Sa sút đạo đức, nỗi đau xã hội

12:52 CH @ Chủ Nhật - 13 Tháng Sáu, 2010

Những clip video của những tay quay không chuyên nghiệp được tung lên mạng về “nữ sinh đánh nhau” đang gây bức xúc trong dư luận xã hội. Và rồi các báo liên tục đưa tin về bạo lực học đường: Một học sinh lớp 10 dễ dàng đâm chết bạn với một con dao thủ sẵn trong cặp sách vở.

“Sáu vụ đánh “hội đồng” trong 9 ngày, từ ngày 10-3 tại Hà Nội, 17-3 tại Bình Dương và tại Gia Lai ngày 19-3” [báo Tuổi Trẻ ngày 21-3-2010]; “thêm một clip “tra tấn” bạn học tại trường Lê Quý Đôn ở quận Hà Đông - Hà Nội: Nạn nhân bị bạn học kéo tóc, dùng giày cao gót đạp vào mặt, vào lưng, vào đầu… đánh ngoài hành lang chưa hả, nữ sinh này vẫn kéo xềnh xệch bạn vào trong lớp đánh tiếp. Đứng xem màn “tra tấn” này là rất nhiều nam nữ sinh mặc đồng phục, mang phù hiệu trường Lê Quý Đôn…” [báo Người Lao Động ngày 24-3-2010].

Chỉ cần gõ từ khóa “nữ sinh đánh nhau” vào trang web tìm kiếm Google, trong 0,36 giây đã cho ra hơn 2 triệu kết nối liên quan

Sẽ kinh hoàng hơn nếu gõ vào mục tìm kiếm của Google cụm từ “nữ sinh đánh nhau” sẽ nhận được chằng chịt những thông tin về “chuyên mục” đau lòng này. Càng kinh hoàng hơn nữa với con số sau đây: 96,7% số học sinh được hỏi cho rằng ở trường có xảy ra hiện tượng nữ sinh đánh nhau, 64% nữ sinh thừa nhận từng có hành vi ấy; 57,3% số nữ sinh đã từng đánh nhau cho rằng “hành vi đó là bình thường” và 39,6% cho là “chấp nhận được”! Đây là con số đưa ra từ một cuộc khảo sát có trách nhiệm tại hai trường THPT tại quận Đống Đa của thủ đô [báo Thanh Niên ngày 25-3-2010].

Và, đâu chỉ học sinh, một nữ giáo viên cùng với người yêu treo cổ tự tử tại một nhà nghỉ ở Buôn Mê Thuột sau khi để lại bức thư tuyệt mệnh, trước đó mấy ngày cô giáo này vẫn dạy học bình thường! [báo Thanh Niên ngày 23-3-2010].

Nhưng chắc chắn là không bình thường khi số người đến khám các chứng bệnh về tinh thần mỗi tháng tại Bệnh viện Tâm thần TP.HCM bằng số bệnh nhân của cả năm cách đây 10 năm! Nguyên nhân nào dẫn đến việc 400 bệnh nhân tâm thân phải nhập viện mỗi ngày so với 70 người chỉ cách đây 5-10 năm tại bệnh viện này? [báo Người lao động ngày 26-3-2010].

Rồi những con số sau đây đang nói lên điều gì : 25% gia đình có bạo lực tinh thần và 30% gia đình có bạo lực cưỡng ép quan hệ tình dục! Đây là kết quả khảo sát tại sáu tỉnh thành ở Việt Nam của Dự án AECID [Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Tây Ban Nha] do Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Cần Thơ thực hiện [báo Người lao động ngày 23-3-2010].

Bạo lực gia tăng là nỗi đau không của riêng ai, dù là bạo lực gia đình, bạo lực học đường, bạo lực ngoài đường phố… thì cũng đều là những vết thương cứa vào cơ thể xã hội. Những vết thương ấy nếu không được kịp thời chữa trị bằng những liệu pháp vừa mang tính cấp cứu, vừa có tính cơ bản lâu dài, thì di lụy của chúng sẽ thật khó lường.

Xã hội là sản phẩm của sự tác động qua lại giữa người và người. Vì thế, suy rộng ra, khi mối quan hệ giữa người với người được thực hiện bằng bạo lực thì vào lúc ấy, tính người đã bị đánh mất, thay vào đó là ứng xử của loài thú cào cấu, cắn xé lẫn nhau để khẳng định sự tồn tại của mình! Sử dụng bạo lực trong mối quan hệ giữa người và người trong xã hội, trừ những trường hợp phải trấn áp và trừng trị kịp thời những kẻ đang thực hiện hành vi thú tính gây tổn thương cho người lương thiện, tức là đã tự hạ thấp hoặc đánh mất nhân cách của chính mình, làm tổn thương đến cộng đồng.

Điều này phải được dạy cho trẻ con ngay từ trong gia đình, từ các lớp mầm non, cho đến tuổi trưởng thành. Không phải dạy bằng lý thuyết, mà bằng hành vi và ứng xử của người lớn, bằng những thói quen ứng xử hằng ngày giữa trẻ với trẻ, trở thành tập quán được định hình trong cộng đồng. Đừng quên rằng “có thể nói sau 5, 6 tuổi, tính tình con người ta đã hình thành rồi, giáo dục khó mà biến đổi”, đó là lời nhắc nhở của học giả đáng kính Nguyễn Khắc Viện.

Dẫn ra điều này để nói rằng, những hiện tượng vừa nói ở trên không hề ngẫu nhiên, mà là hệ lụy của cả một quá trình sống trong một môi trường xã hội đang có quá nhiều vấn đề, mà ánh phản chiếu trung thực của nó là sự xuống cấp đau lòng của hệ thống giáo dục và đào tạo. Nói là ánh phản chiếu với hàm ý rằng: ngành giáo dục đào tạo không thể không chịu trách nhiệm về sự kiện đau lòng nói trên.

Song chỉ quy tội cho sự yếu kém và bất cập của hệ thống này thì chưa đủ, mà nếu chỉ thế, thì không thể đưa ra được giải pháp hữu hiệu. Phải đặt hệ thống này vào trong hệ thống lớn hơn với những bất cập ở tầm vĩ mô, để không thể không phân tích một cách trung thực thẳng thắn với thái độ nhìn thẳng vào sự thật, nghiêm túc chỉ ra những sự thật vốn thường được né tránh và kiêng kỵ. Đã đến lúc phải vượt qua sự né tránh đó.

Xin chỉ dừng lại về hiện tượng tự sát của cô giáo và người yêu vừa dẫn ra ở trên với những nguyên nhân, nói ra thì thật nhẫn tâm, nhưng quả là “lãng nhách” chẳng đâu vào đâu. Nói “lãng nhách”, là để nói về động cơ đẩy tới sự kết thúc mạng sống của con người một cách quá dễ dàng, nhưng đằng sau động cơ trực tiếp thúc đẩy con người tìm đến cái chết là cả một quá trình cá nhân ấy đã tách rời khỏi các giá trị và các mong đợi được chia sẻ bởi những người xung quanh họ.

Khi một thành viên xã hội đã bị nhạt nhòa hoặc đã mất đi trong họ cái chuẩn mực mà dựa vào đó, những hành vi và những mong đợi của họ được điều chỉnh, khi mà niềm tin xã hội, niềm tin vào cuộc sống đã bị mất đi thì chính đó là nguyên nhân sâu xa dẫn đến những hành động bất ngờ, khó lường được xem là “lãng nhách” nói trên!

Theo quan niệm thông thường, tự tử là một trong những hành động có tính cá nhân nhất thì, với Emile Durkheim, tác giả của công trình nghiên cứu kinh điển về “Tự tử” ra đời năm 1897: ngay trong hành động đơn độc và cá nhân này vẫn có cái gì đó nằm ngoài ý thức cá nhân, đó là “xã hội”. Chính “xã hội” không chỉ là một nhân chứng cho hiện tượng đơn độc và cá nhân nói trên, mà còn là “người điều khiển tấn bi kịch này”!

Đặc trưng của các sự kiện xã hội là chúng phát huy một sự cưỡng bức đối với các cá nhân. Các nguyên nhân của các hiện tượng xã hội phải được tìm về trong môi trường xã hội. Durkheim cho rằng: “các xã hội có những thực tế của chúng không thể quy về các hành động và động cơ của các cá nhân, mà là các cá nhân đều do các môi trường xã hội nhào nặn”. Vì thế, “nguồn gốc đầu tiên của mọi quá trình xã hội có một tầm quan trọng nào đó phải được tìm kiếm trong sự cấu tạo của môi trường xã hội bên trong”.(*)

Đưa ra quan điểm của Durkheim nhằm dẫn đến một khuyến cáo: cần phân tích một cách thấu đáo cấu trúc xã hội, môi trường xã hội đang bị xáo trộn dữ dội với những biến thái phức tạp để tìm ra nguyên nhân của các hiện tượng xã hội đang là nỗi bức xúc nói trên. Có nghĩa là, phải xem những chuyện “nữ sinh đánh nhau”, rồi bạo lực gia đình, bạo lực học đường, bạo lực đường phố, bệnh tâm thần tăng cao, tự tử… là những hiện tượng xã hội với nhận thức rằng xã hội vừa là mục tiêu vừa là động lực của kinh tế.

Đã quá muộn để nói rằng, trong một thời gian khá dài, mục tiêu xã hội chưa được nhìn nhận một cách đúng mức để lấy đó làm điểm quy chiếu cho việc đánh giá đúng sai của Cương lĩnh và Chiến lược phát triển đất nước. Có thể trong câu chữ, trong các mệnh đề mang tính kêu gọi, từ những Nghị quyết của Đảng, các văn bản của Nhà nước thì vẫn có, thậm chí rất thuyết phục, song trong chỉ đạo thực hiện, trong hành động cụ thể, thì lại quá yếu kém, bất cập bởi nhiều nguyên nhân.

Vì thế, phải nhìn cho ra, từ những hiện tượng xã hội bức xúc nói trên là những chỉ báo sống động và trung thực về hệ thống giá trị đang bị xáo trộn, những chuẩn mực xã hội đang bị chao đảo, kết cấu hạ tầng tâm lý xã hội [infrastructure socio-psychologique ] chưa được nhìn nhận một cách thấu đáo để vừa cải tạo nhằm khắc phục những khuyết tật, vừa có chiến lược xây dựng một cách cơ bản tương thích với mục tiêu phát triển đất nước trong bối cảnh của thời đại.

Đã đến lúc phải nhìn thẳng vào sự thật cho dù đó là một sự thật đau lòng về bạo lực gia tăng. Đây là nỗi đau không của riêng ai, nỗi đau xã hội!

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Các giá trị Đạo đức

    21/05/2018Nguyễn Trần BạtVai trò định hướng cho các ứng xử của con người và cộng đồng người thuộc về đạo đức, mà cái gốc của nó là cái thiện, một trong ba giá trị phổ quát nhất trong đời sống tinh thần của nhân loại: chân, thiện, mỹ...
  • Mối quan hệ giữa tình cảm và lý trí trong ý thức đạo đức

    12/02/2015Nguyễn Văn ViệtChúng ta đều biết, mỗi hành động đạo đức đều xuất phát từ những cơ sở nhất định của một ý thức đạo đức. Trên cơ sở ý thức đạo đức, chủ thể hành động đưa ra những phán quyết cho một sự kiện cần phải có sự đánh giá về mặt đạo đức. Do vậy, việc hiểu rõ cơ sở ý thức đó là gì và bản chất của nó là như thế nào đó là điều có ý nghĩa quan trọng trong việc định hướng xây dựng, bồi dưỡng ý thức đạo đức...
  • Giá trị đạo đức và sự biểu hiện của nó trong đời sống xã hội

    25/10/2014Mai Xuân Hợi...sự tiến bộ của đạo đức là do những giá trị đạo đức trong lịch sứ phát triển của nó tạo thành. Trong các học thuyết về đạo đức, có học thuyết chỉ có giá trị thúc đẩy tiến bộ xã hội ở một thời điểm nhất định nào đó, nhưng cũng có những học thuyết đạo đức có thể có giá trị lâu dài đối với sự phát triển xã hội...
  • Một số biểu hiện của sự biến đổi giá trị đạo đức trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay và giải pháp khắc phục

    08/11/2010Nguyễn Đình TườngGiáo dục đạo đức trong gia đình. Đây là công việc hết sức quan trọng nhằm tạo tiền đề xuất phát cho giáo dục đạo đức trong nhà trường và ngoài xã hội, bởi gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng trong việc giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách cho mỗi người công dân ngay từ nhỏ cho đến khi trưởng thành.
  • Con người và vai trò của giáo dục

    24/03/2009Phan Chánh DưỡngĐiều hết sức quan trọng mà thầy cần rèn cho trò tại trường là phương pháp tiếp cận thông tin, quan sát và nhận dạng vấn đề, hình thành nhận thức mới đúng đắn và ngang bằng với trình độ chung của học sinh cùng bậc ít nhất là của các nước tiên tiến trong khu vực.
  • Đạo đức và suy thoái đạo đức

    23/01/2009Cao Tự ThanhĐạo đức là ánh phản về một trật tự xã hội hay ít nhất cũng thể hiện một quan niệm về trật tự xã hội cụ thể với các lợi ích và nhu cầu xã hội xác định. Cho nên nó là một hệ thống ý thức xã hội, thực tiễn xã hội quy định thế nào là đạo đức cũng như lợi ích và nhu cầu sẽ quy định ý thức đạo đức của cá nhân hay nhóm xã hội...
  • Đạo đức gia đình trong nền kinh tế thị trường

    22/05/2007Nguyễn Thị KhoaĐạo đức gia đình là toàn bộ những quan niệm về giá trị và quy phạm về hành vi của con người trong vấn đề hôn nhân và gia đình. Mọi cử chỉ, hành vi, thái độ của mỗi người về hôn nhân và gia đình vừa thể hiện bản chất đạo đức cá nhân, vừa cho biết bản chất đạo đức của mối quan hệ trong gia đình. Sự hình thành đạo đức gia đình không chỉ dựa trên những quy định của pháp luật, của phong tục tập quán và truyền thống dân tộc, mà còn dựa trên niềm tin và dư luận xã hội.
  • Vấn đề xây dựng đạo đức trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường

    21/05/2007Đỗ Lan HiềnKinh tế thị trường đi liền với cuộc sống hối hả chạy đua, người giàu mải miết làmăn, tiền bạc có thể dư thừa nhưng thời gian dành cho gia đình, con cái lại khan hiếm, sự giáo dục gia đình bị suy giảm, phó thác cho giáo dục nhà trường và xã hội, người nghèo mải vật lộn kiếm sống, ít nghĩ đến nhân phẩm, đạo đức.
  • Khoa học, công nghệ và đạo đức trong điều kiện kinh tế thị trường

    14/05/2007Nguyễn Đình HòaCuộc cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại đang diễn ra hết sức mạnh mẽ trên thế giới và tác động sâu sắc đến quá trình phát triển của các nước, nhất là các nước đang và chậm phát triển.
  • Vấn đề bảo vệ các giá trị đạo đức truyền thống trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam

    04/05/2007Lê Thị Tuyết BaTừ khi chúng ta chuyển sang nền kinh tế thị trường, bên cạnh rất nhiều cái được, đã xuất hiện những cách sống và lối sống xa lạ, trái với các chuẩn mực của xã hội, bất chấp những truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Một bộ phận trong các tầng lớp, các thành phần xã hội khi mưu cầu lợi ích cá nhân đã chà đạp lên nhưng khuôn mẫu, những giá trị đạo đức đích thực.
  • Đạo đức xã hội

    22/03/2007GS, TS. Nguyễn Duy QuýMặt tráicủa kinh tế thị trường đã thâm nhập rất mạnh, ngày càng mạnh và sẽ còn tiếp tục gay gắt hơn nữa trong những thập kỷ tới. Những mặt trái này đã chậm được nhận thức, chậm phát hiện, chậm xử lý.Hiểu biết phiến diện về kinh tế thị trường, trong đó điều đáng nói là kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, đạo đức và lối sống tư sản đã không được nghiên cứu đầy đủ, không thấy hết những ảnh hưởng, tác động tiêu cực của nó vào nước ta khi mở cửa và hội nhập... đã dẫn tới sự xem nhẹ, coi thường những bảo đảm đạo đức và văn hóa nói chung đối với xã hội...
  • Tự do đạo đức của chủ thể trong đạo đức học I.Cantơ

    09/01/2007Vũ Thị Thu LanLuận chứng cho việc giải phóng đạo đức học khỏi mọi sự tư biện siêu hình học là một vấn đề triết học mà I.Cantơ đã đặt ra và giải quyết. Đây được coi là một đóng góp quan trọng của ông cho việc xác định bản chất của tri thức triết học.
  • Về một số giải pháp xây dựng nhân cách đạo đức hiện nay

    25/06/2006PTS. Nguyễn Văn PhúcSự hình thành nhân cách nói chung, nhân cách đạo đức nói riêng, bị quy định bởi tổng thể những điều kiện kinh tế xã hội và bởimột hệ thống giáo dục do chính những điều kiện kinh tế - xã hội đó quy định. Tuy vậy, để xây dựng nhân cách đạo đức, trước hết cần phải tính đến những nhân tố cơ bản quy định sự hình thành và phát triển nhân cách đạo đức để từ đó, rút ra những giải pháp khả thi...
  • Giá trị đạo đức- giá trị bản thân và giá trị xã hội

    11/03/2006Ngô ToànĐạo đức là một hệ thống giá trị, một hiện tượng xã hội mang tính chuẩn mực, thể hiện mệnh lệnh, đánh giá rõ rệt...
  • Xã hội hoá giáo dục

    15/09/2005Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult GroupGiáo dục luôn là vấn đề trung tâm của đời sống xã hội vì nó quyết định tương lai của mỗi người và của cả xã hội. Thực trạng nhức nhối của nền giáo dục Việt Nam hiện nay - nguyên nhân làm trì trệ sự phát triển của Việt Nam - đặt ra vấn đề phải cải cách giáo dục và xã hội hóa giáo dục là một trong những giải pháp được đặt ra sôi nổi nhất. Phải khẳng định, xã hội hóa giáo dục là tinh thần, là nội dung quan trọng nhất của cải cách giáo dục, đảm bảo sự thành công của cải cách giáo dục?
  • xem toàn bộ