Vinh danh nhà văn hóa Phan Khôi tại Giải thưởng Phan Châu Trinh năm 2017

05:19 CH @ Thứ Ba - 28 Tháng Ba, 2017

Tối 24/3, lễ trao giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh lần thứ 10 đã diễn ra tại TP.HCM. Tại lễ trao giải này, nhà văn hóa Phan Khôi đã được tôn vinh là “Danh nhân văn hóa Việt Nam thời hiện đại”. Như vậy, sau các danh nhân đã được tôn vinh trong những mùa giải trước gồm: Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh; Phan Khôi đã trở thành cái tên thứ 5 được vinh danh trong dự án cao quý nhằm lưu giữ và phổ biến tới công chúng tầm vóc cũng như di sản to lớn mà các danh nhân lỗi lạc đã để lại trong lịch sử hiện đại Việt Nam kể từ thế kỷ 19.

Tại buổi lễ, thay mặt cho Hội đồng khoa học Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, trong diễn từ vinh danh, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyên Ngọc đã ôn lại cuộc đời, sự nghiệp cũng như những cống hiến quan trọng của Phan Khôi cho nền văn hóa, học thuật của nước nhà.


Nhà văn Nguyên Ngọc, Chủ tịch Hội đồng khoa học Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh đọc diễn từ vinh danh...

..

DIỄN TỪ VINH DANH NHÀ VĂN HÓA PHAN KHÔI

Kính thưa bà Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh!

Kính thưa GS.TS Chu Hảo, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh!

Kính thưa Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyên Ngọc, Chủ tịch Hội đồng khoa học Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh!

Kính thưa quý bà con thân thuộc, dòng tộc, bạn hữu và hậu duệ của gia đình nhà báo Phan Khôi!

Kính thưa các vị khách quý!

Các thập niên cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX là một thời kỳ đầy biến động của xã hội Việt Nam về các phương diện chính trị, tư tưởng, văn hóa, ngôn ngữ, v.v… Trong thời kỳ đó, một thế hệ các học giả Việt Nam đã đi vào lịch sử tư tưởng, lịch sử văn học Việt Nam như những gạch nối giữa nền cựu học với nền tân học, để lại các di sản quý giá về sự tổng hợp cái thâm thúy và tế nhị của nền văn hóa phương Đông với cái khúc chiết, khoa học của nền văn hóa phương Tây. Nhà báo Phan Khôi được vinh dự đứng trong hàng ngũ các học giả đáng kính đó.

Chúng tôi chân thành cảm ơn Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh đã tổ chức nghiên cứu, đánh giá sự đóng góp và tôn vinh những học giả thuộc thế hệ này, như những danh nhân tiêu biểu của nền văn hóa Việt Nam thời hiện đại. Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh là một tổ chức đầy tính nhân văn có uy tín cao của trí thức Việt Nam với một Hội đồng Khoa học thật sự công tâm, khách quan và trung thực. Sự công nhận của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh là một vinh dự lớn lao đối với các cá nhân được vinh danh.

Hôm nay, toàn thể các hậu duệ của nhà báo Phan Khôi vô cùng cảm kích với quyết định của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh công nhận ông là Danh nhân văn hóa Việt Nam thời hiện đại (giữa thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX). Quyết định đó có lẽ làm cho, ở cõi hư vô, nhà báo Phan Khôi được gặp lại và nhận được lời khen ngợi của người thầy đáng kính của mình, Chí sĩ Phan Châu Trinh.

Kính thưa quý vị đại biểu!

Kính thưa vong linh nhà báo Phan Khôi!

Các hậu duệ của Phan Khôi luôn tự hào khi ôn lại cuộc đời vô cùng sôi động của bậc tiền bối đáng kính của mình.

Vào những năm trẻ tuổi, Phan Khôi bắt đầu tham gia phong trào Duy Tân dưới sự dẫn dắt của người bạn của cha mình là Chí sĩ Phan Châu Trinh. Từ đó, Phan Châu Trinh là người thầy và cũng là ngọn đuốc soi đường của Phan Khôi trên con đường cách mạng cũng như các hoạt động báo chí. Tôn chỉ của nhà cách mạng Phan Châu Trinh là kim chỉ nam cho phương hướng hoạt động văn học nghệ thuật của Phan Khôi, với mục đích nâng cao dân trí cho người Việt Nam, góp phần xây dựng một nước Việt Nam độc lập và hùng mạnh. Nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân đã nhận xét một cách xác đáng rằng: “Có thể nói Phan Khôi là người thể hiện rõ nhất và thành công nhất chủ trương duy tân kiểu Phan Chu Trinh vào đời sống, nhưng khác với người tiền bối ấy, Phan Khôi hoàn toàn không thể hiện mình như một chí sĩ; ông sống như một người thường trong đời thường, chỉ hoạt động chuyên nghiệp như một nhà ngôn luận, chỉ tác động đến xã hội bằng ngôn luận”.

Phan Khôi tự nhận mình là một người viết báo chuyên nghiệp. Tuy nhiên, Phan Khôi không dừng lại ở một người viết báo phản ảnh thời cuộc mà đã tự nâng lên đến tầm cao tư duy khoa học. Khối di sản ông để lại cho hậu thế thể hiện trong nhiều nghìn trang sách báo, đề cập và luận bàn về một loạt các vấn đề khác nhau, từ nho giáo đến lịch sử, từ ngữ pháp đến luận lý học, từ khoa học kỹ thuật đến triết học, từ vấn đề nữ quyền đến các vấn đề xã hội, từ thơ ca đến văn chương, từ sáng tác đến dịch thuật, v.v… Vì vậy, giới trí thức và các nhà nghiên cứu văn hóa đánh giá cao Phan Khôi như một học giả, một nhà tư tưởng, một nhà văn.

Như một học giả, trước tiên Phan Khôi là một nhà nghiên cứu khoa học tiên phong trong lĩnh vực khoa học xã hội với một loạt công trình nghiên cứu về Nho giáo, về lịch sử, về ngữ pháp tiếng Việt, về áp dụng luận lý học, v.v… Công trình khoa học tiêu biểu nhất của ông là phát minh ra một quy luật mới trong thi ca Việt Nam, trên cơ sở đó sáng tác bài thơ “Tình già” nổi tiếng, mở đầu phong trào thơ mới. Phan Khôi góp phần làm giàu tri thức của cộng đồng bằng cách nêu lên chính kiến của mình về nhiều vấn đề có liên quan đến con người và xã hội như văn hóa, triết học, khoa học, nhân sinh quan, quan điểm về học tập, vấn đề cải cách và vấn đề lập hiến, v.v… Những chính kiến của ông phần lớn đã được thực tế cuộc sống đánh giá là đúng đắn.

Như một nhà tư tưởng, Phan Khôi là người đầu tiên phân tích học thuyết Nho giáo, chỉ ra các nhược điểm của nó cản trở sự tiến bộ của xã hội, lên án Hán nho và Tống nho; là người đầu tiên phân tích sự khác biệt giữa hai tư tưởng phương Đông và phương Tây, đồng thời nêu lên tính ưu việt của nền khoa học và công nghệ phương Tây; là người đi tiên phong trong việc xây dựng quan niệm mới về người phụ nữ trong sự bình đẳng về giới tính, xem đổi mới vị trí người phụ nữ là góp phần đổi mới xã hội; v.v…

Như một nhà văn, Phan Khôi là người mở đầu cho nhiều thể loại văn học ở Việt Nam, như phê bình văn học, thể văn hài đàm; ông có những tác phẩm văn học như truyện ngắn, truyện dài, thơ và các công trình dịch thuật từ các tác phẩm của các nhà văn Trung Quốc nổi tiếng; ông xây dựng một lối viết văn khúc chiết, chặt chẽ, trong sáng và dễ hiểu trên cơ sở luận lý học; ông phấn đấu không mệt mỏi cho sự thống nhất tiếng Việt trong cả nước và viết đúng chữ quốc ngữ; ông mở mục “Vai ngự sử trên văn đàn” đảm nhận vai trò là người sửa văn, dọn vườn văn, góp phần làm trong sáng tiếng Việt; ông là một trong những người đã dịch Kinh Thánh cho Hội Tin lành Việt Nam ra tiếng Việt; v.v…

Đặc điểm nổi bật nhất trong các tác phẩm của Phan Khôi làtính phản biện. Ông thường lật ngược các vấn đề mà dường như ý kiến của cộng đồng đã đồng thuận hoặc coi là hiển nhiên. Vì vậy mà các tác phẩm của ông trở thành các công trình nghiên cứu có ý nghĩa khoa học và hấp dẫn bạn đọc. Sự phản biện đó đã góp phần vào việc hoàn thiện nền tảng tri thức của xã hội Việt Nam.

Thái độ phê phán thẳng thắn của Phan Khôi thể hiện trong các tác phẩm phản biện xã hội. Sự phê phán của ông đầy tính thuyết phục vì ông hội đủ các tư chất của một nhà phản biện khách quan, có hiểu biết chuyên môn, nhạy bén với các mặt của cuộc sống, lý luận có logic, có khả năng phân tích và tổng hợp và đặc biệt là sự dũng cảm đương đầu với bộ máy cầm quyền.

Thập niên 30 của thế kỷ XX là thời gian sôi động với các cuộc bút chiến trên văn đàn Việt Nam, mà trong đó Phan Khôi thường đóng vai trò phát động hay diễn giả chính. Trong các cuộc bút chiến đó, Phan Khôi thể hiện là một nhà ngôn luận có kiến thức uyên bác, có phương pháp lập luận chặt chẽ với phong thái đĩnh đạc và niềm tin lạc quan vào sự thắng lợi của chân lý.


Nhà văn hóa Phan Khôi cùng vợ con. Ảnh: tư liệu.

.

Kính thưa quý vị đại biểu!

Lịch sử Việt Nam trải qua nhiều thăng trầm trong nửa đầu thế kỷ XX. Phan Khôi đã sống và cống hiến trí tuệ của mình cho dân tộc và tổ quốc trong thời đại đầy biến động đó. Ông đi khắp ba miền của đất nước, chứng kiến một dân tộc đang đấu tranh quyết liệt giành lại nền độc lập cho đất nước, và bản thân ông đã trải qua những năm tháng hào hùng ở chiến khu Việt Bắc vì nền độc lập đó. Khi đất nước đã có độc lập rồi thì khát vọng của dân tộc là tự dodân chủ. Phan Khôi là người đi tiên phong trong cuộc đấu tranh này với bao nhiêu gian nan và cay đắng, tưởng chừng ông phải gục ngã trước quyền uy.

Nhưng không. Phan Khôi vẫn là một người con xứ Quảng với bản tính cương trực, tự tin và yêu cuộc sống. Ở tuổi xế chiều của cuộc đời, chịu đựng bao điều bất công nghiệt ngã, ông vẫn thanh thản cống hiến sức lực còn lại của mình cho xã hội, như ông đã viết trong bài thơ Nắng chiều nổi tiếng:

Nắng chiều đẹp có đẹp,

Tiếc tài gần chạng vạng,

Mặc dù gần chạng vạng,

Nắng được thì cứ nắng.”

Nắng được thì cứ nắng! Phương châm sống đó đã làm cho Phan Khôi đứng vững trên đôi chân của mình, hăng say nghiên cứu văn học cho đến những ngày cuối cùng trước khi từ giã cõi trần.

Phan Khôi ra đi với niềm tin mãnh liệt rằng một ngày nào đó trong tương lai, chân lý sẽ thuộc về ông, người đời sẽ hiểu ông và trả lại cho ông cái giá trị đích thực của ông. Ngày đẹp trời đó đã đến, chính là hôm nay, kỷ niệm một trăm ba mươi năm ngày sinh của ông, tại buổi lễ trang trọng này, Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh công nhận và khẳng định ông là Danh nhân văn hóa Việt Namthời hiện đại.

Một lần nữa, chúng tôi xin chân thành cảm ơn sự đánh giá của Hội đồng Khoa học Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh về sự nghiệp và các đóng góp của Phan Khôi trong lịch sử phát triển văn hóa Việt Nam của nửa đầu thế kỷ XX. Cảm ơn Quỹ đã vinh danh Phan Khôi, thể hiện sự trân trọng một người học trò xứng đáng của nhà chí sĩ cách mạng Phan Châu Trinh mà quý Quỹ được vinh hạnh mang tên.

Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn các nhà văn, các nhà nghiên cứu và các bạn hữu đã chung sức trong nhiều năm qua trong việc sưu tầm và nghiên cứu các trước tác của Phan Khôi, nhằm khôi phục lại chân dung đích thực của ông, một danh nhân xứng đáng được Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh vinh danh hôm nay.

Noi gương bậc tiền bối, tất cả các hậu duệ của Phan Khôi đồng lòng phát huy tuyền thống hiếu học, trau dồi phẩm chất đạo đức và hết lòng phụng sự đất nước mà Phan Khôi đã nêu gương gần một thế kỷ trước đây.

Chúng tôi xin cảm ơn sự quan tâm và chia sẻ của tất cả các vị khách quý, tất cả các bác, các cô, các chú, các anh chị em và bạn hữu đã đến dự buổi lễ vinh danh trang trọng này.

Xin kính chúc các quý vị sức khỏe, hạnh phúc và nhiều thành công!

Xin kính chúc Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh ngày càng phát triển!

Xin trận trọng cảm ơn!


ĐỀ XUẤT TÔN VINH DANH NHÂN VĂN HÓA VIỆT NAM THỜI HIỆN ĐẠI

PHAN KHÔI

(Lại Nguyên Ân)


Tác gia Phan Khôi (1887-1959) là một tên tuổi lớn trong hoạt động báo chí, văn học, tư tưởng Việt Nam ở thời hiện đại.

Quê tại Quảng Nam, sinh trưởng trong gia đình nhà nho, đời ông và đời cha đều đỗ đạt, làm quan, Phan Khôi theo Nho học từ nhỏ. Năm 1906 dự thi hương, đỗ Tú tài. Cũng từ cuối năm 1906, Phan Khôi tham gia phong trào duy tân, vận động cát tóc ngắn, đi quyên tiền và chọn người cho “Đông du”; đầu năm 1908 Phan Khôi là một trong số những thành viên trẻ được phong trào duy tân Quảng Nam cử ra Hà Nội học tiếng Pháp. Cũng thời gian đó tại Quảng Nam nổ ra vụ “xin xâu”, chính quyền Pháp ra tay đàn áp. Phan Khôi bị bắt đưa về Quảng Nam, bị kết án tù 3 năm; 1911 ra tù, Phan Khôi còn tiếp tục hoạt động trong “ám xã” thêm vài năm nữa; sau đó, ông xin ra khỏi tổ chức bí mật, để chuyển hướng đời mình sang “phụng sự Tổ quốc về mặt văn hóa″.

Từ bỏ con đường của chí sĩ, Phan Khôi bắt đầu tìm kiếm cho mình một phương hướng sống mới. Ông tìm học chữ Quốc ngữ, học tiếng Pháp, lại cũng tìm tòi học hỏi từ các nguồn sách báo từ Trung Hoa, từ Pháp đưa đến xứ ta.

Về nghề nghiệp mưu sinh, sau thời gian dạy học tại nhà, Phan Khôi bắt đầu viết báo (chữ Hán và chữ Việt) từ năm 1917 cho tạp chí Nam Phongở Hà Nội với bút danh Chương Dân . Đầu 1918 ông ra Hà Nội làm việc trong tòa soạn báo này, song chỉ một năm sau, ông thôi việc về nhà. Năm 1919, ông vào Sài Gòn, viết cho tờ Quốc dân diễn đàn,và sau đó, cho tờ Lục tỉnh tân văn.Được vài tháng, lại bị buộc thôi việc.

Năm 1920, ông ra Hải Phòng, vào làm thư ký cho hãng tàu Bạch Thái. Đầu năm 1921 thôi việc ở đấy, lên Hà Nội, cộng tác với các tờ Thực nghiệp dân báo và tạp chí Hữu thanh. Nhưng phần lớn thời gian suốt 5 năm (1921-1925) Phan Khôi cộng tác với Hội thánh Tin Lành ở Hà Nội (tức là Hội truyền giáo Phúc âm liên hiệp /Christian and Missionary Aliance; C&MA/, từ Hoa Kỳ vào Việt Nam) dịch Kinh Thánh Thiên Chúa giáo, dưới sự chủ trì của bà mục sư Grace Hazenberg Cadman. Đây là dịp rất may mắn để Phan Khôi được mở rộng tầm mắt, hiểu biết văn hóa Thiên Chúa giáo phương Tây, nhất là nhánh tôn giáo cải cách Tin Lành.

Đầu năm 1926, Phan Khôi đến Huế, mục đích là gặp Khâm sứ Pasquier để xin giấy phép ra một tờ báo nhưng việc không thành; ông ở nhờ nhà riêng Nguyễn Bá Trác, khi ấy vừa được bổ chức Tán lý bộ Học, đúng lúc Phan Bội Châu bị chính quyền Pháp, vì định bỏ tù cụ không được, bèn buộc cụ phải an trí tại Huế, cũng đang ở nhà Nguyễn Bá Trác; sự việc này sẽ gây nhiều rắc rối về sau. Cũng dịp đầu năm 1926, Phan Khôi vào Sài Gòn theo lời nhắn của chí sĩ Phan Châu Trinh, đã từ Pháp về Sài Gòn, và đang bị đau nặng, nằm tại nhà thầy thuốc Nguyễn An Cư (chú ruột Nguyễn An Ninh) rồi chết (24.3.1926). Phan Khôi ở trong nhóm những người chuẩn bị đám tang cụ Phan, được giao viết tiểu sử Phan Châu Trinh. Thế nhưng trong dư luận sĩ phu hai xứ Quảng lại có những đồn thổi rằng dường như Phan Khôi đồng mưu cùng Nguyễn Bá Trác dụ dỗ cụ Sào Nam về hàng Pháp, rằng dường như Phan Khôi được Khâm sứ Trung Kỳ đưa vô Nam ám sát cụ Tây Hồ! Phan Khôi bị ngờ vực, xua đuổi, phải rời Sài Gòn xuống Cà Mau, đến khoảng cuối năm 1927 mới trở lại Sài Gòn.

Từ đầu năm 1928 Phan Khôi bắt đầu viết dưới bút danh C.D. (ký tắt bút hiệu Chương Dân) cho tờ Đông Pháp Thời Báo,khi đó đã thuộc về chủ nhiệm Diệp Văn Kỳ (ông này mua lại tờ báo từ tay chủ nhiệm Nguyễn Kim Đính). Sang năm 1929, Đông Pháp Thời Báođổi tên thành Thần Chung; Phan Khôi tiếp tục viết cho tờ này. Đôi khi ông cũng viết cho báo chữ Hán, tờ Quần Báo(hoặc Hoa Kiều Nhật Báo) của người Hoa ở Chợ Lớn. Từ tháng 5/1929, Phan Khôi và Đào Trinh Nhất cộng tác biên tập và viết bài cho tuần báo Phụ Nữ Tân Văncủa chủ nhiệm Nguyễn Đức Nhuận. Tháng 3/1930, nhật báo Thần Chungbị đóng cửa, Phan Khôi chuyển sang viết cho nhật báo Trung Lậpcủa chủ nhiệm Trần Thiện Quý, khi Bùi Thế Mỹ cũng từ Thần Chungchuyển sang làm chủ bút cho Trung Lập.Ngoài mấy tờ báo tại Sài Gòn, Phan Khôi đôi khi còn cộng tác với một số tờ báo ở Hà Nội như Phổ Thông(1930), Đông Tây(1931-32).


Phan Khôi (1928)

Hoạt động báo chí những năm 1928-1933 đã khiến tên tuổi Phan Khôi trở nên nổi bật trên trường dư luận văn chương báo chí tiếng Việt khắp cả ba miền.

Giữa năm 1933 ông ra Hà Nội, viết cho tờ Thực Nghiệp Dân Báoít lâu rồi nhận lời của chủ nhân Nguyễn Văn Đa làm chủ bút tờ Phụ Nữ Thời Đàm,đổi tờ này từ nhật báo sang tuần báo (1933-34), duy trì tờ báo suốt 22 tuần, trước khi chuyển chức danh chủ bút cho Nguyễn Triệu Luật.

Đầu năm 1934 Phan Khôi về quê chịu tang cha, lại gửi bài cộng tác với các báo ở Sài Gòn như Công Luận(1934), Phụ Nữ Tân Văn(1934).

Đầu năm 1935, Phan Khôi tới Huế, làm chủ bút tờ nhật báo Tràng Ancủa chủ nhiệm Bùi Huy Tín. Đầu năm 1936 ông thôi chủ bút tờ này, chuyển sang cộng tác viết bài cho tuần san Hà Nội Báoở Hà Nội. Sau khi cho in cuốn sách Chương Dân Thi Thoại(nhà in Đắc Lập, Huế, 1936), Phan Khôi đứng ra sáng lập báo Sông Hương,một tờ tuần báo thiên về học thuật, nhất là sử học, văn học, ngôn ngữ, v.v., tuy vậy ông và tờ báo này vẫn tham dự nhiều hoạt động của báo giới giữa lúc phong trào Đông Dương đại hội đang lên cao. Do báo thất thu, Phan Khôi phải ngừng xuất bản Sông Hươngsau 32 số, trước khi bán lại giấy phép Sông Hươngcho nhóm cộng sản Nguyễn Cửu Thạnh, Phan Đăng Lưu. Những năm 1938-1940, Phan Khôi lúc ở Huế, lúc ở Sài Gòn, lúc ở quê Quảng Nam, vừa dạy học, vừa viết bài cho các tờ báo ở Hà Nội như Đông Dương Tạp Chí(tục bản), Thời Vụ, Dư Luận, Ngày Nay, Tao Đàn, Phổ Thông Bán Nguyệt San.Từ 1940 ông hầu như ở Sài Gòn, viết cho tờ Dân Báocủa Bùi Thế Mỹ. Khoảng cuối 1941 đầu 1942, ông ngừng viết báo, từ Sài Gòn về quê Quảng Nam.

Đến đấy cũng chấm dứt hoạt động báo chí của Phan Khôi thời kỳ trước 1945.

***

Như đã nói trên, chính hoạt động báo chí tại Nam Kỳ, tại Sài Gòn đã làm nên tên tuổi nhà văn, nhà báo, học giả Phan Khôi. Ông xứng đáng được coi như một trong những tên tuổi hàng đầu của văn học và báo chí Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX.

Phan Khôi có lúc nói ông tự xem mình là “viên tiểu tưởng của đạo quân bình dân tư tưởng”. Đây là sự tự xác định chính xác, giàu tự trọng tự khiêm của ông. Vốn là nhà nho nhưng đã không còn đi tiếp con đường thi đỗ làm quan, không thể can dự thế sự từ vai trò quan chức nhà nước. Ông không có cái may mắn được đào tạo chính quy trong nền học thuật Pháp-Việt mới, như một số người Việt cùng thế hệ. Ông phải tìm và đi con đường khác, tựu trung là con đường của người làm dân, người trong dân chúng. Bút danh Chương Dân được sử dụng từ 1917 nói khá rõ sự tự xác định ấy của ông. Ngay khi bằng tự học và tự trang bị nhiều nguồn kiến văn mới, ông cũng hiểu rõ mình đã ở trong hàng ngũ kẻ sĩ bình dân, trí giả bình dân. Do vậy, trong tranh biện tư tưởng học thuật, ông không đặt mục tiêu hay tham vọng thay thế những Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, những đại diện của một học vấn dù sao cũng chính quy hơn ông. Ông đặt mục tiêu đối thoại, phản biện lại các đại diện ấy với một sự chân thành lành mạnh.

1/ Phan Khôi và công việc xây dựng nền Quốc văn mới

Thời kỳ từ cuối thế kỷ XIX, nhất là từ đầu thế kỷ XX là một giai đoạn phát triển mới của văn học tiếng Việt, gắn với việc sử dụng chữ Quốc ngữ. Nếu văn chương tiếng Việt, ở các thời kỳ trước đó, được ghi dưới dạng chữ Nôm, chỉ là một trong các bộ phận của văn học Việt Nam (bên cạnh bộ phận viết bằng chữ Hán), thì từ nửa cuối thế kỷ XIX trở đi, bộ phận này dần dần trở thành bộ phận chủ yếu. Người ta biết, thời kỳ ấy, ở Nam Kỳ và sau đó trong toàn quốc, chữ Quốc ngữ được chính quyền thực dân Pháp đưa vào sử dụng như một trong các văn tự chính quy cho các giao tiếp hành chính công cộng, như một trong hai ngôn ngữ chính quy của nhà trường phổ thông ở Nam Kỳ, sau đó trong cả ba miền (nhà trường Pháp-Việt từ Tiểu học đến Trung học).

Hoạt động trong giới viết báo viết văn, Phan Khôi hiểu khá sâu sắc những chuyển biến đã, đang và sẽ xảy ra cho các diễn ngôn tiếng Việt ở thời đại mới. Ông biết khá rõ về những gì diễn ra trong văn hóa văn học ở nước láng giềng Trung Hoa: “Độ Dân Quốc gây dựng được năm bảy năm chi đó, Hồ Thích bắt đầu xướng ra cái thuyết dùng bạch thoại thế cho văn ngôn, làm cho văn thể nước Tàu biến đổi ngay và từ đó tư tưởng người Tàu cũng phát đạt rất mau”.(1) Ông biết, tiếng Việt dưới dạng các văn bản tác phẩm chữ Nôm của các thời đại trước hầu như chỉ nổi bật ở các thể thơ và văn vần, hầu như đạt tới trạng thái cổ điển, nhưng ở dạng tản văn, văn xuôi thì hầu như có quá ít trứ tác, không có những mẫu mực đủ để hậu thế thời ông có thể sử dụng vào viết văn viết báo. “…chữ Quốc ngữ của chúng ta ngày nay còn phân vân, chưa nhứt định, chưa có sách mẹo cùng các sách khác thuộc về phép làm văn, thì bước thứ nhứt là phải do chúng ta lập cái nền quốc văn cho vững chãi đã, rồi mới nói đến cái hay cái đẹp được; nghĩa là trước hết chúng ta phải tập viết văn cho đúng mẹo, cho thông. Hễ đã đúng mẹo, đã thông, rồi mới nhơn đó mà lập thành sách mẹo tiếng Việt Nam và lại nhơn đó lần lần làm ra các sách dạy phép làm văn, luyện đến cái hay cái đẹp, mà thành ra một nền văn chương Việt Nam vậy”. (2)

Ý thức về nhiệm vụ chung của các giới làm văn làm báo là xây dựng nền quốc văn mới, đã thúc đẩy Phan Khôi bắt tay vào một loạt công việc, một loạt đề tài về ngữ học, khởi đầu là vận động công chúng viết đúng chuẩn chữ Quốc ngữ.(3) Ông nhận thấy “người Bắc, người Trung, người Nam, mỗi nơi đều có sai lầm theo thói quen riêng của mình; chúng tôi hết sức công kích mà khuyên người ta phải viết cho đúng. Đúng gì? Đúng tiếng Việt Nam, đúng tiếng mẹ đẻ, đúng với tự vị Trương Vĩnh Ký và Paulus Của”. (4)

Tiếp đó là việc khởi thảo “Phép làm văn” tiếng Việt, một đề tài mà Phan Khôi đã viết và cho đăng từ 1930 trên tuần báo Phụ Nữ Tân Văn và về sau ông cổ vũ nhiều tác giả khác cùng làm, trên tuần báo Sông Hươngở Huế (1936-37) hoặc trên tạp chí Tao Đànở Hà Nội (1939). Phan Khôi quan niệm “phép làm văn” gồm các bộ phận chính là: 1/ “văn pháp” (grammaire), 2/ “luận lý học” (logique), 3/ “tu từ học” (rhétorique),(5) bởi vậy ông vừa viết những bài phân tích trong phạm vi ngữ pháp tiếng Việt, song ông cũng vượt ra ngoài phạm vi đó, bàn tới “cách xưng tên của người Việt Nam”,(6) “cách ngôn luận của người Á Đông”,(7) tới bộ môn “danh học” mà theo ông cần tôn vinh người mở đầu chính là Khổng Tử với thuyết “chính danh”, (8) tới tính chất của hành vi phát ngôn trên trang báo như là sự giao tiếp vắng mặt và các hệ lụy của nó. (9) Phan Khôi cũng bắt tay vào những công việc thiết thực như mở mục “Vai ngự sử trên đàn văn” để góp ý sửa sai về dùng từ, diễn ý, cho các đồng nghiệp cầm bút trong viết văn viết báo. (10)

Sống bằng nghề viết, chính Phan Khôi phải tự tìm tòi để tạo ra những lối viết hợp lý. Kinh nghiệm Trung Hoa “dùng bạch thoại” của Hồ Thích cho Phan Khôi thấy phải dựa vào thứ tiếng Việt sống động mà người Việt thời mình đang nói hàng ngày để tạo ra những lối viết hiện đại, thích hợp với đương thời. Thành công đầu tiên của ông là tạo được lối viết nghị luận, lối viết “không lấy văn làm mục đích mà lấy việc làm làm mục đích”, “khi nghị luận thì cứ băm vào việc mà nói, việc nên làm thế nào, nói hẳn ra thế ấy”. (11) Đương thời, lối viết nghị luận của Phan Khôi có những khác biệt rõ rệt so với lối viết nghị luận của Phạm Quỳnh, cũng khác biệt rõ rệt so với lối viết nghị luận của Nguyễn Văn Vĩnh.

Nếu lối viết nghị luận của Phan Khôi dựa chủ yếu trên bảng từ vựng tiếng Việt thông dụng ở cả hai miền Nam Bắc, thì khi viết “lối văn hàng ngày”, lối của một tay bút chủ trì cột báo (columnist), chủ trì các mục báo, các bài hài đàm, Phan Khôi đã chú trọng khai thác phương ngữ miền Nam, với khá nhiều từ vựng và mệnh đề khẩu ngữ thông dụng ở các vùng từ Quảng Nam vào đến Nam Kỳ. Đối với ông, đây là một văn phong của một tác giả dựa vào thứ phương ngữ quen thuộc với mình, nó cũng có giá trị ngang như một văn phong khác, ví dụ lối viết của Hoàng Tích Chu, vốn tận dụng nhiều hơn các đặc tính phương ngữ Bắc Kỳ.

Cả hai lối viết văn xuôi đều thiên về thể luận này của Phan Khôi đã là thành tựu được thừa nhận trong công chúng và đồng nghiệp ngay từ những năm 1930:

“Ông đã ở trong việc viết, dịch văn quốc ngữ nhiều năm; trong vài ba năm nay tên ông đã lừng lẫy trong báo giới, văn ông lại càng rõ ràng, khúc chiết, sáng sủa, dễ hiểu, thỉnh thoảng lại đưa cái hơi trào phúng mát mẻ mà khó chịu. Hiện nay văn viết báo của ông, trừ lối văn luận thuyết mà ông cũng là một tay đàn anh trong trường ngôn luận, ông còn một lối văn đặc biệt, là lối văn hàng ngày, nó hay, nó có duyên và vui vẻ làm sao, nó khéo đến cả trong lối sắp đặt từng câu từng chữ của ông, nó mặn mà thấm thía đến tinh thần người đọc. Đọc lên mà vui, mà mừng, mà thích, mà đắc ý; lại đọc lên mà ké né, mà xính vính, mà sợ, mà lo, mà tức giận, cấu đầu gãi tai, cũng trong câu văn ấy. Các nhà viết báo thiện nghệ ngày nay chưa chắc đã có một tay nào có được lối văn ấy, đủ ứng dụng hàng ngày trong một cơ quan ngôn luận. Thực vậy, lối văn hàng ngày trên báo của ông Phan Khôi có thể đem ra so sánh với lối văn hàng ngày của ông De la Fouchardière ở báo Œuvrebên Paris”. (12)

2/ Phan Khôi và công cuộc đổi mới tư tưởng

Phan Khôi có lúc đã tự coi mình “là một viên tiểu tướng của đạo quân bình dân tư tưởng, đi trước dẹp đường”, (1) của một nền học vấn bình dân, phổ cập, sẵn sàng chịu chất vấn và truy cầu chân lý. Sống trong một thời đại chuyển đổi, Phan Khôi ý thức rõ rệt về tình thế thay đổi hệ hình văn hóa khi xã hội Khổng giáo Á châu tiếp nhận các luồng sóng “Âu hóa”. Ông nhìn rõ khác biệt Đông-Tây không phải chủ yếu là khác biệt về bản sắc dân tộc hay vùng đất mà chính là khác biệt về trình độ phát triển; văn minh Âu Mỹ chính là văn minh mới mẻ nhất của nhân loại đương thời, với các đặc tính khoa học, dân chủ, tự do, là tiêu biểu cho xu thế tiến bộ của thời hiện đại. (2) Do vậy, hoạt động cải cách, đổi mới, “Âu hóa”, học theo văn minh Tây phương, chính là chuyển mình sang thời hiện đại.

Phan Khôi rất chú trọng làm rõ hàm nghĩa các phạm trù xã hội của văn minh phương Tây như chủ nghĩa cá nhân, nền dân chủ (cũng gọi là dân trị). Trong khi không ít cây bút nghị luận đương thời khó tránh khỏi tâm thế mô tả xuyên tạc chủ nghĩa cá nhân (individualisme) thành thái độ vị kỷ (égoisme), thì Phan Khôi trình bày cách hiểu chủ nghĩa cá nhân Âu Tây trước hết như là sự tự chủ của mỗi con người trưởng thành trước xã hội. “Chữ tự chủ ở đây nghĩa là mỗi người làm chủ lấy mình, cũng tức là cá nhân chủ nghĩa. Ở phương Tây, nói rằng “một người”, nghĩa là đối với thế giới, đối với quốc gia mà nói, chớ không phải phiếm nhiên. Đã gọi là người, thì người nào cũng vậy, ai ai cũng có cái địa vị cái tư cách đối với thế giới đối với quốc gia”,... “Bởi đó mới có sự tự do. Một người đã tới tuổi thành nhân rồi thì không còn ở dưới quyền cha mẹ nữa. Mà cũng không ở dưới quyền chánh phủ hay là dưới quyền ông nguyên thủ, song chỉ ở dưới quyền pháp luật”. (3)

Phan Khôi hiểu rằng sự phát triển con người cá nhân ấy chính là điều kiện để có xã hội dân trị tức xã hội dân chủ. “Muốn thực hành cái chủ nghĩa dân trị trong một nước nào thì người làm dân trong nước ấy trước phải thực hành cái cá nhân chủ nghĩa (individualisme) mới được”... “Cá nhân chủ nghĩa là hết thảy người trong nước, mỗi người đều độc lập về phần mình; mà độc lập cả hai đường: về tinh thần và về vật chất vậy. Độc lập về tinh thần, tức là mỗi người đều biết tự suy nghĩ lấy, tự phán đoán lấy, nhắm lẽ phải ở đâu thì theo đó, chớ không làm nô lệ cho ý kiến của người nào hay đảng phái nào. Độc lập về vật chất tức là độc lập về kinh tế, mỗi người đều làm lấy mà nuôi sự sống mình, chớ không chịu nhờ vả ai, dầu con cũng không nhờ cha, vợ cũng không nhờ chồng. Có độc lập như vậy rồi mới nói chuyện hiệp quần được”. (4)

Phân tích trạng thái tinh thần của xã hội Việt Nam, Phan Khôi chỉ ra ảnh hưởng rất nặng của ý thức hệ Khổng giáo, từ Trung Hoa truyền vào nước ta thời kỳ bị nội thuộc, trở thành công cụ của chế độ quân chủ chuyên chế ngoại bang, và sau đó, của chế độ quân chủ chuyên chế độc lập, tạo ra con người chức năng, con người công cụ, trói buộc con người vào trật tự quân chủ bằng những quy phạm đạo đức hà khắc.

Phan Khôi vạch rõ, Nho giáo đã được thể chế hóa vào cấu trúc chế độ quân chủ. “Trong Khổng giáo không có đặt riêng ra người cầm quyền chủ giáo như Giáo hoàng của đạo Thiên Chúa; mà ông vua tức là người chủ giáo đó, vì ông vua là chức “Quân” mà thêm cả chức “Sư”. Bởi vậy, người trong nước theo Khổng giáo, làm tín đồ Khổng Tử, đã đành, nhưng trong sự theo ấy lại còn phải ở dưới quyền vua nữa.” (5) Nho giáo chính là học thuyết biện hộ chế độ quân chủ chuyên chế, Nho học là nơi đào tạo các môn đồ – các nhà nho – theo mẫu hình người “quân tử”, có trách nhiệm phò tá, trợ giúp vị giáo chủ ( = ông vua) cai quản dân chúng ở đất nước mình; chế độ quân chủ lựa chọn quan chức chủ yếu từ giới nhà nho, thông qua các kỳ thi Nho học. Đây là điểm vừa khác biệt lại vừa tương đồng của Đông Á thời trung đại dưới các nền chuyên chế Nho giáo so với châu Âu trung đại dưới sự cai trị của nền quân chủ thần quyền theo Thiên Chúa giáo, mà Phan Khôi đã nhận ra. Nhà nho trong xã hội theo Nho giáo cũng giống như các giáo sĩ trong các xã hội theo Thiên Chúa giáo. Bằng hiểu biết và bằng trải nghiệm cá nhân, Phan Khôi khẳng định thuộc tính của nhà nho, sản phẩm của Khổng giáo, là: nhà nho bao giờ cũng phụng sự chế độ quân chủ, và nhà nho không bao giờ đứng về phía dân chủ! (6)

Sang thời cận hiện đại, khi các xã hội vùng Đông Á (Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam, v.v.) chịu ảnh hưởng Tây phương, thì Khổng giáo phải đối đầu với làn sóng “Âu hóa”; các cuộc vận động “tân văn hóa” đều nhằm xây dựng tinh thần khoa học và dân chủ, tức là phải vượt qua những ảnh hưởng vốn đã thâm căn cố đế của Khổng giáo. Trên đất Việt Nam, các thiết chế xã hội gắn với Nho giáo bị xóa bỏ từng phần, không phải bởi chính người Việt mà là bởi thế lực thực dân từ phương Tây đến. Tuy vậy, việc hóa giải ý thức hệ Nho giáo và những ảnh hưởng sâu rộng của nó trong xã hội người Việt vẫn cần phải do người Việt thực hiện. Phan Khôi hình dung sự hóa giải ấy cần diễn ra trên một phổ rộng; về học thuyết, cần biến Nho giáo từ chỗ là những tôn chỉ “thiên kinh địa nghĩa” mà người ta phải tuân thủ trở thành đối tượng của nghiên cứu, phân tích, phê phán. Một số nét tinh túy mà Nho giáo tạo nên ở cư dân Việt như lòng ái quốc, đức chính trực, vai trò Nho học trong việc hình thành nhân cách, v.v., thì cần giữ lại, kế thừa. Những lề thói phi nhân, kỳ thị giữa người với người trong cộng đồng, do Nho giáo tạo ra hoặc dung dưỡng, thì cần nêu ra và tạo dư luận phản kháng, lên án, bài trừ.

Nhìn sâu hơn vào xã hội Việt Nam thời quân chủ, Phan Khôi vạch ra đặc tính của nó chẳng những chỉ là xã hội đẳng cấp, mà còn là một xã hội nam quyền, trọng nam khinh nữ, với những quy phạm và định kiến phi nhân, được nho giáo bênh vực và hợp pháp hoa, ví dụ chuẩn mực chữ “trinh” của Tống nho,(7) hoặc những tập quán về chế độ đại gia đình đã hình thành dưới ảnh hưởng Khổng giáo theo đó người gia trưởng có quyền áp chế các thành viên là con cháu, mẹ chồng được quyền áp chế nàng dâu, gây ra vô vàn thảm kịch không đáng có. (8)

Trong thời gian chủ trì các tờ báo chuyên về giới phụ nữ (từ tháng 5/1929 đến 1932 với tờ Phụ nữ tân vănở Sài Gòn,từ tháng 9/1933 đến tháng 2/1934 với tờ Phụ nữ thời đàmở Hà Nội), Phan Khôi đã có hàng loạt bài viết nhiều loại, từ nghị luận đến khảo cứu, dịch thuật, tạp văn, nêu ra “vấn đề phụ nữ” trước xã hội Việt Nam, cho thấy một xã hội Việt Nam bước vào thời hiện đại không thể không từng bước khắc phục tình trạng bất bình đẳng nam nữ. Đây không chỉ là hoạt động có ý nghĩa tạo thêm nguồn lực lao động cho một nền công nghiệp, thương mại và dịch vụ đang mở ra, mà điều chủ yếu ở đây là ý nghĩa tranh đấu đòi quyền làm người cho một nửa dân cư vốn vẫn còn bị xã hội nam quyền kỳ thị, áp chế, tước đoạt. Các tờ báo phụ nữ do Phan Khôi chủ trì đã làm dấy lên phong trào phụ nữ bằng một loạt hoạt động xã hội, văn hóa, cổ vũ và hướng dẫn người phụ nữ tự trang bị thêm những hiểu biết và kỹ năng sống cần thiết cho bản thân và cho chức năng làm vợ, làm mẹ, làm người. Phan Khôi xứng đáng được thừa nhận như một trong những nhà hoạt động nữ quyền năng động nhất của Việt Nam những năm 1930s, một trong những tác gia Việt Nam tập hợp được một lượng tri thức về giới nữ thuộc loại đa dạng nhất, phong phú nhất.

Trái: Nhạc sĩ Văn Cao, nhà thơ Tú Mỡ, nhà văn Phan Khôi, nhà thơ Tố Hữu tại Việt Bắc

3/ Phan Khôi, nhà sử học

Khả năng đọc nhiều biết rộng đã khiến ở Phan Khôi sớm hình thành con mắt sử học, quan tâm đến các tiến trình lịch sử.

Năm 1928, trên tờ Đông Pháp Thời Báoở Sài Gòn, Phan Khôi, dưới bút danh C.D. đã khởi ra một cuộc thảo luận về việc có hay không sự kiện “nước Pháp giúp nước Nam”, tức là nhà nước Pháp giúp quân cụ và binh lính cho chúa Nguyễn Ánh trong nội chiến chống Tây Sơn, như một số tờ báo chữ Pháp ở Đông Dương đương thời rao truyền, khiến một vài tờ báo chữ Việt lặp lại. Bằng vào các nguồn sử liệu khác nhau, Phan Khôi vạch rõ: tuy giao ước Pháp-Việt 1787 được ký kết nhưng trước sau chính phủ Pháp đã không thực thi, họ không hề đưa quân lính hay tàu binh đến giúp Nguyễn Ánh, rốt cuộc cha Bá-đa-lộc dùng tiền của Nguyễn Ánh gửi mua được hai tàu binh và mộ được vài chục người Pháp, trong đó có một số võ quan Pháp bỏ ngũ đi với Bá-đa-lộc sang đầu quân giúp Nguyễn Ánh. Biện luận của Phan Khôi cho độc giả thấy, mấy chục người Pháp có mặt trong đội quân của Nguyễn Ánh chỉ là những lính đánh thuê nước ngoài, không phải người do chính phủ Pháp cử đến giúp. Tuy nhiên, Phan Khôi cảnh báo, những luận điệu tương tự thuyết “nước Pháp giúp nước Nam” có thể đã thâm nhập vào các bộ sử do người Tàu soạn, và ông kêu đòi các sử gia truyền Nguyễn phải làm sách để biện giải rõ về các sự kiện lịch sử Việt Nam cận đại. (1)

Năm 1929, Phan Khôi đã đóng vai trò chính tổ chức Cuộc thi quốc sử trên báo Thần Chung,đưa ra 30 bản sự tích các nhân vật lịch sử Việt Nam để bạn đọc bình chọn ra 10 nhân vật mà mình cho là tiêu biểu; một đề thi nữa là yêu cầu bạn độc chọn ra trong đó một nhân vật và viết một bài dài 3 trang cắt nghĩa vì sao mình cho đó là bậc nhất trong sử Việt. Tuy cuộc thi đã không có tổng kết trao giải, có thể vì nhật báo Thần Chungbị đóng cửa đột ngột (vào cuối tháng 3/1930), song những gì đã đưa lên báo trong suốt thời gian từ khi mở ra cuộc thi (đầu tháng 7/1929) đến hết năm 1929, đã là một cuộc phổ thông sử Việt khá hiếm hoi trên báo chí đương thời. Bằng việc đưa công chúng vào một cuộc thi bình chọn nhân vật “bực nhất″ trong quốc sử, Phan Khôi và những người tổ chức cuộc thi đã kích thích tinh thần tự do bình chọn của người tham dự, cũng tức là kích thích óc phê bình -- chứ không chỉ vinh danh -- nhân vật lịch sử. (2)

Năm 1935, khi làm chủ bút tờ Tràng An ở Huế, Phan Khôi đã tổ chức một số chuyên đề nhân 50 năm sự kiện kinh thành thất thủ (ngày 23/5 năm Hàm Nghi Ất Dậu 1885) với các bài viết của ông và của Hoài Thanh.

Năm 1936-37, với tuần báo Sông Hươngdo chính ông sáng lập, ông đã biến một phần tờ báo thành diễn đàn sử học với sự góp mặt của nhiều nhà văn và học giả; ông cũng đã đưa lên báo này những sử liệu do chính ông thâu nhặt được, như xác định vị trí của Thái Phiên và Trần Cao Vân trong khởi nghĩa Duy Tân (1916); sự kiện Nghĩa Hội chiếm tỉnh Quảng Nam hồi những năm 1880s được phản ánh trong vè Khâm sai; về lệ cống nạp người vàng sang Tàu; về lai lịch nhân vật là Bạch Xỉ từng xưng vua, v.v.

Đấy là ta chưa kể hàng loạt bài viết, dài ngắn khác nhau, về các nhân vật và sự kiện lịch sử Trung Hoa mà Phan Khôi tỏ rõ một sự theo rõi khá sát sao, từ hành tung các viên tướng quân phiệt đến ứng xử của các yếu nhân thời kỳ sau các mạng Tân Hợi. Đối với đời sống chính trị ở nước Trung Hoa Dân Quốc đương thời, Phan Khôi có cái nhìn khá tinh tường; ông thấy rõ cái bi kịch của một quốc gia từng tồn tại dưới ách quân chủ chuyên chế suốt hàng ngàn năm, sau cuộc cách mạng lật đổ nền quân chủ, đã không hình thành nổi một hiến pháp cộng hòa, đành theo phương án “dĩ đảng trị quốc”, thay ngôi vua thuộc một dòng họ bằng ngôi vua tập thể của nhóm đứng đầu đảng cầm quyền. Tình trạng “dĩ đảng trị quốc” này chỉ có hướng xử lý khi Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc chuyển dần sang nền chính trị đa nguyên, đa đảng, theo mô hình các quốc gia dân chủ phát triển; trong khi đó, những quốc gia do đảng cộng sản cầm quyền thì trong thực chất lại trở về với mô hình chế độ chuyên chế.

Phan Khôi chụp tại Trung Quốc(trong dịp kỷ niệm 20 năm ngày mất Lỗ Tấn)


Phan Khôi tại lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Lỗ Tấn ở Trung Quốc năm 1956

4/ Phan Khôi, nhà báo, cây bút chính luận

Viết văn nghị luận là một trong những sở trường của Phan Khôi. Văn nghị luận của ông không chỉ đề cập đến các vấn đề tư tưởng hay văn chương, mà cũng đề cập đến thời sự xã hội chính trị.

Ngay năm 1919, ông đã có bài viết (trên Lục Tỉnh Tân Văn,Sài Gòn) vạch mặt trò mỵ dân của Toàn quyền Alber Sarraut đằng sau việc ông này đưa ra yêu cầu chính quốc cho Đông Dương nhiều quyền tự chủ hơn trong một dịp diễn thuyết.

Năm 1929, trên báo Thần Chungở Sài Gòn, Phan Khôi viết khá nhiều bài xã thuyết ký tên tòa soạn, bênh vực những người hoạt động chống Pháp trong các tổ chức Việt Nam Quốc Dân Đảng, Thanh niên Cách mạng đồng chí hội, Tân Việt đảng, bênh vực Nguyễn An Ninh, đòi cho những thành viên các tổ chức chống đối bị chính quyền bắt phải được xét xử tại tòa án của chính quyền Pháp chứ không được giao họ cho các quan chức của triều đình Huế xét xử, vốn áp dụng khung hình phạt rất nặng theo luật Gia Long.

Năm 1930, khi xảy ra các vụ biểu tình ở Nam Kỳ, Phan Khôi đã có những bài viết ký tên tòa soạn tờ Trung Lập Báo,yêu cầu những thành viên đảng Lập hiến Nam Kỳ có chân trong Hội đồng quản hạt hoặc Hội đồng thành phố Sài Gòn phải lên tiếng trước việc chính quyền thuộc địa dùng vũ lực đàn áp người biểu tình không tấc sắt trong tay. Nhân danh tòa soạn, Phan Khôi đã bút chiến với tờĐuốc Nhà Namxung quanh trách nhiệm của những người tự nhận là hoạt động chính trị, như các đảng viên Lập hiến Nam Kỳ, mà lại thiếu khá nhiều năng lực và chuẩn hành vi cần thiết để đối phó với các tình huống chính trị. Cuộc bút chiến này chỉ lộ rõ do một ngòi bút Phan Khôi chủ trì, khi chủ bút Đuốc Nhà Namlà Nguyễn Phan Long lâm thế bí, giở trò nói xấu cá nhân Phan Khôi. Những loạt bài đối thoại với đảng Lập hiến (Về các cuộc biểu tình ở Nam Kỳ vừa rồi; Nói về đảng Lập hiến ở Nam Kỳ,v.v.) cho thấy một thái độ phê phán rất xây dựng đối với tổ chức chính trị này, được lập ra dường như chỉ để đối đáp với chính quyền Pháp ở thuộc địa, nhưng lại hầu như không có liên lạc gì với quần chúng cư dân Nam Kỳ, các vấn đề về tổ chức của đảng cũng còn nhiều bất ổn.

Năm 1935, khi được Bùi Huy Tín mời làm chủ bút đầu tiên của Tràng An Báotại Huế, Phan Khôi đã hướng trang thời sự của tờ báo vào việc đối thoại với nền cai trị quân chủ đang đưa ra một vài tín hiệu thay đổi (khi vua Bảo Đại về nước trực tiếp chấp chính), kiểm định hiệu năng hoạt động của một số cơ quan, cơ chế trong bộ máy của nó, đôi khi cũng nêu một vài đề xuất mang tính bổ sung, chỉnh sửa hệ thống, cơ cấu. Tất nhiên, hoạt động thường xuyên của báo Tràng Anthời kỳ Phan Khôi làm chủ bút là vạch ra những sự lạc hậu, non kém, bất cập, thiểu năng của bộ máy triều Nguyễn, từ những cơ quan tại triều đến những cơ quan cấp tỉnh cấp huyện.

Bên cạnh những vấn đề thuộc “lỗi hệ thống” trong cơ chế một nền quân chủ già cỗi lại bị đặt dưới ách “bảo hộ” của ngoại bang, một phương diện khác nữa mà Phan Khôi và báo Tràng Anthường tập trung nhấn mạnh là vấn đề phẩm chất của quan lại. Mỗi dịp có sự cố liên quan đến những quan chức nhất định, ví dụ việc cách chức và khai phục Ngô Đình Diệm, lễ tang Nguyễn Hữu Bài với những lời xưng tụng quá đáng, hay một viên quan tại triều quá tham lam nhũng nhiễu chỉ bị trừng phạt nhẹ bằng cách đưa đi “trấn thủ” tỉnh ngoài, v.v. – đều là dịp để Phan Khôi và các cộng sự của ông trên Tràng Anlên tiếng tố giác và nhân đó nhắc lại những tâm niệm lý tưởng muôn thuở của giới quan trường xuất thân Nho học: “người bất học không đáng ở ngôi cao”, “sự hệ trọng nhất trong phong hóa là cái đức liêm sỉ”, v.v.

Trong các loạt bài về các vụ việc kiện tụng, báo Tràng Anthời Phan Khôi làm chủ bút luôn luôn vạch rõ những xử lý sai trái do những quan lại liên can được hối lộ hoặc câu kết nhau để moi tiền dân. Tờ báo rất chú trọng đến người dân, nhất là những trường hợp người dân là nạn nhân sự chà đạp, cướp bóc của hệ thống quan chức, nha lại. Những phóng sự đăng nhiều kỳ về vụ án điền thổ ở Phú Yên, về xét xử ly hôn của vợ chồng Tham Ân ở Hội An, về vụ kiện bị lấn chiếm mặt nước của dân làng chài Thủy Tú ngay “bên chân đền vua” đương thời, tức thành Huế, v.v. – thường không chỉ giản đơn là những loạt bài báo mà thực sự là những vụ việc sát cánh hỗ trợ dân oan trong các cuộc khiếu kiện dài ngày của họ. Những trường hợp nạn nhân như “người đàn bà bị bỏ đỉa vào tai”, người hành khách xe lửa bị nhà đoan bắt giam vì tình nghi buôn lậu thuốc phiện, hay ông cử họ Hồ bị viên tri phủ Quỳnh Lưu hành hung, v.v. – thường được Tràng Anđề cập như những hồ sơ để ngỏ, lâu lâu lại bổ sung những tình tiết mới, cho thấy những khía cạnh xã hội phức tạp liên quan đến mỗi vụ việc, đồng thời cho thấy khả năng xử lý mỗi vụ việc trong những tương quan đương thời.

Với sự nỗ lực quyết liệt như thế, không có gì ngạc nhiên khi Phan Khôi sớm rời vị trí chủ bút nhật báo Tràng An,sau chưa đầy một năm làm việc.

5/ Phan Khôi và sự phát triển văn học theo hướng hiện đại

Sự kiện rất nổi tiếng, gắn với tên tuổi Phan Khôi là việc đầu năm 1932 bài báo “Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ” được ông công bố ở cả hai trung tâm dư luận lớn nhất đương thời: Hà Nội và Sài Gòn. (1) Giới làm thơ trẻ tuổi, hầu hết xuất thân từ nhà trường Pháp-Việt, đã hưởng ứng, tạo nên phong trào thơ mới, một cuộc cải cách thơ tiếng Việt, đưa thơ của người Việt thật sự bước sang thời hiện đại. Tên tuổi Phan Khôi được mang cái vinh dự là người phát động phong trào đổi mới thơ ca kể trên. Tuy nhiên, đấy chỉ là một trong khá nhiều công việc mà Phan Khôi đã làm theo hướng tác động, khích lệ sự sáng tạo những hình thức mới, thể tài, thể loại văn học mới.

Ông sớm nhận ra một chiều hướng vận động mới về mặt thể loại: “Bây giờ cả văn học của Á Đông đã day chiều và khuynh hướng theo văn học Thái Tây, nhắc tiểu thuyết và kịch bổn lên ngồi kề thánh kinh hiền truyện, thì ta cũng đã mô phỏng mà sáng tạo ra tiểu thuyết, kịch bổn rồi”. (2)

Ông chăm chú theo rõi sự phát triển của thơ và tiểu thuyết Việt Nam và đến năm 1933, khi đã xuất hiện thơ mới, trong văn xuôi tiểu thuyết đã xuất hiện Người sơn nhân(truyện ngắn của Lưu Trọng Lư) và Hồn bướm mơ tiên(tiểu thuyết của Khái Hưng) thì ông reo lên: đã bắt đầu kỷ nguyên mới của thơ và tiểu thuyết Việt Nam. (3)

Chính Phan Khôi đã viết bài mô tả khá chi tiết về bút chiến, một thể tài và một hoạt động báo chí,(4) loại hoạt động mà ông can dự không ít lần, suốt thời gian hiện diện trong trường ngôn luận.

“Lâu nay tôi đã nhận biết rằng trong nghề văn học rất cần có sự phê bình. Nhưng trong làng văn ta dường như chưa có chỗ dung được sự ấy”; bởi vậy, năm 1929, ông đã nhân dịp bàn về một bản dịch kinh Phật “để đổ chén thuốc đắng phê bình vào trong miệng người An Nam”,(5) tức là thực sự bắt tay vào làm công việc phê bình. Hoạt động phê bình, trong quan niệm của Phan Khôi, là rất rộng: “Hai chữ “phê bình”, ta không nên hiểu hẹp nghĩa nó. Nói về sự viết báo, không cứ phê bình một bài thi, một cuốn tiểu thuyết, một tác phẩm gì về mỹ thuật mới gọi là phê bình; mà cho đến khen hay chê một vị quan lại, biểu đồng tình hay phản đối một cuộc bãi công, cả đến nhân một cái thời sự rất tầm thường mà phát ra nghị luận, cũng đều gọi là phê bình được hết. Chẳng những viết ra trên giấy, mà ngày thường, giữa xã hội, ai nấy được lấy tư tưởng ý kiến mình mà bình luận mọi sự mọi vật, cũng gọi là phê bình. Bởi vậy, ở xã hội nào mà người ta ngôn luận được tự do, thì xã hội ấy, ta muốn kêu nó bằng “cái xã hội phê bình” cũng có nghĩa vậy”. (6)

Ông đã viết giới thiệu lối văn phê bình nhân vật, một thể tài của báo chí và của văn học, do nhà văn trẻ Thiếu Sơn đề xuất, (7) lối văn mà chính Phan Khôi cũng sẽ dùng để viết khá nhiều tác phẩm đặc sắc, dưới các tiểu mục như “tiểu phê bình về nhân vật, cả đàn bà lẫn đàn ông”, “tiểu phê bình về phong tục”, “tiểu phê bình về báo chí”, “tiểu phê bình về sách vở”, v.v. (8)

Ông rất quan tâm giới thiệu các thể trào phúng, khôi hài.(9) Thậm chí, một thể tài, một loại hình ghi chép trong đời sống thông tục mà xưa kia người Việt chưa có, là thể nhật ký, cũng được Phan Khôi quan tâm giới thiệu.(10)Ông được đọc giả và đồng nghiệp tin cậy để có thể nhờ giải đáp nhiều vấn đề, nhiều câu hỏi về chữ nghĩa, về văn chương và đời sống, kể cả những khái niệm như “đạo văn”.(11)

6/ Phan Khôi, một tác gia đa dạng

Phan Khôi tham dự văn học trong khá nhiều thể tài.

Trước hết Phan Khôi đã hoạt động như một nhà phê bình văn học, là tác giả những bài điểm bình các tác phẩm cụ thể, là người viết ra cuốn “thi thoại” đầu tiên ở Việt Nam, lại cũng là tác giả những bài báo tác động rõ rệt đến tiến trình văn học chung.

Phan Khôi cũng hoạt động như một nhà nghiên cứu văn học, thường xuyên nêu lên các vấn đề nảy sinh trên tiến trình văn học Việt Nam. Phan Khôi viết về khá nhiều tác gia, tác phẩm văn học Trung Hoa, từ các nhà tư tưởng cổ đại, trung đại, đến cận hiện đại. Nhiều tác giả được ông nhấn mạnh ở khía cạnh chống chuyên chế (ví dụ dịch Tư Mã Thiên: thư gửi Nhiệm An, “Thích khách liệt truyện”… ); những tác gia hiếu cổ như Cô Hồng Minh được ông tiếp cận theo lối châm biếm; những tác gia có chất đổi mới, “nổi loạn” như Hoàng Lư Ẩn, được ông trân trọng. Thời kỳ 1945-58: Phan Khôi vẫn theo dõi sát tình hình văn hóa Trung Hoa, từ thơ kiểu mới, di sản Lỗ Tấn, lý luận và sáng tác văn học Diên An, cho đến 1956 vẫn theo dõi các hiện tượng từ Hồ Phong đến phong trào chống phái hữu, tuy không có điều kiện viết về các hiện tượng ấy.

Phan Khôi là nhà thơ, là con người đã “chín” trong truyền thống thơ Hán-Việt lại có khát vọng bước ra khỏi quỹ đạo thơ cũ; thơ cũ của ông không nhiều và cũng không lưu lại sưu tập, chỉ có ít bài in báo; thơ mới Phan Khôi cũng có một số bài được ông đưa ra làm ví dụ cho “một lối thơ mới”; PK không là tác giả xuất sắc của thơ mới những lại được nhất trí ghi nhận là người khởi xướng; một số bài thơ Phan Khôi cho thấy lối thơ của kiểu người “lão thực”: tín hiệu hàng đầu là tín hiệu về giá trị của hồn thơ, tứ thơ, dù hình thức khô, đanh, mộc… chứ tuyệt nhiên không đèm đẹp…

Phan Khôi cũng là một tác giả văn xuôi tự sự. Ông đã từng viết truyện hư cấu, bằng chữ Hán (đăng Nam Phong) hoặc bằng chữ Quốc ngữ, tiêu biểu trong số đó là truyện dài Trở vỏ lửa ra(Phổ thông bán nguyệt san,1939). Nếu mạch truyện hư cấu này không mấy thành công, do tác giả mạnh ở suy lý, logic, nhưng hơi thiếu linh hoạt, thiếu sinh động và chất sống trong mô tả, dựng người dựng cảnh, thì ở mảng hồi ức, tự truyện, như Đi học đi thi(đăng Sông Hương,1937), các đoạn Phan Khôi tự truyện(đăng một số kỳ ở các báo khác nhau, 1939, 1940, 1941), các mẩu giai thoại trong tập Độc tại lâu bút ký(đăng Sông Hương,1937) lại thành công rất rõ rệt.

Phan Khôi cũng là tác giả xuất sắc của văn tiểu phẩm, hoạt kê, châm biếm. Từ 1928, với Đông Pháp Thời Báo, qua Thần Chung1929-30, Trung Lập, 1930-33, Thực Nghiệp Dân Báo, 1933; Phụ Nữ Thời Đàm, 1933-34, Tràng An, 1935-36, Sông Hương, 1936-37, đến tận 1941 trên Dân Báo, Phan Khôi trước sau đã viết ngót ngàn bài tiểu phẩm. Đặc tính thẩm mỹ của thể tài này còn chưa được nghiên cứu kỹ; nó rất mực văn chương, nhưng lại gắn với báo chí; trên trang báo bên cạnh các bài viết theo lối “thuật”, “luận”, “chứng” bao giờ cũng phải có các bài viết theo lối “biếm”, “hài”, “nhại”, “diễu”; nó có bản chất thẩm mỹ ra sao mà lại hầu như không thể thiếu trên các báo, dù nhật báo, tuần báo hay nguyệt san? Và vì sao nó dường như nhất thiết cần “mặt nạ tác giả”? Mức đa dạng trong các kiểu tiểu phẩm Phan Khôi, mức độ ảnh hưởng từ những mẫu mực ở Pháp (G. Fouchardière, C. Vautel) và ảnh hưởng truyền thống trào lộng trong văn hóa Việt? So sánh văn tiểu phẩm Phan Khôi với những người có viết tiểu phẩm đương thời: Hoàng Tích Chu, Ngô Tất Tố, Bùi Thế Mỹ, Vũ Bằng, Vũ Trọng Phụng, v.v… Từ đây nên chăng khảo sát phát hiện lại dòng văn tiểu phẩm của tác gia Việt Nam từ khi có báo in? -- là những nhiệm vụ văn học sử chưa hề được đề xuất và giải quyết.

Phan Khôi cũng là một dịch giả. Trên báo chí trước 1945 ta thấy Phan Khôi dịch nhiều tác gia Trung Hoa: Tư Mã Thiên, Viên Mai, Lỗ Tấn, v.v.; dịch Kinh Thánh (đạo Thiên Chúa), chủ yếu là Tân Ước. Sau 1945 ông dịch một số tác gia văn học Diên An, dịch quan điểm ngôn ngữ của J. Stalin, dịch tác phẩm M. Gorki, dịch bài viết Chu Dương thể hiện tư tưởng văn nghệ Diên An, v.v.

Vượt ra ngoài phạm vi văn học, người ta không quên Phan Khôi còn hoạt động như một nhà ngôn ngữ học. Ngay từ khi tìm học chữ Quốc ngữ để viết văn viết báo (từ 1907), ông đã bắt đầu tiếp cận tiếng Việt như một đối tượng nghiên cứu. Phan Khôi đã lên tiếng hô hào đồng bào Nam Kỳ dùng tiếng Việt theo đúng các chuẩn mực đã được Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của đưa vào sách từ điển. Ông đã tiến hành so sánh ngữ pháp tiếng Việt với tiếng Pháp và chữ Hán, khi soạn sách “Hán văn độc tu” (đăng Phụ nữ tân văn,1932, đăng lại có sửa trên Sông Hương,1936-37). Trên tuần báo Sông Hương ông đã tập hợp được một số tác giả tham gia mục “Quốc văn nghiên cứu”. Sau này, trong thời gian tham gia khánh chiến tại Việt Bắc, ông đã thực hiện thêm những khảo sát về ngữ pháp tiếng Việt, được các nhà soạn sách dạy tiếng Việt tham khảo; những nghiên cứu này được ông xuất bản thành sách “Việt ngữ nghiên cứu” (1955).

7/ Phan Khôi dưới thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa

Từ khoảng 1941-42, Phan Khôi ngừng cả việc dạy học lẫn việc viết báo, đưa gia đình từ Sài Gòn trở về quê Quảng Nam.

Nguồn tư liệu hồi ức gia đình cho biết: khi Nguyễn Bá Trác đến vận động ông tham gia chính phủ Trần Trọng Kim (1945), ông đã tỏ rõ thái độ cự tuyệt, với lý do: từ lâu, ông đã tự xác định không làm chính trị. (1)

Khi Việt Minh tổ chức cướp chính quyền tại địa phương ông cư trú, Phan Khôi giữ thái độ quan sát bình tĩnh, dần dần đi đến chấp nhận chính thể Việt Nam Dân chú Cộng hòa, song cũng phản ứng trước một số hành động cực đoan của chính quyền địa phương, ví dụ việc họ định phá đền thờ Hoàng Diệu, vị Tổng đốc đã tuẫn tiết khi thành Hà Nội bị thất thủ (1882). Phan Khôi giữ lập trường yêu nước, không tán thành hiệp định sơ bộ (6.3.1946) mà chính phủ Hồ Chí Minh ký với Pháp.

Cũng theo nguồn tư liệu hồi ức gia đình thì khoảng tháng 6/1946, tiếp một nhóm trí thức từ Hội An, Đà Nẵng, Tam Kỳ, Quảng Nghĩa tới nhà mình và được họ mời làm Chủ nhiệm Chi bộ Việt Nam Quốc Dân đảng vùng Nam-Ngãi, Phan Khôi đã tạm thời gác ý chí “không làm chính trị” để nhận lời, dù chỉ là cử chỉ đứng tên tượng trưng. (2)

Khoảng tháng 7/1946, ông nhận được giấy mời của Bộ Nội vụ do Bộ trưởng Huỳnh Thúc Kháng ký, mời ông ra Hà Nội dự Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, sẽ khai mạc vào ngày 01/8/1946.

Phan Khôi tới Hà Nội vào ngày 6/7/1946, ở trọ tại nhà riêng ông Lê Dư. Ông được Lê Dư cho hay: Huỳnh Thúc Kháng nhắn Phan Khôi đừng tới gặp, vì có thể gây nghi ngờ (?).

Ngày 12/7/1946, Phan Khôi đến trụ sở Quốc Dân Đảng (80 Quán Thánh, Hà Nội) tại tòa soạn báo Việt Namcó Khái Hưng và một số người khác; ngay hôm đó nhà này bị công an ập đến triệt phá, bắt đi một số người, trong đó có Phan Khôi, nhưng tại trụ sở công an Phan Khôi được thả ngay. (3)

Phan Khôi dự Hội nghị văn hóa toàn quốc (24/11/1946). Sau đó, vào ngày bùng nổ Toàn quốc kháng chiến, ông thấy rõ chính phủ Việt Minh quyết tâm chống Pháp, hợp với chủ ý của mình, ông ở lại Hà Nội.

Khoảng 29 Tết Đinh Hợi 1947, Phan Khôi theo dòng người tản cư rời Hà Nội, đi Yên Hạ, Hà Đông, rồi lại theo dòng người quay lên vượt sông Hồng định đi Bắc Giang, bị công an giữ lại, đưa về Hà Đông, rồi ông đề nghị để ông đi Vân Đình, tới đây ông gặp gia đình Thế Lữ tại Hòa Xá. Từ đó ông và những người này gia nhập Đoàn văn hóa kháng chiến do Nguyễn Huy Tưởng phụ trách, tản cư lên Việt Bắc. (4)

Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ hai (16 – 20.7.1948, tại Đào Giã, Thanh Ba, Phú Thọ) Phan Khôi đọc tham luận “Một phương pháp dạy văn pháp tiếng ta”, sau đó được cử làm trưởng ban Ngôn ngữ-Văn tự của Hội văn hóa Việt Nam. Ông cũng tham dự Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ nhất (23-25.7.1948, tại Yên Kỳ, Hạ Hòa, Phú Thọ) thành lập Hội văn nghệ Việt Nam, cộng tác thường xuyên với tạp chí Văn Nghệcủa Hội.

Ông tham gia nhiều hoạt động cúa Hội văn nghệ, dự hội nghị tranh luận văn nghệ Việt Bắc (25 -- 28.9.1949), tham gia đoàn văn nghệ đi chiến dịch ngay sau hội nghị kể trên. (5)

Khi Hội văn nghệ Việt Nam đặt ra giải thưởng và xét trao giải thưởng Hội văn nghệ Việt Nam 1951-1952, Phan Khôi đã được trao giải nhì cho tất cả các bản dịch ông thực hiện tại Việt Bắc. (6)

Sau ngày phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp quản thủ đô, Phan Khôi trở về Hà Nội (giữa tháng 10/1954) trong tư cách một nhân sĩ, làm việc tại Hội văn nghệ Việt Nam.

Năm 1955, ông được cử tham gia Phái đoàn Chính phủ vào thăm Liên khu Năm, nói chuyện về thắng lợi của cuộc kháng chiến tại hai cuộc mít tinh ở Quảng Ngãi và Bình Định.

Cũng trong năm 1955, hầu hết các thành viên gia đình ông, bằng các con đường khác nhau, đều tập kết ra miền Bắc.

Phan Khôi (và Tế Hanh) được cử đại diện Hội văn nghệ Việt Nam đi dự kỷ niệm 20 năm mất nhà văn Trung Quốc Lỗ Tấn (từ 16.10.1956); ông đọc tham luận tại lễ kỷ niệm này. Phan Khôi được kết nạp Hội nhà văn Việt Nam từ 1957.

Tại Hà Nội ông đưa in một số cuốn sách nghiên cứu (Việt ngữ nghiên cứu) dịch thuật (Tuyển tập tiểu thuyết Lỗ Tấn, tập I, tập II; Ánh lửa đằng trước; Anh Hai Đen lấy vợ), viết bài cho các tạp chí Văn Sử Địa, Tập san Đại học Sư Phạm,các báo Nhân dân, Văn nghệ, Văn, Tiền phong, v.v. Ông cộng tác với Ban Văn Sử Địa để viết những bài cung cấp tài liệu cho bộ sách “Tài liệu tham khảo Lịch sử cách mạng Việt Nam”, cụ thể là viết về phong trào “Vụ xin xâu ở Quảng Nam” 1908 và “Duy Tân khởi nghĩa” 1916.

Những năm 1955-1956, cuộc cải cách ruộng đất (1953-56) gây ra những khủng hoảng xã hội trầm trọng, khiến chính phủ và đảng cầm quyền phải xin lỗi dân và tiến hành sửa sai. Trong văn nghệ cũng bộc lộ nhiều vấn đề do việc quản lý tập trung quan liêu gây ra. Phan Khôi viết bài “Phê bình lãnh đạo văn nghệ” nêu ra những cách làm việc thiếu minh bạch, như người trong ban chấm giải (giải thưởng văn nghệ 1954-55) lại có tác phẩm dự xét giải; sự về hùa, ngầm ủng hộ tác giả này hơn hẳn các tác giả khác, thực chất là đã xuất hiện các nhóm lợi ích trong nền văn nghệ nhà nước hóa, v.v. Bài của ông được đăng trong tập Giai Phẩm Mùa Thu(tập 1, 1956) gây dư luận khá mạnh. Tháng 9/1956, Phan Khôi nhận lời với một nhóm nhà báo và văn nghệ sĩ đứng tên làm chủ nhiệm tờ báo tư nhân Nhân Văn(xuất bản tại Hà Nội từ 20/9/1956 đến 20/11/1956); tờ báo đăng tải những tác phẩm có những yếu tố táo bạo về sáng tạo hoặc có đề tài không phù hợp với phạm vi các chủ đề của văn nghệ chính thống; đồng thời đăng những ý kiến của văn nghệ sĩ đòi tự do sáng tác, những ý kiến của nhân sĩ trí thức đòi mở rộng dân chủ trong chế độ do đảng cộng sản cầm quyền.

Năm 1958, trong cao trào đấu tranh chống Nhân Văn – Giai Phẩm do đảng cầm quyền phát động và tổ chức, chỉ huy, Phan Khôi bị liệt vào một trong những “phần tử” hàng đầu (Nguyễn Hữu Đang, Phan Khôi, Trương Tửu, Trần Đức Thảo, Thụy An, Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Phùng Quán, v.v.), bị khai trừ vĩnh viễn khỏi Hội nhà văn Việt Nam.

Ngày 16/1/1959, ông qua đời tại nhà riêng ở Hà Nội, sau thời gian bệnh nặng. Gia đình ông làm bản khai tử cho ông bằng bút danh Chương Dân; trong khi vợ, con, các cháu ông tiễn ông về nơi an nghỉ cuối cùng thì những lời phê phán nặng nề trên báo chí vẫn liên tục nhắm vào con người tác giả mang họ tên Phan Khôi.

***

Tôi ghi lại tài liệu hơi dài như trên (có lúc sẽ sửa lại) để đi tới một vài nhận xét về Phan Khôi thời kỳ dưới chế độ Việt Nam Dân Chủ Công Hòa.

Ông vốn không tán thành chủ nghĩa cộng sản, và công khai thái độ này, tương tự một số người xuất thân nho học như Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Tất Tố. Những năm trước tháng 8/1945, khi con cháu ông tham gia hoạt động bí mật của tổ chức cộng sản, ông không tán thành nhưng không cấm đoán.

Ngay trong những ngày tháng đang diễn ra cướp chính quyền ở địa phương, ông im lặng theo dõi, và chỉ phản ứng khi có những việc như đập phá đền thờ Hoàng Diệu, hoặc khi nghe nội dung hiệp định sơ bộ (6/3/1946) thấy lập trường chính phủ lâm thời có phần không dám chống Pháp. Tức là khi ấy, con người yêu nước chống Pháp khi xưa trong ông thức dậy, đòi chính phủ mới chọn giải pháp quyết liệt.

Chính thái độ đó đã khiến ông tự nguyện đi lên Việt Bắc tham gia hàng ngũ kháng chiến.

Tại Việt Bắc, đến 1951, khi đảng Lao động Việt Nam ra công khai, thái độ Phan Khôi là chấp nhận. Có lẽ ông đã nghĩ rằng một trí thức cũ đã già, vẫn còn có thể làm những việc có ích ít nhiều cho dân tộc, ngay dưới nền cai trị cộng sản.

Tuy vậy, sống trong các vùng do những người cộng sản cai trị, sống trong “đoàn thể văn nghệ” của người cộng sản, có thể ông đã dần dần nhận ra những điều mà dư luận báo chí thế giới đã cảnh báo khi xưa, nhất là khi ông chứng kiến và trải nghiệm những việc như chỉnh huấn, rồi cải cách ruộng đất, rồi quản lý thành phố theo kiểu quân quản, thực hiện chế độ hộ khẩu khắc nghiệt, v.v. Từ đây bên trong những người trí thức từng trải qua hai chế độ sẽ hình thành thế ứng xử lưỡng phân đối với chế độ hiện hành do người cộng sản cai trị: một mặt là buộc lòng thích nghi, mặt khác là gia tăng ngấm ngầm tâm lý giữ khoảng cách, thậm chí trở nên chán ghét.

Vì đây là cả một điều kiện sống mà người ta không thể thoát ra ngoài, nên buộc phải thích nghi. Kể cả về tư tưởng, tinh thần, ở những mức nhất định. Một ví dụ nhỏ là Phan Khôi từng bác bỏ khái niệm “chế độ phong kiến” (ở Việt Nam) nhưng sau này, từ những năm 1950s, ông dường như từ bỏ thái độ học thuật ấy, ít ra là khi dịch và chú giải văn Lỗ Tấn, dịch văn xuôi tự sự và nghị luận của các tác giả văn nghệ Diên An.

Chính thái độ lưỡng phân ấy sẽ khiến những người như ông sẵn sàng lên tiếng phản ứng khi có điều kiện.

Điều kiện ấy ở Việt Nam là khi có những dấu hiệu khủng hoảng bên trong hệ thống xã hội do đảng cầm quyền cai trị tạo ra. Đại hội 20 ĐCS Liên Xô đặt ra nhiệm vụ chống sùng bái cá nhân Stalin, ở Việt Nam cải cách ruộng đất gây hậu quả nghiêm trọng. Trong văn nghệ, các văn nghệ sĩ từ các địa phương tập kết về miền Bắc, tập trung tại Hà Nội, ứng xử thiên lệch của nền báo chí xuất bản tập trung quan liêu kiểu bao cấp khiến nhiều thành viên ít vai vế chịu thiệt thòi. Trong sinh hoạt cơ quan đoàn thể lộ ra những biểu hiện thiếu tôn trọng quyền tự do sáng tác, tự do biểu đạt, v.v.

Phan Khôi lên tiếng với hai biểu hiện rõ rệt nhất: viết bài “Phê bình lãnh đạo văn nghệ” và nhận đứng tên chủ nhiệm báo Nhân Văn.Ông có tư cách của một nhân sĩ trí thức đã có thành tựu lớn, uy tín lớn, nên tiếng nói của ông càng gây hiệu quả lớn.

Phía lãnh đạo cộng sản đã thay đổi cách nhìn về ông, từ đây xem ông như kẻ thù tư tưởng.

Thế nhưng, các biểu hiện của văn nghệ sĩ trí thức ở miền Bắc Việt Nam hồi 1956 chỉ là loại biểu hiện tương đối yếu ớt của sự phản kháng bên trong các nước thuộc phe XHCN đương thời, đến nỗi những diễn ngôn của các trí thức như Phan Khôi, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, Trương Tửu... mới chỉ hiện diện như diễn ngôn yêu cầu xét lại (mở rộng, chấp nhận ngoại lệ, v.v., chứ không chống lại) các nguyên lý cơ bản (của giáo điều Mác-Lê, mà thật ra là mang dấu ấn Stalin và Mao Trạch Đông).

Dưới ánh sáng lịch sử, sau khi phe XHCN đã sụp đổ, tan rã (1991), các nước thuộc khối này đã tiến hành cải tổ, đổi mới, chuyển sang kinh tế thị trường, một số nước chỉ níu giữ nền cai trị độc đảng, độc tài về chính trị, thì sự kiện Nhân Văn – Giai Phẩm cần được xem như sự phản kháng chính đáng của trí thức văn nghệ sĩ, những người nhạy cảm hơn các thành phần khác trong nhân dân, trước những nguy cơ mất tự do, dân chủ, trước nguy cơ bị áp đặt một hệ thống cai trị phản xã hội, phi nhân bản. Tiếng nói của họ có ý nghĩa cảnh báo các nguy cơ xã hội do nền độc tài chuyên chế gây ra.

Thật ra, đối với những người mà ngay trong thời thực dân Pháp cai trị đã có thể thành đạt, dù chỉ do nỗ lực riêng, và cũng chỉ ở môi trường xã hội dân sự dân gian như Phan Khôi, – thì cái chết đã có thể đến với ông ngay sau thắng lợi của Việt Minh hồi tháng 8/1945, chứng cứ là số phận những trí thức danh tiếng như Phạm Quỳnh, những nhà văn từ Khái Hưng đến Lan Khai và rất nhiều trường hợp khác. Xác tín truy diệt “trí phú địa hào” của người cộng sản Việt Nam bộc lộ từ 1930 đã hứa hẹn cái chết đối với Phan Khôi ngay tại Quảng Nam 1945 khi ông dám ngăn phá dỡ đền thờ Hoàng Diệu, hoặc tại Hà Nội 1946 khi ông bị bắt cùng Khái Hưng tại trụ sở Việt Nam Quốc dân đảng. Chỗ may mắn riêng là Phan Khôi có khá nhiều người thân trong hàng ngũ cộng sản cầm quyền. Đó là những người như các người em họ là Phan Nhụy, Phan Bôi (Hoàng Hữu Nam), người em dâu là Lê Thị Xuyến, các người con trai là Phan Thao, Phan Cừ, v.v.

Tóm lại, trong thời kỳ khủng bố sự mọi chống đối ngay sau thắng lợi giành chính quyền của Việt Minh hồi tháng 8/1945, Phan Khôi đã may mắn thoát chết chỉ vì tình cờ có một loạt người thân trong hàng ngũ bên thắng cuộc.

Song rốt cuộc ông cũng vẫn bị thanh trừng, do bộc lộ sự vi phạm các chuẩn mực ý thức hệ cộng sản của giới cầm quyền, khi chế độ của họ đã làm chủ miền Bắc, đang đưa miền Bắc vào quỹ đạo chung của toàn phe XHCN.

Phan Khôi là một trong một số ít trí thức sống qua hai chế độ, đã từng có vinh dự là chí sĩ của phong trào duy tân, bị thực dân Pháp ra lệnh cho triều Nguyễn kết án tù, lại có vinh dự dấn thân tranh đấu chống độc tài chuyên chế, nhất là ở lĩnh vực tư tưởng văn nghệ. Sự khốn khó cuối cùng ông gánh chịu có thể nên được xem như là thêm một khổ nạn đối với cá nhân ông, nhưng cũng là thêm một công tích của ông đối với xã hội Việt và văn hóa Việt.

Phan Khôi xứng đáng để được vinh danh như một danh nhân văn hóa Việt Nam thời hiện đại.

Hà Nội, 16/11/2016

LẠI NGUYÊN ÂN

CHÚ THÍCH:

1/ Phan Khôi và công việc xây dựng nền Quốc văn mới

(1) C.D. (1928): “Lý với thế: Hồ Thích với Quốc Dân đảng”, Đông Pháp Thời Báo,Sài Gòn, s. 807 (18.12.1928).

(2) T.V.(1928): “Văn chương và văn chương của nhà báo. (Đáp lại Đuốc nhà Nam)”. Đông Pháp Thời Báo,Sài Gòn, s. 787 (27.10.1928).

(3) Ví dụ một số bài báo do Phan Khôi viết: Thần chung (1929): “Trả lời cho một vị độc giả hỏi về chữ quốc ngữ”, Thần chung,SG., s. 115 (7.6) ; Tòa soạn Thần chung (1929): “Lại trả lời cho một bức thơ hỏi vè chữ quốc ngữ”, Thần chung,SG., s. 118 (11.6) ; Phan Khôi (1929): “Chữ quốc ngữ ở Nam Kỳ với thế lực của phụ nữ”, Phụ nữ tân văn,SG., s. 28 (7.11) ; Phan Khôi (1929): “Viết chữ quốc ngữ phải viết đúng”,Phụ nữ tân văn,SG., s. 31 (5.12) ; Phan Khôi (1929): “Nói chuyện viết quốc ngữ: Hai dấu hỏi ngã cũng phải phân biệt”, Thần chung,SG., s. 273 (17.12), Trung lập,SG., s. 6038 (27.12); Phan Khôi (1930): “Bàn cùng ông Hồ Duy Kiên: Tại làm sao chúng ta không nên bỏ chữ quốc ngữ và phải viết cho đúng?” Thần chung,SG., s 341 (20.3) ; Trung lập,SG., s. 6105 (22.3).

(4) Phan Khôi (1930): “Cuốn sách Nho giáogợi ý cho chúng tôi”, Phụ nữ tân văn,SG., s. 56 (12.6).

(5) Phan Khôi (1930): “Phép làm văn. Lời nói đầu”, Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, s.71 (25.9). Mục “Phép làm văn” đăng Phụ nữ tân văn được khoảng 4 kỳ, gồm 5 bài, từ tháng 9 đến tháng 11/1930. Sau đó, Phan Khôi viết một số bài trao đổi với Huỳnh Thúc Kháng về “Phép đặt đầu đề”.

(6) Phan Khôi (1930): “Theo thuyết chánh danh, đính chánh lại cách xưng tên của người Việt Nam”, Phụ nữ tân văn, S.G., s. 58 (26.6.1930), s. 59 (3.7.1930) ; Phan Khôi (1930): “Theo thuyết chánh danh, soát lại mấy cái danh từ người mình thường dùng”, Phụ nữ tân văn,S.G., s. 69 (11.9.1930).

(7) Phan Khôi (1930): “Cách ngôn luận của người Á Đông”, Trung lập,S.G., s. 6168 (11.6.1930), s. 61670 (13.6.1930)

(8) Phan Khôi (1930): “Người mở đường cho luận lý học Á Đông. Khổng Tử và cái thuyết “chánh danh” của ngài”, Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, s.57 (19.6.1930)

(9) Phan Khôi (1930): “Con người với lời nói”, Phụ trương văn chương s. 22. Trung lập,S.G., s. 6550 (26.9.1931)

(10) C.D.(1931): “Vai ngự sử trên đàn văn”, Phụ nữ tân văn,S.G., s. s.89 (2.7.1931); s.91 (16.7.1931); s.96 (20.8.1931); s.99 (10.9.1931); s.124 (24.3.1932)

(11) Phan Khôi (1931): “Văn nghị luận phải viết thế nào ? ”, Phụ trương văn chương s. 12. Trung lập,S.G., s. 6491 (18.7.1931)

(12) Tr.Th. (1933): “Ông Phan Khôi”, trong sách Những áng văn hay, và Thử phê bình nhơn vật và văn thơ cổ kim(1933), Nam Ký thư quán, Hà Nội, tr. 42.

2/ Phan Khôi và công cuộc đổi mới tư tưởng

(1) Phan Khôi (1930): “Cảnh cáo các nhà học phiệt”, Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, s. 62 (24.7).

(2) C.D. (1928): “Tư tưởng của Tây phương và Đông phương”, Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s.774 (27.9) ; s.776 (2.10) ; C.D. (1928): “Bác cái thuyết tân cựu điều hòa”, Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s.780 (11.10)

(3) C.D.(1928): “Tư tưởng của Tây phương và Đông phương”, Bđd.

(4) P.K. (1931): “Cá nhơn chủ nghĩa. (Một bài học của quan Tổng trưởng Paul Reynaud cho người Việt Nam) ”, Trung lập,S.G., 28.11).

(7) Phan Khôi (1931): “Tống nho với phụ nữ”, Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, s. 96 (20.8.1931)

(8) Phan Khôi (1931): “Gia đình ở xứ ta, nay cũng đã thành ra vấn đề rồi”, Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, s. 83 (21.5) ; Phan Khôi (1931): “Cái chế độ gia đình nước ta, đem gióng với luan lý Khổng Mạnh”, Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, s. 85 (4.6)

3/ Phan Khôi, nhà sử học

(1) Xem thêm: Lại Nguyên Ân (2003), “Phan Khôi và cuộc thảo luận sử học năm 1928 trên Đông Pháp Thời Báo”, trong sách Mênh Mông Chật Chội,tiểu luận phê bình văn học của Lại Nguyên Ân, Nxb. Tri Thức, Hà Nội, 2009, tr. 391-401.

(2) Xem thêm: Lại Nguyên Ân (2008): “Phan Khôi và cuộc thi quốc sử của báo Thần Chung,Sài gòn, 1929”, trong sách Tìm lại di sản,tiểu luận phê bình của Lại Nguyên Ân, Tp.HCM., 2013, tr. 83-114.

5/ Phan Khôi và sự phát triển văn học theo hướng hiện đại

(1) Phan Khôi (1932): “Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ”, Tập văn mùa xuân,báo Đông Tâyxb.,Hà Nội, tết Nhâm Thân 1932;Phan Khôi (1932): “Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ”, Phụ nữ tân văn,Sài Gòn, s. 122 (10.3).

(2) Phan Khôi (1932): “Một lối văn mà xứ ta chưa có : nhựt ký”, Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, s. 150 (23. 6)

(3) Chương Dân (1934): “Văn nghệ xứ ta năm 1933 và trước năm ấy. Cái kỷ nguyên mới của thơ và tiểu thuyết”, Công luận,Sài Gòn, số Tết (14.2)

(4) (không ghi tác giả, 1929) : “Bàn thêm về bút chiến”, Thần chung,s. 106 (28.5), s. 108 (30.5),

s. 111 (2&3.6), s. 114 (6.6).

(5) Phan Khôi (1929): “Cùng sư Thiện Chiếu bànvề lối dịch sách, hay là phê bình lối dịch của sách Phật học tổng yếu”, Thần chung,Sài Gòn, s. 279 (24.12).

(6) Phan Khôi (1937): “Một xã hội cũng như một tờ báo, phải có cái thái độ phê bình và tiến bộ”, Đông Dương tạp chí,Hà Nội, s. 29 (27.11).

(7) Phan Khôi (1931): “Giới thiệu lối văn phê bình nhân vật”, Phụ nữ tân văn,Sài Gòn, s. 93 (30.7)

(8) Các bài này ký bút danh Hồng Ngâm hoặc Chương Dân, đăng Phụ nữ thời đàm ở Hà Nội, từ số 1 (17.9.1933) đến s. 22 (11.2.1934), có in lại trong sưu tập: Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo 1933-1934,/Lại Nguyên Ân sưu tầm biên soạn/ Hà Nội 2013: Nxb. Tri Thức, tr. 278-360.

(9) Phan Khôi (1931): “Cái địa vị khôi hài trên đàn văn học”, Phụ trương văn chương s. 10. Trung lập, S.G., s. 6481 (4.7).

(10) Phan Khôi (1932): “Một lối văn mà xứ ta chưa có : nhựt ký”, Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, s. 150 (23. 6)

(11) Phan Khôi (1932): “Làm vậy không phải là đạo văn. Trả lời cho ông Mai Lan Quế”, Phụ trương văn chương s. 48. Trung lập, S.G., s. 6695 (2.4)


7/ Phan Khôi dưới thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa

(1) Xem: Phan An Sa (2013): Nắng được thì cứ nắng, Phan Khôi từ Sông Hương đến Nhân Văn,Nxb. Tri Thức, Hà Nội, 2013, tr. 265-266.

(2) Xem sách đã dẫn, tr. 288-294.

(3) Xem sách đã dẫn, tr. 300-312.

(4) Xem sách đã dẫn, tr. 312-315.

(5) Thao Trường (Nguyễn Huy Tưởng, 1949): “Văn nghệ sĩ xuất phát đi mặt trận”, Văn Nghệ,[Việt Bắc], s. 17&18, số Tranh luận (tháng 11&12/1949).

(6) “Kết quả giải thưởng Hội văn nghệ Việt Nam 1951-1952”, Văn Nghệ[Việt Bắc], s. 39 (tháng 2/1953)

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tưởng niệm về Phan Khôi

    26/03/2017Họa sĩ Trần Duy*)Tên ông Phan Khôi tôi được nghe lúc tôi còn học trường Trung học Khải Định tại Huế. Năm 1947-1948, tên nhà văn Phan Khôi lại đến với tôi trong một hội nghị văn hóa tại Hạ Hòa, Phú Thọ, sau đó là lớp chỉnh huấn tại Việt Bắc...
  • Sơ lược về đời làm báo của Phan Khôi

    09/10/2014Lại Nguyên ÂnPhan Khôi (1887-1959) can dự văn chương không hiếm khi với tư cách người sáng tác (làm thơ, viết truyện ngắn, truyện dài) nhưng thường khi với tư cách người bình luận, người nghiên cứu, hoặc với tư cách dịch giả. Hoạt động của ngòi bút ông gắn với báo chí đến mức di sản của ngòi bút ông có cơ mất hút trong mắt các lớp hậu thế nếu họ chỉ đi tìm ông theo cái kênh dễ soi là sách xuất bản thời trước và do vậy chỉ thấy được một ít văn phẩm (Chương Dân thi thoại, Việt ngữ nghiên cứu, …) dường như chưa xứng tầm cỡ tác giả!
  • Khai minh nữa, từ trường hợp Phan Khôi

    09/10/2014Trần TuấnHôm qua (6/10), lần đầu tiên diễn ra một hội thảo về Phan Khôi tại chính Quảng Nam quê hương ông, do Ủy ban tỉnh và Sở Văn hóa tổ chức. Sự kiện đánh dấu mốc tiếp tục khai minh chiêu tuyết một cách đầy đủ, toàn diện những tên tuổi vốn từng chịu oan khốc một thời trong tiến trình dân chủ hóa đời sống xã hội...
  • Điều ít biết về Phan Khôi và Nhất Linh

    11/04/2014Trương Điện ThắngHai nhà văn quê Quảng Nam là Phan Khôi và Nhất Linh có vai trò quan trọng với văn học và báo chí Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20, nhưng có những câu chuyện chưa nhiều người biết...
  • 80 năm trước Phan Khôi viết báo Tết

    22/01/2014Trương Điện ThắngNhà văn, học giả Phan Khôi (1887-1959) không chỉ là người khai sáng phong trào mới với bài Tình già nổi tiếng, ông còn là một nhà báo với nhiều bút danh khác nhau như Tân Việt, Thông Reo, Chương Dân, Khải Minh Tử… Trên nhiều báo đương thời từ Nam chí Bắc. Đặc biệt, ông viết khá nhiều bài về Tết.
  • Tìm lại Phan Khôi

    01/07/2010Cao Việt DũngPhan Khôi chỉ là một trong vô vàn ông tú của lịch sử khoa cử Việt Nam, nhưng là một trong những nhà báo vĩ đại giai đoạn 50 năm đầu của báo chí Việt Nam.
  • Tiểu dẫn về sưu tập các tác phẩm của Phan Khôi đăng báo năm 1932

    30/03/2010Lại Nguyên ÂnTheo kết quả sưu tầm của tôi, bài vở của Phan Khôi đăng báo trong năm 1932 chủ yếu vẫn ở các tờ: báo Đông tây ở Hà Nội, nhật báo Trung lập và tuần báo Phụ nữ tân văn ở Sài Gòn.
  • Phan Khôi (1887 - 1959)

    22/06/2009Ông thuộc số những trí thức hàng đầu có công tạo ra mặt bằng tri thức và văn hóa cho xã hội Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX, nhưng khác với họ, ông thể hiện mình ở vai trò phản biện, và sự phản biện đó đem lại chiều sâu mới cho tri thức.
  • Phan Khôi - Hai thái cực trong tính cách

    13/04/2009Phan TrảnCho đến nay, chúng ta có thể biết nhiều về sự nghiệp trứ thuật của Phan Khôi, nhưng ít ai biết ông trong cuộc sống đời thường với tư cách một người cha. Những mẩu hồi ức đời thường của người con trai thứ của ông - ông Phan Trản sẽ giúp bạn đọc biết thêm vài khía cạnh của một chân dung đã lùi xa vào quá khứ, nhưng di sản của chân dung đó vẫn đang đồng hành cùng chúng ta...
  • xem toàn bộ