Phải chăng chưa có 'môn học lịch sử' trong nhà trường?

07:24 CH @ Thứ Sáu - 13 Tháng Tư, 2018

Là một giáo viên có thâm niên 35 năm dạy môn Sử - Địa, tôi không có gì để phải chọn một cái tựa “giật gân” như trên, nhưng thật sự tôi nghĩ môn học gọi là “lịch sử” hiện nay chưa phải đích thực môn học theo đúng nghĩa một khoa học về quá khứ với những quy luật mà nó phải có...

Khoa học lịch sử ngay cả khi nó được thể hiện thành bài giáo khoa cho học sinh cũng nhất thiết phải mang các đặc điểm: chân thực, khái quát, khách quan và những sự kiện lịch sử thông qua các câu chuyện hấp dẫn về lịch sử về nhân vật lịch sử phải mở ra cho người đọc, người học óc suy luận theo cặp tư duy nguyên nhân – kết quả.


Một buổi học sử bằng cách xem tranh, ảnh trong viện Bảo tàng của học sinh tiểu học

Với môn lịch sử hiện nay, học sinh phải thuộc lòng là chính những con số mà có lẽ thiếu nó cũng “chẳng ảnh hưởng gì đến tình hình thế giới”, chẳng hạn kết thúc một trận đánh mà đếm có bao nhiêu xác chết, thu bao nhiêu súng.

Có vẻ là tủn mủn không nói lên được cái lớn lao của một chiến thắng. Hơn nữa, đó lại chỉ là những tổn thất của đối phương làm cho học sinh thắc mắc mà không dám hỏi về tổn thất của ta, tức là bài học thiếu khách quan.

Lịch sử trong sách giáo khoa hiện nay thành ra chuyện liệt kê, thống kê đơn thuần các trận đánh, các cột mốc chính trị.

Trong một góc nhìn khác, dường như có sự nhầm lẫn giữa thời sự và sự kiện lịch sử, một thứ vừa xảy ra, thứ sau đã được sàng lọc, đánh giá bởi thời gian trở thành sự kiện ấn tượng mang tính đúc kết bài học sâu sắc của quá khứ.

Tôi còn nhớ, khoảng thời gian bên Liên Xô xảy ra cuộc đảo chánh dưới thời ông Gorbachov. Hôm ấy chúng tôi đang được triển khai bồi dưỡng sách giáo khoa mới, trong đó đề cao những gì Gorbachov làm được, tất nhiên lại là khen hết mình. Đùng một cái, chính ông giám đốc sở giáo dục đi xe tới với khuôn mặt khá hớt hải, ông vào phòng nói “Ngưng lại các đồng chí ạ, “nó” bị lật đổ rồi”.

Thật ra thì trong môn lịch sử không thể không có chính trị nhưng hàm lượng chính trị mang tính áp đặt bởi góc nhìn thời cuộc chủ quan và coi đó là thống soái thì môn học không còn tính khách quan nữa, và học sinh không thể không nhìn ra điều này, chúng chán học còn là…may.

Bởi lớp trẻ mà không biết phán đoán cứ nhắm mắt nghe, không đủ tư duy, phản xạ trước những gì mình chưa tâm phục thì đó lại là một nguy cơ khác thậm chí còn bất lợi hơn so với việc chán…sử.

Nói cho cùng môn lịch sử có sứ mệnh là giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ. Lòng yêu nước là một tình cảm thiêng liêng và không thể không có trong mỗi con người, mỗi thế hệ. Chính vì thế giáo dục lòng yêu nước không thể hời hợt như một í muốn chủ quan như một mệnh lệnh hoặc tồi tệ hơn đơn thuần như một “dự án” làm ăn được.

Tôi nghĩ, qua các môn xã hội chúng ta đang có ảo tưởng muốn đào tạo ra những công dântheo một mô thức đồng loạt (và đồng phục?) thay vì ra những con người có tư duy độc lập, mà môn lịch sử được trao sứ mệnh gánh trên vai nó gánh nặng oằn lưng này.

Người trực tiếp gánh không ai khác là đội ngũ thầy cô giáo bộ môn. Chương trình ấy, sách giao khoa ấy và cách ra đề thi chấm điểm ấy, làm sao thầy cô dạy theo phương pháp rèn luyện tư duy?

Họ đứng giữa cái ranh giới khoa học lịch sử và lợi ích trước mắt của học sinh trong thi cử và đành phải chọn quyền lợi trước mắt của học sinh mình thôi vì nó gắn với quyền lợi trước mắt của chính mình.

Và khó có cách nào khác hơn là nhồi nhét, trước ngày thi gọi là bồi dưỡng nhưng thực tế là thầy cô cứ “khảo” bài theo đề cương ôn tập, chuẩn kiến thức của Bộ bởi đề thi, đáp án nằm trong đấy.

Kỷ niệm “rùng mình” của thời đi học là bị nhồi nhét thuộc lòng. Cho nên như đã xảy ra trong vài năm gần đây điểm thi môn sử thấp đến tệ hại trong cả thi tốt nghiệp phổ thông lẫn đại học. Và, năm nay, khi quy chế thi có các môn tự chọn thì câu trả lời đang xảy ra không khác gì cuộc bỏ thăm bất tín nhiệm với môn lịch sử, chính xác là với môn học gọi là lịch sử hiện nay.

Thiết nghĩ đã tới lúc nhìn lại môn sử một cách căn cơ, không nên quy trách nhiệm cho phương pháp dạy của thầy, cũng không nên đổ cho học sinh thực dụng chọn môn dễ có điểm cao, mà nên nhìn nhận lại nội dung môn học, quan điểm sử dụng môn lịch sử trong giáo dục con người hoàn chỉnh.

Chữa gốc sẽ chẳng lo gì mà không có ngày học sinh của chúng ta quay trở lại yêu thích môn học rất thích thú này.

Nói cho cùng môn lịch sử có sứ mệnh là giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ. Lòng yêu nước là một tình cảm thiêng liêng và không thể không có trong mỗi con người, mỗi thế hệ. Chính vì thế giáo dục lòng yêu nước không thể hời hợt như một í muốn chủ quan như một mệnh lệnh hoặc tồi tệ hơn đơn thuần như một “dự án” làm ăn được.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Bài học lịch sử

    04/08/2019Phạm QuỳnhLịch sử không chỉ có tác dụng giáo dục; nó còn khích lệ. Nó làm nguôi ngoai, đem lại sự bình tâm; nó xoa dịu những nôn nóng cũng như những âu lo và cung cấp chỗ dựa cho niềm tin và hy vọng. Giữa những ưu tư nặng nề trước các khó khăn hiện tại, nó đưa lại sự tĩnh tâm thư thái khi thanh thản chiêm ngưỡng quá khứ vì dường như ta được tham dự vào sự bất tận của thời gian và vĩnh hằng của muôn vật. Nó là một phương thuốc tuyệt vời chống lại sự nản lòng và bi quan.
  • Sự thật lịch sử và quyền lợi dân tộc

    13/03/2018Trần Văn ChánhNếu việc nói lên sự thật như một đòi hỏi tất yếu của khoa học lịch sử mà có phương hại cụ thể đến quyền lợi quốc gia, trong điều kiện mối quan hệ đặc thù giữa hai nước như trong trường hợp Trung Quốc với Việt Nam thì người viết sử có thể làm được những gì?
  • Bài học lịch sử

    16/11/2015Nhà văn Thiếu Sơn (1908-1978)Bỏ được chiếc ngai vàng là một bước tiến vĩ đại giúp cho nhà lãnh đạo phải thân dân, chịu sự kiểm soát của dân. Nhưng cũng do đó mà họ có sự hậu thuẫn thường xuyên của dân tộc. Thiếu sự hậu thuẫn đó hay làm mất sự hậu thuẫn đó, họ sẽ bị lạc lõng cô đơn. Nếu họ không bị nhân dân quật ngã thì họ cũng bị ngoại bang chi phối...
  • Một thiếu sót trong văn học sử Việt Nam: Đông Kinh Nghĩa Thục

    16/06/2015Nhà văn Thiếu Sơn (1908-1978)Văn học sử Việt Nam có nhiều biến cố quan trọng. Chữ Nôm xuất hiện là một biến cố quan trọng. Chữ quốc ngữ ra đời cũng là một biến cố quan trọng... Như thế cũng là bỏ một biến cố quan trọng là phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục xuất phát năm 1907...
  • Sử học và Học sử

    31/07/2011Nhà thơ Văn Cầm HảiNhân đọc bài Điểm Thi Môn Sử Thấp Không Ngờ trên báo Tuổi Trẻ, tôi không bất ngờ về thực trạng có trên 90% bài thi môn sử dưới điểm mức trung bình trong kỳ thi tuyển đại học năm nay.[1] Người ta lý giải rằng, vì môn sử khó học do phải nhớ nhiều sự kiện, mốc thời gian hoặc khi không công bố là môn thi tốt nghiệp thì việc học lẫn dạy bị xem nhẹ. Theo tôi, điều này chỉ đúng một phần.
  • Tư duy kinh tế thời bao cấp và phá rào, “những bài học lịch sử từ những mũi đột phá”

    31/03/2010Đặng PhongSau Tư duy kinh tế Việt Nam – Chặng đường gian nan và ngoạn mục 1975-1989, xuất bản năm 2008, tái bản năm 2009 với nhiều bổ sung và tên mới Tư duy kinh tế Việt Nam 1975-1989 – Nhật ký thời bao cấp (Nxb Tri Thức, 476 trang), sử gia kinh tế Đặng Phong đã cho ra tiếp theo ‘Phá rào’ trong kinh tế vào đêm trước Đổi mới (Nxb Tri Thức 2009, 534 trang).
  • Thách thức đối với việc dạy và học sử

    22/08/2006Dương Trung QuốcMùa thi phổ thông năm nay lại rộ lên những thông tin về sự yếu kém trong kiến thức lịch sử của thí sinh khiến xã hội lại bàn đến mối lo "mất gốc" của giới trẻ. Và cũng như năm ngoái, mọi người lại đi tìm xem nguyên nhân ở đâu thì mới có thể sửa được?
  • xem toàn bộ