Tiền học đang là một vấn đề gay gắt

03:51 CH @ Thứ Ba - 11 Tháng Hai, 2003

Trong khi trao đổi, nhìn nhận những tiêu cực của ngành giáo dục hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, việc tùy tiện "làm" phụ thu của các trường sở là một khâu đáng kể, góp phần tạo nên cái bè trầm của bản bi ca về giáo dục lúc này, riêng tôi, có một vài nhìn nhận khác nữa, xin thẳng thắn nêu trong dịp trao đổi này, về cả những cái gọi là "chính thu" xem những gai gợn của nó có đáng được uốn nắn lại hay không.

Những nhận dạng
   Điểm thứ nhất: Theo thống kê về mức sống ở TP Hồ Chí Minh, thì mức thu nhập bình quân cho một hộ dân không quá hai triệu một tháng, nhưng mức học phí của trường phổ thông dân lập Nguyễn Khuyến quận Tân Bình (và nhiều trường khác ở TP Hồ Chí Minh thuộc hệ này) lớp 11, 12 là hơn một triệu đồng một tháng. Nếu trừ tiền giá trị ba bữa ăn thực tế ở đây, khoảng 400 nghìn đồng, tiền học, theo đúng nghĩa của nó sẽ là hơn sáu trăm nghìn đồng một tháng. Như vậy, nếu gia đình có hai cháu học ở trường này, thì dồn tổng thu nhập của cả nhà cho các cháu học, vẫn thiếu.

   Khi trao đổi về vấn đề này trong một diễn đàn không chính thức, người ta đổ thừa cho quy luật của kinh tế thị trường, cho việc đã có sự thỏa thuận của kẻ mua và người bán (chữ), đầu tư của việc kinh doanh giáo dục này cao nên việc thu tiền cũng phải cao v.v...

   Những người có trách nhiệm và nghiêm túc hơn thì có những câu hỏi: Bởi đâu, ra đời cái kỷ cương này, khi mà năng lực giáo dục của thầy còn dư dả, nhiều kinh nghiệm, có vị hiện vẫn ăn lương Nhà nước nhưng chân ngoài vẫn dính chặt vào trường dân lập. Hơn nữa, diện này cũng được đào tạo bởi Nhà nước này, nhiều vị còn được đào tạo bởi kinh phí bao cấp triệt để ở những thập kỷ trước, nay, bằng mọi hình thức, "tách" ra làm ăn riêng. Đó có phải là cách làm ăn đàng hoàng không?

   Về phía nhân dân, nhiều người (phải) chấp nhận, không lẽ để con mình thất học? Từ đây, ló ra một vấn đề mới là: bên cạnh kinh phí cho giáo dục chính thống của Nhà nước, khả năng có thể huy động của dân là rất lớn, sao không được khuôn trong những kỷ cương hợp lý và hữu ích, có sự điều tiết của pháp luật, của các cơ quan Nhà nước. Trên hai cơ sở đó, tạo ra, một cơ chế giáo dục mới, một tầm vóc mới hợp lý hơn, thì hỏi mấy trường dân lập kia có cái thế để tự tung tự tác như trên hay không? Rõ ràng, năng lực của Nhà nước, của nhân dân cho phép làm được điều này, chứ chưa phải đã đến lúc mở cửa tháo khoán cho "thị trường" giáo dục, mượn danh mượn hiệu dân lập để muốn làm gì thì làm.

  ở một khía cạnh khác, tồn tại nhiều khi trong một trường, trong một quận có hai loại học sinh, hai loại trường: công lập và bán công, phân biệt bởi học sinh có hộ khẩu thành phố và loại tạm trú. Kể cả tạm trú nhưng thực tế là sinh sống khá lâu năm ở thành phố lại phải chịu mức đóng góp gấp đôi, ba lần mức đóng góp của các học sinh thành phố. Trong khi các cháu cùng là con em dân này, nước này. Hiến pháp Nhà nước cho phép mọi công dân tự do cư trú, tự do làm ăn trên lãnh thổ của Tổ quốc. Họ cũng phải thực hiện các quyền và nghĩa vụ với Nhà nước như những công dân sở tại. Mọi chính sách của Đảng của Nhà nước đều quy định trẻ em được hưởng những quyền, những ưu đãi, bình đẳng với nhau, trong việc học tập. Còn một cách phân biệt nữa là số học sinh không khá, không đủ điểm để "vào" hệ A thì phải "vào" hệ B, về vấn đề này, phải một lần nữa đề cập đến chất lượng, phương pháp giáo dục của chính người dạy. Phải chăng đây là nguyên nhân gây bất bình đẳng trong giáo dục.

   Điểm thứ hai: Lúc này, công luận gần như đã lên án gay gắt nội dung dài dòng, thiếu khoa học của bộ sách giáo khoa với những ấn phẩm phụ của nó. Chỉ với con số 20% nội dung mà Bộ Giáo dục chịu thừa nhận là quá tải, là sẽ cắt giảm (thực tế có lẽ còn nhiều hơn), nếu được cắt triệt để, nếu bộ sách giáo khoa được biên soạn chặt chẽ, hữu ích, khoa học, gọn mà sắc, và định giá lại cho hợp lý thì sẽ đỡ cho dân nhiều tỷ đồng mỗi năm.

