Thắng vinh quang mà bại cũng anh hùng

02:46 CH @ Thứ Sáu - 12 Tháng Hai, 2016
Trong bài này người viết muốn tìm hiểu do đâu mà (trước đây) nước Mỹ được xem là thiên đường và hiện nay đó là một thiên đường có súng và két sắt giữ tiền.
Câu trả lời có thể nằm trong những con người vĩ đại và lý tưởng lớn giành lấy tự do và dân chủ từ thời lập quốc. Phần lớn đều có tầm nhìn xa và tấm lòng nhân ái. Chính họ mới là những người đã làm nên một Nước Mỹ Vĩ đại…
Sự kiện gần đây nhất là McCain, phi công ném bom miền Bắc, bị dân Hà nội bắn rớt, ngồi tù hỏa lò 6 năm; 1973 được thả về, phấn đấu trở thành nghị sĩ Mỹ và tranh cử tổng thống với Obama. Ông là người có tầm nhìn rộng, biết biến hận thù thành tình bạn, và đã không mệt mỏi giúp hàn gắn mối quan hệ Việt-Mỹ.
Nhưng hai nhân vật gắn liền với chiến tranh trong thế kỷ 19 và 20 mới là những con người kiệt xuất.


Thắng vinh quang mà bại cũng anh hùng

Từ Vị tướng thắng vinh quang…

Douglas MacArthur là vị tướng tài ba của nước Mỹ vào thời Thế chiến Thứ hai. Nhưng thành công sáng chói nhất của ông là chỉ trong vài năm mà đã tạo ra nền tảng tự do và dân chủ cho một nước Nhật bại trận hồi sinh từ những hoang tàn đổ nát. Ngày ông rời Nhật Bản, hàng trăm ngàn người xếp hàng dài hàng chục cây số để tiễn đưa. Họ kêu to "Sayonara, Sayonara," hay giơ cao biểu ngữ ghi "Chúng tôi thương mến và cảm ơn ông."

Sau hai quả bom nguyên tử thả xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki, Nhật hoàng Hirohito kêu gọi nhân dân Nhật hãy can đảm chấp nhận đầu hàng vô điều kiện.

Khi ông đến Tokyo để tiếp quản, bộ tham mưu thúc ông triệu Nhật Hoàng đến tổng hành dinh để biểu lộ quyền uy nhưng ông bỏ qua những lời đề nghị của họ. "Làm như thế là xúc phạm đến tình cảm của nhân dân Nhật và biến Nhật Hoàng thành người tuẫn đạo” và ông bình tĩnh và kiên nhẫn chờ Nhật Hoàng sẽ tự đến gặp mình.
Quả nhiên chẳng bao lâu Nhật Hoàng yêu cầu cuộc hội kiến. Ông dành cho Nhật hoàng tất cả những danh dự thích hợp với bậc quân vương và tiếp đón chân tình. Khi ông châm thuốc lá cho Nhật hoàng, ông nhận thấy hai tay ông này run nên tin rằng Nhật hoàng sẽ kể ra những lý do để khẩn cầu đừng truy tố ông như một tội phạm chiến tranh.

Trước đấy nhiều đồng minh, đặc biệt Nga và Anh, đã đòi đặt tên của Nhật Hoàng đứng đầu danh sách tội phạm ấy. Thế nhưng MacArthur cực lực chống đối. Khi Washington sắp nghiêng về quan điểm của người Anh, ông đề nghị là sẽ cần thêm ít nhất một triệu quân tiếp viện nữa. Lý do: Dân Nhật vẫn còn sùng bái Hoàng Đế của họ. Nếu Nhật Hoàng bị buộc tội và bị treo cổ như tội phạm chiến tranh, chính quyền quân sự phải được thiết lập trên toàn cõi Nhật Bản, và chiến tranh du kích chắc chắn lẽ sẽ bùng phát. Nhờ vậy tên của Nhật Hoàng bị gạch ra khỏi danh sách tội phạm chiến tranh.

Nhưng Nhật hoàng chẳng hề biết gì về tất cả điều này.

