Tư duy địa kinh tế - địa chính trị

Chủ tịch/ Tổng giám đốc InvestConsult Group
06:34 CH @ Thứ Hai - 23 Tháng Năm, 2016

Gần ba mươi năm trôi qua kể từ khi chiến tranh kết thúc, khoảng thời gian đủ dài để một đất nước phát triển tới tầm cao mới về chất, nhưng Việt Nam vẫn không thể phát triển, trái lại vẫn mắc kẹt trong những tình thế kinh tế - chính trị bất lợi. Nguyên nhân của tình trạng này có phần rất lớn thuộc về trách nhiệm của công tác hoạch định chiến lược phát triển kinh tế.

Thế giới có nhiều kinh nghiệm tốt, nhiều tấm gương thần kỳ trong phát triển kinh tế, nhưng Việt Nam không thể máy móc làm theo, lý do đơn giản là thời thế đã thay đổi và Việt Nam không giống họ. Chiến lược phát triển kinh tế cũng không thể chạy theo những ảo vọng chính trị, bất chấp thực tế cuộc sống. Một chiến lược phát triển kinh tế hợp lý phải căn cứ vào điều kiện và thực lực của đất nước, đồng thời phải phù hợp với xu thế phát triển chung của thời đại. Với tư tưởng chủ đạo trên, khoa học về địa chính trị và địa kinh tế sẽ là những công cụ quan trọng giúp chúng ta hoạch định được một chiến lược phát triển kinh tế hợp lý và khả thi nhất.

1. Tư duy mới bắt nguồn từ sự thay đổi của Thời đại

Địa kinh tế là khoa học nghiên cứu các đặc điểm địa lý ảnh hưởng đến tiến trình phát triển kinh tế của một vùng, một quốc gia, thậm chí một khu vực. Chẳng hạn, đặc điểm địa lý khu vực Địa Trung Hải tạo ra thế mạnh để phát triển vận tải biển và thương nghiệp của các quốc gia ở khu vực này. Địa chính trị là khoa học nghiên cứu các yếu tố địa lý chi phối xu thế và thái độ chính trị của quốc gia hoặc khu vực. Học thuyết domino chính trị là ví dụ rõ nét về địa chính trị. Học thuyết này đã ám ảnh các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ muốn ngăn chặn ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản lan xuống phía Nam, làm cho Hoa Kỳ ngày càng dính líu và cuối cùng can dự vào cuộc chiến tranh Việt Nam.

Chiến tranh Lạnh kết thúc làm mỗi quốc gia phải thay đổi nhận thức về các giá trị và lợi ích để phù hợp với trật tự thế giới mới. Những tiến bộ vượt bậc của khoa học kỹ thuật làm cho mọi lĩnh vực của đời sống luôn trong trạng thái thay đổi nhanh chóng, nhân tố mới xuất hiện ngày càng nhanh và nhiều khiến cho rất nhiều quan niệm cũ bị phá vỡ hoặc cần phải xem xét lại. Cũng trong trạng thái phát triển mới này của thế giới, nhiều quan niệm địa kinh tế và địa chính trị truyền thống trở nên lỗi thời và cần được thay thế bằng những quan niệm mới phù hợp với thời đại. Để xây dựng những quan niệm mới, trước hết, chúng ta cần nhận dạng đúng xu thế và các nhân tố mới đang quyết định đến tiến trình phát triển của thế giới đương đại.

Thứ nhất, toàn cầu hóa đang trở thành xu thế nổi bật tác động mạnh mẽ đến tiến trình phát triển và đạt được những thành công lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Toàn cầu hóa diễn ra không chỉ trên lĩnh vực kinh tế mà trên mọi lĩnh vực của cuộc sống kể cả văn hóa, chính trị, mang lại cho các quốc gia cơ may phát triển, chia sẻ những kinh nghiệm, ưu thế và cả rủi ro giữa các quốc gia và khu vực. Những thành tựu đầy sức thuyết phục của Trung Quốc kể từ khi nước này mở cửa, sự trì trệ, bế tắc của một số quốc gia biệt lập như Afghanistan, Iraq, CHDCND Triều Tiên... là những ví dụ tương phản rõ nét nhất về ảnh hưởng của toàn cầu hóa đối với mỗi cộng đồng dân tộc.

