Xã hội khôn ngoan biết khai thác tốt tài nguyên tinh thần

05:12 CH @ Thứ Tư - 06 Tháng Bảy, 2016

Xã hội khôn ngoan, sáng suốt, nhân văn thì biết bảo tồn, nâng niu, khai thác triệt để nguồn tài nguyên vô giá của dân tộc mình và của cả nhân loại để làm giàu cho tâm hồn và cuộc sống của mình. Nếu không, thì mỗi con người, thậm chí là cả dân tộc chỉ tồn tại vơ váo đứt đoạn trên thế gian này.

Lâu nay vấn đề tài nguyên tinh thần vốn ít được bàn đến một cách bài bản, cũng chưa có một chiến lược khai thác và phát huy tổng thể nào được đặt ra. Tuy nhiên những người tâm huyết với các giá trị văn hóa dân tộc vẫn lặng lẽ làm. Nhà văn - dịch giả Đoàn Tử Huyến, Giám đốc Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây chia sẻ vài suy nghĩ với Tuần Việt Nam trong những ngày đầu năm.

Tài nguyên tinh thần - giá trị không bao giờ cạn kiệt

- Khi nói đến tài nguyên, người ta thường liên tưởng ngay đến rừng, đến biển, đến khoáng sản và tiềm năng khai thác..., tóm lại là những thứ vật chất có thể cân đo được. Nhưng còn một giá trị khác là tài nguyên tinh thần có vẻ như vẫn chưa được đề cập đến, hoặc chưa được đánh giá đúng, và chưa được khai thác đầy đủ. Ông nghĩ sao?

Đúng thế. Thậm chí hình như trong các Từ điển tiếng Việt cũng chưa có khái niệm "tài nguyên tinh thần"; định nghĩa "tài nguyên" thường gắn với các loại của cải tự nhiên (chưa hoặc đang được khai thác). Tôi hiểu nôm na, "tài nguyên tinh thần" là nguồn vốn tinh thần do tiền nhân làm ra (chứ không phải tự nhiên có) để ta có thể khai thác, tạo ra các giá trị (cả tinh thần và vật chất) khác.

Điều đặc biệt đáng quý là nguồn của cải tinh thần này khi được khai thác không hề bị cạn kiệt như tài nguyên thiên nhiên, mà ngày càng trở nên được bồi đắp, giàu có. Các giá trị tinh thần chỉ có thể bị (từng cá nhân, thậm chí cả thời đại) chối từ, vùi lấp, bị chà đạp, lãng quên, hoặc không được đánh giá, khai thác đúng mà thôi.

Về nguyên lý chung, xưa nay mọi người đều công nhận tài nguyên tinh thần là tài sản vô giá của mỗi xứ sở, mỗi dân tộc, mỗi con người; vấn đề là đối xử và khai thác cụ thể các nguồn tài nguyên đó như thế nào. Xã hội khôn ngoan, sáng suốt, nhân văn thì biết bảo tồn, nâng niu, khai thác triệt để nguồn tài nguyên vô giá của dân tộc mình, và của cả nhân loại, để làm giàu cho tâm hồn và cuộc sống của mình. Nếu không, thì mỗi con người, thậm chí là cả dân tộc, chỉ tồn tại vơ váo đứt đoạn trên thế gian này.

- Các di sản, các giá trị văn hóa, văn học nghệ thuật là những tài nguyên tinh thần vô giá của con người, của dân tộc. Ông đánh giá như thế nào về công việc bảo tồn, khai thác, quảng bá các giá trị đó của chúng ta?

Không chối cãi rằng chúng ta đã làm được, thậm chí làm ấn tượng một số việc ở lĩnh vực này. Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận rằng trong thực tế hiện nay chúng ta vẫn chưa có được sự đối xử đúng với nguồn tài nguyên tinh thần của chúng ta, chúng ta có thể được hưởng. Sòng phẳng hơn mà nói, chúng ta chỉ mới đúng ở lời nói, trên "nguyên lý"; còn làm thì chưa đúng, chưa đủ.

Đã có nhiều chủ trương như tôn trọng, bảo tồn, khai thác, quảng bá, phát huy tài nguyên tinh thần của người Việt, nhưng thường mới dừng lại ở mức "chủ trương", hô hào, mà chưa có được những thực hiện cụ thể, thấu đáo khiến nhiều giá trị tinh thần không được khai thác, phát huy, thậm chí còn bị lợi dụng, mai một; hoặc giả có làm thì kết quả thường là méo mó, thảm hại, hậu quả "lợi bất cập hại", phí tiền của dân, nước.

Điều này tôi thấy khá rõ kể cả nói riêng trong lĩnh vực văn học, xuất bản mà tôi có điều kiện quan sát gần hơn.

Chúng ta được cha ông để lại một nguồn di sản không thể nói là nhỏ, cần được bảo tồn, khai thác và thụ hưởng. Thế nhưng cho đến nay, sau mười năm đầu của thế kỉ XXI, sau 35 năm hòa bình thống nhất đất nước, mà còn rất nhiều những giá trị (văn chương, tư tưởng, lịch sử) chưa được khảo cứu đến nơi đến chốn, khai thác, phổ biến rộng rãi.

Xin chỉ điểm mấy thí dụ. Nhà bác học Lê Quý Đôn để lại một di sản đồ sộ tới bốn chục bộ sách, nhưng đến nay đã có bao nhiêu trong số đó được sưu tập, dịch thuật, khảo cứu, xuất bản làm tài sản tinh thần chung cho mọi người? Đáng ra, đã phải có Toàn tập Lê Quý Đôn, Từ điển bách khoa Lê Quý Đôn rồi mới phải.

Cũng tương tự như vậy với nhiều tác gia lớn khác. Ở Hà Tĩnh chúng tôi có HồngSơn văn phái, một hiện tượng đặc trưng độc đáo với những tác giả, tác phẩm xuất sắc (như Nguyễn Du với Truyện Kiều, Nguyễn Huy Tự với Hoa Tiên truyện, Nguyễn Huy Hổ với Mai Đình mộng kí, cùng hàng chục nhà thơ, hàng trăm tác phẩm nổi tiếng). Nhiều học giả đã đề xuất, nhiều bạn đọc tỏ lòng mong muốn có một Tổng tập Hồng Sơn văn phái (chắc chắn sẽ là tài sản tinh thần rất có giá trị), nhưng đến nay chỉ mới có một số ít được xuất bản bằng sự cố gắng của vài cá nhân, dòng họ...

Ngay đối với các tác phẩm của Việt Nam thế kỉ XX, đặc biệt là giai đoạn nửa đầu thế kỉ, vẫn còn những khoảng trắng trong bản đồ xuất bản hiện nay, nhiều tác phẩm thực sự có giá trị chưa được đến tay người đọc, người nghiên cứu. Nhiều ấn phẩm (sách lẫn báo chí) dần dần bị tuyệt bản. Nếu không có kế hoạch bảo tồn, khai thác, truyền bá, để những di sản đó mai một đi thì sẽ là một tổn thất không thể bù đắp được.

Tại sao có tình trạng như vậy? Có nhiều nguyên nhân, nhưng đừng nói là vì thiếu tiền. Chỉ cần qua thông tin về cách chi tiêu, sử dụng tiền của nhà nước ta biết được từ báo chí, qua các dự án và vụ án... tôi không tin là ta đến nỗi thiếu tiền để làm những việc đó.

Một điều đáng nói, theo quan sát của tôi, thì nhiều cơ quan, tổ chức nhà nước có quyền, có điều kiện, có chức năng trong ngành văn hóa lại chưa làm được tốt, được đủ chức trách của mình ở lĩnh vực này, trong khi đó một số tổ chức phi chính phủ, tư nhân quý trọng các di sản văn hóa dân tộc đã có những nỗ lực và đóng góp đáng kể.

Cuộc sống tiện nghi sẽ phải trả giá bằng sự nghèo đi tài nguyên

- Một học giả Việt Kiều nêu nhận định thế này: chúng ta quá mải mê với các dự án kinh tế khi mời những nhà đầu tư nước ngoài vào khai thác tài nguyên khoáng sản, hoặc các kế hoạch hay chính sách thương mại. Có thể về vật chất chúng ta đang gặt hái được những con số giá trị nào đó nhưng lại làm tài nguyên tinh thần nghèo đi khi bản sắc có nguy cơ bị đồng hóa, con người lệ thuộc vào tiện nghi và rời xa truyền thống hay văn hóa cộng đồng. Ông nghĩ sao về điều đó?