Nhưng những lo nghĩ của ông không có căn cứ. Nhật Hoàng đã không van xin mà còn nói: "Thưa Tướng Quân MacArthur, là người chịu trách nhiệm duy nhất cho mọi quyết định chính trị và quân sự và mọi hành động của nhân dân tôi khi tiến hành chiến tranh, tôi đến đây gặp ông để chịu sự phán xét của các cường quốc mà ông đại diện." Lòng MacArthur chợt dâng trào cảm xúc phi thường. Sự can đảm gánh vác trách nhiệm này đồng nghĩa với cái chết, khiến ông xúc động đến tận cõi lòng. Ông biết là trong khoảnh khắc lịch sử ấy mình đang đối diện với một Đệ Nhất Quân Tử Nhật Bản.

Và thế là MacArthur nhẹ nhàng nói “Tôi mời Ngài hôm nay đến đây để giúp tôi và cùng hợp tác với tôi tái kiến thiết lại một nước Nhật đang hoang tàn.

Cách hành xử này minh chứng rằng MacArthur, ngoài bộ áo quân nhân, còn là một chính trị gia cực kỳ khôn ngoan và có tầm nhìn.


Tem tướng quân MacArthur

Sau đó MacArthur còn nghiêm cấm quân Mỹ không được phép ăn thực phẩm của Nhật vì dân Nhật đang đói. Ngược lại, chương trình cứu trợ Nhật với thực phẩm Mỹ đã giúp Nhật tránh được nạn đói mùa đông 1945 vì đất đai khắp nơi vẫn còn bị tàn phá. Sau 3 năm, tất cả quân Mỹ đều rút về căn cứ ở Okinawa. Ngoài việc dùng quyền lực Mỹ như một lá chắn bảo vệ nước Nhật khỏi những đe doạ nguyên tử từ Liên Xô, Trung Quốc và Bắc Hàn, McArthur còn “lobby” quốc hội Mỹ viện trợ tái thiết Nhật liên tục qua nhiều chương trình kinh tế và xã hội. Sau 40 năm, nước Nhật phát triển ngoạn mục và vào thập niên 80’ được coi như con rồng Châu Á.

Nước Mỹ rộng mênh mông. Từ thảo nguyên rộng lớn đến những vùng sa mạc hoang vu. Có lẽ đó là lý do mà Người Mỹ có tầm nhìn xa, cởi mở và rộng lượng khi họ thắng trận chăng? Đọc lịch sử Mỹ, chúng ta thấy từ Washington, Lincoln đến MacArthur, Eisenhower, các lãnh tụ luôn luôn muốn làm “quân tử” và giúp kẻ bại trận phục hồi. Không hề có chuyện trả thù, nợ máu hoặc bị tru di tam tộc!

Những chính khách Mỹ đã nghĩ sâu xa với tầm nhìn rộng lớn như miền đất sinh ra họ? và Grand Cayon với những dãy núi đa sắc mầu hùng vĩ đã giúp con người nơi đây có tầm nhìn vượt qua thời gian và không gian?


Bìa tạp chí Time có ảnh tuonwgs Douglas MacArthur


… Đến vị tướng bại cũng anh hùng

Ở nghĩa trang Arlington, ngay cả mộ của vợ chồng tổng thống Kennedy cũng thế, có điều chúng được bố trí ở một chỗ riêng, trên đỉnh đồi, dưới chân Nhà tưởng niệm danh tướng Robert Lee.

Nói đến tướng Robert Lee không thể không nhắc qua về cuộc nội chiến Nam Bắc, bắt đầu năm 1861. Khi Abraham Lincoln đắc cử tổng thống và muốn xóa bỏ thể chế nô lệ. Trước ngày ông nhậm chức, bảy tiểu bang miền Nam, sống về canh nông, phản đối và tuyên bố ly khai chính phủ liên bang, thành lập chính phủ riêng do Jefferson Davis làm tổng thống. Chính quyền Abraham Lincoln không công nhận. Khi quân miền Nam tấn công đồn Sumter, nội chiến Hoa Kỳ bùng nổ và thêm 4 tiểu bang khác gia nhập phe miền Nam.


