Trí tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức

10:26 SA @ Thứ Năm - 23 Tháng Năm, 2013

Đó là khẳng định của nhà nghiên cứu giáo dục Phạm Toàn trong cuộc trao đổi với chúng tôi về chủ đề khai mở sự sáng tạo của người học.

Tư duy – năng lượng của phát triển

Thưa ông, điểm yếu nhất của người học hiện nay là gì, theo góc nhìn của mình?

Nhà giáo Phạm Toàn: Người học không có điểm yếu, chính “người lớn” đã tạo ra những “điểm yếu” của người học. Người lớn phá hoại trẻ con bằng cách cứ thích nhồi kiến thức cho chúng. Còn nếu cứ để cho con trẻ tự do phát triển thì chắc chắn các em sẽ chỉ có điểm mạnh, tức là sự dấn thân vào việc học. Mà nếu có điểm yếu, tự các em sẽ bù đắp cho mình.

Trẻ con hư hay dốt là do người lớn. Ở trẻ con không có gì đáng gọi là nhược điểm cả. Trẻ con muốn được học bơi, nhưng “người lớn” ngăn chúng lại với đủ thứ lý do, thế thì đến bao giờ trẻ mới biết bơi? Ngay từ năm học lớp 1 đã cần cho trẻ con sống tự lập. “Người lớn” thích tự do nhưng lại không cho con trẻ tự do, “người lớn” thật là nhí nhố!

Tại sao nhiều người cho rằng nền giáo dục hiện nay hạn chế sự phát triển tư duy của người học, thưa ông?

Là vì ngay cả “người lớn” cũng có biết tư duy đúng cách đâu! Có thể kể ra đầy rẫy những ví dụ tiêu cực về tư duy của “người lớn”. Cứ mở báo ra mà đọc, khó gì!

Ông cùng nhóm Cánh Buồm làm bộ sách giáo khoa mới cho trẻ em. Ở đó, cách khơi nguồn tư duy sáng tạo cho người học là gì?

Trung tâm suy nghĩ của nhóm Cánh Buồm là làm ra một cái mẫu cho xã hội xem và thảo luận về một nền Giáo dục Hiện đại. Hiện đại đối với chúng tôi không phải là cho con đào tẩu từ nhỏ đi học nước ngoài. Không ra được nước ngoài thì đào tẩu tại chỗ ở trong nước. Thế là chỉ vỗ béo những trường quảng cáo rùm beng về các thiết bị học tập hiện đại đắt tiền. Nhà trường hiện đại là nhà trường tổ chức việc tự học và tự giáo dục của học sinh. Đó không phải là nơi tiếp tục hệ thống dạy học nhồi nhét thông qua các “thiết bị dạy học” đắt tiền, hiện đại và hại điện!

Daỵ học hiện đại là biết giao việc cho học sinh thực hiện và tự tìm đến tri thức. Cái tri thức đầu tiên học sinh phải tìm đến ngay từ bậc tiểu học là phương pháp học.


Ông vừa nhắc đến “phương pháp học”, cụ thể là gì, thưa ông?

Từ nay, công việc của giáo viên là cần tổ chức cho học sinh có phương pháp học. Tháng 10 năm 2012, nhóm Cánh Buồm tổ chức giới thiệu bộ sách tiểu học của mình trong cuộc Hội thảo có tên EM BIẾT CÁCH HỌC. Bậc tiểu học là bậc học cách  học. Bậc tiểu học là bậc phương pháp. Học sinh phải tìm thấy và làm ra phương pháp đó, chứ không chỉ nghe những lời khuyên “hãy học có phương pháp” hoặc “hãy có tư duy” …

Lấy một thí dụ từ cái khó nhất là phương pháp học Văn (giáo dục nghệ thuật) nằm trong việc làm lại các thao tác của người nghệ sĩ tiêu biểu. Trước tiên, để có cảm hứng thì phải xúc động trước những hoàn cảnh của con người. Vậy thì việc học trước hết của trẻ em là học đồng cảm với cảnh đời con người. Cánh Buồm tổ chức cho các em chơi trò đóng vai:  Em hãy bắt chước đóng vai cô đẩy xe rác ngoài đường; bắt chước người đội bánh đi bán; em bé đi nhặt rác về cho mẹ bán; người mẹ lạc con trong chiến tranh,… nâng dần độ khó lên. Cái đó giúp người học hoàn toàn tưởng tượng được, chơi được, mà giảng viên lại chẳng phải vất vả giảng giải gì cả. Hoàn toàn đơn giản, ai cũng dạy được.

Sau khi có lòng đồng cảm, người  nghệ sĩ làm gì? Họ nghĩ ra một hình tượng, như cô Kiều, như thánh Gióng, như Người Gù ở nhà thờ Đức Bà Paris. Tương ứng, Cánh Buồm cho trẻ nghĩ ra một hình tượng, và coi đó là làm lại thao tác tưởng tượng. Thao tác tiếp theo là liên tưởng, là sắp xếp (bố cục) tác phẩm. Như vậy ngay ở bậc tiểu học, phương pháp học Văn nằm trong một bộ ngữ pháp nghệ thuật mà không cần đến lời giảng giải của giáo viên thì học sinh cũng đến được với tác phẩm. Đến với tác phẩm bằng cách tự mình tạo ra tác phẩm.

Với người học, nhất là với  trẻ con thì trí tưởng tượng là quan trọng hơn kiến thức?

Chính xác! Trí tưởng tượng ở người học quan trọng chứ không phải những lời rao giảng của thầy cô. “Em hãy nhớ nhé: Trăm năm trong cõi người ta…. Cái câu ấy hay lắm…”.  Đó chỉ là “phương pháp dạy” nhồi nhét thôi, hoàn toàn không kích thích được cảm hứng  của người học.

Ông nghĩ thế nào về dạy tư duy cho học sinh, sinh viên hiện nay?

Không thể nhồi nhét được tư duy. Tư duy là kết quả của việc học bằng việc làm. Anh làm theo cách nào thì anh có trong đầu kiểu tư duy ấy. Học sinh mà làm trong cách học nghệ thuật như tôi vừa kể thì sẽ có tư duy mỹ cảm của một nghệ sĩ: Làm khi học tiếng Việt như sách của Cánh Buồm thì sẽ có tư duy của một nhà ngôn ngữ.

Hệ thống học tiếng Việt Ngôn ngữ học của chúng tôi từ lớp 1 đến lớp 5 diễn ra thế này. Lớp 1 học các thao tác phát âm, phân tích và tự ghi được tiếng Việt để đọc được tiếng Việt được. Phát âm, phân tích, ghi và đọc, đó là những thao tác của nhà ngữ âm học. Lên lớp 2, học cách tạo ra và sử dụng từ ngữ tiếng Việt. Lớp 3, học cú pháp cả về cấu trúc Chủ Vị và cả về cấu tạo lô-gic của câu. Lớp 4, học viết văn bản, bắt đầu với một đoạn văn, mở rộng thành bài văn. Lớp 5, học các dạng hoạt động ngôn ngữ: khó học, hành chính và đời thường…

Xin nhắc lại, nếu học sinh làm theo cách làm nào đó của ai đó, thì sẽ có tư duy của người làm ra sản phẩm đó. Học cách làm luộm thuộm thì sẽ có “tư duy” cù lần, luộm thuộm!

Nếu mỗi công dân đều biết cách tư duy, thì đó sẽ là động lực phát triển của một đất nước. Vì rõ ràng, tất cả những thành tựu do tư duy mà có. Ông có nghĩ vậy?

Đúng. Gọi là “động lực” cũng được, nhưng tôi thích gọi đó là năng lượng đốt trong của mỗi con người. Vì nó làm cho con người có đam mê. Chiếc ôtô muốn cho nó chạy phải có năng lượng. Vậy con người, cái gì làm cho nó “chạy”? Những thứ tư duy ấy, đam mê ấy, thèm khát ấy, cảm xúc ấy… tất cả những cái đó, tôi gọi là năng lượng (energy). Năng lượng đẩy con người đi về phía tiến bộ. Con người không có tư duy, cứ ù lì được coi là không có năng lượng, ngồi chịu chết.

Cách sáng tạo cho người trẻ

Hiện nay, không ít sinh viên ra trường không xin được việc làm, hoặc nếu có thì hầu như phải đào tạo lại? Vì sao thưa ông?