Theo tôi, nhận định đó không phải là không có cơ sở. Hình như Việt Nam chưa có được một nhạc trưởng đủ sức điều hòa chiến lược phát triển toàn diện, hài hòa, và vì vậy nên xã hội nằm ở tình trạng tự phát, mạnh ai nấy làm, không bền vững. Bản năng tự nhiên (tự phát) của con người (số đông) là chạy theo tiện nghi, dễ dãi, ngại khó.

Làm kinh tế, đổi mới trong kinh tế dễ dàng có kết quả, thu lợi bằng tiện nghi vật chất, nhanh chóng đáp ứng bản năng, nhu cầu tự nhiên của con người. Dù ý thức được điều đó, người ta cũng không dễ chống lại. Bản thân tôi phản đối sự lệ thuộc vào tiện nghi, nhưng tôi cũng không thể đứng ngoài vòng quay đó. Tôi không thể không đi xe máy, không dùng điện thoại, vi tính...

Nhưng có một điều cần ý thức rõ, là sự giàu lên bằng tiện nghi vật chất thường phải trả giá bằng sự nghèo đi, cạn kiệt nguồn tài nguyên tự nhiên! Nhìn ra xung quanh, tôi thấy ta đang mang quá nhiều tài nguyên tự nhiên đi đổi lấy những tiện nghi vật chất hào nhoáng, xa hoa nhiều khi thực chất là rác rưởi, độc hại cho tinh thần, bản sắc dân tộc, bản sắc người.

Chạy theo sự phát triển về kinh tế (tiện nghi) nếu không được kiểm soát sẽ tạo ra sự rối loạn, xuống cấp về văn hóa, lối sống, bản sắc dân tộc. Ví dụ nhìn rõ nhất ở khu vực nông thôn bị đô thị hóa cấp tập. Bản chất nông thôn chạy theo tiện nghi, lối sống đô thị hóa sẽ phản bội ngay bản sắc của mình, coi thường, vứt bỏ tài nguyên tinh thần mình đang có để trở thành một dạng lai căng lưu manh hàm ẩn đủ thứ bi kịch và tệ nạn.

Cho nên phát triển kinh tế bền vững phải hài hòa với xây dựng văn hóa. Nhưng xây dựng văn hóa khó hơn nhiều. Một trong những điều kiện để xây dựng thành công văn hóa là phải biết khai thác, phát huy nguồn tài nguyên tinh thần của dân tộc, của cả nhân loại. Tôi nói lại, là chúng ta đang rất cần một trọng tài, một nhạc trưởng, để phân xử, để chỉ huy sự phát triển hài hòa giữa kinh tế vật chất và bản sắc văn hóa tinh thần.

- Ông cũng nói, tài nguyên thiên nhiên dù giàu có mấy đào mãi rồi sẽ đến lúc cạn kiệt, nhưng tài nguyên tinh thần càng khai thác càng làm đất nước lớn mạnh thêm?

Đúng vậy, phải biết dè xẻn tài nguyên (tự nhiên) mình đang có, nghe nói có quốc gia còn mua tài nguyên nước khác về chôn vào lòng đất để dành. Còn tài nguyên tinh thần càng khai thác thì càng giàu có thêm, và không phải để dành, mà còn nên hào phóng quảng bá ra thiên hạ - càng nhiều càng giàu hơn. Lại nữa, tôi tin rằng càng biết khai thác, phát triển tài nguyên tinh thần thì càng biết gìn giữ, bảo vệ các nguồn tài nguyên tự nhiên cho phát triển bền vững, hợp lý.

Có một điều cần lưu ý, là nếu tài nguyên thiên nhiên không khai thác thì nó vẫn còn, giữ nguyên giá trị; ngược lại, tài nguyên tinh thần mà không khai thác, quảng bá thì không có giá trị, thậm chí có nguy cơ bị mất. Nhưng muốn khai thác, quảng bá tài nguyên tinh thần thì cần phải có đầu tư. Hiện nay sự đầu tư của nhà nước ta cho các hoạt động khai thác, phát triển tài nguyên tinh thần vẫn chưa được quan tâm đúng và đủ. Có thể tìm ngay được những con số so sánh giữa ta và các nước khác để thấy rõ chuyện này.

Đừng mải mê làm kinh tế quá

- Vậy Trung tâm Đông Tây của ông đã khai thác tài nguyên tinh thần như thế nào?

Cụm từ "khai thác tài nguyên tinh thần" quá to tát với chúng tôi; tuy nhiên tôi cũng tự tin mà nói rằng hơn mười năm qua, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây đã làm được một số việc đáng ghi nhận theo định hướng này.

Trước hết là việc xuất bản, mà nhiều bạn bè của chúng tôi nói rằng Đông Tây là nơi chuyên làm loại sách... không ai mua! Tất nhiên đó là nói vui. Vẫn có người mua chứ, nhưng không nhiều. Có những bộ sách biết trước là khó bán, chúng tôi vẫn cứ làm, mà làm cẩn thận kĩ lưỡng, vì đó là những giá trị tinh thần của dân tộc. Chẳng hạn như Phan Bội Châu toàn tập, 10 năm trước chúng tôi đã in 10 tập, kỳ cạch bán lẻ từng bộ, thậm chí từng tập, mà vẫn chưa hết, nay đang chuẩn bị in tiếp thêm 2 tập Bổ di và một tập Thư mục cho trọn vẹn.

Thuộc loại này còn có thể kể Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, Thủy kinh chú sớ, Thiên Nam ngữ lục, các tuyển tập tác phẩm của Vũ Tông Phan, Nguyễn Tư Giản, bộ sưu tập Sông Hương - tuần báo, Phan Khôi - tác phẩm đăng báo (nhiều tập),Hải Dương phong vật chí, Việt sử địa dư, Việt Sử toản yếu, Đồng Khánh, Khải Định chính yếu, Viêm Giao trưng cổ kí..; bên cạnh đó là những ấn phẩm có vẻ dễ bán hơn, như An Nam chí lược, Hồi kí Thanh Nghị, Phan Đình Phùng trong dòng lịch sử, Nguyễn Công Trứ trong dòng lịch sử, Một cõi Trịnh Công Sơn, Bùi Giáng trong cõi người ta, Đường Thiền sen nở, v.v... đến nay phải đến hàng mấy trăm đầu sách như vậy, đều là những tài sản tinh thần đáng lưu giữ, quảng bá cho các thế hệ nối tiếp.

Trung tâm Đông Tây cũng chú ý tổ chức xuất bản các tác giả và tác phẩm theo chúng tôi là có giá trị nhưng trước đây có thời bị đánh giá chưa thỏa đáng hay nằm ở "góc khuất" của dư luận, như Phạm Quỳnh, Hoàng Cao Khải, Phan Khôi, Trương Tửu... Trước hết, chúng tôi xác định phải làm đầy đủ công tác tư liệu, bảo tồn tài nguyên di sản, rồi từ đó mới có cơ sở để xã hội khai thác, phát huy các giá trị tinh thần.

Trung tâm Đông Tây còn mở một thư viện khoảng 10.000 đơn vị sách báo, nhiều ấn phẩm thuộc dạng quý hiếm, mở rộng cửa cho bạn đọc - đó cũng là một cách thiết thực chuyển tải các giá trị văn hoá quá khứ đến hiện tại, quảng bá tinh hoa văn hóa nhân loại vào Việt Nam. Ở đây chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức các buổi giới thiệu tác phẩm, các cuộc giao lưu hay trao đổi bàn tròn, đó chính là một hình thức khai thác, phát huy, phát triển tài nguyên tinh thần mà qua nhiều năm tiến hành, được nhiều người đánh giá là rất thiết thực, bổ ích.

Chúng tôi nhận được rất nhiều ủng hộ về mặt tinh thần của bạn bè là các nhà nghiên cứu, các nhà văn, nhà thơ, dịch giả, các nhà báo và đông đảo bạn đọc yêu văn chương. Chúng tôi cũng nhận được tài trợ của một số tổ chức văn hóa dưới dạng dự án xuất bản. Tuy nhiên chúng tôi rất cần, rất mong muốn, có sự ủng hộ từ phía các cơ quan, tổ chức nhà nước - về mặt tinh thần, pháp lí, và về cả vật chất. Giá như nhà nước đặt hàng cho chúng tôi thông qua những dự án khai thác tài nguyên tinh thần cho bạn đọc trong và ngoài nước, hay mua cho chúng tôi những ấn phẩm tốt mà chúng tôi cố gắng làm ra... Nhưng có vẻ như mấy "ông nhà nước" này lại đang mải làm kinh tế quá!

