Tỵ nạn giáo dục

02:44 CH @ Thứ Sáu - 31 Tháng Bảy, 2009

Chắc không nhiều những nơi trên trái đất này người ta tiễn con đi học bằng nỗi ngậm ngùi: tôi không vọng ngoại, không sính ngoại, không chơi tiền, tôi chỉ muốn con mình được một chữ học đúng nghĩa.

Đứa trẻ mới 5 tuổi, đi mẫu giáo về, tối đã phải đi học thêm. Học để làm gì? Có trời mới biết nhưng mà cha mẹ em này nhìn vào cha mẹ em khác mà âm thầm đua nhau.

Học để khi vào lớp Một, con mình hiển nhiên nổi trội hơn con cái những người không có điều kiện học thêm. Và chuyện học thêm ở đâu mới thật nan giải. Nhưng đã tìm thì phải ra, bởi ở đời, khi người ta đã muốn thì người ta sẽ có cách. Các cô giáo dạy lớp Một có tiếng nhất định sẽ đắt hàng.

Ở Hà Nội mùa học trước thềm lớp Một đúng vào những ngày nóng bức nhất. Không ít cô lớp Một mua được đất riêng nhưng dù nhà lầu đi nữa thì hàng trăm em bé cũng phải chịu cảnh “xếp cá mòi” vào những giờ thông tầm giữa hai buổi học. Tuổi thơ của trẻ con Việt Nam nói chung bị thun lại một cách dị thường là vì ngay từ khi lớp Một, các em đã phải hy sinh cho thành tích của người lớn.

Bắt đầu một cuộc chạy trường mất ăn mất ngủ. Chém cha những gã nào đã nghĩ ra trường điểm trường chuyên, không ít phụ huynh đã nguyền rủa như vậy nhưng họ không trốn được cảnh chạy trường.

Ở Hà Nội, nhiều người giàu và cũng nhiều người quan niệm sống chết cho việc học của con nên họ đã phải chuẩn bị hàng xấp đô la để con mình được vào lớp Một sáng chói. Và cũng từ đó cả nhà cùng thức khuya dậy sớm với con em như thể đi cày. Phải trừ hao thời gian cho nạn tắc đường, phải ăn sáng hộc tốc, phải xếp hàng vào lớp sớm để còn rèn luyện thân thể. Và học, học cả hai buổi mà về nhà vẫn còn hàng đống bài phải học cho xong!

Một bài tập ở nhà trong học kỳ I cho học sinh lớp Một có nội dung sau: “Hãy viết 10 điều nên và 10 điều không nên về việc giữ gìn vệ sinh lớp học”. Một đứa trẻ 6 tuổi phải nghĩ ra 20 điều nên và không nên cho chuyện giữ gìn một phòng học chỉ có mấy bức tường, mấy cửa sổ, mấy dãy bàn ghế và một tấm bảng ư? Cả nhà xúm vào cùng làm bài với em đến khuya mà vẫn không đủ 10 điều cho mỗi cột.

Nên và không nên thì khác gì nhau, đã nên rồi thì đừng bắt không nên nữa mới đúng là giáo dục chứ! (Tương tự kiểu giáo khoa thư giáo điều như vậy còn có đề ngoại khóa cho học sinh lớp Bốn: “Hãy viết cảm nhận của em về trận Điện Biên Phủ trên không?”. Một học sinh lớp 12 còn không kham nổi loại đề như thế, nữa là).

Chuyện trồng người ở nước ta viết bao nhiêu cũng không hết sự ngô nghê, lạc hậu buồn cười, nhưng nói thì dễ thành “Biết rồi khổ lắm nói mãi!”. Nhưng đây là chuyện hệ trọng còn hơn cơm áo, bởi vì gia đình nào cũng có người liên quan đến việc học. Hơn nữa, người Việt Nam ta còn có câu “nhất con nhì của” và tinh thần hiếu học của người Việt thì đã được cả thế giới ghi nhận chứ không phải dân mình tự xưng.

Chừng như các nhà vĩ mô, các vị chức sắc và cả các thầy các cô cũng biết rõ điều đó nên bộ máy ngành giáo dục đã tận dụng tối đa sự xả thân của phụ huynh cho việc học của con em họ. Ở vị thế bị trấn lột, bị tung hứng, các bậc phụ huynh biết rõ mình đang là miếng mồi nhưng không phải ai cũng có điều kiện để thoát ra.

Xin đừng tưởng những người có ăn có để ở thành phố đang thoát ra bằng cách cho con vào các trường quốc tế tại chỗ hay đi du học. Quả là với các loại trường quốc tế tại chỗ, học sinh đã được học ngoại ngữ tốt hơn, được thụ hưởng điều kiện học hành ưu thế hơn và được giảm tải với chương trình của Bộ Giáo dục. Nhưng để đổi lấy những điều đó, cha mẹ của các em đã phải dập mặt kiếm tiền, mà để có đồng tiền sạch ở xứ ta, nào dễ.

Với những em phải du học sớm, cho dù các em được hít thở mọi thứ nhưng cái giá cho chính các em cũng không phải nhỏ. Đó là sự cắt rời cha mẹ ở tuổi vị thành niên, sự đứt gãy văn hóa truyền thống và tiếng Việt, những điều làm nên một người Việt Nam thực sự hương vị ở tương lai.

Lợi bất cấp hại nhưng càng ngày càng có nhiều người đã bấm bụng cho con mình có được môi trường học hành không vẩn đục. Ngẫm kỹ, dù vào trường quốc tế tại chỗ hay bằng mọi cách cho con cái đi ra nước ngoài, với người Việt của thời điểm này, nhất định đó không phải từ ý thức vọng ngoại mà thuần túy là một cách tỵ nạn mà thôi.

Chắc không nhiều những nơi trên trái đất này người ta tiễn người nhà của mình đi học bằng nỗi ngậm ngùi: tôi không vọng ngoại, tôi cũng không sính ngoại, tôi không chơi tiền, tôi chỉ muốn con mình được một chữ học đúng nghĩa.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Dạy sai có thể khiến cả một dân tộc sai lầm

    30/07/2018“Hiện nay từ đào tạo mẫu giáo đến đào tạo tiến sĩ phương pháp dạy đều giống nhau. Cách làm này sẽ thủ tiêu sức sống cá nhân. Cứ học dồn, cứ nghĩ rằng làm trước là xong mà không thấy chất lượng cuộc sống của mỗi giai đoạn một khác... Bản thân tôi cả một đời dạy học. Với tôi, “trẻ em là cứu tinh của dân tộc”. Giáo sư Hồ Ngọc Đại trăn trở.
  • Truy nguyên tình trạng lạc hậu của hệ thống giáo dục

    13/04/2012Nguyễn Trần BạtTruy nguyên những căn bệnh của hệ thống giáo dục đào tạo ở thế giới thứ ba không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Tuy nhiên, đây là việc cần phải làm vì nếu không tự nhìn ra điểm yếu của mình thì con người không thể nhận thức và lựa chọn đúng đắn được...
  • Tôi rất lo lắng cho giáo dục của ta

    23/10/2008Trần NguyễnGiáo sư Hoàng Tụy là cháu nội người em ruột của cụ Hoàng Diệu. Ông sinh năm 1927 tại Quang Nam. Lĩnh vực nghiên cứu: hàm thực, giải tích lồi, lý thuyết tối ưu. Vừa là người mở đường vừa đi đầu trong việc xây dựng lý thuyết, phương pháp và thuật toán cho các bài toán tối ưu toàn cục. Tác giả một phương pháp cắt nổi tiếng mang tên ông. Viện trưởng Viện toán học Việt Nam từ 1980 - 1990.
  • Khủng hoảng giáo dục: Nguyên nhân và lối ra trước thách thức toàn cầu hoá

    09/06/2008GS. Hoàng TuỵBài diễn thuyết của GS Hoàng Tuỵ với chủ đề: "Khủng hoảng giáo dục: Nguyên nhân và lối ra trước thách thức toàn cầu hoá" được trình bày và thảo luận tại Viện IDS ngày 6/6/2008.
  • Những căn bệnh chung của hệ thống giáo dục ở thế giới thứ ba

    13/04/2008Nguyễn Trần BạtMột thực tế là tất cả hệ thống giáo dục của các nước thế giới thứ ba đều rất lạc hậu, hiện đang tụt hậu so với các nước phát triển hàng thập kỷ. Vì nhiều nguyên nhân, hệ thống giáo dục ngày càng không tương thích, ngày càng tách khỏi cuộc sống mặc dù các nước này đã tiến hành không ít cuộc cải cách...
  • Hệ lụy gia đình - nhà trường

    03/11/2006Trầm Thiên ThuGiáo dục không chỉ đơn thuần là nuôi con cái đầy đủ về vật chất, mà giáo dục chủ yếu nhăm giúp con cái trở nên người hữu dụng, một công dân tốt cho gia đình, cho xã hội, đất nước và cho giáo hội (với những người có tín ngưỡng). Chúng sẽ là những người cha, người mẹ trong tương lai. Vậy thì về tâm sinh lý, trưởng thành nghĩa là biết dẹp bỏ "cái tôi" để biết vì người khác. Cái Tôi là đáng ghét...
  • Giáo dục, sản phẩm bị động hay tác giả chủ động?

    16/09/2006Nguyên NgọcNhân ý kiến về bệnh thành tích trong giáo dục do ông Bộ trưởng mới của Bộ nêu ra, nguyên nhân của nó, cách chữa trị, tôi muốn đề nghị ta thử thảo luận cho đến nơi đến chốn chuyện này xem sao. Có thể sẽ vỡ ra được một lẽ phải lớn nào ở đây chăng?
  • Giáo dục và quá tải!

    24/11/2003Dương Trung QuốcTrong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Minh Hiển, tôi (tác giả - Dương Trung Quốc) có đăng ký phát biểu nhưng vì hết thời gian nên không có cơ hội trình bày. Lại thấy vấn đề mình quan tâm không thấy người hỏi và người trả lời đề cập tới. Do vậy, tôi viết ý kiến của tôi để ai quan tâm thì tham khảo...
  • Sự lãng phí trí tuệ

    16/06/2003Trần Quốc TuấnCó thể khẳng định mà không sợ quá đáng chút nào rằng, trong số những vấn đề cơ bản và cũng là cấp bách nhất hiện nay ở nước ta, vấn đề giáo dục nổi cộm nhất, đụng tới đời sống hôm nay và cả tương lai của hàng chục triệu người (trên thực tế là tất cả). Không phải chúng ta không làm được gì. Làm được không ít. Nhưng sao chúng ta vẫn thấy nền giáo dục nước ta dường như giẫm chân tại chỗ?
  • Những bất cập trong việc xã hội hóa giáo dục

    08/02/2003Bài viết của Giáo sư Hoàng Tụy đăng trên báo Nhân Dân điện tử ngày 18-5-2000 nêu ra: chấn hưng, cải cách, hiện đại hóa là nhiệm vụ cấp bách nhất của ngành giáo dục hiện nay.
  • xem toàn bộ