Thiên hạ quan Trung Quốc

09:42 CH @ Chủ Nhật - 09 Tháng Tám, 2015

Cách nhìn thế giới rất riêng biệt và đặc thù của người Trung Quốc từ cổ đại đến ngày nay có thể đúc kết thành một hệ thống quan điểm, vũ trụ quan, thế giới quan và nhân sinh quan được gọi chung là thiên hạ quan...

Những người Trung Quốc từ sơ khai tự gọi mình là Trung Hoa, Hoa Hạ sinh sống và tạo dựng một nền văn minh quanh hai con sông Hoàng Hà và Dương Tử, họ cho rằng Trung Quốc là trung tâm vũ trụ chứ không chỉ là trung tâm thế giới (Thiên hạ-dưới trời, trong hoàn vũ).[1]Văn hóa Trung Quốc trong một thời gian dài huyền hoặc hóa người và linh thần[2], do vậy thiên hạ còn bao hàm mái nhà của người và thần linh trong đời sống tâm linh của người Trung Quốc.

Từ nhà Tần đến nhà Thanh, tất cả các hoàng tộc, các triều đại trị vì Trung Quốc đều cho rằng mình có Thiên Mệnh, tức một sự bảo chứng của Ông Trời (Mandate of Heaven)[3]. Cuộc đấu tranh để dành lấy Thiên Mệnh này trải dài mấy ngàn năm giữa các dân tộc, các bộ lạc trồng trọt và du mục (The steppe and the sown). Thiên hạ quan của người Trung Quốc cũng không phải nằm ngoài ảnh hưởng của lý thuyết về số mệnh trời định này. Hoàng đế được gọi là Thiên tử, tất cả sản vật đất đai trong phạm vi dưới bầu trời đều là của Thiên tử, con dân cũng là tài sản của Thiên tử. Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung.

Văn hóa xem người bên ngoài trung tâm là Man Di Nhung Địch[4] cản trở người Trung Quốc có một cái nhìn rộng và khoáng đạt ra ngoài bầu trời thiên hạ quan của họ. Từ đó họ có thói quen đối xử kỳ thị các sắc dân ngoại tộc, mà theo cách nhìn của Tocqueville là đánh giá tầng thấp (society lower data), không cho phép tinh hoa của dân thiểu số tham gia vào dòng chính của xã hội. Đáng lưu ý, trong 91 dân tộc thiểu số của Trung Quốc có các dân tộc như Hakka, Hmong và Việt Nam.[5]

Câu chuyện Trung Hoa là trung tâm của vũ trụ bao trùm cả giai đoạn các đảng cộng sản vùng dậy tại Đông Á. Cho đến những năm 1920, các trước tác của nhà Marxist Nhật bản như Kotoku Shusui, Osugi Sakae và Kawakami Hajime đã cung cấp tư liệu cho các trí thức cộng sản Trung Quốc, Triều Tiên và Việt Nam. Sau những năm 1920, Thượng Hải và Quảng Châu trở thành nơi hội tụ của cộng sản Đông Á. Đến những năm 1930, Diên An trở thành trung tâm Đỏ và sau 1947, những người cộng sản Trung Quốc tự nhận mình là trung tâm của chủ nghĩa cộng sản trong cuộc cách mạng toàn cầu chống chủ nghĩa tư bản.[6]Từ vị trí đi sau, với thiên hạ quan trung tâm, người Trung Quốc đã nắm lấy ngọn cờ đi đầu từ tay cộng sản Nhật, cũng như cách họ đã thực hiện với phong trào cộng sản giai đoạn chống chủ nghĩa xét lại Liên Xô sau này.

Theo Kam Louie,[7], ý thức dân tộc của người Trung Hoa tự cho rằng Hán tộc là chủng tộc ưu tú hơn các dân tộc khác. Người Trung Quốc kể cả khi đả Khổng (đả phá Nho Giáo), đề cao khoa học và dân chủ, vẫn tự hào với một hình tượng Trung Hoa mới ưu việt hơn Mãn Châu (Zhang Binglin và Zou Rong).

Những sắc dân không phải Hoa Hạ (non-Xia) đều được người Trung Quốc đặt cho các tên là Man Di Nhung Địch, tức là những loại dân tộc không văn minh và đẳng cấp thấp hơn dân tộc Hán[8]. Người Việt Nam và người ở phía Nam Trung Quốc nói chung được gọi là Nam Man. Như vậy, từ xuất phát điểm Thiên mệnh, Đế mệnh, người Trung Quốc đã tạo ra cho mình một cách nhìn cõi vũ trụ hiện hữu thời xa xưa khá đặc biệt. Cách nhìn vũ trụ như là phần đất dưới gầm trời (thiên hạ) ấy được một số tác giả cho là thiên hạ quan. Đó cũng chính là một phần vũ trụ quan và nhân sinh quan của người Trung Quốc.

