Sách rác

07:49 CH @ Thứ Bảy - 14 Tháng Giêng, 2017

Nhà văn Mark Twain từng căn dặn: "Hãy cẩn thận khi đọc sách về sức khỏe. Bạn có thể bỏ mạng vì một lỗi in ấn". Nhưng sau một trải nghiệm có được cách đây 10 năm, tôi trở nên cẩn thận với nhiều loại sách, không riêng gì sách về sức khỏe.

Khi mới ra trường, tôi mơ ước trở thành một biên tập viên sách. Cơ hội vào các nhà xuất bản với tôi lúc đó là bằng không, nên tôi bắt đầu bằng cách xin việc ở một nhà sách. Tôi dễ dàng được nhận và nhanh chóng được giao việc với sự chỉ dẫn: Làm theo những gì người khác đang làm. Nhà sách nơi tôi làm có 4 - 5 người, mà họ gọi là biên tập viên. Mỗi người đều cắm cúi trên một bản thảo, xung quanh họ có chừng 5 - 6 cuốn sách khác, cùng chủ đề. Một bạn cỡ tuổi mới ra trường như tôi, đang viết một cuốn sách về kinh nghiệm trồng một số loại cây, giải thích cho tôi cách viết sách: Chỉ cần đưa ra một danh sách các loại cây mình muốn, sau đó "xào nấu" từ nhiều nguồn sách được cung cấp để tổng hợp lại và thế là thành sách kinh nghiệm.

.

Tôi bỏ việc trước khi kịp hoàn thành bản thảo dạy cách trang điểm đã trót đăng ký, vì tôi không đủ tự tin có thể giúp ai đó đẹp hơn, khi bản thân mình còn chưa biết đánh má hồng cho đúng cách. Thời gian ngắn ở đây đã gieo vào lòng tôi những băn khoăn ban đầu về quy trình ra đời của loại sách mà sau này tôi biết là "sách liên kết xuất bản".

Người giúp tôi hiểu rõ hơn quy trình này là một người bạn, cũng làm việc cho một công ty sách, nhưng không phải ở vị trí biên tập mà là "chạy giấy phép". Công ty của cậu ấy làm mọi khâu, từ chọn sách, liên hệ mua bản quyền, triển khai dịch, biên tập, thiết kế bìa đến dàn trang... Cuối cùng, khi phải có một cái giấy phép để khai sinh cuốn sách, họ mới cần đến nhà xuất bản.

Quanh cái giấy phép, mỗi nhà xuất bản có một cách làm việc riêng với đối tác của mình. Có nhà đọc qua bản thảo, duyệt kỹ nội dung lẫn bìa rồi mới cấp phép. Có nhà hầu như chỉ soát lỗi chính tả. Nhưng, có những nhà xuất bản không làm gì, chỉ bán giấy phép. Với những trường hợp này, bạn tôi kết luận, đó là mối quan hệ cộng sinh giữa một bên "có tất cả chỉ thiếu cái giấy phép" và một bên "thiếu tất cả chỉ có cái giấy phép".

Với một quy trình kết hợp giữa sự vô trách nhiệm của nhà xuất bản và sự liều lĩnh, cẩu thả của một số đơn vị làm sách, tôi không cảm thấy quá khó hiểu trước những sai phạm xảy ra liên tiếp với các sản phẩm liên kết xuất bản thời gian qua. Điều tôi thấy khó hiểu là cách người ta xử lý những vi phạm đó quá nhẹ nhàng. Hai biện pháp phổ biến nhất là thu hồi sách và phạt hành chính, được áp dụng cho từ sách đồng dao nhố nhăng, sách từ điển ngớ ngẩn cho đến sách luật in bìa phản cảm…

Với một ấn phẩm sai phạm, thu hồi là hành động đầu tiên, đương nhiên phải làm. Nhưng thay vì để đến chỗ phải thu hồi, người ta hoàn toàn có thể ngăn chặn trước việc phát hành những ấn phẩm sai sót. Các cuốn sách đều cần nộp lưu chiểu trước khi ra thị trường. Nhưng khâu đọc lưu chiểu, trong nhiều trường hợp, đã được làm không tốt hoặc tệ hơn - bị coi nhẹ. Thu hồi chỉ là biện pháp cực chẳng đã, bởi làm sao thu hồi được những thứ mà ai đó đã lỡ đọc, lỡ tin mà không hề biết mình đã tin nhầm vào một ấn phẩm rác.

Còn với việc xử phạt hành chính, chủ một công ty sách từng lắc đầu với tôi khi hay tin mới đây NXB Đồng Nai bị phạt 15 triệu đồng và không có hình thức phạt bổ sung nào khác cho các sai phạm liên quan tới loạt Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh tiểu học. Hiện tại, Cục Xuất bản được quyền phạt hành chính lên tới 200 triệu đồng. Nhưng nếu chỉ có thế mà vẫn không có hình phạt bổ sung nào khác, tôi không tin con số đó có thể ngăn chặn được các sai phạm tiếp theo trong lĩnh vực này.

Mới đây nhất, tôi cảm thấy các nhà quản lý dường như đã mạnh tay và kiên quyết hơn trong việc xử lý sai phạm khi nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin bị đề nghị đình chỉ hoạt động. Nhưng khi hay tin, đề nghị đình chỉ được đưa ra sau khi đã xử lý sai phạm lần thứ… 60 của nhà xuất bản này, chỉ riêng trong năm 2014, tôi bỗng thấy trào lên cảm giác hụt hẫng. Giá như các vi phạm được xử lý sớm và kiên quyết hơn. Ít nhất là nếu họ bị đình chỉ ngay sau sai sót liên quan tới cuốn Từ điển tiếng Việtcủa Vũ Chất, độc giả sẽ không phải đón nhận thêm một cuốn Những vị tướng lừng danh trong lịch sử dân tộc với những bức tranh minh họa tùy tiện, méo mó về các nhân vật lịch sử.

Đến bây giờ, tôi biết vẫn có nhiều lớp sinh viên ra trường tìm đến nghề biên tập sách. Không ít trong số họ chọn cách thức "xào nấu" để tạo ra các ấn phẩm. Nếu sự phôi thai các cuốn sách vẫn theo cách dễ dãi đó và nếu việc xử lý sai phạm vẫn diễn ra nhẹ nhàng, lớt phớt ở phần ngọn chứ không giải quyết sâu tận gốc rễ, tôi sợ rằng, sẽ ngày càng có nhiều người như tôi, cảm thấy dè dặt, nghi ngại với sách, dù đáng lẽ, sách đáng được ta tin như tin một người bạn tốt.

Nguồn:Vnexpress
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Review sách “Trí tuệ giả tạo – Internet đã làm gì chúng ta”

    17/05/2019Sử dụng Internet càng nhiều, chúng ta sẽ càng tư duy theo cách và mục đích Internet được thiết kế ra và vận hành : nhanh hơn, nhiều hơn, ngắn hơn, ít kiên nhẫn hơn. Cuối cùng chúng ta dần trở thành một cỗ máy xử lý thông tin bằng xương bằng thịt.
  • Từ vứt bỏ sách cũ có giá trị đến… ồ ạt làm ra sách mới sách rởm

    21/04/2017Vương Trí NhànTại sao lại có tình trạng thê thảm của sách như tôi đã nói ? Ta hãy cùng tìm tới những nguyên nhân đã lùi về xa...
  • Kỳ lạ những người mua sách về chỉ để… ngắm

    21/10/2016Bích NgọcBạn có bao giờ rơi vào tình trạng mua sách về mà mãi không có thời gian để đọc? Sách vẫn cứ “xếp xó”, không thể nào đọc cho đến trang cuối cùng được…
  • Về nhu cầu sách

    27/09/2016Phạm Thị Thanh TâmTrong cuộc sống đấu tranh để sinh tồn và phát triển, con người luôn luôn có mong muốn, đòi hỏi về nhiều lĩnh vực. Đó là mong muốn được thoả mãn về vật chất, tinh thần, trí tuệ và giao lưu tình cảm, trong đó có mong muốn được sử dụng về sách - loại nhu cầu tinh thần, trí tuệ..
  • Chuyên gia lý giải nguyên nhân người Việt ít đọc sách

    29/07/2016Công PhươngMới đây, báo cáo của Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thê thao & Du lịch) đã chỉ ra rằng, tỷ lệ người Việt Nam đọc sách thấp hơn nhiều so với các nước trên thế giới...
  • Buôn sách, bán sách và tình yêu văn học

    25/07/2016Nguyễn HòaQuãng 20 năm trước, khi nhiều trẻ em ở Việt Nam háo hức mong sớm tới đầu tuần để đọc tập Doremon, Animorphs, Harry Potter,… mới phát hành thì có thể coi từ đó ở Việt Nam, sách văn học tồn tại với tư cách hàng hóa đã bước đầu định hình...
  • Đọc sách là hưởng thụ văn hoá

    26/06/2016Vũ QuỳnhTrước khi có các phương tiện nghe nhìn, sách là con đường lớn nhất để con người tiếp cận thông tin, văn hóa và tri thức. Ngày nay, ngoài sách, con người còn tiếp thu thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng như Truyền hình, phim ảnh, Internet... Văn hóa đọc vì thế có những bước thay đổi về chất...
  • Xuất bản sách khoa học thiếu niên: Vạn dặm gian nan

    05/11/2014Đỗ Hoàng SơnỞ nước ta, sách phổ biến khoa học, mở mang kiến thức cho thiếu niên (10-15 tuổi) đang rất trống vắng...
  • xem toàn bộ