Thực chất của "Gọi vong người chết"

Viện Vật lý Y Sinh học - Trung tâm Khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự - Bộ Quốc phòng
12:04 CH @ Thứ Năm - 30 Tháng Giêng, 2014

Thời gian qua, tại nước ta nổi lên hiện tượng “gọi vong” hay “nói chuyện với người chết”. Qua đó cô đồng hay nhà ngoại cảm (chính xác hơn là nhà tâm linh) dường như thu được một số thông tin chưa ai biết, góp phần giúp thân nhân tìm thấy hài cốt người đã khuất. Đó là hiện tượng cầu hồn hay “gọi vong”...

Cầu hồn xuất phát từ tâm linh luận (spiritualism), một quan niệm tôn giáo - triết học về sự tồn tại sau cái chết. Theo đó thì ta có thể tiếp xúc với người chết qua giới đồng cốt, những người được cho là có khả năng “gọi vong” hay “cầu hồn”.

Trong khi triết học duy vật và khoa học bác bỏ khái niệm linh hồn bất tử (cặp phạm trù cấu trúc - chức năng của sinh học nói rằng, một chức năng cụ thể chỉ được thực hiện nhờ một cấu trúc vật chất đặc trưng. Chỉ tim mới bơm máu, chỉ não mới tư duy. Linh hồn với tư cách một chức năng - tư duy, tình cảm, nhận thức - mà không cần bộ não với tư cách cấu trúc vật chất là không thể về mặt sinh học), nhiều người đã dẫn kết quả của một số cô đồng hay nhà ngoại cảm để biện minh. Vậy tại sao giới đồng cốt có thể đưa ra một số thông tin được công nhận là chính xác?

Các kỹ thuật lấy tin

Thầy bói, cô đồng hay “nhà ngoại cảm” có thể thu được một số thông tin về người chết nhờ các kỹ thuật sau:

* Đọc nóng (hot reading): Đây là cách lấy tin trước khi thực hiện cầu hồn hay bói toán. Khi được đề nghị, thầy bói có thể kêu mệt vì bói cho nhiều người và đề nghị người xem bói tuần sau quay lại. Rồi thầy cho người bám theo và dò hỏi những thông tin cần thiết (đơn giản là ở bà bán nước đầu ngõ!). Khi quay lại, ta có thể choáng váng khi thầy nói vanh vách về tên tuổi, nghề nghiệp, gia cảnh của mình! Sau đó thầy nói gì ta cũng sẽ tin. Đây là kĩ thuật mà cô đồng Ph. ở miền Trung thường áp dụng, khi mọi người phải chầu chực mãi mới được nói chuyện với “vong”, để đội ngũ cò mồi của cô moi tin.


Pháp sư người Uranina, được cho là có khả năng “nói chuyện với người chết”

* Đọc ấm (warm reading): Đây là sự áp dụng các nguyên tắc tâm lý chung cho một trường hợp cụ thể. Khi thấy vết đeo nhẫn, thầy bói sẽ nói thân chủ gặp rắc rối trong hôn nhân. Các cô gái trẻ thường được thông cảm về trở ngại trong tình yêu hay thi cử; đàn ông trung niên thường được khuyên nhủ về công danh hay tiền bạc; phụ nữ có tuổi ăn mặc sang trọng thường được chia sẻ chuyện chồng có bồ nhí. Thời gian qua, khi thị trường chứng khoán và địa ốc trầm lắng, người giầu có, năng động thường được phán là mắc vào chứng khoán hay đất đai...

Giới đồng cốt Mỹ thường kể, người chết cảm thấy đau đầu hay đau ngực. Tuyên bố này dễ được thân nhân người chết đồng tình vì đột quị não và nhồi máu cơ tim là hai nguyên nhân tử vong hàng đầu. Giới đồng cốt nước ta thường nói bên cạnh hài cốt liệt sĩ thời chống Pháp có “vài cúc áo”, xuất phát từ thực tế cúc áo thời đó khó phân hủy hơn. Đó là kết quả của những chiêm nghiệm xuất phát từ thực tế, chứ không phải do “nói chuyện với người chết” hay do thấu thị, “nhìn xuyên đất đá”. Nói chung kĩ thuật này rất đa dạng, nên chỉ có thể nhận ra thực chất nó khi khảo sát từng trường hợp cụ thể mà thôi.

* Đọc nguội (cold reading): Đây là kĩ thuật tinh xảo nhất mà giới đồng cốt hay bói toán có thể sử dụng. Trong bài “Thuyết phục người lạ rằng bạn biết tất cả về họ như thế nào” trên tạp chí Người yêu cầu nghi ngờ của Ủy ban điều tra khoa học các tuyên bố về hiện tượng dị thường Mỹ, tập 1, số 2, năm 1977, nhà tâm lý Hyman đã phát hiện kỹ thuật này. Đó là cách moi tin từ chính thân chủ bằng nhiều phương cách như nói lấp lửng nước đôi, đọc ngôn ngữ cơ thể... (thầy bói hay cô đồng thường nói tràng giang đại hải, khi gặp thông tin khớp, ta thường nhướn mày, chớp mắt, rung cơ, thở nhanh... nên cô đồng nắm được. Đó là hiệu ứng Hans thông minh quen thuộc trong lĩnh vực dị thường học).

Cô đồng Ph. ở trên thường nắm tay thân chủ chính là để phát hiện sự rung cơ như vậy. Đó cũng là lí do không một cô đồng, thầy bói hay nhà ngoại cảm nào nói ít. Xin nhấn mạnh, đây là kĩ thuật tinh vi nhất của giới đồng cốt và bói toán. Với một “nhà ngoại cảm” thành thạo cả ba kĩ thuật, ta không tin mới là chuyện lạ! Có lẽ ở ta chưa có ai giỏi như vậy, nhưng giới đồng cốt hay “ngoại cảm” vẫn được tin tưởng, chủ yếu do chúng ta muốn tin, như đã trình bày trong các bài trước.

Trùng hợp ngẫu nhiên

Vẫn còn một khả năng nữa là trùng hợp nhẫu nhiên. Trên thực tế, nhiều nhận định có xác suất thành công cao, như sinh trai hay gái, thắng hay thua (tỷ lệ đúng 50%). Cần bao nhiêu người để hai trong số đó có ngày tháng sinh trùng nhau? Xin chớ ngạc nhiên, khi biết chỉ cần 23 người là đạt tỷ lệ trên 50%, chứ không phải 183 người (365 ngày chia hai) như ta thường nghĩ. Bạn đang nghĩ về người bạn đã lâu không gặp, thì nhận được tin nhắn của chính người đó? Đó không phải là “tâm linh”, mà là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Nhà thơ T.Đ.K. từng kể với người viết rằng, cô đồng nói được một chi tiết mà gia đình nhà thơ phải đi hỏi mãi mới biết là đúng. Đó chỉ là trường hợp ăn may, “chó ngáp phải ruồi” mà thôi.

Ta cần làm gì?

Nếu ngồi đối diện một cô đồng đủ nhạy cảm, rất khó tránh sự đọc nguội. Trong hoàn cảnh nào thì cô đồng cũng có thể bắt một ngôn ngữ cơ thể, như ngựa Hans từng chứng tỏ. Còn nếu ta bất hợp tác (ngồi im, nhắm mắt, bịt tai để không phát lộ ngôn ngữ cơ thể), giới đồng cốt vẫn có một lối thoát vạn năng là tuyên bố “hồn thăng”, do thân chủ không thành tâm! Vì thế nên dùng tên và nhân thân giả để kiểm tra, như một số phóng viên từng khôn khéo thực hiện. Và bạn sẽ thấy thực chất của “gọi vong” hầu như ngay lập tức.

(Xem tiếp...)

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Các hiện tượng dị thường là gì?

    28/01/2014Đại tá, nhà nghiên cứu Đỗ Kiên CườngCác hiện tượng dị thường hay các hiện tượng lạ là tập hợp nhiều hiện tượng phức tạp, từ các chủ đề tín ngưỡng - tôn giáo (như thần thánh, ma quỉ, thiên đường, địa ngục…) cho tới các lý thuyết khoa học mới mà ban đầu người ta chưa hiểu nên bị xem là dị thường. Xin giới hạn chủ đề trong phạm vi đối tượng nghiên cứu của một ngành khoa học đang gây tranh cãi là cận (hay ngoại) tâm lý (parapsychology)...
  • Giải mã các hiện tượng dị thường

    19/12/2008Đại tá, nhà nghiên cứu Đỗ Kiên CườngChúngta.com đăng lại loạt bài viết "Giải mã các hiện tượng dị thường" đã đăng trên báo Thể thao & Văn hóa rất bổ ích và có giá trị nhận thức cao về những hiện tượng ở ranh giới nhận thức của loài người...