Tác giả Văn minh tân học sách phải chăng là của Tiến sĩ Ngô Đức Kế?

07:19 CH @ Chủ Nhật - 09 Tháng Bảy, 2017
Xem thêm:
.

Văn minh tân học sách(VMTHS) là tài liệu quan trọng bậc nhất, một triết lý giáo dục mới – triết lý GD “động”, thực sự cách mạng nhằm canh tân GD của phong trào Duy tân-Nghĩa thục (1903-1908) để thay cho triết lý GD “tĩnh” đã hàng nghìn năm đào luyện ra những thần dân chỉ biết phục tùng (1). Sách do Đông kinh Nghĩa thục ở Hà Nội in ấn bằng chữ Hán và phát hành năm 1907 nhân dịp thành lập ngôi trường ở số 4 và số 10 phố Hàng Đào, cùng với hai cuốn sách quan trọng khác là Quốc dân độc bảnTân đính luân lý giáo khoa thư, đều không đề tên người biên soạn.

VMTHS được GS Đặng Thai Mai, dịch sang tiếng Việt năm 1961, in trong công trình của ông Văn thơ cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX, không ghi ai là tác giả. Một số nhà nghiên cứu sau này cho là tác phẩm khuyết danh, số khác nêu giả thiết tác giả tài liệu này là Phan Chu Trinh (Nguyễn Q.Thắng), là Đào Nguyên Phổ (PGS Chương Thâu), nhưng chỉ căn cứ “ngoại chứng” – các truyền ngôn trong dòng họ, nên không chứng minh được.

Nhà nghiên cứu Vũ Thế Khôi đã đi theo con đường tìm “nội chứng” – phân tích văn bản học theo phương pháp của Viện sĩ Đ.Likhatrov, mô tả trong công trình kinh điển Văn bản học(2), để minh định tác giả của văn bản quan trọng này, vốn thể hiện một triết lý giáo dục tiên tiến của các nhà Nho Duy tân hồi đầu TK XX mà nhiều luận điểm vẫn còn giá trị thời sự.

Ngô Đức Kếlà người làng Trảo Nha, thuộc tổng Đoài, huyện Thạch Hà, phủ Hà Thanh, tỉnh Hà Tĩnh (nay là thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh).
Xuất thân trong một gia đình quan lại nhiều đời. Cha ông là Tả tham tri bộ Lễ Ngô Huệ Liên (?- 1912), về sau giữ chức Toản tu Quốc sử quán triều Nguyễn.
Năm 1901, ông Kế dự thi Đình, đỗ Á khoa năm Thành Thái thứ 13. Tuy nhiên, ông không ra làm quan ở nhà dạy học, đọc tân thư, liên hệ với Phan Bội Châu, và đứng ra đề xướng lối học mới và bài xích cái học từ chương và cử nghiệp. Đồng thời, ông cùng với Lê Văn Huân và Đặng Nguyên Cẩn lập ra Triều Dương thương điếm ở Vinh.
Năm 1908, ông bị thực dân Pháp bắt và bị đày ở Côn Đảo cho đến năm 1921.
Năm 1921, ông ra tù. Đến năm sau (1922), ông làm Chủ bút báo Hữu thanh của Hội Công thương tương tế ở Hà Nội, đồng thời sáng tác thơ vǎn. Trên báo Hữu Thanh, ông đã viết một số bài "đả kích thơ văn lãng mạn và quyết liệt bài xích nhóm Nam Phong (đứng đầu là Phạm Quỳnh) vì đã bênh vực Truyện Kiều".
Năm 1927, tờ báo trên bị đóng cửa, Ngô Đức Kế mở Giác quần thư xã, để xuất bản một số sách tiến bộ, trong số đó có "Phan Tây Hồ di thảo" của nhà chí sĩ Phan Chu Trinh.
Ngô Đức Kế qua đời ngày 10 tháng 12 năm 1929 tại Hà Nội. Khi ấy, ông 51 tuổi. Nhân dân gọi ông là Ngô Nhân Tổ (người cụ tổ họ Ngô) hoặc gọi là Ngô Việt Hành (hành tinh đất Ngô - Việt)

(Theo Wikipedia)

*

* *

Ông Vũ Thế Khôi đã thực hiện so sánh văn bản học tài liệu bằng chữ Hán khuyết danhVMTHS với tờ trình cũng bằng Hán văn ghi danh tác giả chính xác Ngô Đức Kế xin sửa đổi phép thi – “Bẩm vi thỉnh tương thí pháp lược hành cải định dĩ cổ sĩ phong nhi hợp thời nghĩa sự” (gọi tắt là Thỉnh cải định thí phápTCĐTP) do PGS.TS Ngô Đức Thọ cung cấp, theo phương pháp phân tích văn bản học của Viện sĩ Đ.Likhatrôv để minh định tác giả văn bản.

Ông Khôi đã thực hiện nghiêm chỉnh các thao tác khảo cứu mà Viện sĩ Đ.Likhatrov yêu cầu:

  1. Xác định Lai lịch hai văn bản Văn minh tân học sáchThỉnh cải định thí pháp

Ở phần khảo cứu này Vũ Thế Khôi làm rõ 2 vấn đề liên quan việc minh định tác giả văn bản:

  1. Về niên đạiTCĐTP xuất hiện sau VMTHS: học giả Đặng Thai Mai xác định VMTHS viết năm 1904; PGS.TS. Ngô Đức Thọ căn cứ chi tiết TCĐTP được phát hiện trong thư viện của Cao Xuân Dục, cho rằng văn bản này được trình cho họ Cao khi ông được bổ làm Thượng thư Học bộ mới thành lập vào năm 1907; bất luận thế nào TCĐTPkhông thể được soạn trước năm 1906 vì trong văn bản có những câu: “Gần đây họ [Trung Quốc] mới sửa đổi phép học, phép thi, bỏ khoa cử”; “Phép thi do Trung Quốc đặt ra, không phải là phép tắc của tổ tiên ta. Trung Quốc đặt ra mà năm trướcTrung Quốc đã bỏ đi…”. Trung Quốc bỏ phép thi cũ năm 1905, đó là “năm trước”, vậy năm Ngô Đức Kế viết TCĐTPcó thể là 1906.
  2. Về vai trò của Tập Xuyên Ngô Đức Kế trong phong trào Duy Tân-Đông kinh Nghĩa thục – Đọc kỹ Tự truyện (“Niên biểu”) của Phan Bội Châu và tiểu sử Phan Chu Trinh (Huỳnh Thúc Kháng: Phan Tây Hồ tiên sinh lịch sử) có thể thấy rõ ràng mặc dù trẻ tuổi nhất (đỗ Tiến sĩ năm 23 tuổi, khi phong trào khởi phát, 1903, mới 25 tuổi) nhưng Tập Xuyên Ngô Đức Kế được cả hai vị lãnh tụ của phong trào yêu nước và cách mạng hồi đầu thế kỷ trước rất nể trọng, coi là một trong hai thủ lĩnh (vị kia là Đặng Nguyên Cẩn – thân sinh của Đặng Thai Mai) của phong trào Duy Tân ở miền Nghệ Tĩnh và do tài năng văn học (“trổ từ tuổi thiếu niên”, như lời cụ Huỳnh nhận định sau này), chí khí và học vấn sâu rộng về tân học thường được những lãnh tụ của phong trào tham vấn về kế sách và chương trình hành động. Khi nghiên cứu mối liên hệ giữa Ngô Đức Kế và VMTHS,3 dữ kiện rất đáng chú ý:

a) Trong Thi tù tùng thoại, viết ngay trong 13 năm bị lưu đày ở Côn Đảo (1908 – 1921), Huỳnh Thúc Kháng ghi nhận Ngô Đức Kế là người sớm đọc tân thư và hăng hái đề xướng tân học: (3).

b) Theo nhà văn Sơn Tùng, người chuyên sưu tầm và viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 1903, ngay từ khi phong trào chuẩn bị khởi phát, Ngô Đức Kế đã cùng Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, có con trai là Nguyễn Tất Thành đi cùng, ra Hà Nội gặp các cụ Lương Văn Can, Võ Hoành và một số yếu nhân khác trong Đông kinh Nghĩa thục tương lai (4). Thông tin của ông Sơn Tùng có thể được chứng thực một cách gián tiếp bởi ngay đương thời cụ Huỳnh Thúc Kháng đã khẳng định mối liên hệ mật thiết và uy tín của Ngô Đức Kế đối với sĩ phu Bắc Hà(5);

