Phan Châu Trinh với tư tưởng canh tân đất nước

Ban Xây dựng ND & HTTB
10:59 SA @ Thứ Ba - 21 Tháng Ba, 2017

Những năm đầu thế kỷ XX, trong bối cảnh phong trào Duy Tân và dân chủ đang dâng lên mạnh mẽ khắp nơi, xã hội Việt Nam xuất hiện nhiều xu hướng mang tính chất cải cách, trong đó nổi bật lên hai xu hướng chính mà người đứng đầu là hai chí sĩ họ Phan. Nếu như Phan Bội Châu chủ trương tập trung các thanh niên yêu nước dưới ngọn cờ Quân chủ (Kỳ ngoại hầu Cường Để) để Đông du sang nước Nhật “đồng chủng, đồng văn” học tập, rồi sau đó chủ trương cách mạng bạo động giành lại độc lập dân tộc với niềm tin còn ít nhiều ngây thơ vào sự thực tâm giúp đỡ của đế quốc “hổ đói Nhật Bản”; thì chí sĩ Phan Châu Trinh lại lựa chọn một con đường, một hướng đi mới chưa từng có trong lịch sử dân tộc, đó là con đường cách mạng theo ngọn cờ dân chủ tư sản, để làm được điều đó, trước tiên nhà cách mạng hô hào, cổ động quốc dân mở mang dân trí, chấn hưng công thương nghiệp, nhằm làm cho thương gia người Việt giành ưu thế trên chính mảnh đất quê hương mình, lập các đoàn, lập các hội để bảo vệ, giúp đỡ lẫn nhau, đấu tranh đòi thực hành dân chủ hóa xã hội.

Phan Châu Trinh (1872-1926).

.
Trong thời kỳ lịch sử cận đại, những lãnh tụ và nhà hoạt động yêu nước phần lớn là những thanh niên trẻ, nhiều người trong số họ là những nhà khoa bảng nổi tiếng như: Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Ngô Đức Kế… Trong dòng chảy của phong trào yêu nước đầu thế kỷ ấy, gương mặt Phan Châu Trinh nổi lên rực sáng và nhất quán nhất, như một ngôi sao dẫn đường toàn thể nhân dân ta đấu tranh chống kẻ thù, đặc biệt là hai tư tưởng Canh tân và Dân chủ hóa xã hội, đây cũng chính là hai tư tưởng chủ đạo thể hiện tính chất “vượt thời đại” của tư tưởng Phan Châu Trinh. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi đề cập tới tư tưởng Canh tân để thấy được tính chất “vượt thời đại” của tư tưởng Phan Châu Trinh.

I. Thời đại và con người

Phan Châu Trinh sinh ra và lớn lên trong bối cảnh lịch sử hết sức đặc biệt, đó là khi lịch sử Thế giới và Việt Nam đang ở trong giai đoạn bản lề của thế kỷ: “Có những ý kiến cho rằng những bản lề của thế kỷ thường tương ứng với những khúc quanh của lịch sử” với rất nhiều biến cố trọng đại, đã tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới tư tưởng và hoạt động của nhà yêu nước kiệt hiệt Phan Châu Trinh.

Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX là giai đoạn phát triển và trỗi dậy mạnh mẽ của chủ nghĩatư bản phương Tây, nền kinh tế tư bản chủ nghĩa phát triển mạnh, kéo theo những thay đổi to lớn về mặt xã hội, nước Pháp trở thành biểu tượng của “văn minh” nhân loại với khẩu hiệu của cuộc Cách mạng Tư sản 1789 “Bình đẳng, Tự do, Bác ái”.

Trong khoảng thời gian sống ở Pháp (từ năm 1911 - 1925), những sự kiện diễn ra trên đất Pháp, nơi mà cụ Phan có một thời gian dài sống và hoạt động không mệt mỏi là những sự kiện lịch sử có tác động mạnh nhất đến tư tưởng và hoạt động của Cụ.

Tháng 10/1911, chỉ 5 hoặc 6 tháng sau khi Phan Châu Trinh sang Pháp (cùng năm với Nguyễn Tất Thành), cuộc cách mạng Tân Hợi (Trung Quốc) bùng nổ. Mặc dù thành quả của cuộc cách mạng còn hạn chế, song nó đã hoàn thành một sứ mạng lịch sử vĩ đại là lật đổ chế độ phong kiến đã tồn tại ở đất nước này hàng nghìn năm, và là một trong những biểu hiện cụ thể, sinh động của “sự thức tỉnh Châu Á” như nhận định, đánh giá của Lê-nin. Có thể nói cuộc cách mạng Tân Hợi và thắng lợi của công cuộc Duy Tân Nhật Bản đã tác động không nhỏ tới nhận thức của Phan Châu Trinh.Trong rất nhiều bài nói chuyện, diễn thuyết của Cụ, trước kiều bào mình ở Pháp, Cụ Phan thường nêu trường hợp của Trung Quốc và Nhật Bản như những ví dụ điển hình về sự thức tỉnh Châu Á. Phan Châu Trinh cũng thường nói rằng ở Châu Á hiện chỉ còn Việt Nam là còn đang chìm đắm trong giấc ngủ mê. Kêu gọi quốc dân nhận ra điều ấy và ra sức thức tỉnh đồng bào đi theo con đường Duy Tân, trên tinh thần tự cường để tiến đến văn minh, dân chủ và tiến bộ, theo kịp bước tiến của thời đại lúc bấy giờ là mục đích cuối cùng của Phan Châu Trinh.

Phan Châu Trinh và con trai Phan Châu Dật ở Pháp.

.

Tiếp đến là những hoạt động mạnh mẽ và có hiệu quả của Liên minh Nhân quyền của các Nghị sĩ cánh tả và những yếu nhân tiến bộ ở trong Quốc hội Pháp, đấu tranh cho việc thực thi nội dung tiến bộ của Cách mạng Tư sản Pháp 1789; hoạt động mạnh mẽ của Đảng Xã hội Pháp (Nguyễn Ái Quốc cũng từng tham gia Đảng này); sự ra đời của Đảng Cộng sản Pháp… Đó còn là hoạt động của nhiều nhà Việt Nam yêu nước trong Hội những người Việt Nam yêu nước ở Pháp, như Khánh Ký, Phan Văn Trường, Nguyễn Ái Quốc…; hoạt động của Hội liên hiệp Thuộc địa tại Pháp, nơi tập trung rất nhiều nhà cách mạng ưu tú của các dân tộc thuộc địa: Angiêri, Tuyniri, Marôc… Tất cả những sự kiện có ý nghĩa trên đã góp phần làm thay đổi tầm nhìn, tư tưởng và phương thức đấu tranh của Phan Châu Trinh. Cũng chính qua những hoạt động đó, trong con mắt của người Pháp đương thời, Phan Châu Trinh được đánh giá như là đại biểu tiêu biểu nhất cho khuynh hướng Dân chủ ở Việt Nam.