Thứ hai, các lực lượng đa quốc gia, đặc biệt là công ty đa quốc gia và các công ty nước ngoài có vai trò ngày càng quan trọng đối với mỗi quốc gia mà họ có mặt. Đóng góp của các công ty nước ngoài đối với nền kinh tế của mỗi nước ngày càng lớn. Điều này đúng với cả trường hợp Hoa Kỳ, nền kinh tế phát triển nhất thế giới. Vào năm 1996, các công ty loại này sản xuất 15,8% giá trị sản phẩm hàng hóa tại Hoa Kỳ, tỷ lệ này là 13,2% năm 1988 và chỉ 8,8% năm 1985. Tại Anh, Canada, Thụy Điển cũng có khuynh hướng tương tự. Thậm chí các hãng nước ngoài ở Ireland còn chiếm tỷ lệ cao hơn nhiều, sản xuất ra 66% sản lượng hàng hóa và sử dụng 47% nhân lực của quốc gia này. Những nét phác thảo trên cho thấy, mọi quốc gia, kể cả những quốc gia phát triển nhất, ngày càng lệ thuộc và gắn bó mọi mặt với nhau, và vì vậy, để phát triển, Việt Nam càng không thể đứng ngoài quy luật chung này.

Cuối cùng và đặc biệt quan trọng là, thế giới ngày càng bị ảnh hưởng và chi phối bởi các cường quốc. Trong nửa đầu thế kỷ XXI, các cường quốc vẫn tiếp tục là lực lượng thao túng hệ thống chính trị, kinh tế toàn cầu. Điều đáng lưu ý là, trước đây, các cường quốc tạo ra thế lưỡng cực, còn hiện nay, các cường quốc ảnh hưởng một cách đa chiều đến mức nhiều người nhầm lẫn thế giới phát triển theo xu thế đa cực. Thực ra thế giới không đa cực. Nếu trong nửa đầu thế kỷ này, người Mỹ không cải thiện về mặt văn hóa, không đổi mới chính trị để có thể lãnh đạo thế giới một cách đồng thuận, Hoa Kỳ sẽ không có phẩm chất của một quốc gia lãnh đạo thế giới, có nghĩa là thế giới vẫn trong trạng thái vô cực.

2. Địa kinh tế và địa chính trị - Khoa học của những quan niệm động

Trong thời đại chúng ta không thể tiếp tục nhận thức thế giới theo những quan niệm có tính bất biến, những quan niệm mới về địa chính trị và địa kinh tế mà chúng ta phát triển phải có đặc tính động, phù hợp với đặc điểm cơ bản của thế giới năng động ngày nay.

Thứ nhất, đặc điểm địa chính trị, địa kinh tế của mỗi quốc gia thay đổi theo trình độ phát triển và bối cảnh chung của khu vực và thế giới. Thí dụ, Việt Nam có vị trí liền kề với Trung Quốc, nhưng nếu quốc gia khổng lồ này không tích cực đổi mới như hiện nay mà vẫn trong tình trạng trì trệ của những năm 60 - 70, thì đặc điểm địa chính trị của Việt Nam sẽ được nhìn nhận khác đi trong một bối cảnh khác. Việc xuất hiện những con rồng châu Á như Hồng Kông, Đài Loan và Hàn Quốc làm thay đổi nhiều đặc điểm và tính chất của thị trường khu vực, làm đặc điểm địa kinh tế của khu vực thay đổi, và bởi vậy, nhận định về địa kinh tế của Việt Nam cũng phải thay đổi cho phù hợp với tình hình mới.

Thứ hai, bán kính vùng ảnh hưởng của địa chính trị, địa kinh tế có xu hướng mở rộng trong xu thế toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ. Ngày nay, các diễn biến chính trị, kinh tế - xã hội quan trọng nhanh chóng lan tỏa trên mọi miền của thế giới. Trước đây, với Việt Nam, Trung Quốc là láng giềng còn Hoa Kỳ là miền đất rất xa xôi, nhưng quan niệm này nay đã thay đổi cùng với tiến bộ khoa học kỹ thuật của thời đại. Ngày nay, với APEC, với diễn đàn Á - Âu, nhiều quốc gia xa xôi đã trở nên gần gũi với Việt Nam cả về chính trị cũng như kinh tế - xã hội.

Thứ ba, lợi ích quốc gia ngày càng bị đan xen với lợi ích quốc tế khiến cho việc xử lý các vấn đề địa chính trị và địa kinh tế phải đặc biệt cẩn trọng và linh hoạt hơn.Nói đến địa chính trị và địa kinh tế là nói đến lợi ích quốc gia. Trong quá khứ, do sự xâm nhập của các lực lượng quốc tế vào một quốc gia ở mức độ rất hạn chế nên lợi ích quốc gia thường tách biệt, thậm chí đối lập với lợi ích quốc tế.Ngày nay, với sự lên ngôi của các lực lượng đa quốc gia, các lợi ích quốc gia thường đan xen lên nhau đến mức khó phân biệt rạch ròi. Chẳng hạn, khi bất đồng với EU trong vấn đề Iraq, Hoa Kỳ không thể trừng phạt kinh tế các công ty EU vì trong đó có lợi ích của các nhà đầu tư Hoa Kỳ.

Những quan niệm mới trên sẽ giúp chúng ta đánh giá xác thực các ưu thế về địa kinh tế và địa chính trị của Việt Nam, góp phần đưa ra một chiến lược phát triển kinh tế khả thi, linh hoạt, dễ dàng điều chỉnh trước một thế giới năng động, phức tạp và nhiều rủi ro của hiện tại và tương lai.

3. Khai thác ưu thế địa chính trị và địa kinh tế

Vận dụng tư duy mới để hoạch định chiến lược phát triển kinh tế Việt Nam phải kết hợp giữa khai thác triệt để các ưu thế địa chính trị, địa kinh tế của đất nước với việc thực thi một chính sách hợp tác kinh tế quốc tế sáng suốt. Một chiến lược như vậy sẽ có tác dụng thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và xác lập địa vị của Việt Nam trong hệ thống kinh tế - chính trị toàn cầu.

Trước hết, để có một chiến lược phát triển kinh tế đúng, chúng ta phải hiểu mình, hiểu cấu trúc lực lượng xã hội, hiểu trạng thái hiện tại, những gì chúng ta đang có và mục tiêu chúng ta cần vươn tới. Chúng ta đang sống trong những năm đầu của thế kỷ XXI, nhưng về cơ bản Việt Nam vẫn là một nền kinh tế tạo ra rất ít giá trị gia tăng. Việt Nam là một quốc gia không có nhiều truyền thống kinh doanh. Lịch sử Việt Nam thiếu vắng những nhà công thương lớn. Trong thời kỳ đổi mới, Việt Nam đạt được thành tích đáng kể trong nông nghiệp nhưng trên tổng thể, nông nghiệp cũng phơi bày những điểm yếu cơ bản của chúng ta. Hiện nay, 70 đến 80% lực lượng lao động Việt Nam đang làm việc trong khu vực nông nghiệp, ngành kinh tế tạo được rất ít giá trị gia tăng. Chúng ta phải phát triển những ngành kinh tế làm ra nhiều giá trị gia tăng, phải phấn đấu để sao cho trong vòng 15 đến 20 năm tới có được một tỷ lệ lao động như vậy làm việc trong các ngành kinh tế mới này.

Tiếp đó, chúng ta phải hiểu người, tức các quốc gia, các thể chế quốc tế, chấp nhận họ như những đối tác và cũng có thể là đối thủ cạnh tranh. Hiểu để hợp tác và khai thác sức mạnh của các đối tác, hạn chế những thế mạnh của đối thủ cạnh tranh. Nhưng dù là đối tác hay đối thủ, họ đều có ích cho chúng ta và trên những khía cạnh và mức độ khác nhau, họ đều tham gia vào quá trình đổi mới, phát triển của Việt Nam. Hiểu được điều này chúng ta sẽ có thái độ trân trọng và có cách đối thoại, hợp tác có hiệu quả nhất với các đối tác bên ngoài.

Điều cuối cùng, việc khai thác các ưu thế địa chính trị và địa kinh tế luôn phải gắn với xu thế và các nhân tố chủ yếu quyết định đến tiến trình phát triển của thời đại. Vận dụng tư duy mới trong địa kinh tế và địa chính trị, chúng ta có thể tránh được những sai lầm của quá khứ trong công tác hoạch định chiến lược phát triển. Trong xu thế toàn cầu hóa kinh tế và tự do thương mại bùng nổ như hiện nay, chúng ta không nhất thiết phải làm lại những gì thế giới đã làm mà cần ưu tiên khai thác thế mạnh của mình để chủ động gia nhập quá trình này. Chỉ có như vậy chúng ta mới xác lập được vị trí xứng đáng của Việt Nam trong tiến trình phát triển của nhân loại.

Trong khuôn khổ hạn chế, bài viết này không có tham vọng vạch ra một cách chi tiết, mà chỉ mong muốn đưa ra một phác thảo cơ bản nhất cho chiến lược phát triển kinh tế mới của Việt Nam trong khoảng thời gian 15 đến 20 năm tới.

Phát triển kinh tế mềm để điều chỉnh và thích ứng trong một thế giới thay đổi nhanh chóng và nhiều biến động

Tư duy địa chính trị và địa kinh tế mới cho thấy không thể xây dựng kinh tế theo cấu trúc cứng nhắc và càng không thể phát triển Việt Nam theo hướng công nghiệp hóa. Việt Nam hiện đại hóa mà không cần và không nhất thiết phải công nghiệp hóa. Công nghiệp không phải là một thế mạnh của Việt Nam, hãy để cho Trung Quốc và các nước khác làm công nghiệp. Chủ trương công nghiệp hóa chỉ hướng phát triển kinh tế Việt Nam cho những mục tiêu trong nước mà không thấy được Việt Nam cần phát triển kinh tế để đáp ứng đòi hỏi của thị trường khu vực và thế giới. Nếu phát triển theo hướng công nghiệp hóa, chúng ta sẽ tiếp tục đánh mất những ưu thế về địa kinh tế và địa chính trị của mình. Công nghiệp hóa trong giai đoạn hiện nay không chỉ là sự bất khả thi về vốn đầu tư, mà về bản chất chỉ là sự làm lại những gì thế giới đã làm nhưng luôn thua kém về trình độ, và do vậy, không thể cạnh tranh với các quốc gia công nghiệp đi trước. Công nghiệp hóa sẽ dẫn đến một cơ cấu kinh tế cứng, khó thích ứng và rất khó điều chỉnh trong một thế giới thay đổi nhanh chóng và nhiều biến động.

Việt Nam nên phát triển kinh tế mềm, trở thành một quốc gia cung cấp dịch vụ cho khu vực và thế giới, bởi đất nước ta án ngữ một dải rất rộng vùng Đông Nam á, là cửa ngõ thông ra thế giới của một khu vực rộng lớn từ Lào đến Campuchia, toàn bộ miền Đông - Bắc Thái Lan và miền Bắc Miến Điện. Với việc phát triển kinh tế dịch vụ, Việt Nam sẽ có vị thế quan trọng trong việc hỗ trợ quá trình phát triển tại khu vực. Hạt nhân cấu trúc kinh tế mềm của Việt Nam dựa trên phát triển kinh tế dịch vụ, đặc biệt là du lịch và ngành kinh tế biển. Ví dụ như khu vực Hạ Long, 30 năm trước đây là một trung tâm công nghiệp khai thác mỏ, cung cấp than để công nghiệp hóa đất nước, một thành phố bụi bặm với những con người lầm lũi. Bây giờ, Hạ Long có ngành kinh tế du lịch với Vịnh Hạ Long nổi tiếng và khu nghỉ mát Tuần Châu hiện đại. Du lịch sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn than, giúp vùng than đoạn tuyệt với quá khứ lầm than và ngày càng trở nên tươi đẹp

Trục Đông - Tây, con đường hội nhập quốc tế và phát triển nhanhnhất

Trước đây, người Pháp phân chia Việt Nam thành ba kỳ theo trục Bắc - Nam, nhưng với quan điểm địa kinh tế hiện đại, cách phân chia này đã trở nên lạc hậu. Ngày nay, Việt Nam cần phát triển theo hướng Đông - Tây thay vì theo trục Bắc - Nam như cũ. Việt Nam phải phát huy thế mạnh của đất nước có hơn 3000 km bờ biển trong bối cảnh đại dương là một vùng kinh tế được khai thác mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu. Vận tải đường biển với chi phí thấp và năng lực chuyển tải lớn sẽ nối thế giới với Việt Nam đi tới các khu vực kém phát triển của các quốc gia láng giềng phía Tây. Phát triển lan truyền theo trục Đông - Tây thể hiện tư tưởng hội nhập quốc tế và tạo ra cơ hội để Việt Nam có thể đạt được tốc độ phát triển nhanh và hiệu quả hơn nhiều so với trục Bắc - Nam.

Việt Nam ở bên cạnh Trung Quốc nhưng thực chất là gần với khu vực lạc hậu của Trung Quốc. Vấn đề đặt ra là Trung Quốc hỗ trợ Việt Nam hay Việt Nam hỗ trợ các vùng lạc hậu của Trung Quốc phát triển? Đại dương mênh mông mở ra cơ hội lớn trong giai đoạn phát triển hiện nay và trong tương lai. Nếu không nhận thức được điều này, tiếp tục phát triển Việt Nam theo trục Bắc - Nam sẽ dẫn đến nhiều sai lầm, kể cả trong việc phân bổ quyền lực bộ máy lãnh đạo. Chiến lược phát triển theo trục Đông - Tây, xây dựng các đô thị ven biển làm hạt nhân và tạo nguồn động lực lan truyền quá trình phát triển tới các vùng sâu của Việt Nam và đi tới các quốc gia láng giềng, sẽ mang lại nhiều cơ may và lợi ích to lớn cho Việt Nam và cả khu vực.

Phát triển theo trục Đông - Tây, với việc mở mang kinh tế biển và vận tải biển, không chỉ giảm bớt sự phụ thuộc của Việt Nam vào Trung Quốc, không những tạo điều kiện cho Việt Nam xâm nhập thị trường Trung Quốc rộng lớn mà còn cải thiện đáng kể khả năng cạnh tranh của kinh tế Việt Nam với nền kinh tế khổng lồ này. Nếu không phát triển theo trục Đông - Tây, Việt Nam không khai thác được các ưu thế về địa kinh tế của mình và càng trở nên bị động và lúng túng trong cuộc cạnh tranh với một nước Trung Quốc có quá nhiều ưu thế. Chỉ khi nào công cuộc cải cách biến Trung Quốc thành một quốc gia phát triển thực sự, tất cả các vùng kinh tế của nước này đạt được trình độ phát triển cao thì trục Bắc - Nam mới tác động tích cực đến sự phát triển của Việt Nam. Trong giai đoạn hiện nay, những hàng hóa có chất lượng quốc tế cũng như nguồn công nghệ cao vào Việt Nam từ phía Đông mà không phải từ phía Bắc, trục Bắc - Nam không những không tác động tích cực, thậm chí còn có nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Bởi luồng hàng hóa vào Việt Nam theo trục này thường là hàng hóa của nền công nghiệp hương trấn địa phương với chất lượng thấp và có nhiều biểu hiện vi phạm các quy định thương mại quốc tế.

Thái độ chính trị sáng suốt cho một chiến lược hợp tác kinh tế quốc tế hiệu quả

Trong tư duy địa chính trị và địa kinh tế hiện đại, một chiến lược hợp tác kinh tế hiệu quả phải gắn liền với một đường lối hợp tác chính trị sáng suốt. Bởi vậy, trước tiên chúng ta cần phác thảo những nét chủ yếu để nhận diện các đối tác chính trị quan trọng nhất.

Hoa Kỳ với vai trò cường quốc số một thế giới, luôn quan tâm đến cả thế giới, tuy nhiên, do năng lực không phải là vô hạn, Hoa Kỳ chỉ đặc biệt chú trọng đến một số đối tác và khu vực quan trọng nhất. Trung Quốc đặt trọng tâm những mối quan tâm vào toàn bộ châu á và ngày càng quan tâm hơn đến khu vực ASEAN, nhưng do những vấn đề của chính mình, giữa tham vọng và năng lực của quốc gia này còn là một khoảng cách lớn. Trung Quốc để ý đến Việt Nam nhiều nhất trong số các quốc gia láng giềng phía nam vì những quan hệ vốn có trong lịch sử và vì Việt Nam là một quốc gia với 80 triệu dân, có một vị trí đáng kể trên trường quốc tế. Trung Quốc có thể thông qua Việt Nam để gây ảnh hưởng đến các quốc gia khác trong khối ASEAN. Ngoài ra, còn phải kể đến Nhật Bản, nước cũng có tham vọng trở thành cường quốc khu vực, và do vậy cũng chú ý nhiều đến Việt Nam trong chiến lược Đại Đông á của họ.

Việt Nam không phải là một nước lớn nhưng cũng không bao giờ là một quốc gia nhỏ bé. Trong bảng xếp hạng thế giới, với vị trí thứ 15-16 về dân số và 66 về diện tích, đáng lẽ phải là một quốc gia có ảnh hưởng quan trọng trên trường quốc tế nhưng chúng ta đã phạm phải sai lầm trong phát triển, bỏ lỡ nhiều cơ hội, thời gian và công sức nên Việt Nam vẫn chưa có vị thế tương xứng với tầm vóc của mình.

Chúng ta đang sống trong thời đại của đối thoại và hợp tác quốc tế, nhưng dường như chúng ta vẫn tiếp tục xem quá khứ là đối tác quan trọng nhất. Thế hệ hiện tại thỏa hiệp với những yêu cầu của thế hệ đi trước làm cho sự phát triển của Việt Nam tiến triển rất chậm chạp. Cũng vì ít tham gia đối thoại chính trị quốc tế nên Việt Nam chưa có chính sách hợp tác quốc tế hiệu quả. Hội nhập trong nỗi lo sợ đánh mất mình và diễn đạt sự bảo vệ bản sắc dân tộc, bản sắc văn hóa thành vỏ bọc nhằm bảo tồn cả những yếu tố đã lạc hậu của hệ thống chính trị, làm cho mọi hoạt động chính trị của Việt Nam về cơ bản là đàm phán và thỏa hiệp với quá khứ. Chừng nào chưa thoát khỏi sự chi phối của quá khứ thì Việt Nam vẫn chưa có chính sách hợp tác quốc tế hiệu quả và chúng ta vẫn chỉ là một quốc gia tự náo nhiệt mình.

Chiến lược hợp tác quốc tế sáng suốt và hợp lý nhất của Việt Nam trong vòng nửa đầu thế kỷ XXI là mở cửa sang phương Tây, hợp tác triệt để với Hoa Kỳ, chung sống hòa bình với Trung Quốc. Chúng ta không mong đợi nhiều từ Trung Quốc nhưng hòa bình và hữu nghị với Trung Quốc là điều kiện tối cần thiết để chúng ta có điều kiện tập trung những cố gắng vào phát triển kinh tế. Trong chiến lược hợp tác và cạnh tranh với Trung Quốc, Việt Nam phát triển kinh tế càng khác với Trung Quốc bao nhiêu càng tốt. Trên thế giới này không có một nước nào có thể cạnh tranh với Trung Quốc nếu sản xuất những hàng hóa có đặc tính giống hàng hóa Trung Quốc. Nước Thụy Sĩ nhỏ bé nhưng người Thụy Sĩ sống tốt bên cạnh châu Âu hùng mạnh nhờ dịch vụ ngân hàng và sản xuất những máy móc tinh vi. Kinh nghiệm của người Thuỵ Sĩ chỉ ra cho chúng ta nên sản xuất những gì khác biệt với hàng hóa Trung Quốc, những gì mà đặc tính số đông không là ưu thế. Chỉ có như vậy Việt Nam mới phát triển ổn định và ít rủi ro bên cạnh một nền kinh tế lớn như Trung Quốc.

Không hoạch định được tương lai, người ta có thể trở thành một bộ phận trong tương lai của người khác. Không có con đường nào đi tới tương lai tốt đẹp lại được dẫn dắt bằng một tư duy lạc hậu.Hoạch định chiến lược phát triển là sự quy hoạch tương lai, đòi hỏi nhiều sáng tạo của trí tưởng tượng, tính năng động và sự sáng suốt khoa học. Trong một thời gian dài bị chi phối bởi những tham vọng chủ quan, kinh tế Việt Nam luôn bị đặt vào tình thế bị động, lúng túng đối phó trước thực tế phát triển. Nguyên nhân có phần do chúng ta đã bỏ qua hoặc xử lý thiếu hiệu quả các vấn đề địa chính trị và địa kinh tế khi hoạch định chiến lược phát triển cho đất nước. Không thể dựa vào ảo tưởng chính trị để đưa ra những mục tiêu nhằm tự huyễn hoặc mình và cũng không thể sao chép, lặp lại những kinh nghiệm của các quốc gia đi trước. Trong nhiệm vụ khó khăn và phức tạp này, vận dụng một cách sáng tạo những quan niệm khoa học hiện đại về địa chính trị và địa kinh tế sẽ giúp chúng ta tránh được những sai lầm của quá khứ. Chỉ có sự sáng suốt khoa học mới có thể đưa ra một quyết sách chiến lược phát triển kinh tế hợp lý nhất, con đường đúng đắn và nhanh nhất đi tới tương lai, hội nhập vào trào lưu chung của thời đại. Chính trong quá trình này chúng ta sẽ tìm lại được chính mình, một nước Việt Nam mới, giàu mạnh và phát triển.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tài nguyên địa chính trị của Việt Nam