   Điểm thứ ba: Một bộ đơn xin thi đại học, gồm vài tờ giấy, công soạn thảo, in ấn đơn giản và tiêu tốn tiền bạc chắc không quá hai nghìn đồng, mà các thí sinh thi đại học năm nay phải mua với giá ba chục nghìn một bộ, TP Hồ Chí Minh với 150 nghìn ượt thí sinh thi năm nay, toàn quốc có khoảng một triệu lượt, con số tiền bạc phụ huynh phải bỏ ra cho một cái khoản chi vô lý này đã là hơn ba chục tỷ đồng. Rõ ràng, đến lúc chúng ta thấy nổi bật lên một điều: Ngành giáo dục nói chung, ngành trung, đại học nói riêng rất nhạy bén với việc nhằm vào học sinh để kiếm lợi, thí dụ trên đây khẳng định điều này. Và, cần phải hiểu là, để đặt chân vào cổng trường đại học, theo đúng nghĩa đen của nó, không kể công lao hơn chục năm đèn sách, chỉ nguyên việc mua đề thi thử, ôn thi, luyện thi, hồ sơ xin thi, hằng năm, quốc dân phải tiêu tốn không ít hơn hàng trăm tỷ đồng. Vấn đề này quả nhiên không nhỏ, nó nói lên nhiều điều nhức nhối, với kiểu cách thu chi này, bao nhiêu gia đình không theo nổi cuộc bán mua chữ nghĩa.

   Điểm thứ tư: Tôi muốn nêu một thí dụ: trường trung học phổ thông công lập Trần Phú, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh, ngoài tiền lương giáo viên, công chức do Nhà nước trả theo chế độ, thì mỗi năm phụ huynh học sinh phải đóng góp các khoản chính thu, phụ thu khác là hơn bốn tỷ đồng, tôi sẽ bàn kỹ vấn đề này ở phần sau.

Phụ huynh học sinh
   Tôi tin chắc rằng, một bộ phận không nhỏ phụ huynh lúc này đã nhìn ra những căn bản tiêu cực của nền giáo dục hiện nay. Nhưng thực tế là dù no dù đói, họ phải cho con học ra trò, bảy chục phần trăm phụ huynh chăm chăm nhằm thẳng cái đích nơi cổng trường đại học cho con mình, mặc dù trên thực tế, chỉ có khoảng 10% đạt được ngưỡng vọng ấy.

   Trong 10% may mắn kia, hiện không ít hơn 50% cha mẹ học sinh còn đau đầu trong việc tìm việc làm cho các cô cậu cử này, ở TP Hồ Chí Minh, hàng nghìn cử nhân đủ các ngành đang cam go với đủ loại công việc trái chuyên môn với đồng lương vật vờ cùng tấm bằng đại học trên tay chờ vận may trên con đường mưu sinh, lập nghiệp.

   Điều hiển nhiên là, những khát vọng, tính hiếu học của một dân tộc như nêu trên không có gì sai cả, nhưng chỉ bằng nhận thức dễ dãi từ hình ảnh những năm nền kinh tế mới mở cửa, người có tấm bằng đại học dễ đạt được công danh, tiền bạc hơn mà lao tới thì không phải là sáng suốt. Xã hội nào cũng cần trí thức và cùng lúc ấy, nó cũng cần những người thợ giỏi. Những xã hội có nền kinh tế phát triển, đội ngũ thợ lành nghề luôn được chú trọng và luôn là con số đông đúc. Nếu có một sự nhìn nhận vào tổng quan xã hội và nhìn nhận nghiêm túc khả năng nhiều mặt của chính mình, cân đối hai điều trên, từng thanh niên sẽ tìm được lối đi suôn sẻ cho chính mình.

   Khác với tư duy đó, là hiện trạng ngày nay, là cái đích bất biến: đại học, nên, chính phụ huynh, cũng tạo nên và buộc phải chấp nhận cái môi trường tiêu cực này.

   Nền giáo dục hiện nay mang nặng tính thị trường, việc đưa con đến trường là đã ký tắt một hợp đồng. Ngặt một điều là, trong cái hợp đồng dân sự giả tưởng kia, bên A (bên nhà trường) có quyền cũng như quyền lợi rất lớn, cứ mặc sức ra giá, mặc sức quy định, con em của bên B học hành ra sao cũng được, lên lớp cũng được mà "đúp" cũng chẳng sao, cứ mặc sức thu tiền, còn bên  (phụ huynh) chỉ có mỗi một nghĩa vụ, đó là nghĩa vụ phải chi, nếu không chi, con họ sẽ gặp rắc rối, có muốn kêu cũng không ai dám kêu, hoặc giả có kêu cũng không ai cứu giúp bởi một lẽ giản đơn, là cho đến nay, chưa có một hành lang pháp lý nào quy quản việc này nên dù có thanh tra, việc xử lý cũng rất nhẹ hoặc tùy tiện. Chưa có bà hiệu trưởng nào phải đi cải tạo vì thu chi bất hợp lý cả, chưa nói đến khả năng như thiên bẩm của nhiều trường, rất khéo luồn lách bằng cách tạo nên những loại tự nguyện hay kiến nghị của các quý hội phụ huynh vốn thụ động và chỉ biết làm việc theo ý thầy cô.

Lời kết
   Tôi vô cùng xúc động và đồng tình với những ý kiến của giáo sư Hoàng Tụy trong bài viết của ông về giáo dục vừa qua, nhất là ý kiến kết luận rất xác đáng chỉ ra rằng: những khó khăn, tiêu cực của ta được tạo bởi yếu tố nội tại, do chính ta, chứ không phải do một thế lực nào khác, càng không thể đổ lỗi cho nền kinh tế còn nghèo nên chưa thể tốt được.

   Tôi đóng góp thêm một điều mà tôi cho là cốt tử: Trong chúng ta, còn có những quan điểm không thấu đáo cho rằng đồng lương nhà giáo thấp nên việc tồn tại những điều phi lý trên như một lôgic, cần phải chỉ ra rằng, giáo chức cũng như hàng trăm ngành nghề khác, trong biên chế Nhà nước hiện nay, đều có điều kiện sống như nhau. Một vài khía cạnh khác, ngành còn có những ưu thế hơn hẳn những ngành khác, điều kiện sống của thầy cô giáo ít nhiều hơn hẳn anh công nhân giao thông, chị công nhân địa chất, v.v. nếu cứ cầm bằng vào mức lương thấp, nhất loạt xé rào mạnh ai nấy chạy, chỉ cốt cho quyền lợi của ngành mình thì loạn! Và, trong cơn lốc đồng tiền ấy, làm sao giữ được lòng tôn kính thầy cô của cộng đồng, của học sinh?

   Tìm giải pháp cho vấn nạn này là công việc của toàn Đảng, toàn dân, nhưng theo tôi, việc tìm kiếm, khảo sát và lên một cơ cấu mới về lương - bổng cho giáo chức, có tính đến việc cân đối giữa những quy định hiện hành và khả năng có thể đóng góp của dân, của phụ huynh học sinh như những gì đang xảy ra để cho nhà giáo được hưởng một hạn mức khá cao, trong khuôn khổ pháp luật Nhà nước, có kiểm soát là việc có thể làm được.

   Nếu định cho loại hình "bán công", "dân lập" tồn tại, thì phải tồn tại có trật tự trong những quy định hợp lý, hạn mức thu chi tối đa và phải khống chế. Việc soạn thảo lại sách giáo khoa, ngoài việc tạo lập một nội dung hữu ích mới, cần phải lên một mặt bằng giá cả mới. Tôi xin nêu rõ ràng, nếu việc in ấn, sau khi kiểm soát về nội dung, nếu giao cho tư nhân làm trong điều kiện hiện nay mà nói, nhiều nhà thầu có thể in với giá rẻ hơn 50% giá hiện nay mà vẫn có lời.

  Không thể muộn hơn, lúc này cần phải có một hành lang pháp lý vững chắc, thông thoáng để cỗ máy giáo dục vận hành đúng hướng. Cấp nào, người nào vi phạm, gây bất lợi cho tiến trình đi tới của dân tộc phải chịu trách nhiệm.

   Chính sách giáo dục của Đảng, Nhà nước ta là chính sách vì dân, cho dân, hàng năm, kinh phí Nhà nước cấp cho ngành giáo dục không nhỏ, thể hiện ý chí của Nhà nước ta thực hiện hoài bão cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh "ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành". Nhưng khối cơ sở vật chất có được bởi những nỗ lực cực kỳ lớn của dân, của Đảng ấy lại bị biến thành phương tiện hành nghề, thành lợi thế của một ngành để làm khổ dân thì không thể nào hiểu nổi.

   Như trên đã nói, những bấn bách, tiêu cực trong ngành giáo dục, là loại khó khăn nội tại, được duy trì bởi quyền lợi của một bộ phận trong ngành, để lại và sẽ gây nên những hệ quả không lành mạnh, to lớn trong tình cảm cộng đồng và trong ý thức chính trị, là những khó khăn có thể khắc phục được. Không có gì nghịch lý hơn khi lớp người được xã hội giao phó thiên chức cao quý là làm thầy, làm mẹ tinh thần cho bao nhiêu người khác, lại là nơi xuất phát của một mâu thuẫn xã hội, được hiểu như một sự bóc lột đại trà. 

Đã đến lúc, ngành giáo dục và các ngành liên quan phải dũng cảm nhìn nhận thực trạng trên trước khi có những giải pháp cần thiết để giải quyết nó.

Thành phố Hồ Chí Minh ngày 25-5-2000
Nguyễn Huy Cường (Báo Văn nghệ)

LinkedInPinterestCập nhật lúc: