Vấn đề CEO

03:14 CH @ Thứ Tư - 24 Tháng Hai, 2010

Hỏi: Chúng tôi được biết ông là người ứng đầu một công ty tư vấn có tên tuổi ở Việt Nam và cũng được biết ông có hai cậu con trai. Ông đã có ý định chọn ai làm người nối nghiệp chưa?

Trả lời: Tôi không nghĩ rằng các con tôi cần phải nối nghiệp tôi. Chúng ta vẫn thường thấy các công ty được đánh giá trên quy mô vật chất nhưng giá trị của nó, nhất là giá trị có thể thừa kế thì lại không nằm trong quy mô vật chất ấy. Các bạn biết rằng, thông thường giá trị có tính chất vật chất của một công ty chính là phần nợ của công ty, tức là phần tín dụng của công ty, bởi vì khi người ta mở rộng đầu tư tức là mở rộng quy mô vật chất thì người ta phải vay vốn dưới nhiều hình thức. Nhưng giá trị kết tinh của công ty ấy, lợi ích thật của công ty ấy thì lại không nằm trong đó, nó chỉ được thể hiện trong đó. Người Việt hay truyền lại cho con cái sự nghiệp, mà thực ra là cơ nghiệp nấp dưới danh nghĩa sự nghiệp. Chúng ta phải phân biệt rất rõ giữa cơ nghiệp và sự nghiệp. Thông thường người ta chỉ mới nhận ra được giá trị của cơ nghiệp mà chưa ý thức đầy đủ về giá trị của sự nghiệp. Sự nghiệp là một giá trị tinh thần mà công ty hay hoạt động kinh doanh chỉ là một phương tiện. Còn cơ nghiệp thì được tích lũy trong đầu tư, trong quy mô của một xí nghiệp. Xã hội chúng ta là xã hội mới phát triển, cho nên toàn bộ giá trị của nó đang nằm ở phần cơ nghiệp chứ chưa phải là phần sự nghiệp.

Hỏi:Tuy nhiên, khi đánh giá sự nghiệp của ai đó thành công người ta vẫn thường căn cứ vào cơ nghiệp để nói. Ví dụ tạp chí Forbes chẳng hạn, họ đánh giá những người giàu nhất thế giới căn cứ vào việc ông ta có bao nhiêu tỷ đô la.

Trả lời: Vấn đề là tạp chí Forbes đánh giá cho ai. Khi người ta làm báo thì người ta bán sản phẩm báo chí đó, cho nên tiêu chuẩn đó chỉ là tiêu chuẩn dành cho người đọc. Mà Forbes không phải là một tiêu chuẩn. Đó là tờ tạp chí để cho những người tò mò trên thế giới đọc chứ nó hoàn toàn không phải là một tiêu chuẩn thẩm mỹ về sự nghiệp hoặc là cơ nghiệp. Chúng ta cũng đã từng bắt chước, chúng ta cũng đưa ra một danh mục người này, người kia giàu nhất Việt Nam. Những thông tin đánh giá loại ấy chỉ được vài ba tuần đã biến mất. Có ai đó đã nói một câu rất hay là: "Đằng sau những tài sản là tội ác". Khi đánh giá các chủ tịch và tổng giám đốc, cần phải xác lập mục tiêu rất rõ ràng là đánh giá cho ai. Tất cả các hoạt động truyền thông đều có một giá trị, đều có một ý ngha, đều có một thuộc tính tự nhiên, đó là hướng dẫn xã hội. Cho nên, việc đánh giá như vậy của giới truyền thông sẽ có giá trị hướng dẫn xã hội. Có một lần, tôi đi nói chuyện cùng với một quan chức của phòng Thương mại và Công nghiệp ở trường Đại học Tài chính Kế toán, trong một hội trường có mấy trăm sinh viên. Ông ấy nói rằng, phòng thương mại vừa mới hoàn tất một điều tra về động cơ của thế hệ trẻ khi lập các doanh nghiệp. Họ rất mừng là chỉ có 17% các bạn trẻ thành lập doanh nghiệp vì lợi nhuận, trong khi 83% còn lại đều hướng tới mục tiêu là lợi ích xã hội. Tôi nói ngay rằng, nếu quả thật có một điều tra như thế và con số đưa ra là chính xác thì đấy là một dấu hiệu bất hạnh của xã hội Việt Nam.

Giá trị xã hội của một xí nghiệp có thể nằm trong ý định nhưng không phải luôn luôn nằm trong ý định của người chủ doanh nghiệp. Giá trị xã hội của một doanh nghiệp cũng lớn hơn nhiều, hoặc khác hơn nhiều so với ý định của người lập doanh nghiệp. Có những người có ý định tốt nhưng giá trị thì không có, thậm chí còn có hại. Ví dụ, những người lập doanh nghiệp mà không vì lợi nhuận thì chắc chắn là họ gây hại cho xã hội. Bởi bất kỳ một doanh nghiệp nào khi lập ra cũng đều tiêu tốn một số năng lượng. Năng lượng ấy xét về mặt sở hữu có thế là của anh, nhưng xét vế mặt tổng thế thì nó là năng lượng xã hội. Anh sử dụng một phần năng lượng xã hội mà không tạo ra lợi ích thì tức là anh gây hại cho xã hội. Quy mô của sự gây hại như vậy càng lớn thì hậu quả của nó càng thảm hại. Đây là một vấn đề cần thảo luận một cách rất chi tiết từ phía những người làm truyền thông, từ phía những nhà lý luận về doanh nghiệp và từ cả những nhà lý luận của đời sống chính trị và xã hội. Tất cả các yếu tố tham gia vào câu chuyện này đều có giá trị hướng dẫn, mà anh hướng dẫn xã hội sai tức là anh phá xã hội. Rất nhiều người trong chúng ta không ý thức được mình đã vô tình phá hoại xã hội thông qua hướng dẫn sai.

Tôi có xem một chương trình truyền hình về một doanh nghiệp làm phần mềm máy tính. Chủ tịch của doanh nghiệp này lên truyền hình nói về chuyện làm phần mềm và có một người hỏi ông ta rằng: Tài sản nhà tôi chỉ có mỗi một con trâu, tôi có thể bán con trâu ấy cho con tôi đi học lập trình không? Ông chủ tịch ấy trả lời rằng: Tôi hoan nghênh chuyện ấy, hãy làm đi. Xui một người chỉ có một con trâu bán đi để đầu tư vào một đối tượng mà hoàn toàn không biết kết cục là gì thậm chí chưa trông thấy mặt đối tượng mà mình khuyên bảo và cũng không biết rằng người đó có đủ khả năng để theo đuổi chuyện đấy hay không thì chính là phá hoại, ít nhất là phá hoại cái gia đình ấy làm họ mất con trâu. Tôi là người khi đã làm việc thì rất là khắt khe, tỉ mỉ, nhất là làm việc với giới truyền thông vì chúng ta cùng nhau hợp tác để đưa ra những sản phẩm mà chắc chắn là nó có ý nghĩa hướng dẫn xã hội.

Hỏi: Dưới góc độ một người đứng đầu doanh nghiệp ông nhìn nhận thế nào về các CEO trong thời đại ngày nay? Theo ông, những phẩm chất nào là cần thiết để tạo nên một CEO?

Trả lời: Cậu con trai lớn của tôi rất thích Napoléon Bonaparte, cậu ấy đọc sách lịch sử và nghiên cứu để bắt chước tính cách, tác phong của ông ta. Tôi có nói với con trai tôi là: Con à, thời đại của chúng ta không phải là thời đại của những nhà độc tài, cho nên rèn luyện để trở thành Napoléon coi chừng là một ý định sai. Cậu ấy lập tức phản ứng ngay: Con nghĩ rằng, thời đại của chúng ta không phải là thời đại mà những nhà độc tài cầm đầu các quốc gia, nhưng những nhà độc tài tiếp tục cầm quyền trong các tập đoàn công ty. Vì thế, phấn đấu để trở thành người có tính cách, có nhân cách của Napoléon Bonaparte không phải để phục vụ một quốc gia mà để phục vụ một tập đoàn công ty. Tôi không trả lời để không làm con tôi kiêu ngạo nhưng tôi nghĩ thằng bé đúng. Tất cả các chủ tịch và tổng giám đốc của các tập đoàn kinh tế lớn cần phải có những phẩm chất như một Napoléon. Từ lâu tôi đã định nghĩa rằng, đấy không phải là các ông chủ của xí nghiệp. Việc giải thích quan hệ chủ thợ là một cách giải thích cố điển, và không còn đầy đủ nữa. Ỏ thời đại chúng ta, các CEO, tức là các chủ tịch, tổng giám đốc của các công ty hoặc tập đoàn công ty là những người chủ các dự án kinh tế, những người chỉ huy, những người phụ trách các dự án kinh tế do đó, họ phải có phẩm chất của một viên tướng. Bởi vì quan hệ giữa người lao động và chủ xí nghiệp không phải là quan hệ chủ tớ mà là quan hệ giữa những người tham gia trong các dự án kinh tế, đây là những bộ phận nhân sự khác nhau của một dự án kinh tế. Nếu không có chất lượng của một viên tướng thì không thể làm CEO.