Có thể nhận thấy sự khinh thị của đế quốc La Mã dành cho các dân tộc trên đường chinh phạt của họ cũng không khác cung cách của Trung Quốc. Người La Mã gọi nhiều nước phi- La Mã là các nước man di.[9]

Tại Sử Ký của Tư Mã Thiên, nhà sử học cổ đại công tâm cũng đã nói đến cách thức các bậc đế vương Trung Quốc đem con người và lãnh thổ đổi chác lấy châu báu.[10] Những gì thuộc thiên hạ ở đây được các vì vua trên từng vùng lãnh thổ họ cát cứ vận dụng triệt để xem như của cá nhân hay gia đình mình.

Tác giả Gavin Menzies cho rằng Thiên Mệnh được trao cho Thiên tử như một hình thức hợp pháp hóa sự trị vì, song Thiên mệnh cũng sẽ rời bỏ Con Trời khi ông này không lo cho dân cho nước.[11]

Một thiên hạ quan đổi mới đã xuất hiện khi Mao Trạch Đông chủ trương Hán hóa chủ nghĩa Marx (sinicization of Marxism) để loại trừ đối thủ và phổ một cách nhìn thế giới mới cho nước Trung Quốc cộng sản.[12]Những cách nhìn mới tạo ra cho dân chúng Trung Quốc đi theo bao gồm cả cái nhìn về phát triển khoa học (khoa học phát triển quan -kexue fazhan guan)[13]. Lý do tồn tại của những cách nhìn, nhân sinh quan và thế giới quan mới cho nước Trung Quốc mới là làm sao để phù hợp với cách nhìn mới mà Mao và đảng cộng sản Trung Quốc uốn nắn cho phù hợp với võ đài chính trị họ muốn thống lãnh.

Lịch sử cận đại cũng đã chứng kiến những ý tưởng của hoàng đế, của thiên tử con trời không hiếm lần xuất hiện trong ngôn từ của Mao Trạch Đông. Mao đã từng tuyên bố năm 1957 rằng ông ta sẵn sàng hy sinh 300 triệu dân Trung Quốc để giải phóng thành công cả thế giới. Cái chết của một cá nhân đáng được ăn mừng vì chết là một quá trình biện chứng.[14] Hành động giết hàng ngàn con chim mang một ý nghĩa tự coi mình là thần thánh mang lại hậu quả cho mùa lúa sau.

Hành hạ trí thức, mắng họ là cục phân, Mao khởi động cuộc cách mạng văn hóa giết chết và tống vào tù hàng triệu trí thức. Có những người như Lão Xá từ nước ngoài trở về Trung Quốc theo lời kêu gọi của Chu Ân Lai để rồi bị hành hạ đến chết. Cuộc cách mạng văn hóa 1967 củng cố niềm tin cho Mao rằng ông ta thực sự là một hoàng đế[15]. Ông ta đòi sát nhập bán đảo Triều Tiên[16], dặn dò những đồ đệ kế nghiệp phải sử dụng con bài Việt Nam và không cho nước láng giềng này được phát triển.

Martin Jacques tác giả của cuốn “Khi Trung Quốc thống trị thế giới” cho rằng người Trung Quốc là một quốc gia-văn hóa được hình thành dựa trên văn hóa hàng ngàn năm của họ. Do đó họ nhìn thế giới theo cách thức họ thực hiện dưới nền văn hóa được hình thành lâu đời, vốn hoàn toàn khác biệt với những quy phạm và tiêu chuẩn được phát triển bởi Phương Tây. [17]Đây là Thiên hạ quan của người Trung Quốc.

Nhân sinh quan “thiên hạ là của công” (thiên hạ vi công) cũng đã có ở nước Tàu từ thời Khổng Khâu. Người Trung Hoa cũng đã từng có một phong trào Thái Bình Thiên Quốc với mơ ước về một xã hội mới thay thế xã hội cũ nát của nhà Thanh phong kiến và bất lực không đủ sức bảo vệ dân chúng trước nhiều ách bất công, của liệt cường, của tham quan ô lại trong một thời đại suy tàn hủ bại. Mơ ước đó bất thành nhưng đã thể hiện ở cách mạng Tân Hợi. Cơ hội để có một nhà nước bình quyền thể hiện ở sự tập hợp các tín đồ Thiên Chúa Giáo tại Viện Đại Học Yên Kinh với cách nhìn về nhân sinh và vũ trụ mới thay cho thiên hạ quan truyền thống của Trung Quốc.[18]Các cách nhìn mới về thiên hạ luôn có sức hấp dẫn với người Trung Quốcvà nhà đương cục Trung Quốc hiểu rõ và xử lý khôn khéo tâm lý này của quần chúng vì mục đích bình ổn chính trị. Vấn đề Pháp Luân Công được chính phủ Trung Quốc lưu ý và tiêu diệt ngay khi tụ tập được một lượng người tin tưởng cao. Lý do chính yếu là nỗi lo sợ những phong trào này đối với dân số lớn sẽ có thể tạo nên những làn sóng hành động –được dẫn dắt bởi một dạng phát triển của thiên hạ quan- mà quyền lực chính quyền không cản phá được.

Cuối của thập kỷ 1980, ngày càng có nhiều người Trung Quốc theo Thiên Chúa Giáo. Ước tính, có lẽ khoảng 50 triệu người Trung Quốc là tín đồ Thiên Chúa. Chính quyền đã ra sức ngăn chận bằng cách bỏ tù các nhà truyền giáo cũng như cấm đoán các hoạt động và thánh lễ. Năm 1994 đã có những đạo luật cấm người nước ngoài truyền đạo vì lo sợ phá vỡ “sự cân bằng tín ngưỡng mong manh” của đất nước này.

“Overall, the record suggests that where they conflict, la revanche de Dieu trumps indigenization: if the religions needs of modernization cannot be met by their traditional faiths people turn to emotionally satisfying religious imports”[19]

Những lý tưởng xã hội chưa đủ để thỏa nhu cầu tinh thần của con người sẽ là một vấn đề mà xã hội Trung Quốc phải giải quyết. E ngại sự đa dạng tôn giáo, sắc tộc, chính kiến, giới chức Trung Quốc muốn tạo nên một xã hội rập khuôn để dễ quản lý, để dễ phát hiện ra kẻ chống đối và hành xử này đã có dai dẳng trong cách cai trị của nhiều thế hệ lãnh đạo Trung Quốc. Thời Đại Nhảy Vọt, có nhiều tỉnh, trẻ con và người già đi cả tuần và về nhà vào thứ bảy. Công xã hóa toàn xã hội để dễ dàng cai trị.

Lại cũng chính Khổng giáo và Bách Gia với lý luận một xã hội thống nhất dưới một sự cai trị là cách tốt nhất để duy trì ổn định xã hội. Đường lối để quản trị xã hội như thế này khiến tinh thần đa nguyên không thể có đất sống trong xã hội Trung Quốc. Nhà nước không cho phép có một giáo hội độc lập với nhà nước, không cho những tỉnh ở xa có quyền tạo dựng và quản lý xã hội theo cách của riêng minh,[20] cũng như kiểm duyệt và xả van internet theo hướng phục vụ cho chính thể. Một khi đã nằm dưới sự quản lý chung của nhà nước, những cá thể đó sẽ phải phục tùng mà thôi. Tuy vậy cũng có một ví dụ sinh động cho phản ứng ngược là mô hình “nhất quốc lưỡng chế” của Hoa Lục và Hongkong đã đứng trước thách thức lớn trong cuộc Cách Mạng Dù sau kỳ bầu cử tháng 9/2014.[21]

Cho rằng mình có một sự thượng đẳng về văn hóa, người Trung Quốc dĩ nhiên luôn cảm thấy khó chịu khi phải chịu đựng về sự tụt hậu trong thế giới hiện đại.[22] Nhìn về quá khứ phải giải quyết các vấn đề thương mại, bế quan tỏa cảng với liệt cường, người Trung Quốc có niềm tự hào rằng họ không phải là một dân tộc nghèo hèn như những nước Tây Dương bạch đinh (European were have-not peoples), và cũng có những nhận định rằng các nhà hàng hải Trung Quốc không nhắm đến mục đích thực dân, thương buôn mà chỉ nhắm đến giao lưu văn hóa.[23]Người Trung Quốc bằng lòng với khung cảnh tiểu vũ trụ (mini-universe) của họ và xem những dân ngoại lai như là hạ đẳng, dù cho họ đã có sức mạnh kỹ thuật và gây khó khăn cho triều đình nhà Thanh. Đối với họ, tất cả đều là thiên hạ, tức bầu trời dưới quyền của một thủ lãnh tối cao kết hợp thế quyền và thần quyền, kết hợp sức mạnh cai trị và uy lực linh thiêng, đó là Thiên Tử.[24]

Trung Quốc vẫn xem Việt Nam, Triều Tiên, Miến Điện, Malaysia, Đài Loan như những thuộc quốc chiếu dưới, chỉ trừ khi nói về Việt Nam như một đất nước dành cho người Trung Quốc chạy nạn Mãn Thanh.[25] Thiên hạ quan Trung Quốc cho phép họ hãnh diện về hệ thống triều cống của các nước xung quanh cả vào những thế kỷ trước và nguy hiểm hơn, và cho đến thời gian hiện nay 2015. John King Fairbank bình luận về vị thế của Việt Nam và Triều Tiên như sau:

”Những nhà cai trị của các nước ngoài được phân loại thành những kẻ triều cống bên ngoài, xa hơn những kẻ triều cống bên trong, những người phải cung cấp một hạn mức vật phẩm từ các tỉnh hoặc các thuộc quốc như Triều Tiên, An Nam. Hệ thống triều cống được coi như những lợi khí ngoại giao dựa trên sức hấp dẫn và sự giàu có từ thương mãi vượt trội của Trung Quốc.”

Chính các nhà nghiên cứu nước ngoài cũng bị thiên hạ quan Đại Hán làm thiên lệch nhận thức và vô hình trung khuyến khích sự tự tôn dẫn đến ảo tưởng của người dân Trung Quốc đối với quan niệm và trật tự của thế giới hiện đại.

Song, không phải Trung Quốc không có lần nào đánh giá lại về cách nhìn “thiên hạ” của mình. Sau trận đại bại của cuộc chiến trên biển với Nhật vào 1905, người Trung Quốcđã gắng đi tìm nguyên nhân và một trong những phản tư của người Trung Quốc là kết luận quốc gia nào có hiến pháp ưu việt hơn thì sẽ thắng quốc gia không có hiến pháp. Từ Hi Thái Hậu đã tuyên bố vào 1906 về một chính sách dựa trên hiến pháp và vào 1908 bà đã đưa ra các nguyên tắc hiến định, sau đó vào tháng 10/1910 đã có một hội nghị tư vấn quốc dân nhóm họp tại Bắc Kinh.[26]

Thời hiện đại, liệu có thể có một cách nhìn thế giới khác cho Trung Quốc như cách của Niall Ferguson về một sự nhất thống giang hồ giữa Mỹ và Trung: Chimerica. Nơi đó có ”một cuộc hôn nhân thiên định. Đông Chimerica làm việc tiết kiệm, Tây Chimerica làm việc tiêu dùng. Đông có tăng trưởng kinh tế, Tây có lạm phát thấp và lãi suất thấp”? [27]

Lại nói về sự tự tôn dân tộc Trung Hoa qua cuốn “China Can Say No”, đây là một sự trút giận thô thiển với hàng loạt tình cảm dân tộc cực đoan thiếu cân nhắc về nội tình nước mình. Viết nhanh in vội, năm tác giả đã lợi dụng tình cảm chống Mỹ dâng cao sau vụ 1995-1996 ở eo biển Đài Loan và việc triển khai hai đội hình mẫu hạm đến khu vực này. Là sách bán chạy nhất (best-seller) cho người Trung Quốc, cuốn sách mô tả văn hóa đám đông hiện rõ ở văn hóa dân gian, truyền hình và công nghệ giải trí , vốn cũng luôn sẵn sàng để đáp ứng các cuôc vận động chính trị” của Trung quốc.[28]

Tự ái và tự tôn dân tộc của người Trung Quốc là hai mặt của đồng tiền đi cùng nhau. Hai trận đại bại của nhà Thanh trước Miến Điện và Việt Nam được diễn tả ngắn gọn:”Vào những năm 1760, Càn Long đã cố gắng can thiệp để giữ ảnh hưởng ở Miến. Cuộc viễn chinh tốn kém và thất bại-có ít nhất 70 ngàn quân Thanh tử trận- và Miến vẫn đứng vững. Một cuộc chiến với Việt Nam vừa thống nhất vào những năm 1780 cũng là một thảm họa với tổn thất nhân mạng cho nhà Thanh lên nhiều ngàn người”[29]

Ngày tàn của trật tự thiên hạ mà trung tâm là Trung Quốc thật sự đã diễn ra vào những năm 1879 từ Việt Nam, Lưu Cầu, Triều Tiên, cho đến Miến Điện, Thái Lan cho dù Trung Quốc có cố gắng gượng dậy đến đâu đi nữa.[30]Dẫu vậy, quán tính coi Việt Nam, Triều Tiên và Lưu Cầu như những thuộc quốc vẫn còn trong tâm trí của nhiều người Trung Quốc như Lý Hồng Chương.[31]

Coi các nước Tứ Di cần phải được dạy dỗ, đáp trả, Mao đã mỉa mai Ấn Độ với tuyên bố cần phải “đáp lễ” Nehru về vấn đề biên giới Trung Ấn. Và tháng 20/10/1962 Trung Quốc đã tiến công Ấn Độ[32].

