Về lại quê nhà

07:50 SA @ Thứ Bảy - 24 Tháng Bảy, 2010

Năm 2007, chuyện cô dâu Huỳnh Mai bị người chồng Hàn Quốc giết chết sau đám cưới hai tháng đã làm nhiều người phải kinh hoàng. Chỉ một ngày trước khi bị đánh đến chết với 18 cái xương sườn gãy, cô đã viết: “Em muốn về lại Việt Nam... về Việt Nam em sẽ làm lại từ đầu và đối xử tốt với ba mẹ em”.

Cuối cùng cô đã trở về, trong một bình tro.

Hôm nay, cô dâu Thạch Thị Hồng Ngọc bị chồng đâm chết chỉ bảy ngày sau khi về làm dâu, cũng từ Hàn Quốc về nhà trong hình hài một bình tro.

Những nụ cười rạng rỡ ngày cưới, những thân thể tuổi hai mươi đầy sức sống, thoắt chỉ còn là những nắm tro lạnh lẽo. Chắc chắn quê nhà là nơi cô gái trẻ bất hạnh nhớ đến nhiều nhất khi cô độc, tuyệt vọng, những lúc bị ngược đãi tàn nhẫn ở một nơi hoàn toàn xa lạ, tiếng nói xa lạ, văn hóa xa lạ, con người cũng xa lạ.

Nhưng quê nhà cũng là nơi các cô đã vội vàng chia tay, ao ước được ra đi và xem việc lấy được chồng ngoại quốc là điều may mắn, đến nỗi gật đầu ngay với những chú rể chỉ mới thấy mặt mà chưa rõ danh tính, nhân thân, chấp nhận một đám cưới tạm bợ đâu đó mà gia đình không được quyền quyết định. Cái chết cũng như số phận bi thảm của các cô dâu đã xảy ra, vẫn không ngăn được nhiều cô gái đôi mươi khác khao khát ra đi bằng mọi giá, không chút cẩn trọng, đắn đo.

Quê nhà đã làm gì để bảo vệ công dân của mình, khi làn sóng lấy chồng ngoại vẫn ồ ạt, mà những cái chết tức tưởi không phải là cảnh báo mới mẻ? Sau cái chết của Ngọc, những hỗ trợ và giúp đỡ gia đình nạn nhân hầu hết xuất phát từ các tổ chức phi lợi nhuận của Hàn Quốc.

“Rất xấu hổ” là điều các phóng viên báo chí Hàn Quốc, nghị sĩ Hàn Quốc phát biểu khi được hỏi về sự việc. Còn các cơ quan hữu quan và đoàn thể Việt Nam, cảm giác là gì? Họ đã làm gì ngoài vài lời thăm hỏi và mau chóng đổ lỗi cho các công ty môi giới hôn nhân?

Tại Mỹ, IMBRA (International Marriage Broker Regulation Act - Điều luật môi giới hôn nhân quốc tế) yêu cầu các công ty môi giới phải cung cấp cho cô dâu tương lai đầy đủ thông tin (bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của họ) về luật hôn nhân gia đình, về quyền của nạn nhân nạn bạo hành gia đình và bạo hành tình dục, trong đó có cả đường dây nóng để tham vấn khi bị bạo hành cũng như yêu cầu được bảo vệ khi quyền lợi bị xâm phạm. Các công ty môi giới có trách nhiệm thu thập, cung cấp đầy đủ thông tin chi tiết về khách hàng - chú rể - cho các cô dâu: tiền án tiền sự, tiền sử hôn nhân, tiền sử tấn công tình dục và bạo lực của khách hàng...

Tuy vậy, vẫn còn ý kiến yêu cầu hoàn thiện IMBRA theo hướng xử phạt nặng những hành vi gian dối của các công ty môi giới, yêu cầu các công ty phải có dịch vụ tư vấn về kỹ năng giao tiếp và giải quyết xung đột trong một cuộc hôn nhân đa văn hóa.

Ở Việt Nam, nếu có luật cụ thể về hoạt động của các công ty môi giới nhằm hạn chế những trường hợp thương tâm đi nữa, vẫn không ai cảm thấy cô dâu sẽ được đối xử bình đẳng một khi họ vẫn chấp nhận được “cưới” như một cuộc mua bán. Từ khởi đầu đó, bất bình đẳng, bạo lực và lạm dụng chắc chắn sẽ xảy ra. Thảm kịch xảy ra ở xứ người, nhưng nhiều căn nguyên của nó lại xuất phát chính từ quê nhà.

Quê nhà, giáo dục của gia đình và nhà trường chưa cho các em những kỹ năng sống cơ bản và nhận thức đủ về bản thân, kỹ năng chọn lựa và quyết định đúng đắn. Cho đến bây giờ nhiều người vẫn xem việc cô dâu bị giết chết, bị ngược đãi... chỉ là “xui rủi” mà không nhận ra rằng, lấy chồng nước ngoài để “được sung sướng và kiếm tiền giúp đỡ gia đình” tự nó đã trái với bản chất tự nhiên của tình yêu và hôn nhân. Huống hồ chưa biết gì về nhân thân của người sẽ lấy làm chồng, về những khác biệt văn hóa để định hướng thích nghi. Làm sao có thể phó mặc cuộc đời cho những “may rủi” chết người như vậy?

Và trên tất cả, quê nhà - những làng xóm xác xơ vì nghề nông chưa bao giờ no đủ đã xô đẩy người người ồ ạt đổ lên thành phố tìm kế sinh nhai. Rồi khi nhận ra thành phố cũng không là “miền đất hứa” với áp lực của nghèo đói và cách biệt giàu - nghèo quá lớn, họ càng muốn ra đi, xa hơn nữa. Người dân nông thôn hiện nay luôn khát khao đi tìm một lối thoát nghèo và giấc mơ đổi đời ở đâu đó chứ không phải là ở nơi quê nhà của mình.

Quê nhà ơi, hãy làm gì đó để đừng phải tiếp tục đón người trở về trong những bình tro!

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Làm người Việt Nam

    28/10/2016Nguyễn Khắc ViệnTốt nghiệp phổ thông, chuyên nghiệp và cả đại học nữa nhiều khi cũng không tìm ra việc. Sống chưa nổi, nói gì đến lối sống. Có lần, chụp được tay một em bé móc túi, tôi hỏi: Tại sao em lại đi móc túi? Nó hỏi lại: Thế bác bảo cháu làm gì bây giờ?
  • Tính cách Việt

    04/04/2009Hữu NgọcCách đây mấy năm, ở Trường đại học Goteborg, tôi có dịp thảo luận với giáo sư xã hội học P. Therborn để tìm hiểu thêm về tâm tính người Thụy Điển. Trong lĩnh vực này ông cho là phải hết sức thận trọng, nếu không sẽ đi đến khiên cưỡng, gán ghép, rơi vào đầu óc chủng tộc; đây là một lĩnh vực rất tương đối, thay đổi tùy từng thời kỳ lịch sử, từng vùng, và cả từng cá nhân nữa. Tôi thấy nhận định này hoàn toàn đúng.
  • “Mảnh hóa thạch” của văn hóa Việt trên đất Mỹ

    20/01/2009Kinh BắcKhi nói về bộ khăn đóng áo dài của dân tộc, có người đã nói: “Đi xa mới thấy thương mến khăn đóng áo dài dân tộc”. Câu nói ấy, tình cờ khái quát một điều rằng, đã là người Việt, càng đi xa, người ta càng thêm gắn bó với gốc gác của mình. Cũng chính bởi thế, ở nơi cách đất Việt đúng nửa vòng trái đất, có một người đã đứng ra làm một bộ đại từ điển điện tử về văn hóa Việt Nam…
  • Gặp “ông chủ” Viet-studies

    13/09/2008Nguyễn Thị Ngọc Hải thực hiệnCác “fan” bất ngờ gặp ở Press Café trong cơn mưa lạ Sài Gòn. Hiểu vì sao trên trang web được coi như bộ lọc tri thức lớn nhất, có dòng báo cáo: “Cho đến ngày 16.8 trang này không được cập nhật thường xuyên – người làm trang về quê”. Vị khách cao gầy, áo pun giản dị, kêu “1 ly cà phê đá lớn” – giáo sư tại Mỹ nổi tiếng nhưng khiêm nhường - Trần Hữu Dũng...
  • Người Việt ở Nga giàu lên như thế nào?

    22/05/2008Thế LữNgười Việt sang học tập, nghiên cứu, lao động ở các nước thuộc Liên Xô cũ rất sớm. Nhưng người Việt giàu lên ở Nga, Ucraina… chỉ từ năm 1989 đến nay. Đặc biệt, từ năm 1989-1997 là khoảng thời gian ở Nga, Ucraina có đến cả trăm người được cộng đồng người Việt phong “soái”, bởi tài sản của học từ vài triệu đến hàng trăm triệu USD. Nhưng, mùa xuân này, nhiều khó khăn, thách thức mới đang đến với họ ngay trên nước Nga - nơi mà họi đã giàu lên!
  • Chảy máu chất xám: Một hình thức giàu bóc lột nghèo?

    14/10/2006Minh ChiếmKhông ai nói đến hiện tượng chảy máu chất xám từ các nước công nghiệp phát triển sang các nước đang phát triển, mà chỉ có duy nhất một hình thức ngược lại. Hậu quả hiền nhiên của tình trạng này là những nước nghèo đang thiếu thốn nhân tài thì lại ngày càng thiếu thốn...
  • xem toàn bộ