Đã là một vị tướng thì phải biết rõ mình đang làm gì, mình có mục tiêu gì, mình thực hiện mục tiêu ấy bằng gì, vào lúc ngồi trên quy mô nào và bao giờ thì chấm dứt. Chất lượng của một viên tướng là kết thúc một cách hay nhất một trận đánh, còn chuyện giữ nghiêm kỷ luật chỉ là một trong những phẩm chất cần thiết để trở thành một viên tướng. Chất lượng của viên tướng là ý đồi là trí tưởng tượng của viên tướng chứ không phải là các phẩm chất, các phong cách. Nên các bạn theo dõi những chiến dịch mua những tập đoàn lớn sẽ thấy nó diễn ra còn phức tạp hơn cả chiến dịch giải phóng Leningrad. Để điều hành một chiến dịch như vậy phải có chất lượng của một viên tướng. Ví dụ, chiến dịch mua tập đoàn Dow Jones của tỷ phú Murdoch mới đây trong quan sát của tôi là phức tạp hơn chiến dịch giải phóng Leningrad. Những người ngăn cản quá trình mua này là các cổ đông chính của tập đoàn Dow Jones. Vào thời điểm buổi sáng họ vẫn còn là vật cản nhưng đến buổi chiều thì họ lại trở thành đồng minh. Một viên tướng giỏi phải biết rõ rằng trong một trăm cái lô cốt ấy thì lô cốt nào là chính. Như trận Điện Biên Phủ chẳng hạn, tôi cho rằng cái tài của đại tướng Võ Nguyên Giáp là ra lệnh rút quân và kéo pháo ra. Đây là một hành động có giá trị chiến lược. Bản chất sai lầm của quân đội Pháp vào thời điểm ấy là biến Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm, tức là chui vào trong một cái túi, cho nạn việc chúng ta kéo quân vào Điện Biên Phủ chính là chui vào cùng túi với kẻ địch. Nhưng ngay sau đó, đại tướng đã kiên quyết rút quân ra. Chính quyết định ấy đã tạo ra chiến thắng Điện Biên Phủ và tạo ra đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Hỏi: Theo quan điểm của ông thì một vị tướng có thể trở thành một CEO tốt?

Trả lời: Không phải như thế. Tôi dùng viên tướng là một hình tượng rất phổ biến trong nền văn hóa Việt Nam để mô tả một đối tượng khác là CEO, chứ không phải là tất cả các viên tướng đều làm CEO được. Một viên tướng thắng trận mới làm CEO được, không phải ai làm CEO cũng được. Hàng ngày trên thế giới có hàng nghìn, hàng chục nghìn công ty phá sản, tức là có hàng chục nghìn CEO ra đi. Trong tất cả các loại nghề nghiệp, không có loại nào tiêu diệt nhiều sự nghiệp cá nhân như nghề điều hành các tập đoàn kinh doanh. Người xưa đã nói "Bại binh chi tướng bất khả ngự dụng". Những người làm CEO mà đã thua trận sẽ không làm được nữa, chỉ có ở những nước lạc hậu người ta mới hay thuê lại những kẻ bại trận. Có một người kể lại với tôi về chuyện con trai của Kerry Packer (người giàu nhất nước Úc và là ông trùm trong lĩnh vực truyền thông) đến Việt Nam và gặp gỡ một số CEO Việt Nam. Khi ông ta hỏi họ đã thua lỗ bao giờ chưa thì tất cả đều nói một cách rất hoan hỉ là mình chưa bao giờ lỗ. Ông ta đã lặng lẽ bỏ đi, không hợp tác với ai cả. Nhiều người sau này hỏi ông ta tại sao lại thế. Ông ta bảo rằng, không có ai là không lỗ cả, tất cả mọi người đều có những lúc lỗ và những lúc không lỗ. Những anh chưa lỗ thì sẽ lỗ, cho nên, tôi chỉ hợp tác với những anh đã lỗ rồi. Có thể nói, vấn đề mà các bạn quan tâm là một vấn đề cực kỳ thú vị, là nội dung đáng chú ý thứ hai ở Việt Nam đối với sự quan tâm của dư luận.

Hỏi: Vậy nội dung đáng chú ý thứ nhất là gì thưa ông?

Trả lời: Nội dung đáng chú ý thứ nhất là các sinh hoạt của Bộ Chính trị. Các CEO của những tập đoàn kinh tế lớn có giá trị xã hội như một thành viên của Bộ Chính trị, thậm chí ảnh hưởng của họ còn rộng hơn, toàn diện hơn. Tôi nói như thế không có nghĩa là các CEO hiện nay có giá trị ấy, nhưng cái địa vị ấy có những giá trị như vậy. Các bạn sẽ thấy là Bộ Chính trị của nền kinh tế toàn cầu, của sự phát triển toàn cầu bao gồm toàn CEO. Chúng ta có thể hình dung là thế giới cũng có Bộ Chính trị của nó. Bộ Chính trị của đời sống nhân loại là Chủ tịch và Tổng giám đốc các tập đoàn công ty, các tập đoàn đa quốc gia. Đấy là Bộ Chính trị của sự phát triển.

Hỏi: Phải chăng thế giới sẽ có hai sự lãnh đạo, một là lãnh đạo chính trị, hai là lãnh đạo kinh tế?

Trả lời: Thế giới không có sự lãnh đạo mà có sự điều hành. Cái chính là chúng ta quan niệm thế nào là lãnh đạo. Tôi không muốn đề cập đến khía cạnh chính trị trong chuyện này để có thể nói một cách tự do nhất về khái niệm được gọi là lãnh đạo trong đời sống kinh tế. Như tôi vừa nói, thế giới không có sự lãnh đạo và Bộ chính trị của thế giới không làm việc lãnh đạo, họ chỉ làm việc đánh giá và đưa ra các giải pháp hoạt động thích hợp với tình thế. Lãnh đạo là tổ chức ra một cuộc sống theo ý mình muốn, còn điều hành là xây dựng những chính sách phù hợp với thực tế của đời sống. Nói cách khác, nếu thừa nhận đời sống là một khách thể thì đấy là điều hành, còn nếu xây dựng khách thể ấy theo ý mình muốn, tức là tổ chức cuộc sống theo ý mình muốn thì đấy là lãnh đạo.

Hỏi: Ông cho rằng chọn CEO là phải chọn người có chất lượng của một vị tướng, nhưng trên thực tế có rất nhiều người được bổ nhiệm nắm cương vị CEO nhưng không có chất lượng như vậy.

Trả lời: Cần phải phân biệt nội dung của CEO và CEO với ý nghĩa là một chức vụ hành chính. Ví dụ, Đặng Tiểu Bình là một Tổng tư lệnh của toàn bộ giai đoạn phát triển kỳ lạ của nước CHND Trung Hoa nhưng ông ấy không thể giữ chưc vụ hành chính, không làm Chủ tịch nước cũng chẳng làm Tổng bí thư. Người ta vẫn nhầm lẫn giữa chức vụ và linh hồn của nó. Người có chức vụ hành chính chưa chắc đã là linh hồn của đời sống của một tập đoàn công ty. CEO về mặt nội dung phải là linh hồn, phải là người giữ nhịp toàn bộ quá trình phát triển, còn để tạo ra một chức vụ thì người ta có thể mua một cái tượng gỗ và khoác lên nó đủ thứ. El Cid là một viên tướng, sau khi ông ta chết, vợ ông ta vẫn buộc ông ta lên lưng ngựa để đưa ra chiến trận, và ông ta với tư cách là một xác chết vẫn làm cho quân địch khiếp sợ và rút lui. Ở Việt Nam chúng ta cũng có một ví dụ vĩ đại về CEO, đó là Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh là một CEO vĩ đại, là một viên tướng điều hành một dự án chính trị trong những tình huống cực kỳ phức tạp. Và ông đã thắng một cách ngoạn mục với hai bàn tay trắng, vì chỉ có 34 chiến sĩ trong tay thì có thể coi là hai bàn tay trắng.

Gần đây, đài truyền hình VTV1 có đến phỏng vấn tôi về Bầu cử Quốc hội. Tôi nói rằng tôi thích một Quốc hội sắc sảo khôn ngoan nhưng không đối lập. Và cái thông điệp ấy dường như đã có ảnh hưởng đến sinh hoạt quốc hội. Các bạn theo dõi những phiên họp đầu tiên của Quốc hội có thể thấy các đại biểu quốc hội không còn đối lập bằng thái độ nữa mà cùng nhau phân tích những khía cạnh phức tạp của đời sống chính trị. Đóng góp cho cuộc sống là đóng góp như thế. Đóng góp của chúng ta đôi khi chỉ là một câu nói đúng. Chúng ta nói 1000 câu hay nhưng sai thì chúng ta không có giá trị. Nhiệm vụ của con người là không làm chuyện gì mà không tạo ra giá trị. CEO là người tạo ra giá trị gia tăng. Ai không tạo ra được giá trị gia tăng thì không thể làm CEO được, cho dù anh lập ra một tập đoàn rất lớn, anh ngồi ghế Chủ tịch, Tổng giám đốc. Cái cương vị không phải là CEO mà CEO là linh hồn của sự phát triển của doanh nghiệp. Ai nắm giữ địa vị là linh hồn của sự phát triển của doanh nghiệp thì người đó là CEO.

Tất nhiên, đó không phải là những người nằm ngoài biên của đời sống điều hành. Họ phải tìm cách tham gia một cách khôn ngoan, một cách im lặng. một cách tinh tế vào đời sống điều hành. Người có cương vị CEO hợp lý là người biết để cho những yêu tố ấy lọt vào đời sống điều hành của mình. Người nào biết để cho lọt vào trong đời sống điều hành của mình những yếu tố tích cực thì người đó đã sử dụng cương vị của mình một cách đúng đắn.

Hỏi: Theo ông, mối quan hệ giữa lãnh đạo kinh tế và lãnh đạo chính trị là như thế nào?