    09/06/2014Vũ Hồng LâmTài nguyên địa chính trị là một khái niệm ít được dùng nhưng bản thân tài nguyên địa chính trị lại được khai thác và sử dụng thường xuyên. Vận mệnh của một dân tộc, sự thịnh suy của một quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào tài nguyên địa chính trị của quốc gia ấy, vào khả năng khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên này...
  • Đất đai: Tài nguyên hay tài sản?

    26/11/2005Tường AnhỞ ta, cho đến nay, có lẽ chưa có một lĩnh vực nào xảy ra nhiều tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, kiện tụng, xung đột như lĩnh vực đất đai. Cũng chưa có đạo luật nào bổ sung, sửa đổi lại tốn nhiều giấy mực và thời gian tranh cãi như Luật Đất đai...
  • Kinh tế học và chính sách kinh tế

    11/11/2005Lê Văn CườngTrong bất kỳ một quốc gia nào, mọi công dân, từ những nhà lãnh đạo đến người dân bình thường, đều mong muốn kinh tế học phục vụ tốt để phát triển kinh tế cho nước mình. Đó là một đòi hỏi chính đáng. Là một người lãnh đạo, theo tôi cần phải nhận thức được những hạn chế sau đây của kinh tế học...e
  • Cách mạng và Khoa học

    12/10/2005Cách mạng luôn đi trước và đặt ra nhiều vấn đề cần được tổng kết thành lý luận. Muốn phục vụ kịp thời cho cách mạng, công tác nghiên cứu khoa học cần được đẩy mạnh sao cho thấy được những yêu cầu đặt ra của cách mạng...
  • Việt Nam đổi mới và phát triển

    11/10/2005Nguyễn Hồng PhongNhận thức tương lai qua những mầm mống dạng nảy sinh trong xã hội hiện tại. Các công trình dự báo tương lai đều là những công trình xã hội học và sử học về xã hội đương đại, phân tích các "sự kiện còn đang nhảy múa", tóm bắt nó, gọi nó đúng với cái tên của nó, từ đó nhận thức sự biến chuyển. Học tập phương pháp của các nhà tương lai học, trong công trình này chúng tôi trình bày viễn cảnh của văn minh Việt Nam bằng sự phân tích công cuộc đổi mới có tính lịch sử ở nước Việt Nam hôm nay...
  • Những lực cản của nền kinh tế

    28/09/2005Phan Thế HảiTheo ông Robert Glofcheski, chuyên gia kinh tế của UNDP: Với nguồn lực và đầu tư hiện nay, Việt Nam đáng phải tăng trưởng mạnh gấp 3 lần mức tăng trưởng hiện nay. Vậy đâu là lực cản của nền kinh tế, đâu là nguyên nhân gây nên sự trì trệ hiện nay?
  • Các kịch bản cho năm 2005

    22/07/2005Đặng Hồng QuangNhiều ý kiến lạc quan cho rằng Việt Nam sẽ đủ điều kiện để gia nhập WTO vào năm 2005, nhưng một số ý kiến khác lại cho rằng Việt Nam khó có thể đáp ứng các yêu cầu gia nhập trong thời gian này. Do đó, cần tính đến các kịch bản khác nhau...
  • Những khó khăn khi gia nhập WTO

    22/07/2005Đặng Hồng QuangViệt Nam cần khẳng định quyết tâm tham gia một sân chơi bình đẳng, tôn trọng lợi ích của các quốc gia khác, đặc biệt là với các đối tác có tiềm năng xung đột cạnh tranh nhưng đồng thời phải thuyết phục để họ hiểu thực trạng kinh tế Việt Nam và có những nhân nhượng thỏa đáng...
  • xem toàn bộ