c) bà Lê Thị Kinh, tức Phan Thị Minh, cháu ngoại của cụ Phan Chu Trinh, dẫn công trình Phong trào Duy tân (1970) của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân, viết về cuộc “Bắc hành” tháng Chạp 1905 – đầu năm 1906 của cụ Tây Hồ như sau: “thầy trò [Phan Chu Trinh và Ông Ích Đường] ra thẳng Hà Nội gặp các sĩ phu Lương Văn Can, Đào Nguyên Phổ, Võ Hoành… để bàn kế duy tân. Sau đó lại lộn trở vào Nghệ Tĩnh để gặp Tập Xuyên Ngô Đức Kế vốn là bạn của ông từ trước để cùng các sĩ phu duy tân ở đây bàn chương trình hành động. Từ Nghệ Tĩnh ông lại đi thẳng ra Lạng Sơn v.v…”(6). Riêng việc Phan Chu Trinh không thẳng từ Hà Nội lên Lạng Sơn gặp cụ Đề Thám mà lại phải “mua đường đất” – lộn vào Nghệ Tĩnh gặp Ngô Đức Kế rồi mới từ đó lên Lạng Sơn? Hẳn là có việc quan trọng cần bàn gấp, sẽ nói rõ dưới đây.

  1. Xác định sự tương đồng trong Nội dung Văn minh tân học sáchThỉnh cải định thí pháp

Đọc kỹ nội dung của hai văn bản này không thể không thấyTCĐTP là một bài nghị luận triển khai trong 15 trang viết tay đề mục 3 về sửa đổi phép thi, vốn chỉ chiếm có hơn hai trang trong 19 trang bản in (29 trang bản viết) của VMTHS – có một cấu trúc lôgic như nhau. Hãy so sánh:

– VMTHS (1904) viết: dùng phép thi cũ và lối văn bát cổ với những quy tắc phức tạp và gò bó để xét thực học là vô lý, hoàn toàn phí công sức vô ích -> ngay Trung Quốc từ khoa Canh Tý (1900) cũng đã bỏ lối bát cổ chỉ thi sách luận -> ta cũng chỉ nên dùng hai lối văn ấy để thi.

– TCĐTP (1906/07) viết: phép tắc đổi theo thời thế, mà thời thế nay đã đổi thay, ngay đến Trung Quốc từ các đời Hàm Phong (1851 – 1862) và Đồng Trị (1862 – 1875) cũng đã thông thương, biến đổi theo phương Tây -> sĩ phu ta không phải không biết lối văn bát cổ với những quy tắc gò bó là vô dụng, nhưng vẫn phải dốc hết tâm lực mà theo vì triều đình vẫn dùng lối văn ấy để tuyển dụng -> phép thi rắc rối ấy do Trung Quốc đặt ra xưa kia, nay chính họ từ năm trước (1905) đã bỏ hẳn rồi -> ta nếu chưa bỏ được ngay thì cũng nên biến thông chút ít: bỏ chế nghĩa, thi phú, chế biểu, chỉ chuyên thi sách luận -> biên soạn lại sách học, mua tân thư.

Tuy nhiên, Viện sĩ Likhatrôv cảnh báo: “Việc phân tích nội dung tư tưởng của tác phẩm bất luận trong trường hợp nào cũng không thể chỉ hạn chế ở những đại ý của tác phẩm. Các tư tưởng trong tác phẩm có thể là chung cho nhiều tác giả do họ cùng đảng phái, nghề nghiệp, đẳng cấp, giai cấp…(7). Ông chỉ rõ: “…tiêu biểu hơn nhiều là những chi tiết trong tư tưởng, những tiểu ý, những sắc thái riêng trong lập luận, những kiểu cách chứng minh cá biệt, những ví dụ ưa dùng(8).

Trong VMTHSTCĐTP có những chi tiết ý, những cách lập luận trùng hợp như vậy, chẳng hạn:

VMTHS viết: “Không biết những lối mở đề, thừa tiếp, khởi ý, kết thúc, thanh luật biền ngẫu có gì ích cho thực dụng không?… Thế rồi cấm liên thượng phạm hạ, cấm lạc vận thất niêm, cấm viết sai, viết sót chữ trong đầu đề <…> cấm những chỗ dập xóa, dời xuống, móc lên, sửa chữa* <…>” Hãy so sánh với TCĐTP: “Cho nên mới phải nghêu ngao nghiền ngẫm nơi bàn học, dốc hết tâm lực, cố sống cố chết mà học lấy được; những cách mở đề, thừa tiếp, khởi ý, kết thúc cùng cái phép thanh luật biền ngẫu đều phải luyện tập không lúc nào ngơi* <…> Những quy tắc dập xoá, dời xuống, móc lên, sửa chữa, thất niêm lạc vận, lỡ sai một chút thì tên tuổi bị vùi lấp…” Rõ ràng là chẳng những tiểu ý mà nhiều từ ngữ cũng trùng khớp hoàn toàn.

– VMTHS viết “Đời người không sống đến trăm năm thế mà dốc hết tinh thần hữu dụng đem vùi vào đống sách đầy xe, ngất nóc. Đời người còn có những nghĩa vụ phải làm, thế mà nửa phần cái tài trí vô cùng lại bị hao mòn vào chồng giấy loại mọt đục, mối ăn." Hãy so sánh với TCĐTP:Đời người chỉ sống trăm năm, thông minh tài lực có bao lăm mà từ nhỏ đến già vùi đầu vào đó, tâm lực hao mòn hết cả

– VMTHS viết “Lấy Kinh, Truyện và ba sử (sử Nam, sử Tàu, sử Thái tây) đặt đề mà hỏi, cho phép học trò bàn bạc tha hồ, đối đáp tự do, không gò bó kiêng kị, không cần thể cách gì hết. Hãy so sánh với TCĐTP: “… đề ra những câu hỏi về ý nghĩa lớn trong Kinh. Truyện, về những việc lớn trong vài bộ sử (sử nước ta, sử Trung Quốc, sử Thái tây) cùng là những điều về thực học về chính trị, công thương, cách trí. Người hỏi tùy ý mà ra đề, người đáp tùy ý mà phô diễn, không cần thể, không cần lệ, không gò, không bó gì hết.

Có thể phát hiện một số cách chứng minh cá biệt, từ ngữ ưa dùng trùng khớp trong hai văn bản, như:

– Dùng hình ảnh so sánh tỉnh / thức – say / mê để chứng minh ta đã lạc hậu trong canh tân so với Trung quốc: VMTHS– “Người ta tỉnh giấc rồi, ta còn ngủ”. Hãy so sánh vớiTCĐTP: “Sĩ phu nước ta vẫn như say chưa tỉnh, vẫn như mộng chưa thức”;

– Cả hai văn bản cùng dùng từ “tự xưng” (自命) để đả kích thói tự cao tự đại của lũ hủ Nho: VMTHS viết “tự chiếm bậc thanh cao, tự xưng bậc gìn giữ thế đạo*; TCĐTP viếtThường ngày thì tự xưng ta đây là nhà Nho, ta đây là người khoa mục”;

– Khi phê phán sự vô bổ của các loại sách tầm chương trích cú, chú sớ, tranh biện của nho gia Tống, Minh, trong cả VMTHS lẫn TCĐTP trong các ví dụ đều kể Mông dẫn (蒙引) và Tồn nghi(存疑 );

– Đề cập vấn đề sách giáo khoa, cả 2 tài liệu đều dùng những từ tương tự để nói về cơ quan làm sách. VMTHS – ‘Lập một thư cục hiệu đính sách*; TCĐTP – “Đặt một thư cục in ấn sách” . Về tinh giản sách kinh điển Nho học, VMTHS viết “trích lấy đại yếu, biên thành một tập <…> bỏ bớt những chỗ rườm rà”; TCĐTPviết “trước hết soạn lại các sách Nho học, bỏ bớt rườm rà, soạn lại cho gọn.

Khi nói đến các trước tác lớn trong “tân thư” cả hai tài liệu cùng chỉ nêu ví dụ ba tác gia: Lư Thoa(Rousseau), Tư Tân Tắc (Spencer) và Mạnh Đức Tư Cưu(Montesquieu).

Khi nêu ví dụ về trường tân học cả hai tài liệu đều có nêu trường Quốc học ở Huế.

Ở phần kết của cả hai tài liệu đều gắn vấn đề canh tân với số phận của 25 triệu đồng bào. VMTHS ghi “Chả biết hai mươi lăm triệu đồng bào ta rồi sẽ kết cục ra sao đây?”. TCĐTPcũng ghi “… dưới nghĩ đến đông đảo hai mươi lăm triệu đồng bào…”.