Ở trong nước, tình hình xã hội Việt Nam trong giai đoạn lịch sử Cận đại khi chuyển từ cuối thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX là một khúc quanh với rất nhiều những biến cố trọng đại. Mà nổi bật lên đó là sự kiện Thực dân Pháp nổ sung vào bán đảo Sơn Trà – Đà Nẵng (chiều ngày 31/8/1858), chính thức xâm lược Việt Nam.

Thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam, từ Đà Nẵng đánh vào Bình Định, Trung kỳ rồi Nam kỳ lần lượt nằm dưới sự cai trị của Thực dân, triều đình Huế hèn nhát đầu hàng làm tay sai cho giặc. Sống dưới trướng Thiên tử, vậy mà ngay cả khi vua đã đầu hàng kẻ thù mà muôn dân nào có chịu kiếp nô lệ ngựa trâu. Phong trào yêu nước và cách mạng theo ngọn cờ quân chủ Cần Vương trỗi dậy mạnh mẽ, song cuối cùng chìm dần vào biển máu. Có thể nói, ngay từ những năm đầu thế kỷ XX, các cuộc khởi nghĩa chống Pháp do Phong kiến lãnh đạo đã cáo chung. Cuộc khởi nghĩa Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo cũng tắt hẳn sau một thời gian tạm hòa hoãn với Pháp, mà nếu có chiến đáu thì cũng chỉ là kháng cự bị động.

Thực trạng đen tối ấy làm cho những người quan tâm đến vận nước phải suy tính để tìm ra một phương sách cứu nước mới. Giữa lúc ấy, các sách “tân thư” của Lương Khải Siêu (Trung Quốc), Montesquieu, J.J.Rousseau (Pháp), sách về thành tựu công cuộc duy tân của Nhật Bản, được những người yêu nước tiến bộ nhất tiếp nhận thong qua bản dịch tiếng Hán như: Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp… Trong đó, chúng ta thấy Phan Châu Trinh là người chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất và ông lại có điều kiện tiếp thu toàn diện nhất tư tưởng Dân quyền của Cách mạng Pháp.

Bức thất điều thư của Phan Châu Trinh (bản dịch trang đầu) gửi vua Khải Định lên án 7 tội của Khải Định đối với dân tộc, ngày 15-7-1922.

.

Trong nước lúc bấy giờ có hai khuynh hướng chính trị chủ đạo: một số người yêu nước chủ trương vượt biển ra ngoài cầu viện trợ của người “anh cả da vàng” là Nhật Bản để khôi phục chủ quyền bằng bạo động quân sự (phái Phan Bội Châu với Duy Tân hội); một số khác cho rằng đây chưa phải là lúc đủ điều kiện để tổ chức bạo động, mà cầu viện nước ngoài thì sớm muộn gì cũng đều bị thôn tính, nên chủ trương “Ỷ Pháp cầu tiến bộ” tranh thủ hoạt động hợp pháp để phát huy tự cường dân tộc, “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, đánh đổ ngai vàng phong kiến, xây dựng nền dân chủ, thực hiện dân chủ hóa xã hội (phái Phan Châu Trinh với phong trào Duy Tân). Tuy chủ trương có khác nhau nhưng cả hai phái cùng có chung một mục đích là giải phóng dân tộc. Lúc bấy giờ, để phục vụ cho phương pháp hoạt động của mình, Phan Bội Châu hô hào, cổ động cho thanh niên Đông du (Phan Châu Trinh ủng hộ hoạt động này của Phan Bội Châu), giao thiệp rộng rãi với các yếu nhân chính giới Nhật Bản và các nhà cách mạng Trung Quốc, đồng thời gửi về nước những bức thư thống thiết, nhiệt thành để khích lệ lòng yêu nước, căm thù giặc, truyền bá tư tưởng bạo động võ trang trong nhân dân. Còn Phan Châu Trinh, cùng với những người bạn tri âm của mình là Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp đi khắp các tỉnh Nam, Trung kỳ vận động Duy Tân, mặt khác vạch trần bộ mặt thối nát của phong kiến, gián tiếp tố cáo chính sách thực dân phản động, yêu cầu nhà cầm quyền thi hành những cải cách dân chủ, thực hiện Dân chủ hóa. Những hoạt động sôi nổi của các sĩ phu yêu nước tiến bộ, đã tạo nên một thời kỳ vận động yêu nước và cách mạng sôi nổi và hết sức mới mẻ chưa từng có trong lịch sửdân tộc.

Khi Thực dân Pháp tiến hành cuộc khai thác thuộc địa để phục vụ cho Thế chiến thứNhất, chúng đầu tư nhiều hơn vào khai thác mỏ và trồng cao su, kiến thiết thêm nhiều cảng biển, đường xe lửa, cầu cống… Với nông dân ta, chúng tăng cường vơ vét, bóc lột đến cùng cực bằng chính sách thuế má dã man, chúng đặt ra nhiều thứ thuế mới như thuế chợ, thuế thuốc lá, thuế đò… Các nghề thủ công của ta suy sụp, thợ thủ công ở các đô thị thất nghiệp tràn lan… Chính sách thực dân ấy càng làm cho mâu thuẫn giữa nhân dân ta và thực dân Pháp thêm sâu sắc. Không kể số ít đại địa chủ, quan chức và tư sản mại bản mà quyền lợi gắn chặt với đế quốc, còn thì nông dân đói rét, tha phương, thợ thủ công thất nghiệp tràn lan, tiểu thương tiểu chủ thoi thóp chết dần vì sự chèn ép của Tư sản Pháp và Hoa kiều.

Sau Thế chiến thứ Nhất (1919), là nước bại trận, thực dân Pháp trút hết gánh nặng chiến tranh cho các nước thuộc địa bằng cách mở rộng khai thác và bóc lột thuộc địa, tăng cường bộ máy đàn áp (quan lại người Pháp, người Nam, quân đội, tòa án, nhà tù, cảnh sát…). Chính sách ấy đã làm cho xã hội Việt Nam có những thay đổi quan trọng, đặc biệt là về mặt kết cấu xã hội. Bên cạnh cơ cấu của xã hội Việt Nam cũ gồm tuyệt đại đa số nông dân và địa chủ, là sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của ba giai cấp mới là giai cấp công nhân, giai cấp tư sản và giai cấp tiểu tư sản.

Như vậy, trong 30 năm đầu thế kỷ XX cùng với những biến động của lịch sử thế giới, lịch sử Việt Nam cũng có những biến động hết sức to lớn và dữ dội, đặc biệt là khoảng thời gian từ sau khi Thế chiến lần thứNhất bùng nổ.Hoạt động yêu nước và cách mạng trong nước diễn ra sôi nổi nhưng chưa giành được kết quả, bởi nếu soi bóng vào lịch sử ta sẽ thấy, vị cứu tinh của nhân dân và dân tộc Việt Nam – Nguyễn Ái Quốc – lúc bây giờ đang mãi bên trời Âu và đang cùng với những người yêu nước tiến bộ Việt Nam ở nước ngoài, mà chủ yếu ở Pháp như Phan Văn Trường, Khánh Ký…, đặc biệt là Phan Châu Trinh, có những hoạt động rất sôi nổi và hiệu quả, có tác động không nhỏ vào phong trào đấu tranh trong nước.

II. Tư tưởng canh tân của Phan Chu Trinh

Canh tân đất nước là vấn đề chính trị - xã hội được đặt ra từ trước khi Phan Châu Trinh hô hào cải cách, vận động phong trào Duy Tân.Canh tân là điều kiện thiết yếu để thực hiện dân chủ (dân chủ tư sản hoặc dân chủ xã hội chủ nghĩa), nó là sự tự phủ định những hệ giá trị cũ để thiết lập những giá trị mới trên hành trình phát triển đi lên của xã hội. Tư tưởng canh tân đã được thể hiện trong rất nhiều tác phẩm của Nguyễn Trường Tộ, Phạm Phú Thứ và đặc biệt là Nguyễn Lộ Trạch với tác phẩm nổi tiếng “Thiên hạ đại thế luận” (Bài luận về thiên hạ).

Là những kẻ sĩ thức thời bậc nhất lúc bấy giờ, những học giả ít nhiều được tiếp xúc với văn minh Tây phương như Phạm Phú Thứ, Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch… đều nhận thức được trọng trách của kẻ sĩ. Song, ngay cả Nguyễn Lộ Trạch cũng như các học giả khác, trước sau vẫn chưa có một ai đủ nhạy bén để đặt những vấn đề cấp thiết nhất của thời đại thành vấn đề Duy Tân, nói cụ thể ở đây là cải cách nền giáo dục, thương mại, quân sự, nhằm nâng cao trình độ dân trí và khả năng giác ngộ của nhân dân… theo hướng Tây phương.

Nếu như, Phạm Phú Thứ sau chuyến đi sứ sang Pháp và Tây Ban Nha (1863) trở về, có tấu trình lên vua Tự Đức xin cải cách việc học và mở mang kỹ nghệ, nhưng không được Triều đình chấp nhận; Nguyễn Trường Tộ sau khi sang Ý rồi qua Pháp, trở về quen đem các điều đã học được giúp nhân dân việc khai khẩn đất đai, lập ấp, đồng thời, ông viết nhưng bản điều trần để xin Triều đình cải cách mọi việc, mong để giúp cho việc phú quốc, cường dân để đối phó với thời cuộc (cũng năm 1863), nhiều bản điều trần của ông như: Điều trần về việc Tôn giáo (29/3/1863); Điều trần về việc phái học sinh đi du học ngoại quốc (1866); Điều trần về việc thông thương với nước ngoài (1871)… Nhìn chung, những bản điều trần của ông đã thực hiện chủ trương muốn cải cách trên nhiều phương diện: ngoại giao cũng như cải cách nội chính để cho nước mạnh, dân giàu.

Đến Nguyễn Lộ Trạch cũng dâng lên Vua “Thời vụ sách thứ nhất” (1877), “Thời vụ sách thứ hai” (1882), và “Thiên hạ đại thế luận” (1892) đề nghị những cải cách cấp thiết trên mọi phương diện Chính trị - Ngoại giao – Quân sự… một cách có phương pháp để quốc gia thoát khỏi tình trạng bế tắc.

Thế nhưng, tất cả những bản điều trần hoặc chương trình cải cách của họ đều bị công kích và phản bác gay gắt, mà nếu không công kích thì cũng bị nhìn với con mắt nghi ngờ bởi số đông các nhà Nho hoặc quan lại lúc bấy giờ vốn thiếu hiểu biết về tương quan quốc tế mới.

Thực tế lịch sử Việt Nam cho thấy, phải mất mấy chục năm sống dưới chế độ thực dân, người ta mới nhìn ra sự khác nhau giữa bóc lột tư bản chủ nghĩa và bóc lột phong kiến, mới thấy thực dân Pháp ngoài cách bóc lột bằng sưu cao thuế nặng, cưỡng bức bằng vũ lực, còn có cách cưỡng bức, vét kiệt bằng kinh tế, văn hóa. Chính sách thực dân nham hiểm và thâm độc là ở chỗ ấy.

Từ chỗ nhìn nhận thấu rõ thực tế và yêu cầu của xã hội Việt Nam lúc bấy giờ, sự xuất hiện của Phan Châu Trinh với những cải cách toàn diện theo hướngdân chủ tư sản là một hiện tượng xã hội tất yếu, phản ánh tính chất của một thời kỳ lịch sử đang có nhiều biến động.

Có thể nói việc hình thành nên tư tưởng dân chủ tư sản mà cụ thể là những chính sách cải cách “để làm mới dân tộc” của Phan Châu Trinh có được do sự kết hợp giữa hai luồng tư tưởng – tư tưởng dân chủ tư sản của các học giả phương Tây, đặc biệt là các học giả người Pháp như Montesquieu và J.J.Rousseau, mà ông tiếp thu được thông qua các bản dịch Hán văn và những bản điều trần đề nghị cải cách đất nước của Phạm Phú Thứ, Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch. Giữa đêm tối mịt mùng của kiếp sống nô lệ mất nước, tư tưởng canh tân của Phan Châu Trinh lóe lên như một ánh sang nhiệm màu mở đường cho sĩ phu và nhân dân ta tiến dần lên văn minh.Nếu như bài luận của Nguyễn Lộ Trạch đã đặt vấn đề “tự cường” lên trên vấn đề ngoại vong, mà muốn tự cường thì cần phải chấn chỉnh “chánh giáo” (Nước mạnh hay yếu là tại chánh giáo chớ không phải là tại nước lớn hay nhỏ), và dạy cho dân biết học thẳng các phương pháp để tiến bộ, các ngành nghề, các môn khoa học – kỹ thuật nơi người Pháp chứ không phải ở đâu xa lạ…Nhưng dù sao, đó cũng chỉ là những nét phác họa chính của một phong trào Duy Tân còn thô sơ và trên lý thuyết. Phải đến khi Phan Châu Trinh tiếp thêm vào những tư tưởng canh tân của người trước chủ thuyếtdân quyền để làm chánh giáo, phong trào Duy Tân mới thực sự mở màn, nhận được sự ủng hộ của quần chúng và có những bước phát triển mạnh mẽ ngoài tầm kiểm soát của những người khởi xướng và lãnh đạo.Bởi so với người trước và đương thời, cống hiến xuất sắc của Phan Châu Trinh là ông đã chủ trương phát huy vai trò của người dân, trước hết là giáo dục thức tỉnh họ nâng cao dân trí, rồi bày cho họ ý thức lấy quyền và trách nhiệm của mình, từ đó họ tự quyết định nhiều việc khác, ngay cả vận mệnh củađất nước. Phan Châu Trinh là người đã kế thừa và phát triển một cách xuất sắc nhất, hơn bất cứ nhân vật đương thời nào, những đề nghị cải cách tiến bộ của Phạm Phú Thứ, Nguyễn Trường Tộ và đặc biệt là Nguyễn Lộ Trạch.Song để truyền tải những tư tưởng tiến bộ đó, Phan Châu Trinh cũng như nhiều chí sĩ yêu nước đương thời, phải dùng đến văn chương như một phương tiện tối ưu nhất, nhất là khi trong tay họ không có một tổ chức chính trị nào. Điều này lại đúng với Phan Châu Trinh hơn cả, bởi trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù, Phan Châu Trinh luôn lựa chọn phương pháp đấu tranh ôn hòa, tận dụng tối đa khả năng đấu tranh công khai, hợp pháp, sử dụng ngòi bút sắc sảo của mình vào công cuộc vận động cứu nước. Chính vì thế, không chỉ dừng lại ở mặt lý thuyết, Phan Châu Trinh đã hăng hái đi đầu vận động, hô hào nhân dân, chủ động đưa ra thuyết của mình vào thực hành trong đời sống nhân dân, và cùng với hai người bạn thân, hai chí sĩ cách mạng Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp khởi xướng phong trào Duy Tân, làm cho nó phát triển rộng khắp miền Trung và sau đó lan rộng ra khắp cả nước. Những tư tưởng cải cách của ông đã bám rễ sâu vào đời sống người dân và thức tỉnh tinh thần đấu tranh của họ. Phong trào xin xâu, chống thuế (1907) của nhân dân miền Trung là hệ quả tất yếu của công cuộc vận động Duy Tân.

Nói đến cống hiến của Phan Châu Trinh, trước tiên chúng ta phải nói đến vai trò khởi xướng, là lãnh tụ xuất sắc của phong trào Duy Tân, một phong trào cách mạng Tân văn hóa.Quyết tâm từ bỏ chốn quan trường, nhưng không giống các danh sĩ cáo quan về ẩn dật. Phan Châu Trinh cùng với Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp không tìm chốn thảo am, khe suối sáng tối vui với thiên nhiên, để giữ thanh sạch phẩm giá của mình, quay lưng lại với thế sự, mà các ông đã lựa chọn cách hành động hoàn toàn khác hẳn lối xử thế hành, tang, xuất, xử của Nho gia. “Lần đầu tiên trong lịch sử tư tưởng, các bậc đại khoa từ bỏ quan trường để vận động cứu nước theo tư tưởngdân chủ tư sản. Hành động này là sự phủ nhận bảng giá trị cũ, cổ vũ nêu gương về một mẫu người anh hùng mang màu sắc tư sản mới lạ, vừa kế tục truyền thống, vừa cách tân táo bạo truyền thống”.

Sách Phan Tây Hồ Di thảo xuất bản tại Hà Nội, năm 1927.

.

Là người khởi xướng và lãnh đạo công cuộc Duy Tân, ông đã thể hiện rõ ba phương châm hành động của ông, đó là “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, đây chính là ba nội dung, ba mục tiêu, ba phương diện chính của công cuộc Duy Tân.

Khai dân trí: Bỏ lối học tầm chương trích cú, mở trường dạy quốc ngữ, kiến thức khoa học thực dụng, bài trừ hủ tục xa hoa.

Chấn dân khí: Thức tỉnh tinh thần yêu nước, tự lực tự cường, nhân dân giác ngộ được quyền lợi và trách nhiệm của mình, có như thế mới thoát được nọc độc chuyên chế.

Hậu dân sinh: Phát triển kinh tế, hợp đoàn để doanh sinh, bảo chủng, sản xuất và tiêu thụ hàng nội hóa…

Trong bài này, chúng tôi muốn đề cập đến mục tiêu “Khai dân trí”, một mục tiêu được coi là nội lực, là đòn bẩy, là tiền đề để thực hiện các mục tiêu khác, theo phương châm “Tự lực khai hóa”.

Tư tưởng cải cách của Phan Châu Trinh trước hết được thể hiện trong những chủ trương cải cách về mặt văn hóa – giáo dục, trong đó lối học tầm chương trích cú vốn đã làm cho người Việt Nam vẫn còn sống trong giấc mê phong kiến trong khi lịch sử thế giới đã bước sang một trang mới.

Sau năm 1906, khi từ Nhật Bản trở về, Phan Châu Trinh càng nhận thức sâu sắc hơn thực trạng đen tối của đất nước và hơn bất cứ nho sĩ cùng thời nào, ông đã tìm thấy được nguyên nhân của sự yếu kém, cảnh nô lệ mất nước là vì chúng ta còn kém xa kẻ thù về mặt văn hóa, chính “ở những nhược điểm cơ bản về văn hóa xã hội của xã hội ta so với phương Tây”. Choáng ngợp trước cảnh tượng văn minh và nhận thấy rõ sự cách biệt giữa các nước Âu – Mỹ và nước ta, Phan Châu Trinh càng tỏ ra bi quan…..

Với Phan Châu Trinh, dẫn đến tình trạng mất nước, nô lệ như lúc bấy giờ là bởi cái điều hủ bại đã tích tụ trước đó hàng nghìn năm, mà một trong những nguyên nhân của sự “tích tệ” đó không phải là do người dân gây ra, mà theo ông, lỗi ấy trước hết là thuộc về những người có chữ nhưng thiếu “tâm” với đời.

Thư của Phan Châu Trinh (đoạn trích) gửi Toàn quyền Đông Dương in trong sách Phan Tây Hồ di thảo xuất bản tại Hà Nội, năm 1927.

.

.Tiếp thu những tư tưởng và học thuật mới mẻ, Phan Châu Trinh đã dùng chính cuộc đời mình như một sự thí nghiệm cho công cuộc Duy Tân, cải cách “làm mới dân tộc”. Trong những nội dung được phản ánh trên tư tưởng nổi bật nhất của Phan Châu Trinh đó làHọc, học để nâng cao dân trí, để làm người có nghĩa khí, học để tự cường. Học với Phan Châu Trinh không chỉ là học chữ, học văn hóa, mà còn phải học lấy một nghề…

Huỳnh Thúc Kháng – người bạn thân và cũng là một nhà Nho tiêu biểu cho công cuộc giải phóng dân tộc là người có công lớn nhất khi bền bỉ đưa ra những học thuyết, tư tưởng của Phân Châu Trinh đến với nhân dân, ông đã trích một câu nói nổi tiếng của Phan Châu Trinh trên báo Tiếng Dân số 613 năm 1933: “Xin có lời chính cáo cùng người nước ta rằng: Không bạo động, bạo động tất chết. Không trông người ngoài, trông người ngoài thì tất ngu! Đồng bào ta, người nước ta, ai mà ham mến tự do, tôi xin có một vật rất quý ban tặng cho đồng bào, là: Chi bằng học”.

