Phê phán Kinh tế học

11:11 CH @ Thứ Hai - 12 Tháng Mười Một, 2007

Chương 2. Phê phán Kinh tế học

Tính có thể sai và phản thân đặt ra những vấn đề nghiêm trọng cho khoa học xã hội nói chung và cho lí thuyết kinh tế nói riêng. Tôi muốn khảo sát các vấn đề này chi tiết một chút, cho dù nó buộc chúng ta ở lâu hơn trong lĩnh vực trừu tượng tinh vi. Khi tôi nói rằng các ẩn ý của tính phản thân còn chưa được hiểu một cách thích đáng, tôi chủ yếu nghĩ đến các vấn đề này. Chúng ta cần hiểu chúng tốt hơn để đặt nền tảng lí thuyết cho cái tôi gọi là một xã hội mở toàn cầu.

Các vấn đề có thể nhóm lại dưới hai tiêu đề. Một liên quan đến đối tượng chủ thể, một liên quan đến nhà quan sát. Tôi sẽ thảo luận chúng theo thứ tự này, mặc dù hai lĩnh vực vấn đề có quan hệ với nhau.


Tính Phản thân trong các Hiện tượng Xã hội

Chúng ta cần sự hiểu biết cơ bản về phương pháp khoa học hoạt động ra sao. Cho mục đích của thảo luận này, tôi sẽ viện dẫn đến lí thuyết phương pháp khoa học của Karl Popper. Mô hình đơn giản và tao nhã của của Popper cho thấy các hiện tượng đặc thù có thể khiến mang lại những khái quát hoá có giá trị phổ quát ra sao và đến lượt chúng có thể được sử dụng thế nào để giải thích và tiên đoán các hiện tượng đặc thù. Mô hình bao gồm ba thành phần và ba thao tác. Ba thành phần là các điều kiện ban đầu cụ thể, các điều kiện cuối cùng cụ thể, và những khái quát hoá mang tính giả thuyết. Các điều kiện ban đầu và cuối cùng có thể được xác minh bằng quan sát trực tiếp; các giả thuyết không thể được xác minh, chỉ có thể chứng minh là sai. Ba thao tác khoa học cơ bản là tiên đoán, giải thích, và kiểm tra. Một khái quát hoá mang tính giả thuyết có thể kết hợp với các điều kiện ban đầu được biết để cho một tiên đoán cụ thể. Nó có thể kết hợp với các điều kiện cuối cùng cụ thể để cho một giải thích. Vì giả thuyết không phụ thuộc vào thời gian, hai thao tác – tiên đoán và giải thích – có tính thuận nghịch. Điều này cho phép kiểm chứng, bằng cách so sánh bất kể số lượng nào của các điều kiện ban đầu và cuối cùng để xem liệu chúng có phù hợp với giả thuyết không. Chẳng số lượng kiểm chứng nào sẽ xác minh một giả thuyết, nhưng chừng nào một giả thuyết chưa được chứng minh là sai (falsify) nó có thể được chấp nhận như có hiệu lực tạm thời.

Mô hình không bắt phải mô tả các nhà khoa học làm việc thế nào trong thực tiễn; nó chỉ ra, về lí thuyết, khái quát hoá có khả năng tiên đoán và giải thích các sự kiện đơn nhất có thể được xác lập ra sao. Một khái quát hoá không thể được kiểm chứng; là đủ nếu nó chưa được chứng minh là sai, miễn là nó có thể được chứng minh là sai bằng trắc nghiệm. Giá trị chính của kiến trúc này là ở chỗ nó tránh các cạm bẫy của lập luận quy nạp. Chúng ta không cần khăng khăng rằng mặt trời sẽ luôn luôn mọc ở đằng đông chỉ bởi vì ngày nào nó cũng mọc như vậy; là đủ nếu chúng ta chấp nhận giả thuyết một cách tạm thời- tức là, cho đến khi nó được chứng minh là sai. Đây là một lời giải rất tao nhã cho cái nếu khác đi thì là một vấn đề logic không thể vượt qua được. Mẹo là ở chỗ phân biệt giữa kiểm chứng và chứng minh là sai. Nó cho phép các giả thuyết cung cấp những tiên đoán và giải thích mà không cố nài kiểm chứng. Bản thân tiên đoán và giải thích có thể là tất định hay xác suất, phụ thuộc vào bản chất của giả thuyết.

Nhận ra sự bất đối xứng giữa kiểm chứng và chứng minh là sai, theo tôi, là đóng góp to lớn nhất của Popper không chỉ cho triết học khoa học mà cho cả hiểu biết của chúng ta về thế giới chúng ta sống. Nó hoà giải các thành tựu khoa học với ý tưởng rằng chân lí cuối cùng là ngoài tầm với của chúng ta.

Có lẽ chưa được nhấn mạnh đủ rằng các giả thuyết phải có giá trị bất tận để làm cho trắc nghiệm khả thi. Nếu một kết quả riêng không thể được tái tạo, thì trắc nghiệm không thể được coi là thuyết phục. Nhưng tính phản thân gây ra các quá trình lịch sử không đảo ngược được; cho nên nó không thích hợp cho khái quát hoá có giá trị độc lập với thời gian. Chính xác hơn, những khái quát hoá có thể được đưa ra về các sự kiện phản thân không thể được trắc nghiệm, bởi vì các điều kiện ban đầu và cuối cùng không thể được tái tạo. Chúng có thể thậm chí mang lại những dự đoán và giải thích có xác suất cao, nhưng xác suất của chúng không thể được đo theo cách hệt như trường hợp một giả thuyết có thể kiểm tra được. Sự thực rằng chuỗi sự kiện nào đó đã phổ biến trong quá khứ với tần suất nào đó không kéo theo rằng xác suất của nó vẫn sẽ thế trong tương lai. Ngược lại, sự khám phá ra phân bố xác suất chắc hẳn sẽ thay đổi nó. Ở đây có sự tương tự nào đó với nguyên lí bất định Heisenberg, nhưng có một sự khác biệt cơ bản: Trong cơ lượng tử, chính một hành động - cụ thể là, phép đo- là cái xen vào; còn trong các thị trường tài chính và các tình thế phản thân, lại chính tư duy hay lòng tin là cái ảnh hưởng đến chủ thể mà nó dẫn chiếu đến.

Điểm tôi vừa nêu không hề làm mất hiệu lực của mô hình tao nhã của Popper về phương pháp khoa học một chút nào. Mô hình vẫn có hiệu lực; nó chỉ không áp dụng cho các hiện tượng phản thân. Sự hạn chế này, tuy vậy, kéo sự chú ý đến một chia tách quan trọng giữa khoa học tự nhiên và xã hội, bởi vì tính phản thân chỉ xuất hiện khi tình thế có người tham gia biết suy nghĩ. Chính sự chia tách này bản thân Popper không chịu công nhận. Ông đề xuất học thuyết sự thống nhất của khoa học, cho rằng cùng các phương pháp và tiêu chuẩn áp dụng cho cả khoa học tự nhiên và xã hội. Học thuyết này đã cho phép ông chứng minh rằng các lí thuyết như Chủ nghĩa Marx không có tư cách là khoa học bởi vì chúng không thể có khả năng được chứng minh là sai. Tôi có quan hiệm hơi khác. Tôi cho rằng các hiện tượng phản thân nói chung không hợp với mô hình Popper về phương pháp khoa học – và rằng không chỉ Chủ nghĩa Marx là không khoa học. Thuyết thị trường chính thống, đưa ra sự biện minh khoa học của nó từ kinh tế học thuộc xu hướng chính, cũng là hệ tư tưởng giả mạo như Chủ nghĩa Marx.

Có sự khác biệt căn bản giữa khoa học tự niên và khoa học xã hội còn phải được nhận ra một cách đúng đắn. Để hiểu nó tốt hơn, chúng ta phải xem xét vấn đề thứ hai: quan hệ của các nhà quan sát khoa học với đối tượng chủ thể của họ.


Tính Phản thân và các Nhà Khoa học Xã hội

Khoa học là một quá trình xã hội, và như vậy nó có tiềm năng là phản thân. Các nhà khoa học kết nối với đối tượng chủ thể của mình như những người tham gia và nhà quan sát, nhưng nét nổi bật của phương pháp khoa học- như được minh hoạ trong mô hình Popper- là hàm tham gia không được phép can thiệp vào hàm nhận thức. Khoa học được dành để hiểu biết thực tại, và nhằm mục đích này sự thực được cách li nghiêm ngặt khỏi các tuyên bố khoa học dẫn chiếu tới nó. Sự thực thuộc về một vũ trụ, tuyên bố thuộc một vũ trụ khác. Theo cách này, sự thực có thể dùng như tiêu chuẩn độc lập theo đó tính đúng đắn hay hợp lệ của tuyên bố có thể được đánh giá. Các nhà khoa học tham gia vào các thí nghiệm, nhưng cố hết sức để không ảnh hưởng đến kết quả. Các thí nghiệm phải có thể được lặp lại bởi người khác để có tư cách là khoa học.

Trong thực tế, các điều kiện lí tưởng này không thịnh hành, ngay cả trong khoa học tự nhiên. Lựa chọn các lí thuyết cũng ảnh hưởng đến sự lựa chọn sự thực để kiểm tra chúng; hệ quả là, vũ trụ trong đó một khoa học hoạt động không nhất thiết là hệt như vũ trụ mà nó cho rằng nó mô tả. Tuy vậy, sự tách biệt giữa vũ trụ sự thực và vũ trụ các tuyên bố vẫn không bị vi phạm, và các sự thực tiếp tục cung cấp một tiêu chuẩn độc lập để đánh giá tính đúng đắn của các tuyên bố. Tất cả điều đó xảy ra khi một khoa học gán cho một tập cụ thể các sự thực là vũ trụ tạo bởi các tuyên bố đó không tiếp giáp với thế giới chúng ta sống. Khi sự khác nhau giữa hai cái trở nên quá hiển nhiên, áp lực dẫn tới sự chuyển dịch hệ thuyết. Đây là một đặc điểm quan trọng của lịch sử khoa học.

Khoa học có một lịch sử, và lịch sử đó là phản thân. Các giả thuyết dẫn tới những khám phá và phát minh có giá trị trở nên nổi tiếng; khi tiềm năng của nó cạn kiệt chúng có xu hướng mất ảnh hưởng của mình trong tâm trí con người và có nhiều khả năng tiếp thu cho những cách nhìn nhận khác về sự vật. Đó là cách chuyển dịch hệ thuyết diễn ra. Chính bản thân Popper đã hoàn toàn ý thức được điều này: Ông khuyên tôi đọc Thomas Kuhn và Paul Feyerabend. Thomas Kuhn, tất nhiên, là người sáng tạo ra thuật ngữ “chuyển dịch hệ thuyết”.

Các khoa học xã hội thậm chí còn xa với các điều kiện lí tưởng được mô hình Popper lấy làm định đề hơn các khoa học tự nhiên. Đó là vì các sự thực được khoa học xã hội nghiên cứu bao gồm các ý tưởng và lòng tin; sự tách biệt có sẵn giữa tuyên bố và sự thực đặc trưng cho khoa học tự nhiên không thịnh hành ở đây. Có thể có khả năng giữ cho tuyên bố của các nhà khoa học và tuyên bố thuộc về đối tượng chủ thể tách bạch nhau, nhưng điều đó đòi hỏi một nỗ lực có ý thức. Nỗ lực là cần để làm cho việc xác lập tính đúng đắn của các tuyên bố khoa học là có thể. Điều này nêu ra câu hỏi hầu như không cần đặt ra trong khoa học tự nhiên: Mục đích của khoa học là gì? Để hiểu thực tại hay để biến nó làm lợi cho chúng ta?

Trong khoa học tự nhiên, sự thực (khác với lựa chọn các sự thực) không thể bị thay đổi bởi đưa ra các tuyên bố về nó. Thực tại không thể được biến thành có lợi cho chúng ta mà không hiểu nó trước tiên. Các thí nghiệm có thể bị giả mạo, nhưng việc giả mạo nhất thiết bị phát hiện bởi vì thí nghiệm phải có khả năng được lặp lại bởi người khác. Vì thế gian lận không có ý nghĩa. Có khả năng để lựa chọn các sự thực cho khảo sát, nhưng ngay cả ở khía cạnh này cũng có lợi để tiến càng gần đến thực tế càng tốt, bởi vì chúng ta có thể được lợi từ sự hiểu biết của mình tốt hơn nhiều nếu nó liên hệ đến thực tại hơn là đến một vũ trụ nhân tạo nào đó.

Không phải vậy với khoa học xã hội. Khi vũ trụ các sự thực chứa các tuyên bố, các tuyên bố và sự thực có thể tương tác một cách phản thân, điều có nghĩa là các tuyên bố có thể làm thay đổi sự thực thông qua quyết định của những người tham gia. Điều này đúng cả với các nhà khoa học lẫn với những người mà họ nghiên cứu, bởi vì không có sự cách li có sẵn giữa các tuyên bố và sự thực, như trường hợp khoa học tự nhiên. Các nhà khoa học phải có nỗ lực đặc biệt để giữ cho các tuyên bố của mình khỏi ảnh hưởng đến đối tượng chủ thể mà chúng dẫn chiếu tới. Đó là nơi mà câu hỏi về mục đích của khoa học vào cuộc chơi.

Chừng nào sự cách li giữa các tuyên bố và sự thực còn kín kẽ, chẳng có nghi ngờ gì về mục đích của khoa học: Để thu nhận tri thức. Mục đích của riêng các nhà khoa học có thể khác. Một số có thể theo đuổi tri thức vì tri thức, người khác vì lợi ích nó có thể mang lại cho nhân loại, những người khác nữa lại vì thăng tiến cá nhân. Bất luận động cơ là gì, thước đo thành công, tuy vậy, là tri thức, và nó là một tiêu chuẩn khách quan. Những người tìm thăng tiến cá nhân có thể làm vậy chỉ bằng cách đưa ra các tuyên bố đúng; nếu họ giả mạo thí nghiệm, họ nhất định bị tìm ra. Những người muốn bắt tự nhiên theo ý muốn của họ có thể làm vậy chỉ bằng cách thu nhận tri thức trước tiên. Tự nhiên đi theo diễn tiến của nó bất chấp mọi lí thuyết liên quan đến nó; vì vậy chúng ta có thể làm cho tự nhiên phục vụ nhu cầu của mình chỉ bằng hiểu các qui luật điều khiển hành vi của nó. Không có đường tắt nào.

Đi đến nhận ra nguyên lí căn bản này đã là quá trình lâu dài. Hàng ngàn năm, người ta đã thử đủ loại ma thuật, nghi lễ, và mơ tưởng để tác động đến tự nhiên một cách trực tiếp; họ đã miễn cưỡng chấp nhận nguyên lí khắc nghiệt mà phương pháp khoa học áp đặt. Các qui ước của phương pháp khoa học đã mất nhiều thời gian để chứng tỏ tính ưu việt của chúng, nhưng cuối cùng, khi khoa học tiếp tục mang lại những phát minh có tác động mạnh mẽ, nó đã đạt địa vị ngang với của ma thuật trong các thời đại trước. Thống nhất về mục đích, sự chấp thuận các qui ước nhất định, sự sẵn có một tiêu chuẩn khách quan, khả năng thiết lập những khái quát hoá không phụ thuộc vào thời gian -tất cả những thứ này kết hợp lại làm cho khoa học thành công. Nó được thừa nhận ngày nay như thành tựu tuyệt hảo của trí tuệ con người.

Sự kết hợp đẹp này bị tranh cãi khi đối tượng chủ thể là phản thân. Một mặt, các kết quả tích cực đạt được khó hơn, bởi vì đối tượng chủ thể không thích ứng cho khám phá ra những khái quát hoá hợp lệ mãi mãi (và vì thế có thể kiểm tra) cái có thẩm quyền là các định luật khoa học. Xét về bằng chứng, chúng ta có thể thấy các thành tựu của khoa học xã hội không so sánh được với khoa học tự nhiên. Mặt khác, tính độc lập của tiêu chuẩn khách quan- cụ thể là, các sự thực- bị suy yếu. Điều này làm cho khó thực thi các qui ước khoa học. Sự thực có thể bị ảnh hưởng bởi tạo ra lòng tin hoặc bởi đề xuất các lí thuyết về chúng. Điều này đúng không chỉ với những người tham gia mà cả với các nhà khoa học. Tính phản thân ngụ ý một sự chập mạch giữa các tuyên bố và sự thực, và sự chập mạch này là sẵn có cho các nhà khoa học cũng như những người tham gia.

Đây là một điểm quan trọng. Hãy để tôi làm sáng tỏ nó bằng so sánh tính bất định liên quan đến phản thân và tính bất định quan sát được trong hành vi của các hạt lượng tử. Tính bất định là giống nhau, song quan hệ của nhà quan sát tới đối tượng chủ thể thì không. Ứng xử của các hạt lượng tử vẫn như thế bất luận nguyên lí bất định Heisenberg có được nhận ra hay không. Nhưng hành vi của con người có thể bị tác động bởi các lí thuyết khoa học hệt như bởi các niềm tin khác. Thí dụ, phạm vi của nền kinh tế thị trường đã mở rộng vì người ta tin vào sự thần kì của thị trường. Trong khoa học tự nhiên, các lí thuyết không thể làm thay đổi các hiện tượng mà chúng liên quan tới; trong khoa học xã hội, chúng có thể. Điều này gây ra một yếu tố bất định thêm, thiếu ở nguyên lí Heisenberg. Yếu tố bất định thêm này liên quan tới vai trò của nhà quan sát khoa học và ảnh hưởng của các lí thuyết khoa học.

Phải thú nhận, nhà khoa học có thể phòng xa để cách li các tuyên bố của họ khỏi đối tượng - thí dụ, bằng cách giữ kín các tiên đoán của mình. Nhưng vì sao họ phải làm vậy? Mục đích của khoa học là thu lượm tri thức vì tri thức hay vì lợi ích khác nào đó? Với khoa học tự nhiên, vấn đề không nổi lên vì lợi ích có thể được thực hiện chỉ bằng cách đầu tiên nhận được tri thức. Không phải vậy với khoa học xã hội: Tính phản thân cho một con đường tắt. Một lí thuyết không cần đúng để tác động lên hành vi con người. Đồng thời, độ tin cậy của sự thực như một tiêu chuẩn khách quan bị tổn thương. Bằng cách này, có khả năng đề xuất các lời tiên tri tự-thoả mãn.

Căn cứ vào uy tín mà khoa học có sẵn, đề xuất một lí thuyết cho là khoa học có thể là một cách hữu hiệu để ảnh hưởng lên thực tại; nó tác động càng nhiều lên đối tượng mà nó dẫn chiếu, càng tốt. Karl Marx đã làm điều đó một cách có ý thức, và diễn giải của ông về lịch sử là khó bác bỏ. Thực vậy, Karl Popper đã phải phát triển một lí lẽ tinh vi để làm mất uy tín học thuyết Marxist bằng cách chứng tỏ là nó không khoa học. Tôi tán thành lí lẽ của Popper, song tôi muốn đi một bước nữa: Tôi cho rằng sự lạm dụng lí thuyết khoa học cho các mục đích chính trị không chỉ giới hạn ở các hệ tư tưởng toàn trị; nó áp dụng cho thuyết thị trường chính thống với ý nghĩa ngang nhau. Lí thuyết kinh tế cổ điển dễ bị lạm dụng cho các mục đích chính trị như (hay đã như) học thuyết Marxist.

Tôi đặc biệt nghi ngờ quan niệm cân bằng. Nó ngụ ý một trạng thái đáng mong mỏi, một điểm nghỉ không thể được cải thiện. Những người theo thuyết thị trường chính thống cho rằng các thị trường có xu hướng tiến tới cân bằng và rằng mọi sự can thiệp chính trị đều có hại. Đã được chỉ ra rằng trong nhiều trường hợp không có điểm cân bằng xác định duy nhất. John Maynard Keynes đã chứng minh rằng nền kinh tế có thể đạt cân bằng mà không có toàn dụng lao động. Trong lí thuyết kinh tế hiện đại, khả năng về nhiều điểm cân bằng đã được thừa nhận rộng rãi. Thế nhưng tư tưởng rằng các thị trường có xu hướng tiến tới cân bằng vẫn còn và được dùng như một cơ sở tự nhận là khoa học cho thuyết thị trường chính thống.

Thí dụ cổ điển về các nhà giả khoa học cố thử áp đặt ý chí của họ lên đối tượng chủ đề của họ đã là nỗ lực biến kim loại kiềm thành vàng. Các nhà giả kim thuật đã cặm cụi bên nồi chưng của họ cho đến cuối cùng được thuyết phục bỏ việc làm đó do thiếu thành công. Sự thất bại của họ là không thể tránh khỏi bởi vì hành vi của các kim loại kiềm bị chi phối bởi các định luật có hiệu lực phổ quát những cái không thể bị thay đổi bởi bất kể tuyên bố, sự hiện thân, hay nghi lễ nào. Các nhà giả kim thuật thời trung cổ đã nhầm lẫn. Các kim loại kiềm không thể biến thành vàng nhờ truyền kiếp, nhưng người ta có thể trở nên giàu có trong các thị trường tài chính hay hùng mạnh trong chính trị bằng đề xuất các lí thuyết giả và các lời tiên tri tự thoả mãn. Hơn nữa, cơ hội thành công của họ tăng lên nếu họ có thể đội lốt khoa học. Đáng lưu ý là cả Marx và Sigmund Freud đã lớn tiếng đòi địa vị khoa học cho các học thuyết của mình và đặt cơ sở cho nhiều kết luận của họ nhờ uy quyền mà họ nhận được do là “khoa học”. Một khi điều này được thấm nhuần, chính từ “khoa học xã hội” trở nên đáng ngờ; nó trở thành một cụm từ thần diệu được các nhà giả kim thuật xã hội dùng để áp đặt ý chí của mình lên đối tượng chủ thể của họ thông qua sự truyền kiếp học được.
Các nhà khoa học xã hội đã rất nhọc nhằn thử bắt chước khoa học tự nhiên song với rất ít thành công. Nỗ lực của họ thường mang lại chẳng mấy hơn một nhại lại khoa học tự nhiên. Chỉ khi họ từ bỏ sự tương tự giả và theo đuổi đối tượng chủ thể của họ bất luận nó có thể dẫn tới đâu thì họ mới tạo ra các kết quả đáng giá. Vài công trình hay nhất được đặt trong bối cảnh lịch sử thay cho nhắm tới tính hợp lệ phổ quát, nhưng vẫn không thoả mãn các đòi hỏi của mô hình Popper. Các lí thuyết hợp lệ phù hợp với khuôn mẫu đó thật hoạ hoằn.

Sự bắt chước mù quáng khoa học tự nhiên ăn khớp tốt với khái niệm tính có thể sai triệt để của tôi. Tính có thể sai triệt để dựa vào đòi hỏi phải thú nhận là cường điệu rằng tất cả các kiến trúc của con người đều sai sót. Phương pháp khoa học làm xói mòn đòi hỏi đó bằng đưa ra những khái quát hoá tiên đoán và giải thích các nét đặc trưng của tự nhiên. Thế nhưng, chính xác vì khoa học tự nhiên đã thành công kinh ngạc đến vậy, mà khoa học xã hội được kì vọng có cùng khả năng như thế đối với xã hội. Một phương pháp hoạt động ở một lĩnh vực được mở rộng ra cho lĩnh vực khác nơi nó ít thích hợp hơn. Ở đây có sự tương tự với các đòi hỏi quá đáng được đưa ra cho cơ chế thị trường. Chính vì các thị trường đã hữu ích đến vậy trong tổ chức hoạt động kinh tế, bây giờ chúng được kì vọng cung cấp câu trả lời cho mọi vấn đề về tổ chức xã hội.

Có sự khác biệt cốt yếu giữa thất bại của các nhà khoa học xã hội và thất bại của các nhà giả kim thuật. Mặc dù thất bại của các nhà giả kim là hoàn toàn, các nhà khoa học xã hội chiếm đoạt thẩm quyền của khoa học tự nhiên đã tìm được cách để lại dấu ấn lên xã hội. Hành vi của con người – chính xác vì nó không bị chi phối bởi thực tại - dễ dàng bị tác động bởi các học thuyết. Trong lĩnh vực các hiện tượng tự nhiên, phương pháp khoa học có hiệu quả chỉ khi các lí thuyết là đúng; nhưng trong các vấn đề xã hội, chính trị, và kinh tế, các lí thuyết có thể có hiệu lực mà không cần đúng. Mặc dù giả kim thuật đã thất bại với tư cách là khoa học, khoa học xã hội có thể thành công với tư cách giả kim thuật.


Karl Popper đã thấy mối nguy hiểm là các hệ tư tưởng lợi dụng uy tín khoa học để ảnh hưởng đến diễn tiến của lịch sử; mối hiểm nguy trở nên đặc biệt nghiêm trọng trong trường hợp của Chủ nghĩa Marx. Để bảo vệ phương pháp khoa học khỏi loại lạm dụng này, ông đã tuyên bố rằng các lí thuyết không thể được chứng minh là có thể sai không đủ tư cách là khoa học. Nhưng nếu dùng mô hình Popper về phương pháp khoa học như tiêu chuẩn, thì rất ít lí thuyết xã hội đạt. Tính phản thân gây ra một hình mẫu duy nhất, không thuận nghịch không thích hợp cho tái tạo và kiểm tra. Lí thuyết kinh tế đã cố hết sức để loại trừ tính phản thân nhằm có tư cách là khoa học, và nó trở nên xa vời với thực tế; ngay cả vậy, nó đã chẳng thể tránh khỏi bị lạm dụng cho các mục đích chính trị. Thí dụ, các nhà kinh tế đã hết cách để tránh đưa ra phán xét giá trị, song chính vì sự thực đó mà các lí thuyết của họ bị những người chủ trương laissez-faire chiếm đoạt và dùng như cơ sở cho phán xử giá trị tràn lan nhất có thể hình dung ra: rằng chẳng có kết quả xã hội nào tốt hơn các kết quả có thể từng đạt được dưới cạnh tranh thị trường.

Theo ý tôi, có cách để bảo vệ phương pháp khoa học tốt hơn cách Popper gợi ý. Tất cả cái cần làm là đi tuyên bố rằng khoa học xã hội không được có địa vị mà chúng ta ban cho khoa học tự nhiên. Điều này sẽ chặn các lí thuyết xã hội khỏi trá hình trong bộ áo giáp đi mượn; nó cũng cản việc bắt chước mù quáng khoa học tự nhiên ở các lĩnh vực không thích hợp. Nó không cấm nghiên cứu khoa học hành vi con người, nhưng nó giúp giảm kì vọng của chúng ta về kết quả. Gợi ý của tôi cũng tạo nên một sự mất địa vị đáng kể đối với các nhà khoa học xã hội, vì thế nó chắc không được họ ưa chuộng lắm.

Qui ước mà tôi đề xuất - tước địa vị khoa học của các khoa học xã hội- sẽ có ích lợi cho phép chúng ta chịu chấp nhận các hạn chế về hiểu biết của chúng ta. Nó sẽ giải phóng khoa học xã hội khỏi trói buộc mà sự theo đuổi địa vị khoa học đã ép buộc lên nó. Đó là cái tôi đề xuất trong Giả Kim thuật Tài chính khi tôi gợi ý rằng khoa học xã hội là một ẩn dụ sai. Mô hình Popper có kết quả với những khái quát hoá không phụ thuộc vào thời gian. Phản thân là một quá trình không thuận nghịch, gắn với thời gian – vì sao nó phải hợp với mô hình Popper? Có thể có những cách để hiểu các hiện tượng xã hội tốt hơn đề xuất các lí thuyết có hiệu lực phổ quát. Một cách tiếp cận đặc biệt hứa hẹn đã nổi lên trong những năm gần đây: nghiên cứu các quá trình tiến hoá không thuận nghịch và thiết kế các mô hình phi tuyến để mô tả chúng. Các mô hình này không hợp với mô hình Popper về phương pháp khoa học- chúng không cho phép kiểm tra các định luật phổ quát- nhưng chúng có cho các thuật giải có thể hữu dụng.

Thừa nhận các hạn chế của khoa học xã hội không có nghĩa là chúng ta phải từ bỏ việc theo đuổi chân lí trong khám phá các hiện tượng xã hội. Nó chỉ có nghĩa là theo đuổi chân lí đòi hỏi chúng ta nhận ra rằng một số khía cạnh của hành vi con người không bị chi phối bởi các định luật có hiệu lực mãi mãi. Điều này phải cổ vũ chúng ta khai phá những con đường khác để hiểu biết, như tôi làm trong cuốn sách này. Tìm chân lí cũng buộc chúng ta phải thừa nhận là các hiện tượng xã hội có thể bị tác động bởi các lí thuyết được đưa ra để giải thích chúng. Như một hệ quả, nghiên cứu các hiện tượng xã hội có thể được thúc đẩy bởi các mục tiêu khác sự theo đuổi chân lí. Đó là sự thật làm cơ sở cho qui ước mà tôi đề xuất. Cách tốt nhất để đề phòng sự lạm dụng phương pháp khoa học là đi thừa nhận là các lí thuyết xã hội không xứng đáng địa vị mà chúng ta ban cho khoa học tự nhiên. Điều này không ngăn cản các lí thuyết riêng biệt xác lập địa vị khoa học trên công lao riêng của nó, nhưng nó cản trở các nhà lí luận khỏi đội lốt khoa học.

Ngó vào lịch sử, khó thoát khỏi kết luận rằng phải có sự khác biệt căn bản giữa khoa học tự nhiên và xã hội. Năng lực của loài người đối với tự nhiên đã tăng lên rất nhanh, song đã không có sự tiến bộ tương ứng trong giải quyết các vấn đề chính trị và xã hội. Hầu hết những tiến bộ về điều kiện xã hội, như cải thiện tiêu chuẩn sống hay tuổi thọ dự tính, có thể qui cho khoa học tự nhiên, chứ không cho khoa học xã hội. Thực vậy, các xung đột xã hội trở nên tàn phá hơn bởi vì chúng ta có được sự kiểm soát tăng lên đối với các lực tự nhiên. Khả năng giết lẫn nhau của chúng ta đã tăng lên rất nhiều. Đã đến lúc chúng ta phải nhận ra điều đó và tìm những cách mới để giải quyết và kiềm chế xung đột.

Một Phê phán Lí thuyết Kinh tế


Lí thuyết kinh tế là một nỗ lực đi xa nhất để mô phỏng khoa học tự nhiên, và nó thành công nhất. Vật lí học Newton đã truyền cảm hứng cho các nhà kinh tế học cổ điển. Họ đã nhắm tới thiết lập những định luật có hiệu lực phổ quát có thể dùng để giải thích và tiên đoán ứng xử kinh tế và hi vọng đạt mục tiêu đó bằng cách dựa vào khái niệm cân bằng. Cân bằng là giá mà tại đó cầu và cung được làm cho thăng bằng và không để người mua hay người bán nào không được thoả mãn. Nó là một khái niệm hợp lí rõ ràng trong một thị trường nơi những người mua và người bán đến với nhau để tiến hành trao đổi tự do. Nó cho phép phân tích kinh tế tập trung vào kết quả cuối cùng và bỏ qua những nhiễu loạn tạm thời. Điều này chuẩn bị cơ sở cho các qui tắc có hiệu lực mãi mãi về vai trò tạo cân bằng của các thị trường.

Khái niệm cân bằng là khá dễ lầm lẫn. Nó có vẻ của cái gì đó mang tính kinh nghiệm, nhưng ấn tượng đó không được biện minh. Bản thân cân bằng hiếm khi quan sát được trong đời sống thực tế (giá cả thị trường có thói xấu thay đổi thất thường). Quá trình có thể quan sát được giả thiết tiến tới cân bằng, nhưng cân bằng có thể chẳng bao giờ đạt được. Đúng là những người tham gia thị trường điều chỉnh tới giá thị trường, nhưng họ có thể điều chỉnh tới một mục tiêu chuyển động liên tục. Trong trường hợp đó, nói về một “quá trình điều chỉnh” có thể là một sự nhầm tên.

Cân bằng là sản phẩm của một hệ thống tiên đề. Lí thuyết kinh tế được xây dựng giống như logic hay toán học: Nó dựa trên các định đề nào đó, và tất cả mọi kết luận của nó được dẫn ra từ chúng bằng thao tác logic. Giá trị lớn lao của nó là nó thích hợp với xử lí toán học: Cân bằng có thể được trình bày dưới dạng các phương trình.

Khả năng rằng cân bằng có thể chẳng bao giờ đạt được không làm mất hiệu lực của kiến trúc logic. Chỉ khi một cân bằng mang tính giả thuyết được trình bày như một mô hình cho thực tại thì sự méo mó đáng kể được đưa vào. Hình học và thiên văn học là các hệ thống tiên đề có hiệu lực hoàn hảo, nhưng chúng gây ra các diễn giải sai về thực tại, như lòng tin rằng trái đất phẳng hay là trung tâm của vũ trụ (và ta biết cái gì đã xảy ra với những người nghi ngờ các sự thật như vậy).

Lí thuyết kinh tế xuất phát bằng cách coi các đường cầu và cung được cho trước một cách tách biệt; sự tương tác của các đường cầu và cung sau đó xác định điểm cân bằng. Kiến trúc này cho cầu và cung là các đại lượng xác định và có thể đo được. Chúng đi tới các bên đối diện của bàn cân, và một quá trình điều chỉnh đưa chúng thăng bằng nhau. Khi những người bán biết họ sẵn lòng cung cấp với giá bao nhiêu và người mua biết họ sẵn sàng mua với giá bao nhiêu, tất cả cái cần xảy ra để đạt cân bằng là thị trường tìm ra giá duy nhất khớp cầu và cung. Nhưng nếu bản thân những biến động giá làm thay đổi thiện ý của những người mua và người bán để trao đổi hàng hoá của họ ở giá cho trước, thí dụ, bởi vì một sự giảm giá làm cho họ kì vọng giá cả sẽ rớt hơn nữa trong tương lai thì sao? Khả năng này, một sự thực chi phối cuộc đời trong các thị trường tài chính cũng như trong các ngành với tiến bộ công nghệ nhanh chóng, đơn giản bị lờ đi.

Lí thuyết kinh tế cổ điển là đứa con của thời đại Khai sáng. Chúng ta đã thấy thời Khai sáng đã cố gắng thiết lập thẩm quyền của lí trí bằng cách coi thực tại như cái gì đó thụ động chờ để được hiểu. Lí trí khi đó có thể đạt tới tri thức bằng đưa ra các tuyên bố tương ứng với sự thực. Thành tựu khoa học xuất sắc của thời Khai sáng là vật lí học Newton, và lí thuyết kinh tế tìm cách bắt chước nó. Cân bằng là một khái niệm kiểu Newton, và lí thuyết kinh tế sốt sắng chấp nhận nó. Nếu tư duy có thể tách biệt khỏi thực tại, thì cầu, một yếu tố cơ bản là chủ quan, cũng thế có thể tách biệt khỏi cung, một yếu tố chủ yếu là khách quan. Tổng hợp hành vi của những người tham gia khác nhau gây ra những khó khăn, nhưng có thể khắc phục chúng bằng cách đưa ra định đề coi hiểu biết là hoàn hảo. Lí thuyết cạnh tranh hoàn hảo giả thiết tri thức hoàn hảo. Giả thiết rất hợp với quan niệm của thời Khai sáng về thế giới, nhưng không vượt qua được sự kiểm tra phê phán. Hiểu biết hoàn hảo có thể tỏ ra là một giả thiết quá tham vọng, và nó đã được thay thế bằng thông tin hoàn hảo. Một mình thông tin hoàn hảo, tuy vậy, đã không đủ để hỗ trợ lí thuyết cạnh tranh hoàn hảo, thế nên nó đã phải được củng cố bằng cái Lionel Robbins gọi là một “qui ước phương pháp luận”: Các điều kiện cung và cầu được coi cứ như là được xác định một cách độc lập. Nhiệm vụ của lí thuyết kinh tế, Robbins lập luận, đã là đi nghiên cứu không phải các điều kiện của cung và cầu mà là nghiên cứu các mối quan hệ giữa chúng. Vì vậy lí thuyết kinh tế có thể coi các điều kiện về cung và cầu như được cho trước và chứng tỏ, với sự giúp đỡ của các phương trình, thị trường có thể phân bổ những nguồn lực hạn chế giữa vô số mục đích và đưa cung và cầu đến cân bằng ra sao.

Lí lẽ của Lionel Robbins, đã rất có ảnh hưởng năm mươi năm trước khi tôi học kinh tế học dưới sự chỉ dẫn của ông, về cơ bản đã bị quên, nhưng sự cách li kín kẽ giữa cung và cầu vẫn hằn sâu trong phân tích kinh tế. Với tư cách một sinh viên, tôi thấy giải pháp của Robbins đáng chê trách bởi vì nó loại bỏ phản hồi phản thân bằng một sự lẩn tránh phương pháp luận. Nó đã cho phép các nhà kinh tế học tiếp tục coi các thị trường như một cơ chế thuần tuý thụ động mà vai trò duy nhất của nó là để phản ánh các lực lượng của cầu và cung. Khả năng rằng những biến động giá cả thị trường có thể làm thay đổi dạng của các đường cầu và cung đơn giản bị phớt lờ đi. Sự thôi thúc ở sau cách tiếp cận này đã là khát vọng tạo ra các kết quả so sánh được với vật lí học Newton. Nó làm trệch hướng chú ý khỏi các thị trường như một định chế (cái, theo tính có thể sai triệt để, nhất thiết có sai sót ở mức độ ít nhiều) và duy trì mãi mãi ảo tưởng về các thị trường hoàn hảo.

Giả thiết rằng các đường cầu và cung được cho trước một cách độc lập là cần để xác định giá thị trường. Không có nó, giá cả sẽ không được xác định một cách duy nhất. Các nhà kinh tế học sẽ bị tước mất khả năng đưa ra những khái quát hoá so sánh được với của khoa học tự nhiên. Ý tưởng rằng các điều kiện về cung và cầu có thể bằng cách nào đó phụ thuộc lẫn nhau hay phụ thuộc vào ứng xử thị trường có thể xem là phi lí đối với những người xây dựng lí thuyết kinh tế; thế mà đó chính xác là cái khái niệm phản thân ngụ ý và là cái mà ứng xử của các thị trường tài chính chứng tỏ.

Giả thiết về các điều kiện về cung và cầu được cho trước một cách độc lập loại bỏ khả năng của bất kể tương tác phản thân nào. Sự bỏ sót quan trọng đến đâu? Tính phản thân quan trọng thế nào trong ứng xử của các thị trường và các nền kinh tế? Trong phân tích kinh tế vi mô, có thể an toàn không cần đếm xỉa đến tính phản thân; khi đến với kinh tế vĩ mô, sự bỏ qua là nghiêm trọng hơn. Điều này tương ứng với sự phân biệt chúng ta đã đưa ra giữa các sự kiện nhàm chán và các sự kiện lịch sử. Tôi sẽ kiểm tra định đề này ở chương tiếp, dùng các thị trường tài chính như phòng thí nghiệm của tôi.


Vấn đề về các Giá trị

Tôi muốn hoàn tất phê phán lí thuyết kinh tế bằng khảo sát vấn đề giá trị. Lí thuyết kinh tế coi sở thích của người tham gia thị trường là cho trước. Dưới chiêu bài qui ước phương pháp luận này, nó ngầm đưa ra các giả thiết nào đó về giá trị. Quan trọng nhất trong số này là chỉ cần tính đến các giá trị thị trường- tức là, chỉ những cân nhắc có trong đầu người tham gia thị trường khi quyết định sẵn lòng trả bao nhiêu cho người tham gia khác trong trao đổi tự do. Khẳng định này được biện minh khi mục tiêu là xác định giá thị trường, song nó bỏ qua nhiều giá trị cá nhân và xã hội không có biểu hiện trong ứng xử thị trường. Các giá trị này không nên bị bỏ qua trong quyết định các vấn đề khác giá thị trường. Xã hội phải được tổ chức ra sao, người dân nên sống thế nào- không nên giải đáp các vấn đề này trên cơ sở giá trị thị trường.

Thế mà, đó chính xác là cái đang diễn ra. Phạm vi và ảnh hưởng của lí thuyết kinh tế đã mở rộng ra ngoài những giới hạn mà các định đề của một hệ thống tiên đề nên áp đặt. Những người theo thuyết thị trường chính thống đã biến đổi một lí thuyết mang tính tiên đề và trung lập về giá trị thành một hệ tư tưởng có ảnh hưởng lên ứng xử chính trị và kinh doanh một cách mạnh mẽ và nguy hiểm. Đó là một trong những vấn đề then chốt mà tôi muốn đề cập trong cuốn sách này: Các giá trị thị trường thâm nhập thế nào vào các lĩnh vực của xã hội mà chúng chẳng ăn nhập gì.

Các giá trị được lí thuyết kinh tế coi là cho trước luôn kéo theo một sự lựa chọn giữa các lựa chọn khả dĩ: bao nhiêu của một thứ có thể ngang bằng với bấy nhiêu của thứ khác. Ý tưởng rằng có các giá trị nào đó không thể mặc cả được không được thừa nhận, hoặc, chính xác hơn, những giá trị như thế không được xem xét. Nói chung, chỉ các sở thích cá nhân được nghiên cứu; các nhu cầu tập thể bị bỏ qua. Điều này có nghĩa là toàn bộ lĩnh vực xã hội và chính trị không được tính đến. Nếu giả như lí lẽ của những người theo thuyết thị trường chính thống - rằng lợi ích chung được phụng sự tốt nhất bằng cách theo đuổi tư lợi một cách không hạn chế - là đúng, thì chẳng có tai hại lớn nào; nhưng sự thực rằng kết luận được rút ra bằng cách bỏ qua các nhu cầu tập thể thật đã lờ vấn đề đi.

Những nghiên cứu thực nghiệm về ra quyết định đã chứng tỏ rằng, ngay cả trong các vấn đề sở thích cá nhân, hành vi của con người không phù hợp với những đòi hỏi của lí thuyết kinh tế. Bằng chứng chỉ ra rằng thay cho là nhất quán và không đổi, sở thích của con người thay đổi tuỳ thuộc vào họ hình dung các vấn đề quyết định của mình ra sao. Thí dụ, lí thuyết kinh tế đã từng giả thiết từ Daniel Bernoulli (khoảng 1738) rằng các tác nhân kinh tế đánh giá kết quả lựa chọn của họ bằng trạng thái của cải cuối cùng. Thực ra, các tác nhân nhìn chung định khung kết quả như lời và lỗ tương đối so với điểm tham chiếu nào đó. Hơn nữa, những thay đổi này trong định khung có thể có ảnh hưởng sâu sắc đến quyết định: Các tác nhân định khung kết quả của họ bằng của cải có xu hướng ít không ưa rủi ro hơn các tác nhân nghĩ về mặt tổn thất.

Tôi đi xa hơn các nhà kinh tế hành vi. Tôi cho rằng người dân ứng xử khác nhau phụ thuộc vào khung dẫn chiếu mà họ sử dụng. Trong khi có sự nhất quán nào đó trong lựa chọn khung, còn lâu mới có thể tin được, và thường có sự gián đoạn đáng chú ý giữa các khung khác nhau. Tôi có thể nói về kinh nghiệm cá nhân. Tôi thường cảm thấy cứ như mình có nhiều nhân cách: một cho kinh doanh, một cho trách nhiệm xã hội, và một (hay nhiều) cho đời tư. Các vai trò hay bị nhầm lẫn, gây cho tôi rất nhiều bối rối. Tôi có nỗ lực chủ ý để tích hợp các khía cạnh khác nhau của sự tồn tại của mình, và tôi vui sướng thông báo rằng tôi đã thành công. Tôi thực muốn nói là: Tích hợp các mặt khác nhau của nhân cách của tôi đã là một thành tựu chủ yếu và một nguồn thoả mãn lớn lao.

Tôi phải thú nhận, tuy vậy, rằng tôi không thể đạt được điều này nếu giả như tôi vẫn là một người tham gia tích cực trong các thị trường tài chính. Quản lí tiền đòi hỏi một sự hiến thân duy nhất cho mục đích kiếm tiền; tất cả các quan tâm khác phải đặt dưới nó. Ngược với các dạng việc làm khác, quản lí một quĩ tự bảo hiểm nhất thiết tạo ra tổn thất cũng như lợi nhuận, và bạn không bao giờ rời mắt được. Đáng chú ý là các giá trị hướng dẫn tôi trong các hoạt động kiếm tiền đã giống như các giá trị đòi hỏi bởi lí thuyết kinh tế: Chúng kéo theo sự cân nhắc thận trọng giữa các lựa chọn khả dĩ, chúng mang tính căn bản (cardinal) hơn là thứ tự (ordinal), chúng là liên tục và từ từ, và chúng được hướng chuyên tâm đến tối ưu hoá tỉ lệ giữa rủi ro và phần thưởng – bao gồm cả chấp nhận rủi ro cao tại các thời điểm khi tỉ lệ thuận lợi.

Tôi sẵn sàng khái quát hoá từ kinh nghiệm cá nhân của mình và thừa nhận rằng ứng xử kiếm lợi nhuận được lí thuyết kinh tế coi là định đề thực ra là thích hợp với các hoạt động kinh tế nói chung và với các thị trường tài chính nói riêng. Khái quát hoá được biện minh bởi vì những người tham gia thị trường không đặt lợi nhuận lên trên hầu như tất cả các cân nhắc khác chắc bị loại bỏ hoặc giảm tầm quan trọng bởi áp lực cạnh tranh. Nhưng có các khía cạnh khác của tồn tại cần được xem xét.

Tôi nhớ sống động một dịp khi tôi lao từ ngân hàng này sang ngân hàng khác ở thành phố London, dàn xếp một hạn mức tín dụng mà thiếu nó thì quĩ tự bảo hiểm của tôi đã có thể bị xoá sạch. Áp lực đã lớn đến mức, đi dọc phố Leadenhall, tôi nghĩ sắp bị một cơn đau tim. Tôi bừng tỉnh rằng nếu tôi chết, tôi sẽ kết thúc như người thua trong ván bài mà tôi đã chơi với sự hoạt bát đến vậy.

Ứng xử kinh tế chỉ là một loại ứng xử, và các giá trị mà lí thuyết kinh tế coi là cho trước không phải là loại giá trị duy nhất quan trọng đối với loài người. Phiền là các giá trị kinh tế đặc biệt là tài chính đã chế ngự cuộc sống chúng ta. Những người buôn bán tiền tệ ngồi ở bàn của mình mua và bán số lượng lớn các đồng tiền của các nước Thế giới Thứ ba. Ảnh hưởng của biến động tiền tệ lên người dân sống ở các nước đó là vấn đề họ chẳng để tâm. Họ cũng không được để tâm; vì họ có một việc để làm. Thế nhưng nếu chúng ta ngưng lại để suy nghĩ, chúng ta phải hỏi chính mình có phải những người buôn bán tiền tệ (không dùng từ kích động hơn, những kẻ đầu cơ) điều tiết cuộc sống của hàng triệu người hay không.

Các giá trị kinh tế liên hệ đến các loại giá trị khác thế nào? Đó không phải là câu hỏi có thể được trả lời theo cách đúng muôn thủa, phổ quát, trừ để nói rằng các giá trị kinh tế, tự chúng, không thể là đủ để duy trì cá nhân hay xã hội. Các giá trị kinh tế chỉ bày tỏ cái mà một người tham gia thị trường sẵn lòng trả cho người khác trong trao đổi tự do vì một cái gì đó. Các giá trị này giả định trước rằng mỗi người tham gia là một trung tâm lợi nhuận và có xu hướng tối đa hoá lợi nhuận loại trừ mọi cân nhắc khác. Mặc dù sự mô tả có thể thích hợp cho ứng xử thị trường, phải có các giá trị khác nào đó hoạt động để duy trì xã hội- quả thực, để duy trì cuộc sống con người. Thật khó thấy các giá trị thuộc về các lĩnh vực khác này có thể tuân theo phép tính vi phân cứ giả như chúng là các đường bàng quan.

Những giá trị khác này là gì, và làm sao chúng có thể dung hoà được với các giá trị thị trường? Câu hỏi đó ám ảnh tôi, và nó làm rối tâm trí tôi. Học kinh tế không phải là một sự chuẩn bị tốt để giải quyết nó- chúng ta phải vượt ra khỏi lí thuyết kinh tế. Thay cho coi các giá trị là cho trước, chúng ta phải coi chúng là phản thân. Điều đó có nghĩa là các giá trị khác nhau thịnh hành trong các điều kiện khác nhau, và có một cơ chế phản hồi hai chiều kết nối chúng với các điều kiện thực tế, vì thế tạo ra một quĩ đạo lịch sử duy nhất. Chúng ta cũng phải coi các giá trị như là có thể sai. Điều đó có nghĩa rằng các giá trị thịnh hành ở bất cứ thời điểm nào trong lịch sử chắc tỏ ra không thoả đáng và không thích hợp ở thời điểm khác nào đó. Tôi dám chắc rằng tại thời điểm hiện nay các giá trị thị trường đã nhận một tầm quan trọng vượt quá xa cái là thích hợp và có thể duy trì được.

Tôi phải chỉ ra rằng nếu chúng ta muốn áp dụng khái niệm phản thân cho các giá trị cũng như kì vọng chúng ta phải sử dụng khái niệm một chút khác đi so với được mô tả ở Chương 1. Trong trường hợp kì vọng, kết quả được dùng như một sự kiểm tra thực tế; trong trường hợp giá trị, không phải vậy. Những người thiên chúa tử vì đạo đã không từ bỏ lòng trung thành của họ ngay cả khi bị ném cho sư tử. Điều này làm cho thảo luận về giá trị khó hơn nhiều thảo luận về kì vọng. Trong trường hợp kì vọng, chúng ta có thể nói về sự khác biệt giữa kết quả và kì vọng; trong trường hợp giá trị, khó trình bày sự khác biệt.

Tôi quay lại tình thế lưỡng nan này ở Chương 4.

LinkedInPinterestCập nhật lúc: