Thói hư tật xấu của người Việt: học bề ngoài, khách sáo

05:36 CH @ Chủ Nhật - 27 Tháng Chín, 2015

Chỉ biết học cái bề ngoài
(Phạm Quỳnh, giải nghĩa đồng hóa, Nam Phong, năm 1931)

Người mình vốn có cái thiên tính dễ đồng hóa, nghĩa là có tư cách(1), dễ am hiểu dễ thu nạp lấy những gì khác lạ với mình, dễ đem những điếu hay điều dở của người ngoài mà hóa làm của mình, nhưng cái tài đồng hóa đó thường thường chứa cái khóe tinh(2), biết xem xét và bắt chước của người, phảng phất ở bề ngoài, chứ không thấu triệt được đến chỗ căn để(3), chỗ tinh túy. Tỷ như thợ An Nam thì phỏng chép tài lắm, những hình dáng kỳ đến đâu, những kiểu cách lạ đến đâu, họ bắt chước cũng được như hệt cả. Cái cách đồng hóa dễ dàng thô thiển đó thiết tưởng không phải là cái tính tốt.

Như học trò ta học rất mau, nhớ cũng rất mau, nhưng chưa chắc đã hiểu được thấu, đã hóa được hẳn những cái người ta dạy mình và chưa chắc cái học tiếp thu được dễ dàng như vậy nó đã làm cho óc được khôn ra, người được chín ra chút nào.

(1) nghĩa cũ: trình độ khả năng.
(2) mánh khóe ranh ma.
(3) gốc rễ.


Giam mình trong vòng khách sáo
(HoàiThanh, Thành thực và tự dotrong văn chương, Tao Đàn, năm 1939)

Văn chương ta buồn tẻ nghèo nàn, các nhà văn ta ít thấy khác nhau, chỉ vì họ tự dối mình, vì họ không đủ cái thành thực để phô diễn tâm linh của mình, vì họ tự giam mình trong vòng khách sáo.

Khách sáo chính là cái vỏ mà đoàn thể phủ trên mình, trên linh hồn cá nhân. Về hình thức, khách sáo là những quần áo mũ giày theo thời thượng. Về tinh thần, khách sáo là những tình ý thông thường hay nói theo lối người Tây, những tình những ý vẫn chạy rông ngoài đường phố.


Biếng nhác trong giáo dục gia đình
(Phái Phỉ, Một nền giáo dục Việt Nam mới, năm 1941)

Những bậc cha mẹ ở nước mình đẻ con thì muốn cho nhiều mà dạy con thì thật cẩu thả và biếng nhác. Những ông bố hoặc là nhà kinh doanh, hoặc là người tòng sự các sở công sở tư, suốt ngày suốt tháng đầu tắt mặt tối về sự mưu sinh, có lúc nào rảnh rang thì dành cho các cuộc tiêu khiển như bài bạc hát xướng mà các ông cho là mình có quyền được hưởng sau khi làm việc. Đại để thì đẻ con ra, nuôi chúng như vỗ lợn rồi xin cho chúng một chỗ ngồi trên ghế nhà trường, là tưởng đã làm xong cái trách nhiệm của người cha rồi vậy. Đến những bà vợ... thỉnh thoảng các bà rờ đến con thì: liệu hồn những vú già vú em! Con các bà không hề bị trừng phạt mà chính đầy tớ các bà lại là cái bia chịu đạn.

Trong nhiều gia đình, sự thân mật quá độ và lầm lạc đã hầu thành hỗn xược. Trước mặt cha mẹ, con cái nói năng chẳng dè dặt chút nào. Chúng nói với cha me như với bạn.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc: