Sự suy thoái và biến dạng các giá trị nhân văn ở Việt Nam

10:01 CH @ Thứ Tư - 15 Tháng Tám, 2018

Sự suy thoái các giá trị nhân văn trong kỷ nguyên phát triển công nghệ và kinh tế đang diễn ra ở quy mô toàn cầu, có những xu hướng chung của toàn thế giới. Nhưng trong xã hội cụ thể như Việt Nam các xu hướng lớn này được thể hiện ra trong những dạng thức riêng. Cụ thể:

· Xu hướng thu hẹp các giá trị nhân văn, sự thay thế các giá trị cộng đồng bằng giá trị cá nhân: Nếu như trước đây, trong quá trình lịch sử hàng ngàn năm, con người Việt Nam coi LÀNG, NƯỚC là những giá trị thiêng liêng nhất, có thể hy sinh tất cả để bảo vệ. Đó là những giá trị nhân văn truyền thống của dân tộc, được bao thế hệ cha ông xây dựng và bảo vệ, thì ngày nay, con người Việt Nam thời đổi mới và hội nhập có xu hướng coi quyền lợi cá nhân và phần nào đó cuộc sống gia đình là giá trị lớn nhất, mục tiêu sống quan trọng nhất.

· Xu hướng phá vỡ ranh giới nhân bản của con người: Những giá trị nhân văn hằng bắt rễ trong mảnh đất nhân bản, khiến cho người Việt Nam bao đời nay coi trọng các giá trị tinh thần và các hành vi trực tiếp của con người hơn tiền bạc và những hành vi tổ chức hay công nghệ. Một bà mẹ trực tiếp bón cơm cho con ăn, tự tay bế con và hát ru con ngủ được người Việt đánh giá cao hơn các bà mẹ bật nhạc ru con và dùng tiền thuê Osin bón cơm, chăm sóc con. Nhưng ngày nay, việc phó mặc con cho nhà trẻ hay Osin chăm sóc là chuyện phổ biến của các bà mẹ thời @. Ngay cả khi đón con về, các bà mẹ cũng nhiều khi vừa cho bú vừa dúi mắt vào điện thoại để nhắn tin hay xem FB. Ngôn ngữ giao tiếp trong thư từ cũng mang nhiều tính mệnh lệnh công nghệ, đơn giản, khô khan. Các giá trị tổ chức và giá trị công nghệ đã làm mai một và hời hợt dần tình cảm mẹ con, gia đình, bè bạn vốn là những tình cảm phong phú sâu nặng nhất của con người Việt Nam bao đời nay. Tình cảm gia đình và xã hội sẽ phai nhạt khi con người hình thành thói quen ủy thác cho tổ chức hay cho công nghệ làm những việc liên quan đến tình người, trách nhiệm, sứ mệnh và các hành vi gắn với bản chất người. Suy kiệt tình người, vô cảm trước những nỗi đau, nỗi sợ và lo lắng của người thân, bạn bè và đồng bào là dấu hiệu suy thoái của nền tảng văn hóa Việt.

.

· Sự lên ngôi của giá trị ngắn hạn, vô cảm, nhất thời: Các giá trị nhân văn luôn là giá trị bền vững, mang tính vĩnh cửu. Các tôn giáo, các tác phẩm nghệ thuật giàu tính nhân văn đều xây dựng trên một nhịp độ chậm rãi của sự sống, cái chậm rãi có sức mạnh cải biến sâu sắc cấu trúc tâm lý, làm con người có khả năng thấu cảm với thiên nhiên và với người. Nhà Thiền học Suzzuki (Nhật Bản) đã viết: “Những bông hoa dại ngoài đồng nhỏ bé và bình dị biết bao. Nhưng nếu ta chăm chú nhìn vào chúng, ta se thấy chúng lộng lẫy hơn cả Vua Salomon lúc Ngài còn sống”. Nhưng cùng với sự phát triển của kinh tế, con người Việt nam cũng như con người ở các nước Châu Á khác bị mất đi nhu cầu nhìn kỹ nhìn lâu nhìn sâu vào con người và sự vật để khám phá những điều kỳ diệu của thế giới quanh mình và trong mình, mà ngày càng ảnh hưởng lối sống thực dụng, gắn với những nhịp sống nhanh và các giá trị ngắn hạn, “nóng ruột kiếm tiền và cắm đầu hưởng thụ” (Nguyễn Thái Hợp, 2000). Không chỉ làm việc nhanh, làm ăn nhanh mang tính vụ việc chộp giật, mà còn xử lý các vấn đề của con người với con người trong công việc và cuộc sống bằng các phương tiện và giải pháp nhanh gọn (bằng tiền, bằng pháp lý, bằng sự thay đổi tình yêu, nghề nghiệp và doanh nghiệp như chong chóng…). Những động cơ ích kỷ thực dụng hướng tới những mục tiêu trước mắt, ngắn hạn sẽ tạo ra tệ nạn tham nhũng, các nhóm lợi ích và các chuyển động hỗn loạn của các nhóm này trong đời sống dân tộc.

.

· Cảm hứng vì lợi nhuận thay thế cảm hứng về giá trị nhân văn:Cảm hứng sống nhân văn vì con người, vì dân tộc, vì đại nghĩa là cảm hứng xuyên suốt mấy ngàn năm lịch sử của dân tộc Việt Nam đến nay đã bị phai nhạt, thay thế bằng cảm hứng vì lợi nhuận có nguồn gốc phương Tây, gắn liền với quá trình thế tục hoá diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Sử thay đổi cảm hứng sống đó đã gây ra sự suy thoái các giá trị nhân văn, gây ra những vấn nạn và bức xúc về văn hoá. Đó là bắt văn hoá phải lệ thuộc vào những tiêu chuẩn của thị trường, vào những bất trắc của cung và cầu, vào những cạm bẫy của tính thực dụng và tính khẩn trương có nghĩa là cắt đứt nguồn dưỡng khí của văn hoá, thay thế tính sáng tạo bằng những stress của thị trường, như Eduardo Portela, nhà triết học Brazin, đã chỉ ra. Khi không còn tính sáng tạo bắt nguồn trong vô thức nhân văn của cộng đồng, văn hoá dân tộc bị tiêu diệt, trở thành bản sao của các nền văn hoá mạnh.

Hậu quả là cảm hứng vì lợi nhuận đã tạo ra một nền tảng ngày càng rộng lớn và vững chắc cho sự lớn lên của văn hoá suy đồi, lối sống hưởng thụ, thái độ hư vô, sẵn sàng tách rời danh nghĩa và thực chất để đạt đến các mục tiêu mang tính thực dụng về văn hoá, chính trị và kinh tế.

.

· Nguy cơ mất ký ức lịch sử, văn hoá và con người Việt Nam truyền thống

Khi đã sống nhanh sống vội, hướng tới những giá trị vật chất nhất thời và thế giới quảng cáo chớp nhoáng thì con người bị teo dần đi cảm hứng lịch sử, cảm hứng cội nguồn. Mất cảm hứng nhân văn lịch sử, con người Việt Nam hôm nay dạy và học lịch sử một cách miễn cưỡng và hời hợt chưa từng thấy. Trong khi đó, sự tiếp xúc thiếu ý thức tự trọng văn hoá và đề kháng văn hoá với phim ảnh lịch sử của Trung Quốc chiếu tràn lan mỗi ngày vài chục bộ phim trên hệ thống hơn 60 Đài TH trong cả nước đã dẫn đến việc trẻ em Việt Nam thuộc sử Tàu hơn sử Việt Nam.

Thiếu cảm hứng về nguồn, thiếu tri thức lịch sử tổ tiên, lớp trẻ hôm nay có nguy cơ bị nhiễm dần mặc cảm tư ty dân tộc trước Trung Quốc và phương Tây. Hiện nay ngành giáo dục nói chung và ngành văn hoá nói riêng chưa ý thức được vai trò khoa học cơ bản của môn lịch sử giúp cho các em hình thành và phát triển cảm hứng cội nguồn có bản chất nhân vănđể nhìn nhận và thấu hiểu tiến trình hình thành phát triển của giống nòi, thấy trong tiến trình đó một động lực sống, động lực tồn tại và phát triển của con người Việt Nam. Cho nên cảm hứng lịch sử, cảm hứng phát triển và cảm hứng về tương lai trong lớp trẻ vẫn là vay mượn từ các nền văn hoá khác.

Khi nói đến sự thiếu hụt cảm hứng lịch sử như một chiều kích nhân văn trong con người Việt Nam hôm nay ta không chỉ dừng lại ở sự tự tôn dân tộc để nghĩ đơn giản rằng lớp trẻ cũng đã biết tự hào về lịch sử dân tộc, về truyền thống cha ông. Cần phải hướng đến một mục tiêu nhân văn hơn là giáo dục trong con người Việt Nam nói chung và thế hệ trẻ Việt Nam nói riêng SỰ THẤU CẢM LỊCH SỬ để mỗi con người hôm nay biết trân trọng, chia sẻ và thậm chí thương cảm với tất cả những nỗ lực, gian khổ, hy sinh của cha ông để giữ cho dân tộc được trường tồn và phát triển đến hôm nay.

Trong khi ta chưa ý thức được tầm quan trọng của mục tiêu xây dựng cảm quan về những giá trị nhân văn trong con người Việt nam hôm nay, thì phim ảnh ngoại nhập đã chiếm mất chỗ của những cảm xúc lịch sử, những niềm tin vào các giá trị nhân văn và những day dứt về thân phận con người Việt trong lịch sử. Các giá trị của những nền văn hoá khác đã ám thị lớp trẻ từ khi đi nhà trẻ đến khi cắp sách đến trường, lớn lên lại say mê phim Tàu, phim chưởng, phim bạo lực.

.

· Quyền lực đồng tiền và sự bùng phát của bạo lực gia đình và xã hội

Hàng ngàn năm đô hộ phương Bắc không đồng hóa nổi Việt Nam, nền văn hóa nhân văn nhân ái hòa đồng “nhìn nhau mà sống”, “chị ngã em nâng”, “lá lành đùm lá rách”, “giấy rách giữ lấy lề”...vẫn tiếp tục phát huy sức mạnh trong lịch sử trong bao hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn và gian khổ để làm nên bao kỳ tích, và tiếp tục gắn kết dân tộc Việt Nam trong một gia đình trong đó cháu con các đời luôn kính thờ Tổ tiên, cha mẹ. Vậy mà mấy chục năm nay, xã hội này đã để cho đồng tiền lên lỏi vào khắp hang cùng ngõ hẻm, khắp ngõ ngách tâm hồn và suy nghĩ, thao túng con người, đày đọa người nghèo, đưa người kém năng lực và thiếu đạo đức giữ các trọng trách, dân tộc Việt Nam đã đứng trước một tình thế sống còn, với nguy cơ đánh đổi cả nền văn hiến mấy ngàn năm và tương lai dân tộc chỉ để lấy hạ tầng, tham nhũng, nợ xấu, sự suy thoái phẩm giá con người và sự lên ngôi của lòng tham và thói hung bạo.

Chưa bao giờ con người Việt Nam hung bạo như hôm nay. Mỗi ngày mở báo ra đều thấy tin tức về tội phạm xã hội, giết người hàng loạt để cướp của, thậm chí giết ông, bà, cha mẹ và những người thân trong gia đình để chiếm đoạt tài sản. Đau đớn hơn, có những vụ cha mẹ giết hết con cái rồi tự tử chỉ vì bế tắc, vỡ nợ trong làm ăn, buôn bán. Hầu như tất cả những vụ trọng án giết người hàng loạt đều chỉ vì tiền. Trong quá khứ, con người Việt Nam nghèo khổ hơn nhiều sao không xảy ra những vụ án mạng thương tâm như thế? Vì các giá trị nhân văn trong con người Việt Nam trước đây chưa bị mai một đã hướng đạo cho con người biết ứng xử với nhau một cách ân tình, nghĩa cả, khoan dung. Ngày nay, văn hoá Việt trong chiều hướng suy kiệt, bản năng lấn áp lý trí, sự tính toán lấn áp tình cảm, vật chất lấn áp tình người, sự chênh lệch giàu nghèo trong xã hội lại quá lớn, bất công xã hội ngày càng nhiều và hầu như không được giải quyết thoả đáng. Bên cạnh đó, sự hỗn tạp thiếu kiểm soát của truyền thông vừa tác động xấu vào xã hội theo hướng kích thích thói suy tôn vật chất, chạy theo viễn cảnh giàu có xa hoa, vừa ám thị con người bằng phim bạo lực ngoại nhập, đào luyện nhân cách, tạo nên những hành xử hung bạo, độc ác.Đó là những căn nguyên trực tiếp từ xã hội đang làm mai một dần các giá trị nhân văn./.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Chủ nghĩa Duy lý kỹ thuật và sự khủng hoảng các giá trị nhân văn

    06/05/2017Ngô Hương GiangBàn về khái niệm “lý tính kỹ thuật”, giới triết học, giới nhân học, giới văn học không thể bỏ qua vai trò của giáo dục giá trị nhân văn cho con người. Giá trị nhân văn trong giai đoạn Hậu công nghiệp không còn dừng lại ở các tiêu chí thẩm mỹ trong mối qua hệ giữa con người với con người như thời Phục hưng thế kỷ 17 hay chủ nghĩa nhân văn Pháp thế kỷ 18, và cũng không phải là sự phát triển một thứ nhân văn duy lý trong thời đại công nghiệp hoá thế kỷ 19 - 20, mà thực chất nhấn mạnh đến một kiểu nhân văn mới: nhân văn kỹ thuật...
  • Suy thoái văn hóa chạm ngưỡng, đẩy dân tộc đến hiểm họa khôn lường

    02/02/2016An Yên (thực hiện)Sử gia Dương Trung Quốc nói với thực trạng văn hóa hiện nay, sự suy thoái sẽ chạm ngưỡng và đẩy dân tộc này đến những hiểm họa khôn lường...
  • Hố đen Văn hóa

    12/04/2015Nguyễn Tất ThịnhLà những ‘khoảng tối’ về Văn hóa tồn tại trong Cộng đồng xã hội, lâu dần, và mở rộng, phát triển đến một quy mô lớn hơn, nó sẽ trở thành một ‘lực lượng’ giống như ‘Black Hole’ trong Vũ Trụ, có thể hút được vào nó cả ‘ánh sáng lương tri’ , làm lệch lạc xiên xẹo các quỹ đạo có định hướng phát triển, nuốt chửng những nỗ lực đang theo những quy luật bình thường, làm vỡ vụn những chương trình hữu ích đang triển khai khác….
  • Suy thoái văn hóa, suy thoái chính trị

    05/03/2014Nguyễn Chí TrungĐây là tham luận thứ 66 của Nhà văn-Thiếu tướng Nguyễn Chí Trung vừa viết chưa ráo mực, được đọc tại hội thảo – Một tham luận rất đáng chú ý, “có vấn đề”. Nó rất cũ mà lại rất mới, có thể thảo luận. Chúng tôi xin đăng để bạn đọc tham khảo...
  • Gìn giữ và phát huy những giá trị nhân văn của văn hóa dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa

    30/11/2009Hà Thị Thùy DươngCon đường mà loài người đã đang và sẽ đi chính là hành trình hướng tới các giá trị nhân văn và hiện thực hoá nó trong thực tiễn. Do vậy, giá trị nhân văn luôn có ý nghĩa vĩnh cửu và phổ quát đối với mọi nền văn hoá.
  • Những suy tư về vấn đề công nghệ, lý trí và các giá trị nhân văn của Phật Giáo

    16/09/2008Suwanna Sahta – A nand, Người dịch: TS. Hoàng Thị ThơBài tham luận này cố gắng tìm hiểu chiều sâu của thể chế khoa học - công nghệ với sự khẳng định một chân lý rằng, sự giàu có và hiệu quả của nó không chỉ định hình cuộc sống thường nhật của chúng ta trong thời đại toàn cầu hoá này, mà còn ảnh hưởng tới cả lý trí và các giá trị nhân văn. Bài tham luận này trở lại với kinh điển Phật giáo để tái dựng quan điểm của Phật giáo về lý trí và công nghệ....
  • xem toàn bộ