Tâm lý "thích sáng tạo" là nội lực rất quan trọng

03:51 CH @ Thứ Hai - 10 Tháng Hai, 2003

Ta thường nói "nâng cao dân trí" nhưng ít khi đi vào nội dung cụ thể, vô hình chung đồng nhất với nâng cao cấp "phổ cập giáo dục", coi phổ cập đến cấp học nào thì cấp học đó là mặt bằng dân trí. Nếu bảo đảm được chất lượng giáo dục theo hướng phục vụ tốt cho sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa thì nghĩ như trên là được. Nhưng trong thực tế thì việc học trong nhà trường chúng ta hiện nay phổ biến vẫn là thầy nhồi nhét kiến thức, học trò tiếp thu thụ động, nhiều yêu cầu khác cần thiết để đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa xem ra có vẻ xa vời. Nguyên nhân là ở cách dạy, cách học và nhà trường xa rời cuộc sống. Đảng và Nhà nước cũng đã thấy vấn đề, do đó Nghị quyết 2 của Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Luật giáo dục và Nghị quyết của Đại hội IX đều nhấn mạnh đến việc đổi mới cách dạy, cách học, đến việc học đi đôi với hành, nhà trường gắn liền với đời sống. Tuy nhiên sự chỉ đạo thực hiện rất lúng túng, thiếu biện pháp hữu hiệu, chả thế mà Nghị quyết 2 ra đời đã trên 5 năm nhưng tình hình chuyển biến quá chậm, nạn dạy thêm, học thêm vẫn tràn lan, nhà trường vẫn xa rời cuộc sống. Học sinh, sinh viên học như vậy rồi ra đời làm người lao động nên cũng dễ hiểu là tác phong thủ công nghiệp, tư duy "kinh nghiệm" qua hàng chục năm, vẫn cứ gần như y nguyên. Xem các bản kiểm điểm tình hình, dự án công tác mới của nhiều cấp, ngành thì thấy: phổ biến vẫn là liệt kê các mặt công tác cho đầy đủ, với những trạng từ như "quyết tâm", "kiên quyết", "ra sức"..., nhưng trọng tâm, trọng điểm không rõ lực gì sẽ đẩy công việc tiến lên một cách tối ưu thì mù mờ!

   Việc vận dụng các quy luật khách quan, sử dụng chúng như những người giúp việc đắc lực có trong tay sức mạnh của sự "tất yếu" đương là chuyện hiếm. Nói về tác phong thì chỉ riêng việc "cải cách hành chính" ì ạch cũng đủ thấy tác phong thủ công nghiệp nặng căn như thế nào. Tôi không vơ đũa cả nắm vì biết rằng có những người lao động, nhờ được vào làm ở những cơ sở sản xuất, dịch vụ hiện đại, thì thực tiễn ở đó sớm làm cho họ có phong cách công nghiệp, tư duy khoa học. Nhưng chả lẽ chờ cho sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa thắng lợi rồi, tác phong công nghiệp, tư duy khoa học mới trở nên phổ biến trong xã hội; ta phải chủ động giáo dục, đào tạo nên những con người có những phẩm chất đó để đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Chậm trễ là do vậy. Vậy có cách gì để cho nhà trường làm được việc đó khi mà sản xuất nhỏ, thủ công chiếm phần lớn nền kinh tế? Có cách sau đây: đưa lao động nghiên cứu, thực nghiệm khoa học vào cả các nhà trường dưới bậc đại học. ảo tưởng chăng? - Sẽ là ảo tưởng nếu cứ kiểu suy nghĩ: "Đại học nghiên cứu khoa học còn chưa tốt nữa là trung cấp, phổ thông", "lấy ai hướng dẫn"? "Kinh phí ở đâu?", v.v... Chúng tôi đã làm thử thành công nhờ biết khai thác tâm lý "thích sáng tạo" ở mọi con người bình thường, chả ai muốn làm một công việc nhàm chán, năm này qua năm khác vẫn cứ nếp cũ đường mòn mà đi; chả ai muốn "chỉ đâu đánh đấy". Trẻ em, dù có một đồ chơi tốt, chơi mãi rồi cũng chán nên các cháu thường hay tự chế lấy đồ chơi, nghĩ ra cách chơi mới. Tâm lý đó là một nội lực rất quan trọng nhưng lâu nay ta không biết khai thác, thậm chí còn vùi dập đi (giáo viên thường hay gạt đi những suy nghĩ độc lập của học sinh và áp đặt suy nghĩ của mình cho các em). Kích thích được tâm lý ấy lên thì, như Bác Hồ đã nói: "Khó vạn lần dân liệu cũng xong". Hồi thập kỷ 70, Trường đại học Sư phạm Hà Nội đã có chủ trương sử dụng học sinh phổ thông làm cộng tác viên ở những khâu thích hợp cho các đề tài khoa học của mình. Các em rất hứng thú lao động "nghiên cứu và thực nghiệm khoa học". Lao động đó là những chuẩn mực chặt chẽ để đảm bảo tính khách quan, chính xác, sáng tạo, nên nó rèn được tác phong công nghiệp và tư duy khoa học. Lấy thí dụ: hồi đó giáo sư Phạm Đình Thái ở khoa Sinh có đề tài: "Phân vi lượng". Ông đã sử dụng học sinh phổ thông để họ giúp ông nghiên cứu triển khai đề tài ra các đồng đất khác nhau với những cây cỏ khác nhau. Họ được hướng dẫn pha chế phân vi lượng với những nồng độ rất chính xác (vi lượng là tính đến phần mười mg) để sử dụng trên ruộng thí nghiệm. Đến khi thu hoạch, họ phải cân, đo, đong, đếm rất chính xác rồi xử lý các số liệu để so sánh ruộng thí nghiệm với ruộng đối chứng. Thí dụ, đối với cây lúa, họ phải so sánh trọng lượng trung bình từng hạt thóc, số hạt thóc trung bình trên một bông, chiều cao trung bình của cây lúa, v.v. Như vậy đòi hỏi cân, đong, đo, đếm rất chính xác, rồi xử lý các số liệu thu được. Nếu so sánh với lao động sản xuất của các thế hệ học trò đàn anh thì thấy có một khoảng cách giữa hai nền văn minh công nghiệp và nông nghiệp khi mà các thế hệ học sinh trước đây chỉ biết dùng phân đại lượng (mà đơn vị là gánh), không biết tổ chức ruộng thí nghiệm và ruộng đối chứng, còn thu hoạch bao nhiêu không quan trọng, làm chỉ cốt để thấm thía rằng người nông dân phải lao động vất vả. Không chỉ khoa Sinh mà nhiều khoa khác cũng làm tương tự, ví như khoa Toán thì trao phương pháp sơ đồ Mạng (PERT) đã được khoa nghiên cứu sơ cấp hóa cho học sinh để họ tham gia vào việc điều động nhân công một cách khoa học, các khoa Văn, Sử, Địa cũng huy động học sinh vào việc nghiên cứu văn học dân gian, lịch sử, địa lý của địa phương. Hồi đó các khoa Hóa, Lý còn khó tìm đề tài thích hợp. Những lao động kiểu như vậy, nếu thành chế độ để được lặp đi lặp lại thì sẽ rèn được tác phong công nghiệp, điều mà ta khó có cách gì đạt được chỉ bằng dạy và học trên lớp; trên lớp có thể rèn óc thông minh nhưng trên lớp mà nêu vấn đề là khó, nhiều khi giả tạo, còn đi vào cuộc sống với phong cách nghiên cứu thì các vấn đề thường nẩy sinh một cách tự nhiên. Sự liên kết giữa đại học và phổ thông là cần thiết và hai bên đều có lợi. Đại học được nối thêm tay, thêm óc của biết bao nhiêu học sinh phổ thông. Trong luận án tiến sĩ khoa học "Phân vi lượng" của giáo sự Phạm Đình Thái đã có sự đóng góp của nhiều học sinh phổ thông nhờ cách làm như trên. Phổ thông không tốn kém gì mà được lợi ở chỗ có cách để rèn luyện tác phong công nghiệp và tư duy khoa học khá hiệu nghiệm, cập nhật được với nhiều tiến bộ khoa học, công nghệ không có trong chương trình nội khóa (Thí dụ: phân vi lượng và PERT đâu có trong chương trình), nhờ vậy mà giải quyết được mâu thuẫn: "Chương trình phải tương đối ổn định nhưng cuộc sống lại rất sôi động". Cách giải quyết là: nội khóa chủ yếu phải bảo đảm những kiến thức cơ bản vững chắc, còn ngoại khóa bằng phương thức nghiên cứu và thực nghiệm khoa học chủ yếu phải bảo đảm giáo dục tác phong công nghiệp và sự cập nhật với cuộc sống. Cả nội và ngoại khóa đều chăm lo rèn luyện tư duy khoa học. Cuộc sống không tốn kèm gì thêm mà được lợi ở chỗ nó được ngành giáo dục phục vụ tốt hơn trước nhờ sự hợp đồng của hai binh chủng: Đại học và phổ thông và lợi nhất là sẽ nhận từ trường học ra những người lao động tuy mới ra trường mà đã có tác phong công nghiệp và tư duy khoa học.