- Xin cảm ơn ông!

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Sân golf và bài toán yên dân

    20/09/2014Nguyễn Trần Bạt“Khi lấy yên dân làm mục tiêu thì ta sẽ lựa chọn được những yếu tố thích hợp cho sự phát triển. Yếu tố nào không làm phương hại đến nhân dân, không loại bỏ đại bộ phận những người lao động, vừa thoả mãn được sự tiên tiến của đòi hỏi thế giới mà vẫn khuyến khích, dìu dắt được sự phát triển năng lực của người Việt thì là yếu tố thích hợp cho Việt Nam.”
  • Tỏa sáng văn hóa Việt

    02/03/2009GS.TS Phùng Hữu PhúĐặc điểm của thăng Long - Hà Nội là một đô thị lâu đời một thành phố sông hồ, một vùng đất có hệ sinh thái đa dạng phong phú nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai biến tự nhiên. Lợi thế hàng đầu của thăng Long - Hà Nội là nguồn nhân lực chất lượng cao, tiềm năng trí tuệ dồi dào, tài nguyên văn hóa vô cùng phong phú. Tất cả những yếu tố đó đều phải được tính đến một cách khoa học trong quy hoạch phát triển đô thị, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, nhất là xác định hướng phát triển ưu tiên và những lĩnh vực, ngành nghề, sản phẩm mũi nhọn.
  • Phát triển bền vững trên nền tảng sự đồng tiến hóa giữa con người và tự nhiên

    22/07/2007Nguyễn Đình HòaHiện nay, khi mà vấn đề môi trường sốngđã trở thành một vấnđề toàn cầu, cả hai khuynh hướng hoặc là tuyệtđối hoá yêu cầubảo vệ môi trường đến mức cực đoan, hoặclà chỉ quan đến tăng trưởng kinh tế đều không đáp ứngđược nhu cầu phát triển của xã hội hiện đại. Bởi phát triển bền vững, trongđó bảo đảm sự kết hợp hài hoà giữa mục tiêu kinh tế, mục tiêu xã hội mục tiêu bảo vệ môi trường, là sự lựa chọn đúng đắn và phù hợp với quyluật...
  • Phát triển xã hội bền vững và hài hòa những vấn đề lý luận và thực tiễn chủ yếu hiện nay

    15/06/2007Lương Đình HảiTrong bài viết này, tác giảđã luận chứng để làmrõ rằng, phát triển xã hội bền vững và hài hoà là một xu hướng tấtyếu, khách quan của thời đại. Phát triển bền vững không thể dựa trên khuôn mẫu tư duy cũ, các quan niệm và giá trịcũ, nó đòi hỏi phảicó tưduy mới, khoahọc hơn, nghĩalà cần có một thế giới quan triếthọc mới. Theo tác giả, vấnđề cấp thiết, đặc biệt quan trọng đặt ra hiện nay không chỉ là giữ gìn,bảo vệ, mà cònlà cải thiện môi trường sinh thái.Do vậy,nội dung của quan niệm phát triển xã hội bền vững và hài hoà phảibao gồm tăng trưởng kinh tế, hiệnđại hóa hay phát triển xã hội gắn với việc giữ gìn,bảo vệ và cải thiện môi trường.
  • Phát triển bền vững: Tiền đề lịch sử và nội dung khái niệm

    24/01/2007Nguyễn Đức ChiệnDựa vào nguồn tư liệu thu thập được, với cách tiếp cận xã hội học, bài viết này trước tiên tổng quan sơ lược tiền đề lịch sử ra đời thuật ngữ "Phát triển bền vững" sau đó đề cập khái niệm "Phát triển bền vững" theo Brundtland, và cuối cùng bàn về khái niệm này qua một số nghiên cứu ở Việt Nam gần đây....
  • Đất đai: Tài nguyên hay tài sản?

    26/11/2005Tường AnhỞ ta, cho đến nay, có lẽ chưa có một lĩnh vực nào xảy ra nhiều tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, kiện tụng, xung đột như lĩnh vực đất đai. Cũng chưa có đạo luật nào bổ sung, sửa đổi lại tốn nhiều giấy mực và thời gian tranh cãi như Luật Đất đai...
  • xem toàn bộ