Tướng quân Robert Lee

Cuộc phân tranh kéo dài 4 năm, tổn thất gần 1 triệu nhân mạng và chấm dứt khi quân miền Nam đầu hàng năm 1865. Trận chiến lớn nhất xẩy ra ở Gettysburg, sau ba ngày chiến đấu, quân hai bên đã thiệt mạng lên tới gần 50.000 chiến binh.

Chỉ huy quân Miền Nam là Tướng Robert Lee ra đầu hàng tại Richmond, thủ phủ tiểu bang Virginia, và được quân sử Hoa Kỳ ca ngợi như một nhân vật Anh Hùng. Ngày nay, ở bất cứ thành phố nào của Hoa Kỳ, cũng có ít nhất một con đường chính mang tên vị tướng này.

Ông Robert Lee nguyên là tướng lãnh của quân đội liên bang Hoa Kỳ nhưng gốc người miền Nam. Ông đã từng là chỉ huy trưởng trường West Point. Khi chiến tranh Nam Bắc xảy ra, Tướng Lee được đề nghị chỉ huy quân miền Bắc nhưng ông xin từ nhiệm để về đầu quân miền Nam tại Richmond, tiểu bang Virginia. Ông nói là không thể quay lưng với nơi ông đã sinh ra và trưởng thành.

Trong chiến tranh, ông lập được nhiều chiến công và là vị tư lệnh sau cùng của miền Nam nhưng sau khi thủ đô Richmond của miền Nam bị thất thủ, ông đã quyết định đầu hàng.

Cuộc chiến tranh tương tàn đẫm máu làm tổn hại hàng triệu sinh linh Hoa Kỳ, tan nát các đô thị miền Ðông và vùng Virginia. Tất cả đã thể hiện trong tác phẩm và cuốn phim bất hủ Cuốn Theo Chiều Gió mà phần lớn chúng ta đều đã đọc cũng như coi nhiều lần suốt thời niên thiếu.


Tem tướng quân Robert Lee


Bài học từ câu chuyện đầu hàng. Chấm dứt chiến tranh.

Câu chuyện về vị tướng phe bại trận miền Nam Robert Lee được viết ra và hình ảnh của ông lại được chiêm ngưỡng nhiều hơn cả phe thắng trận.

Khi thủ đô miền Nam là Richmond thất thủ, kỵ binh của miền Bắc cùng với 3 quân đoàn bộ binh vây hãm quân miền Nam hết đường tháo lui. Bộ tham mưu của Tướng Lee đề nghị phân tán để giữ lực lượng đánh du kích, nhưng Tướng Lee quyết định đầu hàng. Ông viết thư riêng cho Tướng Grant của miền Bắc yêu cầu thu xếp buổi họp mặt.

Ông Grant, vị tư lệnh miền Bắc ra lệnh nghiêm cấm các sĩ quan và binh sĩ trực thuộc không được tỏ ra bất cứ hành động nào vô lễ với ông tướng tư lệnh miền Nam. Trưa ngày 9 tháng 4-1865, Tướng Lee và một đại tá tùy tùng cưỡi ngựa vượt qua phòng tuyến đến nơi hẹn. Hình ảnh ghi lại hai người đi qua đoàn quân nhạc của lính miền Bắc thổi kèn chào đón.

Cả hai vị tư lệnh đã từng biết nhau trong cuộc chiến tranh với Mễ Tây Cơ.

Theo quy luật chiến tranh thời đó thì quân miền Nam phải giải giới, tước bỏ khí giới và quân dụng và được tự do trở về quê cũ. Tướng Lee đồng ý, nhưng đòi hỏi một điều là cho binh sĩ của ông được giữ lại lừa ngựa, vì lính miền Nam đem ngựa từ các nông trại của họ đi chiến đấu chứ không phải ngựa của chính phủ cấp như lính miền Bắc.

Tướng Grant thỏa hiệp là sẽ không sửa chữa chính thức trên văn bản nhưng thực tế sẽ cho lệnh để lính miền Nam đem lừa ngựa về nhà.

Sau này khi viết về văn bản đầu hàng, lịch sử ghi rằng đây là thỏa hiệp của những người quân tử (The Gentlemen’s Agreement).

Là bại tướng nhưng trên các bảo tàng viện, đặc biệt ở Appomattox Virginia có tranh sơn dầu hình Tướng Lee hiên ngang trong bộ quân phục xanh dương, tóc và râu bạc, thể hiện hình ảnh người Mỹ anh hùng dù thua vẫn không bị khuất phục.Toàn thể nước Mỹ hiểu rằng khi một người Mỹ bị nhục, thì dù là Mỹ miền Nam hay miền Bắc cũng vẫn là một người Mỹ bị sỉ nhục. Và tôi cho rằng đây chính là điều đáng yêu nhất của nước Mỹ. Lịch sử không ghi lại các hình ảnh xấu xa của bất cứ phe nào. Dù trên thực tế dư vị cay đắng giữa Nam Bắc vẫn còn nhiều.


Tại bảo tàng viện ở Appomattox Virginia có tranh sơn dầu hình tướng Lee hiên ngang quắc thước trong bộ quân phục xanh dương, tóc và râu bạc, thể hiện hình ảnh người Mỹ anh hùng không bị khuất phục dù thua trận. Toàn thể nước Mỹ hiểu rằng khi một người Mỹ bị nhục, thì dù là Mỹ miền Nam hay Mỹ miền Bắc cũng là một người Mỹ bị sỉ nhục.

Dễ gì mà trút bỏ hận thù ngay sau khi hai bên chết cả gần một triệu người mà một số lớn đã giết nhau khi giáp mặt bằng gươm dao? Hai phe cùng đốt nhà của nhau và cùng tàn phá đô thị, nông trại, đôi khi có cả những hành động dã man như hãm hiếp phụ nữ và tàn sát trẻ em. Cuộc chiến nào mà không có những lần quá khích? Nhưng thời gian rồi cũng xoa mờ những vết thương đau đớn ấy. Và Bảo tàng viện “Ðầu hàng” và nghĩa trang phe thua trận Arlington thường dạy chúng ta bài học làm người văn minh.

Rồi vết thương nào cũng phải được hàn gắn. Nước Mỹ đã có những bước ngoạn mục đầy màu sắc văn minh ngay từ khi chiến tranh chấm dứt để chấp nhận và tôn trọng người bại trận như những anh hùng.

Ngay sau khi chiến tranh chấm dứt, hoàn toàn không có tù binh, ai về nhà đó, cùng xây dựng lại quê hương.

Bây giờ hình tượng của tướng Lee tràn ngập ở miền Nam Virginia. Câu lạc bộ Lee, bảo tàng viện Lee, Lee High Way, Fort Lee và các đồn trại của quân đội liên bang mang tên vị tướng thua trận như là một biểu tượng anh hùng. Bởi vì người Mỹ đã thấm nhuần bài học về người lính dũng cảm cả hai phe trong chiến tranh và người quân tử của thời hậu chiến.

Khi chúng tôi trao đổi với nhau về sự kiện lịch sử đáng trân trọng này, anh Nguyễn Minh Nữu ngậm ngùi ngâm hai câu thơ trong bài hát về nghĩa trang Arlington của ( Nguyển Đức Quang)

Đã bảo vết thương không nhắc nữa
Mà sao thấy sẹo cứ bâng khuâng!

Nước mắt tôi và Nguyên Minh ươn ướt. Nhìn người lại ngẫm đến ta, không những bâng khuâng mà còn xót xa, trăn trở.

Mong lịch sử quay lại là một điều không tưởng. Nhưng bọn viết lách là những người mơ mộng. Biết yêu cái đẹp và thích điều thiện. Tôn trọng tính nhân văn. Đọc lịch sử, trông người rồi ngẫm nghĩ… cảm xúc trong lòng trào dâng khó tả. Một nỗi nghẹn ngào, cay đắng...

