Yêu thương và tha thứ là cái lõi của cuộc sống

01:24 CH @ Thứ Ba - 12 Tháng Tư, 2016
Lời toà soạn: Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007 vừa được công bố, trong đó có bốn nhà thơ: Lê Đạt, Hoàng Cầm, Trần Dần, Phùng Quán. Dư luận đánh giá cao việc trao giải thưởng cho nhóm tác giả trên bởi đó được coi như một thái độ ứng xử, một cách nhìn mới, một tư duy mới, một lời xin lỗi cùng các tác giả. Báo ANTĐ đã có cuộc trò chuyện cùng các nhà thơ và thân nhân của họ, xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Thi sĩ Hoàng Cầm nay và thi sĩ Hoàng Cầm trước đây vẫn vậy, không có gì khác. Cái đổi khác có chăng chỉ là sự già đi của tuổi tác, còn tâm hồn thi sĩ vẫn bao dung và lạc quan đến lạ kỳ. Ông bảo một nhà thơ là phải luôn giữ tâm hồn mình trong sáng, phải xác định con đường nghệ thuật mà mình đang đi, dù khó khăn gian khổ đến thế nào thì vẫn phải đi đến được cái đích của mình. Năm nay, thi sĩ Hoàng Cầm đã bước sang tuổi 86 nhưng ông vẫn đang yêu: yêu con người, yêu cuộc đời và yêu nhân loại.

Phóng viên ANTĐ: Khi đón nhận giải thưởng này, tình cảm của nhà thơ lúc này như thế nào?

Hoàng Cầm: Tôi cảm thấy vui, và nhẹ nhõm trong lòng. Tôi nghĩ là Nhà nước đã làm một công việc đep, một cử chỉ đẹp. Cử chỉ này không chỉ làm đẹp cho Nhà nước mà con làm đẹp cả cho văn nghệ sĩ. Nếu không độc giả và hậu thế người ta vẫn nghĩ rẳng Nhà nước không công bẳng, hoặc có cái gì đó oan uổng. Nhà nước làm như thế là rất phải và rất đúng. Tôi tưởng rằng, việc này mà làm sau giải phóng thì sẽ đẹp hơn nhiều. Bây giờ mới làm tuy có chậm, nhưng vẫn tốt đẹp, chậm còn hơn không. Vì nếu khi chúng tôi chết đi, mà Nhà nước không giải quyết gì, thì lịch sử sẽ nói lại. Nhưng bây giờ Nhà nước làm như thế này, thì lịch sử không còn gì phải nói thêm nữa. Đã 50 năm rồi còn gì. 50 năm trong giới văn nghệ không phải dài, vì có những tác phẩm tồn tại đến hai ba trăm năm và lâu hơn nữa, nhưng đối với cuộc đời của một con người thì đó là quãng thời gian khá dài.

Thời gian đã qua lâu rồi, mọi chuyện cũng đã qua đi, có điều gì làm nhà thơ oán trách mỗi khi ngoái nhìn lại quá khứ?

Nếu có oán trách thì phải oán trách từ lâu rồi, khi mình đã biết mình, biết người, tôi không hề oán trách ai cả. Mỗi khi cầm bút viết văn, tôi luôn thầm nghĩ rằng con người ta phải biết yêu thương. Thù hận và ghét bỏ thì phải tránh cho xa. Một người nghệ sĩ có cái tâm biết yêu thương thì sáng tác mới hy vọng hay được. Còn nếu trong tâm anh còn thù hận, cái tâm không sáng thì văn chương cũng vứt đi. Một nhà thơ có thể mắc tội ăn cắp bị đưa ra toà, nhưng đó chỉ là sự nhất thời, cái căn bản là phải tìm xem cái tâm anh ta như thế nào, có trong sáng không. Một tác phẩm hay bao giờ cũng chảy ra từ cái tâm trong sáng, còn cái tâm u tối không bao giờ có tác phẩm tử tế được. Trên thế giới cũng vậy, những nhà văn lớn đều có cái tâm lớn. Hơn nữa đây là lỗi do sự ấu trĩ của một số cá nhân của một thời, chứ không phải đường lối của Đảng, Nhà nước là như thế. Bệnh ấu trĩ là bệnh khó tránh khỏi ở một Đảng mới cầm quyền. Trên thế giới ở một số nước cũng vậy, làm sao mà tránh được. Không phải lỗi của Đảng mà cũng không phải là lỗi của Nhân văn. Bây giờ nền kinh tế của ta đã trưởng thành, vững mạnh, người ta mới đủ bình thản để nhìn lại chuyện này. Đó là điều đáng mừng.

Thế nhà thơ có tiếc nuối điều gì không?

Chỉ vì muốn có những điều tốt đẹp trong giới văn nghệ sĩ, nên chúng tôi có nóng vội. Chúng tôi có cái sai là hơi sốt ruột, muốn nói ngay trong lúc vừa mới giành được chính quyền, trong lúc Đảng còn bề bộn bao nhiêu việc. Tôi chỉ tiếc rằng mình làm không đúng lúc, mà không đúng lúc thì cũng rất tai hại. Và còn một điều nữa làm tôi luôn cảm thấy buồn mỗi khi nghĩ đến. Tôi buồn thương cho hai bạn Trần Dần và Phùng Quán mất đã lâu không được biết là mình được xem xét lại. Các anh mất đi mà vẫn buồn vì có cái oan chưa giải. Tôi thấy mình may mắn vì trời cho sống đến bây giờ và lại được trao cái giải thưởng này. Nhìn lại, tôi thấy buồn và thương các bạn. Giá giải thưởng được trao sớm hơn thì tốt quá.


Nhà thơ Hoàng Cầm bên bờ sông Đuống (ảnh chụp năm 2000)

Một giải thưởng cao quý được trao khi có biết bao thăng trầm và cả những nỗi đau đã trải qua cuộc đời của một người nghệ sĩ, nhà thơ có bất ngờ không?

Tôi hạnh phúc và bình thản nhận giải thưởng này mà không có bất ngờ vì tôi biết ngày đó sẽ đến, chỉ có điều nó sẽ đến chậm. Thời gian có thể kéo dài nhưng đến một lúc nào đó sự thực sẽ trỗi dậy, chúng tôi vui vì thấy giá trị của mình vẫn được thừa nhận, không có ai có thể xoá đi được. Tôi yên trí vì tác phẩm của tôi không bao giờ chết, tác phẩm của tôi cho dù có bị vùi lấp đi thì tôi cũng không bao giờ oán trách ai cả. Tôi không nghĩ là tài sản của mình bị mất, tài sản của tôi vẫn còn, dù ai có đổ cát vào lấp đi cũng được, muốn bao nhiêu năm cũng được. Có thể lúc tôi qua đời lâu rồi cũng chưa chắc có giải thưởng này. Được nhận giải thưởng, tôi cho đây là cái phúc trời cho. Còn bây giờ nói cảm ơn Đảng, cảm ơn Chính phủ thì tôi e nó hơi khách sáo.

Niềm tin nào cho sáng tác của ông?

Trong cuộc sống nếu không có niềm tin thì làm sao tồn tại được. Tôi vẫn tin tưởng vào cuộc đời, vào con người, vào tương lai… Hơn thế, nội dung sáng tác của tôi đều tốt đẹp, khi kiểm điểm lại thì không có sáng tác nào là xấu cả. Vì cái đó mà tôi tin. Tôi không viết một cái gì có tình chất uế tạp nhơ bẩn hoặc con người hằn học nhau. Tác phẩm của tôi thường viết về tình yêu quê hương đất nước, yêu con người xung quanh. Con người tôi như thế, tâm hồn tôi như thế, các tác phẩm của tôi còn lù lù ra như thế làm sao mà xấu được. Chính vì thế tôi vẫn tin.

Nỗi ám ảnh của cả một giai đoạn dài có làm ảnh hưởng đến sáng tác của nhà thơ không?

Lúc bấy giờ cả giới văn nghệ sĩ chống lại nhóm Nhân văn-Giai phẩm, chúng tôi bị cô lập hẳn và phải sống một cuộc sống khổ sở. Khó khăn về vật chất còn có thể khắc phục nhưng khó khăn về tinh thần thì khó hơn nhiều. Lúc đó chúng tôi chỉ biết lấy sáng tác để khắc phục, làm đêm làm ngày, tập trung sáng tác để quên đi cái khổ. Chỉ có cách khắc phục bằng lý tưởng cách mạng của mình thôi chứ biết làm sao. Thời gian đó chúng tôi vẫn sáng tác chỉ có điều kém phấn khởi, kém hào hứng vì viết ra không được in, nếu viết ra được trực tiếp đến ngay với độc giả thì bao giờ cũng gây hưng phấn hơn. Tuy nhiên tôi không thay đổi khuynh hướng sáng tác, mà các sáng tác của tôi càng sâu sắc hơn. Trời đã sinh ra mình để làm anh sáng tác thì thời tuổi trẻ mình mơ ước đến cái gì, muốn viết cái gì thì đã được định sẵn rồi.

Đất nước đang đổi thay từng ngày, nền kinh tế đang trưởng thành vững mạnh, nhà thơ có tác phẩm mới nào viết về đề tài này không?

Có đấy, muốn viết lắm, thèm viết lắm, xúc cảm có rồi, bố cục có rồi, nhưng mà từ sau đận ngã viết khó quá, tôi thấy sức khỏe trong người đã yếu rồi, có lúc muốn viết nhưng chỉ được 5 phút là đầu óc lại rối không viết được. Nhưng tôi sẽ xuất bản một cuốn hồi ký về cuộc đời mình.

Và trong cuốn hồi ký ấy sẽ có cả những bài thơ tình và những câu chuyện tình, thưa nhà thơ?

Đó là cuốn hồi ký chân thực như tôi đã từng sống, ở đó không có sự hằn học hay có tính chất thù hận ai. Còn về chuyện tình thì tôi còn khối. Thơ tình của tôi không bao giờ vui mà thường là buồn. Tôi cứ nghĩ đến những mối tình đã qua, có những người đã xa rồi, có người không biết đi đâu về đâu, nên cái buồn cứ thấm vào người.

Thơ tình của ông thường lấy từ cảm hứng từ mối tình thật, “Lá diêu bông” cũng là một mối tình?

“Lá diêu bông” là mối tình của tôi từ năm tôi lên 8 tuổi. Tôi yêu một chị hàng xóm, yêu say mê, yêu như một người lớn chứ không phải là một đứa trẻ con. Chị ấy tên là Vinh. Một lần tôi thấy chị đi tìm một cái gì đó trên mô đất ngoài đồng, tôi lẳng lặng đi theo chị, ngẩng lên thấy tôi chị mắng: “Sao cứ lẵng nhẵng đi theo chị”. Một lời mắng mà như không phải một lời mắng mà nó như một lời khẳng định “mày đang yêu tao”. Tôi nghe chị nói mà thấy phấn chấn lạ lùng, như có một luồng điện chạy trong người làm tôi rạo rực. Chị yêu tôi nên chị mới đùa: “Đứa nào tìm được lá (lá gì tôi không nhớ) ta gọi là chồng”… Sau hồi ấy, có một đêm không ngủ được, có cái gì trong quá vãng hiện về. Trong không gian tĩnh mịch và vắng vẻ ấy tôi thấy bật lên thành tiếng 3 câu thơ:


Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng
Chị thẩn thơ đi tìm
Đồng chiều, cuống rạ…”

Cứ như thế, tôi viết hết cả bài mà không phải chỉnh sửa chữ nào. Đó là những bải thơ trong tâm linh có lúc nó bật ra thành hình ảnh, thành tiếng, thành lời.

Nhà thơ nghĩ thế nào về tình yêu, tình người và sự tha thứ trong cuộc sống?

Tha thứ là cái lõi của cuộc sống. Cuộc sống mà không biết bao dung, chỉ bo bo chỉ nghĩ đến mình thì không được. Người cầm bút là phải nghĩ đến quê hương mình, đồng bào mình, rộng ra thì nghĩ đến nhân loại. Tôi không nhớ lâu về những chuyện buồn, chuyện đáng giận. Tôi không bao giờ giận lâu kể cả những người phản bội. Những người có lỗi chỉ cần đến với tôi và nói một lời xin lỗi là tôi quên hết.

Nhà văn Đỗ Chu – thành viên Hội đồng văn học - đã nói rằng việc trao giải thưởng cho nhómNhân văn- Giai phẩm là “một lời xin lỗi của anh em với các anh”, nhà thơ có nghĩ như vậy không?

Cũng có thể là như thế!

Xin cảm ơn nhà thơ về cuộc trò chuyện này, chúc ông sức khoẻ và những sáng tác mới!
Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Thiếu phản biện sẽ dẫn đến suy đồi

    08/07/2019Nguyễn Vĩnh Nguyên (Chân dung Hội họa Hoàng Tường)Nhân vật trang Giá trị sống kỳ này không xa lạ với những ai quan tâm đến nghiên cứu, phê bình văn học và văn bản học báo chí nửa đầu thế kỷ 20. Cuộc trao đổi này diễn ra đúng vào ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 2010, và, câu chuyện mà nhân vật bài viết tỏ ra hứng thú để hàn huyên cũng là báo chí với học thuật, tiếng nói trí thức…
  • Những đoản khúc Lê Đạt

    15/12/2018Nhà phê bình Phạm Xuân NguyênNgười “phu chữ” Lê Đạt đã dừng chân trên công trường chữ sản xuất thơ ca. Trong “bộ tứ” nhà thơ thường được nhắc đến của thời Nhân Văn – Giai Phẩm, ông là người ra đi thứ ba, sau Phùng Quán, Trần Dần. Cả bốn ông rồi ra đều được trao tặng giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật...
  • Chúng ta chưa có con ngựa văn hóa để cưỡi

    09/07/2017Nguyễn Trần BạtHiện tượng bùng nổ do những trạng thái phát triển mới về tự do không phải là hiện tượng chỉ có ở Việt Nam. Thời kỳ Phục hưng, thời kỳ Khai sáng là những thời kỳ làm bùng nổ rất nhiều tài năng. Những trạng thái bùng nổ tinh thần tạo ra sự bùng nổ các tài năng là một hiện tượng có thật. Ở Việt Nam cũng có nhiều lúc như vậy....
  • Tôi vẫn tự hỏi ‘Tổ quốc là gì?’

    28/01/2016Tuấn KhanhTổ quốc là gì, mà trước khi chết, Frederic Chopin, nhà soạn nhạc lừng danh của Ba Lan (1810 – 1849) cứ khắc khoải dặn dò trong lúc đau yếu, rằng hãy mang trái tim của ông về chôn cất ở quê nhà? Lưu lạc ở Pháp và Anh suốt trong 20 năm, nhưng Chopin luôn ngóng về đất mẹ...
  • Không gian mới của trí thức

    25/09/2015Huy Đức - Mỹ Lệ lược thuậtNhà văn Nguyên Ngọc, Nhà sử học Dương Trung Quốc, Nhà nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên, cùng với Tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa đã gặp mặt đầu năm 2008 cùng Sài Gòn tiếp thị, để từ những sự kiện văn hóa diễn ra gần đây, nghĩ về vai trò của trí thức...
  • Người Việt ít cần 'món ăn tinh thần'?

    10/10/2014Trần Trọng LinhTrong một khoảng thời gian quan sát và nghiên cứu tôi nhận thấy trong các bảo tàng nghệ thuật hay những nơi diễn ra các sự kiện văn hoá nghệ thuật: thơ ca, âm nhạc, biennale nghệ thuật đương đại, festival âm nhạc, múa... rất ít người Việt Nam có nhu cầu quan tâm đến văn hoá nghệ thuật...
  • Muộn còn hơn không

    22/08/2014GS. Tương LaiNhững nỗi đau của con người, và những nỗi đau của dân tộc, những vết thương cứa vào lòng người, chắc cũng vậy thôi. Hàn gắn những nỗi đau đó, hình như cũng phải làm dần từng bước. Làm dần, nhưng phải có bước khởi động, phải có lúc bắt đầu, và muộn còn hơn không...
  • Nguyễn Hữu Đang: một bi kịch lớn

    15/08/2014Nhà báo Lê Thọ Bình"...Tại sao trường hợp ông Nguyễn Hữu Đang lại được quan tâm nhiều như vậy? Bởi vì ông có một số phận đặc biệt. Còn rất trẻ, ông đã là Thứ trưởng trong chính quyền, ông là nhà truyền giáo cách mạng hùng hồn bậc nhất mặc dù không để lại nhiều trước tác. Sau nữa, ông là người được Hồ Chí Minh giao trách nhiệm dựng lễ đài đọc Tuyên ngôn độc lập 2.9.1945. Nhưng cái làm cho nhiều người “mê” ông chính vì ông là một nhà cách mạng nhiệt thành và hơi… cuồng tín...
  • Trần Dần: Giải một bài toán văn chương

    09/03/2014Phạm Xuân NguyênMột cuốn tiểu thuyết sau gần nửa thế kỷ mới được xuất bản, nhưng đọc rất mới, đọc rồi đọc lại vẫn mới, vẫn bất ngờ trước từng trang, vẫn không dễ nắm bắt nội dung, đó là Những ngã tư và những cột đèn của nhà văn Trần Dần...
  • Trần Dần vượt nhiều “ngã tư”, đến sớm nửa thế kỷ

    21/06/2011Vi Thùy LinhTối 16/6, tại Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội đã diễn ra buổi tọa đàm Trần Dần trong văn xuôi, xoay quanh Những ngã tư và những cột đèn - tiểu thuyết hay nhất của ông. Với văn xuôi, nhà thơ Trần Dần (1926 - 1997) vẫn chứng tỏ tầm vóc của nhà cách tân ngoại hạng...
  • Phê bình Văn học Con vật lưỡng thế ấy

    19/01/2011Đỗ Lai ThúyCách gọi tên sách của tiến sĩ Ðỗ Lai Thúy cũng góp phần làm mềm hóa những trang viết thường được xem là khó đọc trong lĩnh vực văn chương: lý luận phê bình. Phê bình văn học, con vật lưỡng thê ấy, hơn thế, lại là một tập sách không nhằm vào các vấn đề lý luận, mà tác giả làm động tác hệ thống lại các trường phái phê bình văn học từng xuất hiện tại văn đàn Việt Nam...
  • Một nền giáo dục công nghiệp hóa trong bối cảnh văn minh toàn cầu

    26/03/2009Phạm ToànCuộc thảo luận về Cải cách Giáo dục đã kéo dài bao nhiêu năm rồi! Liệu có được một công cụ tư duy hành dụng - một hướng đi và cách làm - nhằm dồn các cuộc cãi cọ vào hành động cải cách giáo dục hữu hiệu?
  • xem toàn bộ