Xin kể lại một chút về việc đưa lao động nghiên cứu khoa học vào trường Trung cấp Sư phạm. Năm 1983, việc thay sách cải cách giáo dục đã đến lớp ba. Tôi được phân công phụ trách công việc đó. Tôi không làm theo cách của người tiền nhiệm: chuyên gia của Bộ tập huấn cho cốt cán của tỉnh, số này về lại tổ chức tập huấn cho cốt cán của huyện để họ trực tiếp bồi dưỡng giáo viên dạy theo chương trình sách giáo khoa mới. Tôi cho rằng qua mấy tầng nấc như vậy thì tam sao thất bản, cấp dưới rất thụ động. Tôi chủ trương sử dụng các trường Trung học Sư phạm để họ nghiên cứu "địa phương hóa" chương trình và sách giáo khoa, trên cơ sở đó họ trực tiếp bồi dưỡng giáo viên. Cũng có người e ngại rằng "Đại học nghiên cứu khoa học còn chưa ra làm sao nữa là Trung học". Nhưng tôi tin sẽ khai thác được tâm lý "thích sáng tạo" của các giáo viên Trung học Sư phạm (đều có bằng cử nhân) nếu đề tài vừa sức và thiết thực. Tuy Trung học Sư phạm hồi đó chưa hề làm nghiên cứu khoa học nhưng hướng nghiên cứu "địa phương hóa" thích hợp nên việc hướng dẫn họ chọn rồi làm đề tài cũng tương đối đơn giản: hướng dẫn cho vài trường làm trước rồi tổ chức tập huấn cho tất cả; các trường đã làm báo cáo công việc và kinh nghiệm làm, các trường khác hỏi, chất vấn, tranh luận, cuối cùng Bộ cô đọng lại thành những ý kiến chỉ đạo. Các trường rất hăng hái hưởng ứng, kể cả các trường yếu kém. Hàng năm, lại có tập huấn kiểu như trên, chất lượng nghiên cứu cũng cao dần; Viện khoa học Giáo dục đã phải thốt lên: "Không ngờ Viện lại có hàng chục đơn vị cộng tác để nghiên cứu về giáo dục tiểu học là các trường Trung học Sư phạm".

Qua thực tiễn kể trên, tôi cho rằng chủ trương đưa lao động nghiên cứu và thực nghiệm khoa học vào các trường trung học và phổ thông là khả thi và sẽ mang lại nhiều kết quả tốt đẹp. Rất tiếc là về sau "luyện thi" và "dạy thêm, học thêm tràn lan" đã đẩy lùi rồi xóa sổ những thành công bước đầu đó. Tôi đề nghị lộ trình sau đây để khôi phục và hoàn chỉnh tạo "hành lang pháp lý" cho chủ trương đó.

  • Bước 1: Tổng kết lại những gì đã làm được.
  • Bước 2: Giao cho Đại học Sư phạm Hà Nội làm thử ở diện rộng hơn trước, song song với một kế hoạch đào tạo và bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ để triển khai ra đại trà.
  • Bước 3: Đại học Sư phạm Hà Nội tổng kết rồi mở rộng cho tất cả các Đại học Sư phạm và Cao đẳng Sư phạm cùng làm.
  • Bước 4: Các trường Đại học, Cao đẳng khác cũng tham gia tùy theo đặc thù chuyên môn của mình vì "gắn với đời sống" không phải là độc quyền của Sư phạm, trái lại có nhiều lĩnh vực của cuộc sống, Sư phạm chỉ là ngoại đạo hoặc sở đoản.
  • Bước 5: Xây dựng quy chế, chế độ chính sách, coi nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ bắt buộc đối với cả thầy và trò các trường dưới bậc đại học, ngang với việc dạy và học trên lớp.

   30 năm trước đã làm được thì nay với đội ngũ hùng hậu hơn nhiều, với yêu cầu cao của sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa, đặt trong sự cạnh tranh quốc tế, với những thành tựu đã đạt được, chắc sẽ làm được. Trở ngại phải khắc phục là những mặt trái của cơ chế thị trường: một bộ phận giáo viên có thể muốn để thì giờ đi dạy thêm hơn là tham gia nghiên cứu khoa học, một bộ phận người dân có thể vì những lợi ích trước mắt mà không muốn hợp tác với nhà trường; rồi còn tệ nạn tham nhũng, v.v. Phải cố gắng vượt qua các khó khăn đó để sớm thấy bức tranh: mỗi trường học vừa là trung tâm giáo dục, đào tạo, vừa là trung tâm khoa học. Mèo nhỏ bắt chuột nhỏ; một trường tiểu học với những giáo viên dần dần sẽ đại học hóa, cũng phải làm sao cho địa phương trường đóng trở nên văn minh hơn, ở đó tác phong công nghiệp và tư duy khoa học phải đẩy lùi dần tác phong thủ công nghiệp và tư duy "kinh nghiệm". Lấy một chuyện nhỏ như chuyện "bàn giao" cũng đã thấy được nguyên nhân của sự chậm trễ. Phổ biến bây giờ là bàn giao hành chính chứ không phải bàn giao khoa học. Thí dụ, một giáo viên chuyển vùng bàn giao lớp mình chủ nhiệm cho giáo viên mới đến như thế nào? Chắc không phải là bàn giao lại cho giáo viên mới một công trình điều tra cơ bản về từng học sinh trong lớp cùng với môi trường sống của từng em. Nói chung là bàn giao qua loa tình hình lớp và người mới đến, muốn biết kỹ phải làm lại từ đầu, cứ như trò "leo cột mỡ" mà đúng ra phải là trò "chạy tiếp sức". Mà thông tin ngày nay là sức mạnh, là tiền bạc. Thí dụ, giáo viên mà biết được trong tủ sách các gia đình học sinh của mình có những sách gì thì chắc là có lợi, hoặc biết được gia đình những em nào có ao và ao đó rộng, hẹp thế nào thì có thể nghĩ đến việc tổ chức cho học sinh thực nghiệm một công nghệ mới về nuôi cá, vừa làm lợi cho gia chủ, vừa luyện cho học sinh tác phong công nghiệp, tư duy khoa học. Chỉ riêng việc biến "chạy tiếp sức" thành "leo cột mỡ" cũng đã cho ta thấy tại sao ta chậm...

Nguyễn Cảnh Toàn (Văn nghệ)

LinkedInPinterestCập nhật lúc: