Từ bi phải có trí tuệ

07:00 CH @ Thứ Sáu - 05 Tháng Năm, 2017

Ngoài việc xây cất ngôi chùa Việt Nam Phật Quốc Tự ở Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya, Ấn Độ), thầy Huyền Diệu còn được biết đến như là người nước ngoài đầu tiên được Nepal chấp thuận cấp cho hai mẫu đất để xây Việt Nam Phật Quốc Tự - ngôi chùa quốc tế đầu tiên ở vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini) - nơi Đức Phật ra đời.

Hưởng ứng lời kêu gọi của thầy Huyền Diệu, hơn 20 quốc gia đã lần lượt đến xây dựng chùa của nước mình ở vùng đất này, hình thành một nơi mà ông gọi là “Liên Hiệp Quốc Phật giáo”. Nhờ vậy mà thánh địa hoang phế điêu tàn này đã hồi sinh.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Sorbonne (Pháp), thầy Huyền Diệu đi dạy học ở nhiều nơi và làm Phật sự.

Thầy cũng là người đưa ra giải pháp hòa bình, chấm dứt cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài gần mười năm ở Nepal đã làm 14 ngàn người chết.

Nhân dịp về Việt Nam giới thiệu cuốn sách Lòng tri ân: Sức mạnh và mầu nhiệm vừa xuất bản, thầy Huyền Diệu đã dành cho Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần một cuộc trò chuyện.


Thầy Huyền Diệu (Tiến sĩ Lâm Trung Quốc). Tranh: Hoàng Tường
.

* Dù bận rộn đi dạy học ở nhiều nơi, những năm gần đây thầy rất siêng về nước. Chăëc hăín thầy có nhiều việc phải làm ở đây?

- Tôi về không nhiều, chỉ vài lần thôi. Tôi về để thỉnh tượng Phật đưa sang bên kia thờ. Sẵn có một vài trường đại học, học viện Phật giáo và đạo tràng mời đến nói chuyện, tôi vui vẻ nhận lời.

* Ấn Độ vốn được xem là cái nôi của Phật giáo nên chắc không thiếu tượng Phật, tại sao thầy phải nhọc công như vậy?

- Tôi cất chùa Việt Nam nên thỉnh tượng Phật ở Việt Nam. Đạo Phật có một điểm rất hay là du nhập đến đâu thì hòa hợp vào văn hóa của địa phương đó. Nếu nhìn kỹ sẽ thấy ông Phật ở Trung Quốc khác với ông Phật ở Nhật Bản, ở Thái Lan… Thêm nữa, việc thỉnh tượng Phật qua bên đó cũng là một cách đưa văn hóa Việt Nam đến với các Phật tử khắp nơi trên thế giới khi họ đến chiêm bái tại Việt Nam Phật Quốc Tự.

* Trong những buổi nói chuyện với các Phật tử, thầy luôn khuyến khích mọi người hành hương về các thánh địa Phật giáo. Nhớ không nhầm thì tại buổi nói chuyện ở chùa Vạn Đức (Quận Thủ Đức, TP.HCM), thầy còn hứa sẽ chịu toàn bộ chi phí ăn ở đối với những Phật tử phát nguyện tu tập tại chùa từ sáu tháng trở lên. Các Phật tử hưởng ứng lời kêu gọi của thầy như thế nào?

- Tôi thấy các Phật tử đều mong ước ít nhất một lần trong đời hành hương đến thánh địa, để cảm nhận được sự linh thiêng như những người đã từng đến đó. Lần tôi đưa đoàn hành hương đầu tiên đến chiêm bái các thánh địa Phật giáo là năm 1979. Họ là những người châu Âu, người Mỹ… theo tôi tu tập. Tính đến nay cũng gần 30 năm, tôi đã trực tiếp đưa hàng trăm đoàn khách hành hương. Những đoàn hành hương Việt Nam mới chỉ thăm viếng đất Phật kể từ năm 1988, khi công việc xây dựng ngôi chùa Việt Nam Phật Quốc Tự ở Bồ Đề Đạo Tràng còn dang dở.

* Ngoài ngôi chùa ở Bồ Đề Đạo Tràng, thầy còn được biết đến như là người nước ngoài đầu tiên xây dựng chùa ở Lâm Tỳ Ni (Nepal)…

- Lần đầu tiên tôi hành hương đến Lâm Tỳ Ni cách nay gần 40 năm, tôi bàng hoàng vì sự hoang phế điêu tàn tại đây. Theo tôi, tầm quan trọng của vùng đất thiêng này đối với Phật giáo cũng như thánh địa Mecca của Hồi giáo, Vatican của Thiên Chúa giáo, Varanasi (Benares) của Ấn Độ giáo hay Jerusalem của Do Thái giáo. Tôi đã thầm khấn nguyện rằng nếu quả thật Lâm Tỳ Ni là chỗ Đức Phật giáng trần thì xin cho tôi được nhìn thấy thánh địa này phát triển trở lại trước khi nhắm mắt từ giã cõi đời.

Kể từ đó, tôi tận dụng mọi cơ hội để nói về thực trạng xuống cấp của Lâm Tỳ Ni, cho dù đó là lúc hướng dẫn các môn sinh học hỏi giáo lý nhà Phật, khi đứng lớp môn Lịch sử Á châu và Bang giao quốc tế ở trường đại học, rồi những lần tham dự các hội thảo quốc tế hay những dịp tiếp xúc các nhà lãnh đạo có ảnh hưởng về văn hóa - xã hội…

Chia sẻ với tôi, một số anh em là học trò của tôi đang làm việc tại các tổ chức quốc tế đã âm thầm vận động liên tục mười mấy năm trời cho ý nguyện làm sống lại thánh địa Lâm Tỳ Ni. Nỗ lực không mệt mỏi của các anh em rồi cũng có kết quả. Một buổi sáng năm 1993, công việc xây dựng Việt Nam Phật Quốc Tự ở Bồ Đề Đạo Tràng còn dang dở, thì những anh em vừa kể đột nhiên xuất hiện, thông báo Quốc vương Birendra và Chính phủ Nepal đã chấp thuận cấp đất cho tôi để xây ngôi chùa quốc tế đầu tiên ở Lâm Tỳ Ni và thúc giục tôi thu xếp hành lý để lên đường sang Nepal nhận đất. Tin đến bất ngờ khiến tôi vô cùng bối rối. Tôi chỉ kịp quơ đại một bộ quần áo, vài thứ linh tinh… rồi vội vã lên đường sang Nepal nhận đất.

* Thầy đã dựng lều, phát nguyện ở lại Lâm Tỳ Ni ngay sau khi làm lễ động thổ chùa. Thầy đã xoay xở như thế nào khi mà chùa ở Bồ Đề Đạo Tràng chưa xây xong?

- Nhiều người cũng can ngăn tôi không nên lưu lại. Một phần là vì nơi tôi dựng lều hoang vu, nhiều thú dữ như rắn, chó sói…, phần khác là do đi vội nên tôi chỉ kịp mang theo người có 60 USD. Nhưng đó chỉ là những khó khăn bước đầu. Phần lớn cư dân ở Lâm Tỳ Ni là người Hồi giáo và Ấn Độ giáo, vốn là quốc giáo của Nepal. Điều tôi lo ngại nhất là những phần tử cực đoan trong cộng đồng này sẽ gây phiền nhiễu cho đến chừng nào tôi chịu đựng không nổi và phải bỏ đi.

Hàng ngày, tôi tụng kinh, trì chú, niệm Phật, tọa thiền, mong tìm ra một giải pháp tối ưu để có thể bảo vệ và phát triển Lâm Tỳ Ni. Ý tưởng biến Lâm Tỳ Ni thành một Liên Hiệp Quốc Phật giáo đã nảy ra trong đầu tôi. Tức là làm sao thuyết phục mỗi nước tự đứng ra xây một ngôi chùa ở Lâm Tỳ Ni. Ngoài ý nghĩa bảo vệ thánh địa, việc ngôi chùa của một nước tại Lâm Tỳ Ni sẽ khiến đất nước đó dần dà gắn bó với mảnh đất này.

Nghĩ là làm, tôi quyết định thành lập một “Ủy ban sứ giả quốc tế” quy tụ một số anh em có tâm nguyện mong muốn Lâm Tỳ Ni phát triển đang làm việc trong các tổ chức quốc tế, phụ trách vận động các nước. Về phần mình, tôi cũng tận dụng triệt để mọi mối quan hệ để thuyết phục chính phủ một số nước và các tổ chức Phật giáo trên thế giới tham gia vào chương trình này.

* Xin thầy cho biết hiện đã có bao nhiêu nước hưởng ứng lời kêu gọi của thầy?

- Liên Hiệp Quốc Phật giáo Lâm Tỳ Ni hiện có 25 thành viên, và chắc chắn đây chưa phải là con số cuối cùng. Việc xây dựng chùa của các nước đã khiến thánh địa hồi sinh. Từ một vùng đất lạc hậu, hiện nay Lâm Tỳ Ni đã có đường dây điện thoại trong nước và quốc tế, phủ sóng điện thoại di động, kết nối Internet. Chương trình xây chùa của các nước còn tạo ra hàng ngàn việc làm cho cả lao động nước ngoài và địa phương, kèm theo đó là sự phát triển của các dịch vụ đi kèm. Sự phát triển vượt bậc của Lâm Tỳ Ni là một điều mầu nhiệm, ngay cả Quốc vương Birendra và các trào Thủ tướng của Nepal cũng bất ngờ.

* Một năm sau khi thầy phát nguyện lưu lại Lâm Tỳ Ni, việc chim hồng hạc - loài linh điểu có tên trong Sách Đỏ - đã bay về cũng có thể được xem như một điều mầu nhiệm. Công việc bảo vệ loài chim đang trên đà tuyệt chủng này đã ngốn của thầy không ít thời gian và tâm sức?

- Một môn sinh từng nói đùa rằng kiếp trước tôi mắc nợ chim hồng hạc nên kiếp này tôi phải lao tâm khổ tứ để bảo vệ chim. Đến mùa sinh nở, chim mái chỉ đẻ tối đa được hai trứng. Khi chim mái ấp, chim trống đứng canh chừng quanh tổ, sẵn sàng tấn công bất kỳ con thú nào mon men lại gần. Vậy nên, mỗi lần biết chim mái đẻ, tôi lập tức cho dựng lều cách tổ chim chừng bảy, tám thước, cắt cử người canh giữ ngày đêm. Thế nhưng, mối đe dọa lớn nhất đối với loài linh điểu này chính là con người.

Không biết xuất phát từ đâu mà người ta đồn đãi rằng nếu ai ăn được trứng chim hạc sẽ sống đến 500 tuổi, còn ăn được thịt chim hạc thì thọ được 700 năm. Chúng tôi chỉ có mười mấy người nhưng phải lo đối phó với hàng trăm người ngày đêm rình rập. Chỉ một chút sơ sẩy của người canh gác là trứng chim bị đánh cắp. Tôi vận động chính quyền địa phương, nhờ báo chí tiếp tay, để đưa loài chim này vào diện được bảo vệ đặc biệt. Những hình phạt nặng cũng đã được chính quyền đưa ra đối với những người săn bắn chim nhưng kết quả là trứng chim vẫn tiếp tục mất trộm.

Tin tưởng vào sự thiêng liêng của thánh địa nơi Đức Phật giáng trần, sau khi thành kính khấn nguyện, khẩn cầu các đấng linh thiêng gia hộ cho tôi có một quyền năng đặc biệt để bảo vệ hồng hạc, tôi thảo một tờ thông báo bằng tiếng Nepal, khuyến cáo rằng những người ăn trứng chim hạc sẽ bị ghẻ lở khắp người, còn ai giết hại chúng thì ba đời bị nạn. Hai tuần sau khi bản thông báo được phân phát, một người thợ bên chùa Nhật Bản và một công nhân tại chùa Việt Nam bị ghẻ lở đầy tay. Hoảng sợ, họ tìm đến thầy trụ trì chùa Nhật Bản và tôi để thú nhận rằng đã ăn trộm trứng chim.

Việc này lan truyền ra bên ngoài, khiến tình trạng trộm trứng chim đã giảm đi đáng kể nhưng sau đó lại bùng phát phong trào trẻ em rủ nhau đi bắn chim. Hợp tác với cảnh sát địa phương ngăn chặn không hiệu quả, tôi và các cộng sự một mặt nhẫn nại thuyết phục người dân địa phương về tầm quan trọng của chim hạc. Mặt khác, chúng tôi kiên trì thực hiện các biện pháp giáo dục cộng đồng như tổ chức chiếu phim, triển lãm ảnh…, đặc biệt là tổ chức cuộc thi vẽ về chim chóc để hướng trẻ em đến tình yêu thiên nhiên, tôn trọng sự sống của những loài muông thú.

* Trong cuốn sách Khi hồng hạc bay về xuất bản năm 2005, thầy viết rằng số lượng hồng hạc ở Lâm Tỳ Ni là 44 con. Sau ba năm, bầy chim này tăng hay giảm, thưa thầy?

- Hiện tại, số lượng hồng hạc ở Lâm Tỳ Ni đã lên đến con số 72. Làm chuyện phước đức thì sẽ gặp được những điều mầu nhiệm.

* Thầy đã chứng nghiệm được sự mầu nhiệm như thế nào?

- Có thời kỳ việc xây cất Việt Nam Phật Quốc Tự phải tạm ngưng do ngân quỹ của chúng tôi cạn kiệt. Tận dụng thời gian rảnh rỗi này, tôi đi thăm chim hồng hạc và đặt tên cho chúng. Một ngày nọ, khi đi về hướng Đông vườn Lâm Tỳ Ni, tôi gặp “Dòng sông oan nghiệt”. Sở dĩ có cái tên này là vào mùa mưa, nước ở khúc sông này dâng cao, chảy rất xiết. Nhiều người đã bị nước lũ cuốn trôi khi vượt sông. Đáng thương nhất là những gia đình có người bị bệnh nặng phải đưa ra bệnh viện trong thành phố, gặp mùa nước lũ đành ngậm ngùi quay trở về. Bữa đó, tôi bỏ dở chương trình đi thăm hồng hạc và quay về chùa, thắp hương khấn nguyện.

Ba tuần sau, một nhóm môn sinh từ các nước phương Tây ghé thăm tôi và xem chim hạc. Biết được ý định của tôi, trước khi ra về, họ hùn nhau được 420 USD, đưa cho tôi, xem như góp một viên đá đầu tiên để xây cầu. Điều mầu nhiệm bắt đầu xảy ra. Tuy nhiên, lúc đó công việc xây chùa vẫn còn khá ngổn ngang, nên khi tôi bày tỏ ý định xây cầu thì một số thành viên trong chùa kịch liệt phản đối, cho rằng tôi lo chuyện bao đồng.

Tôi cảm thấy mệt mỏi, định bụng sẽ hoàn lại số tiền 420 USD và nói lời xin lỗi anh em thì đột nhiên tôi nhận được bức thư của một Phật tử ở Mỹ, nói rằng muốn ủng hộ tôi toàn bộ chi phí để xây cầu. Qua tuần hôm sau, tôi nhận thêm được một bức thư nữa, nội dung cũng tương tự như vậy. Đến khi nhận được bức thư thứ tư có cùng nội dung thì tôi đã có đủ khả năng xây dựng tới bốn cây cầu.

Tôi quyết định viết thư cảm ơn và đề nghị sẽ nhận của mỗi người một ít vì việc xây cầu là chuyện phước đức, nhiều người làm mới tốt. Những người hảo tâm đều có quyền đóng góp nhưng khoản đóng góp tối đa không vượt quá 1.001 USD (theo quan niệm của người Nepal thì con số lẻ sẽ mang lại những điều may mắn). Điều này khiến một số người cảm thấy không vui và rút lại quyết định đóng góp.

Tuy nhiên, những khoản đóng góp của các Phật tử ở khắp nơi vẫn tiếp tục được gửi về. Thế rồi ngày khánh thành cây cầu cũng đến. Sự kiện cây cầu được khánh thành khiến ngài bộ trưởng y tế Nepal rất xúc động. Có dịp gặp gỡ với vợ chồng ngài bộ trưởng, tôi đã mạnh dạn đề nghị ngài giúp cho người dân ở Lâm Tỳ Ni một bệnh viện. Vậy là nhờ bảo vệ chim hạc, mà tôi hiểu được nỗi khổ của người dân trong vùng, từ đó mơ ước xây một cây cầu, rồi từ cây cầu mà hình thành bệnh viện. Sự kiện cây cầu tạo nên một hiệu ứng tích cực, lan tỏa từ giới chức lãnh đạo Chính phủ Nepal cho đến cộng đồng Phật giáo, tạo thành một phong trào khiến mọi người đua nhau làm việc thiện.

Bây giờ, đến Nepal, chỉ cần nói là người Việt Nam, người địa phương sẽ giở nón ra chào.

* Nepal đã trải qua một cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài gần một thập niên. Các cường quốc trên thế giới bế tắc trong việc tìm kiếm lời giải cho bài toán khủng hoảng chính trị ở đất nước này. Còn thầy, chỉ dùng lời nói, mà thuyết phục được các bên lâm chiến buông súng?

- Tôi thương quý đất nước Nepal vì đó là nơi Đức Phật sinh ra, là nơi mang lại cho tôi nguồn hạnh phúc. Chứng kiến cảnh giết chóc, bắt bớ, chạy loạn của dân chúng, tôi vô cùng đau lòng. Khi tôi đến Nepal cất chùa, đất nước này thanh bình. Bây giờ đất nước này gặp chiến tranh, tôi làm sao có thể khoanh tay đứng nhìn. Tôi tâm niệm phải làm một điều gì đó, cho dù việc mình làm có thể chỉ như tạt một lon nước vào đám cháy lớn. Tôi làm được điều này là nhờ làm theo lời Phật dạy, con người ta luôn luôn thay đổi từng ngày. Họ ở trong bóng tối, tôi chỉ chiếu cây đèn để họ nhận ra con đường sáng và quyết định. Giải pháp mà tôi đưa ra được chấp nhận vì nó hoàn toàn nằm trong tầm tay của người Nepal.

Tình thương, lắng nghe, hiểu biết và nhân nhượng là những yếu tố để người Nepal có được hòa bình, thay vì trông chờ vào các thế lực ngoại bang. Vấn đề hòa bình cho Nepal được giải quyết ổn thỏa là một lời nhắc nhở đối với thế giới rằng hạnh phúc hay đau khổ, chiến tranh hay hòa bình là do chính bản thân họ.

Tháng Năm vừa qua, lãnh đạo các phe lâm chiến đã chấp nhận lời mời của tôi đến vườn Lâm Tỳ Ni lễ Phật. Thủ lĩnh Đảng Maoist - anh Dahal Prachanda - người từng bị nước Mỹ xem như một nhân vật khủng bố - đã run lên bần bật khi đặt chân vào thánh địa. Anh ấy đã hứa sẽ buông súng, đồng thời bồi thường thiệt hại cho những gia đình có thân nhân chết trong cuộc chiến nồi da xáo thịt này. Về phía Hoàng gia và Chính phủ Nepal hiện nay thì sẽ tổ chức một đại lễ cầu siêu cho vong hồn những người đã chết trong cuộc chiến được siêu thoát.

* Chỉ khi nhìn thấy rõ nguyên nhân của thực trạng thì mới có giải pháp đúng. Theo thầy, tại sao Nepal xảy ra chiến tranh?

- Đó là vì lòng tham. Nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới say mê quyền lực vì tin rằng nó là sự trường cửu. Chính vì niềm tin đó mà họ tự chuốc lấy đau khổ.

* Thông thường, những người đã chọn con đường tu hành thì coi như đã bước ra ngoài chuyện thế sự. Nhưng thầy thì luôn sẵn sàng nhập thế?

- Không nên so sánh như vậy. Mong muốn lớn nhất của tôi là làm chuyện phước đức và khuyến khích người ta làm chuyện phước đức. Sau khi chiến tranh chấm dứt, Chính phủ Nepal tổ chức một bữa tiệc lớn, trước là để cảm ơn tôi, sau là nhờ tôi tiếp tục giúp đỡ cho họ. Nhưng tôi từ chối. Tôi và các cộng sự đã giúp họ gần mười năm trời. Khi họ té xuống sông, tôi đã đưa họ lên bờ. Quần áo ướt thì họ phải tự thay lấy. Đức Phật dạy rằng từ bi nhưng phải có trí tuệ, không để người ta lợi dụng mình.

* Phần lớn thời gian thầy sống ở nước ngoài. Lần trở về này, có điều kiện tiếp xúc với các Phật tử, rồi đi đây đi đó, thầy cảm nhận thế nào về đất nước?

- Tôi có cảm giác khi đất nước phát triển về vật chất mạnh, thì quan hệ giữa con người bị vật chất hóa. Đọc một số tờ báo, tôi thấy nhiều tin, bài về tội ác, có khi chỉ vì một vài trăm ngàn mà người ta sẵn sàng phạm tội. Đó là điều mà các nhà lãnh đạo cần lưu tâm.

* Về Việt Nam ít ngày, mà sao thầy mang nhiều đồ đạc thế?

- Sở dĩ đồ đạc nhiều là vì tôi mang theo cả nồi niêu, thực phẩm để tự nấu ăn lấy.

* Sao thầy không ngụ ở chùa, hay tại đồ ăn ở đây không hợp khẩu vị của thầy?

- Không phải vậy. Tôi sợ phiền lụy đến người khác.

* Xin cảm ơn thầy đã dành cho Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần cuộc trò chuyện này. Cầu chúc thầy được dồi dào sức khỏe!

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • "Chiến đấu với chính mình để nhường nhịn người khác"

    16/02/2018Nhật LệNhững trăn trở của luật sư Nguyễn Ngọc Bích trong nhiều cuốn sách và bài viết sắc sảo của ông về kinh tế, giáo dục, triết học... đã thu hút được một số lượng lớn độc giả...
  • Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa: Hãy sống cân bằng và hiểu biết

    08/04/2014Mở đầu chuyến thăm Việt Nam lần thứ 5, Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa- bậc thầy giác ngộ tâm linh quốc tế- vừa có cuộc trò chuyện với các đại diện Hội Nhà văn VN tại Văn Miếu Quốc Tử Giám. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chọn và đọc câu hỏi...
  • “Tâm tình sen trắng” cùng GS Cao Huy Thuần

    07/04/2014Lam ĐiềnSen trắng là nhân vật, mà cũng là hình ảnh tác giả vào cái thời mới lớn. Nay đã trải bao dông bão cuộc đời, “đóa sen Cao Huy Thuần” ngày xưa giờ đã là vị giáo sư cao niên...
  • Từ bi cội nguồn của hạnh phúc

    24/03/2014Đức Đạt Lai Lạt MaHạng giống của từ bi và tình cảm không phải là điều gì đến từ tôn giáo: nó đến từ sinh học. Mỗi chúng ta đã đến từ bào thai của bà mẹ chúng ta và mỗi chúng ta sống còn qua sự săn sóc và tình cảm của bà mẹ chúng ta.