Trả lời: Lãnh đạo chính trị là người tạo ra môi trường vĩ mô khái quát, là người tổ chức ra một xã hội mà ở đấy không ngăn cản sự phát triển. Còn tạo ra sự phát triển là phần hoạt động của các CEO. Năm 1999, tôi có hỏi Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trước gần một nghìn người rằng: Thưa đồng chí Tổng bí thư, trong thời đại mà phát triển kinh tế trở thành nhiệm vụ chính trị số một của bất kỳ đảng chính trị nào thì những thương nhân Việt Nam có thể trở thành đồng minh chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam không? Vào thời điểm ấy, Tổng bí thư Lê Khả Phiêu trả lời tôi như thế này: Vế vấn đề đồng minh mà anh Bạt hỏi thì tôi phải nói rằng chúng ta là những người cùng hội cùng thuyền. Những người cùng hội cùng thuyền mà không phải là đồng minh thì họ sẽ phá nhau... Tất cả các đảng chính trị có vai trò lãnh đạo xã hội đều phải biến các CEO trở thành đồng minh chính trị. Các CEO là người tham gia chính trị một cách bị động do sự lôi kéo, rủ rê của các nhà chính trị thì tích cực còn các CEO mà tham gia vào hoạt động chính trị một cách chủ động thì tiêu cực. Tại sao? Tại vì khi anh bắt đầu chú ý đến những lợi ích chính trị thì anh cũng bắt đầu xa rời những lợi ích xã hội mà anh có nghĩa vụ phải quan tâm, đó là lợi nhuận. Vì những lợi ích xã hội mà các nhà chính trị lôi kéo các CEO trở thành đồng minh, tức là chính trị hoá hay là gia tăng các giá trị xã hội cho các kết quả kinh doanh thì đấy là nhiệm vụ của nhà chính trị. Còn nghe theo và trở thành đồng minh tự nguyện của các nhà chính trị là nhiệm vụ của các CEO.

Hỏi: Còn trường hợp các nhà chính trị muốn làm kinh doanh thì sao?

Trả lời: Các nhà chính trị mà làm kinh doanh thì đó là tham những. Tôi rất ngạc nhiên khi ở Trung Quốc người ta cho phép đảng viên làm kinh tế. Chúng ta chỉ có một đảng và đảng viên của chúng ta đông quá. Ở Trung Quốc có 76 triệu đảng viên, còn ở Việt Nam là gần 4 triệu như vậy là rất đông. Tất cả mọi người muốn sống thì đều phải làm kinh tế cho nên phải cho người ta làm kinh tế. Nhưng khi anh làm chính trị, nhất là làm nhà chính trị cầm quyền mà anh vẫn làm kinh tế thì nền kinh tế, sẽ không minh bạch. Vừa rồi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra một chính sách mà tôi cho là hay, đó là các công chức sau khi thôi việc một thời gian mới được làm kinh tế. Đấy chính là cách hạn chế để người ta không lạm dụng quyền lực chính trị hoặc dùng quyền lực chính trị làm ảnh hưởng đến môi trường cạnh tranh. Tất nhiên, trên nền tảng cho phép đảng viên làm kinh tế một cách công khai mà chỉ hạn chế các công chức thôi thì hiệu quả của sự hạn chế ấy không đủ. Nhưng khi chúng ta có một hệ thống chính trị mà mỗi người chỉ làm được một chút thôi thì thủ tướng đã làm cái việc mà tôi cho rằng, trong khuôn khổ hay trong phạm vi thủ tướng có thể làm. Tôi cho rằng mọi người đều có quyền làm kinh tế và có quyền làm chính trị theo ý thích của mình, theo quan điểm của mình và như vậy sẽ dẫn đến một xã hội đa nguyên mà chúng ta chưa thừa nhận xã hội như vậy. Khi chúng ta chưa thừa nhận xã hội như vậy thì chúng ta buộc phải thừa nhận đảng viên không được làm kinh tế. Còn nếu anh làm kinh tế thì anh nên ra khỏi Đảng.

Hỏi: Nhưng vấn đề chính là ở chỗ nếu không phải là đảng viên thì sẽ rất khó làm kinh tế?

Trả lời: Khi anh làm kinh tế thuận lợi với tư cách là một đảng viên thì bản chất của việc đó đã là tiêu cực rồi. Trong khi thế giới đang cố gắng bình đẳng hoá hay là chống tham nhũng toàn cầu bằng cách xây dựng các quy chế của WTO thì anh thừa nhận công khai sự tham nhũng bằng cách sử dụng các ảnh hưởng chính trị cho hoạt động kinh doanh của anh, tức là anh tư nhân hoá Đảng Cộng sản. Về mặt lý luận chính trị tôi không thừa nhận việc ấy. Trong điều kiện một đảng cầm quyền mà người làm chính trị lại tham gia vào kinh doanh thì dứt khoát không thể có nền kinh tế minh bạch. Dứt khoát đó là nền tảng chính trị cho sự tan rã của xã hội xét về mặt đạo đức. Cho nên, mối quan hệ tốt nhất là doanh nhân thì tôn trọng luật pháp và các chính sách kinh tế, còn những người xây dựng luật pháp và chính sách kinh tế thì tham khảo kinh nghiệm của doanh nhân. Đấy chính là quan hệ minh bạch.

Hỏi: Khi đạt được những thành tựu nhất định thì người ta sẽ có nhu cầu hưởng thụ quyền lợi. Khi doanh nhân thành đạt rồi thì họ muốn có ảnh hưởng về chính trị và ngược lại, chính khách khi đã thành đạt một chút thì họ muốn hưởng thụ quyền lợi kinh tế. Vậy cần phải giải quyết vấn đề đó như thế nào?

Trả lời: Đấy là trạng thái tự nhiên của đời sống tinh thần con người. Tôi đã từng trả lời anh Trần Hoàn và anh Hữu Thọ thông qua người đặt câu hỏi là anh Chu Lai cách đây khoảng 5 năm rằng: "Nhà báo, nhà kinh doanh hay nhà chính trị... chỉ là những trạng thái khác nhau ở những giai đoạn khác nhau của cuộc đời một con người. Cái quán xuyến sự hợp lý của những trạng thái ấy chính là lẽ phải của đời sống tâm hồn". Khi nào anh kiếm tiền chán rồi thì anh có thể làm chính trị, anh công khai hoá đời sống kinh doanh của anh. Nhưng anh chỉ có thể công khai hoá đời sống kinh doanh của anh trong một điều kiện vĩ mô nào đó chứ không phải tất cả điều kiện vĩ mô đều phù hợp. Khi chỉ có một đảng chính trị và một đảng chính trị cầm quyền thì khác với khi có nhiều đảng chính trị. Trong điều kiện có nhiều đảng chính trị cầm quyền thì hành vi tham gia vào chính trị của một doanh nhân được giám sát bởi những doanh nhân khác và bởi những khuynh hướng chính trị khác, tức là xã hội có quyền lực để kiểm soát độ minh bạch trong việc tham gia chính trị của các doanh nhân. Nền chính trị của chúng ta chưa có điều kiện ấy. Nhưng nói như thế không có nghĩa là tôi đòi hỏi chúng ta phải đa nguyên. Mỗi một hệ thống chính trị có những chất lượng truyền thống, tiêu chuẩn truyền thống của nó. Chúng ta không thể kết hợp một cách vô nguyên tắc sự hợp lý của những hệ thống chính trị khác nhau vào trong điều kiện của chúng ta. Chính trị là cạnh tranh kinh doanh cũng cạnh tranh, cho nên, người ta kiểm soát sự tham gia vào quá trình cạnh tranh chính trị thông qua việc góp tiền để vận động tranh cử. Nhưng xã hội chúng ta chưa phát triển đến mức có một hệ thống luật pháp và văn hoá có thế kiểm soát sự minh bạch, sự trong sạch của quá trình ấy. Cho nên, tôi có nói với Tổng bí thư Lê Khả Phiêu rằng doanh nhân chúng tôi có muốn làm chính trị đâu. Tôi chỉ hỏi doanh nhân chúng tôi có phải là đồng minh của các nhà chính trị không, của đời sống chính trị không. Tôi làm đồng minh nhưng tôi không tham gia, nhất là tham gia cầm quyền. Chúng ta vẫn đưa ra các chỉ tiêu rất buồn cười, chẳng hạn như Quốc hội của chúng ta lần này tỷ lệ doanh nhân là ít, cần phải tăng lên. Tôi đã từng dự một cuộc tiếp đón Tổng thống Indonesia ở Việt Nam và quan sát thấy khi Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát biểu xong ra bắt tay ông ấy thì ông ấy không bắt. Nhiệm vụ của một Chủ tịch phòng Thương mại là kéo ghế cho ông Tổng thống ngồi chứ không phải là bắt tay ông ấy. Không có sự bằng nhau giữa ông Chủ tịch một phòng Thương mại với ông Tổng thống. Tổng thống Indonesia đã hành động cực kỳ thính xác. Chúng ta không hiểu, chúng ta tưởng rằng cứ muốn làm chính trị thì làm, muốn gọi mình là nhà kinh doanh là gọi. Đâu phải thế. Có các nền tảng giáo dục khác nhau để làm chính trị hoặc để làm kinh doanh và một nhà kinh doanh chân chính là một người hết sức tự tin trước các nhà chính trị.

Hỏi: Ông nghĩ sao về hiện tượng rất nhiều Tổng giám đốc vừa rồi ứng cử đại biểu Quốc hội?

Trả lời: Trong hệ thống chính trị của chúng ta thì việc ấy là bình thường. Chúng ta cũng có các tiêu chuẩn như phải đăng ký tài sản, nhưng mà các Tổng giám đốc ứng cử đại biểu Quốc hội không phải là nhà kinh doanh. Tống giám đốc các tập đoàn kinh tế của Nhà nước không phải nhà kinh doanh vì họ được bổ nhiệm chứ họ không phải là người tạo ra doanh nghiệp ấy. Nhà kinh doanh là người tạo ra sản nghiệp của mình chứ không phải là người sử dụng sản nghiệp của người khác.

Hỏi: Quay trở lại ý ông nói ban đầu là Việc Nam hay thuê những CEO đã thất bại. Vậy tăng trưởng kinh tế mà chúng ta nhìn thấy hàng năm là từ đâu ra?

Trả lời: Xưa nay chúng ta vẫn luôn ngộ nhận rằng mọi sụ tăng trưởng ở trên đời này đều là kết quả của sự lãnh đạo, kể cả lãnh đạo xí nghiệp. Không phải. Tăng trưởng và phát triển là kết quả của sự tồn tại một cách tự nhiên của đời sống. Cuộc sống là tự nó, tăng trưởng cũng tự nó. Do đó, đảm bảo các điều kiện vĩ mô để sự tăng trưởng tự nhiên của cuộc sống được ổn định chính là công việc lãnh đạo. Trước năm 1986 thúng ta cũng lãnh đạo nhưng kinh tế không tăng trưởng, chỉ có lạm phát tăng thôi. Nhưng sau khi chúng ta đối mới, mở cửa, chúng ta bỏ các rào cản, chúng ta để cho xã hội tự do một chút thì tự nhiên kinh tế tăng trưởng. Vậy tăng trưởng ấy có phải kết quả của lãnh đạo không? Có một ông giáo sư đã nói với tôi rằng, quản lý tốt có khi là chẳng quản lý gì. Tất nhiên nói như thế là nói vui. Nên nói một cách khoa học thì hạn chế đến mức cao nhất tác động chủ quan vào đời sống, hay làm chủ ranh giới hợp lý giữa quản lý và tự do là bản lĩnh quan trọng nhất của tất cả những người lãnh đạo, kể cả từ CEO đến Thủ tướng. Trong một quyển sách, tôi đã viết rằng, cần phải nghiên cứu độ thấm của các chính sách vĩ mô. Các chính sách vĩ mô sẽ thấm một cách tự nhiên vào cuộc đời và khi nó dừng lại thì đấy chính là ranh giới tự nhiên. Còn khi anh gây sức ép thì sự thấm ấy không còn tụ nhiên nữa, tức là khi xã hội không cần ảnh hưởng của chính sách vĩ mô ấy nữa thì nó thừa, mà thừa là gây cản trở. Bản chất khoa học hay bản chất xã hội của hoạt động lãnh đạo như chúng ta thường nói với hoạt động của các CEO là giống nhau. Chúng ta phải thấy rằng, bộ chính trị của toàn bộ sự phát triển của kinh tế thế giới chính là các CEO của các tập đoàn lớn. Chúng ta cần phải nhận ra điều này. Bây giờ, thử hỏi xem có bao nhiêu nhà chính trị trên thế giới này ảnh hưởng quyết liệt đến sự phát triển của nhân loại bằng Bill Gates? Có vài người, trong đó có Đặng Tiểu Bình. Giá trị của sự ảnh hưởng đến sự phát triển thế giới của Bill Gates và Đặng Tiểu Bình là như nhau. Trong bất kỳ quy mô nào thì xã hội cũng có bộ chính trị của nó. Các bạn biết rằng, chúng ta có khoảng 18-19 tập đoàn kinh tế chiếm giữ khoảng 80% toàn bộ năng lượng phát triển của Việt Nam và khoảng trên 40% tín dụng theo thống kê (trên thực tế có thể chiêm trên 60-70% tín dụng), cho nên nên bổ nhiệm sai là nguy. Nếu làm không đúng thì chúng ta buộc phải mở cửa, buộc phải kêu gọi đầu tư nước ngoài, tức là tôi không làm cho gia đình tôi được hạnh phúc thì tôi nhờ người hàng xóm giúp đỡ. Và những kẻ khôn ngoan thì nghĩ rằng, người hàng xóm cũng có gia đình của anh ta và sớm muộn thì anh ta cũng quay về. Khi nào anh ta quay lưng đi thì ta lại nói đấy là thành tựu của ta.

Đấy là những hiện tượng rất kỳ lạ mà chúng ta cần nghiên cứu. Nên chúng ta nghiên cứu thật kỹ chúng ta sẽ thấy rằng phải nhìn cuộc đời này như nhìn vào lòng bàn tay. Tôi đã cố gắng để đạt đến trạng thái ấy. Tất nhiên, lao động như thế rất vất vả hàng ngày phải có tin tức, phải nắm được toàn bộ diễn biến của đời sống kinh tế, đời sống chính trị, đời sống văn hoá thế giới. Nghiên cứu về các động thái sắp tới của Việt Nam chính là nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến nó. Bên ngoài mà có vấn đề thì bên trong cũng thế. Thị trường chứng khoán Trung Quốc mà nóng thì thị trường Việt Nam sẽ nóng theo. Thị trường chứng khoán Trung Quốc chuẩn bị giảm thì thị trường Việt nam cũng giảm trước đó một chút.

Gần đây, tôi thấy có hiện tượng các kênh truyền hình của chúng ta có những chuyên mục hàng ngày reo vang lên về việc hôm nay chỉ số VN-Index tăng ngoạn mục... Tất cả những việc ấy có thể trở thành sự tiếp tay không mất phí cho những tên láu cá buôn bán những tờ giấy không có giá trị thật. Khi báo Straits Times hỏi tôi về thị trường chứng khoán Việt Nam, tôi trả lời khi nào chỉ số VN-Index giảm còn một nửa thì bắt đầu đến sự hợp lý. Chỉ số của thị trường chứng khoán sẽ giảm và sau đó nó sẽ dao động cùng với sự đúng đắn của các chính sách kinh tế. Thị trường chúng khoán là nơi phản ánh chính xác một cách biểu kiến tất cả sự đúng hay sai của các chính sách kinh tế. Các chính sách kinh tế không phải là các chỉ thị, nghị định của chính phủ mà là sự kết hợp, sự tận dụng có ý thức của chính sách của các tập đoàn công ty đối với các chủ trương của Đảng. Những cái đó kết hợp với nhau thông qua các CEO mới tạo ra được cái gọi là chính sách kinh tế. Đôi khi nhà cầm quyền vẫn tưởng rằng chỉ thị này, nghị định kia của mình là chính sách kinh tế nhưng không phải. Chúng ta có rất nhiều chính sách trong lịch sử nhưng không có mấy chính sách có tác động thật đẹp cuộc sống. Những thứ tác động lại vào cuộc sống thì mới được gọi là hiệu ứng chính sách, và hiệu ứng ấy được gây ra, được hướng dẫn bởi xã hội. Cho nên nghiên cứu vai trò của các CEO tức là nghiên cứu sự ứng dụng một cách khôn ngoan toàn bộ các không gian vĩ mô được tạo ra bởi chính phủ. Tất nhiên còn có những yếu tố khác nữa mà chúng ta sẽ tiếp tục phân tích.

Hỏi: Ông hình dung thế nào về cộng đồng CEO Việt Nam hiện nay ?

Trả lời: Chúng ta đang trong quá trình xây dựng khái niệm về CEO ở những mức rất sơ khai. Đến một lúc nào đó khái niệm này sẽ hình thành nhưng không phải do sự phổ biến giáo dục của các trường đại học cũng như của Chính phú. Cộng đồng CEO và khái niệm CEO sẽ hình thành dần dần cùng với sự thất thiệt do tính không chuyên nghiệp của khái niệm này mang lại.

Hỏi: So với cộng đồng CEO thế giới thì ông hình dung cộng đồng CEO Việt Nam đang ở mức nào?

Trả lời: CEO là cái phần thể hiện bên trên của nền kinh tế. Người ta không thế nào làm cho các cây bèo lục bình cao hơn mặt nước được, nó chỉ trôi nổi cao nhất là trên mặt nước thôi. CEO là những cây lục bình trôi trên mặt phẳng kinh tế của Việt Nam, cho nên, mặt phẳng kinh tế của Việt Nam đem so với mặt phẳng kinh tế của các nước khác như thế nào thì các CEO của chúng ta chênh với họ cũng bằng khoảng cách ấy. Đấy là các quan hệ có tính chất biện chứng, nó không phải là sự mô tả có tính chất độc đáo của tôi mà sự mô tả chính xác của tôi đối với trạng thái các CEO của chúng ta. Ví dụ, việc ly hôn để bán cổ phiếu chiến lược có thể trở thành một trò cười đối với tất cả các nền kinh tế trừ Việt Nam. Nhưng báo chí vẫn đưa tin về chuyện ấy. Không có ai lên án và người thực hiện việc ấy cũng chẳng thấy xấu hổ gì. Xã hội phải chấp nhận chuyện ấy vì xã hội không có công cụ pháp chế để trừng phạt những hành động như vậy. Đây là một hiện tượng rất kỳ dị đối với thế giới.

Hỏi: Trong thực tế, ở nước ta có những CEO được bổ nhiệm không phải vì họ có những thành tích nổi bật trong việc tạo ra các giá trị cho tập đoàn mà do họ có những mối quan hệ chính trị. Như vậy, danh hiệu hay chức vụ CEO ấy có phải là giả hiệu không?

Trả lời: Không. Nó phản ánh đúng bản chất hay đúng mức độ phát triển của khái niệm ấy ở Việt Nam. Nó không giả hiệu. Thủ tướng làm sao bổ nhiệm giả hiệu được, nhưng thủ tướng không thể làm khác được mà phải làm ở mức ấy. Việc làm đó phản ánh trạng thái hiện nay của sự hiểu biết của xã hội chúng ta về cái gọi là CEO. Tất cả các việc mà chúng ta làm bây giờ đều phản ánh đúng trạng thái của chúng ta, đúng mức độ phát triển của chúng ta. Ví dụ như thị trường chứng khoán chẳng hạn. Trên thị trường chứng khoán người ta bán 3 loại hàng hoá cơ bản, một là bán những giá trị đã đầu tư để thu hồi vốn về, hai là bán các ý tưởng kinh doanh để mở rộng xí nghiệp, ba là bán trái phiếu của chính phủ. Đấy là ba đối tượng hàng hoá cơ bản. Ba loại ấy có ba quy trình, công nghệ khác nhau để thẩm định giá trị và toàn bộ giá trị biểu kiến VN-Index là phản ánh trạng thái giá trị thực chất, nó sẽ lên xuống. Ở trong thị trường ấy thì bóng bao giờ cũng to hơn hình một chút, nhưng mà bóng to quá nên mức nó không phản ánh hình nữa thì sai. Tôi có một người quen, người đó lập một công ty con con, chỉ mới có cái xưởng thôi mà anh ta đã nói sẽ đưa công ty lên sàn. Giá của quả trứng bán trên thị trường chứng khoán bao giờ cũng lớn hơn giá của nó trên thị trường tiêu dùng. Hoặc cũng một cái áo sơ mi, bán ở Vincom sẽ đắt hơn bán ở vỉa hè, đấy là chuyện bình thường. Nhưng đắt hơn gấp 20-30 lần thì đấy không còn là bình thường. Bây giờ ai cũng in mấy tờ giấy ra bán và gọi đó là chứng khoán, đấy là kết quả của sự hợp tác tiêu cực giữa các sơ hở của chính sách vĩ mô cộng với sự láu cá của thương nhân. Có một phó tổng giám đốc mua một cái nhà giá hàng chục tỷ thì đương nhiên tổng giám đốc phải lên báo chí để điều trần. Đấy là điều trần xã hội để ngăn chặn sự sa sút giá trị cổ phiếu nhưng tôi nghĩ rằng sớm hay muộn thì sự điều trần ấy sẽ là trước toà. Cái đó chắc chắn sẽ xảy ra vì nếu nó không xảy ra thì xã hội của chúng ta sẽ tan rã.

Nhiệm vụ của những nhà điều hành chân chính là không được phép lợi dụng sụ ngây thơ của cuộc đời. Anh chỉ được phép sử dụng sự ngây thơ của những người cạnh tranh với anh chứ không được phép lợi dụng sự ngây thơ của cuộc đời. Đấy chính là ranh giới giữa khôn ngoan và đạo đức. Vậy chúng ta đã có các tiêu chuẩn đạo đức, tiêu chuẩn văn hoá như vậy để định giá các CEO chưa mà chúng ta cứ bổ nhiệm ầm ầm?

Hỏi: Vậy ai là người có thể định ra các tiêu chuẩn như ông đã nói?

Trả lời: Trong khi xã hội chưa đủ phẩm chất để tự làm chuyện ấy thì chính phủ phải là người chịu trách nhiệm.

Hỏi: Nhưng Chính phủ nhiều khi không hiểu được sụ vận hành của nền kinh tế, của các tập đoàn kinh tế mà Chính phủ đang quản l‎í, cho nên, chính phủ, bổ nhiệm các CEO theo cách mà Chính phủ đang làm bây giờ. Như vậy, các tiêu chuẩn đạo đức mà Chính phủ đặt ra sẽ mang tính ngây thơ và sau đó chúng ta lại áp dụng những tiên chuẩn ấy, chúng ta lợi dụng sự ngây thơ của cả xã hội lẫn Chính phủ để làm những việc mà sau này khi ra toà chúng ta bảo là không biết. Nếu làm như vậy thì rất khó...

Trả lời: Không khó. Bất cứ xã hội nào cũng phải trả giá cho sự ngây thơ của mình. Dân tộc chúng ta phải trả giá cho sự ngây thơ ấy. Không có cách nào khác cả, chỉ có điều sau thảm họa của sự ngây thơ chúng ta có rút kinh nghiệm được không. Đã ngây thơ thì sẽ thất thiệt. Một người ngây thơ thì sẽ thiệt cho mình, một CEO ngây thơ sẽ thiệt cho vùng ảnh hưởng mà mình tạo ra, chính phủ ngây thơ thì xã hội phải lãnh đủ. Nhưng chính phủ không phải từ trên trời rơi xuống, chính phủ là từ xã hội mà rất sự ngây thơ của các thành viên chính phủ là tập hợp các ngây thơ của xã hội và xã hội ngây thơ thì xã hội phải trả giá. Tất cả mọi người đều phải trả giá cho những ngây thơ, những dại dột hoặc những sơ sẩy của mình và trả giá cho những sai lầm là quy luật của sự phát triển. Chúng ta sẽ trưởng thành dần lên cùng với kinh nghiệm của sự thất bại mà chúng ta có. Cần phải hiểu như thế thì mới động viên được lòng dũng cảm dân sự của cả nhà nước lẫn các nhà kinh doanh.

Hỏi: Vậy cái giá mà một chính phủ ngây thơ sẽ phải trả là gì ?

Trả lời: Cái giá mà Chính phủ ngây thơ phải trả giống nhà cái giá mà bố mẹ ngây thơ thì con cái phải chịu. Tôi không nói Chính phủ là bố mẹ của nhân dân nhưng tôi nói cái thất thiệt mà Chính phủ gây ra cũng giống như cái thất thiệt mà bố mẹ gây ra cho con cái. Nếu anh yêu thương nhân dân thật thì anh mới đau khổ còn nếu anh không yêu thương nhân dân thật thì anh sẽ không đau khổ và lần sau anh vẫn làm thế. Cho nên, bản chất lương thiện của sinh hoạt chính trị là phải yêu con người. Nếu không có cái đó thì tốt nhất đừng làm chính trị. Điều này nghe có vẻ lãng mạn nhưng nó đúng như thế. Nếu anh không nghĩ đến và không yêu con người thì đừng làm gì tác động lên con người cả. Chính trị là cái tác động sâu sắc nhất, quyết liệt nhất, nặng nề nhất đến đời sống con người, nếu anh không yêu con người (yêu con người chứ không phải là yêu nhân dân một cách chung chung), anh không có nhân tính thì không làm chính trị được. Toàn bộ những thảm họa của đời sống chính trị nhân loại đều là kết quả của việc những kẻ không yêu con người trở thành nhà chính trị.

Hỏi: Mong thực tế có nhiều tình huống, chẳng hạn như việc Bộ giáo dục vừa qua đã ra thông báo xí xoá và vẫn chấm bài cho những thí sinh đã vi phạm quy định làm bài. Hay trường hợp cắt ngọn nhà cũng vậy, có nhiều ý kiến qua ra là người ta đã tốn tiền đầu tư cho cái nhà đấy rồi bây giờ cắt đi thì lãng phí quá, hay là những nhà nào đã lỡ xây cao hơn quy định thì chỉ nên bắt họ nộp phạt hành chính. Chúng ta có đưa ra chính sách rồi lại tự dẫm lên chính sách của mình. Chúng ta xuất phát từ chỗ thương mấy cậu học sinh hay thương những nhà doanh nghiệp đã bỏ ra nhiều tiền, nhưng tình thương lại trở thành yếu tố làm mất sự tôn nghiêm của luật pháp.

Trả lời: Tình yêu con người và sự thương hại một vài người là khác nhau. Nhân tính trong khi xây dựng chính sách và nhân tính trong ứng xử song phương giữa con người với nhau là hai loại nhân tính. Nhân tính của nhà chính trị và nhân tính của con người thông thường khác nhau. Nên lẫn lộn thì không làm chính trị được.

Hỏi: Theo ông, trong trường hợp vừa nêu thì nhân tính là ở chỗ nào và sự lẫn lộn là ở chỗ nào ?

Trả lời: Nhân tính ở trong những trường hợp như vậy là anh phải bắt đầu từ quyền lợi của xã hội. Phép nước đã không nghiêm thì đấy là lỗi của phép nước chứ không phải lỗi của mấy ông xây nhà cao quá 3 - 4 tầng như vậy. Nếu mà phép nước nghiêm thì người ta đã không dám xây và người ta chỉ xây thêm một viên gạch thôi cũng bị phát hiện. Lỗi ở phép nước thì phải chấn chỉnh phép nước chứ không phải vì cái uy của phép nước mà chặt nhà. Vì cái nhà đã được thiết kế cho 15 tầng thì tỷ lệ của nó đã được xác định rồi, những người không hiểu gì về kiến trúc thì mới cắt. Việc cắt nhà này lịch sử sẽ còn nhắc lại và những người nào liên quan đến việc này sẽ để lại tì vết trong lịch sử. Tại sao không phân xử thế này: Anh định xây tăng tầng lên để tăng lợi ích kinh doanh nhưng anh làm sai thì cái phần thu nhập đó sẽ thuộc về lợi ích công cộng đến một thời hạn nào đó, thời hạn ấy có thể là kết quả thảo luận của người xây nhà với nhà quản lý. Không cần phải bắt người ta nộp phạt. Làm như thế thì tự nhiên xã hội sẽ khác.

Khi nào một nhà chính trị sau 10 - 20 năm rồi mà vẫn còn đau khổ, vẫn còn phân vân về việc làm thất thiệt cho người khác thì mới là nhà chính trị có nhân tính. Nhân tính là ở chỗ ấy chứ không phải nhân tính là không kiên quyết. Trong chuyện Tam Quốc Chí, Tào Tháo ra lệnh cho binh sĩ trong khi hành quân mà dẫm phải lúa của dân thì sẽ bị chặt đầu. Nhưng khi đi qua ruộng lúa con ngựa của Tào Tháo thấy con chim bay qua hoảng sợ đã chạy và giẫm lên lúa. Tào Tháo bảo ta phải tự chặt đầu mình vì ta đã vi phạm quân lệnh và thêm mọi người xúm xít lại xin. Khi đó Tào Tháo mới nói rằng, ta tha cho cái đầu của ta nhưng phải cắt tóc làm gương và Tào Tháo đã rút gươm tự cắt tóc mình. Một nhà chính trị khôn ngoan thì phải tìm ra cách khôn ngoan để xử lý. Tất nhiên, không phải nhà chính trị nào mà chúng ta chọn ra hoặc là chúng ta phải chấp nhận cũng đều khôn ngoan cả. Bởi vì khôn ngoan là kết quả của kinh nghiệm, mà chưa có kinh nghiệm thì không khôn ngoan. Vậy thì chúng ta phải kiên nhẫn để chờ cùng với các thất bại mà họ có kinh nghiệm, nhưng chúng ta phải theo dõi xem họ có nhân tính để có thể có tích luỹ kinh nghiệm không. Kinh nghiệm sẽ đến cùng với người có đầy đủ nhân tính, nhưng không bao giờ kinh nghiệm đến với người không có nhân tính. Vậy khi nhìn một nhà chính trị ta phải xem nhân tính của họ như thế nào chứ không phải nhìn họ sai hay đúng, vì mọi người đều có quyền sai và trên thực tế đều sai.

Hỏi: Vậy phải chăng đối với một nhà chính trị, nhân tính phải đặt lên hàng đầu ?

Trả lời: Đối với con người thì nhân tính được đặt lên hàng đầu và nhà chính trị là một trong những con người có phẩm chất tốt nhất trong phân loại nhân tính xã hội. Nhà chính trị là đại diện rực rỡ, đại diện tiêu biểu, đại diện "viết hoa" cho nhân tính mà loài người phải có. Không nên đặt ra vấn đề nhà chính trị có nhân tính hay không mà phải đặt vấn đề là nhân tính của nhà chính trị ấy cao đến mức nào so với những người khác.

Hỏi: Vậy tại sao người ta vẫn nói rằng chính trị là cái bể của những thủ đoạn?

Trả lời: Đó là câu nói của Lenin. Có một lần Lenin ngại nói chuyện với hai nhà lãnh đạo Xô Viết rất nổi tiếng là Lunacharski và Zdanov. Khi Lunacharski nói chính trị giống như một con điếm, Lenin nói thêm một câu thế này: đồng chí nói khẽ thôi, nếu các cô gái ngoài đường mà nghe thấy thì các cô ấy sẽ kiện đồng chí. Lenin chỉ nói như vậy. Đấy là một cách quan niệm. Ở thời kỳ mà các giá trị con người, những vấn đề vế quyền con người chưa phát triển, ở những không gian mà quyền con người chưa phát triển thì chính trị là như thế, chính trị được mọi người hiểu như thế. Nhưng cùng với thời đại, con người đã phát triển, đời sống tinh thần của con người đã phát triển, phẩm chất và các quyền con người đã phát triển đến mức không được sử dụng các phương pháp điếm trong đời sống chính trị nữa. Tại sao? Vì chính trị là để tổ chức, để khuyên dụ, để lôi kéo con người, mà người ta chỉ có thể lôi kéo con người khi được con người tín nhiệm. Khi con người giao lưu, con người trao đổi, con người tự do và con người trở nên khôn ngoan thì nhà chính trị không thể sử dụng thủ đoạn được nữa. Nếu ai nghĩ rằng trong thời đại ngày nay, thủ đoạn vẫn là động lực cơ bản của đời sống chính trị thì người đó không hiểu gì về đời sống xã hội cả. Không hiểu xã hội mà đòi lãnh đạo xã hội thì thua. Nhà chính trị càng gần gũi con người, càng nhân hậu thì càng hấp dẫn và nhiệm vụ của nhà chính trị bây giờ là tạo ra sự hấp dẫn của chính trị chứ không phải tạo ra sự khôn ngoan của nó. Các chính sách của chúng ta thường thất bại là bởi vì thủ đoạn của cuộc đời có nhiều và phong phú hơn nhiều so với sự khôn ngoan của chính sách, cho nên mọi chính sách đều bị xã hội vô hiệu hoá rất nhanh. Điều đó phản ánh một thực tế rằng trí tuệ của xã hội đã bắt đầu vượt lên trên các quan niệm về trí tuệ của đời sống chính trị. Đấy là một kết luận cực kỳ quan trọng cho các nhà chính trị. Nếu không kết luận được đến như thêm mà vẫn tiếp tục nói dối và sử dụng thủ đoạn thì họ sẽ trở thành những anh hề trước sự quan sát của xã hội. Tôi rất mừng khi thấy rằng càng ngày, mật độ xem thủ đoạn là công cụ cơ bản của chính trị càng ít đi, và càng ngày năng lực chế giễu các trò láu cá của xã hội càng tăng lên. Đấy là một trong những yếu tố làm cho tôi tin cậy vào tương lai của chúng ta.

Hỏi: Theo ông, báo chí có nên xây dựng các chân dung của Tổng giám đốc không và nên triển khai việc đó như thế nào ?

Trả lời: Vào giai đoạn hiện nay chúng ta chưa có CEO, cho nên, chúng ta không nên xây dựng chân dung dựa trên những phôi liệu không đầy đủ chất lượng xã hội và lịch sử. Xây dựng chân dung bây giờ là khắc họa những tính cách hoặc giá trị chưa đầy đủ và hướng dẫn mọi người theo những hình mẫu không đầy đủ. Vì công tác tuyên huấn nên đôi khi chúng ta xây dựng những hình ảnh vội vã, những anh hùng vội vã. Khi còn ở bộ đội tôi đã từng đến vùng A Sầu thăm anh hùng lực lượng vũ trang Can Lịch thì thấy đấy là một người đàn bà nhếch nhác đang nằm trên cái võng ôm con. Can Lịch nói với tôi: Bây giờ mình lấy chồng, đẻ con rồi, mình không hoạt động cách mạng nữa. Bây giờ cách mạng để người khác làm thôi, chú Vai làm. Tôi ra về trong lòng thấy đau khổ cho các cuộc cách mạng vì người ta truyền bá khái niệm cách mạng một cách tầm thường đến mức làm cho bất kỳ ai cũng nghĩ mình là một nhà cách mạng. Người ta tưởng rằng, làm cho mọi người tưởng mình là một nhà cách mạng một cách đại trà là hay mà quên mất rằng làm như vậy là sự bắn phá vào sự thiêng liêng của khái niệm ấy. Không nên xây dựng chân dung các CEO. Đấy là chúng ta thoả mãn thói hư danh. Người ta có thể bán sự hư danh cho một người nên người đó muốn mua, nhưng khẳng định một hình tượng không chính đáng trên quy mô xã hội sẽ là hướng dẫn sai lầm đối với cả xã hội. Chúng ta tuyệt đối không được làm chuyện ấy. Chúng ta có thể mô tả các hành vi của một nhà cầm quyền như là một hình mẫu hành vi nhưng như một hình mẫu nhân cách, như một chân dung thì không. Chúng ta chưa có những chân dung. Nền kinh tế của chúng ta chưa cho phép, chưa cung cấp đủ điều kiện để có các chân dung như vậy. Chúng ta thấy hàng trăm năm trôi qua rồi nhưng vẻ đẹp của tượng David của Michelangelo vẫn là tiêu chuẩn của vẻ đẹp hình thể của nhân loại. Hay những tiêu chuẩn về giải phẫu của Leonardo da Vinci vẫn tiếp tục là tiêu chuẩn về giải phẫu hình thể, về thiết kế hình thể của nhân loại. Cho nên, khi làm những việc như thế này chúng ta phải hiểu rằng chúng ta sẽ để lại trong lịch sử, trong không gian tinh thần của xã hội những nét vẽ, nên chúng ta không được phép nguệch ngoạc. Đây chính là nhân tính của chúng ta khi làm bất cứ việc gì. Nếu tìm hiểu chúng ta sẽ thấy, để vẽ được bức "Mona Li sa" Leonardo da Vinci phải có hàng trăm phác thảo. Riêng bàn tay có hàng trăm phác thảo, riêng cái miệng cũng có mấy trăm phác thảo. Nếu chúng ta không làm ra được một chân dung hoàn chỉnh thì chúng ta phác thảo. Phác thảo là một cách gợi ý. Các bạn không nên gọi chuyên mục của mình là chân dung mà là phác thảo và phương thức là ký hoạ. Dùng ngôn ngữ hội họa một cách chuyên nghiệp sẽ làm cho hoạt động truyền thông chính xác hơn. Nó không khẳng định mà là gợi ý. Gợi ý không phải là rủ con người theo mà gợi ý chính là gợi cho con người nghĩ. Gợi ý cho con người nghĩ về mẫu hành vi của một con người hay hơn là khẳng định nhân cách và chân dung của họ.

Hỏi: Qua những phân tích của ông có thể thấy đối với nhĩng người làm truyền thông thì đòi hỏi về đạo đức, về nhân tính là rất cao.

Trả lời: Đúng thế. Truyền thông là một hoạt động không chỉ nghiêm khắc mà còn khốc liệt đôi lúc cần sự tỉnh táo, đôi lúc cần sự nhân hậu, đôi lúc cần cả sự liều mạng. Nếu không dám liều mạng thì không ngăn chặn được cái xấu, không tỉnh táo thì làm hỏng cái tốt và làm oan uổng những cái không đáng. Cho nên phải rất cẩn thận. Tôi là người rất cẩn thận về những chuyện này, tôi không lên án cá nhân, không động đến cá nhân nào cả. vì sao? Vì họ đều là con người, họ có quyền phạm phải sai lầm.

Toàn bộ nghệ thuật để sống là biết giải thích một cách nhân hậu những sai lầm của người khác và biết cách góp phần giải thoát họ ra khỏi các sai lầm đó. Đấy là quan điểm chính trị của tôi với hoạt động truyền thông. Ca ngợi một cách không chín chắn, khắc họa một cách không đúng đắn là hướng dẫn sai xã hội. Tôi đã có một bài viết Xã hội học của tham những, trong đó có nói đến vai trò của hoạt động hướng dẫn xã hội đối với sự phát triển.

Hỏi: Nhưng có một cái khó là, trong giới truyền thông, các báo luôn có sự cạnh tranh với nhau. Chúng tôi có thể viết những bài báo theo hướng giải thích các hiện tượng một cách có nhân tính, nhưng trong khi đó những báo khác viết bằng những cách giật gân để câu khách mà người đọc thì có xu hướng thích những bài theo hướng giật gân, gây sốc. Như vậy, phải chăng các tờ báo có nhân tính đã thua trong cuộc cạnh tranh vì không tác động được nhiều đến độc giả mà vẫn để cho những tờ báo kia gây hại cho độc giả?

Trả lời: Không phải. Nếu gọi đó là sự thất bại thì tức là chúng ta đồng ý rằng, một con cừu đã lao xuống vực mà các con cừu khác không lao xuống vực là kém con cừu kia và tất cả đều lao xuống vực. Đấy là phản ứng của bầy cừu. Tôi không nghĩ như thế. Sự tỉnh táo và sự đúng đắn bao giờ cũng tạo ra sự hấp dẫn. Tại sao chúng ta lại có xu hướng phục vụ những mục tiêu hay là những cảm giác tiêu cực của độc giả? Tại sao chúng ta không ngăn chặn những đòi hỏi tiêu cực của độc giả? Và coi chừng, đừng coi thường độc giả. Hằng ngày báo chí của các bạn bán công khai nhiều nhất mỗi báo cũng chỉ được mấy trăm ngàn bản, nhưng việc in và photocopy các bài viết có chất lượng mà báo chí của chúng ta chưa thừa nhận để đăng công khai có quy mô còn lớn hơn nhiều. Trong xã hội của chúng ta có những sự xuất bản, có những hoạt động báo chí âm thầm có quy mô lớn hơn nhiều so với báo chí công khai. Và đó chính là bản chất của hoạt động báo chí cách mạng khi họ chưa cầm quyền. Làm thế nào mà ông Bảo Đại ở trong thâm cung lại biết đến Nguyễn Ái Quốc? Làm thế nào mà một bà già ở Kiên Giang lại biết đến Nguyễn Ái Quốc? Và làm thế nào để có Chủ tịch Hồ Chí Minh nếu không có những thông tin về Nguyễn Ái Quốc một cách bất hợp pháp trước đó? Chúng ta buộc phải kiên nhẫn giữ gìn phẩm hạnh của mình, bất chấp tất cả một sự cạnh tranh không lành mạnh. Đây chính là nghị lực của người tử tế. Và chúng ta tìm ra những cách khôn ngoan, tìm ra các nghệ thuật để nói những điều có ích cho không phải chúng ta nói những điều vô ích để cạnh tranh với những điều vô ích khác. Trong khi nói chuyện với sinh viên tôi nói rằng, nhiều nhà kinh doanh, nhiều nhà hoạt động xã hội không ý thức được luật nhân quả. Cho đến một ngày đẹp trời nào đó, khi nó hiện ra thì mọi việc đã muộn. Tôi là một người sống kiên nhẫn, đúng đắn trong cái giới hạn mà tôi có khả năng để nhận thức. Có thế tôi không đủ khả năng nhận thức được nhiều giới hạn, nhưng trong những thứ mà tôi biết được thì đạo lý và sự đúng đắn là yếu tố khống chế, toàn bộ. Tôi là nhà kinh doanh, công ty của chúng tôi có doanh số mấy triệu đôla một năm. Tôi sở hữu hơn bảy mươi phần trăm công ty này và về nguyên tắc là tôi có hơn bảy mươi phần trăm trong doanh số đó. Trong một vài năm tôi có thể trở thành triệu phú, nhưng lương tôi trả cho cán bộ của tôi rất cao. Và tôi luôn nghĩ rằng tôi không phải là ông chủ, tôi là tư lệnh của một dự án kinh tế và vì thế tôi phải chia phần chiến lợi phẩm ấy cho các binh sĩ của tôi. Nếu quan niệm như thế thì tôi là một CEO bền vững. Công ty tôi có 250 người. Cán bộ của tôi ra đi rất nhiều và thành lập 7, 8 chục công ty như của tôi. Thường thì tôi không gặp mặt để chia tay những người như vậy. Tôi giấu cái sự lưu luyến con người của tôi đi để bảo tồn số đông nhưng trong lòng tôi tôn trọng những người có năng lực như vậy.

Đừng vì cạnh tranh mà đánh mất mình. Cạnh tranh mà các bạn hiểu khác với cạnh tranh trong đời sống tự nhiên. Cạnh tranh trong đời sống tự nhiên là sự tham gia của các yếu tố khác nhau vào trong đời sống, và khi con người tự do thì con người luôn luôn tìm đến sự phong phú của sự khác nhau ấy. Còn cạnh tranh của chúng ta là xấu - tết. Chúng ta thêm một chút phoóc môn vào trong bánh phở để làm cho bánh phở giòn hơn mà không hiểu rằng, yếu tố cạnh tranh không chỉ là bánh phở giòn mà còn có thế là cái bàn ngồi, có thế là không khí ở trong quán. Tức là người ta không cạnh tranh bằng phở mà cạnh tranh bằng việc cung cấp phở. Các yếu tố xã hội càng tham gia một cách rộng lớn vào việc cung ứng các dịch vụ và sản phẩm tinh tê bao nhiêu thì năng lực cạnh tranh càng tăng lên bảy nhiêu. Năng lực cạnh tranh là năng lực phục vụ chứ không phải là năng lực bịa đặt. Chúng ta chưa có một xã hội chuyên nghiệp để quan niệm về sự cạnh tranh một cách toàn diện. Chúng ta chưa có không gian tinh thần đủ tự do, đủ kinh nghiệm để có thể cung cấp một cách tinh tê các dịch vụ, cho nên chúng ta phải nói xấu lẫn nhau để cạnh tranh. Đấy cũng là một trạng thái tất yếu của một nền kinh tế như chúng ta. Nhưng chắc chắn là những cái xấu ấy sẽ đi qua. Chúng ta phải kiên nhẫn sống để chờ đến ngày cuộc sống tốt lên. Người tích cực là người làm cho cuộc song tốt hơn nó vốn có, còn người bình thường như chúng ta thì kiên nhẫn giữ mình để chờ khi cuộc sống tốt lên thì chúng ta vẫn còn đó. Nên chúng ta làm xấu mình vì các thúc bách của đời sống thì đến khi cuộc sống tốt lên chúng ta sẽ trở thành những kẻ quá đắt, những kẻ lạc hậu. Đấy là quan điểm của tôi.

Hỏi: Ông có thể tiết lộ cách xây dựng lực lượng ở trong công ty của ông?

Trả lời: Tôi không có tham vọng tạo ra con người, con người là do Chúa tạo ra. Nhưng tôi có tham vọng tạo ra một quy trình hành động của con người phù hợp với việc làm ăn của công ty.

Khi nào ở trong không gian tinh thần của một người không có người khác thì anh không phải là một con người có giá trị. Khi nào nhắm mắt mà anh chỉ nghĩ đến anh không thôi thì anh là một con người thoái hoá. Tôi nghĩ thế và tôi hướng dẫn con người phải biết nghĩ đến người khác. Người khác là nội đung của ý nghĩ của mình, của hành động của mình, của chương trình hành động của mình. Vì khi con người phấn đấu để thực thi các nghĩa vụ xã hội của mình thì đấy là chính nó. Công nghệ không phải là đi hai bước rồi dừng một bước, tôi không máy móc như thế. 90% các hành vi hằng ngày của con người là vô thức. Nháy mắt hay thở chẳng hạn, là những hành vi vô thức, có khi chiếm đến 70% các hành vi hàng ngày của con người. Vậy thì làm sao chúng ta có thế đưa ra một quy trình hành động cho một con người được? Quy trình hành động trên một vấn đề nào đó thì có thể nhưng toàn bộ quy trình hành động của một con người thì không. Nếu kiểm soát như vậy thì không còn con người nữa. Tôi có nói với một số nhà báo rằng, các anh nói đến tự do báo chí nhưng các anh nói to quá. Bức tường chính trị không giãn ra bởi sự nói to của bất kỳ ai, nó sẽ tự giãn ra khi cuộc sống đòi hỏi. Vì thế nói quá to về tự do báo chí sẽ có những giá trị tiêu cực. Các nhà báo cần phải khôn ngoan để chế biến các thông điệp thành những thứ mà với năng lực hiện có nhà cầm quyền có thể chấp nhận được. Và khi những thông điệp đó đến được với xã hội thì xã hội sẽ tự hình thành những đòi hỏi. Sự hình thành các đòi hỏi của xã hội sẽ làm cho các bức tường chính trị giãn ra chứ không phải sự nói to của bất kỳ ai. Các nhà chính trị, những người cầm quyền cũng có con cái. Nếu chúng ta biết chế biến những đòi hỏi như vậy thành những thứ thông thường, gần gũi với đòi hỏi của con cái họ thì sẽ tạo ra được sự thông cảm chính trị giữa chúng ta với họ. Đây chính là điều vô cùng quan trọng, là một trong những điểm quan trọng nhất của hoạt động truyền thông trong một xã hội như xã hội của chúng ta. Những người cầm quyền không từ chối chân lý, người ta chỉ từ chối chân lý có hại cho họ. Vậy phải diễn đạt các chân lý không có hại cho họ thì chân lý sẽ được chấp nhận. Nếu mục tiêu của chúng ta là truyền bá chân lý thì không cần thiết phải cãi các nhà cầm quyền. Tôi có một nguyên tắc là cái gì mà Chính phủ làm tốt thì chúng ta sẽ nói to lên để biểu dương, còn với những điều không phải thì chúng ta sẵn sàng im lặng. Bởi vì khi biểu dương cái tốt thì cái xấu sẽ tự co lại. Điều này không phải do tôi phát hiện ra mà là Khổng Tử. Khổng Tử có một nguyên lý rất quan trọng là "ẩn Ác, dương Thiện". Khi biểu dương cái Thiện thì cái Ác sẽ chui vào trong hang. Khi cái Ác chui vào trong hang lâu ngày thì nó thoái hoá. Sự thoái hoá của cái Ác là mục tiêu của tiến bộ xã hội.

Nền văn hoá của chúng ta được xây dựng trên một truyền thống suy nghĩ đơn nguyên. Chúng ta ca ngợi tính một dây của đàn bầu và chúng ta không quen với âm nhạc đa âm. Chúng ta không có âm nhạc đa âm nên chúng ta không có tư duy đa nguyên và do đó chúng ta không thấy cuộc đời có nhiều thứ. Nếu muốn vẽ một chân dung thì chúng ta không thể vẽ bằng một mầu được. Muốn dựng một bức tranh không gian thì chúng ta không dùng một tiếng hát và một tiếng nói được. Nên chúng ta bỏ đi tất cả các âm thanh mà gió gây ra thì tiếng chim trở thành một thứ âm thanh kỳ quặc. Sở dĩ tiếng chim hấp dẫn chúng ta là bởi vì nó được hót trong nền của gió và người thông tuệ là người biết rõ vai trò của gió trong việc làm sáng lên tiếng chim. “Một tiếng chim kêu sáng cả rừng”,là câu thơ của Khương Hữu Dụng. Câu thơ ấy đơn giản một cách kỳ lạ nhưng đúng một cách kỳ lạ. Cho nên, chúng ta hãy tập nghĩ trong sự phối khí của nhiều yếu tố tham gia vào quá trình tư duy của mình.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Xây dựng nền văn hóa kinh doanh

    17/10/2019Nguyễn Trần Bạt - Chủ tịch HĐQT Investconsul GroupNhà thơ Chế Lan Viên có viết “Quá khứ không chỉ ở sau lưng, quá khứ còn ở trước mặt”. Một câu thơ không nổi tiếng lắm nhưng thật là thông thái: Chúng ta cần và phải nhìn lại tiến trình của lịch sử dân tộc nếu muốn tìm ra con đường phát triển đất nước cho tương lai. Lịch sử thật hào hùng, nhưng chúng ta không thể dừng lại mà phải từ lịch sử hào hùng đó đi lên, phải giành lấy một tương lai tươi sáng...
  • Con người là tiền đề của nền kinh tế năng động

    24/10/2018Nguyễn Trần BạtTính năng động của nền kinh tế quan trọng như thế nào trong điều kiện cạnh tranh, có lẽ không cần nhắc lại. Điều này được phản ánh phần nào trong thái độ của xã hội khi sử dụng tính từ "năng động" để nói về các doanh nhân giỏi hay trong tần số xuất hiện thường xuyên trên báo chí của cụm từ "chuyển đổi cơ cấu kinh tế". Tuy nhiên, thế nào là một nền kinh tế năng động và làm sao để đạt được tính năng động của nền kinh tế lại chưa được nghiên cứu phân tích thấu đáo...
  • Sân golf và bài toán yên dân

    20/09/2014Nguyễn Trần Bạt“Khi lấy yên dân làm mục tiêu thì ta sẽ lựa chọn được những yếu tố thích hợp cho sự phát triển. Yếu tố nào không làm phương hại đến nhân dân, không loại bỏ đại bộ phận những người lao động, vừa thoả mãn được sự tiên tiến của đòi hỏi thế giới mà vẫn khuyến khích, dìu dắt được sự phát triển năng lực của người Việt thì là yếu tố thích hợp cho Việt Nam.”
  • Cơ hội thứ tư - toàn cầu hóa

    18/04/2004Nguyễn Trần BạtMỗi một dân tộc đều tranh luận với các dân tộc khác về hệ thống giá trị, về định nghĩa con người của mình mà không dịch chuyển đến cái ngưỡng của nó. Từ những năm cuối thế kỷ XX đến nay, trên thế giới xuất hiện một trào lưu mới, một hiện tượng văn hóa mới và rộng lớn, đó là hiện tượng toàn cầu hoá. Hiện tượng này đã phá vỡ từng mảng một sự cát cứ về tinh thần trên toàn thế giới...
  • Tập đoàn nhà nước và cỗ xe kinh tế Việt Nam

    30/06/2010Nguyễn Trần BạtNền kinh tế VN hiện nay được vận hành như một cỗ xe ngựa. Cỗ xe ấy phải loại bỏ những yếu tố đã quá lạc hậu để tạo điều kiện cho con ngựa chạy với tốc độ phát triển mà đời sống đòi hỏi. Ngược lại, con ngựa cũng phải lường hết được những "ổ gà" trên đường...
  • Cường quốc và vai trò lãnh đạo thế giới

    22/12/2009Nguyễn Trần BạtLãnh đạo, là việc xúc tiến sự đồng thuận nhằm đạt được các mục tiêu chính trị - xã hội, nói cách khác, đó là việc tìm kiếm sự chấp nhận đối với hệ thống giá trị của mình như những quy tắc lẽ phải của đời sống, nhằm giải quyết những xung đột và điều hoà lợi ích giữa các quốc gia. Khác với nô dịch về mục đích và phương thức tiến hành, lãnh đạo là một hoạt động nghệ thuật và khoa học...
  • Từ thế giới thứ ba đến một thế giới thứ hai rưỡi hay dân chủ hóa như là cuộc giải phóng thứ hai

    01/12/2009Nguyễn Trần Bạt...một khi các dân tộc giành được độc lập của mình, các nhà nước dân tộc sẽ xuất hiện với cấu trúc chính trị và chất lượng chính trị hoàn toàn khác nhau, với những xã hội cũng khác nhau...
  • Bàn về "những giá trị sống"

    29/11/2009Nguyễn Trần Bạt...một trong những nội dung quan trọng nhất trong tư duy của con người chính là lợi ích. Người không làm chủ các tư duy lợi ích, không thiết kế được công nghệ tư duy lợi ích và không biến tư duy lợi ích thành một nghệ thuật sống là người không có bản lĩnh trên thực tế...
  • Công chức bỏ việc - tín hiệu tốt của xã hội dân sự

    01/10/2009Nguyễn Trần BạtCán bộ là một danh hiệu hết sức quan trọng. Những người làm cán bộ ngày xưa ở các phường, xã được miễn dịch nhiều thứ, không bị săm soi, không bị phân loại và không bị quản lý. Nhưng từ khi chúng ta thay từ cán bộ thành công chức thì dường như chúng ta cũng thay đổi luôn các quan điểm rất truyền thống của khái niệm cán bộ...
  • Báo chí cần làm gì cho nền kinh tế?

    08/09/2009Nguyễn Trần BạtTrong những năm đổi mới vừa qua, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể với tốc độ tăng trưởng khá cao, vào khoảng 7% trong vòng 15 năm, giúp Việt Nam tăng gấp đôi thu nhập bình quân. Nhưng chúng ta cần phải phân biệt giữa những thành tích của nền kinh tế với những thành tích của các doanh nghiệp, giữa những thành tích về lượng và những thành tích về chất...
  • Nguyễn Trần Bạt: Viết vì sự tiến bộ

    24/08/2009Chử HàDù biết ông từ lâu nhưng khi "ngốn" gần hết 2 cuốn sách gồm những bài viết, bài nói chuyện và trả lời phỏng vấn của ông đăng trên các báo và tạp chí mới thấy giật mình phát hiện một Nguyễn Trần Bạt khác, một dòng chảy tinh thần với những giá trị mới rất cần cho một Việt Nam hội nhập. Đúng như sự khao khát của tác giả: "Viết vì sự tiến bộ"!
  • xem toàn bộ