Tiến tới một nền giáo dục mở cửa, đa dạng

03:51 CH @ Thứ Ba - 11 Tháng Hai, 2003

   Số lượng học sinh, sinh viên, giáo viên tăng lên đều đặn theo đà tăng lên của dân số, cơ sở vật chất cũng vậy, tỷ lệ học sinh lên lớp, tốt nghiệp, được giải, v.v. giữ vững năm này qua năm khác. Đó là mặt "được" của nền giáo dục hiện nay. Mặt "chưa được" thì có nhiều nhưng cơ bản nhất là: "nhà trường khép kín trong bốn bức tường để dạy, học và thi một cách rất lạc hậu, giáo dục từ xa với bản chất dân dã mà hiện đại, phát triển quá chậm".

   Thách thức thì rất lớn. Ta đã gia nhập AFTA, sắp gia nhập WTO, đương thi hành Hiệp định thương mại Việt - Mỹ, v.v. Phải sớm tiến tới một nền giáo dục mở cửa ra cuộc sống và ra thế giới, mang màu sắc Việt Nam, đa dạng về hình thức đào tạo, về thời gian đào tạo đại học, về nguồn vốn đầu tư, lấy cái đa dạng khắc phục cái đa dạng, giỏi rèn luyện tư duy và nhân cách để chững chạc bước vào thời đại trí tuệ.

   Có lẽ trừ "dạy học trên mạng" mới bắt đầu xuất hiện năm nay là còn rất mới mẻ, còn thì cứ đãi cát lấy vàng, ta sẽ tìm ra cốt lõi của lời giải cho bài toán nói trên ngay trong lịch sử giáo dục cách mạng nước ta.

   1- Số lượng và chất lượng. Ngày nay, không chỉ đòi hỏi chất lượng cao mà cũng đòi hỏi số lượng lớn vì chúng ta được ở vào thời đại "tốc độ chóng mặt", lượng thông tin qua internet tăng nhanh. Ta nghĩ đến ứng dụng công nghệ thông tin vào giáo dục và quản lý giáo dục. Điều đó rất đúng nhưng phải thấy rõ rằng công nghệ thông tin chỉ là phương tiện chuyển tin mà thôi còn chất lượng dạy học do chất lượng khoa học bộ môn quyện với khoa học sư phạm của ông thầy quyết định, chất lượng quản lý do trình độ quản lý của thủ trưởng và bộ máy giúp việc quyết định, cũng giống như chất lượng xi-măng chứ không phải chất lượng xe tải chở xi-măng quyết định chất lượng công trình. Cần nói rõ điều này vì hiện nay vẫn có những nhận thức như cho rằng Việt Nam chưa có đủ các điều kiện để đào tạo từ xa tốt mà phải chờ cho kinh tế khá lên, vô hình trung tự trói tay mình lại để chờ đợi trong lúc mà ở Việt Nam đã đào tạo từ xa có kết quả khi chưa dùng tí nào công nghệ thông tin, giải quyết được một nhu cầu về số lượng mà vẫn bảo đảm chất lượng. Đó là việc thiếu giáo viên cấp ba trầm trọng sau giải phóng miền Nam mà các trường Đại học Sư phạm ở phía Nam thì mới tiếp quản, các trường ở phía Bắc thì đã bão hòa. Trong tình trạng đó, Bộ Giáo dục (cũ) đã chủ trương tuyển những học sinh đã hỏng thi vào đại học nhưng đạt điểm học được rồi giao cho hai trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Việt Bắc đào tạo họ "từ xa". Khi đó, có nhiều ý kiến cho chủ trương đó là phiêu lưu: "hỏng vào đại học" lại học "từ xa" thì không thể có chất lượng. Nhưng chủ trương trên đã thắng lợi, đào tạo được ngót 2.000 giáo viên mà chất lượng không kém giáo viên đào tạo chính quy (lấy làm đối chứng qua 7 kỳ thi tốt nghiệp tổ chức chung cho cả sinh viên từ xa và chính quy).

