Putin "đấu khẩu" với Larry King: "Đừng chọc vào chuyện của chúng tôi!"

09:20 SA @ Thứ Tư - 08 Tháng Mười Hai, 2010
Đó là sự kiện được đặc biệt quan tâm trên màn ảnh nhỏ quốc tế ngày 2/12 vừa qua. Thông qua vệ tinh, Thủ tướng Nga Vladimir Putin đã trả lời phỏng vấn nhà báo Mỹ lừng danh Larry King. Chương trình đã được truyền hình trực tiếp trên kênh CNN. Xin giới thiệu toàn văn nội dung cuộc trò chuyện thẳng thắn và thú vị này với bản dịch của dịch giả Lê Đỗ Huy.

Cuộc bầu năm 2012 vì lợi ích của nhân dân Nga

L. King: Chào buổi tối. Đây là một buổi phát tin chiều đặc biệt của chương trình Larry King, và chúng tôi từ trường quay CNN, lại được chào đón Vladimir Putin, Thủ tướng Nga. Trước đây, ông là Tổng thống Nga. Riêng đối với tôi, thật vô cùng hân hạnh được chào đón ông trong buổi phát hình Larry King.

V. Putin: Chào buổi tối. Hiện ở nước tôi là buổi tối, bên các vị là buổi sáng. Chào buổi sáng, Larry. Tôi còn nhớ cuộc gặp đầu tiên, cuộc phỏng vấn đầu tiên giữa chúng ta.

L. King: Ngài Thủ tướng, xin cảm ơn ngài đã tới. Xin bắt đầu ngay. Ngài chắc sẽ lại ra tranh cử tổng thống vào năm 2012? Ngài đang có dự định đó?

V. Putin: Tôi đang làm việc, vai kề vai, cùng Tổng thống Medvedev. Đã từ lâu chúng tôi cùng quyết định rằng sẽ nhất trí ra một quyết định về cuộc bầu cử tổng thống năm 2012, vì lợi ích của nhân dân Nga.

L. Kinh: Vậy câu trả lời của ngài là: “Có khả năng”?

V. Putin: Chúng ta hãy chờ xem. Từ nay đến kỳ bầu cử vẫn còn khá lâu. Bầu cử tống thống Nga sẽ diễn ra vào tháng tư 2012. Xin nhắc lại: chúng tôi sẽ cùng bàn bạc để ra quyết định về việc này, xuất phát từ tình hình kinh tế, xã hội, chính trị ở nước Nga.

L. King: Vâng. Xin chuyển sang vấn đề tiếp sau.

V. Putin: Xin mời.


Thủ tướng Putin trả lời phỏng vấn Larry King qua truyền hình vệ tinh hôm 3/12. Ảnh AP


Ai đó cố tình “bơm” chuyện WikiLeaks?

L. King: Ngài nghĩ sao về vụ Tập đoàn WikiLeaks công bố các tài liệu quân sự và chính trị vừa qua và về sự rò rỉ này?

V. Putin: Một số chuyên gia cho rằng chuyện WikiLeaks đã được ai đó cố tình “bơm” lên. “Bơm” uy tín của trang điện tử này, để sử dụng nó nhằm đạt những mục tiêu chính trị nào đó của họ. Đó là một trong những khả năng, và một nhận định như thế cũng phổ biến ở Nga. Tôi nghĩ rằng nếu không phải như vậy, thì chuyện này có nghĩa là ngành ngoại giao cần để tâm hơn đến tài liệu của mình. Những rò rỉ như thế từng xảy ra trong quá khứ, trong thời trước. Tôi không nhận thấy có gì là thảm hoạ ở đây.

Ông Robert Gates đã nhầm to

L. King: Còn những gì liên quan đên tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert Gates, người cho rằng nền dân chủ Nga đã biến mất, rằng Chính phủ Nga đang được ngành an ninh giật dây. Câu trả lời của ngài về tuyên bố này của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ ra sao?

V. Putin: Tôi có quen biết ngài Gate, có gặp ông ta một số lần. Tôi cho rằng đó là một nhân vật dễ chịu, một chuyên gia không tồi. Nhưng, như mọi người đều biết, ngài Gate từng là một trong những thủ trưởng Cục tình báo Trung ương Hoa Kỳ, và hôm nay là Bộ trưởng Quốc phòng. Nếu đó quả thật là chuyên gia giỏi nhất ở Mỹ về dân chủ, thì tôi xin được chúc mừng các ngài.

L. King: Tức là, ông ấy đã không đúng, khi nói rằng đất nước của ngài đang bị các cơ quan an ninh thao túng?

V. Putin: Ông ấy đã nhầm to. Đất nước chúng tôi đang được lãnh đạo bởi nhân dân Liên Bang Nga, thông qua các cơ quan quyền lực và quản lý được bầu ra một cách hợp hiến: đó là cơ quan dân biểu, tức là Nghị viện, và cơ quan hành pháp, gồm Tổng thống và Chính phủ Liên Bang Nga.

Còn về dân chủ, thì đây là một cuộc tranh cãi lâu năm của chúng tôi với các đồng nhiệm Mỹ. Tôi muốn nói rằng đã hai lần trong lịch sử Hoa Kỳ đã xảy ra trường hợp, khi Tổng thống được bầu lên bởi đa số các đại cử tri, chỉ là đại diện cho số ít trong cử tri Mỹ. Thế thì dân chủ là ở chỗ nào.

Và khi chúng tôi nói với các đồng nhiệm Mỹ rằng đang có những vấn đề mang tính hệ thống trong lĩnh vực dân chủ ở Mỹ, chúng tôi được phúc đáp rằng: “Xin đừng vọc vào chuyện của chúng tôi. Mỹ là thế, và sẽ còn tiếp tục như vậy”.

Chúng tôi chẳng vọc vào làm gì, nhưng chúng tôi muốn khuyên các đồng nhiệm Hoa Kỳ: Vậy xin các vị cũng đừng vọc vào chuyện của nước tôi. Đây là sự lựa chọn thể hiện chủ quyền của nhân dân Nga. Nhân dân Nga đã nhất tề chọn con đường dân chủ đầu những năm 90. Và sẽ không đi chệch khỏi con đường này. Điều này không còn ai nghi ngờ. Chính nước Nga quan tâm đến con đường dân chủ. Và chúng tôi sẽ kiên định đi theo con đường này.

Vấn đề mà ngài Gate nêu ra trong các trao đổi thư tín ngoại giao xuất phát từ một nỗ lực rõ rệt gây sức ép lên các đồng minh của mình trong việc giải quyết những vấn đề nhất định. Những vấn đề như vậy đã phát sinh nhiều lắm. Nào là cần phải ép Nga, vì nước này không dân chủ, nào là làm điều nọ điều kia đi, kẻo bên Nga không có dân chủ. Chúng tôi đã nghe chuyện như thế hàng nghìn lần rồi. Và chúng tôi đã không còn chú ý đến nó nữa. Nhưng chuyện này vẫn được sử dụng như công cụ cho chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Tôi nghĩ đây là cách tiếp cận sai trong kiến thiết quan hệ với Liên bang Nga.

Tôi và ngài Medvedev hiểu...

L. King: Ngài đánh giá ra sao quan hệ giữa ngài với Tổng thống Medvedev? Một số người cho rằng, chắc Ngài đã biết, rằng ông ấy là Robin, còn ngài là Batman, nếu chúng ta định sử dụng hai nhân vật trong phim Mỹ này để khắc hoạ tính cách. Hay là, nói cho phải phép, Ngài là Batman, còn ông ấy là Robin.

V. Putin: Vâng, ngài biết đấy, trước đây khi tôi cùng với ngài Medvedev giải quyết vấn đề nên sắp đặt quan hệ giữa hai chúng tôi ra sao, cũng như chúng tôi nên tiến hành chiến dịch tranh cử, chiến dịch bầu cử tổng thống Nga vào năm 2008 thế nào, chúng tôi đã cùng nhận thức rất rõ ràng rằng sẽ có nhiều người tìm cách gieo mầm bất hoà vào quan điểm chung của chúng tôi về xây dựng đất nước và phát triển kinh tế Nga.

Chính vì thế quan hệ hiệp đồng giữa hai chúng tôi là nhân tố căn bản trong chính sách đối nội của đất nước, nhưng chúng tôi, thành thực mà nói, đã không ngờ là những mưu đồ như thế lại được thực hiện một cách trắng trợn, vô sỉ và vô lễ đến như vậy.

Những tuyên bố như thế dĩ nhiên là nhằm lăng mạ một trong hai chúng tôi, xúc phạm phẩm cách cá nhân, khơi dậy những bước tiến nào đó cho mưu đồ phá hoại quan hệ hiệp đồng có hiệu quả trong lãnh đạo đất nước. Tôi phải tuyên bố với ngài rằng, chúng tôi đã dạn dày với chuyện này rồi. Và yêu cầu những ai đang mưu toan như thế nên bình tâm lại.

Vấn đề Triều Tiên: Nước Nga quan tâm việc tiếp tục đối thoại

L. King:Hy vọng rằng ít lâu nữa sẽ tôi sang thăm đất nước các ngài, và được gặp Ngài. Lần trước chúng ta gặp nhau ở New York, chúng ta đã cùng ở một trường quay, còn hôm nay chúng ta giao lưu qua vệ tinh. Ngài đánh giá tình hình trên bán đảo Triều Tiên ra sao? Ngài từng cho rằng có một hiểm hoạ ghê gớm, một cuộc xung đột căng thẳng. Ngài vẫn chia sẻ những quan ngại này?

V. Putin: Vâng, tình hình rất gay gắt, rất đáng báo động. Chúng tôi không thể không lo ngại, bởi vì tất cả những gì đang xảy ra ở đó, diễn ra khá gần đường biên giới với Nga.

Nhưng chúng tôi vẫn trù liệu rằng, rồi lý trí sẽ vượt lên trên hết, và cảm tính sẽ trở thành thứ yếu, đối thoại sẽ được bắt đầu. Không có đối thoại thì không thể đạt đồng thuận.

Cùng với các đối tác, trước hết là Hoa Kỳ, chúng tôi đang căng sức làm việc để bình ổn vấn đề Bắc Triều tiên, về vấn đề hoà dịu tình hình giữa hai miền Nam Bắc Triều Tiên, cũng như về các giai đoạn của công việc này. Việc này đã đạt các kết quả ở nhiều mức độ, nhưng có cả những kết quả khích lệ, tích cực. Tôi rất mong chúng ta đang quay về được với quỹ đạo làm việc đúng đắn.