Với “đồng chí” là Liên Xô, Mao cũng không tiếc lời chỉ trích:”Các ông tưởng có thể kiểm soát được chúng tôi bằng vài trái bom nguyên tử à. Các ông không hề có niềm tin vào nhân dân Trung Quốc. Stalin là tên tệ hại nhất. Chúng coi Trung Quốc như một Tito khác, coi chúng ta như bọn lạc hậu…”[33]

Nếu xem cách thể hiện của các nhà lãnh đạo Trung Quốc đối với các đồng chí của mình ở phía Bắc, phía Nam thì sẽ thấy sự tương cận, tương đồng về cung cách của hoàng đế nói với thần dân.

Theo Odd Arne Westad, vào 1966, Đặng Tiểu Bình đã quát Lê Duẩn như sau:

“Các ông còn sợ cái gì? Tại sao các ông sợ mất lòng bọn Liên Xô, còn Trung Quốc thì sao? Tôi muốn nói thẳng tôi thấy thế nào: Các ông luôn suy nghĩ khác về phương pháp giúp đỡ của chúng tôi mà không nói ra với chúng tôi… Không chỉ về vấn đề chúng tôi đánh giá viện trợ Liên Xô thế nào. Các ông nghi ngờ là chúng tôi giúp Việt Nam vì lợi ích của chúng tôi chứ gì? Hãy nói thẳng ra nếu muốn chúng tôi giúp. Vấn đề sẽ dễ xử hơn. Chúng tôi sẽ rút quân về lập tức. Chúng tôi có nhiều việc phải làm ở Trung Quốc. Và quân nhân đóng dọc biên giới sẽ rút hết về Đại Lục”

Điều trớ trêu của Thiên hạ quan, cách ứng xử thiên triều cộng với sức mạnh của một nước lớn là có đôi lúc nước nhỏ cũng có thể nhận ra cung cách của họ:

“Đến 1969, những nhà lãnh đạo CS VN đã tin chắc rằng Trung Quốc không hành động vì lợi ích cao nhất của Việt Nam. Họ tin rằng Trung Quốc đã vạch kế hoạch để thống trị một nước VN thống nhất và Trung Quốc muốn cuộc chiến kéo càng lâu càng tốt để tránh các áp lực chiến lược lên Trung Quốc. Có người tin rằng kéo dài được cuộc chiến thì Trung Quốc sẽ có hy vọng ép Mỹ chấp nhận một tạm ước với Trung Quốc. Nói cách khác, Trung Quốc muốn tiến hành cuộc chiến Việt Nam đến người VN cuối cùng.”[34]

Gần đây, ngay cả cách nói của ngoại trưởng Trung Quốc khi sang Việt Nam đàm phán về vấn đề giàn khoan HY 981, đặt trong vùng EEZ Việt Nam tháng 5/2014 cũng bao hàm thái độ kẻ cả: kêu gọi Việt Nam “lãng tử hồi đầu”. Cách nói chứng tỏ một não trạng và hành xử khác với quy chuẩn của thế giới văn minh hiện đại.[35]

Theo Francis Fukuyama, nhà nước Trung Quốc đã có từ thê kỷ 3 TCN[36] ở Trung Quốc và những thiết chế xã hội Trung Quốc đã xoay quanh và giao thoa với hệ thống này. Những nhà Nho đã phổ cho nhà nước một dạng mệnh trời để gia cố cho sức mạnh của nó nhằm chống lại sự phân liệt và cát cứ. Vai trò người mẹ trong xã hội Trung Quốc tại thời điểm này vẫn nổi bật trong giáo huấn và trung hòa con cái[37] và xã hội như câu chuyện Mạnh Mẫu, một mô thức uy quyền và hành đạo, một giềng mối gia đình, chủ nghĩa gia đình Trung Quốc. Các cột trụ tinh thần của Trung Quốc như gia đình, nhà nước với “mệnh” gắn cùng đã bị chính quyền Cộng Sản Trung Quốc xóa sổ cùng với chủ nghĩa gia đình (familism) vào 1949.[38] Tính chất thần bí của mệnh nhà và mệnh trời gắn cho nhà nước dẫu vậy vẫn được biến hóa thành một dạng thức khác. Francis Fukuyama cũng đã đánh giá sự khiên cưỡng của chủ nghĩa Marx khi cho rằng giai đoạn phong kiến như 1 giai đoạn làm tiền đề cho Chủ nghĩa tư bản bóc lột người.[39]

Sự thần thánh hóa người cầm quyền như nắm thần quyền, nắm mệnh trời, nắm quyền cai quản trên một địa bàn rộng rãi so với sức di chuyển của con người có lẽ một phần nằm ở địa hình. Có thể so sánh Châu Âu[40]bị thiên nhiên chia ra thành nhiều mảnh vì địa lý của các dãy núi và dòng sông như Alp, Pyreneee, Danube, Rhine, Baltic và Carpathian. Trung Quốc chỉ có lưu vực sông Vị và sông Hoàng Hà. Do vậy thần quyền của Trung Quốc cũng khác với thần quyền của các nước Châu Âu.

Tại Trung Quốc từ nhà Chu đến nay, cũng như ở các nước Trung Á và châu Phi, sự bổ nhiệm nhà quản lý, nhà cai trị thường mang tính cha truyền con nối. Quyền lực ở người nắm quyền chứ không phải ở vị trí nắm quyền. (Authority resides not in the office but in the officeholder.)[41]

Một hình thái khác của mệnh trời được nhìn thấy ở sự nhượng bộ quyền hạn của con người với thiết chế xã hội cai trị họ. “Con người sẵn lòng từ bỏ phần lớn sự tự do của chính mình và ủy quyền trách nhiệm tương ứng cho một hoàng đế, người cai trị và bảo đảm bình an xã hội cho họ” [42]

Trong “The Origin of Political Order”, Francis Fukayama đã có những câu hỏi tu từ “Thế thì sức mạnh tạo nên lẽ phải đối với người Trung Quốc ư? Mệnh trời chỉ là một sự phê chuẩn cho sự đã rồi cho cuộc đấu tranh quyền lực giữa các nhà quân phiệt? Nói một cách tổng quát thì đúng như vậy thật. Tiêu biểu, có nhiều bút mực đã viết về đề tài mệnh trời, trong đó có một bài viết của Ban Biao vào thế kỷ 1 giải thích tại sao một số nhà cai trị xứng đáng được trao thiên mệnh còn một số khác thì không…”[43]

Mỗi lãnh đạo cận đại của Trung quốc đều cố gắng tạo ra dấu ấn lý luận cho riêng mình. Đặng Tiểu Bình với lý thuyết mèo thực dụng, Giang Trạch Dân với Ba Đại Diện, Hồ Cẩm Đào với “Xã hội hài hòa” và Tập Cận Bình với “Giấc Mơ Trung Hoa”. Một lời kêu gọi ở một giai đoạn của một lãnh đạo nhất định nào đó đã đưa Khổng Tử và các viện mang tên ông trở lại thế kỷ 21:

Qua đây chúng ta thấy, tư tưởng “Đại đồng” của Khổng Tử, tư tưởng “Kiêm tương phi công”, “Kiêm tương ái giao tương lợi” của Mặc gia và tư tưởng “vô vi”, “thiên nhân hợp nhất” của Lão Tử…và mục tiêu xây dựng xã hội hài hòa xã hội chủ nghĩa của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào đều ra đời dựa trên yêu cầu của thời đại và trong điều kiện lịch sử nhất định.[44]

Thiên hạ quan Trung Quốc mà đi cùng là tâm lý dân tộc, chủ nghĩa dân tộc, kế đó là Khổng Giáo và chủ nghĩa cộng sản mang màu sắc Trung Quốc là những lý luận mà nhà cầm quyền Trung Quốc đang sử dụng để cai trị Trung Quốc và hành xử với thế giới hiện nay.

Những hoạt động thiết lập bản đồ hình chữ U (2007), vùng nhận dạng phòng không ADIZ (2013),con đường tơ lụa trên biển (2015) cũng phần nào thể hiện ý tưởng của một Trung Quốc trỗi dậy trên tinh thần thiên hạ quan này.


[1]Kam Louie, Modern Chinese Culture, Cambridge University Press, 2010,Trang 8

[2]Kam Louie, Modern Chinese Culture, Cambridge University Press, 2010,Trang 47

[3]Michael Dillon,China A Modern History, 2012, I.B Tauris (trang 13)

[4]Tứ Di là Đông Di, Bắc Địch, Tây Nhung và Nam Man: Endymion Wilkinson, Chinese History A Manual- Revised and Enlarged,Havard Yenching Institute Monograph Series, 52, 2000, trang 710 và 724

[5]Kam Louie, Modern Chinese Culture, Cambridge University Press, 2010, trng 95

[6]Kam Louie, Modern Chinese Culture, Cambridge University Press, 2010, trang 156

[7]Kam Louie, Modern Chinese Culture, Cambridge University Press, 2010, các trang 51, 52,53 và 64

[8]John Keay, China a history, Harper Press, 2009, trang 66

[9]Edward Gibbon, The Decline and Fall of the Roman Empire, Abridged edition, Modern Library, New York, 2003, trang 594 (vandals), trang 33 (barbarians) trang 643 và 736 (Barbarians & States of barbarian world)

[10]Tư Mã Thiên, Sử Ký, NXB Thời Đại, Phan Ngọc dịch, 2010, trang 463

[11]Gavin Menzies, 1421 The Year China Discovered The World, Bantam Book, 2003, trang 47

[12]Kam Louie, Modern Chinese Culture, Cambridge University Press, 2010, trang 165

[13]Kam Louie, Modern Chinese Culture, Cambridge University Press, 2010, trang 169