   Năm 1950, ta cũng đã giải quyết được một nhu cầu lớn về số lượng mà chất lượng vẫn bảo đảm: đó là việc rút số năm học phổ thông xuống còn 9 năm, bỏ "trung học chuyên khoa 3 năm" và thay bằng "cấp ba phổ thông 2 năm, không phân ban". Nhờ vậy mà từ chỗ cả nước chỉ có 4 trường trung học chuyên khoa, đột biến có ngay mỗi tỉnh một trường cấp ba, đủ sức đào tạo nguồn đào tạo cán bộ cho kháng chiến và chuẩn bị cán bộ cho kiến thiết sau chiến tranh.

   Trong cả hai trường hợp kể trên thì bí quyết thành công là gì? Có nhiều yếu tố tác động đến chất lượng trong đó nội lực tự học tự nghiên cứu của người học có ý nghĩa quyết định, các yếu tố khác, dù quan trọng đến mấy cũng chỉ có giá trị xúc tác. Nắm chắc như vậy đến mức thành lòng tin, thành bản lĩnh kiên trì, thành nhạy cảm sáng tạo thì bảo đảm chắc thắng. Trong thí dụ đầu thì bí quyết là ở chỗ thấy việc "xa thầy" chứa đựng sự kích thích phát huy nội lực "tự học" của sinh viên. Trong thí dụ sau thì bí quyết là ở lòng tin vào sự cảm thấy xấu hổ của học sinh thời ấy khi đã lên đến cấp 2 mà còn tìm thầy học tư trong hè, không tự ôn lấy (giống như đứa trẻ đã 3, 4 tuổi cảm thấy xấu hổ nếu còn bú mẹ). Còn ngày nay, sự xấu hổ đáng quý đó đã mất từ lâu. Đáng lẽ phải lấy Nghị quyết 2 của Ban Chấp hành Trung ương VIII mà khuấy động trở lại sự xấu hổ đáng quý đó thì lại chủ trương chờ có chương trình mới, sách giáo khoa mới, mới đổi mới cách dạy, cách học với lý lẽ về mối quan hệ qua lại giữa nội dung và phương pháp trong tình hình có sự bức xúc phải sớm đổi mới cách dạy, cách học, đáng ra phải tận dụng sự độc lập tương đối giữa nội dung và phương pháp để bắt đầu ngay việc đổi mới cách dạy, cách học (song song với việc nghiên cứu chương trình mới) sau khi có Nghị quyết 2. Bây giờ thì đã lỡ đối với tiểu học và trung học cơ sở. Hy vọng có thể thay đổi chiến thuật đối với trung học phổ thông.

   Cũng do sợ chất lượng kém như "tại chức" mà giáo dục từ xa phát triển rất chậm mặc dù nó có rất nhiều ưu thế dưới con mắt của những dân tộc nghèo mà hiếu học: rẻ tiền (cả cho Nhà nước, cả cho người học), bảo đảm được sự công bằng trong việc hưởng quyền lợi học tập, một thầy giỏi thì cả nước được nhờ chứ không phải chỉ vài lớp như trong đào tạo tập trung, người học phân tán trong dân thì họ với dân như cá với nước, nhất là khi phong trào khuyến học đã thấm đến gia đình, dòng họ, phường xã; những người nơi xa xôi hẻo lánh mà học từ xa thì khi tốt nghiệp sẵn sàng phục vụ quê hương, chứ không bám trụ thành phố. Nên coi "tại chức" hiện nay là một bài học phản diện về việc làm thoái hóa nội lực "tự học" do học viên ỷ lại vào những châm chước, chiếu cố, tiêu cực trong thi cử, nhất là thi tốt nghiệp. Nay cần chấn chỉnh với hai khẩu hiệu: "Chất lượng là lẽ sống" và "Chặn đứng mọi tư tưởng ỷ lại". Mặt khác phải xây dựng hệ thống đại học chính quy (công lập và dân lập), đón đầu xã hội tin học, làm nòng cốt cho cả hệ thống giáo dục. Với suy nghĩ đó, chúng ta yên tâm nâng việc phát triển giáo dục từ xa lên thành quốc sách, mài sắc giáo dục từ xa của Việt Nam lên bằng cách hết sức quan tâm đến khoa học Sư phạm từ xa trong mối hòa quyện với sử dụng công nghệ thông tin và tận dụng phong trào khuyến học.

   2- Nhà trường gắn với đời sống, học đi đôi với hành. Vào cuối thập kỷ 60 và cả thập kỷ 70, các nhà trường của chúng ta đã sôi nổi gắn với cuộc sống.

   Hồi đó, trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã táo bạo chủ trương sử dụng học sinh phổ thông làm cộng tác viên cho các đề tài khoa học của mình. Kết quả thật là tốt đẹp: Đại học được nối thêm tay, thêm óc cùng đông đảo học sinh phổ thông; học sinh phổ thông được tiếp cận với khoa học hiện đại (như phân vi lượng, phương pháp sơ đồ mạng PERT, v.v.), được làm quen với loại lao động cao cấp là lao động nghiên cứu, thực nghiệm khoa học có tác dụng rèn luyện tác phong công nghiệp, tư duy khoa học và nhiều phẩm chất khác để bảo đảm khách quan chính xác, sáng tạo, hơn là lao động học tập bình thường; qua đó thấy triển vọng khơi ra một nội lực mới là sự liên kết bộ ba: Đại học (và khoa học) + Phổ thông <=> cuộc sống. Vấn đề "tác phong công nghiệp" và "tư duy khoa học" là vấn đề lớn mà nhà trường chúng ta hiện nay rất ít có tác dụng, một học sinh học từ lớp một cho đến khi tốt nghiệp đại học có rất nhiều kiến thức nhưng vẫn mang vào đời tác phong thủ công nghiệp và tư duy kinh nghiệm, hai cái hãm lớn của sự phát triển đất nước. Rồi đây phải cố mà đưa lao động nghiên cứu khoa học vào nhà trường phổ thông trong mối liên kết Đại học - Phổ thông tiến tới chiến lược mỗi trường phổ thông thành một trung tâm vừa giáo dục, vừa khoa học của địa phương, nghiên cứu những vấn đề của địa phương. Ngày nay, có điều kiện hơn 30 năm trước nhiều lắm để làm, kể cả điều kiện giao lưu quốc tế nhưng lại có một khó khăn rất lớn: mặt trái của cơ chế thị trường, sự thương mại hóa nền giáo dục. Hiện nay, trong giáo giới, đi dạy thêm ở bậc phổ thông và đi dạy tại chức (theo cách lạc hậu nhất) ở bậc đại học là có thu nhập cao hơn cả. Đó là cái máy hãm nhiều hoạt động tích cực theo hướng thực hiện đường lối của Nghị quyết 2 (Khóa VIII) và đường lối giáo dục, khoa học của Nghị quyết Đại hội IX. Mặt khác, so với các ngành, thì thấy chuyên gia giỏi nhất của Tổng cục Bưu điện hưởng lương 10 triệu/tháng, còn người thầy giáo giỏi nhất hưởng lương bao nhiêu? Rõ ràng, có một loạt chính sách phải nghiên cứu, sửa đổi.

   3- Dạy nghề và phổ cập giáo dục. Ta rất chậm trong phổ cập giáo dục và đương rất lúng túng với tình trạng tạm gọi là "thừa thầy, thiếu thợ". Tuy nhiên, nếu suy nghĩ sâu và toàn diện thì thấy như sau:

   a- Vấn đề công ăn việc làm đã có hướng giải quyết từ khi Luật Doanh nghiệp ra đời: chưa đầy 2 năm, luật đó   đã cho ra đời một số doanh nghiệp mới gấp ba lần số doanh nghiệp ra đời 10 năm trước đó. Đó mới chỉ là bước đầu. Ta còn phải đi xa hơn nữa vì hiện nay ta chỉ mới đạt mức 1 doanh nghiệp cho 1.200 dân. Còn xa mức trung bình trên thế giới là 1 doanh nghiệp cho 50 dân. Ta cố gắng đến 2010 đạt mức trung bình đó thì sẽ không thiếu công ăn việc làm.

   b- Vấn đề "công nhân" và "đại học". Thời đại hiện nay là thời đại trí thức hóa công nhân. Nhìn trước xu thế đó, không nên đối lập đào tạo công nhân và đào tạo đại học mà nên tạo ra một cầu nối giữa hai bên: đào tạo nghề sau trung học, đó mới là tương lai. Khi ta muốn đào tạo nhân lực cho các công nghệ cao (chứ không phải là đào tạo nghề từ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở); ngay hiện nay ta có thiếu nguồn học sinh tốt nghiệp "trung học phổ thông" đâu. Từ đó sẽ thấy cần có chủ trương đa dạng hóa vừa cả hình thức đào tạo đại học (tập trung và từ xa), vừa cả thời gian đào tạo: 12+n với n phong phú hơn trước đây nghĩa là sẽ có cả n=1 và n=2 và đó chính là đào tạo nghề sau trung học, n phong phú sẽ cho phép vận dụng phương châm: "lấy cái đa dạng để khắc phục sự đa dạng" của lý thuyết hệ thống. Đa dạng đây là đa dạng về điều kiện dạy và điều kiện học. Thí dụ, nếu n>3 như hiện nay thì những người chỉ có điều kiện học 2 năm sẽ bị loại hoặc những người chỉ có khả năng mở Đại học 2 năm cũng bị loại (nếu cho họ mở Đại học 3 hay 4 năm, thì họ sẽ bôi bác). Cần siết chặt các kỳ thi tốt nghiệp đại học để không lọt lưới của rởm và gây tác động trở lại việc dạy và học. Ta không "thừa thầy" vì trên thực tế có nơi thừa (thí dụ đô thị), nhưng lại có nơi thiếu (thí dụ miền núi). Việc điều tiết từ nơi thừa sang nơi thiếu phải giải quyết bằng chính sách nhưng chính sách của ta thường chậm và yếu. Vả chăng sự cân đối giữa đào tạo và sử dụng ngày nay là cân đối động do có sự phải thay đổi nghề trong cuộc đời: sự cân đối thường bị phá vỡ do các tiến bộ của công nghệ rồi lại được tái lập nhờ sự năng động thích nghi của người lao động; cho nên hướng phấn đấu là làm sao cho người lao động có sức thích nghi đó còn tạm thời họ chưa có việc làm hay có việc làm dưới trình độ cũng là việc thường đâu phải là thừa; làm dưới trình độ có khi lại hay là dùng được trình độ để nâng việc làm lên; ngày xưa vì quan niệm "dốt thì đi cày" nên nghĩ cày (nghề nông) cứ lẹt đẹt mãi.

   Không nên dùng cách hạn chế tuyển sinh đại học để phân luồng đi học trung cấp, công nhân vì sự hạn chế đó sẽ có phản ứng phụ: nhiều người thi vào đại học điểm cao mà vẫn hỏng, gây lãng phí nhân tài, gây tâm lý ấm ức ở họ và gia đình họ, càng kích thích luyện thi, dạy thêm, học thêm tràn lan. Vấn đề là phải làm sao cho việc đào tạo công nhân trở nên hấp dẫn, đi làm công nhân mà có chí vẫn học đại học được dễ dàng (học từ xa). Còn việc hướng nghiệp ở phổ thông thì nên làm nhưng phải công phu và không ra hiệu quả nhanh được. Cũng không nên lên án tư tưởng muốn học đại học vì đó là tinh thần cầu tiến mà chỉ lên án những hành động tiêu cực để vào đại học và có bằng đại học. Cũng không nên lên án việc hỏng thi vào đại học rồi học để sang năm thi lại vì cái đáng sợ nhất là "vô công rồi nghề", chứ còn lo học thì gia đình và xã hội còn yên tâm; rồi cuộc sống sẽ giải quyết vì chẳng ai thi mãi vào đại học được. Cũng không nên lên án việc muốn có một cái bằng thực chất vì đó cũng là một động lực kích thích người ta học và loài người vẫn lấy cái bằng cấp thực chất làm một thước đo (dù có khi không chính xác lắm). Chỉ nên lên án bằng rởm, bằng giả.

   Với những nhận thức như trên, thiết tưởng ta cần và có thể gia tốc việc phổ cập giáo dục trung học phổ thông và đại học, chứ 10 năm nữa mà chưa bằng Thái-lan hôm nay (về số lượng sinh viên/vạn dân), 20 năm nữa cũng vẫn là đại học cho số ít, mà Trung Quốc đang lên án và phấn đấu để 2005 thì đại chúng hóa đại học thì quá chậm. Điều đó là khả thi nếu ta khéo léo kết hợp vừa học vừa làm và học từ xa, trên cơ sở tích cực đổi mới cách dạy, cách học, thực hiện liên kết Đại học - Phổ thông để gắn cuộc sống bằng lao động nghiên cứu, thực nghiệm khoa học.

Nguyễn Cảnh Toàn (Báo Văn nghệ) 

LinkedInPinterestCập nhật lúc: