Sự thật của ngày nói dối

04:55 SA @ Thứ Hai - 01 Tháng Tư, 2019

Ngày nói dối mồng 1 tháng tư là ngày của sự thật biết cười

Ở buổi bình minh của nhân loại, con người ta là hoang sơ là trong trắng, y xì như con chim con cá hay con thú, đại loại là những sinh thể mà không hiểu sao cho đến ngày hôm nay vẫn chưa biết nói dối. Hoặc yêu hoặc ghét, tất thẩy đều vô cùng minh bạch. Nếu có thích thì nồng nàn thắm thiết nhoẻn cười gật đầu. Còn nếu không thì nguây nguẩy quay lưng lạnh lùng lắc. Tuyệt không thấy có cái hạng đểu giả miệng nam mô bụng một bồ dao găm.

Theo các tài liệu cổ sinh học thì con người may mắn có được một xuất xứ thanh bạch như thế là bởi căn cốt cơ địa có cấu tạo thích hợp cho việc ăn hoa lá hoặc cỏ cây. Nôm na thời thượng như bây giờ gọi là ăn tham mặc dầu có người ngây ngô cho rằng đây là một liệu pháp nhằm trị bệnh. Sự thật là thoạt kỳ thủy, con người tuyệt không biết sát sinh ăn mặn (hoặc thịt hoặc cá hoặc vân vân, nói chung là những thứ biết động đậy biết bò, biết bơi, biết bay, biết nhẩy). Giống như các loài ăn thực thảo, loài người không có nanh không có vuốt, đường ruột rất dài cốt để tự nhiên ủ men làm chín những thức ăn thực vật. Điều này khác hẳn với các loài thú dữ bẩm sinh quen tính ăn thịt như hổ báo, như cá sấu, như chim lợn. Đám này đương nhiên có mỏ nhọn, có nanh vuốt sắc bén nhưng đường ruột lại vô cùng ngắn, nhằm tống thật nhanh những thực phẩm đẫm đầy protein ra ngoài, tránh ủ lâu sinh độc tố nhiễm vào nội tạng. Chính vì thế mà khoa học của con người dù gian ngoan tối tân tới đâu cũng không thể phát hiện một con hổ hay con báo nào bị cao huyết áp hay bệnh tim mạch.

Khi ăn nhiều rau xanh nhiều lá tươi, thỉnh thoảng háo ngọt lắm mới ăn mật hoa, hiển nhiên cơ thể con người lâng lâng nhẹ nhàng tâm hồn bình an thanh thản chỉ toàn biết nghĩ thật và nói thật. Ở vào cái thời đại trong veo tràn đầy thiên lương ấy, con người bất cần ngôn ngữ hay văn tự. Không có du dương văn chương, không có nhố nhăng điện ảnh chứ đừng nói gì đến những thao tác xảo trá thương mại. Hình thức nghệ thuật duy nhất hình như chỉ là hội họa, những nét vẽ nguệch ngoạc lên vách động hồn nhiên đẹp đẽ tới vô cùng. Rồi đại họa bỗng đến, một tia sét ngẫu nhiên từ giời cao đánh xuống làm cháy một khu rừng. Vài con gà rừng con bò rừng bị lửa táp quay chín thơm lừng như bún chả Hàng Mành. Và con người nổi tà niệm ăn thử một miếng. Sao mà ngon mà khoái khẩu thế. Kinh Phật cho rằng "họa tòng khẩu nhập", nôm na là tai họa đi từ miệng vào có lẽ là nương theo điền này. Kể từ đó con người đam mê trượt sâu vào nỗi thèm khát ăn mặn. ( Thần thoại Hy Lạp quy “ công lao” ăn cắp lửa từ thiên giới mang xuống thế gian cho Prômêtê. Để trừng phạt cái anh chàng đã làm hỏng thiên tính của loài người, chúa tể của các vị thần là Dớt đã xích Prômêtê vào vách núi làm đồ mồi cho đám đại bàng thích ăn mặn hàng ngày đến nhậu).

Đương nhiên sau khi biết ăn thịt con người trở nên cao cả hung hãn, bản ngã lộ ra chỉ muốn chiếm đoạt sở hữu. "Hoặc tham lam hoặc sân hận hoặc si ngốc" (Kinh Pháp Cú) . Để che giấu những dục vọng vừa phát sinh nhằm vơ vét bạc vàng, hoặc mỹ nhân cho riêng mình, con người ta thuần thục sẵn sàng nói dối. Và hệ lụy tất yếu của dối trá sẽ là những sự tranh giành đẫm máu mà sử học bi thảm hay gọi là các “ cuộc chiến tranh phi nghĩa”. Ở những cuộc chiến tàn khốc này, nghệ thuật mặt dày nói dối được đẩy tới đỉnh cao. Thế nhưng có một nghịch lý khi sự dối trá kéo dài triền miên thì thẳm sâu trong nó lại chứa đựng một chân chính sự thật. Ví như sự đồng thanh tụng ca một vài giá trị thời thượng nào đấy chẳng hạn. Mới xinh xinh hoa hậu của một vùng đà coi là tuyệt đại mỹ nhân. Mới loay hoay sắp sửa thành hề đã xưng xưng rằng danh hài của mọi thời đại. Hoặc là cánh diều vàng chưa gặp gió đã rơi rụng hoen gỉ. Hoặc là kiệt tác thi ca vừa được giải đã thăng hoa ra đồng nát. Tuy nhiên, nếu năm này sang năm khác, tất cả những cái phù phiếm giả dối đó cứ hời hợt lặp đi lặp lại bỗng tự dưng chính nó sẽ bộc lộ ra trung thực tâm thế của một thời. Đức Phật gọi những lẫn lộn đấy là Vô Minh, một thuật ngữ siêu việt chính xác mô tả tuyệt đúng bản chất con người . Và chính nhờ có sự vô minh, mà đám chúng sinh chúng ta khi đang khao khát danh lợi mới có thể luẩn quẩn tồn tại được.

Không phải ngẫu nhiên, nhân loại có nhiều đau đớn để trưởng thành đã tự dành riêng cho mình một ngày "Cá tháng Tư", thoải mái cho phép rồi sâu xa nâng niu những lời mang vẻ nói dối. Con người đã lầm lạc và con người chân thành muốn phản tỉnh. Ở cái ngày này mọi người được quyền đem đạo đức đem chân lý đem tình yêu tình bạn, những thứ bất khả xâm phạm ra cay đắng trêu đùa. Còn có cách gì nhân văn hay hơn, khi những điều thực sự thiêng liêng được thanh thản hài hước phản biện.

Có thể nói, ngày nói dối mùng Một tháng Tư là ngày của sự thật biết cười.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Nói dối: đáng ghét và đáng yêu

    31/03/2017Minh DuyCuộc sống luôn tồn tại nghịch lý tốt và xấu. Dù dân gian đúc kết “Thật thà là cha dối trá” song không phải lúc nào và ai cũng cần và muốn nghe lời nói thật. Dẫu thế, con người vẫn mải miết kiếm tìm sự thật và mong muốn nói dối không thuộc về mình. Vì sao có thực tế này?
  • Báo động đỏ về sự dối trá

    31/03/2017Nguyễn Khắc PhêVấn đề đáng”báo động đỏ” trước hết của xã hội hiện nay (chứ không chỉ đối với ngành giáo dục) là phải bằng mọi biện pháp chống lại sự giả dối, gian trá, đề cao tính trung thực như là tiêu chuẩn đầu tiên để xem xét một con người...
  • Nói dối ngày nói thật

    30/03/2017Phạm Bích SanSự thật mất lòng, điều này ai cũng biết. Nói dối còn làm người ta mất lòng hơn, thậm chí căm ghét như một thói hư tật xấu tệ hại nhất, điều này mọi người lại càng biết. Nhưng tại sao lại có ngày nói dối mà không có ngày nói thật? Điều này quả là ít ai biết, chỉ biết bên trời Tây hàng năm người ta có ngày Cá tháng Tư để mọi người tha hồ nói dối mà không phải chịu trách nhiệm đạo lý đối với nó
  • Bệnh giả dối đang thành nỗi nhục lớn

    02/06/2015Bùi Hoàng TámSự giả dối hiện nay đang có nguy cơ trở thành nỗi nhục trong khi truyền thống dân tộc Việt Nam không phải là dân tộc giả dối. Ngành giáo dục càng không thể là ngành giả dối
  • Sự tin cậy, đạo đức và luật pháp

    19/03/2015Trần Hữu QuangTrong đời sống xã hội, tại sao người ta phải tin nhau? Nếu người ta không còn tin nhau thì hậu quả sẽ ra sao? Đâu là những điều kiện xã hội của sự tin cậy nhau trong xã hội?
  • Vũ khí lợi hại nhất là... dối trá

    31/03/2014Quái ĐaoPV: Xin ông cho biết... bí quyết để trở thành một quan tham là gì?
    Quan tham: Không có bí quyết. Bởi một khi đã "quyết" rồi thì không để cho mình bị "bí"!
  • Ngụy tín

    11/03/2009Nguyễn Văn TrungThái độ chân thực chỉ có giá trị luân lý nhưng không có lợi, nhưng không có lợi và người ta vẫn thích cái lợi hơn cái luân lý, tuy biết che giấu cái lợi dưới bộ mặt luân lý.
  • Nhỏ: dối trá, lớn lên: sao thành người tử tế!

    23/07/2006H. VinhNền giáo dục ngày nay, mục đích thi cử rõ ràng là để lựa chọn những người đủ tâm, đủ tài cho đất nước. Nhưng chúng ta không khỏi băn khoăn, trăn trở qua những kỳ thi nhiều khi bị biến tướng, không phản ánh thực chất của việc học hành và trình độ các thí sinh hiện tại, không phản ánh đúng thực chất của tình hình giáo dục hiện nay...
  • xem toàn bộ