Cụ Huỳnh Thúc Kháng (phải) và cụ Ngô Đức Kế sau khi ra khỏi nhà tù Côn Đảo đã cùng nhau lập nên báo Tiếng Dân (tờ báo có tiếng ở miền Trung năm 1927-1943 - Ảnh: tư liệu

.

III.Văn phong ngôn ngữ Văn minh tân học sách Thỉnh cải định thí pháp

Vũ Thế khôi đã phát hiện trong hai văn bản cùng sử dụng phổ biến một số thủ pháp tu từ. đặc trưng chung cho TCĐTPcó tên tác giả là Ngô Đức Kế và VMTHS khuyết danh. Xin một số ví dụ tiêu biểu về xướng – kết đồng dạng và điệp từ:

– TCĐTP viết “Nói về chính thể ư? – thì có chuyên chế, có cộng hoà, có dân chủ. Nói về giao thiệp ư? – thì có lãnh thổ, có tô giới, có công pháp, có thương ước, có lãnh sự, có công sứ. Nói về cạnh tranh ư? – thì có pháo đài, có thiết giáp hạm, có ngư lôi, có địa lôi, có tầu ngầm. Nói về chính pháp ư? – thì có tầu thủy, có đường sắt, có điện tín, có bưu chính, có ngân hàng, có bảo hiểm <…> Nói về học thuật ư? – thì có thiên văn học, địa lý học, địa chất học, khí tượng học, hoá học, âm học, điện học, thuỷ học, nhiệt học <…>”; VMTHS viết “Nông học có hội: người ta đương cạnh tranh về nghề nông đấy! Còn ta thì vẫn như cũ! <…> Thương chính có sở: người ta đương cạnh tranh về nghề buôn đấy! Còn ta thì vẫn như cũ! <…> Công nghiệp có xưởng: người ta đương cạnh tranh về công nghệ đấy! Còn ta thì vẫn như cũ! <…>*.

Có thể so sánh thêm các đoạn văn sau: VMTHS viết “Không nghe câu chuyện nước Nhật Bản ư? Trong thời gian hơn 30 năm gần đây, nước Nhật du nhập văn minh châu Âu, nay đã đạt được mục đích rồi. Không nghe câu chuyện nước Xiêm La ư? Trước đây vài mươi năm nước Tiêm đã giao thông với Âu châu, phái con em đi du học, nay chính sự đã có phần mới mẻ, khả quan rồi. Lại không nghe nói chuyện nước Tàu ư? Tàu vốn là một nước thủ cựu, thế mà chỉ do trong ngoài cùng kích thích, nay trên dần dần hiểu ra phương pháp Âu tây có thể nương theo, dưới cũng biết rằng học thuật Âu tây là đáng chuộng. Nay nước Tàu đã có sở phỏng tạo, có hội quảng học rồi <…>TCĐTPviết “Trung Quốc từ các đời vua Hàm Phong, Đồng Trị về sau, thông thương ngày càng rộng, du lịch ngày càng nhiều, sự kiện biến đổi cũng càng ngày càng gấp”. VMTHS viết: “Càng tư tưởng thì càng cạnh tranh, càng cạnh tranh thì càng tư tưởng”.

-TCĐTP viết “Nhìn rathế giới thì người ngày một tiến bộ thế kia. Nhìn lại nước ta thì mình ngày một thụt lùi thế này”.VMTHS viết “Văn minh nước ta thì có tính chất luôn tĩnh thế này. Văn minh châu Âu thì có tính chất luôn động thế kia”.

Giọng văn chính luận của Tập Xuyên Ngô Đức Kế có những đặc trưng riêng, không trộn lẫn với ai được. Khi chuyển từ Hán văn sang viết bằng tiếng Việt, Cụ vẫn giữ nguyên giọng chính luận của riêng mình, thậm chí tiếng mẹ đẻ đã tạo điều kiện cho ngòi bút chính luận của Cụ thoả sức tung hoành, các thủ pháp tu từ đặc trưng trở nên nhuần nhuyễn hơn, ứng dụng được cả vào thơ ca quốc ngữ của Cụ. Có câu thường nói: văn là người. Tuy nhiên, để minh định tác giả thì chỉ trong tổng thể với những căn cứ về lai lịch, về nội dung tư tưởng và ngôn ngữ, văn phong mới trở thành căn cứ thuyết phục. Giọng văn VMTHSTCĐTP là một.

Vũ Thế Khôi đã tóm lược quá trình ra đời của VMTHSThỉnh cải định thí pháp như sau.

VMTHS được biên soạn năm 1904, vậy nó phải được thảo luận thống nhất trong sĩ phu tham gia Duy tân-Nghĩa thục từ trước đó. Trước thời điểm đó, cho đến nay chúng ta mới biết có cuộc hội đàm năm 1903 của sĩ phu Trung-Bắc mà Sơn Tùng qua hồi ức của ông Cả Khiêm và bà Thanh, anh chị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã miêu tả khá chi tiết, từ hành trình ra Hà Nội của Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Ngô Đức Kế và một vài người khác đến thành phần và địa điểm hội kiến. Trong số tham dự thì Ngô Đức Kế là người hội đủ nhất các điều kiện để được trao nhiệm vụ chấp bút văn bản thể hiện quan điểm chung đã nhất trí về sách lược của nền tân học họ dự định xây dựng. Ngay năm sau 1904, Ngô Đức Kế hoàn thành VMTHS. Tiếp đó, khi các thủ lĩnh khởi phát phong trào chuẩn bị giành thắng lợi quyết định ở ngay Hà Nội, dinh lũy chính trị của chế độ thực dân Pháp ở Đông Dương, Phan Chu Trinh đầu năm 1906 từ Quảng Nam, nơi phong trào đã khởi phát từ 1904, ra Hà Nội hội kiến với Lương Văn Can cùng một số nhân vật chủ chốt trong sĩ phu Bắc Hà, hẳn đã đi đến nhất trí “tương kế tựu kế”: nhân Toàn quyền Paul Beau ký Sắc lệnh 14-11-1905 thành lập Nha học chính Đông Dương với Hội đồng cải cách việc học của người bản xứ, họ quyết định công khai gửi một bức thư cho Chính phủ Nam triều đòi cải cách chế độ thi cử để mở đường cho nền tân học họ sắp trống giong cờ mở khai trương giữa Hà Nội. Việc này Ngô Đức Kế, người hai năm trước đã được giao soạn thảo VMTHS, mà đảm nhận sẽ thuận lợi hơn cả. Điều này giải thích một cách logic tại sao Phan Chu Trinh “mua đường đất”: từ Quảng Nam ra không ghé luôn Nghệ Tĩnh mà chỉ sau cuộc hội kiến ở Hà Nội, mới quay trở vào gặp Ngô Đức Kế chuyển đạt ý chung đề nghị viết bức thư công khai kiến nghị sửa phép thi, rồi lại quay lên Lạng Sơn vào đồn Phồn Xương gặp Đề Thám. Ngô Đức Kế đã hoàn thành việc soạn thảo và gửi bức thư này (tức “Bẩm vi thỉnh tương thí pháp lược hành cải định…”) vào cuối 1906 – đầu 1907, chắc phải trước tháng 3-1907, khi khai trương trường Đông kinh Nghĩa thục.

*

* *

Qua sự phân tích đối chiếu toàn diện trên đây đối với 2 văn bản Văn minh tân học sáchThỉnh cải định thí pháp đến đây học giả Vũ Thế Khôi khẳng định rằng tác giả của hai văn bản này chỉ là một người:

tác giả Văn minh tân học sách là của Tiến sĩ Ngô Đức Kế.

Còn một căn cứ nữa. Đó là bài thơ của cụ Tập Xuyên viết trong ngục Hà Tĩnh mà cụ Huỳnh Thúc Kháng đưa vào ở vị trí thứ hai, chỉ sau bài thơ tù của cụ Tây Hồ, trong tập Thi tù tùng thoại. Cụ Huỳnh đã làm một bản dịch thơ sang tiếng Việt:

Xe như nước chảy, ngựa như rồng

Vì cớ gì ta vẫn bực lòng

Ham học văn minh đà mấy lúc

Mão tù đâu khéo cấp cho ông!

Hai câu kết nếu diễn nghĩa sẽ thấy tác giả rõ ràng nói về bản thân, như sau:

Mấy năm lại đây hay thuyết về nền học văn minh (tức nền tân học!)

Vậy nên được nhận cái mũ phương Nam của tên tù nước Sở (tức tên tù mất nước).

Bài thơ viết năm 1907, “mấy năm lại đây” có thể hiểu là 2 – 3 năm trước, tức 1904 – 1906, đúng thời gian ra đời củaVMTHSTCĐTP. Có một điều chắc chắn: không có bài thơ thứ hai của bất kỳ chiến sĩ Duy Tân nào khác gắn trực tiếp như thế việc mình bị bắt bớ tù đày với việc “hay thuyết về nền học văn minh”!

Như vậy là thêm một căn cứ nữa, dẫu là căn cứ gián tiếp. Nhưng Viện sĩ chuyên gia văn bản học Xô Viết Likhatrôv đã khuyến cáo: đôi khi, những chỉ dẫn gián tiếp lại chắc chắn hơn những chỉ dẫn trực tiếp./.


Chú thích tài liệu tham khảo:

(1)Vũ Thế Khôi: Suy nghĩ về triết lý giáo dục của Đông kinh Nghĩa thục (Phát biểu tại Hội thảo “Tư tưởng giáo dục của Đông Kinh nghĩa thục”, do Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức ngày 26-7-2007, xem. http://hoikhuyenhocvietnam.org.

(2) Ngô Đức Kế: Luận về chính học cùng tà thuyết – Hợp tuyển thơ văn yêu nước và cách mạng. Đầu thế kỷ XX (1900 – 1930). Nxb. Văn học, H. 1972, tr.246-255.

(3)Likhatrôv Đ.X.: Văn bản học – Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, Nxb. Khoa học, Matxcơva, 1964 (tiếng Nga).

(4)Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng: Thi tù tùng thoại, Nxb. Văn hóa – Thông tin, H. 2001, tr.12-13.

(5)Xin tham khảo các bài của Sơn Tùng trên báo An Ninh Thủ đô, số Xuân Tân Mùi 1991 và trên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, http:// www.cpv.org.vn/ ngày 15/6/2003.

(6) Minh Viên Huỳnh Thúc Kháng, sđd, tr.53.

(7) Vũ Thế Khôi: Hội Hướng Thiện đền Ngọc Sơn, một cội nguồn văn hóa – xã hội sâu xa của trường Đông kinh Nghĩa thục (Báo cáo khoa học tại Hội thảo quốc tế nhân 100 năm ĐKNT do Đại học Provence tổ chức ở Pháp 3-5/5/2007); tóm lược đăng Xưa & Nay số 283 tháng 5-2007; toàn văn tiếng Việt có trên các mạng Talawas và dongtac.net (nhập ký tự Vũ Thế Khôi).

(8)Vũ Thế Khôi: Một trào lưu văn hóa của sĩ phu Hà thành qua giải mã thơ văn chữ Hán– Kỷ yếu Hội thảo khoa học Những vấn đề ngôn ngữ học… Khoa Ngôn ngữ học, trường ĐHKHXH & NV và Hội Ngôn ngữ học Tạp chíNgôn ngữ, H. 2007, tr.225-233.

(9) Lê Thị Kinh (tức Phan Thị Minh): Phan Châu Trinh qua những tư liệu mới. Quyển I, tập 1, Nxb. Đà Nẵng, 2001, tr.87.

(10) Likhatrôv Đ.X., sđd, tr.54.

(11) Likhatrôv Đ.X., sđd, tr.54./.

Ts. Mai Văn Tỉnh,Nguyên chuyên viên cao cấp Bộ GD&ĐT- Sưu tầm và giới thiệu

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Đường lối giáo dục cứu nước của Đông Kinh Nghĩa Thục

    23/09/2018Nguyễn Hải HoànhGiáo dục cứu nước (GDCN) là lựa chọn quan trọng nhất của các sĩ phu sáng lập Đông Kinh Nghĩa Thục (ĐKNT) khi họ quyết định đường lối đấu tranh giải phóng nước nhà của tổ chức cách mạng này. Trước đó, tất cả các cuộc đấu tranh chống Pháp đều theo đường lối bạo động vũ trang.
  • Đông Kinh Nghĩa thục: Học Nhật Bản chấn hưng đất nước

    26/07/2017Mai ThụcNhân ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, Trung tâm Văn Miếu Quốc tử Giám và Trung tâm Minh Triết Việt đã Tưởng niệm 100 năm các nhà giáo Đông Kinh Nghĩa thục. Họ là những sĩ phu yêu nước thắp sáng tư tưởng Chấn hưng - Duy Tân - Dân tộc, là những bậc thầy góp sức đặt nền móng xây dựng một triết lý giáo dục Tự lập, tự nguyện, học Tinh Hoa dân tộc và thế giới để dạy nên những con người Việt Nam hiện đại...
  • Nhìn lại phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục

    05/07/2017Nguyễn Trọng TínBỏ lối học từ chương khoa cử, tập trung cho thường thức và thực nghiệm, dạy cả tiếng Việt, Pháp và Hán văn. Chủ trương này lại xuất phát từ tầng lớp nho gia cuối cùng của Việt Nam. Không chỉ thế, chấn hưng công thương, khai mỏ, lập đồn điền, cắt tóc, xuất dương du học… cũng là chủ trương của họ. Dù chỉ tồn tại trong 9 tháng (5.1907 – 1.1908), nhưng trường Đông Kinh Nghĩa Thục thực sự là đỉnh cao của cuộc cách mạng xã hội to lớn đầu thế kỷ 20 có tên là Duy Tân
  • Đông Kinh nghĩa thục và cải cách giáo dục hiện nay

    02/07/2017Hương SenTư tưởng giáo dục tiến bộ của Đông Kinh nghĩa thục dù đã trải qua 105 năm nhưng vẫn có giá trị đối với nền giáo dục Việt Nam hiện nay. Đó quả thật là một hiện tượng đặc sắc, một tỉnh ngộ anh minh và dũng cảm khác thường, một nhận thức mới có tính chất chuyển thời đại, còn mới mẻ và thiết thực cho đến tận ngày nay...
  • Ngọn lửa Đông Kinh nghĩa thục

    10/04/2017Trần Nhật VyĐể khơi gợi lòng yêu nước, đồng thời mở mang dân trí, kêu gọi mọi người đều được đi học, đều biết chữ, giới sĩ phu VN đã cho ra đời Đông Kinh nghĩa thục...
  • Văn minh tân học sách - Cương lĩnh hành động của Đông Kinh Nghĩa Thục

    20/11/2015Chương ThâuTrước đây, trong công trình nghiên cứu VĂN THƠ CÁCH MẠNG VIỆT NAM ĐẦU THẾ KỶ XX (Nxb Văn hóa, Hà Nội 1961) Giáo sư Đặng Thai Mai có viết: “Những thi ca do Đông Kinh Nghĩa Thục phát động và phổ biến có một ý nghĩa rất quan trọng...
  • Các cụ xưa đã khai dân trí qua sách vở "Đông Kinh Nghĩa Thục" năm 1907 như thế nào?

    23/06/2015Sưu tầmĐông Kinh Nghĩa Thục đã tạo nên một bão táp trong tư tưởng và hành động của sĩ phu đương thời. Học sinh dồn dập đến trường và các trí thức uyên bác được tập hợp lại, cùng nhau giảng dạy, viết giáo trình, tổ chức hội thảo, diễn thuyết, cổ động từ nơi này qua nơi khác… Phong trào mang tính cách mạng rầm rộ về văn hoá và tư tưởng...
  • Một thiếu sót trong văn học sử Việt Nam: Đông Kinh Nghĩa Thục

    16/06/2015Nhà văn Thiếu Sơn (1908-1978)Văn học sử Việt Nam có nhiều biến cố quan trọng. Chữ Nôm xuất hiện là một biến cố quan trọng. Chữ quốc ngữ ra đời cũng là một biến cố quan trọng... Như thế cũng là bỏ một biến cố quan trọng là phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục xuất phát năm 1907...
  • Đông Kinh Nghĩa thục và những điều kiện Hiện đại hoá

    21/05/2015Nhà nghiên cứu giáo dục Phạm ToànTự do này, độc lập này mà đồng bào ta vừa giành lại, chúng ta phải gìn giữ trong lĩnh vực tinh thần. Các dân tộc trường tồn chính là nhờ có thành tựu nghệ thuật và khoa học. Chúng ta cần dõng dạc và hào hùng tự khẳng định mình trong tư cách một dân tộc. Đó là lời dặn dò của cụ Nguyễn Hữu Cầu – suy ra cũng là những lời dặn dò Đông Kinh Nghĩa thục...
  • 100 năm Đông Kinh Nghĩa Thục: Trong cái nhìn hôm nay

    21/10/2011Cái nhìn của một số trí thức thời nay về phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Ngẫm chuyện xưa để nói chuyện nay - con đường phát triển dân tộc...
  • xem toàn bộ