Trước tiên cần có một cuộc cách mạng cho giáo dục?

03:51 CH @ Thứ Ba - 18 Tháng Mười Một, 2003

Lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Hội nghị lần thứ II Ban chấp hành Trung ương Đảng CSVN khoá VIII đã nhấn mạnh: “Giáo dục-đào tạo là “quốc sách hàng đầu”, là động lực phát triển kinh tế-xã hội, là điều kiện cần thiết để giữ vững độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Xây dựng xã hội học tập, không gì khác cũng chính là để thực hiện mục tiêu trên đây. Tuy nhiên, đây là một khái niệm rộng, nên ở đây tôi chỉ xin bàn đến một góc độ nhỏ trong công cuộc cải cách nền giáo dục phổ thông của ta hiện nay, vốn là tiền đề để hướng tới một xã hội học tập. Đó là việc cần thiết phải nhìn thẳng vào một sự thật đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ đáng báo động và cần có một cuộc cách mạng đối với vấn đề SGK – tài liệu đầu tiên phục vụ giáo dục đào tạo?

Kinh nghiệm cho thấy, muốn phát triển giáo dục cần phải quan tâm tới ba vấn đề lớn: chương trình - sách giáo khoa (CT-SGK); đội ngũ cán bộ quản lý - giáo viên; cơ sở vật chất - trang thiết bị. Muốn đổi mới hay cải cách đối với GD-ĐT trước hết phải đặt 3 khâu này ở vị trí trung tâm. Trong đó SGK được xem là linh hồn, là cốt tử của giáo dục.Thực tế đã chứng minh: văn hoá, khoa học, triết học trong việc trồng người đều ở nội dung chương trình của SGK. Một đất nước có sự ổn định, phát triển hay tụt hậu đều liên quan đến SGK của hệ thống giáo dục. Thế nhưng, ở Việt Nam, đã gần 60 năm xây dựng và phát triển sự nghiệp giáo dục, mà hiện tại không có được một bộ SGK chuẩn cho tất cả các bậc học. Đây là hiện tượng lạ.

Theo các nhà giáo có tâm huyết thì hiện nước ta chưa có một kịch bản đổi mới giáo dục, nên sự chỉ đạo mấy lâu đi ngược lại truyền thống và xa rời thực tiễn, thậm chí trái với Luật Giáo dục. Vì vậy, sự chỉ đạo “học thuật” trong giáo dục luôn luôn thay đổi. Hiện chưa có một cơ sở lý luận khoa học cho việc đổi mới giáo dục, chưa nghiên cứu tổng kết rút ra những kết luận khoa học nền móng giáo dục cách mạng trước đây, nên sự chỉ đạo và điều hành ở tầm vĩ mô không mấy nhất quán, lúc thì phân ban, lúc thì không và giờ đây lại tiếp tục phân ban. Rõ ràng, chưa có bản thiết kế tổng thể cho việc xây dựng các bộ SGK từ bậc phổ thông, đến bậc đại học và trong toàn bộ hệ thống giáo dục, càng không thể nói là đã có sự chặt chẽ nghiêm ngặt về quy trình khoa học. Một lĩnh vực lớn như vậy mà không có “nhạc trưởng” chỉ huy, chịu trách nhiệm (!?).

Kiến thức trong SGK cải cách đã không chuẩn xác, lại còn có chỗ sai cả kiến thức cơ bản. Điều này sẽ thực sự bất lợi cho trí tuệ của nhiều thế hệ tương lai. Khi cách nghĩ và cách làm bỏ qua tính khoa học, thì việc rơi vào vòng luẩn quẩn khó tìm được lối ra là chuyện thường tình. Hậu quả của nó quả là khó lường được. Không phải cứ có nhiều tiền và đông người là có thể thay thế và giải quyết được các vấn đề mang tính khoa học. SGK là một vấn đề mang tính học thuật cao của trí tuệ, nếu sử dụng phương pháp tư duy theo kiểu “vừa chạy vừa xếp hàng”, thì kết quả sẽ đi ngược lại mong muốn. Mỗi năm xã hội đầu tư một khoản tiền cho SGK bằng thu thuế nông nghiệp 1.600 tỉ đồng. Song rất tiếc, theo con số của Bộ GD-ĐT tập hợp được thì 7 trong tổng số 22 triệu học sinh các cấp vẫn thiếu SGK.

Giáo dục ngày nay đang là hạ tầng cơ sở phi vật chất, làm  nền tảng cho hầu hết các hoạt động của đất nước. Vậy mà, CT-SGK lại đang trở thành nỗi lo âu của toàn xã hội. Tìm giải pháp xây dựng và biên soạn CT- SGK chuẩn-một trong những vấn đề bức xúc và cơ bản nhất của giáo dục hiện nay, xét cho cùng làm được điều này chính là tìm ra hướng phát triển của việc xây dựng xã hội học tập.

PGS. TS Đinh Văn Ưu, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội

LinkedInPinterestCập nhật lúc: