Sinh viên muốn được đối xử như người lớn

12:50 CH @ Thứ Sáu - 19 Tháng Mười Hai, 2008

Việt Nam (VN) sẽ mở cửa giáo dục đại học (ĐH) theo cam kết khi gia nhập của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) từ đầu năm 2009. Trong cam kết này, dịch vụ giáo dục được đặt bên cạnh những dịch vụ khác như y tế, viễn thông, phân phối, vận chuyển... SVVN đã có cuộc trò chuyện với TS Phạm Duy Nghĩa (ĐH Quốc gia Hà Nội) trước thời điểm quan trọng này.

Không có WTO vẫn có thị trường giáo dục

Thưa ông, ông có thể nói gì về cam kết mở cửa giáo dục ĐH?

TS Phạm Duy Nghĩa: Có hay không có WTO, có hay không có ngày 1/1/2009 thì thị trường giáo dục của VN đã xuất hiện ở các cấp học và lĩnh vực đào tạo. Chính sách của chúng ta không nhất quán và quan điểm không thương mại hóa giáo dục tồn tại quá lâu đã kìm hãm nên thị trường này ẩn. Như thế, người kinh doanh dịch vụ không được thoải mái, người thụ hưởng (người học và phụ huynh) không có quyền đáng kể .

Đôi khi, do sản phẩm và chất lượng giáo dục trong nước không đa dạng, rất nhiều phụ huynh và học sinh VN đã mua dịch vụ ở nước ngoài. Số lượng học sinh VN ở Mỹ, Anh, Đức, Úc... tăng đáng kể. Mỹ hiện có 7.000 sinh viên VN, trường danh tiếng Oxford ở Anh cũng có tới vài chục sinh viên VN, trong đó một nửa là con em nhà giàu và quan chức VN sang học. Thị trường đã buộc các nhà hoạch định chính sách VN ít nhiều phải thừa nhận, chứ đây không phải là một khám phá gì.

Thưa ông, thị trường giáo dục sẽ có nhiều khác biệt so với các thị trường khác?

TS Phạm Duy Nghĩa: Thị trường giáo dục đặc biệt ở chỗ nó không phải là thị trường mà người thụ hưởng có năng lực mặc cả. Nhiều hay ít, nhà trường và các thầy cô có quyền trong việc xác lập nội dung, phương pháp và tổ chức học tập. Với 86 triệu dân, cứ 100 người thì gần 60 người ở độ tuổi dưới 40, nên nhu cầu học ở VN quả thực rất lớn. Vì vậy nhà nước phải can thiệp, Bộ GD- ĐT phải có vai trò điều tiết.

Cụ thể là như thế nào, thưa ông?

TS Phạm Duy Nghĩa: Thị trường tự thân nó có cạnh tranh. Tuy vậy, cũng phải đặt vấn đề thành lập các trường tư thục có được phép kinh doanh vì lợi nhuận không?

Nhiều nước quy định giáo dục ĐH là phi lợi nhuận theo nghĩa nhà trường có thể có lãi nhưng lãi đó không được chia cho cổ đông. Ví dụ, nhà trường có 7 cổ đông sáng lập, nhưng cuối năm không thể cộng lãi, trừ chi phí rồi chia nhau mà phải được gửi lại cho nghiên cứu, giảng dạy, quảng bá nhà trường, các quỹ học bổng... Như vậy, tính chất phi lợi nhuận không có nghĩa là không kiếm tiền mà có nghĩa lợi nhuận không được đem chia chác mà phải tái đầu tư cho các hoạt động mang tính giáo dục.

Ngoài ra, nhà nước cũng phải hỗ trợ thông qua các cơ sở công, chính sách công. Ví dụ, nhà trường không thể tự vận động được mà phải có sự hỗ trợ của các công ty, nhà hảo tâm. Nếu các công ty có những khoản hỗ trợ như vậy thì phải được khuyến khích bởi thuế (khấu trừ thuế).

Những chính sách này ở nước ta chưa được đồng bộ nên cũng không có lợi cho nhà trường. Cũng nên khuyến khích nhà trường thành lập các đơn vị kinh doanh có thu. Hiện nay chính sách này đã có, nhà trường bên cạnh giảng dạy còn có nghiên cứu, có cơ sở có thu. Chẳng hạn ĐH Y có bệnh viện Y, khoa Sinh ĐH Quốc gia có trung tâm thử ADN, ĐH Bách khoa có cơ sở sản xuất gạch bông...

Các trường không lo thiếu SV

Khi mở cửa giáo dục ĐH, có ý kiến cho rằng ngành giáo dục trong nước sẽ không phải đối đầu trực diện trong cuộc chiến sinh tử với các doanh nghiệp giáo dục nước ngoài. Hoặc cũng có thể coi đây là cuộc cạnh tranh mà cả hai đều thắng bởi thị trường giáo dục bậc cao còn quá nhiều cơ hội để phát triển. Ông nghĩ sao về điều này?

TS Phạm Duy Nghĩa:Bạn cứ tưởng tượng mỗi năm có 1 triệu thí sinh thi ĐH, gia đình nghèo xác xơ ở Nghệ An, Nam Định yêu con sẵn sàng bán cả gia tài để con đi học. Người VN rất hiếu học, và cũng chưa có thói quen học hết lớp 9 thì đi học nghề chứ không nhất thiết phải có bằng đại học.

Hơn nữa, hệ thống đánh giá, tuyển dụng con người cơ bản vẫn chưa theo năng lực làm việc mà dựa vào việc có bao nhiêu bằng cấp. Do đó, nhu cầu và sức ép đến các cổng trường đại học là rất lớn dù trong năm rồi, mỗi tuần mọc lên một trường đại học mới. Tôi nghĩ sức ép về cạnh tranh để giành lấy SV là không lớn, nói cách khác, các trường không phải lo thiếu SV.

Đâu là nguy cơ từ việc mở cửa giáo dục ĐH, thưa ông?

TS Phạm Duy Nghĩa: Khi các trường nước ngoài vào VN thì có nhiều nguy cơ mà Bộ GD- ĐT phải lo. Không phải trường tốt nào của nước ngoài cũng phá danh của họ bằng cách sang đây thành lập cơ sở 2. Không phải trường nào cũng sẵn sàng liên kết với ta 1/2 hoặc 3/4 chương trình rồi họ cấp cho cái bằng của họ.

Những trường sẵn sàng làm việc đó thường là những trường không đẳng cấp. Trong số những trường vào VN không thiếu những trường thậm chí bên nước của họ không được xếp hạng. Chức năng của Bộ GD- ĐT là thẩm định trước, đừng gây thiệt hại. Đào tạo có rủi ro là nếu dịch vụ không tốt thì gây hậu họa về lâu dài và gây thiệt cho những người hưởng dịch vụ mà năng lực mặc cả thấp.

Nhà nước phải can thiệp để thẩm định, đặt điều kiện, giám sát trước, nếu hậu kiểm thì “chết”. Tôi cho rằng, điều kiện mở trường phải khắt khe, cho phép dễ dàng thành lập các trường của nước ngoài ở VN không phải chính sách tốt.

Đừng nghĩ các trường nước ngoài vào VN lấy phần của các trường VN. Các trường danh tiếng không phá hoại danh của họ bằng cách mở những trường rẻ tiền ở VN để cạnh tranh với mình. Có một cạnh tranh khác, đó là khi các trường quốc tế vào thì quy cách tổ chức, cách thức giảng dạy thay đổi, sẽ làm cho các trường VN học theo. Đó là một thay đổi tốt.

Tuy nhiên, khi đó việc học hành cũng sẽ đắt đỏ hơn, thưa ông?

TS Phạm Duy Nghĩa: Tôi e rằng khi nước ta mở cửa, ngân sách có hạn, sức ép tăng học phí của các trường khá lớn thì có thể thấy ngay việc học trở nên đắt đỏ và con em nhà nghèo có thể bật dần ra khỏi trường ĐH. Vì vậy, phải có chính sách hỗ trợ với đối tượng này.

Như vậy, mặt trái của câu chuyện dịch vụ, chất lượng tăng thì chi phí tăng. Nguồn ở đâu? Gia đình người học vẫn đóng góp nhiều, đóng góp của xã hội VN cho giáo dục rất lớn, giá mà công khai hóa và soi kỹ vào ngân sách của Bộ GD và ĐT, những việc gì thực chi cho việc học, cái gì chi cho lễ lạt này kia.

Nguồn đúng là có vấn đề, không nhiều nhưng chi cho nó đúng và hỗ trợ những em có năng lực của dân miền quê là một việc phải lo. Khi có cơ chế giám sát và cạnh tranh lẫn nhau sẽ thải loại được những trường yếu. Sẽ là tai họa nếu các cơ sở đào tạo không được thẩm định tốt trước khi cho phép.

Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh vai trò thẩm định trước của Bộ GD và ĐT là rất quan trọng.

Cần có hiệp hội các trường ĐH

Khi mở cửa giáo dục ĐH, vai trò của Bộ GD- ĐT trong quản lý lĩnh vực này sẽ như thế nào, thưa ông?

PGS.TS. Phạm Duy Nghĩa sinh năm 1965 tại Xuân Trường, Nam Định. Ông tốt nghiệp thủ khoa đại học và bảo vệ luận án Tiến sĩ Luật tại Leipzig, CHLB Đức năm 1991. Từ năm 1995 ông dạy học tại Khoa Luật của Đại học Quốc gia Hà Nội. Năm 2003 ông tham gia chương trình học tại Trường Luật – ĐH Harvard (Hoa Kỳ) theo học bổng quốc tế Fulbright. Ông có nhiều năm kinh nghiệm dạy học tại các trường ĐH nổi tiếng của Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Hiện nay, PGS.TS Phạm Duy Nghĩa đang là Trọng tài viên của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Chủ nhiệm Bộ môn Luật kinh doanh – Khoa Luật – ĐHQG Hà Nội.

"... Một dân tộc biết suy tư, mơ ước và hành động để chế ngự đói nghèo và ganh đua với các dân tộc láng giềng là một dân tộc đang sống. Đóng cửa lại, tự cấp tự cung với đồng lúa và lệ làng, tự mãn với sự lạc điệu của riêng mình có lẽ là kẻ thù đáng sợ nhất của dân tộc chúng ta."

>> Xem trang tác giả: Phạm Duy Nghĩa

TS Phạm Duy Nghĩa: Trong thời gian trung chuyển, Bộ GD và ĐT chắc là phải có một số chức năng giám sát, định chuẩn. Nhưng về lâu dài, bên cạnh gia tăng sự tự quản, việc giám sát các trường đại học, nên từng bước chuyển sang cho các hiệp hội đại học và hội nghề.

Ví dụ, nước Mỹ có hơn 200 trường dạy luật, song chỉ 190 trường được Hiệp hội Các trường dạy luật và Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ công nhận khi đáp ứng tiêu chuẩn về: (1) chương trình giảng huấn, (2) quy trình tuyển chọn giáo viên, (3) số lượng giáo viên trên tổng số sinh viên, (4) quy trình tuyển chọn sinh viên, (5) các điều kiện về cơ sở vật chất, và đặc biệt (6) tiêu chuẩn về thư viện.

VN hiện chưa có hiệp hội như vậy nên khá thiệt cho SV. SV học ở VN, muốn làm tiến sĩ ở Mỹ, Đức, Anh... thì phải học thêm 1 năm rưỡi thạc sĩ vì các nước đó không công nhận bằng của mình, trong khi mình lại công nhận nhiều bằng nước ngoài.

Bộ GD và ĐT không còn là bộ điều hành từ A đến Z của giáo dục ĐH như in từng tờ giấy thi, mẫu biên bản, cũng không phải đi canh chừng giờ lên lớp, đề cương bài giảng, phong học hàm học vị... nữa, thay vào đó sẽ định hướng chính sách giáo dục. Việc này có thể kết hợp nhiều bộ.

Một chính sách “khoán 10” cho giáo dục trong bối cảnh mới này sẽ như thế nào, thưa ông?

TS Phạm Duy Nghĩa: Báo chí mới đây đưa tin một ông thầy dạy đạo đức công dân tự nghĩ những cách dạy khác giáo án đấy thôi. Tôi muốn nói là, Bộ GD - ĐT phải biết việc nào của mình, việc nào của nhà trường. Nhà trường cũng phải biết việc gì là của nhà trường, việc gì là của ông thầy.

Sự tự do phải trả về cho ông thầy đứng lớp, cho nhà trường một phần và Bộ nên làm những việc khác. Đấy chính là tinh thần của khoán 10 đối với giáo dục, tức là tự do và tạo cạnh tranh cho những người trực tiếp tổ chức công việc dịch vụ và thay đổi tầm nhìn quản lý từ một người lên kế hoạch, giám sát thành một người hoạch định chính sách giáo dục lâu dài.

Như vậy ở đây có một cuộc tái định nghĩa chức năng của Bộ GD - ĐT, của các trường, của ông thầy và người học. Một dân tộc thông minh và hiếu học như dân tộc Việt rất tiện cho cải cách. Nếu có thông tin và những chính sách tử tế và kiên quyết thì cải cách giáo dục ở VN không quá khó như mọi người nghĩ vì người học muốn học, cha mẹ sẵn sàng muốn chi, các ông thầy cơ bản có liêm sỉ và các nhà trường muốn có uy tín. Chỉ có tắc nghẽn ở đâu đó ở chính sách giáo dục nối giữa các yếu tố đó, chứ năng lượng thì đầy rẫy.

Thế hệ trẻ thực sự thách thức thế hệ già

Năm 2005 ông nói “các trường đại học nước ta yếu, yếu vì chúng ta chưa bao giờ dám so mình với thế giới bên ngoài”. Đã 3 năm trôi qua, thực trạng của giáo dục ĐH nước nhà có làm thay đổi ý nghĩ đó của ông không?

TS Phạm Duy Nghĩa: Ba năm qua, trong hệ thống đào tạo ĐH có nhiều cái mới. Thứ nhất, các trường rục rịch chuyển sang tín chỉ. Mặc dù chiếc áo chưa làm nên thầy tu nhưng anh rõ ràng cũng phải thay đổi khi khoác lên mình một bộ cánh lịch sự, giầy dép gọn gàng.

Một hiện tượng nữa rất thú vị là các blog cá nhân của các thầy giáo. Trong ngành luật có rất nhiều thầy giáo trẻ có năng lực rất tốt, họ tích hợp những tình huống, bài tập tranh luận và tài liệu nước ngoài và bằng những trang blog cá nhân, họ hướng sinh viên trong nước vào kho tư liệu khổng lồ của các trường đại học nước ngoài khác.

Cửa ĐH bị bung ra một phần do chính sách mở cửa nhưng cũng một phần nhờ công nghệ thông tin làm cho sinh viên ngồi ở VN nhưng có thể đọc các bài báo mới nhất ở ĐH Harvard, Oxford hay Yale... Người học nếu có ngoại ngữ, họ có thể tiệm cận với một nguồn thông tin khổng lồ.

Một điều nữa là tôi thấy các sinh viên rất chủ động trong học nhóm. Trước đây, sinh viên đi học có khi mang mỗi cuốn sổ, đầu ghi một môn, cuối ghi một môn, giữa ghi một môn. Nhưng bây giờ, có em đi tay không, em mang laptop, em mang máy ghi âm xin phép thầy ghi lại bài giảng... Bài tập tôi giao thì các em tự động đi lấy hồ sơ, tự diễn những phiên diễn án... Thế hệ trẻ thực sự thách thức thế hệ già, vì họ có thông tin nhiều hơn, có những đam mê lớn hơn. Những điều đó làm người đi dạy ấm lòng vì học trò đang có cơ hội học tập tốt hơn.

Nhưng có điều này vẫn chưa xảy ra ở VN, đó là việc các sinh viên thành lập các tạp chí cá nhân, nhà trường tạo điều kiện cho sinh viên chủ động học trong thư viện ngoài giờ chưa nhiều, nền hành chính quản trị nhà trường vẫn mang tính bao cấp, chưa biến thành một doanh nghiệp theo nghĩa kinh doanh dịch vụ.

Có khi nào sinh viên chia sẻ với ông về một trường đại học trong mơ ước của họ không?