[14]Francis Pike, Empires at War, I.B Tauris, 2011, trang 270

[15]Francis Pike, Empires at War, I.B Tauris, 2011, trang 343

[16]Francis Pike, Empires at War, I.B Tauris, 2011, trang 684

[17]Nguyễn Hùng Sơn, Chính trị nội bộ:”Làn sóng ngầm” quyết định các vấn đề Biển Đông, Tư Liệu Hội Thảo tại KS Sheraton, HCM, Vietnam, 2012, Trang 2

[18]John King Fairbank, The Great Chinese revolution 1800-1985, Harper Perennial, 1987 , trang 194

[19]Samuel Huntington, The Clash of Civilizations and the Remaking of World Order, Touchstone Book, Simon & Schuster, 1997, trang 99, 100

[20]John King Fairbank, The Great Chinese revolution 1800-1985, Harper Perennial, 1987 , trang 6

[21]http://www.theguardian.com/world/2014/sep/02/china-condemns-british-inquiry-into-progress-of-hong-kong-democracy

[22]John King Fairbank, The Great Chinese revolution 1800-1985, Harper Perennial, 1987 , trang 7

[23]John King Fairbank, The Great Chinese revolution 1800-1985, Harper Perennial, 1987 , trang 9

[24]John King Fairbank, The Great Chinese revolution 1800-1985, Harper Perennial, 1987 , trang 10

[25]John King Fairbank, The Great Chinese revolution 1800-1985, Harper Perennial, 1987, trang 47, 86 105, 110, 120, 144 (về Việt Nam) 244 , 311, 315, 332

[26]John King Fairbank, The Great Chinese revolution 1800-1985, Harper Perennial, 1987, trang 157

[27]Học Viện Ngoại Giao, Phạm Bình Minh chủ biên, Cục Diện Thế Giới Đến 2020, NXB Chính trị Quốc gia, 2012

[28]Joseph Fewsmith, China since Tiananmen, Cambridge University Press, 2009, trang 159

[29]Odd Arne Westad, Restless Empire , China and the world since 1750, The Bodley head, London, 2012, trang 20 và 21

[30]Odd Arne Westad, Restless Empire , China and the world since 1750, The Bodley head, London, 2012 Trang 79

[31]Odd Arne Westad, Restless Empire , China and the world since 1750, The Bodley head, London, 2012 Trang 91

[32]Odd Arne Westad, Restless Empire , China and the world since 1750, The Bodley head, London, 2012 Trang 243

[33]Odd Arne Westad, Restless Empire , China and the world since 1750, The Bodley head, London, 2012 Trang 336,337

[34]Odd Arne Westad, Restless Empire , China and the world since 1750, The Bodley Head, London, 2012, trang 349

[36]Francis Fukuyama, The origin of political order, Farra, Straus and Giroux, New York, 2012 , Trang 19

[37]Francis Fukuyama, The origin of political order, Farra, Straus and Giroux, New York, 2012Trang 33

[38]Francis Fukuyama, The origin of political order, Farra, Straus and Giroux, New York, 2012, Trang 101

[39]Francis Fukuyama, The origin of political order, Farra, Straus and Giroux, New York, 2012, Trang 105

[40]Francis Fukuyama, The origin of political order, Farra, Straus and Giroux, New York, 2012, Trang 124

[41]Francis Fukuyama, The origin of political order, Farra, Straus and Giroux, New York, 2012, Trang 234

[42]Francis Fukuyama, The origin of political order, Farra, Straus and Giroux, New York, 2012, Trang 299

[43]Francis Fukuyama, The origin of political order, Farra, Straus and Giroux, New York, 2012, Trang 301

[44]Hoàng Thế Anh, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Vấn đề xây dựng xã hội hài hòa xã hội chủ nghĩa của Trung quốc, NXB Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, 2009, trang 75

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Hiện tượng kinh tế Trung Quốc vượt kinh tế Mỹ

    16/04/2015Tưởng Hồng Ninh thực hiệnQuỹ tiền tệ quốc tế IMF vừa cho biết, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ông đánh giá như thế nào về khả năng kinh tế Trung Quốc vượt mặt Mỹ và những hệ lụy của chuyện này?
  • 10 "thói hư tật xấu" của người Trung Quốc dưới mắt phương Tây

    17/10/2014Lê ThuCó những điều mà mọi người ở Trung Quốc cảm thấy bình thường, nhưng về mặt xã hội lại không được chấp nhận ở phương Tây.
  • Ảnh hưởng của hệ giá trị chính trị phương Tây đến sự phát triển của các xã hội ở Đông Á – trường hợp Trung Quốc

    17/10/2014TSKH. Lương Văn KếCông cuộc đổi mới kinh tế xã hội ở Trung Quốc cũng như Việt Nam thực chất là một cuộc chuyển đổi toàn diện, mang tính hệ thống và về cơ bản theo chuẩn giá trị Phương Tây. Tiến trình cải cách này đến nay khá thành công. Đây là một cống hiến vĩ đại trong sự nghiệp phát triển đất nước của hai nước xã hội chủ nghĩa láng giềng này...
  • Các quốc gia đều tránh va chạm với Trung Quốc

    25/09/2014Nhật Nam (Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ)Tất cả các quốc gia vừa phải, thậm chí các quốc gia lớn cũng đều tránh va chạm với Trung Quốc. Không phải là người ta sợ Trung Quốc, nhưng người ta tránh va chạm với Trung Quốc để tránh những rắc rối không cần thiết. Việt Nam cũng vậy, những chữ trong tuyên bố của chúng ta cũng rất bình tĩnh...
  • Không có vùng cấm trong lĩnh vực đọc? “Ðộc thư” và giới trí thức Trung Quốc

    15/08/2014Hoài Phi dịchÐộc thư là tạp chí hàng tháng, ra đời vào năm 1979, với khẩu hiệu nổi tiếng “Không có vùng cấm trong lĩnh vực đọc”. Tạp chí đã xuất bản nhiều bài điểm sách, hồi ký và các tiểu luận học thuật, in những thông báo ngắn - chỉ vài trăm chữ - tới những văn bản dài cả 12.000 chữ (khoảng 7.500 chữ khi dịch sang tiếng Anh), với độ dài trung bình khoảng 4.000 ký tự (khoảng 2.500 từ)...
  • Ảo tưởng về sức mạnh Trung Quốc

    24/07/2014David SambaughNhững nhà tiên tri về sự nổi lên của Trung Quốc (TQ) đã xuất hiện từ nhiều thập kỷ vừa qua. Họ đều tô vẽ hình ảnh của thế giới vào thế kỷ thứ 21 với TQ là một tác nhân thống soái. Sự tin tưởng này là một điều có thể hiểu được, và rất phổ biến; nhưng thực ra, đó là một sai lầm...
  • Muốn vượt lên Trung Quốc, Việt Nam cần một mô hình phát triển vượt trội hơn

    14/07/2014Lê Thọ BìnhVới sự hiện diện của giàn khoan HD 981, những tiếng nói yêu cầu “thoát Trung”, dù đã vang lên từ lâu nhưng ít nhận được sự quan tâm đầy đủ, giờ đây trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết. Những phê phán về ảo tưởng “đồng minh ý thức hệ” giữa Việt Nam và Bắc Kinh đang được nhiều người cảnh báo...
  • “Trung Quốc mộng” và căn tính sói

    09/07/2014Lê Vũ Quý Linh (thực hiện)GS. Trần Ngọc Vương từng có thời gian giảng dạy tại đại học Bắc Kinh và đang tổ chức nhiều hoạt động nghiên cứu và tìm hiểu văn hoá Trung Quốc. Học giả này đã có cuộc trò chuyện thẳng thắn và cởi mở với Người Đô Thị.
  • Người dân Việt không lạ gì dã tâm của Trung Quốc!

    01/07/2014TS. Trần Thị Phương HoaTrong 2000 năm lịch sử thành văn của Việt Nam, có đến hơn 9/10 thời gian Trung Quốc hiện lên như kẻ thù xâm lược Việt Nam. Đặc biệt dã tâm đồng hóa văn hóa Việt Nam và muốn biến Việt Nam thành một bộ phận của Trung Quốc là điều làm người Việt Nam luôn cảnh giác và hoàn toàn mất niềm tin vào Trung Quốc...
  • 'Trung Quốc đang triển khai mọi lực lượng để xâm lăng'

    30/06/2014Hoàng Thùy thực hiện"Chúng ta đang ở trong một thời kỳ cực kỳ nguy hiểm, thậm chí như là đang trong thời chiến vì cuộc chiến tranh này không tiếng súng nhưng đã gây tác hại cho chúng ta ở tất cả các mặt", ông Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ trả lời VnExpress.
  • Giảm lệ thuộc vào Trung Quốc như thế nào?

    24/06/2014Trần Vinh Dự - Đinh Tấn NghĩaViệc giảm thiểu các quan hệ kinh tế của Việt Nam với Trung Quốc có giúp gì cho Việt Nam trong vấn đề khẳng định và xác lập chủ quyền thực tế của Việt Nam trên biển Đông hay không? Câu trả lời là không.
  • Trung Quốc đang thật sự muốn gì?

    19/06/2014Hải ĐăngHơn 90% lượng vận tải thương mại của thế giới thực hiện bằng đường biển và 45% trong số đó phải đi qua biển Đông, nên nếu xung đột nổ ra ở đây sẽ gây khó khăn cho nhiều nước...
  • xem toàn bộ