Ảnh chụp cho thấy sự tăng cường quân đội hai nước ở khu vực biên giới. Ảnh Yonhap



L. King: Trung Hoa đề xuất tiến hành thương thảo sáu bên: hai miền Triều Tiên, Trung Hoa, Nga, Nhật Bản, Hoa Kỳ. Ngài ủng hộ ý tưởng này?

V. Putin: Ở Nga, công việc đối ngoại do Tổng thống lãnh đạo, và vấn đề này cần được nêu lên với ông ấy. Nhưng về đại thể tôi cho rằng nước Nga phải quan tâm sao cho đối thoại được tiếp tục.

L. King: Ngài có nghĩ rằng Trung Hoa phải làm nhiều hơn để hoà dịu tình hình, bởi vì Trung Hoa có ảnh hưởng lớn đến Bắc Triều Tiên?

V. Putin: Đó là lập trường của Mỹ. Về nguyên tắc, tất cả chúng ta phải làm tất cả những gì có thể để tình hình trở lại với quỹ đạo bình thường. Cộng hoà nhân dân Trung Hoa có được đòn bẩy về ảnh hưởng trước hết về kinh tế, nhưng điều chủ yếu là cần phải tôn trọng các lợi ích của nhân dân Triều Tiên, cả nhân dân miền Bắc, lẫn nhân dân miền Nam Triều Tiên.

Cần phải kiên nhẫn và chọn cách phát ngôn đúng trong đối thoại, và nên xây dựng một lập trường chung cho tất cả sáu nước tham dự vòng đám phán phức tạp này. Thống nhất quan điểm là đảm bảo quan trọng cho kết quả chung.

Chúng tôi không có cơ sở nào để nghi ngờ Iran

L. King: Ngài có chia sẻ sự quan ngại của các quốc gia khác về việc Iran đang tiến đến địa vị cường quốc hạt nhân. Nước Nga nghĩ sao về vấn đề này?

V. Putin: Chương trình hạt nhân của Iran đã thực hiện trong suốt 20 năm, và gần đây, vào năm ngoái, Iran đã bằng cách này, cách khác, thể hiện nước này đã sẵn sàng đối thoại với cộng đồng quốc tế và với IAEA. Vâng, chúng tôi biết rằng trong giai đoạn đầu của công việc này, theo chương trình nghị sự, đang có những vấn đề, và chúng tôi chia sẻ với IAEA nguyện vọng nhận được những câu trả lời thấu đáo từ Iran.

Các ngài hẳn đã rõ rằng chúng tôi quan ngại bất kỳ biểu hiện nào của việc phổ biến, ở mọi khả năng, kể cả về lý thuyết, vũ khí tiêu diệt hàng loạt. Điều này liên quan đến mọi quốc gia, kể cả Iran. Đồng thời, chúng tôi không có cơ sở nghi ngờ Iran rằng nước này đang hướng tới sở hữu vũ khí hạt nhân. Chúng tôi hợp tác với tất cả các nước, kể cả Hoa Kỳ, trong khuôn khổ Liên Hợp quốc.


Tổng thống Iran đi thăm một cơ sở hạt nhân ở nước này - Ảnh: Thefire


Và như các ngài đã biết, đến nay chúng tôi đã đạt được đồng thuận trong vấn đề này. Tôi rất mong hoà dịu sẽ xác lập. Và tôi cảm nhận rằng điều này đạt được sự quan tâm không chỉ của các láng giềng của Iran, mà cả Israel, nước đang ngại vũ khí hạt nhân, và các thành viên khác của quá trình này, cũng như Iran và nhân dân Iran.

Tôi không nhận thấy có điều gì là định kiến, điều gì đang phương hại đến lợi ích của Iran, nếu nước này công khai tất cả các chương trình của mình và thoả mãn các mối quan tâm hợp luật của tổ chức chuyên nghành quốc tế ở đây là IAEA, đối với công việc của Iran.

Tôi không nhìn thấy điều gì đáng ngại, đồng thời tôi duy trì ý kiến rằng Iran có quyền thực hiện các chương trình hạt nhân dưới sự giám sát của các tổ chức quốc tế.

Hiệp định START 2: Hãy nghe tôi!

L. King: Tất cả đều quan ngại thoả thuận mới. Medvedev nói rằng, sẽ có cuộc chạy đua vũ trang mới, nếu NATO và Nga không thể nhất trí về lập trường trong vấn đề lá chắn tên lửa. Sẽ có một vòng đua mới của cuộc chạy đua vũ trang, nếu Hoa Kỳ không phê chuẩn Hiệp định này (START 2)?

V. Putin: Không, bởi vì hôm nay khi phát biểu trước Hội đồng Liên bang, Tổng thống Medvedev chỉ nói rằng chúng tôi đã cùng đề xuất rằng tất cả chúng ta sẽ cùng làm việc trên vấn đề an ninh chung, thì có thể chia sẻ trách nhiệm, và vấn đề này có thể được giải quyết nhờ hợp tác làm việc.

Nhưng nếu người ta chỉ dành cho các câu hỏi của chúng tôi những câu trả lời âm tính và hơn nữa, ngay gần biên giới của chúng tôi xuất hiện nguy cơ dưới dạng phương án khu vực thứ ba, thì Nga phải đảm bảo an ninh cho mình bằng các phương án: bố trí các đồng bộ hoả lực nhằm chống trả nguy cơ mới, xuất hiện sát cạnh biên giới Nga, chế tạo đồng bộ tên lửa và vũ khí hạt nhân đời mới.

Đó không phải lựa chọn của chúng tôi. Chúng tôi không hề muốn điều đó. Nhưng tôi không đe ai, chúng tôi chỉ muốn nói rằng điều gì sẽ đến với tất cả chúng ta, nếu chúng ta không thể nhất trí hợp tác với nhau. Chỉ có thế. Xin nhắc lại, chúng tôi không muốn điều này.


Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Nga ký hiệp ước START II - Ảnh: AFP


L. King: Ngài nói rằng không doạ. Nhưng điều đó vang vọng như lời doạ. “Tạp chí Phố Wall” (The Wall Street Journal) cho rằng các ngài đang di chuyển đầu đạn chiến thuật về phía lãnh thổ các đồng minh NATO vào mùa xuân vừa rồi. Điều này có đúng không?

V. Putin: Lary, hãy nghe tôi. Tôi mong muốn rằng ngài, và toàn dân nước Mỹ hay ít nhất là phần của dân chúng Mỹ đang theo dõi chương trình biết điều này. Bởi vì đâu phải chúng tôi dịch chuyển tên lửa về phía lãnh thổ của các ngài, mà chính các ngài đang trù tính đặt tên lửa bên cạnh lãnh thổ của chúng tôi. Người ta bảo chúng tôi rằng, chúng tôi đang làm điều đó, tức là các ngài đang làm điều đó, để đảm bảo an ninh cho mình, khỏi mối đe doạ hạt nhân từ Iran.

Nhưng mối đe doạ này không tồn tại. Nếu các hệ thống radar và chống tên lửa được đặt cạnh biên giới với Nga, ngay cả vào năm 2015 đi nữa, chúng sẽ hoạt động chống lại tiềm năng hạt nhân của chúng tôi. Điều này dĩ nhiên làm chúng tôi lo ngại. Và chúng tôi phải quyết định làm một số biện pháp đáp trả. Tôi đang nói về các biện pháp đáp trả, không nói về đòn đánh đầu tiên.

Và ở Lisbon tổng thống Medvedev đã đưa ra đề nghị cụ thể, rằng một phần trách nhiệm đảm bảo an ninh châu Âu sẽ do NATO đảm nhận, còn một phần trách nhiệm đối với an ninh chung thì Nga nhận. Đồng thời, chúng tôi mong nếu có thể đạt được thoả thuận với NATO, thì cũng sẽ thoả thuận được với Hoa Kỳ về trao đổi thông tin, về điều khiển chung hệ thống an ninh này.

Các chuyên gia quân sự về mọi chuyện có thể thoả thuận được với nhau, nếu có được thiện chí về vấn đề đó. Nhưng nếu người ta cứ khăng khăng bảo rằng “Chúng tôi không muốn tính đến lợi ích của các ngài, chúng tôi cứ làm những gì chúng tôi muốn” thì chúng tôi sẽ xem xét điều đó như đe doạ đối với mình, chúng tôi bằng cách nào đó phái phản ứng lại. Tôi mong cộng đồng dân Mỹ thấu điều này.

Chúng tôi cảm ơn ông Obama

L. King: Ngài đánh giá hoạt động của Tổng thống Obama ra sao?

V.Putin: Đánh giá như thế phải được đưa ra bởi những ai đã bỏ phiếu cho ông ấy, nói rộng ra, là các công dân Mỹ.

Nhưng nếu cần đưa ra đánh giá chuyên môn từ bên ngoài, thì nhìn chung phải nói rằng, tất nhiên tổng thống Obama đang va chạm với các thách thức nghiêm trọng, như cách nói thời thượng hôm nay, đặc biệt là trong kinh tế và lĩnh vực xã hội.


"Chúng tôi cảm ơn ông Obama". Ảnh Daily News


Tôi không có phận sự đánh giá ông ấy làm đúng hay không, khi đưa ra nghị viên đạo luật về y tế, nhưng tôi không nghi ngờ, nhất là trong trường hợp này - rất tế nhị đối với người Mỹ, là Obama đã làm tất cả để đáp ứng những gì người dân Mỹ mong chờ, làm những điều mà ông đã nêu và đã được xác định trong quá trình tham gia tranh cử. Obama đã hứa, và đã giữ lời.

Còn về hoạt động đối ngoại, chúng tôi cảm ơn Obama vì ông đã làm dịu những khẩu khí trong quan hệ Nga - Mỹ, còn trên thực tế, đã lùi thực hiện kế hoạch thành lập khu vực thứ ba trong phòng thủ chống tên lửa ở châu Âu. Điều này tạo cho chúng tôi khả năng đối thoại, chúng tôi giành được thời gian để tìm cách thực hiện kế hoạch mà tổng thống Medvedev vừa đề xuất ở Lisbon.

Larry King: Các điệp viên Nga không do thám theo chỉ thị của Ngài?

L. King: 10 điệp viên Nga vừa bị bắt năm nay ở Mỹ, sau đó được trả cho Nga. Ngài đã gặp họ sau cuộc trục xuất này. Ngài đã có những ấn tượng gì về cuộc gặp họ. Họ kể cho ngài những gì?

V. Putin: Ngài biết đấy, nói chung chúng tôi đã nói về các “công chuyện”, một ít, và đã trò chuyện. Đó dĩ nhiên là cuộc nói chuyện về nhiều mặt.


Điệp viên Anna Fermanova bị buộc tội buôn lậu thiết bị công nghệ cao cho Nga


Điều tôi có thể nói là đó là những con người đáng kính trọng. Tôi đã nói như vậy và có thể nhắc lại: hoạt động của họ về thực chất không làm phương hại lợi ích của nước Mỹ. Như ngài đã biết, họ thuộc về một công tác đặc biệt, đó là tình báo bất hợp pháp, nó có nhiệm vụ riêng của mình, và có thể trở thành cấp thiết, chẳng hạn trong các thời kỳ khủng hoảng, chẳng hạn như trong giai đoạn cắt đứt quan hệ ngoại giao.

Nhờ ơn trời, một tình trạng như thế giữa Nga và Hoa Kỳ (cắt đứt quan hệ) không xảy ra hôm nay, và hy vọng sẽ không bao giờ xảy ra.

L. King:Tức là họ đã không do thám theo chỉ thị của Ngài?

V. Putin: Họ có nhiệm vụ của mình. Tôi xin nhắc lại: họ là tình báo bất hợp pháp, công năng chủ yếu là tích cực làm việc trong các giai đoạn khủng hoảng và cắt đứt quan hệ ngoại giao, khi các phương tiện do thám khác không hiệu quả hoặc không thể tiến hành. Vì thế những người này, xin nhắc lại, không làm hại lợi ích của Hoa Kỳ. Điều rằng bất kỳ nước nào, kể cả Hoa Kỳ, đều tiến hành các hoạt động tình báo, theo tôi, không làm ai phải nghi ngờ.

Nhân tiện tôi nói luôn, phương pháp của tình báo Nga khác một cách ưu việt so với các phương pháp mà tình báo Hoa Kỳ thực hiện. Nhờ ơn Trời, cả những người đã bị bắt, cũng như những nhân viên khác của tình báo Nga và của các cơ quan tình báo khác của Nga đã không bị phát giác là đã tổ chức những nhà tù bí mật, đã bắt cóc người, và đã tiến hành tra khảo họ.

Hồi ký của ông Bush đã… “hơi quên một số chuyện”

L. King: Xin chuyển sang bàn về tổng thồng G. Bush, và hồi ký của ông ấy, cuốn “Những thời khắc quyết định”. Trong sách này Bush mô tả ngài có lúc như một con người tuyệt diệu, có lúc như nhân vật nghiêm nghị, máu lạnh. Ông Bush nói rằng lần đầu tiên gặp ngài, ông ấy đã nhìn vào mắt, và nhìn thấu tâm hồn ngài. Quan hệ của ngài với cựu tổng thống Mỹ ra sao?

V. Putin: Quan hệ thân mật, tốt đẹp, có tình người. Ông ấy đã tới tư thất của tôi. Tôi cũng đã tới tư dinh của ông ấy, tới cả trang trại nữa. Chúng tôi có quan điểm khác nhau về nhiều vấn đề, nhưng tôi có thể phát biểu rõ rằng: G. Bush là con người nghiêm chỉnh và là đối tác dễ chịu. Gia đình của ông ấy cũng rất tốt.Tôi đã rất hài lòng khi tới nhà phụ thân của ông ấy.



Cựu tổng thống Mỹ George Bush ngồi ký tặng sách trong ngày đầu tiên cuốn hồi ký của ông ra mắt, tại Dallas, Texas. Ảnh: AFP.


L. King: Tức là nói chung, và toàn diện, Ngài thích ông Bush?

V. Putin: Về con người, vâng. Nhưng xin nhắc lại: chúng tôi dù sao cũng đã có lập trường khác nhau trong giải quyết cùng vấn đề.

L. King: Khi nào ngài đọc cuốn sách của Bush, nếu định đọc?

V. Putin: Tôi có biết một số đoạn. Và không đồng ý với những gì viết ở đó, tôi cho rằng ông ấy đã hơi quên một số chuyện. Nếu chúng tôi gặp nhau, tôi sẽ nhắc lại cho ông ấy.

Nếu gặp lại, tôi sẽ thử nói chuỵên với ngài bằng tiếng Anh

L. King: Tôi biết ngài đang hoàn thiện tiếng Anh của mình. Ngài từng nói tiếng Anh trong cuộc gặp quốc tế của Hội đồng Olympic. Ngài từng trả lời phỏng vấn của Macthew Chance ở CNN hai năm trước, cũng bằng tiếng Anh. Ngài đã sẵn sàng phát biểu trước công chúng bằng tiếng Anh?

V. Putin: Tiếng Anh của tôi rất tồi. Và trong câu chuyện với ngài, tốt hơn cả là nên chính xác, không mắc lỗi. Tôi và nữ giáo viên tiếng Anh của mình đang học các bài hát tiếng Anh, tập hát. Chuyện này giống như một trò chơi, không hẳn là một tiết học, mà như trở lại với ngôn ngữ như một hình thức nghỉ ngơi thì phải.

Nhưng tất nhiên nếu chúng ta gặp lại, nếu ngài đến Moscow, tôi sẽ thử nói chuyện với ngài bằng tiếng Anh. Dĩ nhiên là tôi hiểu được nhiều. Điều này đã giúp tôi không cần đến phiên dịch, có thể giao lưu với đồng nghiệp trong các khung cảnh bán chính thức.

Tôi nghĩ FIFA nên xem lại, còn tôi sẽ không tác động gì để có lợi cho Nga

L. King: Tuyệt. Trong tuần này, FIFA sẽ thông báo nước nào sẽ đăng cai giải bóng đá thế giới năm 2018. FIFA, tổ chức này có tên gọi khác nhau ở các nước. Thiết nghĩ, nước ngài sẽ có cơ hội tổ chức giải vô địch này không?

V. Putin: Tôi nghĩ rằng cơ hội là có. Tôi biết rằng đối thủ của chúng tôi nhấn mạnh rằng nước họ đã sẵn sàng để tiến hành giải vô địch ở đó. Triết lý của FIFA là mở rộng bóng đá toàn cầu, mở rộng không gian bóng đá ra toàn thế giới. Và ở Đông Âu chưa từng tiến hành giải thế giới, vì thế chúng tôi là ứng viên duy nhất.

Nhưng vấn đề là ở chỗ khác. Vấn đề là gần đây, trong tiến trình đua tranh của các thành viên FIFA, theo tôi, đã có sự bôi nhọ và tìm cách dàn xếp này khác. Thực tế, đây là một tổ chức không chỉ tiến hành tổ chức các trận cầu, mà còn làm một chức năng quan trọng nhất đối với thế giới hôm nay: không những tuyên truyền cho lối sống lành mạnh, giúp nhiều người tránh xa thuốc phiện, say rượu, trước hết là thanh niên, mà còn thiết lập quan hệ con người với nhau, giữa các dân tộc, giữa các quốc gia. Đây là một chức năng quan trọng bậc nhất.

Chúng tôi hết sức mong rằng các thành viên FIFA sẽ quyết định để Nga đăng cai lần này.

L. King: Ai đang làm chuyện ấy (bôi nhọ)?

V. Putin: Trong điều kiện cạnh tranh, nhiều vị đã thử làm chuyện đó. Chúng tôi biết rằng nhiều thông tin xuất hiện trên BBC, nhưng cáo buộc một đằng, chứng minh một nẻo, và đây là một cách thức không đứng đắn trong tranh đua quyền được tiến hành giải vô địch thế giới.

L. King: Ngài sẽ sang Zurich để phát biểu tại đó?

V. Putin: Tôi đang suy nghĩ về việc này. Nhưng tôi cho rằng trong điều kiện hiện nay, khi các thành viên FIFA còn chịu những chỉ trích và cả những lôi kéo vào chuyện dàn xếp, cần phải tạo cho những nhân vật này khả năng ra các quyết định khách quan, không chịu áp lực bên ngoài.

Tôi đã luyện tập thể thao suốt đời, và yêu bóng đá, nhưng tôi nghĩ rằng mình sẽ không xuất hiện ở đó cho tới khi bỏ phiếu, để không biến thành một nhân tố gây sức ép lên quyết định.

Nga không cấm người đồng tính tham gia quân đội

L. King: Ở Mỹ hiện đang thảo luận sôi động về chủ đề trai gái đồng tính phục vụ trong quân đội. Chính sách của Nga đối với người đồng tính phục vụ trong quân đội ra sao?

V. Putin: Tôi đã từng trả lời những câu hỏi tương tự. Ở Nga, cũng như ở châu Âu nói chung, vấn đề giảm dân số đang khá nghiêm trọng. Chúng tôi đang tiến hành những cố gắng nghiêm túc để phá vỡ tình trạng này, và chúng tôi có khả năng đạt kết quả. Chúng tôi có lẽ đang có được những chỉ tiêu tốt nhất về mặt này so với toàn châu Âu - về mặt nhịp độ xoay chuyển tình thế. Chúng tôi, lần đầu tiên sau 10 – 15 năm, đã có xu thế bền vững về tăng tỷ lệ sinh đẻ. Và trong năm nay chúng tôi đã có được một mức tăng nào đó về dân số.

Còn về các cuộc hôn nhân cùng giới, như ta biết, không sản sinh được hậu duệ. Chính vì thế dù chúng tôi khá nhẫn nại trong cư xử với thiểu số về tình dục, chúng tôi vẫn cho rằng quốc gia phải cổ vũ các qui trình sinh ra trẻ em, ủng hộ thiên chức làm mẹ, quan tâm đến tuổi thơ, đến sức khoẻ cộng đồng.

L. King: Nhưng những người đồng tính vẫn tích cực tham gia quân đội và công khai rằng họ là những người đồng tính?

V. Putin: Chúng tôi không cấm. Ở Liên Xô từng có điều luật hình sự, được gọi là điều khoản cấm giao hợp giữa đàn ông với nhau. Nhưng trong luật pháp Nga hiện nay không có tội danh như vậy, và không có sự cấm đoán nào.

Với tôi, quan tâm tới các loài đang tuyệt chủng là bổn phận

L. King: Cách đây không lâu ngài đã tham gia một cuộc họp thượng đỉnh ở Sankt - Peterburrg về bảo vệ loài hổ. Ngài cũng mời Leonardo Di Kaprio vào cuộc họp này. Vì sao ngài quan tâm đến hổ như vậy?

V. Putin: Tôi không chỉ quan tâm đến hổ. Tôi yêu thiên nhiên nói chung. Những người như tôi trên hành tinh này, nhờ ơn trời, có nhiều. Tôi chẳng qua là một trong họ.

Còn nói về hổ, thì sự quan tâm đến chúng lại xuất phát từ Mỹ, kể cũng lạ. Tôi có xem TV thấy một phóng sự nói về các chuyên gia Mỹ và Nga đang làm việc bảo vệ loài hổ. Tôi xin thú thật là đã xấu hổ. Vì các đối tác Hoa Kỳ lại sang giúp chuyên gia chúng tôi giải quyết vấn đề này. Tôi đã đến đó, và chúng tôi đã cùng soạn ra một chương trình bảo vệ hổ ở Viễn Đông.

Nhân tiện, xin nói rằng các nỗ lực bảo vệ hổ đã được tiến hành cả từ thời Liên Xô cho tới nay, và đã cho các kết quả tích cực. Ở Nga vài chục năm tước chỉ còn có 20 – 30 con hổ, nhưng hôm nay đã có tới 500 con. Đây dù sao cũng là kết qủa của công việc có hướng đích cao. Nhưng chúng tôi không chỉ chăm lo hổ. Chúng tôi còn quan tâm đến các loài đang tuyệt chủng khác. Và tôi mong rằng ngày càng có nhiều người tham gia vào sự nghiệp này. Vì có nhiều người muốn tham gia, nhưng không nhiều người có khả năng. Tôi có khả năng này, và tôi coi đây là bổn phận của mình.

Larry King: Phu nhân của ngài có thích cương vị “người phụ nữ số 1”?


Putin và vợ. Ảnh chụp năm 2004.

L. King: Và từ đây là các câu hỏi liên quan đến đời tư, thưa ngài thủ tướng. Tôi hy vọng sẽ được tới thăm ngài ở Moscow. Ngài phải đảm bảo an toàn cho đời sống riêng. Nhiều người không biết rằng ngài có hai con gái. Vì sao ngài phải bảo vệ gia đình mình?

V. Putin: Ngài biết đấy, rất tiếc là nước Nga có nhiều vấn đề liên quan tới nạn khủng bố, vậy chúng tôi phải quan tâm đến an toàn của các thành viên trong gia đình, trước hết là con cái mình, con gái mình. Các cháu sống cuộc sống bình thường, đang học đại học. Cả hai con gái tôi đều hài lòng, đều có bạn bè, mọi sự ổn. Tuy nhiên, tôi không thấy cần để hai con gái tôi thành nhân vật của công chúng, và bản thân các cháu cũng không muốn.

L. King: Phu nhân của ngài có thích cương vị “người phụ nữ số 1”?

V. Putin: Nhà tôi không phải là “người phụ nữ số 1”. Đó là phu nhân tổng thống Nga.

L. King: Nhưng trong quá khứ, bà nhà có thích?

V. Putin: Về nguyên tắc, vợ tôi không phải là người ham chuộng các hoạt động đập vào mắt công chúng. Tôi nghĩ nhà tôi đang gánh vác, một cách xứng đáng, các bổn phận của mình.

L. King: Ngài có kế hoạch thăm Hoa Kỳ trong một tương lai gần?

V. Putin: Hiện tại chuyến đi như thế chưa có trong kế hoạch của tôi. Vì vấn đề này rất cụ thể, cần được sắp xếp, chuẩn bị. Hiện tôi đang tập trung vào vấn đề nền kinh tế Nga. Còn nếu phát sinh yêu cầu đi thăm Hoa Kỳ, tôi sẽ rất vui lòng sang đó gặp gỡ những người đồng nhiệm, thảo luận các vấn đề nghị sự, và triển vọng hợp tác của chúng ta.

Và... Putin hỏi ngược: Tại sao vua truyền thông ra đi?

L. King: Ngài vẫn giữ quan hệ với ngài Gorbachov?

V. Putin: Hoạ hoằn thôi, nhưng tôi có gặp ông. Ông thỉnh thoảng có gọi điện cho tôi. Chúng tôi vẫn giữ quan hệ.

L. King: Ngài thủ tướng, về tình hình chung trên toàn thế giới, ngài đang lạc quan hay bi quan?

V. Putin: Các vấn đề phức tạp đang gia tăng so với trước. Nhưng, tôi vẫn là người lạc quan. Theo tôi, chúng ta có thể đạt thỏa thuận về những vấn đề nan giải nhất mà hôm nay tưởng như không giải quyết nổi. Và bằng hợp tác trong nỗ lực chung, chúng ta sẽ đảm bảo được sự phát triển tuần tự cho đất nước của chúng ta, có thể cùng giải quyết các vấn đề chính liên quan đến an ninh và phát triển.



Putin: "Tôi không hiểu vì sao ông vua lại ra đi". Ảnh NYMag

L. King: Ngài thủ tướng, tôi hết sức cảm tạ ngài. Tôi hy vọng sẽ gặp lại ngài một ngày gần đây trên đất Nga.

V. Putin: Larry, tôi mời ngài sang Nga, tôi sẽ chờ tại Moscow. Ngài chưa từng sang Nga. Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng ngài sẽ thích.

L. King: Một lần nữa xin hết sức cảm ơn ngài Putin, Thủ tướng nước Nga. Xin cảm ơn.

V. Putin: Có thể hỏi ngài một câu hỏi? Tôi không hiểu vì sao ông vua lại ra đi. (King - họ của ông Larry, có nghĩa là Vua. Ở đây Putin chơi chữ - người dịch). Trong giới truyền thông Hoa Kỳ có rất nhiều người tài năng và thú vị. Nhưng vua thì chỉ có một. Tôi không hỏi vì sao ông vua lại ra đi. Nhưng theo ý ngài, đến lúc nào chúng tôi lại có quyền reo: “Hoàng đế muôn năm”? Khi nào sẽ lại có người nổi danh khắp toàn cầu, như ngài?

L. King: Cảm ơn. Tôi không có câu trả lời cho câu hỏi này.

V. Putin: Cảm ơn ngài rất nhiều.

L.King: Tôi sẽ gặp ngài vào năm sau.

V. Putin: Tạm biệt.
Nguồn:Bee.net.vn
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Lương thiện: Sức mạnh của người lãnh đạo

    28/11/2013Sông ThươngĐối với mỗi người dân, nhà lãnh đạo không chỉ là người có tài quản lý mà trước hết đó phải là một công dân lương thiện, trung thực. Luôn có cơ hội để các nhà lãnh đạo biểu thị sự gây ảnh hưởng về đạo đức của mình, nhưng điều quan trọng là họ có biết vận dụng mọi cơ hội chứng tỏ mình là một nhà lãnh đạo vĩ đại.
  • Chỉ sống thôi đã là hạnh phúc

    25/12/2009Nguyễn Trung Tín"Tôi nghĩ rằng chỉ riêng việc chúng ta đang sống đã là một hạnh phúc mà đấng tối cao ban tặng cho chúng ta rồi. Chúng ta thường hay quên rằng cuộc đời có hạn. Nếu chúng ta luôn nhớ điều này thì chúng ta sẽ hiểu rằng, mỗi một ngày được sống là một ngày hạnh phúc" - Vladimir Putin
  • Cường quốc và vai trò lãnh đạo thế giới

    22/12/2009Nguyễn Trần BạtLãnh đạo, là việc xúc tiến sự đồng thuận nhằm đạt được các mục tiêu chính trị - xã hội, nói cách khác, đó là việc tìm kiếm sự chấp nhận đối với hệ thống giá trị của mình như những quy tắc lẽ phải của đời sống, nhằm giải quyết những xung đột và điều hoà lợi ích giữa các quốc gia. Khác với nô dịch về mục đích và phương thức tiến hành, lãnh đạo là một hoạt động nghệ thuật và khoa học...
  • Putin 10 năm quyền lực và chúng ta học được gì?

    10/08/2009Nguyễn Tất ThịnhHôm nay chúng ta nói về V.Putin – Một tính cách Nga điển hình, một nhân cách Chính khách kiệt xuất, một người đàn ông có thể làm thần tượng cho nhiều người – ông ấy đã có đúng 10 năm thành công trên cương vị lãnh đạo tuyệt đỉnh của mình...
  • Lãnh đạo trước hết là con người

    07/05/2008Huyền ChiTrở thành Tổng thống Nga ở tuổi 43, ông Dmitry Medvedev đang cố gắng hoàn thiện sao cho xứng với danh hiệu thần tượng của giới trẻ - người kế nhiệm xuất sắc của Tổng thống Vladimir Putin. Khác với vẻ ngoài nghiêm nghị, cứng rắn của một nhà lãnh đạo, ông thật sôi nổi, trẻ trung, hiện đại và dí dỏm trong cuộc sống đời thường...
  • Ai mất nước Nga?

    13/11/2007SorosSự sụp đổ của đế chế Soviet năm 1989 và sau đó Liên Xô năm 1991 đã cho một cơ hội lịch sử để biến đổi khu vực thành các xã hội mở. Nhưng các nền dân chủ Tây phương đã thất bại để nắm lấy cơ hội; cả thế giới chịu các hậu quả. Liên Xô và sau đó nước Nga đã cần sự giúp đỡ từ bên ngoài vì xã hội mở là một hình thức tổ chức xã hội tinh tế hơn xã hội khép kín.
  • Phương pháp hỏi - một nghệ thuật lập luận

    21/02/2003Trong cuộc sống chúng ta luôn cần tới sự lập luận. Đặt câu hỏi cũng là một cách lập luận. Có bao giờ bạn dùng câu hỏi để bày tỏ ý kiến của mình không?
  • xem toàn bộ