“Chi bằng học” (chữ Hán là Bất như học) là một quan niệm cơ bản của tư tưởng Phan Châu Trinh trong việc học ông cũng có quan niệm hết sức mới mẻ và táo bạo, thoát ly hẳn cái học “Thi vân, Tử viết” của nền giáo dục Nho học. Có lẽ chính vì thế, mà trong quan niệm về cái học mới của Phan Châu Trinh, ông đã cực lên án cái học chữ Hán của nước ta vốn là cái học “ù ù cạc cạc”, “khiến cho con người tối tăm, mù mịt, mều yếu ươn hèn” (“Thư gửi toàn quyền Đông Dương”, chữ Hán, bản dịch của Ngô Đức Kế). Học chữ Hán đã thế, thì việc học tiếng Pháp cũng rơi vào bế tắc. Từ chỗ nhìn thấu rõ thực trạng của việc học ở nước ta, Phan Châu Trinh đã đi đến một kết luận hết sức tổng quát về thực trạng xã hội Việt Nam “Thử xem các nước dinh hoàn/ Hai mươi thế kỷ ai còn như ta” (Tỉnh hồn quốc ca II, câu 263-264).

Xuất phát từ thực trạng trên, cái đích của Thực học mà Phan Châu Trinh hướng tới không phải chỉ là những khía cạnh của trung hiếu, hy sinh của Nho gia mà ông nêu ra những yêu cầu về việc đào tạo nên mẫu hình của con người thời đại mới, đó là một mẫu người nhân nghĩa, có óc thực tế, ham hiểu biết, biết học và cần học cái gì để tiến bộ cho kịp với thế giới, phải có chí mạo hiểm, có tinh thần đoàn kết yêu thương nhau. Mẫu hình này có rất nhiều cái mới so với mẫu hình con người trung hiếu ngày xưa, mặc dù nó vẫn giữ được những đức tính tốt đẹp nhất của con người truyền thống. Đào tạo nên mẫu hình này, Phan Châu Trinh hướng tới cái đích đào tạo nên những con người của thời đại Duy Tân, thời đại dân chủ.Có thế nói, tư tưởng xây dựng nên một mẫu người mới mẻ như vậy, nó không chỉ có ý nghĩa với một thời kỳ lịch sử cụ thể, mà thậm chí trong thời đại ngày nay, những tư tưởng ấy lại càng rực sáng hơn, cấp thiết hơn bao giờ hết, bởi tư tưởng Thực học (giáo dục thực nghiệp) đến nay vẫn là một vấn đề xã hội nan giải. Tư tưởng về cái học mới mà Phan Châu Trinh lãnh xướng đúng là một tư tưởng mang tính cách mạng và hiện đại.

Để đi tới cái mục đích “tự lực khai hóa”, xây dựng được mẫu người mới, để cách tân, “làm mới dân tộc”, Phan Châu Trinh kêu gọi: “Hỡi những người liêm sỉ, công trung/ Thương nhau mà bảo nhau cùng/ Học khôn học khéo để phòng hậu lai”.

Thực trạng của xã hội ta bấy giờ đã đen tối, bế tắc lắm rồi, nếu không mau chóng thức tỉnh để tiếp thu những tiến bộ, văn minh của thế giới, chắc chắn hậu quả về sau sẽ thật sự khôn lường. Dự cảm được hậu quả tất yếu sẽ đến nếu việc học không được tổ chức tiến hành gấp gáp, Phan Châu Trinh đã đứng cao hơn những chí sĩ yêu nước đương thời về tầm nghĩ xa trông rộng.

Để giải quyết nguy cơ hậu quả cho mai sau, theo Phan Châu Trinh thì không thể trông cậy vào sự giúp đỡ của bất cứ một lực lượng nào mà cốt yếu là phải “tự lực khai hóa”. Trong tư tưởng của Phan Châu Trinh, tự lực, tự cường mới chính là yếu tố để nhân dân ta giành được hạnh phúc, đất nước Việt Nam gấm vóc thoát ra khỏi “cũi lồng”. Tư tưởng tự lực, tự cường được thể hiện nhất quán trong mọi hành động trên lịch trình hoạt động cách mạng của Phan Châu Trinh. Không trông cậy vào sự viện trợ của “đế quốc hổ đói” Nhật Bản, không tin tưởng vào bản chất đế quốc của nước láng giềng “đồng chủng, đồng văn” Nhật Bản. Phan Châu Trinh có lý khi phát biểu “Bất ngoại vong, ngoại vong giả ngu”.

Thực nghiệp dân báo, số 65 ra ngày 6-4-1926 đăng bài Lễ truy điệu Phan Châu Trinh tại Hà Nội.

.

Không bạo động, không cầu viện, Phan Châu Trinh không chủ trương giải quyết vấn đề ngoại vong lên hàng đầu. Đối với ông, vận động nhân dân thức tỉnh, mở mang dân trí, trình độ văn hóa, phát triển ngành nghề… để tự cường, tự lực khai hóa là con đường ngắn nhất, có hiệu quả nhất để tiến lên giành độc lập nước nhà.

Phan Châu Trinh còn quan niệm “Công việc ngày nay, ai có thể dạy ta, thì ta xin làm trò; ai có thể nuôi ta thì ta xin làm con; nhờ ơn dạy dỗ nuôi nấng, dìu dắt, ôm ấp lấy nhau, mong cho giống nòi còn sinh tồn ở trên mặt địa cầu này mà thôi”.Đặt trong bối cảnh lúc bấy giờ, Phan Châu Trinh cũng như các nhà chí sĩ cùng thời với ông đều được đào tạo từ nền giáo dục Nho gia, thì quan niệm về việc học của Phan Châu Trinh quả là rất mới và có tính mở.Quan niệm ấy vẫn luôn đúng cho mọi thời đại, nếu muốn tiến lên dân chủ (dân chủ tư sản hay dân chủ xã hội chủ nghĩa). Với quan niệm học tập tiến bộ ấy, Phan Châu Trinh xứng đáng là nhà tư tưởng tiên phong của cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ.

Đám tang Phan Chu Trinh ngày 24-3-1926 tại Sài Gòn.

.

Là một người có tầm hiểu biết sâu rộng, tầm nhìn xa trông rộng vượt thời đại, vượt lên trên cả những quan niệm sống thanh bần của Nho gia, Phan Châu Trinh không chỉ đề xướng việc học văn hóa để nâng cao dân trí mà ông còn quan tâm rất nhiều đến việc giáo dục nhân dân học. Bản thân ông cũng là một người đi tiên phong trong việc tự học nghề để mưu sinh kiếm sống. “Đây cũng là quan điểm trọng thực của các nhà Duy Tân”.

Lòng người hẹp hòi, không trọng tín nghĩa, chí khí ươn hèn… thực trạng ấy không phải không có, chỉ có điều trước Phan Châu Trinh và cả sau này chưa mấy ai có đủ dũng cảm để nói lên cái “căn bệnh” cố hữu của người dân Việt.Căn bệnh trầm kha ấy là hệ quả tất yếu của lối học hủ nho, của những hủ tục lạc hậu. Không những thế, bức tranh xã hội Việt Nam còn trở nên u ám và hài hước hơn khi Phan Châu Trinh vạch rõ cái thiếu hụt căn bản để bất cứ một dân tộc nào muốn tiến lên văn minh, đó là sự vắng bóng các ngành nghề, tâm lý ỷ lại vào sự ban tặng của thiên nhiên “Rừng vàng biển bạc”.

Không những trình bày một cách khách quan bức tranh chung về tình trạng hủ lậu của người dân ta, Phan Châu Trinh còn thẳng thắn lên án thói cậy quyền cậy thế ức hiếp và ăn xớ của dân của những người có chút chức tước ranh mãnh.

Phê phán lối học hủ Nho đã kìm hãm nhân dân ta sống trong đêm dài trung cổ hàng chục thế kỷ, hơn nữa Phan Châu Trinh còn tìm thấy những thủ đoạn thâm độc của chủ nghĩa thực dân Pháp, đó là chính sách ngu dân. Dân mà ngu thì không có sức phản kháng. Nhìn từ góc độ này, Phan Châu Trinh chủ trương kẻ thù sử dụng chính sách ngu dân với dân ta thì chỉ có một cách duy nhất là dân phải học và biết học. Vận động Duy Tân, vận động học tập trước nhất là phải tỉnh ngộ nhân dân ở khía cạnh này.

Sở dĩ tư tưởng cái học mới của Phan Châu Trinh là một tư tưởng có tính chất cách mạng, bởi ông quan niệm việc học tập về văn hóa để nâng cao trình độ hiểu biết phải gắn với thực hành, mục tiêu là đào tạo nên những người có nghề “học phải có nghề nghiệp” để phụng sự xã hội, góp phần xây dựng nền kinh tế, một nền kinh tế hàng hóa theo “con mắt thị trường”.

“Học lấy một nghề”, những nghề phải học là nghề gì? Và vì sao lại phải học nghề? Theo Phan Châu Trinh, sở dĩ chúng ta phải học nghề là vì trong xã hội đương thời và cả về sau: “Người ta trọng có tài có nghiệp/ Kẻ không nghề cả kiếp khó hèn”. Theo quan niệm của Phan Châu Trinh, dù là nghề nào “Dầu rằng thợ mộc, thợ rèn” nhưng “Tài hay trí tốt tiếng khen vang rần”.

Học nghề không phải là mới, nhưng quan niệm mỗi người phải học lấy một nghề để “tự lực khai hóa”, để bảo chủng giống nòi, để thoát kiếp cũi lồng, để nâng cao nội lực dân tộc… thì quả thật trong lịch sử tư tưởng Việt Nam, phải đến Phan Châu Trinh vấn đề này mới được đặt ra.Phan Châu Trinh đã có cái nhìn khách quan khi nhìn nhận rằng nhân dân ta vốn có tài về những ngành nghề thủ công mỹ nghệ, nhưng do thói ươn hèn, tâm lý ngại đổi mới, tính thiếu sáng tạo, lại không biết học hỏi nên chưa hề có sự cải tiến, rút kinh nghiệm của người Âu – Mỹ để cho hàng hóa của ta tinh xảo hơn. Phan Châu Trinh không những đã cổ động nhân dân phát huy nghề cổ truyền trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm của người Âu – Mỹ, mà ông còn khuyến khích việc sản xuất và tiêu thụ hàng nội hóa, khuyến khích việc cạch tranh, đua tài trong sản xuất và buôn bán để tạo nên một nền hàng hóa dưới con mắt thị trường. Tư tưởng xây dựng một nền kinh tế hàng hóa, mở rộng thông thương buôn bán, nhất là với các đối tác nước ngoài của Phan Châu Trinh quả là rất mới trong xã hội khép kín ngày xưa và so với yêu cầu của thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa của chúng ta ngày nay, tư tưởng ấy vẫn rất cập nhật và cần thiết. Đề cao phát triển buôn bán với nước ngoài, Phan Châu Trinh còn khuyến khích dùng hàng nội đối với người mua, Phan Châu Trinh cũng yêu cầu người bán phải không ngừng đổi mới, học hỏi để làm nên những sản phẩm “tinh khéo”. Có làm được như vậy, nội lực của nền kinh tế nước nhà mới ngày mạnh. Phan Châu Trinh kêu gọi nhân dân “đoàn kết, thương yêu nhau” trong mọi lĩnh vực. Phải có được quan niệm như thế thì dân tộc ta mới đủ sức tự lực, tự cường, đủ sức chống lại mọi âm mưu chia rẽ dân tộc.Trong buôn bán công thương nghiệp, hợp đoàn chính là để bảo chủng. Hợp đoàn để người giàu giúp đỡ kẻ nghèo, chung vốn để cùng nhau phát triển, làm giàu.

Tư tưởng canh tân của Phan Châu Trinh không chỉ hướng đến những vấn đề kinh tế - giáo dục, mà còn hướng tới cải cách những vấn đề văn hóa – xã hội. Phan Châu Trinh đã nhận ra được những thói ươn hèn “Người mình một bước chẳng đi, loanh quanh xó bếp, biết gì đến ai”, kém hiểu biết “Đất bỏ hoang biết là hiếm mấy. Lợi chan chan đều thấy bỏ qua”.

Yêu nước, thiết tha với sự nghiệp giải phóng dân tộc, hơn ai hết, với một nhãn quan sắc sảo, Phan Châu Trinh hiểu rằng “hung lợi phải trừ hại”, muốn chấn hung dân tộc khôi phục độc lập, trước hết phải tăng cường nội lực, phải vạch rõ những thiếu sót, lạc hậu cố hữu của dân tộc…

Tự hào vì nòi giống Rồng Tiên, đau xót trước cảnh giang sơn gấm vóc cha ông bao đời gây dựng nay đang bị quân thù tàn phá, nhận thức rõ tình trạng mù mịt của đất nước cũng như sự ngu dốt, ươn hèn… của người dân, Phan Châu Trinh đã dùng những vần thơ đầy gân guốc của mình để vạnh rõ thực trạng xã hội lúc bấy giờ, đồng thời bằng những lời thơ thiết tha, ông kêu gọi nhân dân cần phải học để mở mang dân trí, để có hiểu biết, có nghề nghiệp, để được làm con người mới của một nền dân chủ, văn minh.

Những tư tưởng canh tân của Phan Châu Trinh vẫn luôn mới và sống mãi với mọi thời đại. Bởi việc học luôn là vấn đề sống còn của mọi xã hội. Tư tưởng về học thuật của Phan Châu Trinh vượt lên trên thời gian để ngày càng khẳng định đó là một học thuyết của một bậc trí giả lớn của dân tộc.

Từ lý thuyết đến thực hành, từ những vần thơ ca chứa đựng tư tưởng canh tân, giáo dục tư tưởng dân quyền đến những hành động in đậm màu sắc những tư tưởng mới mẻ ấy… là một chặng đường dài và không dễ gì thực hiện, trở thành một phong trào lôi cuốn hàng vạn người tham gia lại càng khó khăn, nhất là trong khi thực dân xâm lược nham hiểm đang muốn thực thi chính sách “ngu dân” để chúng dễ bề cai trị. Tuyên truyền, cổ động canh tân không ngừng nghỉ, thậm chí phải chịu tù đày, Phan Châu Trinh đã phần nào đưa được chủ thuyết của mình vào đời sống của nhân dân, tạo nên một phong trào Duy Tân phát triển mạnh mẽ đặc biệt là ở Quảng Nam – quê hương nhà chí sĩ, trường học Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội; phong trào xin xâu, chống thuế dâng lên mạnh mẽ ở miền Trung rồi lan rộng ra khắp cả nước. Những phong trào tiêu biểu ấy tự nó đã nói lên vai trò tiên phong và hiệu quả của những hoạt động bền bỉ của Phan Châu Trinh, trong đó thơ văn tuyên truyền của ông đóng một vai trò không nhỏ.

Trong số những sự kiện nổi bật trên, “thực sự chỉ có phong trào Duy Tân (1905-1908) là quan trọng nhất, xuất hiện như một ánh sáng lồ lộ, phát ra tiếng vang dội khắp núi sông, đẩy quặt lịch sử, chính trị, văn hóa, kinh tế… sang một ngã rẽ sau khi đã góp phần lớn lao làm mới con người và làm mới xã hội”

Nhiều ý kiến cho rằng phong trào Duy Tân và Đông Kinh Nghĩa Thục chỉ là một và được thực hành ở hai thí điểm khác nhau, một ở thành phố lớn một ở tỉnh lẻ. Và như vậy, phong trào vận động Duy Tân do Phan Châu Trinh và hai người bạn thân Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp chủ xướng và lãnh đạo thực sự là một phong trào có phạm vi rất rộng, “ngoài các lớp học chữ Quốc ngữ, chữ Pháp, các hội thương, hội nông, các cuộc diễn thuyết công cộng, nhất là những bài ca, bài vè được phổ biến rất rộng trong quần chúng thiếu học”.

Phần trưng bày về Phan Châu Trinh tại hệ thống trưng bày BTLSQG.

.

Về mặt lý thuyết, phương pháp, cơ cấu tổ chức phong trào Duy Tân đều do Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Lê Bá Trinh, Phan Thúc Duyệt… phụ trách. Còn việc thực hành sắp đặt mọi công việc đem ra áp dụng thì ở mỗi xã hay huyện đều do người địa phương ấy quản lý và chịu trách nhiệm.

Như vậy, “có thể nói rằng phong trào Duy Tân là một phong trào toàn diện, là thực sự Duy Tân theo bóng cờ dân quyền, chứ không phải là những vá víu cải lương, hơn thế nữa, những nhân vật phong trào Duy Tân đã phục vụ bằng tâm huyết, bằng tinh thần cách mạng để quyết tâm làm mới con người, làm mới xã hội. Từ đầu thế kỷ đến 1945, chưa hề có một phong trào thứ hai có tính cách toàn diện và phát triển rộng khắp ba kỳ như thế”.

Là một trong những nhân vật khởi xướng và lãnh đạo phong trào Duy Tân, có công lớn đưa phong trào bám rễ vào cuộc sống của nhân dân, Phan Châu Trinh là người tiến xa nhất trong số các nhà canh tân trước và cùng thời với ông. Vấn đề Duy Tân đến thời Phan Châu Trinh không còn là mới mà nhất định cũng chưa cũ, nó là điều kiện cơ sở, là tất yếu nếu muốn thực hiện chủ thuyết dân chủ (dù là dân chủ tư sản hay dân chủ xã hội chủ nghĩa).Để có được những thành quả lớn lao như vậy, tạo nên ý nghĩa đặc biệt“đẩy quặt lịch sử, chính trị, văn hóa, kinh tế… sang một ngã rẽ sau khi góp phần lớn lao làm con người và làm mới xã hội”.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Đỗ Thị Hòa Hới, 1996, Tìm hiểu tư tưởng Dân chủ của Phan Châu Chu Trinh, NXB Khoa học xã hội Hà Nội.
2. Nguyễn Văn Xuân, 2000, Phong trào Duy Tân(in lần thứ tư). NXB Đà Nẵng/ Trung tâm nghiên cứu Quốc học Huế.
3. Nguyễn Văn Xuân, 2002, Tuyển tập NVX. NXB Đà Nẵng (Phong trào Duy Tân – biên khảoTr 658 – Tr 999).
4. Nhiều tác giả, 1993, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Phan Châu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng. NXB Đà Nẵng.
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Bài “Chi bằng học“ – tư tưởng chủ đạo của Phan Châu Trinh trong sự nghiệp Duy Tân đất nước

    03/09/2015GS. Vũ Ngọc KhánhĐi sâu vào tư tưởng và học thuật, ông còn được đánh giá, được phát hiện ở nhiều lĩnh vực. Sau khi ông mất, hàng năm trên tờ Tiếng Dân, Huỳnh Thúc Kháng đã đều đặn làm lễ tưởng niệm ngày 24-3, đăng ảnh ông rất trang trọng, gọi đó là kỷ niệm ngày mất cụ Tây Hồ. Số báo nào, ông Huỳnh cũng trích một câu nói của Phan Châu Trinh - Tri Bằng Học - xem như một lời danh ngôn...
  • Cụ Tây Hồ Phan Châu Trinh và những trớ trêu lịch sử

    27/03/2019GS Nhà giáo nhân dân Nguyễn Ngọc LanhHôm nay: ngày giỗ - hơn nữa, ngày giỗ thứ 90 - cụ Phan Châu Trinh. Nhớ tới tổ tiên, con cháu biết đâu kể đấy, mong tái hiện ngày càng đầy đủ về bậc tiền bối. Dịp này, tôi xin điểm lại vắn tắt đôi điều tôi thu nhận được - và tỉnh ngộ ra - trong quá trình tìm hiểu di sản của Cụ...
  • Phan Châu Trinh, Nelson Mandela, San Suu Kyi với Văn hóa và Giáo dục

    20/04/2018Chu HảoMột thế kỷ đã trôi qua nhưng tinh thần Khai dân trí-Chấn dân khí của Phan Châu Trinh vẫn còn sống mãi, và chúng ta vẫn đang tiếp bước người xưa...
  • Hai cuốn sách mới về sự nghiệp của chí sĩ Phan Châu Trinh (1872-1926)

    31/10/2016Chúng tôi hy vọng rằng bạn đọc ngày nay - nhất là bạn đọc trẻ tuổi - sau khi đọc cuốn sách này sẽ thêm tự hào về những tấm gương yêu nước trong lịch sử, từ đó có thêm động lực để viết tiếp những trang sử mới tươi đẹp của dân tộc Việt Nam ta...
  • Phan Châu Trinh, nhà giáo dục qua Santé thi tập

    11/08/2016Châu Yến LoanPhan Châu Trinh là nhà cách mạng, nhà chính trị, tư tưởng, điều đó ai cũng rõ, nhưng nói Phan Châu Trinh là nhà giáo dục thì ít người nghĩ đến. Thực ra, trên con đường hoạt động cách mạng, ông rất chú trọng đến vấn đề này. Ông đã viết nhiều bức thư, nhiều bài diễn thuyết, nhiều bài thơ v.v... để tuyên truyền, giáo dục về chính trị, tư tưởng, đạo đức cho nhân dân, đặc biệt trong tác phẩm Santé thi tập ông đã có một nội dung giáo dục rất phong phú, một phương pháp giáo dục mới mẻ, độc đáo...
  • Nhìn nhận lại môn lịch sử - Dạy gì về Phan Châu Trinh?

    30/05/2016Nhà văn Nguyên NgọcNói chuyện lịch sử bao giờ cũng cần rất thận trọng. Nói lịch sử với lớp trẻ càng cần thận trọng hơn. Về Phan Châu Trinh, nhân vật sáng chói đầu thế kỷ XX của chúng ta, ít ra cũng cần cố gắng nói với những người trẻ hôm nay rằng ông từng thống thiết nhận ra những câu hỏi sâu sắc nhất của phát triển dân tộc, mà lịch sử éo le đã buộc phải bỏ dở dang. Vậy thì chính lớp trẻ hôm nay phải tiếp tục...
  • Phan Châu Trinh và lòng tin vào sức mạnh của tri thức văn hóa

    17/03/2016Nguyên NgọcNgày 24/3 vừa qua, chúng ta có một kỷ niệm lớn: 80 năm ngày mất của Phan Châu Trinh và sau đó mấy hôm, ngày 4/4 kỷ niệm 80 năm đám tang vĩ đại của ông mà Nguyễn Ái Quốc trong báo cáo gửi Quốc tế cộng sản hồi đó đã viết: “trong lịch sử người An nam chưa hề được chứng kiến một sự kiện to lớn như vậy bao giờ”...
  • Tỉnh quốc hồn ca và ngữ khí phê phán của Phan Châu Trinh

    10/02/2016Nguyễn Huệ ChiTỉnh quốc hồn ca gồm hai phần: Phần I gồm 467 câu thơ và Phần II gồm 500 câu thơ, đều bằng thể song thất lục bát. Hình thức thể loại thống nhất, tiếng nói nghệ thuật giữa hai phần cũng thống nhất - là tiếng nói phê phán, cảnh tỉnh. Duy đối tượng phê phán thì không phải là một. Một bên hướng vào nội bộ dân tộc, một bên đối thoại với Chính quyền chính quốc và Chính quyền thực dân..
  • Phan Châu Trinh và sự thức tỉnh dân tộc thế kỷ XX

    03/11/2015Đỗ Hòa HớiVề Phan Châu Trinh, trước đây đã có nhiều người nghiên cứu, nhất là về vai trò, vị trí của ông đối với phong trào cách mạng đầu thế kỷ. Tuy nhiên, do phương pháp, trình độ nhận thức, cững như do hạn chế về tư liệu mà sự đánh giá về ông cũng có nhiều điểm chưa thỏa đáng. Vấn đề Phan Châu Trinh trong điều kiện cho phép hiện nay đặt ra trước các nhà nghiên cứu nhiều khía cạnh mới mẻ. Trong bài viết này tác giả cố gắng tìm hiểu những đóng góp của ông vào sự thức tỉnh dân tộc đầu thế kỷ XX như là một thử nghiệm, một sự lựa chọn con đường phát triển cho dân tộc...
  • Những sự kiện đáng nhớ trong cuộc đời chí sĩ Phan Châu Trinh

    07/05/2015TS. Nguyễn Văn Dương1900 (28 tuổi): Đậu Cử nhân thứ 3, cùng khoa với Huỳnh Thúc Kháng, Phan Bội Châu...
  • Tư tưởng lập hiến của Phan Châu Trinh

    17/04/2015Phan Đăng Thanh"Còn như theo cái chủ nghĩa dân trị thì tự quốc dân lập ra Hiến pháp, luật lệ, đặt ra các cơ quan để lo chung cho mọi người... ". Tư tưởng lập hiến tiến bộ của Phan Chu Trinh được tác giả trình bày khá đầy đủ, cụ thể trong bài viết này.
  • Phan Châu Trinh cũng giống Lý Quang Diệu?

    30/03/2015Trần Công Hưng“Người Việt Nam có Hồ Chí Minh thì người Singapore có Lý Quang Diệu”. Cả Hồ Chí Minh và Lý Quang Diệu đều là người khai sinh ra dân tộc, đều là những là lãnh tụ vĩ đại. Một người đưa dân tộc nhỏ bé thắng người khổng lồ Mỹ, một người đưa đảo quốc tý hon không tài nguyên thành cường quốc kinh tế. Nhưng gần đây...
  • Phan Châu Trinh, nhà cổ động của chủ nghĩa dân chủ

    24/03/2015GS. Trần Văn GiàuNhân lần giỗ thứ hai của GS Trần Văn Giàu (24/11, tức 11/10 Âm lịch) Hồn Việt đăng sau đây bài Phan Châu Trinh – nhà cổ động của chủ nghĩa dân chủ, một tác phẩm sử học tầm cỡ của giáo sư, để bạn đọc tham khảo...
  • Chi Bằng Học - tư tưởng Phan Châu Trinh

    31/01/2012Phan Châu TrinhVậy xin cùng nói lời chính cáo cùng người nước ta rằng: “Không bạo động, bạo động tất chết! Không trông người nước ngoài, trông người nước ngoài tất ngu! Đồng bào ta, người nước ta, ai mà ham mến tự do, tôi xin có một vật rất quý báu tặng cho đồng bào, là “Chi Bằng Học”...
  • xem toàn bộ