TS Phạm Duy Nghĩa: Nhiều sinh viên chia sẻ điều đó, vì trong giờ giảng, tôi hay khuyến khích sinh viên phát biểu. Nhìn chung họ muốn được nhà trường đối xử như người lớn theo nghĩa, nhà trường làm gì phải thông báo trước, mong ước thư viện tốt hơn, giảm những môn giáo điều, họ cũng kêu các thầy hay bỏ giờ vì chạy sô nhiều... Và dường như những không gian để họ giao lưu văn hóa, sinh hoạt cũng chưa tốt...

Một thời, dư luận rùm beng việc xây dựng đại học đẳng cấp quốc tế, rồi mọi thứ lại chìm vào im lặng. Ông nghĩ sao về điều này?

TS Phạm Duy Nghĩa: Trong cạnh tranh, các trường đẳng cấp sẽ xuất hiện, đừng có dựng nó lên. Tuy nhiên, nếu thiếu sự hỗ trợ và định hướng của nhà nước thì cũng khó hình thành. Ví dụ, nếu ĐH Thanh Hoa không có sự hỗ trợ của nhà nước Trung Quốc thì khó mà có danh tiếng như bây giờ. ĐH Tokyo cũng được Nhật hoàng hỗ trợ rất lớn. Các quốc gia đều có những trường mà Nhà nước đặt niềm tin ở đó. Những trường đó hình thành dựa trên chính sách công dồn tiền vào để xây dựng cơ sở vật chất, dữ liệu, thư viện, trả lương cho người giỏi...

Xin cảm ơn ông!

Nguồn:SVVN
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • So sánh giáo dục Đại học Việt - Mỹ

    17/12/2017TS. Vũ Quang ViệtBài viết tóm tắt những khác biệt cơ bản giữa giáo dục đào tạo cấp cử nhân (BA) ở Mỹ và ở Việt Nam hiện nay. Những nét cơ bản này dựa vào so sánh chương trình học kinh tế ở VN và chương trình học khoa học cơ bản, xã hội hoặc nhân văn (trong đó có kinh tế, toán, vật lý, hoá học, văn chương, tâm lý học…)
  • Cuộc đua số lượng: Sự bất ổn trong giáo dục Đại học Việt Nam

    05/09/2008Lê Hồng NhậtNền kinh tế Việt Nam đang trải qua những thử thách đầy gay go. Ai cũng nhận thức được rằng, nguyên nhân cơ bản là do trình độ quản lý yếu kém và sự thiếu thốn nghiêm trọng nguồn nhân lực có trình độ ở mọi tế bào của nền kinh tế. So sánh với các nước trong khu vực, một điều rõ ràng là chúng ta đã không có sự chuẩn bị về vốn người cho sự phát triển. Trách nhiệm đó, một phần rất lớn là thuộc về giáo dục đại học. Đặc biệt là sự xuống cấp về chuẩn mực đào tạo...
  • Công bằng xã hội trong giáo dục Đại học

    27/06/2007PVViệt Nam đã vào WTO. Điều này có nghĩa, nguồn nhân lực của Việt Nam và từ đó là nền Giáo dục Đại học cũng như nguồn cung cấp tài chính cho nền giáo dục, nay cũng phải được đặt trên cùng một mặt bằng so sánh với các nước khác trong khu vực và trên thế giới...
  • Lối thoát nào cho giáo dục Đại học Việt Nam?

    04/06/2007GS,TS Trần Đình Sử“Trước thực trạng xuống cấp của giáo dục Đại học nước nhà, đã có ý định thả nổi hệ thống Đại học hiện có. Đâu là lối thoát cho giáo dục Đại học Việt Nam. Có niềm tin, biết tháo gỡ các vướng mắc, bổ khuyết các thiếu sót, nhất định chất lượng Đại học sẽ lên”.
  • Giáo dục đại học và cơ chế thị trường

    22/03/2007Giáo sư Phạm PhụCụm từ "Giáo dục đại học và cơ chế thị trường" đang được tranh luận sôi nổi trên mọi diễn đàn về GD trong hơn một năm qua. "GDĐH có là một loại hàng hóa công?", "Trường học không phải là chợ", "Có hay không có thị trường GD?"... Thanh Niên xin được giới thiệu với bạn đọc bài viết của GS Phạm Phụ - Trường ĐH Bách khoa TP.HCM về vấn đề khá nóng bỏng và cũng khá nhạy cảm này.
  • Vài góp ý về chất lượng giáo dục Đại học

    01/01/1900Nguyễn Văn TuấnQua theo dõi loạt bài thảo luận và góp ý về giáo dục đại học ở Việt Nam trên các báo trong nước và qua trao đổi với một số đồng nghiệp trong và ngoài nước tôi nhận thấy một trong những vấn đề lớn nhất về giáo dục Đại học ở Việt Nam hiện nay là vấn đề chất lượng: chất lượng đội ngũ giảng dạy, chất lượng đào tạo và chất lượng Sinh viên.
  • Vị cá nhân trong giáo dục Đại học

    28/09/2006Bùi Trọng LiễuMột xã hội muốn phát triển thì những tàn dư của cách tổ chức có "tính chất vị cá nhân" phải được huỷ bỏ và thay thế bằng cách tổ chức hợp lý hơn, công bằng hơn, lợi ích cho xã hội hơn. Trong nền giáo dục Đại học của nước ta "vị cá nhân ở điểm nào lợi ích cho cả xã hội" ở chỗ nào?
  • Đại học đẳng cấp quốc tế, nâng cấp hay xây mới

    11/08/2006Thương TùngXây dựng Trường Đại học Đẳng cấp quốc tế của Việt Nam đạt trình độ đào tạo, nghiên cứu hàng đầu, có khả năng cạnh tranh quốc tế là những nội dung chính trong quyết định số 145/2006/QĐ-Thủ tướng của Chính phủ ban hành ngày 20/6/2006. Việc này nhận được sự ủng hộ của nhiều người nhưng vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận là xây dựng hoàn toàn một trường hay nâng cấp các trường Đại học sẵn có?
  • Dân ta cần Đại học đạt chuẩn thế giới

    15/07/2006Hữu NguyênChất lượng giáo dục đại học hiện đang là một trong những nguy cơ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững trong tương lai. Nhiều phụ huynh lo xa và có điều kiện đã tìm mọi cách cho con mình đi du học nước ngoài...
  • Cần có một nền học của ta và cho ta?

    23/06/2006Phan Đình Diệu (2004)Gần một trăm năm trước, trước những xáo động trong nền học vấn nước nhà, nhiều bậc thức giả tâm huyết hồi đầu thế kỷ 20 đã từng trăn trở: “Xưa khi học sách Tàu thì làm học trò Tàu, ngày nay học sách Tây chỉ làm học trò Tây mà thôi..... Từ xưa đến nay, nước ta quả không có quốc học thật....
  • 7 kiến nghị cấp bách về phát triển giáo dục Đại học

    21/06/2006GS Hoàng TụyTrước đây ta xây dựng Đại học theo mô hình Liên xô cũ, nay nềnĐại học đó không còn thích hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước, song những biện pháp sửa đổi chắp vá thời gian qua đã phá vỡ tính hệ thống của nó, rốt cuộc tạo ra cảnh tượng lộn xộn, không còn chuẩn mực, không theo quy củ, tuỳ tiện, và kém hiệu quả. Muốn thoát ra khỏi tình trạng này, cần có thời gian và một lộ trình hiện đại hoá thích hợp.
  • Giải pháp nào cho giáo dục đại học?

    01/04/2006Giáo sư Hoàng TụyCuộc cách mạng công nghệ và xu thế kinh tế tri thức từ vài thập kỷ lại đây càng nêu cao vai trò của giáo dục đại học, không chỉ đối với các nước tiền tiến mà cả đối với các nước khác(2). Cho nên tuy hiện nay dư luận xã hội đang quan tâm nhiều nhất về chất lượng giáo dục phổ thông, tôi vẫn nghĩ giáo dục đại học mới là cái đáng lo hơn cả.
  • Giáo dục đại học Việt Nam: Một vài con số

    21/10/2005LTS. Nhà báo Lê Hạnh, trên Lao Động số ra ngày 23.06.2004, đã ghi nhận từ hội thảo quốc tế " Đổi mới giáo dục đại học và hội nhập quốc tế ", tổ chức trong hai ngày 22 – 23.6.2004 tại Hà Nội, một vài thông tin so sánh đại học Việt Nam và thế giới. Chúng tôi xin trích đăng dưới đây một số đoạn của bài báo – dù biết rằng các so sánh thường khó tránh khỏi phần khập khiễng !
  • Giáo dục đại học: Khơi dậy và nuôi dưỡng tính ham học

    12/07/2005Nguyễn Văn Tuấn, Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan, Sydney, AustraliaGần đây, nhân dịp được tham dự vài buổi giảng tại một trường đại học trong nước (theo lời mời của vài đồng nghiệp), tôi chợt nhớ đến kinh nghiệm của chính mình trong thời còn theo học đại học hơn 30 năm trước đây. Thời đó, mối quan hệ giữa người giáo sư và sinh viên chủ yếu là “thầy giảng trò chép”. Ở các trường đại học Tây phương từ hơn 50 năm trước giới nghiên cứu giáo dục đã chứng minh rằng một phương pháp giảng dạy như thế không đem lại hiệu quả cao cho người học, vì nó mang tính thụ động quá. Ngày nay, qua trao đổi với một số đồng nghiệp trong nước và trực tiếp tham dự nghe giảng, tôi cảm thấy mối quan hệ thụ động như thế vẫn còn tồn tại. Có lẽ đã đến lúc chúng ta nên thay đổi cách giảng dạy để đem lại hiệu quả tốt cho sinh viên và cả người dạy.
  • Giáo dục đại học: phải cải cách triệt để!

    12/07/2005Nguyễn PhanHội thảo “Các giải pháp cơ bản nâng cao chất lượng giáo dục đại học”, do Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và Báo Giáo dục & Thời đại tổ chức ngày 5-11-2004, đã thu hút gần 50 tham luận của các đại biểu.
  • Giáo dục là hàng hoá?

    09/07/2005Nguyễn HươngHiện nay có ý kiến cho rằng cốt lõi đổi mới tư duy giáo dục là phải thừa nhận giáo dục là hàng hoá, coi giáo dục là thị trường, không để giáo dục quay lưng với kinh tế thị trường. Quan điểm đó có đúng không? Phải chăng đó là liều thuốc có thể chữa trị các căn bệnh trì trệ, bất cập, tụt hậu của giáo dục như nhiều người mong muốn?
  • 3 ý kiến của một sinh viên về Giáo dục đại học

    02/07/2005Trần Phạm Lê Phan, Sinh viên năm 2 chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao Việt - Pháp, ĐH Bách khoa TP.HCMNhững điều GS Hoàng Tụy viết về việc cải cách giáo dục ĐH vẫn còn ở tầm cao so với nhận thức của một sinh viên năm hai như tôi. Nhưng nhân một “cuộc cách mạng” của ngành giáo dục, tôi – với tư cách là một sinh viên – xin có vài ý kiến.
  • 2006 - Bắt đầu lộ trình đổi mới giáo dục đại học...

    30/06/2005Thanh HàĐây chính là một cơ hội lớn cho giáo dục - đại học (GDĐH) Việt Nam. Tất nhiên nó sẽ đi kèm những thách thức cũng rất lớn”. Bà Trần Thị Hà - vụ trưởng Vụ Đại học & sau đại học  - mở đầu cuộc trao đổi với TTCN.
  • Một số đề nghị về tăng chất lượng đào tạo đại học ở Việt Nam

    09/07/2005Từ lâu nhiều người đã thấy chất lượng giáo dục ở VN xuống cấp nghiêm trọng. Để giải quyết triệt để vấn đề nầy, chúng ta cần có một cuộc đổi mới toàn diện, và cũng cần thời giờ và nhiều ngân sách hơn....
  • Giáo dục đại học: Cần một hệ tư duy quản lý khác?

    04/01/2004Chất lượng đào tạo (ở đây tôi chỉ xin trình bày ý kiến của mình trong giới hạn lĩnh vực đào tạo đại học) liên quan đến nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất là chất lượng của đội ngũ cán bộ giảng dạy, cơ sở vật chất, chương trình cùng phương pháp giảng dạy và bao trùm trên hết là chất lượng quản lý. Các yếu tố khác đã được đề cập nhiều. Ở đây, chúng tôi chỉ xin nhấn mạnh đến yếu tố bao trùm. Nhưng vì sao quản lý là yếu tố bao trùm?
  • xem toàn bộ