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Chân lý Phật giáo và văn hóa xã hội nhân văn

    30/10/2017Giảng sư Thích Huệ ĐăngPhật giáo được khai sinh từ chiếc nôi là thành Ca Tỳ La Vệ (thuộc nước Ấn Độ bây giờ), trải qua hơn 2.500 năm lịch sử đầy những thăng trầm, có lúc tưởng như đã biến mất hẳn ngay trên bản địa. Nhưng Phật giáo vẫn tồn tại và phát triển rộng rãi khắp nơi.
  • Sứ mạng giáo dục nhân văn: Tâm hồn Việt Nam, con đường thế giới

    24/10/2016Nguyễn Hữu LiêmCon đường giáo dục nhân văn, là tiền đề tương lai: khai mở và vun đắp một thế hệ sinh viên Việt Nam với những giá trị nhân văn dân tộc và nhân loại xứng đáng với khả năng tri thức được tiếp nhận từ thế giới. Ở tiền đề này, con người Việt với tâm hồn và bản lĩnh Việt là chính; nhân loại và thế giới là khái niệm, là mô thức và phương tiện cho tâm hồn và trực giác Việt Nam mà chúng ta phải đánh thức và khai sáng. Kiến thức và phương tiện kỹ thuật của thế giới là đôi cánh; tâm hồn Việt là động cơ. Cả hai là cần thiết cho chiếc phi cơ con người Việt Nam có thể bay lên cao trong tiến trình hiện đại hóa đất nước...
  • Bạo lực: Bóng ma của một xã hội ít nhân văn

    01/07/2014PGS. TS Tâm lý Huỳnh Văn SơnXã hội phát triển, có thể nhận ra những thay đổi trong bộ mặt đời sống. Sự phát triển nhanh của nhiều lĩnh vực đã làm đời sống thay đổi gần như toàn diện...
  • Đôi điều suy nghĩ về danh nhân văn hóa

    19/04/2010PGS.TS Nguyễn Trường LịchNhằm hưởng ứng đại lễ Ngàn năm Thăng Long, một cuộc hội thảo về danh nhân văn hoá đã được tổ chức gần đây. Quan niệm thế nào là một danh nhân văn hoá? Có thể nói đây là một lĩnh vực không mới, nhưng lại rất phong phú và khá phức tạp, mà ranh giới không dễ phân định rạch ròi; bởi lẽ nó liên quan đến nhiều địa hạt khác nhau, nhất là nó gắn liền với lòng người, với công luận, với quá trình lịch sử phát triển xã hội, thời đại và không tách rời các quy ước đạo đức, phong tục tập quán của cộng đồng, của dân tộc.
  • Vấn đề con người, nhân văn trong triết học phương Tây hiện đại và chủ nghĩa duy vật nhân văn hiện nay

    28/02/2009TS. Hồ Bá ThâmVấn đề con người luôn luôn là sự quan tâm phân tích, luận bàn trực tiếp hay gián tiếp của các trường phái triết học xưa nay. Tuy nhiên, tùy theo mỗi thời kỳ lịch sử mà sự phát hiện và nghiên cứu về con người có góc độ và khía cạnh khác nhau. Chủ đề này không mới nhưng lại luôn luôn mang tính thời sự và chưa bao giờ cũ. Chúng ta khám phá, tìm hiểu thế giới xung quanh thì nhiều nhưng khám phá, tìm hiểu về con người, bản thân mình, như nhiều nhà nghiên cứu thừa nhận, thì vẫn còn ít...
  • Cảm hứng triết luận trong khoa học xã hội và nhân văn hiện đại

    26/02/2009Hoàng Ngọc HiếnTừ cuối thế kỉ XIX, khoa học xã hội trở thành hiện đại, ngày càng chuyên nghiệp hoá, chuyên môn hoá, quá trình này là tất yếu để đáp ứng sự nghiên cứu xã hội hiện đại trở nên ngày càng phức tạp. Trong thế kỉ XX, KHXH hiện đại có những đóng góp to lớn về định tính cũng như định lượng, tầm vi mô cũng như vĩ mô, tuy nhiên ở không ít nhà KHXH hiện đại bộc lộ những nhược điểm...
  • xem toàn bộ