Suy nghĩ về Trung Hoa

04:45 CH @ Thứ Sáu - 26 Tháng Bảy, 2019

Các sự kiện Mãn Châu và Thượng Hải, cuộc chiến tranh Trung - Nhật - một cuộc chiến tranh hơi có phần... Tàu - về sau đã trở thành một cuộc chiến tranh thật sự, và hẳn rồi cũng sẽ kết thúc theo kiểu Tàu - đã khiến người ta chú ý đến vấn đề Trung Hoa.

Sự phát triển của Trung Hoa hiện đại quả là đang đặt ra một vấn đề hay nói như Bá tước Sforza, tác giả một cuốn sách nổi tiếng về Bí ẩn Trung Hoa, một “bí ẩn” mà việc nghiên cứu khiến tất cả những người chịu khó suy nghĩ đến tương lai của cái đất nước mênh mông từ ba mươi năm nay đang dấn sâu vào một thời kỳ cách mạng và rối loạn triền miên này, hẳn phải quan tâm. Đất nước ấy sẽ thoát ra khỏi tình trạng náo động, từ mớ hỗn loạn không thể tả, do chiến tranh, nạn đói, dịch bệnh đã chôn vùi hàng triệu hàng triệu người này như thế nào đây? Làm sao dân tộc mênh mông, cái tổ kiến người kinh khủng chỉ mình nó đã chiếm hết một phần tư toàn nhân loại, và cho đến nay vẫn luôn sống trong một sự bất động gần như tuyệt đối, đông cứng trong một hình thức văn minh nhiều thiên niên kỷ đó, lại có thể thoát ra khỏi các khung khổ của nó, phá vỡ rõ rệt tất cả các ràng buộc truyền thống và ngày nay trưng ra cho thế giới hình ảnh sống động của tình trạng hỗn loạn? Ảnh hưởng của những tư tưởng và những quan niệm Phương Tây, thông qua các đầu óc Châu Á được hình thành từ một thứ truyền thống tinh thần khác hẳn, đã tác động như thế nào đến tập tính phát sinh của tất cả các rối loạn hiện nay? Cái nước Trung Hoa mới chẳng còn chút gì giống với nước Trung Hoa cổ đầy lễ nghi và hình thức chủ nghĩa của Khổng Tử đã làm nảy sinh những suy nghĩ gì ở một nhà quan sát vô tư?

Cuộc đoạn tuyệt với quá khứ ấy chính thức diễn ra vào cuối triều Thanh; nó trở nên toàn vẹn với việc Quốc dân đảng lên cầm quyền những năm sau đó. Nhưng trong thực tế nó bắt nguồn sớm hơn, vào những năm cuối thế kỷ XIX, khi sau một cuộc chiến tranh Trung - Nhật 1894-1895, một phong trào cải cách rộng rãi hình thành ở toàn Trung Hoa và đánh thức nó dậy khỏi giấc ngủ mê.

Cho đến lúc đó, bất chấp nhiều cuộc can thiệp của các cường quốc Phương Tây, đế chế già cỗi vẫn mơ màng ngủ yên. Chẳng có ảnh hưởng bên ngoài nào tác động được đến nó; mọi thứ đều trượt đi trên bề mặt của nó như trên một tấm phủ sơn mài trơn láng. Vả chăng xưa nay nó vẫn thế. Trung Hoa, trong suốt lịch sử của mình, không chỉ không hề chịu ảnh hưởng của bất cứ nước nào khác, mà còn hơn thế nữa tất cả các dân tộc đã xâm chiếm nó, Tác-ta, Mông Cổ, Mãn Châu, cuối cùng đều bị nó nuốt luôn hết, đến nỗi thật có lý khi nói rằng nó là một thứ biển mặn hoá tất cả các dòng sông đổ vào đó. Uy tín nền văn hóa và văn minh của nó to lớn cho đến nỗi năm mươi năm sau khi đã yên vị ở Bắc Kinh, các vua Mãn Châu như Khang Hy, Kiền Long đều đã trở thành những nhà nho Trung Hoa thuần tuý.

Vậy nên vì giấc ngủ càng sâu mà cuộc thức dậy càng đau đớn hơn. Giả như nước Trung Hoa bị một trong những quốc gia Châu Âu xa xôi kia, nơi có những “bọn quỷ dữ ngoại bang” mà ta chẳng biết được gì nhiều, đánh bại thì sự thất bại hẳn có đỡ nhục nhã hơn. Nhưng nó lại bị đánh bại bởi Nhật Bản, cái dân tộc nhỏ bé vốn là học trò của mình, và gần đây mới học được đôi chút bí quyết trong tổ chức của Phương Tây, muốn đem thử cái nền khoa học còn tươi rói và những sức mạnh mới của mình lên vị láng giềng đáng kính. Các nhà nho của Đế chế coi thất bại đó vừa là một mối nhục vừa là một bài học. Bài học được hiểu ra và tận dụng ngay. Nếu Nhật Bản đã có thể thắng được Trung Quốc chính là vì họ đã khôn ngoan không coi khinh người Phương Tây trái lại đã quyết học Phương Tây. Chỉ cần Trung Quốc cũng làm đúng như vậy, thì Đế chế già nua sẽ trở thành một quốc gia trẻ trung, với bốn trăm triệu dân của mình, sẽ là một sức mạnh trên thế giới.

Hai nhà nho nổi tiếng, Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu hăng hái dẫn đầu phong trào cải cách. Họ là những người dũng cảm, những đầu óc ưu tú, nhất là người thứ hai cho đến gần đây đã có ảnh hưởng lớn không chỉ ở Trung Quốc mà cả ở nước Nam. Các tác phẩm của ông, viết bằng một văn phong tuyệt vời vừa đậm chất thanh cao của văn xuôi cổ điển vừa thấm đẫm tất cả sự hào hứng, rung động và hăng say của một tâm hồn rộng mở đón nhận ngọn gió của tư duy mới, được một công chúng khao khát những tư tưởng hiện đại đọc ngấu nghiến. Được tập họp lại dưới nhan đề Ấm băng văn tập, nó trở thành tác phẩm yêu thích của các nhà nho Trung quốc và nước Nam, họ thuộc lòng trọn nhiều chương. Chính tôi cũng nhớ lại ấn tượng sâu sắc khi đọc tác phẩm Trung Quốc hồn của Lương Khải Siêu cách đây hai mươi năm. Không có tác phẩm Phương Tây nào từng gây cho tôi một ấn tượng tương tự. Lối văn xuôi tuyệt diệu ấy, với những đoạn thật đẹp và những nhịp điệu phóng khoáng, được nuôi dưỡng bằng tinh chất của những nền văn hóa lâu đời nhất thế giới và thỉnh thoảng lại loé lên những ánh sáng, những tia chớp của một tư duy và một niềm cảm xúc mới mẻ mà nó để cho ta đoán nhận ra, hé thấy hơn là bộc lộ hoàn toàn, lối văn xuôi độc nhất thể hiện trong một sắc thái mới truyền thống văn xuôi của các bậc thầy đời Đường, lôi cuốn ta, khiến ta bay bổng lên và làm cho ta hiểu ra được một ngôn ngữ tuyệt đẹp chuyển tải một lý tưởng cao quý thì có thể có tác động ma thuật lên tâm hồn con người đến thế nào.

Bởi quả thật Lương Khải Siêu và các bạn của ông theo đuổi những lý tưởng cao quý. Chấn hưng nước Trung Hoa bằng cách làm cho nó ý thức được tính chất dân tộc của mình và mượn lấy của Phương Tây những gì nó còn thiếu, đó là ước mơ của những con người ấy, những người mặc dầu mê say những tư tưởng và những quan niệm đối với họ mới chỉ hấp dẫn vì sự mới mẻ chưa từng thấy của chúng, về căn bản vẫn là những nhà nho nhiễm đầy văn hóa xưa. Được đào tạo một cách thuần tuý cổ điển, hẳn họ không được chuẩn bị để có thể hiểu được một cách sâu sắc tất cả những điều mới mẻ mà họ thích thông tục hoá đi, nhưng chúng cũng ngăn ngừa cho họ tác động độc hại và hoà tan của chúng. Chúng chỉ tác động đến họ như một chất xúc tác, và vấp phải ở họ một căn bản lương tri và cân bằng có được từ cốt cách Khổng giáo vững chãi. Bất chấp những bài viết mãnh liệt, cần thiết để đánh thức một đám đông bất định và mê ngủ, họ vẫn là những con người “trung dung”. Họ mong muốn những cuộc cải cách, nhưng không muốn có một cuộc cách mạng. Đấy là những nhà cải lương, chứ không phải những nhà cách mạng.

Họ đòi hỏi những cải cách gì? Họ yêu cầu triều đình Mãn Thanh thay đổi phương pháp cai trị, thay thế các thượng thư già đang cầm quyền, là những con người thuộc một lớp tuổi tác khác, không thể hiểu được các nhu cầu mới và thích ứng với chúng, họ đòi bãi bỏ các cuộc thi cử văn chương giam hãm tầng lớp ưu tú trong một nền văn hóa cũ rích, thực hiện một cuộc cải cách rộng rãi đối với giáo dục, quân đội, mời các nhà giáo và các nhà kỹ thuật nước ngoài đến, v.v... Các cải cách đó, dầu đôi lúc có tính chất căn bản, chẳng có gì là cách mạng. Chúng phải được thực hiện trong khuôn khổ của chế độ quân chủ được đổi mới, hiện đại hoá. Chính Hoàng đế Quang Tự cũng chấp nhận nguyên lý của họ. Được các trước tác của Lương thuyết phục, năm 1898 ông kêu gọi các nhà nho yêu nước, tập họp họ quanh mình, và dưới ảnh hưởng của họ, liên tiếp ban bố những chỉ dụ quy định các cải cách. Hoàng Thái Hậu già Từ Hi, một mình nắm lấy hết quyền hành và cai trị theo lối độc tài, tượng trưng cho tất cả các thế lực phản động của Triều đình bảo thủ, được báo động về ý đồ cai trị cá nhân và tiếng đồn về các cải cách ấy mà bà cho là không hợp thời, quyết định phản ứng, và cũng như trước nay, bà hành động quyết liệt. Vị vua trẻ bị lưu đày, giam hãm ở đâu đó, và các nhà nho cải cách bị kết án tử hình. Họ trốn thoát được và chạy sang Nhật Bản.

Phạm Quỳnh - hiệu Thượng Chi, bút danh: Hoa Đường, Hồng Nhân - là một nhà văn hóa, nhà báo, nhà văn và quan đại thần triều Nguyễn (Việt Nam). Ông là người đi tiên phong trong việc quảng bá chữ Quốc ngữ và dùng tiếng Việt - thay vì chữ Nho hay tiếng Pháp - để viết lý luận, nghiên cứu. Ông chủ trương chiến đấu bất bạo động nhưng không khoan nhượng cho chủ quyền độc lập, tự trị của Việt Nam, cho việc khôi phục quyền hành của Triều đình Huế trên cả ba kỳ (Bắc, Trung, Nam), chống lại sự bảo hộ của Pháp và kiên trì chủ trương chủ nghĩa quốc gia với thuyết Quân chủ lập hiến.

Các tác phẩm chính:

- Thượng Chi văn tập (5 tập) (Bộ Quốc gia giáo dục, Sài Gòn, 1962)
- Pháp du hành trình nhật ký (NXB Hội Nhà văn - H, 2004)
- Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922 - 1932 (NXB Tri thức, H,2007)
- Một tháng ở Nam Kỳ
- Mười ngày ở Huế
- Luận giải về văn học và triết học (Nxb. Văn hoá Thông tin và Trung tâm văn hoá - ngôn ngữ Đông Tây xuất bản, H, 2003)

- Hoa Đường tùy bút

Nhân phản ứng ấy, từ Triều đình loan rộng ra các tỉnh, tất cả các thế lực xấu xa của nước Trung Hoa cũ thả sức ra tay và đưa đến phong trào bài ngoại dã man và quá khích là cuộc bạo loạn của các Võ sĩ năm 1900-1901. Các cường quốc ngoại bang, người của họ bị giết và tài sản bị cướp, can thiệp quyết liệt và Trung Quốc phải chịu thêm nhiều phen nhục nhã.

Lần này Triều đình có vẻ hiểu ra, và bắt đầu đôi ba cải cách hờn hợt; nhưng đã quá muộn và người ta nghi ngờ sự chân thật của Triều đình. Các nhà nho yêu nước đã bị truy đuổi tránh trở lại tác. Mặt khác, một lớp trẻ mới, hăng hái và sẵn sàng cách mạng, được hình thành ở nước ngoài, trong các Đại học Châu Âu và Mỹ và trong các trường học Nhật Bản. Họ tìm thấy ở Tôn Dật Tiên vị lãnh tụ của mình, Tôn bấy giờ mang các ước vọng cách mạng của mình đi từ Hồng Kông đến Hawai, từ Paris đến London, chiêu mộ đệ tử trong tất cả các cộng đồng người Hoa ở nước ngoài, ở Xiêm, ở Straits, ở Châu Mỹ. Triều Mãn Thanh đã hết thời; sự kết liễu của nó chỉ còn tính bằng giờ.

Lương Khai Siêu vẫn sống ở Nhật. Nhưng ông cảm thấy thời của mình đã qua. Là một nhà nho, một người cải lương, ông đã lạc hậu, đã bị một lớp trẻ cách mạng khát khao hành động hơn là văn chương, vượt qua. Ông không còn ảnh hưởng đến họ, cùng lắm cũng chỉ vươn được tới họ và đi theo họ, điều ông đã khôn ngoan không làm. Ông vẫn viết tiếp, nhưng các trước tác của ông đôi lúc đã thấm mùi vị u buồn và mệt mỏi. Về sau ông càng ngày càng xa lánh chính trị và tập trung vào các công việc bác học và nghiên cứu đạo Phật. Nhưng hẳn suốt đời ông vẫn nghĩ về những gì ông đã viết thời ông ba mươi tuổi, trong một lúc nản lòng, có thể là ngay sau các thử nghiệm bi đát hồi năm 1898.

“Tất cả những gì tôi hằng mơ ước, tất cả những gì tôi từng gắng làm, chẳng có việc nào thành công cả. Và ngày này qua ngày khác, tôi làm việc như một tên nô lệ của văn học. Tôi nói lên những lời vô dụng, chẳng đem lại làm dịu bớt được chút nào nổi khốn khổ của cuộc đời. Khi nghĩ đến tất cả những điều đó, tôi rất lấy làm hổ thẹn. Nhưng với khả năng và hoàn cảnh của tôi bây giờ, ngoài những việc đó, tôi chẳng còn biết làm gì để có thể có ích cho đất nước. Những việc làm của tôi thật nhỏ bé, song tôi đành bằng lòng vậy... Ôi! Tổ quốc đang hồi nguy khốn, thời gian trôi qua và tôi nghe gánh nặng đè trên đôi vai gầy yếu của mình. Chẳng phải một người bạn của tôi đã viết trong một bài thơ của anh: Kẻ nói và kẻ viết, chẳng bao giờ trở thành anh hùng! - Vậy mà tôi, tôi chỉ dốc hết sức mình vào mỗi việc nói và viết! Tôi có thể làm gì đây để giúp nước? Khi nghĩ đến điều đó, lòng tôi đau quặn và tôi không thể nói nên lời...”.

Tôi đã nói khá nhiều về nhân vật thật đáng chú ý Lương Khải Siêu bởi tôi nghĩ ông là tiêu biểu cho cả một thời. Nếu các ý đồ cải cách của nhà nho yêu nước này, con người dầu đã có được một nền học vấn mới, vẫn là một người Trung Hoa thuần tuý, một người Trung Hoa chân chính, đã thành công, nếu Triều đình Bắc Kinh, thông minh hơn, đã hiểu được sự cần thiết và quyết tâm thực hiện các cải cách ấy, số phận của nước Trung Hoa đã có thể đổi khác.

Nhưng sự khôn ngoan đâu có tồn tại trên đời này, và nhân loại luôn chao đảo từ cực này sang cực khác, nó rất ghét khái niệm trung dung dầu đó là một khái niệm Trung Hoa, sau phản ứng của nước Trung Hoa già, đến cuộc cách mạng của nước Trung Hoa trẻ, mà chúng ta đã biết các giai đoạn từ năm 1911, với tình trạng hỗn loạn và vô chính phủ còn kéo dài mãi và chẳng hề sắp đến lúc kết thúc.

Mà, nước Trung Hoa mới là gì? Đấy là, một bên, những tên lính đánh thuê vô học, thủ lĩnh cũ của các băng đảng được tôn lên làm tướng của nước Cộng hoà, bên kia là đôi ba nhà ngoại giao, tốt nghiệp trường Oxford hay Cambridge, ăn mặc theo mốt mới nhất của Paris và London và nói tuyệt sõi tiếng Anh (sõi hơn nhiều tiếng mẹ đẻ của họ mà họ đã quên mất trong thời gian dài sống ở Châu Âu và Mỹ), cùng với bên dưới một đám các returned students, những sinh viên từ nước ngoài trở về và bạn bè họ, học trò các trường của các hội truyền giáo Mỹ hay cái gọi là các trường đại học quốc gia. Những lãnh tụ của nước Trung Hoa mới là thế đấy. Làm thế nào những con người như vậy, hầu như sống bên lề xã hội truyền thống, cái xã hội ngoại trừ các thành phố lớn là nhượng địa của ngoại bang, chẳng hề biến đổi nhanh như người ta vẫn tưởng, có thể có ảnh hưởng tốt đẹp đến hằng hà sa số đồng bào của họ? Làm sao họ có thể lãnh đạo một đất nước lớn đến chừng ấy? Trong thực tế, cho đến nay hoạt động của họ đã tỏ ra tan loãng và nhiễu loạn.

Nhưng họ có trong tay một sức mạnh lớn: đấy là tinh thần dân tộc phẫn nộ từng ngày trước các xí nghiệp ngoại quốc và dựa trên nền tảng tinh thần bài ngoại của nòi giống.

Có thể, đến một ngày nào đó, tinh thần ấy, được thanh lọc, được chưng cất lên, sẽ giúp người Trung Hoa thoát ra khỏi tình trạng hỗn loạn của họ.

Dẫu sao, gây chiến tranh với Trung Quốc, Nhật Bản đang giúp Trung Quốc một điều rất lớn: tăng cường tinh thần dân tộc Trung Hoa, làm cho nó rắn chắc lại, trui rèn nó trong thách thức của hành động và khiến nó có được một khả năng kháng chiến khiến nhiều nhà quan sát thành thạo phải ngạc nhiên.

Tinh thần dân tộc là một sức mạnh phải luôn được tính đến. Được hướng đạo đúng, nó thậm chí có thể cứu được nước Trung Hoa.

(1932)

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Phương Đông và phương Tây

    07/11/2015Phạm Quỳnh (sinh (17/12/1892 - mất 6/9/1945)Chúng ta sống trong một thời kỳ khủng hoảng của lịch sử thế giới. Đấy không phải là một lời sáo rỗng tầm thường, một công thức mơ hồ và có phần cường điệu. Đấy là một nhận xét cần thiết nếu ta nghĩ đến những hậu quả kinh khủng của bi kịch do cuộc va chạm giữa Phương Đông và Phương Tây gây ra trên thế giới...
  • Cải cách Hiến Pháp ở Trung Quốc

    28/08/2010Nguyễn Trần BạtTrong đời sống
    quốc tế hiện đại, tự do không còn là quyền chính trị mà đã trở thành
    quyền phát triển và nó gắn liền với các cuộc cạnh tranh toàn cầu. Nếu
    không có tự do thì năng lực cá nhân, năng lực xã hội không được giải
    phóng và do đó, năng lực phát triển của dân tộc cũng không được giải
    phóng. Khi năng lực phát triển không được giải phóng thì năng lực cạnh
    tranh sẽ giảm...
  • Phạm Quỳnh (1892 - 1945)

    29/06/2009Một nhà văn hóa, nhà báo, nhà văn và quan đại thần triều Nguyễn. Ông là người đi tiên phong trong việc quảng bá chữ Quốc ngữ và dùng tiếng Việt - thay vì chữ Nho hay tiếng Pháp - để viết lý luận, nghiên cứu...
  • Rồng, hổ Đông Á và vấn đề sử dụng bài học kinh nghiệm về nhân tố văn hóa và con người

    22/04/2009PGS.TS. Hồ Sĩ QuýViệt Nam đang cất cánh và vẫn chưa mất cơ hội để hóa rồng. Việc lựa chọn những quyết sách, phương thức và bước đi trong phát triển trên cơ sở học tập kinh nghiệm thành công của mô hình Đông Á, như lời tư vấn nhiệt thành của các chuyên gia Harvard, rõ ràng là có ý nghĩa quyết định. Tuy nhiên, kinh nghiệm dù hay đến mấy cũng mới chỉ là hành trang để phát triển. Chỉ riêng hành trang chưa đủ giúp người tìm đường tới được cái đích mà anh ta cần đến.
  • Nền tảng Nho giáo của tư tưởng xã hội hài hòa (trích đăng)

    20/03/2009Nguyễn Tài ĐôngTìm ra và khẳng định tư tưởng xã hội hài hòa có nền tảng lý luận từ kho tàng triết học truyền thống là đã tiếp sức sống cho tư tưởng này, vấn đề còn lại là, phát triển các kênh đối thoại đa dạng hơn nữa giữa truyền thống và hiện đại mà ở đặc biệt là giữa chủ nghĩa Mác và Nho giáo để tìm ra nhiều lời giải đáp hữu hiệu cho hiện thực xã hội hài hòa.
  • Vấn đề phương Đông và phương Tây

    25/11/2008Phạm QuỳnhCó chăng một vấn đề Phương Đông và Phương Tây? Đặt ra vấn đề về các quan hệ giữa hai phần đó của thế giới do sự đối lập hay sự đối kháng của chúng là đúng hay sai? Giữa chúng có những khác biệt đặc trưng cho phép một sự đối lập như vậy không?
  • Thực tiễn Trung Hoa

    14/08/2008Hoàng Ngọc Hiến... Những học giả phương Tây nghiên cứu Trung Hoa bằng những khái niệm phương Tây, do đó không trúng. Tác giả đi tìm những khái niệm - công cụ thích đáng và kết quả là đã tìm thấy chúng trong những công trình nghiên cứu Trung Hoa (đối sánh với Châu Âu) của F.Jullien...
  • Những vấn đề đương đại của triết học Trung Quốc

    07/08/2008Hồ Sĩ QuýTháng 5/2006, tạp chí Trung Quốc KHXH thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS) cùng tạp chí Giới học thuật, một tạp chí có uy tín ở Trung Quốc tổ chức Hội thảo “Những vấn đề mũi nhọn trong nghiên cứu triết học đương đại”. Mục đích của hội thảo đặt ra là: Những vấn đề mà triết học Trung Quốc đương đại cần hướng tới - những vấn đề của thời đại, những vấn đề của đất nước Trung Quốc và những vấn đề của bản thân triết học...
  • Trung Quốc hôm nay: Khi cuộc sống trở thành văn hóa

    28/12/2006Vương Trí NhànVì bất cứ ai, một lần du lịch trên đất TrungQuốc đều không thể nghĩ khác: Nền văn hóa TrungHoa hấp dẫn vì tính muôn màu muôn vẻ của nó...
  • Tân văn - Tân thư và ảnh hưởng của nó đến tư tưởng yêu nước ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX

    07/11/2006PGS, TS Lê Thanh BìnhTân thư góp phần giúp cho trí thức Việt Nam tiêu biểu thời đó học được phương pháp mà sau này người ta thường gọi là: “Tự thức tỉnh, tự phê phán" để nhìn nhận rõ các ưu khuyết, nhất là các nhược điểm trầm trọng của chính tầng lớp mình, của nhân dân mình, dân tộc mình đặng sửa chữa, khắc phục...
  • Trình độ tu dưỡng khoa học của người Trung Quốc

    15/11/2006Dương Phương AnhTheo giải thích của Tổ trưởng Tổ điều tra tu dưỡng khoa học công chúng Trung Quốc thì trên quốc tế đã khái quát tu dưỡng khoa học làm ba bộ phận tổ thành: đạt được trình độ hiểu biết cơ bản lề trí thức khoa học, đạt được trình độ hiểu biết cơ bản về quá trình và phương pháp nghiên cứu khoa học, đạt được trình độ hiểu biết cơ bản rằng khoa học kỹ thuật đã có ảnh hưởng đối với cá nhân và con người như thế nào.
  • Khám phá bí mật kinh doanh của người Trung Quốc

    17/08/2005Người Hoa nắm giữ phần lớn tài sản của một số nước Đông Nam Á, đặc biệt là ở Indonesia, Philippines, Thái Lan. Người Hoa đang nắm giữ một lượng ngoại tệ bằng cả Nhật và Đức cộng lại. Người Hoa lại có thể kinh doanh trên toàn cầu một cách linh hoạt và hầu như không tuân theo các nguyên tắc giao dịch làm ăn thông thường trong thế giới phương Tây...
  • Học gì từ lộ trình đi đến phồn vinh của người Trung Quốc ?

    21/07/2005Cuộc trò chuyện với TS Harvard Vũ Minh Khương về những kinh nghiệm phát triển của nước bạn ngay trong buổi sáng Chủ tịch nước Trần Đức Lương sang thăm Trung Quốc.
  • Đọc "Người Trung Quốc Xấu Xí"

    13/11/2003Người Trung Quốc xấu xí (Chõu lòu de Zhong Guó rén) tập hợp những bài viết và nói chuyện từ năm 1977, và lần đầu được dịch ra tiếng Việt vào đầu hè 1998 tại Paris do dịch giả Nguyễn Hồi Thủ dịch từ một bản in ở Trung Quốc (TQ) của tác giả Bá Dương (Bo Yang) sau một chuyến đi TQ cách đó năm năm. Sau đó cộng đồng người Việt ở Pháp, Mỹ... đã tham gia tranh luận rất nhiều về "Người Trung Quốc xấu xí" và "Người Việt xấu xí". ChúngTa.com xin đăng tải một bài viết tóm tắt về "Người Trung Quốc xấu xí" và tâm sự của một người Việt đã xa quê hương đất nước 30 năm.
  • xem toàn bộ