Tăng học phí - cần cái nhìn tổng thể

03:51 CH @ Thứ Bảy - 06 Tháng Chín, 2003

Nhưng tăng HP có phải là con đường tốt nhất? HP tăng rồi liệu chất lượng giáo dục có tăng tương ứng, nếu như cỗ máy giáo dục nước nhà hiện vẫn còn nhiều bất cập, từ chương trình đến sách giáo khoa, từ cơ sở vật chất đến con người...

Và nếu dứt khoát phải tăng thì hàng loạt vấn đề cũng đang đặt ra: Tăng như thế nào, tăng bao nhiêu, xem xét ra sao đối với những đối tượng được miễn giảm... - một bài toán đòi hỏi cái nhìn hết sức tổng thể.

Bất kỳ một quyết định không chuẩn xác, thiếu thận trọng nào đều sẽ ảnh hưởng tới mỗi người đang đi học, tới gia đình họ, tới toàn bộ gần 1,4 triệu sinh viên, học sinh trong hệ thống các trường ĐH, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trên cả nước hiện nay.

Khi còn sống, nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng trăn trở: "Giáo dục nước ta chưa phải là tốt. Đừng nghĩ mình ít tiền. ít tiền không sợ, miễn là biết cách làm. Nếu ít tiền mà làm hỏng, thì nhiều tiền càng hỏng hơn". Với "Tiêu điểm cuối tuần" này, Lao Động  mong muốn đóng góp thêm một tiếng nói cho các nhà hoạch định chính sách, nhằm làm cho nền giáo dục nước nhà ngày càng tốt đẹp hơn.
Học phí tăng, chưa chắc đã tăng chất lượng

GS-TSKH Nguyễn Xuân Hãn (Đại học Quốc gia HN, viết riêng cho Lao Động)
Huy động người dân đóng góp một phần chi phí cho đào tạo là một chủ trương đúng. Song đóng góp đến đâu và quản lý như thế nào lại là chuyện khác...

Những vấn đề cần xem lại
Xuất phát từ thực tế cuộc sống, một sinh viên ngoại tỉnh muốn học ĐH, gia đình phải chu cấp trung bình khoảng  500-600 nghìn đồng/ tháng (chưa kể tiền học phí), tương đương với ba bốn tạ thóc.Kinh phí này vượt quá khả năng kinh tế của các gia đình nghèo và người nông dân (chiếm khoảng 80% dân số). Con nhà nghèo được học đến bậc cao là xuất phát từ bản chất ưu việt của chế độ ta. Nhưng trước thực tế như vậy, liệu có nên tiếp tục tăng học phí nữa không?- Đó là điều chúng ta phải xem lại.

Vấn đề cần xem xét lại trước tiên chính là tư duy phát triển ĐH ở tầm vĩ mô, cụ thể là các khoản chi thu cho GD. Xin dẫn một vài ví dụ:

1/ Kinh tế sẽ quyết định quy mô phát triển GD, đó là thực tế lịch sử. GDP sau 10 năm chỉ tăng gấp đôi, nhưng số lượng tuyển  sinh vào ĐH kể từ 1993 đến nay tăng liên tục. Chưa kể hệ tại chức, chỉ tiêu tuyển sinh mà NQTƯ2 đặt ra cho năm 2000 chỉ được tăng 1,5 lần so với năm 1995, nhưng thực tế đã tăng hơn 2,2 lần. Việc tăng quy mô đào tạo ĐH rõ ràng không cùng một nhịp điệu với tốc độ tăng trưởng kinh tế;

2/ Cần tăng cường quản lý để kiểm soát và chống chi tiêu không hiệu quả. Mọi sự so sánh có thể khập khiễng nhưng hãy so sánh các trường ĐH dân lập và công lập về quản lý, lương bổng... ta sẽ có nhiều kinh nghiệm bổ ích.

3/ Nghiên cứu lại tư tưởng Hồ Chí Minh - xuất phát từ độc lập và CNXH, kinh nghiệm của lớp trí thức trước đây để lại, phát huy nội lực, đồng thời sớm chấm dứt việc đổi mới GD kiểu sao chép, gây tổn thất lớn cho xã hội. Ví dụ: Việc biên soạn và in ấn SGK khoán trắng cho các trường ĐH tự lo, mạnh ai nấy làm, bất cập lớn về kinh phí lẫn học thuật. Mặc dù đã huy động hầu như  toàn bộ trí tuệ cán bộ giảng dạy, từ bậc trợ giảng đến bậc giáo sư, tiến sĩ khoa học và viện sĩ, tổ chức hàng nghìn hội nghị, hội thảo các loại trong suốt 15 năm qua, nhưng đến nay kết quả vẫn nằm ngoài ý muốn. Việc thay đổi thiết kế chương trình và soạn sách  trên  thực tế đã diễn ra bốn năm lần, lần làm sau lại phủ định lần làm trước... Thời chiến tranh nghèo khó, không vay tiền của ai, Nhà nước lại không thu học phí của sinh viên, tại sao sách vẫn đủ và giá vẫn rẻ cho sinh viên ,GDĐH  vẫn  phát triển và có thứ bậc trong các nước thế giới thứ ba?

Tăng đầu tư có tăng chất lượng?
Chấn chỉnh GDĐH phải từ nền móng. Mọi cải cách phải xoay quanh ba vấn đề 1/ Chương trình và SGK; 2/ Đội ngũ giáo viên; 3/ Cơ sở vật chất. Trên thực tế, SGK thiếu nghiêm trọng (mỗi môn không có đủ một quyển sách trong khi đó theo chuẩn quốc tế có ít nhất 5 đến 10 cuốn/1môn). Đối với các trường có uy tín, tỉ lệ sinh viên (SV) trên 1 giảng viên (GV) là 7-10, còn ở VN, nếu tính cả tại chức, tỉ lệ này ở ĐHQG Hà Nội là 43SV/ 1 GV, ĐHQG TP HCM là 60 SV/1GV... - không thể nói là dạy ĐH.

Việc sử dụng các nguồn vốn đầu tư còn lãng phí. Riêng Chương trình Tiểu học, theo thông tin từ Bộ GDĐT, có khoảng 2.000 lượt người đi nước ngoài khảo sát(?). Lương của các chuyên gia dự án khoảng 12.000USD - 15000USD/1 tháng. Các ban giám hiệu tổ chức họp hành không phải ở trường, mà đi tận Cửa Lò, Bãi Cháy, Ba Vì... Chẳng lẽ đó không phải tiền từ mồ hôi nước mắt của dân?

Xã hội hoá GD và sự đóng góp của người dân
Nước ta còn nghèo, đầu tư cho GD của ta so với các nước giàu có thì không bằng, nhưng so với mức sống trung bình  của người dân, ta cũng đã đầu tư hết lực rồi. Vấn đề là sự quản lý nguồn kinh phí để phát triển GD một cách hiệu quả. Những con số đưa ra trong các văn bản chính thức của ngành, hiện nay chủ yếu là dựa vào "con số hành chính tự tạo" trong số kinh phí do Nhà nước cấp. Người dân hiện nay đóng góp bao nhiêu? vay bao nhiêu tiền của ngân hàng nước ngoài, ai tiêu, và tiêu những khoản gì ? - vẫn là ẩn số lớn nhất của ngành GDĐT, và là con số thách thức đối với quốc gia.

Xin dẫn ra ví dụ: Trong Báo cáo kiểm điểm NQTƯ2 có ghi "Ngân sách GD đã tăng từ gần 11% năm 1996 lên 15% vào năm 2000, đạt chỉ tiêu mà NQTƯ2 đặt ra. Đây là sự quan tâm lớn của Đảng và Nhà nước đối với GD..., nhưng mới đáp ứng khoảng 70% nhu cầu tối thiểu của GD, trên thực tế, ngân sách chi trên đầu học sinh, sinh viên tăng không đáng kể do quy mô GD phát triển nhanh...".

Nhận định này vừa đúng và vừa sai. Đúng trên giấy, sai trên thực tiễn! Kết quả phối hợp điều tra khảo sát giữa Ngân hàng Thế giới và các bộ ngành mới đây cho thấy: Trên dưới 50% chi phí do học sinh phổ thông do dân đóng góp. Cụ thể: Tiểu học 44,5%, THCS 48,7%, THPT là 51,5%, ĐH,CĐ 30,7%...

Vấn đề đầu tư cho GD cũng cần phải cân nhắc kỹ. Con người và tổ chức trong hệ thống quản lý GD không được nghiên cứu và chấn chỉnh lại, thì tiền đầu tư  dù có tăng lên, nhưng hiệu quả chưa chắc đã tăng theo, mà có khi còn ngược lại.

(Báo Lao Động)

LinkedInPinterestCập nhật lúc: