về điều này chính là chấp nhận sự trói buộc của giai cấp tư sản và tự tước bỏ vũ khí của mình trước quyền lực.

Và rồi, các nhà nước xã hội chủ nghĩa lần lượt sụp đổ bởi họ đã thực hiện gần như đúng như những gì họ từng chỉ trích nhà nước tư bản chủ nghĩa. Đó là kết cục của việc nhận thức hết sức sai lệch về xã hội tư bản, về sự hình thành Nhà nước hiện đại và vai trò/ ý nghĩa của luật pháp, quyền con người cũng như tính không tưởng của chế độ cộng sản tương lai. Còn các nhà nước tư bản chủ nghĩa thì sao? Họ đã biết điều chỉnh phần nào theo chỉ dẫn, phê phán của những nhà Mác xít.

Nhưng liệu những tư tưởng gốc rễ về pháp luật như trên có còn rơi rớt lại ở 1 số nước thời nay hay không? Nếu không thì vô cùng may mắn cho chúng ta rồi đấy!

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Pháp luật đơn sơ và Pháp luật buồn cười

    21/10/2014Mạnh CườngDân trí càng mở mang thì pháp luật càng phải tinh tế. Luật lệ nước ta sơ sài hết sức. Những điều rõ ràng thì hoặc là phiền toái vô dụng, hoặc là khe khắt quá khó lòng giữ đúng (...) Những điều ta nói ta làm hàng ngày mà theo luật quy tội, thì sáng bị tội đồ, tội lưu, chiều bị tội phạt trượng. Đến những điều đáng phải theo cũng không thể theo được. Trên cũng như dưới đều mơ mơ màng màng, cơ hồ thành một nước không có pháp luật.
  • Quản lý bằng pháp luật như thế nào?

    09/10/2014Nguyễn Đức LamỞ đời “lạt mềm buộc chặt” tưởng chừng như nghịch lý nhưng pháp luật thường được hình dung là nghiêm minh, cứng rắn cũng không phải là ngoại lệ. Quản lý bằng pháp luật, cũng như quản lý nói chung, không phải là buộc diều vào cây sào tre mà hãy như trẻ mục đồng, thả diều bay lượn, đón gió trên bầu trời khoáng đạt, rộng lớn...
  • Pháp luật – Tài sản tinh thần của nhân dân

    21/02/2014Nguyễn Trần BạtXuất phát từ đòi hỏi xã hội phải được điều chỉnh bởi những quy tắc nhất định, pháp luật đã ra đời. Bản chất của pháp luật là các khế ước xã hội, tức là kết quả của sự thỏa thuận của mọi người. Nếu thỏa mãn điều kiện này, sự tự nguyện nhượng bớt một phần tự do cá nhân sẽ đưa đến sự hình thành của nền dân chủ ở đó, tự do không chỉ đơn thuần là tự do bản năng mà sẽ có chất lượng cao hơn, tức là tự do mang trong mình sự hài hòa lợi ích giữa các cá nhân, giữa cá nhân với cộng đồng và ở mức độ cao hơn nữa, tự do như là, phát triển...
  • Pháp luật phải có ý nghĩa trung lập, là công cụ dung hoà

    06/03/2010Vũ Chân Thư thực hiện“Nắm bắt pháp luật là nghề chính của chúng tôi mà nhiều lúc cũng bó tay và phải chọn con đường “chạy” vì trong giai đoạn vừa qua nó thực sự “hiệu quả” đảm bảo vừa được việc, vừa nhanh, lại bớt tranh cãi”. Tại sao chấp hành pháp luật đối với các doanh nghiệp lại khó như vậy?
  • Nhà nước và pháp luật trong thời kỳ đổi mới

    01/01/1900Nguyễn NiênXã hội ta là xã hội dân chủ: "Bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân", "quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân". Cuộc vận động xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở xã, phường, ở cơ quan, ở doanh nghiệp đã được triển khai rộng rãi, thực hiện tích cực đã mang lại những kết quả tốt bước đầu. Nhưng còn cần phải làm nhiều hơn, mạnh hơn nữa.

  • Tính cạnh tranh của nền pháp luật

    27/12/2005Nguyên LâmTính cạnh tranh của nền pháp luật phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trước hết, phụ thuộc vào những người làm ra luật, tức là Quốc hội và một phần nào đó là Chính phủ...
  • Sách "Bàn về tinh thần pháp luật"

    06/07/2005Hai tác phẩm: “Bàn về tinh thần pháp luật” (1748) của Montesquieu và “Bàn về khế ước xã hội” (1762) của Rousseau ra đời, trở thành bộ đôi tác phẩm có ý nghĩa khai sáng về quan điểm pháp chế, vạch ra định hướng xây dựng xã hội công dân, nhà nước pháp quyền, mở đường cho tư duy xã hội Pháp đi tới cuộc đại cách mạng tư sản năm 1789. Nhiều quan điểm trong hai tác phẩm này đã trở thành những nguyên tắc pháp lý chi phối sâu sắc đến sự phát triển của nhà nước và pháp luật hiện đại.
  • xem toàn bộ