Nguyên nhân cốt lõi là những sự hiểu lầm về giáo dục của “người lớn”, hiểu giáo dục không đến nơi đến chốn về giáo dục. Bây giờ hỏi 10 vị về giải pháp giáo dục cho đất nước ta, thì hỏi 10 vị sẽ được 10 đáp án khác nhau. Kết quả  sẽ là những vụ cãi vã không thôi. Người Pháp đùa, “De la discussion jaillit la vérité”  (Tranh cãi đẻ ra chân lý) nhưng ở ta thì “De la discussion jaillit la discussion” (Tranh cãi đẻ ra tranh cãi)!

Tôi và nhóm Cánh Buồm chọn đi con đường khác: sử dụng cái năng lực tự do của mình tạo ra một cái mẫu phát triển giáo dục, coi như một kiến nghị với xã hội. Các nhóm khác hãy cùng làm đi. Các vị muốn đân nước mình có cái tư duy nào theo cách học nào thì hãy trình ra phương án cụ thể của mình. Xã hội sé đối xử lại một cách dân chủ, khôn gphaan biệt đối xử. Hết sức đơn giản!

Để sinh viên bậc đại học có tư duy sáng tạo, theo ông, các bạn cần phải làm gì?

Phải giải quyết những nhiệm vụ cụ thể. Tôi rất thích khẩu hiệu của trường MIT của Mỹ: “Mens et manus” (đầu óc và bàn tay). Khi anh làm, đầu và tay hỗ trợ nhau. Sinh viên phải là thùng thuốc súng của Tiến bộ. Do vậy, khi học, đừng học theo lối đối phó, mà phải học để giải quyết vấn đề của cuộc đời; phải nghĩ và làm. Không phải nghĩ lông bông mà phải giải quyết việc theo nhiệm vụ của mình. Chẳng hạn, cụ thể: sinh viên ngành tài chính ngân hàng thử hỏi xem có bao nhiêu người hiểu được vấn đề thị trường vàng hiện nay? Có bạn nào tự làm các tư liệu xem ai lãi, ai lỗ, đất nước được cái gì, nhân dân được cái gì, người có tiền được cái gì, người không có tiền được cái gì? Phải tự mình giải quyết và sẽ tìm ra ngay đáp số. Dùng tư duy của mình sẽ tìm ra được kẻ thù của sự phát triển của dân tộc.

Tôi còn thấy những chị công nhân còng lưng múc nước Hồ Tây trên một chu vi ba chục cây số để tưới cây mỗi sáng mỗi chiều. Thế mà chẳng thấy sinh viên chế tạo máy nào làm giúp biếu các chị một máy bơm xách tay! Lại chỉ thấy sinh viên tụ tập ngửi ghế “sao” Hàn quốc hoặc bầy ra những màn tỏ tình rùm beng nhăng cuội!

Sinh viên sư phạm hãy nghiên cứu và vạch ra những sai lầm của nhóm Cánh Buồm đi nào! Chẳng thấy ai chịu học và làm cụ thể cả. Làm ra một cái đã có vẫn chưa xong, thế thì bao giờ có “sáng tạo”?

Bên cạnh cách giáo dục, theo ông, những yếu tố nào ảnh hưởng đến phát triển tư duy của người học?

Đó là sự tự chủ cho người học. Tự do là quyền tự nhiên. Dân chủ là xã hội quy chế cho tự do ấy. Sinh viên phải tự mình hành động. Không ai cho bạn quyền tự do hết. Tự do là quyền thiêng liêng có từ khi loài người có mặt trên trái đất này. Nhờ tự do mà sống và phát triển cho đến hôm nay. Hãy dùng cái quyền đó để làm điều đẹp đẽ có lợi cho con người. Chỉ khi bạn phát huy quyền tự do làm lợi cho con người khi đó bạn mới nên người. Lời hát ru của mẹ “Con ơi muốn nên thân người, lắng tai nghe lấy những lời mẹ ru”… Mẹ của chúng ta, Tổ quốc Việt Nam ta, Dân tộc bất khuất này đang gửi những lời ru gì  tới chúng ta?  Chỉ riêng con người bạn nghe thấy những lời ru ấy. Hai bà Trưng  nghe thấy lời ru hãy cưỡi voi xông ra cứu nước. Tôn Thất Tùng và Lương Định Của chắc chắn nghe thấy tiếng ru hãy phát triển khoa học để cứu dân khỏi bệnh tật và đói nghèo.

Bạn nghe thấy lời ru gì? Nào, hãy dùng trí tưởng tượng đi! Lúc này, đúng là trí tưởng tượng cần hơn kến thức!

Mong sao những “người lớn” chịu trách nhiệm xây dựng lại nền giáo dục đang đổ nát này cũng hãy cùng nhau phát huy trí tưởng tượng … Cả ở đây, trí tưởng tượng cũng cần hơn kến thức!

Xin cảm ơn ông!

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Biết tưởng tượng để dám mơ ước

    01/03/2014Trí tưởng tượng là sức mạnh khiến bạn tiến xa hơn những điều đã biết và chưa biết để sáng tạo ra điều không tưởng của riêng mình. Hoạ sĩ Paul Gauguin đã từng tuyến bố: “Để quan sát tôi nhắm mắt lại”. Thật đáng tiếc khi chúng ta thường hay quan tâm đến những gì hiện có hơn là những gì có thể tồn tại. Theo đó, hãy là một nguời biết tưởng tượng!
  • Bài ca về nghị lực sống và trí tưởng tượng sáng tạo tuyệt vời

    26/05/2010Có thể đối với bạn hay với bất cứ một người nào khác thì viết một cuốn sách dày hơn 100 trang là một điều bình thường. Nhưng với một người liệt toàn thân, chỉ có thể giao tiếp với thế giới bằng những cái chớp mắt, và việc viết một cuốn sách như thế cần tới hơn 200.000 lần nháy mắt thì đó không phải là một việc bình thường, nếu không muốn nói là phi thường
  • Trí tưởng tượng mang đôi cánh ướt

    11/10/2008Đỗ Minh TuấnVăn hóa Việt Nam không khuyến khích thái độ cực đoan, mà luôn hướng đến sự dung hòa, giao thoa và cộng sinh giữa các chiều kích, các thế lực và các giá trị. Vì thế, nhà văn Việt Nam ít có những cảm xúc và suy nghĩ cực đoan làm động lực cho một trí tưởng tượng sáng tạo mãnh liệt, đi đến tận cùng. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc cá tính sáng tạo của nhà văn thường mờ nhạt.
  • Tưởng tượng và tài năng sáng tạo

    23/03/2006Nguyễn Chu Phác"Con người không biết tưởng tượng vẫn có thể thu thập được sự kiện. Nhưng nếu không có tưởng tượng sẽ không thể có phát minh vĩ đại, loài người sẽ không phát triển cả văn minh vật chất và văn minh tinh thần"... (Ti-mi-ria-zép)
  • Nhà bác học, thiên tài và trí tưởng tượng

    11/10/2005Đây là bài phỏng vấn nhà vật lý Mỹ nổi tiếng Richard Feynman của tạp chí La Recherche, được chọn là một trong những bài báo hay nhất trong số đặc biệt kỷ niệm 30 năm thành lập của tạp chí này...
  • Chúng ta không nhìn, mà tưởng tượng thế giới

    26/07/2005Thuận An (theo ABC)Những hình ảnh mà bạn nhìn thấy mấy phần thực, mấy phần hư? Các nhà khoa học khi quan sát não chồn sương - với cấu trúc gần giống não người - đã phát hiện 80% những gì con người biết về thế giới là do hình dung.
  • Nghệ thuật, trí tưởng tượng và nhà khoa học

    19/07/2005Tôi muốn mượn tiêu đề bài báo của giáo sư sinh lý học Robert Root-Berstein, Viện Đại Học tiểu bang Michigan, trên tạp chí Nhà khoa học Mỹ đầu năm 1997 để bàn về mối quan hệ giữa ý thức và vô thức, giữa trí tưởng tượng và tư duy phân tích trong sáng tạo văn học nghệ thuật và sáng tạo khoa học kỹ thuật, một chủ đề hấp dẫn từng gây nhiều tranh cãi không chỉ tại Việt Nam ta.
  • xem toàn bộ