Phải kích thích được tâm lý ham học hỏi trong mỗi người

03:51 CH @ Thứ Tư - 09 Tháng Mười Hai, 2015

Xã hội học tập (XHHT) là một đặc trưng của xã hội hiện đại ở thế kỷ 21. Khác với thực tế trước nay ở Việt Nam học sinh vẫn phải học cả ngày. Trước kia dưới thời đô hộ, học tập chỉ được dành cho 5% dân cư được đào tạo nhằm phục vụ cho giai cấp cầm quyền. Nhưng với chế độ cách mạng như lời Bác Hồ căn dặn là “ai cũng phải có cơm ăn áo mặc và ai cũng được học hành”. Giáo dục phải được dành cho 100% dân cư.

Hiện nay chúng ta đang trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tuy nhiên do mới thoát khỏi chiến tranh, nền kinh tế của ta còn gặp nhiều khó khăn nên việc đẩy mạnh xã hội hoá học tập chưa được thực hiện. Nhưng với đòi hỏi của sự phát triển của một nền kinh tế trí thức thì việc triển khai cuộc vận xây dựng XHHT vào thời điểm này là hợp lý. Tôi cho rằng nếu muốn tiến tới hiện đại hóa, công nghiệp hóa thì phải đi bằng hai con đường: một là kinh tế trí thức và hai là XHHT.

Việc định nghĩa XHHT là khó song ta có thể hiểu đơn giản XHHT là mọi người đều có cơ hội học tập. Không chỉ trẻ em mới được học hành mà ở đây cả người lớn cũng phải được "đến trường". Tất nhiên là phải đa dạng hoá hình thức học tập chứ không phải là giới hạn một số hình thức học tập. Theo quan điểm của tôi, việc học tập ngày nay là mỗi người có thể học sâu, biết rộng vào một lĩnh vực, nhưng phải học và hiểu nhiều lĩnh vực khác. Chẳng hạn nhà tâm lý mà không biết y học thì chỉ được coi là tâm lý một nửa và ngược lại bác sỹ mà không biết tâm lý thì sẽ khó mà là bác sỹ giỏi. Ở đây có nghĩa là xây dựng XHHT suốt đời, mọi lứa tuổi trong xã hội phải được thoả mãn nhu cầu ham hiểu biết, nhu cầu học hành.

Ngày nay nhu cầu học tập trong nhân dân đang ngày càng đòi hỏi cao hơn. Tôi cho rằng việc hình thành các hiệp hội, các nhóm, tổ chức nghề nghiệp cũng là những hình thức hình thành XHHT. Thời gian qua dư luận bàn tán nhiều đến vấn đề chất lượng giáo dục của ta thì đây chính là biểu hiện của nhu cầu của XHHT và đây là điều rất tốt, rất thuận lợi để hình thành một XHHT.

Lâu nay trong phương pháp giảng dạy chúng ta vẫn có tư tưởng coi người thày là trung tâm mà vai trò của người học không còn được chủ động. Điều này dẫn đến những sự thụ động trong học tập của mọi người. Một yếu tố của XHHT là phải quan tâm đến từng bậc học, từng lứa tuổi để có những phương pháp giáo dục khác nhau. Từ khi mới đi học, học sinh sẽ được thày giảng dạy cặn kẽ bằng những công cụ trực quan vì đây là thời điểm trẻ tiếp cận học tập. Nhưng càng đến các cấp học sau ý thức tự học hỏi, tìm tòi của học sinh càng có tính độc lập cao hơn. Trước nay chúng ta mắc một sai lầm khi coi trọng các cấp học cao mà lơ là bậc giáo dục tiểu học, Thực tế là đã có những lúc nếu một giáo viên bị kỷ luật hay trình độ kém nếu ở bậc đại học ta giáng xuống cấp trung học, nếu ở cấp trung học ta đưa xuống tiểu học, còn đang ở tiểu học thì cho dạy lớp 1. Đây là quan niệm sai lầm bởi trong quá trình đào tạo thì giai đoạn trẻ tiếp cận với ý thức, tri thức chính là lớp học đầu tiên. Do đó giáo viên bậc tiểu học, đặc biệt là giáo viên lớp 1 cần phải được coi trọng. Càng lên bậc cao hơn lại càng nên để học sinh tự nghiên cứu, tiếp nhận thông tin theo cách của mình. Có thể nói nhà trường là nơi diễn ra cuộc sống thường ngày của trẻ. Trẻ là linh hồn và chủ thể của quá trình hiện đại, là nhân vật trung tâm của nhà trường. Mọi hoạt động giáo dục phải lấy sự phát triển của trẻ làm căn cứ. Tự trẻ em không thể hành động một mình, cần phải có thầy giáo. Mối quan hệ thày trò trong nền giáo dục hiện đại là hoàn toàn mới theo cơ chế phân công - hiệp tác. Thầy thiết kế - trò thi công.

Từ góc độ của một người nghiên cứu phương pháp giáo dục, nhưng cũng từ cái nhìn của một người nghiên cứu tâm lý, tôi cho rằng xây dựng XHHT trước tiên phải có phương pháp kích thích tâm lý ham học hỏi trong mỗi con người!

PGS. TS tâm lý học Đặng Ngọc Diệp

Giám đốc Trung tâm Công nghệ Giáo dục

LinkedInPinterestCập nhật lúc: